Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

8/ LỬA ĐỐT KHUYÊN CON BIẾT CÓ THẦY / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Lửa đốt khuyên con biết có Thầy
Sau khi nền Đại Đạo đã được phổ truyền ra khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, các vị Tiền Khai Đại Đạo được lịnh Ơn Trên phổ truyền nền chơn đạo ra miền Trung, đúng theo lời dạy của Đức Chí Tôn ngày 15-9 Bính Dần (21-10-1926), nhân dịp khai đàn tại nhà ông bà Hồ Quang Châu và Phan Thị Lân:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền chơn đạo một mình Ta.
Công cuộc phổ truyền Đại Đạo ra Trung Kỳ lúc bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn bởi lẽ kể từ năm Mậu Thìn (1928) trở đi, triều đình Huế ban hành nhiều lệnh cấm đạo Cao Đài. Tuy nhiên, với đức tin dũng mãnh và chí hy sinh bất chấp mọi khó khăn gian khổ của các vị tiền bối hai miền Trung, Nam cũng như nương nhờ sự phò trì của Thiêng Liêng, các vị vẫn truyền bá được đạo Cao Đài ra miền Trung. Bấy giờ, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của các tiền bối là xây dựng trụ tướng nền Đạo hay thánh thể Đức Chí Tôn để làm cơ sở phổ độ nhơn sanh.
Theo Hồi Ký của tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật, cuối mùa thu năm Đinh Sửu (1937), tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (1870-1946), nguyên là Thái Lão Sư đạo Minh Sư đã sớm quy hiệp Cao Đài (1926), được lịnh rời miền Nam ra Trung để chủ trì, hợp sức cùng các vị hướng đạo miền Trung gấp rút xây dựng một thánh sở với quy mô to lớn cho kịp việc công khai hình thành tổ chức giáo hội tại miền Trung trong lúc còn chờ có đầy đủ các điều kiện cần thiết để xây dựng Trung Hưng Bửu Tòa sau này.
Các vị đã được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy hãy chọn địa điểm tại Đà Nẵng (thời ấy gọi là Tourane) để việc xây cất cũng như việc phổ độ về sau được dễ dàng vì bấy giờ Đà Nẵng là nhượng địa thuộc Pháp, nên không chịu sự chi phối của luật lệ triều đình Huế. Đức Giáo Tông còn ban cho thánh sở tên gọi là thánh thất Trung Thành.
Mua đất xong, các vị gấp rút xúc tiến việc xây cất thánh thất tạm bằng tranh để có nơi cho các vị Thiên ân sứ mạng tạm trú trong thời gian tiến hành xây dựng thánh thất quy mô, đồng thời cũng để có nơi cúng kính hằng ngày và làm lễ nhập môn cho nhơn sanh vì số người xin cầu đạo ngày một đông, nhất là từ khi tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang ra Trung. Bởi lẽ với uy tín sẵn có từ lâu của bậc chơn tu đức độ nguyên là Thái Lão Sư đạo Minh Sư, cùng với dáng vẻ oai nghi, tiên phong đạo cốt, tiền bối đã cảm hóa được rất nhiều người theo Đạo, trong số đó có Carlos.
Là người Việt lai Pháp, trước kia Carlos làm nhân viên Sở Thương Chánh (nay gọi là Hải Quan), chuyên bắt rượu lậu, thuốc lá lậu… Về sau ông lại làm cho Sở Mật Thám Đà Nẵng.
Khi tiền bối Ngọc Chưởng Pháp đến Đà Nẵng, dân chúng đồn đãi rằng có ông lão ở Sài Gòn mới ra, trông như là ông tiên, vì thế rất nhiều người rủ nhau tìm đến. Trong đó có người xin học đạo, có kẻ hiếu kỳ muốn xem tướng mạo phi phàm của tiền bối, và cũng có kẻ hiếu thắng cốt ý thử thách vị chân tu.
Carlos là một trong số những người ấy. Thế rồi, ông mau chóng được tiền bối Ngọc Chưởng Pháp cảm hóa, nên đã nhập môn Cao Đài, trở thành một tín đồ nhiệt thành.
Trở lại với công cuộc tiến hành xây dựng thánh thất Trung Thành. Hoàn cảnh bấy giờ muôn vàn khó khăn, từ việc xin giấy phép xây dựng cho đến tình trạng eo hẹp về nhân lực, tài lực…
Để trợ lực cho miền Trung, Ơn Trên dạy tiền bối Lê Kim Tỵ (1893-1948) rời miền Nam ra nhận lãnh trọng trách tạo tác thánh thất Trung Thành cho kịp ngày khánh thành theo lịnh Đức Chí Tôn là 08-4 Mậu Dần (thứ Bảy 07-5-1938).



Tính ra, thời hạn chỉ có một tháng bảy ngày. Tuy thế, tiền bối Lê Kim Tỵ rất hăng hái, vì bấy lâu tiền bối luôn quan tâm theo dõi công cuộc truyền Đạo ra Trung Kỳ và rất nóng lòng muốn ra Trung để giải quyết các khó khăn trong việc xây dựng thánh thất Trung Thành.
Thuở ấy, về phương diện xã hội, tiền bối Lê Kim Tỵ là một nhà thầu khoán danh tiếng ở miền Nam, được chính quyền Pháp vì nể. Về phương diện hành đạo, tiền bối được tán dương là người hùng tạo tác của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên bởi lẽ trong quá trình xây dựng bảy mươi hai thánh tịnh của Tiên Thiên, hễ nơi nào gặp khó khăn, cản trở mà có tiền bối đến can thiệp thì đều được suôn sẻ.
Là bậc hướng đạo có tài trí ứng phó lanh lẹ, năng nổ xông pha, tháo vát, tiền bối Lê Kim Tỵ đứng ra lo liệu từ việc nhờ người vận động Phủ Toàn Quyền Hà Nội can thiệp để công sứ Pháp tại Đà Nẵng (Tourane) đồng ý cấp giấy phép xây dựng, cho đến việc tiến hành tạo tác suốt cả ngày đêm…
Mỗi ngày tiền bối Lê Kim Tỵ dậy sớm từ năm giờ sáng và đến sáu giờ thì có mặt ở công trường để điều hành, kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng.
Tiền bối là người nhiệt tình, cương trực và nóng tính. Trong công việc, tiền bối buộc mọi người phải răm rắp tuân thủ kỷ luật và chấp hành lịnh của tiền bối. Mỗi khi có ai trái lịnh hoặc chểnh mảng nhiệm vụ, tiền bối quen lớn tiếng khiển trách nặng nề.
Cũng bởi thế mà trong đạo hữu có người không thích. Họ làm một bài thơ gởi Đức Chí Tôn, ngầm chỉ trích tiền bối Lê Kim Tỵ. Bài thơ bỏ vào bì thư niêm kỹ, nối theo một dây bùi nhùi bằng giấy dài độ hai tấc tây. Đoạn gần phong bì có cột chùm que diêm nối với mồi lửa. Rồi họ lén nhét tất cả lên mái tranh ngôi thánh thất tạm.
Hôm ấy nhằm ngày 10-3 Mậu Dần (10-4-1938), các tiền bối lập đàn cầu cơ, có tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang và đủ mặt các vị hướng đạo cùng đông đảo bổn đạo địa phương. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ, gọi ông Carlos đến dạy:
Con ra mái nhà phía sau lấy phong thư và mồi lửa đem vào cho Thầy kẻo cháy nhà. Đi con, và để vậy đem vào. Thầy sẽ họa nguyên vận bài thi theo ý hỏi.
Ông Carlos vội vàng leo lên mái lấy phong thư và mồi lửa xuống rồi mang vào. Thầy dạy tiếp:
Để Thầy trả lời mấy lời thơ con T. V. T. muốn hỏi. Rồi các con sẽ mở phong bì ra đọc cho cả đàn cùng nghe.”
THI
Rõ thấu lòng con trẻ hỏi đây,
Càng thêm đau đớn thửa tâm Thầy.
Độ đời mạt kiếp đương nhiều mặt,
Cứu thế Kỳ Ba phải đủ tay.
Khôn dại, hư nên Thầy cũng độ,
Thành không mạng vận trẻ nghe này.
Bóp lòng khó giải lời tâu hỏi,
Lửa đốt khuyên con biết có Thầy.
Vậy con đọc rồi Thầy cho khui lấy bài thi của con T. V. T. thì rõ. Cười…
Bài thơ của T. V. T. có nội dung như sau:
“Cúi mong Ơn Trên chứng chiếu.
THI
Lòng thành xin hỏi mấy lời đây,
Nếu thật không trung quả có Thầy.
Cứu thế bao nài cơn khổ cực,
Độ đời há lại thiếu gì tay.
Dùng chi những bọn hàng tôm cá,
Cơ hội ngày nay đến nỗi này.
Muôn lỗi xin dùng mồi lửa đỏ,
Trung Thành đốt cháy ắt không Thầy.
Mọi người hiện diện trong đàn cơ hôm ấy bị một phen hú vía.
T. V. T. là ai? Hôm đó có mặt trong đàn cơ hay không, chẳng ai biết. Nhưng sau đàn cơ ấy, đức tin của bổn đạo địa phương càng tăng lên mạnh mẽ, lấn át cả các thị phi trong nội bộ. Mọi người đồng tâm nhất trí bắt tay nhau tạo tác thánh sở.
Chỉ trong mười lăm ngày đêm, thánh thất Trung Thành với quy mô đầy đủ Tam Đài được hoàn thành. Đó chính là phép mầu nhiệm của đức tin dũng mãnh, của sự đồng tâm nhất trí, hy sinh chia sẻ gian khổ nan nguy của toàn bổn đạo miền Trung, của lòng nhiệt thành ủng hộ của toàn đạo tâm miền Nam, đặc biệt là sự hướng dẫn chỉ đạo của hai vị tiền bối Trần Đạo Quang và Lê Kim Tỵ.
Đó cũng là phép vận chuyển mầu nhiệm, ủng trợ phò trì của Thiêng Liêng trên từng bước đường hành đạo của những người con áo trắng, y như lời Thầy đã dạy đồng tử Thanh Long trong buổi tiễn đưa đoàn người sứ mạng lên đường truyền giáo Trung Kỳ:
Lời Thầy gắng nhớ nghe con,

Dù chi đi nữa vẫn còn Thầy đây.
Diệu Nguyên



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)