Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

03/ ẨN ÁC DƯƠNG THIỆN / ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN


ẨN ÁC DƯƠNG THIỆN

Theo các cơ quan chức năng và báo chí hiện nay, tội phạm hình sự trong xã hội Việt Nam chúng ta ngày càng gia tăng đến mức báo động; đặc biệt là các trẻ vị thành niên phạm tội chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Nguyên nhân của tệ trạng này là do việc giáo dục đạo đức trong gia đình và trong nhà trường bị xem nhẹ, dẫn đến tình trạng đạo đức xã hội càng lúc càng sa sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi điện tử, v.v… đầy dẫy những thông tin về tội phạm và hình ảnh bạo lực, không lành mạnh, v.v… Những thứ đó góp phần kích thích, thúc đẩy con người nói chung và các trẻ vị thành niên nói riêng quen dần với cái ác, rồi dễ dàng sa chân vào con đường tội lỗi.
Từ khi có Internet, trong xã hội hình thành một khối quần chúng rất đông đảo được gọi là “cộng đồng mạng” hay là “cư dân mạng”. Internet đã giúp cho con người trên toàn thế giới xích lại gần nhau, hiểu biết nhau, thông cảm nhau, ngồi một chỗ mà hầu như có thể biết hết chuyện thế gian. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rất to tát của Internet, lại đồng thời song hành một mặt trái nguy hại không kém.
Phần đông con người vốn có xu hướng hay rêu rao, bàn tán, thêu dệt, phẩm bình chuyện thiên hạ, cho dù bản thân không tận mắt chứng kiến. Thế nên, hễ có một vụ tai tiếng, lùm xùm (scandal) nào đó kèm theo hình ảnh giựt gân được tung lên mạng, thì đám đông lập tức xúm vào bình phẩm, xỉa xói, đả kích, và nối tiếp nhau lan truyền cái chuyện không hay ho đó ra rộng thêm một cách dễ dàng sau vài cái gõ trên bàn phím và một cú nhấp chuột đơn giản. Đám đông ấy không nghĩ gì đến hậu quả của việc làm này tác hại khôn lường đến tâm lý, tinh thần và đời sống của nạn nhân. Một số nạn nhân vì thế bị hoảng loạn, thậm chí có người đã phải tự tử vì không chịu đựng nổi sức ép của dư luận.
Thật đáng tiếc rằng, không chỉ các trang mạng của người đời mà gần đây các trang mạng của người đạo Cao Đài cũng đã và đang làm cái chuyện “vạch áo cho người xem lưng”, bêu riếu những điều không tốt về đồng đạo. Quả thật, hành vi này đã làm ố danh Đạo.
Bên cạnh đó, ngày nay báo chí dường như có xu hướng khai thác tối đa các mẩu tin giật gân về tội phạm hình sự hoặc những góc khuất” trong đời tư các nhân vật tên tuổi để câu độc giả.
Nhận xét về thực trạng này của các phương tiện truyền thông, một vị luật sư phát biểu:
Để khắc phục những hiện tượng như vậy [hiện tượng phạm pháp], không nên xoáy vào câu chuyện tội ác mà cần phải khích lệ những mặt tích cực, những mặt tử tế, những mặt lương thiện của con người. 
Tôi cho là truyền thông của chúng ta có lỗi khi quá tập trung sự chú ý của xã hội vào một số hiện tượng tiêu cực mà bỏ quên phần lớn còn lại là hiện tượng rất lành mạnh. Không nên câu khách thông qua việc phản ánh hiện tượng tiêu cực.
Tôi nghĩ chúng ta phải di chuyển sự chú ý của lớp trẻ ra khỏi những hiện tượng tiêu cực như vậy.
Báo chí phải tự giải phóng mình ra khỏi những hiện tượng như vậy. Phải nhớ rằng hiện tượng lành mạnh hấp dẫn hơn hiện tượng tiêu cực. Nhưng chúng ta không biết mô tả một cách hấp dẫn hiện tượng lành mạnh. Có lẽ truyền thông buộc phải nghiên cứu một cách thức tiếp cận với mặt lành mạnh của cuộc sống một cách tự nhiên hơn. Truyền thông phải ẩn ác dương thin. Phải đối phó với ti ác bằng s trong sch.([1])
Trước tệ trạng nhiều vụ trọng án chủ yếu do tội phạm trẻ tuổi gây ra, một nhà giáo ở Hà Nội nêu quan điểm:
Trong mỗi con người đều tồn tại sẵn cả cái thiện và cái ác. Hai mặt đó luôn đấu tranh gay gắt với nhau và cùng tham gia điều chỉnh các hành vi của con người hằng ngày. Nền tảng nhân cách xã hội và nhân cách cá nhân sẽ khiến cho cái ác bị kiềm chế, bị trấn áp, cái thiện được khuyến khích, được nuôi dưỡng và thôi thúc, khiến cho con người tránh xa cái ác, hướng tới cái thiện và kết quả là làm việc tốt.
Nhưng nếu cái ác không b kiềm chế và trấn áp, cái thin không đưc khuyến khích thì bất cứ khi nào, bất cứ ai cũng có thể b cái ác khống chế và dẫn đến làm việc xấu, phm ti. (...) Vì vậy, muốn khuyến thiện phải trừng ác, muốn trừng ác thì phải khuyến thiện trong giáo dục nhân cách con người, từng ngày, từng giờ, ở tất cả các môi trường.
Nhà giáo này đề nghị:
(T)heo tôi, cần có sự phối hợp đồng bộ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh ngoài xã hội, trong nhà trường và từng gia đình. Đặc biệt các cơ quan nhà nước phải rà soát lại các dịch vụ kinh doanh trò chơi trực tuyến độc hại; các bộ phim bạo lực phát sóng rộng rãi trên truyền hình.
(...) Mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, xóm làng, nhà trường, công sở và doanh nghiệp đều nên chung tay tham gia vào cuộc vận động lớn để chúng ta có được môi trường xã hội pháp quyền, nhân ái, phi bạo lực.([2])
Qua hai trích dẫn trên đây, chúng ta thấy đạo lý ẩn ác dương thiện được minh thị trong lời nói vị luật sư và được hàm ngụ trong quan điểm của nhà giáo.
Thay vì nói ẩn ác dương thiện, người xưa còn nói át ác dương thiện.
Át tức là trấn áp, kiềm chế, ngăn chận. Vậy át ác dương thiện tức là trấn áp, kiềm chế không cho cái xấu ác phát triển đồng thời khen ngợi, tán dương điều tốt lành. Chẳng khác nào trên một mảnh vườn, người làm vườn không những nhổ sạch gai góc, hoa hèn cỏ dại mà còn phải trồng vào đó thật nhiều giống hoa thơm kiểng quý; bằng không, làm sạch cỏ rồi mà chẳng trồng cây trồng hoa vào thì lâu ngày gai góc, cỏ dại sẽ mặc sức mọc lại um tùm như trước.
Thành ngữ át ác dương thiện có thể tìm thấy trong Kinh Dịch. Quẻ thứ mười bốn tên gọi là Hỏa Thiên Đại Hữu, gồm quẻ Ly (lửa, hỏa) ở trên (thượng quái, hay ngoại quái) và quẻ Càn (trời, thiên) ở dưới (hạ quái, hay nội quái). Do đó, giải về hình tượng quẻ này, Đại Tượng Truyện có câu: Hỏa tại thiên thượng, Đại Hữu. Quân tử dĩ át ác dương thin, thuận Thiên hưu mệnh.


Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014) dịch:
Đại Hữu là lửa trên trời,
Hiền nhân xấu giấu, lành thời tán dương.
(Cho đời thêm đẹp, thêm hương),
Đúng theo đường lối, chủ trương của Trời.
Đại Học viết: Đức bản, tài mt.([3]) Cái đức hạnh mới là cái chí quý trong một nước, cho nên bậc nhân quân phải biết cổ xúy thiện, đức nơi con người, và phải biết kiềm chế, ức chế tính xấu trong dân. Dân có tinh thần mạnh mẽ, nước mới phú cường; dân có tinh thần bệnh hoạn, nước sẽ suy bĩ.([4])
Còn ẩn ác dương thiện nghĩa là không phơi bày, không rêu rao, không quảng bá những điều xấu ác mà chỉ tán dương, khen ngợi những điều tốt, điều thiện để mọi người cùng học tập và làm theo. Một khi cái tốt, cái thiện được phát triển mạnh mẽ thì tự nhiên cái xấu, cái ác phải bị triệt tiêu hoặc giảm thiểu. Xã hội chúng ta hiện nay cần nên học lại những gì người xưa từng khuyên bảo, trong đó có đạo lý ẩn ác dương thiện, tuy xa xưa mà không hề cổ hủ.
Người thực hành được đạo lý ẩn ác dương thiện là người có lòng dạ quảng đại của bậc thánh nhân hay quân tử.
Người xưa nói: Ẩn ác dương thiện là bậc thánh; thích thiện ghét ác là bậc hiền; tách bạch thiện ác quá đáng là hạng người tầm thường; điên đảo thiện ác để sướng miệng gièm pha là hạng tiểu nhân hiểm ác.([5])
Theo sách Trung Dung (chương 6), Đức Khổng Tử khen vua Thuấn là người ẩn ác nhi dương thiện vì vua Thuấn sau khi nghe chuyện của người rồi, đến lúc thuật lại thì Ngài giấu những điều xấu của người đi, mà chỉ phô trương, tán thưởng những điều tốt của người.
Đạo Giáo Trung Quốc có nhiều thiện thư (sách khuyên mọi người làm lành, tạo phúc đức); trong đó, một thiện thư danh tiếng là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Đoạn 13 sách này có lời khuyên dân chúng hãy nên luôn luôn che giấu điều xấu xa của người mà nêu cao điều tốt lành của người.([6])
Danh nho Viên Liễu Phàm (1533-1606), tên thật là Viên Hoàng, người đời Minh (Trung Quốc), thi đậu tiến sĩ, tinh thông Tam Giáo, tác giả quyển sách rất nổi tiếng đó là Liễu Phàm Tứ Huấn (bốn bài khuyên dạy hãy làm lành tích đức). Trong sách này, Chương Năm (Phương pháp tích thiện) giải thích về ẩn ác dương thiện như sau:
Ẩn ác dương thiện tức là thấy người ta dở, có lỗi lầm thì gặp riêng khuyên bảo, đừng ra ngoài nói xấu làm người ta mất hết danh dự. Gặp được việc làm tốt của ai thì nên ghi nhớ mà học theo, đồng thời hết sức ca ngợi để mọi người cùng được biết.([7])
Như vậy, ẩn ác dương thiện không có nghĩa là bao che, giấu giếm hay dung túng các thói hư tật xấu của người khác. Tuy nhiên, đừng phê bình, đừng chỉ trích quá mạnh bạo trước mặt mọi người làm cho người bị phê bình cảm thấy mất mặt; cũng đừng nói xấu sau lưng, gièm siểm người ấy khiến cho họ bị ác cảm, bị coi thường. Tốt hơn ta nên tìm cách góp ý với người ấy một cách chân thành, nhẹ nhàng, kín đáo.
Tác giả quyển Đắc Nhân Tâm ([8]) nổi tiếng, Dale Carnegie (1888-1965), khuyên chúng ta:
Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa. Chỉ trích còn có thể trở nên nguy hiểm vì nó chạm vào lòng kiêu hãnh cố chấp của con người, gây tổn thương tới ý thức về tầm quan trọng của họ và kết cuộc chỉ tạo nên sự tức giận, căm thù. Chỉ trích còn gây phản ứng chối bỏ trách nhiệm, đồng thời phát sinh tâm lý chán nản và nhụt chí trong khi lỗi lầm vẫn không được giải quyết. (tr. 34)
Nếu như bạn muốn bị ai đó oán hờn dai dẳng hàng chục năm trời và thậm chí có khi đến lúc chết bạn vẫn còn bị thù hận thì hãy tặng cho người ấy những lời phê phán, chỉ trích cay độc, cho dù bạn biết chắc chắn những lời chỉ trích đó là đúng. (tr. 41)
Hơn nữa, ở đời, ngoài những điều tốt của người khác chúng ta cần phải học tập, còn có những điều không tốt của người khác chúng ta cũng phải xem xét nghiền ngẫm để tự nhắc mình không phạm phải.
Chẳng hạn như chúng ta học tập gương của những bậc trung quân ái quốc để noi theo, đồng thời ta cũng nhìn cho rõ tấm gương của những kẻ gian thần phản bội thường có những kết cuộc bi thảm để ta tránh khỏi, đừng phạm phải.
Nói cách khác, người thiện hay người ác đều có thể làm thầy của mình. Người thiện dạy ta những điều tốt lành, người ác dạy ta phải tránh đừng phạm phải những lỗi lầm của họ.
Bởi vậy, Đức Khổng Tử nói (Luận Ngữ, 7:22): Ba người đi chung, ắt có một người làm thầy ta: Lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình.([9])
Trong quyển Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie khuyên:
Những người bạn gặp trên đường đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dù tốt hay xấu, họ cũng tặng bạn những kinh nghiệm sống hết sức tuyệt vời. Chính vì thế, đừng nên lên án, chỉ trích hay than phiền ai cả. Thậm chí, nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn hay lợi dụng lòng tốt của bạn thì xin hãy cứ tha thứ cho họ. Bởi vì có thể, chính nhờ họ mà bạn học được cách khoan dung.
Chỉ trích mt người là vic không khó. Vưt lên trên s phán xét ấy để cư xử rng lượng, v tha mới là điều đáng t hào. (Sách đã dẫn, tr. 48)
Chuyện sau đây xảy ra trong thiền viện của thiền sư Tiên Nhai (Sengai) bên Nhật. Một thiền sinh thường lén trèo qua tường ra phố dạo mát ban đêm. Một tối nọ, đi giám sát các phòng ngủ, thiền sư Tiên Nhai thấy giường anh ta trống trải và sau đó phát hiện thêm chiếc ghế cao kê sát tường. Thiền sư lẳng lặng dời ghế ra nơi khác và đứng thay vào chỗ đó. Lúc trở về, theo thói quen, anh ta trèo qua tường và bỏ bàn chân xuống ngay trên đầu thiền sư làm điểm tựa rồi phóng ngay xuống đất. Bấy giờ biết rằng mình vừa phạm lỗi thất kính với sư phụ, anh sợ hết hồn hết vía. Nhưng thiền sư chỉ nhỏ nhẹ khuyên: “Sáng sớm trời lạnh lắm. Con cẩn thận kẻo bị cảm.” Sau đêm đó, anh ta không bao giờ trốn ra ngoài chơi khuya nữa.([10])
Một chuyện gần giống như vậy đã xảy ra ở thiền thất Phú Nhuận (thuộc Minh Lý Thánh Hội), nằm trong khuôn viên nhà bà Bút Trà (pháp danh Toàn Lạc). Bà là bào muội Ngài Minh Thiện (1897-1972, quả vị Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát).


Mỗi lần đến thiền thất Phú Nhuận, Ngài Minh Thiện thường gọi một môn sanh là Thanh Quang và một thiếu niên là Nguyễn Hữu Hậu (chưa nhập môn) đi theo. Thiếu niên ấy về sau là môn sanh Đại Minh (1939-2012), đã kể một kỷ niệm với Ngài Minh Thiện ở thiền thất Phú Nhuận như sau:
Có một buổi tối, tôi mê chơi nên về trễ. Biết giờ nầy Ngài đang công phu, tôi đứng ngoài phòng (cửa đóng). Tôi không dám nhúc nhích sợ gây tiếng động. Đến hết giờ công phu, Ngài gọi: “Vào ngủ đi trò, đứng ngoài muỗi chích.”
Mở cửa vào, tôi thật bất ngờ và cũng rất lúng túng, vì mùng Ngài đã giăng thẳng băng, mà mùng tôi cũng được giăng ngay ngắn như vậy. Sáng hôm sau, tôi chờ đợi sự răn dạy của Ngài, nhưng không thấy Ngài nói gì cả, y như là không có việc gì xảy ra. Tôi tự thấy hối lỗi và không bao giờ dám tái phạm.([11])
Qua hai chuyện kể trên, có thể thấy rằng ẩn ác dương thiện là một nghệ thuật đối nhân xử thế và tâm lý giáo dục rất sâu sắc và hiệu quả. Tha thứ, bỏ qua điều xấu của người, cư xử rộng lượng, vị tha là một cách khích lệ rất hay để người ta phấn chấn tinh thần, cố gắng thăng tiến trên đường thiện. Một lời khen ngợi hay khích lệ chân thành có thể làm thay đổi cả một cuộc đời.
Trong một hồi ức cảm động, tiến sĩ Joel Bawilley kể rằng ông xuất thân là một đứa trẻ da màu con nhà nghèo, quê mùa. Năm chín tuổi, chú bé Joel chuyển tới học ở một trường tại thành phố New York, và luôn bị bạn học phân biệt đối xử, lạnh nhạt. Do đó, chú học hành kém sút vì mặc cảm tâm lý chứ không phải vì tối dạ, lười biếng... Thế rồi thầy giáo phụ trách lớp chú bệnh nhiều phải tạm nghỉ; giáo viên dạy thay là thầy Sean, một người da màu.
Một hôm, khi thông báo cho cả lớp biết kết quả bài thi giữa học kỳ, thầy Sean đã đặc biệt khen ngợi Joel, rồi yêu cầu chú cuối buổi học hãy đến gặp riêng thầy. Thầy lại vui vẻ khen ngợi chú lần nữa, khuyên chú hãy tiếp tục cố gắng không ngừng... Từ đó trở đi, việc học hành của bé Joel hoàn toàn thay đổi, chú dần dần trở thành học sinh xuất sắc. Thời gian trôi qua, chú vào đại học, rồi trở thành tiến sĩ, rồi làm giáo sư tại viện đại học bang Michigan danh tiếng.
Sau bốn mươi năm không gặp lại thầy Sean, đến khi may mắn biết được chỗ ở của thầy giáo cũ, chẳng ngại đường xa, tiến sĩ Joel Bawilley lập tức lái xe vượt ba trăm cây số để thăm thầy. Cuộc tái ngộ thật cảm động và thầy Sean tâm sự rằng, thuở bé chính thầy cũng không mấy khác hoàn cảnh Joel, nhưng nhờ được một giáo viên khích lệ mà rốt cuộc thầy vượt qua hết mọi trở lực. Đó là lý do thầy Sean đã không tiếc lời khen Joel, một hình ảnh thơ ấu của thầy.
Ẩn ác dương thiện còn là một cách tu trì, rèn luyện nhân cách, trau dồi đức hạnh.
Luận Ngữ (12:1) chép lời dạy của Đức Khổng Tử: Phi lễ vật ngôn. (Không nói điều trái lễ.) Như thế, người tu hành hay bậc quân tử không đem điều tệ, việc chẳng lành của người khác mà bàn tán, loan truyền, rêu rao, v.v...
Ẩn ác dương thiện cũng là cách giữ giới bất vọng ngữ, để tránh khẩu nghiệp (quả báo xấu do lời ăn tiếng nói). Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ (phẩm thứ tám) có chép lời Đức Phật dạy: Giữ gìn khẩu nghiệp, không nói lỗi người.
Trong kinh của Minh Lý Đạo có bài Tịnh Khẩu Chú do Đức Tây Phương Phật Tổ ban cho môn đồ, gồm bốn câu như sau:
Lời ăn nói là nơi lỗ miệng
Tiếng luận đàm liệu biện đề phòng
Giữ gìn miệng đặng sạch trong
Thốt lời minh chánh, rèn lòng tụng kinh.
Bốn câu này khuyên phải biết gìn giữ miệng mồm cho tinh sạch để tụng kinh (vì kinh là lời Tiên tiếng Phật, hãy tôn trọng lời kinh). Giữ sạch mồm miệng không có nghĩa là đánh răng súc miệng, mà là đừng thốt ra những điều trái lễ; đừng luận đàm bàn tán hay dè bỉu chuyện xấu của người khác.
Đạo Cao Đài có bản Kinh Cảm Ứng viết theo thể thơ lục bát. Điều thứ Năm trong Kinh Cảm Ứng dạy:
Rủi may dạ chẳng kiêng dè
Những điều xấu bạn, đem khoe ngạo cười
Gổ ganh lòng chẳng hổ ngươi
Trông mong xoi bói của người việc riêng.
Các trích dẫn kinh điển trong nhiều tôn giáo khác nhau như trên đây cho thấy dường như phần đông con người dễ có xu hướng thích thú rêu rao, lan truyền khuyết điểm, lỗi lầm người khác mà quên rằng chính bản thân chúng ta vẫn chưa hoàn thiện; chúng ta cũng mắc phải những lỗi lầm tương tự mà lắm khi còn nghiêm trọng hơn lầm lỗi của người khác nữa!
Bởi thế phương Tây có lời khuyên: Đừng than phiền về tuyết phủ trên mái nhà hàng xóm trong khi ngưỡng cửa nhà mình chưa sạch.([12])
Kinh Thánh (Luca 6:41) chép lời Đức Giêsu dạy:
Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?
Ngày nay, trong đạo Cao Đài, Đức Cao Đài Tiên Ông dạy:
Mãi muốn sửa người thật khó CAO
Sửa mình được, mới rạng ĐÀI cao
TIÊN ÔNG nay nhắc tu là sửa
Mà sửa chính mình mới kiệt hào.([13])
Đức Mẹ dạy:
Phải chơn thành, phải chơn thật. Không cử động nào qua được mắt Thần Minh. Dầu hành đạo, dầu xử thế, đều phải hoàn toàn trong nếp đạo đức. Chư Pht Tiên cũng như Giáo Tông không khi nào đem lỗi con ra trước đồng đo, vì lỗi ấy đã được ghi vào sổ rồi.([14])
Qua thánh giáo, chúng ta thấy các Đấng thiêng liêng đều nhủ khuyên, dạy dỗ tất cả mọi người, không bao giờ quở trách một cá nhân người nào trước đồng đạo.
Tuy nhiên, vì lòng từ bi, Đức Mẹ cảnh báo cho chúng ta biết rằng mặc dù Ơn Trên không hạch tội chúng ta trước mặt đồng đạo nhưng các lỗi ấy đã được ghi vào sổ. Thời hạ nguơn này, mỗi người tu là một thí sinh đang làm bài thi và bài thi của mỗi người đều khác nhau. Nếu Ơn Trên để lời quở trách thì chẳng khác nào thí sinh được giám thị nhắc bài, như thế là trái luật công bình. Mỗi người phải chăm tu tập, siêng năng học hiểu thánh giáo để tự mình nhận ra lỗi lầm bản thân và tích cực sửa chữa.
Do đó, người thực hành đạo lý ẩn ác dương thiện chẳng những sẽ không phí thời gian nói xấu người khác, mà còn không quan tâm lắng nghe những chuyện chẳng hay ho được nhặt nhạnh đầu đường cuối phố, tức là không để cho người khác có dịp nói xấu, đàm tiếu.


Nhà hiền triết Socrates (khoảng 469-399 trước Công Nguyên) chào đời tại thành phố Athena (Hy Lạp), là một trong những người tạo nên nền tảng triết học phương Tây. Một hôm, có người tới gặp Socrates, hào hứng khoe:
- Thầy có muốn biết những gì tôi mới nghe thiên hạ nói về bạn thầy không?
Socrates chặn lại:
- Khoan đã! Trước khi thuật lại lời bá tánh nói về bạn tôi, tốt hơn cả có lẽ ông nên đợi một chút để chúng ta lọc lại những gì ông muốn kể. Tôi có ba bình lọc dùng vào việc này. Bình lọc thứ nhất tôi gọi là Chân Lý. Ông có tin chắc một trăm phần trăm rằng những điều ông muốn kể tôi nghe hoàn toàn đúng sự thật không?
Người kia thoáng lưỡng lự rồi thú nhận:
- Ồ, không! Thật ra tôi chỉ nghe bà con đồn đãi mà thôi.
Socrates khoát tay:
- Được rồi. Như thế hiển nhiên ông chẳng hề biết chuyện đó đúng sai ra sao. Nào, chúng ta hãy dùng thêm bình lọc thứ hai, tôi gọi là Thiện Hảo. Những điều ông muốn kể về bạn tôi có chút gì tốt lành trong đó không?
Người kia ấp úng:
- Thì… thì … chắc thầy đoán được rồi. Chả hay ho gì đâu!
Socrates gật gù:
- Thế đấy! Tuy chẳng biết miệng mồm thế gian đúng hay sai, ông vẫn muốn kể xấu về bạn tôi. Còn bình lọc cuối cùng, tôi gọi là Hữu Ích. Xin hỏi, những điều ông muốn kể về bạn tôi có chút chi ích lợi cho tôi chăng?
Người kia sượng sùng, lắc đầu không nói.
Socrates kết thúc câu chuyện:
- Rõ rồi nhé! Bản thân ông không dám chắc những gì thiên hạ đơm đặt về bạn tôi là đúng sự thật. Hơn nữa, ông chỉ thấy chúng chẳng những vô ích mà còn xấu xa. Vậy thì cớ sao ông lại muốn đem những thứ rác rưởi ấy nhét vào tai tôi chứ?!([15])
Ngày nay, Đức Cao Đài Tiên Ông dạy:
Các con là người tu hành, không nên dính vào chuyện thị phi của người đời. Các con lại càng không nên chỉ trích sau lưng người, vì đó không phải là đạo hạnh của người tu.
Khuyên các trẻ tai bưng, mắt đậy
Việc thị phi đừng vấy bận vào
Đừng bàn tán chuyện xôn xao
Đừng ham chỉ trích, nói sau lưng người.([16])
Đức Tam Trấn Oai Nghiêm Quan Thánh Đế Quân dạy:
Tập tánh lành thua hơn dứt bỏ
Mặc người đời bàn nọ nói kia
Hễ tu tâm đạo chớ lìa
Thị phi cố tránh, rẽ chia chớ bàn.([17])
Thị phi là đúng sai. Đối với người này có thể là đúng, nhưng đối với người khác lại là sai. Vào thời điểm này có thể là đúng nhưng vào thời điểm khác lại là sai.
Chuyện kể rằng, trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ, mưa mùa xuân tầm tã, nhà nông mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, nhưng kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, các thi sĩ vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn trộm đạo lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian, nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin. Vua tin nghe lời thị phi thì bề tôi bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi thế gian còn hơn nọc độc rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.
Thế nên, người tu chúng ta đừng bàn đến chuyện đúng sai của người khác vì vừa vô ích vừa không đúng đạo hạnh người tu. Người tu chỉ nên quán xét nội tâm, soi sáng lại chính bản tâm để tự sửa mình cho được tiến bộ mà thôi.
Tân Luật Cao Đài (Chương IV, Điều Thứ Hai Mươi Mốt) dạy về điều cấm thứ năm trong Ngũ Giới Cấm như sau:
Ngũ bất vọng ngữ là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình y lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nho báng, chê bai, nói hành kẻ khác (…).
Tân Luật Cao Đài (Chương V, Điều Thứ Hai Mươi Hai) dạy về điều quy thứ tư trong Tứ Đại Điều Quy như sau:
Trước mặt sau lưng cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau.
Người tu chúng ta cần nên lưu ý điều này, bởi lẽ tu hành khổ nhọc, tạo được chút ít công đức mà không cẩn thận giữ gìn lời nói thì mang khẩu nghiệp, bao nhiêu công đức đều bị rơi mất từ nơi cửa miệng.
Ẩn ác dương thiện cũng là thực hành hạnh công bình. Luận Ngữ (15:24) chép lời Đức Khổng Tử dạy: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác.) Bản thân ta không muốn bị chê bai thì ta đừng chê bai kẻ khác, hãy “ẩn ác” giùm cho họ. Cũng thế, chính ta vui thích khi được khen ngợi thì tại sao không biết khen ngợi kẻ khác? Vậy hãy “dương thiện” giùm cho họ. (Tuy nhiên, phải khen đúng chỗ, hợp lý, chân thành; chứ không phải khen bừa, khen xã giao rồi trở thành kẻ nịnh nọt, khiến cho việc “dương thiện” không có tác dụng tích cực.)
Ngoài ra, ẩn ác dương thiện cũng là thực hành hạnh bao dung và trừ bỏ được tánh ghen ghét, đố kỵ. Dân gian xưa nay thường bảo: “Hai cô ca sĩ chẳng thương nhau bao giờ.” Câu ấy phản ánh tâm lý của người đời, thường hay ganh ghét, đố kỵ, không thích người khác hơn mình (ố nhân thắng kỷ). Thế nên, che cái xấu giấu cái dở và tán dương cái hay cái đẹp của người khác là việc làm của một người đã diệt trừ được bản ngã, cái tôi ích kỷ của mình và có lòng quảng đại bao dung.
Phật dạy rằng người biết hoan hỷ vui theo khi thấy người khác gieo trồng phước đức, giúp đỡ sẻ chia người bất hạnh qua cơn khốn khó, người làm phước và người tán thán vui theo đều có công đức bằng nhau.
Một vị tỳ kheo hỏi Phật: “Tại sao có chuyện lạ lùng như vậy?” Phật dạy: “Người biết bố thí cúng dường, sẻ chia, giúp đỡ sẽ được phước báu giàu có, nhiều tài sản. Người tùy h vui theo sẽ đưc công đức vì không ganh ghét, tt đố.” Phật đưa ra một ví dụ: “Như có một ngọn đèn đang cháy, được mồi cho trăm ngọn đèn khác nhưng vẫn cháy sáng bình thường.” ([18])
*
Một trong các vai trò của tôn giáo là giáo dân vi thiện, phục hồi các giá trị đạo đức của con người. Thế nên, cải tạo và chuyển hóa xã hội từ loạn động ra an bình, từ tội lỗi thành đạo đức là trách nhiệm của người tu. Với trách nhiệm này, thực hành đạo lý ẩn ác dương thiện là một phương cách hữu hiệu để người tu góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Nếu mọi người trong xã hội đều tích cực thực hành đạo lý ẩn ác dương thiện thì chắc chắn rằng xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp, bình an và hạnh phúc.
Do đó, việc thực hành đạo lý ẩn ác dương thiện cần phải được nhân rộng ra và đặc biệt cần được sớm truyền dạy cho trẻ con từ trong mỗi gia đình và trong học đường, ngay từ trong ngôn ngữ lời nói. Chẳng hạn, thay vì bảo rằng Con hư quá!” thì ta nên nói: Con chưa ngoan.” Mỗi khi thấy trẻ làm được một điều tốt, điều thiện thì liền biểu dương, khen ngợi, khuyến khích.
Ẩn ác dương thiện cũng có thể được xem là một pháp môn tu hành để người tu tự rèn luyện đạo đức, thực hành hạnh công bình, bao dung quảng đại và diệt trừ bản ngã ích kỷ độc tôn.
DIỆU NGUYÊN




([1]) http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/cai_dep_cuu_roi_cuoc_song.html.
([2]) https://baomoi.com/khuyen-thien-trung-ac/c/17060792.epi.
([3]) Đức là gốc, tài là ngọn.
([4]) https://nhantu.net/DichHoc/THUONGKINH/14DaiHuu.htm.
([5]) Trần Lê Nhân, Hán Học Danh Ngôn. Sài Gòn: Nxb Thọ Xuân, 1957, in lần thứ ba. Chương thứ ba, XII, câu 571.
Câu này trích trong sách Tại Cứu Ký (Ghi chép trong thời gian để tang), nguyên văn như sau: Ẩn ác dương thiện, thánh nhân dã. Háo thiện ố ác, hiền nhân dã. Phân biệt thiện ác vô đáng giả, dung nhân dã. Điên đảo thiện ác dĩ khoái kỳ sàm báng giả, tiểu nhân dã. Tác giả câu này là Trung Trang Chu Công, tự là Đức Chỉ, hiệu là Miễn Trai, người ở kinh sư (tức kinh thành, kinh đô) làm quan đời nhà Minh đến chức Trung Thừa. Ông có viết quyển sách nhan đề Tại Cứu Ký (Ghi chép trong thời gian để tang).
([6]) Thường tu ẩn ác dương thiện... (Tu trong câu này nghĩa là hãy nên, cần phải; không có nghĩa là tu hành như chữ tu ).
([7]) Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch.
http://phapmontinhdo.vn/lieu-pham-tu-huan-50--11.
([8]) Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) dịch. Nxb Trẻ, 2008. Nguyên tác: How to Win Friends and Influence People.
([9]) Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên: Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi.
([10]) Theo Sa Thạch Tập (Shasekishū) của thiền sư Vô Trú (Muju).
([11]) Đại Minh, “Vài nét sinh hoạt của Ngài Minh Thiện”, in trong Xuân Chung Tâm. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 136. (Quyển 35-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([12]) Don’t complain about the snow on your neighbor’s roof when your own doorstep is unclean.
([13]) Minh Khai Chiếu Minh Đàn.
([14]) Thiên Lý Đàn, 29-01 rạng 01-02 Mậu Thân (Thứ Ba 27 rạng Thứ Tư 20-02-1968).
([15]) Huệ Khải, Ba Bình Lọc”, in trong Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 13-14. (Quyển 54-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([16]) Minh Khai Chiếu Minh Đàn.
([17]) Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý Tam Thôn Hiệp, 08-12 Ất Tỵ (Thứ Năm 30-12-1965).
([18]) Thích Đạt Ma Phổ Giác. http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/ giao-phap/tam-tanh/18304-tam-biet-tuy-hy.html



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)