Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

3/ NHẬP MÔN / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ



NHẬP MÔN
Ở gần nhà Giáo Hữu Phú có thánh tịnh Đại Thanh, tọa lạc trên khu đất tương đối im vắng và rộng rãi. Đây chính là nơi tu học của ông Giáo Hữu. Hôm ấy chiều ba mươi, sáng đến là mùng một, vào giờ Tý sẽ có đàn cơ thường lệ, do đó mới nửa chiều mà đã thấy đông đảo người ra kẻ vào. Nét mặt người nào cũng tỏ vẻ trang nghiêm, bước đi rất từ tốn. Gặp nhau họ chắp tay lên ngực chào rất đạo hạnh. Trong đám người tề tựu đó, có Giáo Hữu Phú và đặc biệt có dắt theo tiền bối Huỳnh Thanh. Ai biết được tâm trạng của người thiếu niên e dè núp theo áo dài trắng của vị chức sắc kia ra sao.
Đối với tiền bối Huỳnh Thanh cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ, cái gì cũng như ẩn chứa một sức thiêng liêng. Nhất là tiền bối được biết giờ Tý có cầu cơ do Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ chứng đàn. Lòng tiền bối nôn nao, rạo rực, tim cứ rộn lên trong sự tính tính lo lo, không biết làm sao để được mục kích buổi cầu cơ. Bởi vì Giáo Hữu Phú dặn trước rồi, đàn cơ này là đàn cơ nội bộ, nghiêm cấm lắm, chỉ những ai có phận sự mới được hầu, còn mọi người thì cúng lễ xong phải đi ngủ.
Sau khi cúng lễ nửa đêm xong, tiền bối Huỳnh Thanh miễn cưỡng theo đám đạo chúng đi vào ngủ, nhưng lòng nào có yên, tánh hiếu kỳ không cho phép tiền bối nằm ngủ. Tiền bối cứ rón rén nhỏm dậy rồi nằm xuống, rồi nhỏm dậy. Khi nhận biết mọi người đều say giấc, tiền bối trèo lên cửa sổ để lén coi cho được buổi cầu cơ.
Đàn đã dạy đạo hơn một tiếng đồng hồ, không ngờ khi tiền bối vừa trèo lên cửa sổ dòm lén, chưa kịp quan sát thì lạ lùng làm sao, tiếng gọi từ người đồng tử bảo Huỳnh Thanh vào hầu đàn. Ôi hồn xiêu phách lạc! Phải chăng dòm lén không được phép nên Thần Tiên gọi vào quở phạt? Lẹ như kẻ trộm, Tiền bối nhảy xuống chui vào chỗ ngủ, nằm im thin thít giả như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi cả đàn không biết Huỳnh Thanh là ai, chỉ riêng Giáo Hữu Phú là mừng khấp khởi. Ông bưng đèn chạy tìm Huỳnh Thanh, hối đi rửa mặt, súc miệng, mượn đồ dài trắng cho thay để vào hầu đàn.
Cơn hốt hoảng lên đến cao độ, hai chân tiền bối quấn vào nhau. Tất cả mọi vật chung quanh nhà như cũng toát ra vẻ linh thiêng. Mặt mày tái mét, nhưng tiền bối cũng riu ríu đi theo ông Giáo Hữu bước vào nội điện, với khung cảnh trang nghiêm, huyền diệu, tất cả như chờ một con người khác lạ.
Vừa vào đến nơi, vị chứng đàn hướng dẫn tiền bối Huỳnh Thanh quỳ để nghe dạy.
Tim tiền bối như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tiền bối không biết ơn phước hay tai họa đây. Bỗng giọng khai khẩu của đồng tử phát ra bằng một âm điệu phi phàm. Lời Đức Võ Công Tánh dạy: “Huỳnh Thanh, em có căn lành được thâu nhận vào Đạo, em có vui mừng chăng?”
Trời ơi! Đây là thật hay hư? Việc xảy ra vừa đột ngột vừa lạ lùng, làm choáng váng cả đầu óc. Đức Võ Công Tánh người đã tuẫn tiết cùng với cơn lửa thiêu khi thủ thành Bình Định nay đã hiển Thần Tiên giáng đàn gọi con cháu đồng quê nhập nền Đạo mới. Mầu nhiệm quá vậy thay!
Tiền bối Huỳnh Thanh vừa run sợ, vừa kính cẩn bạch: “Kính thưa Ơn Trên thương con, con vui lòng vào Đạo.”
Giọng đồng tử tiếp: “Vậy khá khen cho em.” Rồi qua miệng đồng tử, Đức Võ Công Tánh cho một bài thi:
Tuổi trẻ mà em biết trọng Thầy
Vì Thầy vì chúng Đạo hoằng khai
Bốn bề vật chất coi thừa thãi
Đôi gánh giang san những trở day
Hồ thỉ tang bồng cho rõ mặt
Nam trang chiến sĩ dễ nên tay
Nhiều hơi thở nhọc gây nên tiếng
Dưới bóng Tiên Thiên chiến lược bày.
Khi ra đàn, vị Chưởng Pháp đến ân cần hỏi han và được Giáo Hữu Phú giới thiệu: “Em này chính là trang thiếu niên đã xin ba tờ báo hôm nọ.” Đồng thời ông ca ngợi lòng thành nguyện ăn chay, học kinh rất say mê của tiền bối Huỳnh Thanh. Vị Chưởng Pháp vỗ vai khen ngợi và nhắn nhủ rằng: “Em cố gắng tu học nghe, vì em có căn duyên nên Ơn Trên mới thu vào Đạo để cậy em đem mối Đạo về Bình Định nhưng phải chịu nhiều gian khổ lắm, nếu em đạt thành sẽ là công lớn.” Rồi ông hỏi tiếp:
- Em định ngày nào minh thệ nhập môn?
Sự ân cần của vị Chưởng Pháp đạo cao đức cả đã làm tiền bối Huỳnh Thanh cảm mến và tôn trọng vô cùng. Tiền bối kính cẩn thưa:
- Thưa Anh Lớn, để em xin phép gia đình rồi sẽ sắm lễ phẩm minh thệ nhập môn.
Lòng ngộ đạo của tiền bối đã dâng đến tột độ, nó nóng như lửa nung. Cái giờ phút thiêng liêng quỳ trước bửu điện minh thệ nhập đạo để trở thành môn đồ Cao Đài đang thôi thúc mạnh. Thế mà phải chờ về quê xin phép gia đình thì lâu quá, nên nhân có người anh vào làm ăn ở Sài Gòn, tiền bối bèn thưa qua với anh, một mặt viết thư về nhà, rồi tự ý sắm hương đăng trà quả đến làm lễ nhập môn.
Kể từ đó chàng thiếu niên thiện đạo kia đến ở luôn tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày đêm biên biên chép chép. Tiền bối say mê với bao lời Tiên tiếng Phật, quên hẳn mộng ước ban đầu là vào Sài Gòn theo nghiệp bút nghiên để mong nên danh phận. Càng tu càng học, càng thấy đường thiêng liêng rộng mở, tiền bối dứt khoát rời bỏ học văn hóa, nuôi mộng học làm đồng loan, để được gần gũi Ơn Trên.
Thấm thoát thời gian ba tháng trôi qua, tiền bối đã được ông chủ tịnh Kiều Văn Thê nhận luyện tập làm đồng tử và từng bước được ông già Hai, Giáo Hữu tại Minh Kiến Đài, chỉ vẽ nẻo chánh đường tà. Trong thời gian tập dợt điển, tiền bối mới cảm nhận trực tiếp được cái huyền diệu của vô hình. Tiền bối đã có lần chấp bút được hai bài tứ tuyệt như sau:

HUỲNH đào vạn lý hội minh khai

THANH khiết chọn người có chí trai
Bạch Ngọc khuyên ai ráng giũa mài
Ngọc báu khuyên người chớ dạ phai.
Người khôn ai chẳng biết làm nên
Vậy mới rằng khôn mới chí bền
Gắng sức học tu khuyên khá nhớ
Bao chừ sẽ thấy ngọc kề bên.
Tuy nhiên tiền bối vẫn ái ngại trong lòng, không biết thực hư chân giả, nên đã bày tỏ nghi vấn của mình với ông già Hai.
- Thưa ông Hai, ông Hai đã luyện tập chỉ dạy cho con và con đã tiếp nhận được huyền linh của Ơn Trên nhưng con nghe có câu rằng:
Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà
Chánh tà hai lẽ đoán sao ra.
nên con ái ngại quá.
Ông già Hai chúm chím cười bảo rằng:
- Cái đó cháu yên chí, miễn cháu thành tâm thì ông sẽ chỉ điểm cho.
Rồi ông đọc tiếp bốn câu thơ:
    Làm Thầy tà chánh không phân
    Còn mong điểm đạo truyền thần cho ai
    Quỷ ma yêu quái cũng mình
    Bỏ lòng dục vọng khá gìn chơn tâm.



PHẠM VĂN LIÊM