Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

6/ GIEO MẦM / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ



GIEO MẦM
Bữa cơm chiều hôm đó, tiền bối được cho ăn một bát canh bí ngô và dĩa đậu phọng rang trộn muối, vì tiền bối ăn chay, mà nhà chưa có đồ chay.
Sau đó, nhà lên đèn, bà con chú bác, anh em kể cả xóm giềng tập trung tới rất đông. Trước là thăm hỏi sau là để nghe ông thầy tu non nói chuyện đạo.
Việc này đối với tiền bối thật rất bất ngờ, vì sự tu học và hiểu đạo của tiền bối nào đã được bao nhiêu. Nay dám đối đầu với cha chú, các bậc trưởng thượng. Dám đem cái vốn liếng ít ỏi về một mối đạo lớn mà thuyết minh trước bao nhiêu người, trong đó có lắm vị thông Nho kỳ cựu. Tuy vậy lòng tiền bối vẫn không nao núng, tiền bối tự tin vào tâm thành và chí nguyện của mình cũng như tin vào một số giáo thuyết mà tiền bối đã nắm được. Nó vừa mới, vừa hợp thời, nên tiền bối cảm thấy yên lòng. Thật là:
Nhỏ người nào phải nhỏ tâm
Trái cân bao lớn dám cầm nghìn cân.
Tiền bối đặt lên bàn một số kinh sách, thánh ngôn, thánh giáo rồi bắt đầu trình bày từ cái do lai xuất hiện mối đạo, sự tiếp nhận ân điển của Đức Ngô Minh Chiêu, sự phối hợp giữa nhóm xây bàn Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, đến sự truyền biểu tượng Thiên Nhãn để thờ cúng, cũng như lời giải thích của Ơn Trên về ý nghĩa của sự không thờ hình tượng mà thờ biểu tượng Thiên Nhãn. Tiền bối dẫn cả lời thánh ngôn:
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể.
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên.
Thiên giả ngã dã.
Tiền bối cũng trình bày về cách thờ phụng lễ bái, đọc một số kinh cúng tứ thời. Đi xa hơn chút nữa, Tiền bối nói về tôn chỉ Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, về mục đích Thiên đạo giải thoát, thế đạo đại đồng. Tiền bối đề cập đến những tiêu ngữ Thuần chân vô ngã, Vạn giáo nhất lý, Thiên nhân hiệp nhất. Sẵn đà tiền bối nói luôn đến cái vinh hạnh của nước Việt Nam, một nước nhỏ nhoi đã chịu nhiều nguy biến. Nay Thầy đến chọn đất này làm đất Thánh, dân này làm dân Thánh, đặt để non sông dân tộc này trên tầm sứ mệnh của cơ cứu độ Kỳ Ba.
Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc
Ngày sau làm chủ mới là kỳ.
Tiền bối cũng trưng dẫn lời tuyên ngôn lập Đạo của Đấng Chí Tôn:
Hảo Nam bang, hảo Nam bang
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
Tiền bối cũng nói đến cái diệu dụng cơ bút, dùng văn thơ quốc ngữ dạy đạo, dùng tình cảm tâm lý, bản sắc dân tộc để khêu đuốc Kỳ Ba. Đặc biệt nhất là cổ súy tinh thần bình quyền bình đẳng, đánh thức lương tri lương năng của con dân Hồng Lạc mấy ngàn năm đã chịu nhiều thua thiệt áp bức.
Tiền bối khéo minh họa bằng những bài thánh ngôn thánh giáo thích hợp, ví dụ như bài của Lão Thần Phan Thanh Giản:
. . .
Sao vạn quốc liệt cường phú túc,
Sao Ngũ Châu sắp cuộc chiến tranh?
Biết lo kinh tế thực hành,
Kém phần đạo đức mà thành thế ư?
Đem kỷ sử đúc từ thượng cổ,
Mở địa đồ xem chỗ vạn bang,
Đã sanh trên đống đất vàng,
Cái mầm tan hiệp, hiệp tan âu đành.
Tạo nên nước, nước thành nước bại,
Đúc ra người, người dại người khôn,
Trách sao lò Tạo không công,
Hễ sanh giống trắng thì không giống vàng.
Hỡi than ôi! Nam bang một thẻo,
Bốn nghìn năm kẻ kéo người lôi,
Non sông bồi đắp, đắp bồi,
Lập rồi lại xóa, xóa rồi lập nên.
Liếc mắt xem trận nền quốc giới,
Mở miệng kêu này hỡi đồng bào,
Cớ sao mà tại làm sao,
Dân ta hèn yếu phong trào kéo xoay?
Cũng tai mắt mặt mày như kẻ,
Cũng uống ăn sinh đẻ như người,
Á Đông cũng một khoảng trời,
Riêng chi châu Mỹ, chi người Tây Âu.
Cũng đồng sinh trong bầu Tạo Hóa,
Cũng sống chung trên quả địa cầu,
Người sao dân mạnh nước giàu,
Có tàu xuống biển có tàu lên mây.
Chế máy móc dựng gầy công nghệ,
Lập thương nông cứu tế quốc phòng,
Nào là điện tín phi công,
Nghe xa muôn dặm đi không đầy giờ.
Dân tộc ta sao khờ sao dại,
Nước nhà ta sao bại sao hư?
Không nghề nghiệp, không thiên tư,
Văn minh công nghệ bây chừ khuếch trương.
Sĩ trau chuốt văn chương thi phú,
Nông kể chi bần phú tương thân,
Rồng bớt cẳng, rắn thêm chân,
Công tư vặt vãnh, phần dân của làng.
Mạnh hiếp yếu lòng toan gớm ghiếc,
Giàu dọa nghèo chi xiết rên than,
Hỡi ôi con cháu Hồng Bàng,
Cùng là máu đỏ da vàng đầu đen!
Cướp giựt nhau vì ăn vì mặc,
Chém giết nhau vì ghét vì thương,
Còn chi đạo lý luân thường,
Cửa nhà xiêu đổ phong cương suy đồi.
Đọc quốc sử dầu sôi sục sục,
Xem phổ nghi lửa đốt phừng phừng,
Sống chưa đẹp, thác chưa ưng,
Thôi thôi nhơn sự vui buồn cười khuây.
Dại vì dại mà gây cấu xé,
Khôn vì khôn mà đẻ thị phi,
Bó thây khôn dại ra gì,
Dại khôn khôn dại ích chi chăng là?
Trên thượng giới thiết tha kinh khủng,
Dưới hạ dân bủn rủn tinh thần,
Cái mầm vạn quốc chiến tranh,
Bởi không đạo đức mà sanh dập dồn.
Tính cũng tính bảo tồn chủng tộc,
Lo cũng lo bồi đắp dân sanh,
Chế ra máy móc thực hành,
Không ngờ tư bản tung hoành tóm thâu.
Đứng lên hỏi kẻ sau người trước,
Ngồi xuống than này nước nọ non,
Cảm lòng thương lũ cỏn con,
Ăn chi mà chịu hao mòn thân sanh.
Ruộng bỏ hoang cây giành cỏ đoạt,
Chẳng thiếu chi mỏ bạc mỏ vàng,
Không lo khai phá mở mang,
Để lo rỉa góc vẹt đàng gọi khôn.
Đồng bào ơi! Quốc hồn xiêu đổ,
Đồng bào ơi! Thẹn hổ non sông,
Vì thất học vì hiểu nông,
Suy ngoài xác thịt, kém trong tinh thần.
Kìa Thiên Trúc Phật Tôn Thiên đạo,
Kìa Đông Châu Nho Giáo nhân luân,
Trọng Ni xướng thuyết đại đồng,
Có chi phân giống chia dòng mối manh.
Nước nước thảy, trời xanh chưởng quản,
Dân dân đồng, bè bạn ruột rà,
Nga là Đức, Đức là Nga,
Nam là Pháp đó, Pháp là Nam đây.
Dùng khoa học trước gầy đạo đức,

Toan đại đồng cần nhất tu thân,

. . .
Có lẽ vì chí thành thông thần, nên càng nói tiền bối càng sáng mắt lên, giọng vang vang sang sảng.
Chính tiền bối cũng không ngờ mình đã trình bày một cách trôi chảy có hệ thống, mạch lạc như vậy. Tiền bối nhận thấy không khí toàn nhà như bao trùm một sức thu hút. Tất cả những người ngồi nghe thật rõ ràng: “Khi tựa gối, khi cúi đầu, khi giương mắt ngó, khi chau đôi mày.”
Bấy giờ ông chú của Tiền bối mới chặc lưỡi khen:
- Thật là hậu sinh khả úy, bảy mươi chịu học mười lăm. Rõ ràng con hơn cha nhà có phúc!
Ông cụ Nghinh bật cười ha hả, có lẽ thỏa mãn cho những điều hiểu biết và trình bày của con. Ông nói:
- Quả là đại nghi, đại ngộ! Nó đã có duyên với đạo thì dòng họ mình cũng có duyên với đạo.
Sau buổi nói chuyện đó, tưởng đâu sẽ thuận buồm xuôi gió để tiền bối vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Không ngờ chính cái thỏa thông của gia đình đã giam chân tiền bối ở lại quê. Bởi vì ngay sau tối hôm đó, bà con anh em thân thuộc, cũng như người trong làng bắt đầu xin tiền bối hướng dẫn nhập đạo. Họ thi nhau mượn kinh chép kinh, thiết bàn thờ Thầy theo lối vô vi và nhà của cụ Nghinh trở thành nơi minh thệ nhập môn không ngớt.



PHẠM VĂN LIÊM