Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

3/ VẬT CHẤT KHUYÊN TRÒ KHÁ BỎ KHƠI / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Vật chất khuyên trò khá bỏ khơi
Má tôi ([1]) là con gái đạo trưởng Trương Truyền Chánh (1907-1988, thánh danh Kiến Minh). Thuở bé, tôi thường nghe má kể nhiều chuyện mầu nhiệm trong đạo Cao Đài. Đây là một chuyện trong số đó.



*
Năm 1945, ở vùng Chợ Gạo (Mỹ Tho) có bà Năm Diệu, theo đạo Thiên Chúa. Chồng bà là Maurice Schneider, người Miên lai Pháp. Ông Năm xa nhà, đi làm tận Paksé (bên Lào) và đột ngột bỏ xác xứ người.
Không cam lòng vì nỗi chồng ra đi chẳng một lời trăn trối, bà Năm nhờ người làm một bàn cầu cơ theo kiểu dân gian, với miếng cơ hình trái tim, để cầu hồn chồng. Hai thanh nữ ngồi để tay tiếp điển là Thanh Hương (con gái ông bà Năm) và Huệ Thanh (má tôi, con gái ông bà Trương Truyền Chánh).
Bà Năm vừa đốt ba cây nhang khấn vái xong thì ông Năm về liền, cho biết rằng ông đang tịnh luyện ở non thần và khuyên bà cũng phải lo tu. Ông giải thích cho bà hiểu tu nghĩa là tu tâm sửa tánh, trau dồi đức hạnh, làm lành lánh dữ, giúp đỡ người nghèo khổ chứ không phải vô chùa xuống tóc, mặc áo cà sa mới gọi rằng tu.
Nghe theo lời ông, bà cho viết lên bảng mười điều nên làm và mười điều không nên làm để mọi người trong nhà noi theo.
Đêm hôm đó một con đom đóm bay vào nhà, rà rà theo từng chữ trên tấm bảng viết hai mươi điều khuyên răn do ông Năm căn dặn. Bà nói với mọi người trong nhà: “Đó, ổng về dò coi tao viết có đúng không đó.”
Rồi bà nói với con đom đóm: “Nếu quả thật là ông thì hãy bay đến đậu trên tay tôi.”
Lạ thay! Con đom đóm liền bay đến đậu trên tay bà.
Thấy việc cầu hồn quá dễ dàng nên bà Năm thường xuyên cầu ông về để nói chuyện cho đỡ buồn. Mỗi lần cầu hồn ông Năm, bà lại mời ông bà Trương Truyền Chánh (vốn là bạn thân ông bà Năm) đến dự.
Ông Chánh xưa nay không hề tin có thần thánh hay ma quỷ gì cả nhưng vẫn tới để bà Năm vui lòng.
Ông Năm về nói chuyện thân mật với ông Chánh và thường hay giễu cợt như lúc còn sống. Chẳng hạn, có lần ông Chánh (người Việt gốc Hoa) vừa mới tới ngoài cổng, mọi người trong nhà chưa ai thấy nhưng trên bàn cơ đã viết lời ông Năm: “Chào xì thẩu!” ([2]) Chừng ông Chánh bước vào, mọi người mới hiểu ra và phì cười.
Ngày kia, ông Năm bảo vợ: “Ta đang tu. Năm cầu ta về hoài, ta tu không được.”
Ông dặn bà từ đó về sau chỉ nên cầu ông về vào những ngày ăn chay và phải sắm nhang đèn, bông trái, rượu trà tươm tất cho đủ lễ. Những người dự cầu cơ cũng phải ăn chay, mặc áo dài nghiêm chỉnh. Nhờ đó, dần dần có các Đấng thiêng liêng về dạy đạo. Mỗi tối trước khi cầu cơ, Thanh Hương và Huệ Thanh phải nghiêm cẩn đọc kinh hẳn hoi.
Một hôm, Thanh Hương và Huệ Thanh đọc kinh so le thế nào mà cả hai đều không nhịn được cười.
Khi hai cô vào ngồi để tay lên bàn cơ, một Đấng thiêng liêng về dạy:
Ngồi xem hai kẻ niệm kinh,
Thanh thời đi trước Huệ còn đàng sau.
Cười cười giỡn giỡn trước bàn,
. . . . . . . . . . . . rồi cũng niệm kinh.([3])
Thanh Hương và Huệ Thanh sợ hết cả hồn, lo ngại đắc tội với Bề Trên.
Lúc bấy giờ ông Chánh và một anh công nhân xay lúa thấy vậy muốn rõ thực hư ra sao nên xin cho hai người cùng để tay lên bàn cơ.
Ông Chánh đã nhiều lần dự cầu cơ nhưng trong lòng vẫn còn nghi hoặc chứ chưa thật sự tin tưởng. Khi hai người để tay, miếng cơ chỉ nhúc nhích chứ không chạy được. Cuối cùng, hai cô Thanh Hương và Huệ Thanh vào thay thì cơ chạy vèo vèo.
Hôm ấy Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng dạy: “Các con cần Ta hay Ta cần các con? Người xưa muốn tu phải lội suối trèo non tìm Thầy học đạo. Ngày nay chính Thầy đích thân giáng phàm để dạy đạo mà các con còn thử Ta!”
Rồi Đức Thượng Đế dạy tiếp: “Có trời có đất, có âm có dương, có thiên đàng địa ngục, có tội có phước.”
Anh công nhân nghe vậy nên thú thật là chính anh đã rị con cơ lại không cho chạy. Ông Chánh cũng vừa lo ngại vừa tin tưởng.
Lần nọ, ông Chánh được mời hầu đàn tiên tại nhà ông Đốc Phủ Sứ Trần Nguyên Lượng (1877-1968), một vị tiền bối tên tuổi của đạo Cao Đài. Ông Lượng có người con gái thứ năm tên là Trần Ngọc Yến. Cô Yến còn trẻ, đã lập gia đình, cũng tu theo đạo Cao Đài. Sau một cơn bệnh, cô tạ thế, rồi nhờ cơ bút Cao Đài mà gia đình biết cô đã đắc quả vị là Kim Nhàn Ngọc Nữ.
Dự đàn tiên tại nhà ông Lượng, ông Chánh rất ngạc nhiên khi thấy Đức Kim Nhàn Ngọc Nữ mỗi lần giáng cơ đều lạy cha rồi ông Lượng lại quỳ lạy trả lễ con mình. Về nhà, ông Chánh bèn đem thắc mắc này trao đổi với vợ.([4])
Một tháng sau, ông Chánh đi hầu đàn và được Đức Kim Nhàn Ngọc Nữ giáng cơ giải thích việc “tử bái phụ, phụ bái tử” (con lạy cha, cha lạy con). Hôm ấy, Đức Ngọc Nữ bảo đúng là Ngài lạy cha, nhưng không phải cha Ngài lạy trả lễ con mà chính là lạy Thượng Đế đã ban ơn cho con về dạy đạo; đó là “tử bái phụ, phụ bái Thiên” (con lạy cha, cha lạy Trời).
Ông Chánh không khỏi giật mình vì ông chỉ nói riêng với vợ điều ông thắc mắc, vậy mà Đức Kim Nhàn Ngọc Nữ giải đáp rõ ràng cho ông hiểu. Đức tin của ông thêm một lần nữa được củng cố.
Dịp khác, ông Chánh được Ơn Trên ban cho vé thi điểm danh gồm bốn câu như sau:
CHÁNH tâm kỉnh Phật với thờ Trời,
Vật chất khuyên trò khá bỏ khơi.
Đạo hạnh ngày đêm tua ([5]) sửa lấy,
Ráng thêm chút nữa đáng công đời.
Ông Chánh cứ suy gẫm câu “Vật chất khuyên trò khá bỏ khơi”, nhưng không rõ Ơn Trên ngụ ý gì.
Hai tháng sau, một trận hỏa hoạn dữ dội đã thiêu rụi hoàn toàn cơ nghiệp của ông Chánh, gồm một căn nhà lớn năm gian, năm căn phố đang cho thuê và hai vựa lúa lớn. Tất cả đều hóa thành tro bụi trong phút chốc. Bấy giờ ông Chánh sực nhớ lại câu thơ mà Ơn Trên đã cho ông biết trước tai họa sẽ xảy ra: “Vật chất khuyên trò khá bỏ khơi”.
Nhờ bài thơ tiên tri đó ông Chánh khỏi buồn phiền, đau khổ vì tiếc của. Ông bình tâm chấp nhận hoàn cảnh và cần cù gây dựng lại sự nghiệp.
Tất cả những sự việc xảy ra đó đã tạo cho ông Chánh một đức tin vững chắc vào Thiêng Liêng và ông quyết định nhập môn Cao Đài (năm 1947). Ông được ban thánh danh Kiến Minh và lần lượt được Ơn Trên ban trao nhiều trọng trách trong Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt (quận Tư). Ngày 15-7 Ất Mão (21-8-1975) Đức Lý Giáo Tông ân ban cho ông giữ nhiệm vụ Phó Tổng Lý Minh Đạo (đặc trách Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý) của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (quận Một). Sau khi lìa trần (1988), ông đắc quả vị là Đắc Tâm Chơn Thánh.


DIỆU NGUYÊN



([1]) Thế danh Trương Kim Hoa (1931-2009), thánh danh Hồng Mai.
([2]) Xì thẩu (giọng Quảng Đông) nghĩa là ông chủ, chữ Nho là sự đầu (người đứng đầu một công việc).
([3]) Đạo tỷ Hồng Mai không nhớ bốn chữ ở đầu câu chót.
([4]) Thế danh Lý Thị Mỹ (1908-1971), thánh danh Thanh Lan, quả vị Thanh Lan Tiên Nữ.
([5]) Tua: Hãy nên (tiếng Việt xưa), chữ Nho là tu ..



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)