Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

5/ BIỆN BẠCH / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ



BIỆN BẠCH
Tiền bối biết phải trình bày sao đây? Chỉ mới hơn ba tháng học tu, học đạo, vốn liếng thu góp không được bao nhiêu. Mặc dù tiền bối đã sắp đặt, củng cố trong tâm ý trên suốt dọc đường về, để giờ này ứng phó. Nhưng liệu có xoay chuyển tình thế nổi hay không? Cuối cùng có lẽ “hữu thành tắc minh” nên tiền bối đã ôn tồn cung kính thưa trình thao thao. Trong lời lẽ cũng mượn màu Nho Gia để tạo sức thuyết phục:
- Thưa cha, thưa các chú, các anh, chính con đi tu đây là thực hành câu thờ cha kính mẹ. Trong cuốn Hiếu Kinh chương thứ nhất có dạy: “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã.” Con không theo đạo Phật, cũng chẳng phải đạo Da Tô, con theo một nền đạo mới. Chính đạo này dạy tu để cứu cửu huyền thất tổ, tu để mà phổ độ chúng sanh. Cho nên tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Tu dĩ an bá tánh, tu kỳ thân giả nhi thiên hạ bình. Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Còn anh Phó nói rằng Lương Võ Đế cất bảy mươi hai kiểng chùa, sao bị “ngạ tử Đài thành Phật bất năng cứu”. Thưa anh, chính đó mới thấy luật chí công của Trời Phật. Vì xây chùa bằng tiền của dân, ép dân làm công quả, đói khổ kêu than, nên Trời nào chứng. Vì làm chùa, đúc Phật chưa phải là đạo. Áo mão chưa phải là thầy tu. Phật nói “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.” Tất cả hữu vi pháp như mộng huyễn, như bào ảnh.
Còn Đức Da Tô bị Du Dà đem bán, bị đóng đinh trên thập tự giá sao Chúa Trời đâu không cứu? Chính Đức Chúa Trời đã cứu Giê Su sống lại để làm chứng muôn đời. Vả lại Đức Ki Tô phải chịu đóng đinh, phải chịu đổ máu, phải chịu chết để chuộc tội cho thế nhân. Bởi vậy mới gọi là Chúa Cứu Thế và được thờ kính muôn đời. Còn Du Dà bán Chúa mấy ai phụng thờ. Chúa Giê Su được muôn đời ca ngợi, sùng bái, còn Du Dà muôn đời bị chê bai nguyền rủa. Vậy anh Hai kính Đức Da Tô chịu chết vinh danh muôn thuở hay trọng ông Du Dà bán Chúa ô nhục ngàn đời?
Câu hỏi đột ngột ấy làm mọi người phì cười và không khí trở nên êm dịu hơn. Nét mặt nghiêm nghị của ông cụ Nghinh cũng bớt căng thẳng. Ông nói:
- Chà thằng nhỏ này cũng thông Nho lắm. Mày đã biết tu thân tề gia thì mày đã biết đạo rồi. Quân thần, phụ tử, phu thê, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tam cang, ngũ thường là đủ rồi. Đạo là ở đó, mày xử cho tròn bao nhiêu đó không rồi, mày còn bày đặt theo đạo cũ đạo mới nào nữa? Theo đạo để bỏ ông, bỏ bà không thờ cúng quải đơm, hay theo đạo cái lối hư vô tịch diệt dị đoan chi giáo?
Tiền bối Huỳnh Thanh cảm thấy chiều hướng có phần biến chuyển, một chút thuyết phục đã nhóm dậy trong cung cách trình bày và biện luận của mình. Tiền bối hăng hái nói tiếp:
- Nếu nói theo đạo không đơm cúng cỗ đầy bàn là bỏ ông, bỏ bà, thì đạo nào cũng có tội với ông bà cả. Bởi vì không đạo nào chủ trương đơm cúng cho đầy bàn mới gọi là hiếu đạo. Chính Nho Giáo nói: “Bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa. Kính quỷ thần nhi viễn chi. Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi là vậy đó! Còn việc mê tín dị đoan là cũng tại vì âm thanh sắc tướng, bùa mê thuốc lú, tróc quỷ trừ tà, dưng chay cúng mặn, thế đồ vớt vong... Đó mới là dị đoan mê tín. Còn con theo đạo đây là nền Đại Đạo do Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát lập ra. Nền Đạo này tổng hợp Thích, Nho, Da, Lão, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cứu nhân loại trong thời buổi hạ nguơn mạt kiếp. Cha và quý chú, quý anh, quý bà con chưa nghe biết, chứ nếu nghe biết rồi, thì có lẽ còn hâm mộ hơn con nữa là đằng khác.
Đến đây, anh Phó Hai cũng như mấy ông chú ngồi gật gật đầu có vẻ tò mò muốn biết cái do lai lịch sử của đạo mới như thế nào. Còn ông cụ thì đã xuống nước hẳn. Ông thay đổi thái độ, từ thịnh nộ trở nên ôn tồn. Ông bảo:
- Như vậy mày học cái đạo này đã rành chưa? Mày có thể trình bày được về nền đạo này cho tao và bà con đây nghe thử được không?
Giờ phút trông chờ đã đến, tiền bối Huỳnh Thanh biết rằng chỉ có thánh ngôn, thánh giáo, kinh điển mới thuyết phục được cụ ông và mọi người. Tiền bối mừng run lên và lễ phép thưa rằng:
- Thưa, con mới nhập môn, sự học hiểu về đạo chưa được bao nhiêu, tuy nhiên con có một số kinh sách, thánh ngôn, thánh giáo đây. Nếu cha, quý chú, quý anh cho phép thì con sẽ trình bày phần nào theo cái sở đắc của mình.
Ông chú của tiền bối từ đầu đến giờ vẫn ngồi làm thinh nhưng rất chăm chú nghe, bây giờ ông mới lên tiếng:
- Thôi bây giờ cho cháu nó nghỉ, tắm rửa, ăn uống. Tối nay anh em, bà con sẽ tập trung lại nghe nó nói thử cái đạo mới này ra sao.
PHẠM VĂN LIÊM