Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

07/ ÍCH LỢI CỦA VIỆC CÚNG KÍNH / ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN

ÍCH LỢI CỦA VIỆC CÚNG KÍNH
Tân Luật của đạo Cao Đài gồm ba phần: Đạo Pháp (tám chương, ba mươi hai điều), Thế Luật (hai mươi bốn điều), và Tịnh Thất (chín điều).
Trong phần Đạo Pháp:
- Chương II (Về người giữ Đạo), Điều Thứ 11 quy định: Người làm Đầu trong Họ hay là chức sắc thay mặt cho mình phải đến làm lễ cúng khai đàn, trấn thần, an vị cho người mới vào Đạo.
- Chương III (Về việc lập Họ), Điều Thứ 20 quy định: Chức sắc giữ thánh thất mỗi ngày phải làm tiểu lễ bốn lần theo tứ thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. (…) Đổ một hồi chuông trước khi hành lễ trong mấy thời này, bổn đạo muốn đến tụng kinh tùy ý.
Những điều quy định trong Tân Luật cho thấy người nhập môn vào Đạo cần thiết phải thượng tượng tại tư gia và cúng kính hằng ngày vì có như vậy người tín đồ mới nhận được sự bảo hộ của Thiêng Liêng theo nguyên tắc “Con Phật, Phật rước; con ma, ma dẫn”. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Nên nhớ rằng, mỗi một người tu hành trong lúc này đều có một bậc Chơn Linh hoặc Thiêng Liêng âm phò mặc trợ.([1]) Mỗi ngày nên tưởng niệm để nhắc nhở tâm thức, liên lạc thông công với phần Thiêng Liêng hộ trì. Nếu để trống không, Bần Sĩ e khó tránh khỏi những tà quái, ngạ quỷ ([2]) giựt giành. Hãy nhớ câu truyền khẩu từ xưa rằng: Buổi hạ nguơn mạt kiếp, hễ con Phật, Phật rước; con ma, ma dẫn.([3])
Chức sắc cùng bổn đạo phải thường xuyên cúng kính hằng ngày tại thánh thất, thánh tịnh để tiếp nhận ân điển thiêng liêng và giúp cho người và vật chung quanh thánh sở cũng được tiếp nhận ân lành, cỏ cây mùa màng được tốt tươi thạnh mậu, người người được an cư lạc nghiệp, có thể tránh khỏi thiên tai chiến họa và làm ăn phát đạt thành công.
Tiền khai Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) lúc còn sinh tiền đã cho biết trong một bài thuyết pháp của Ngài tại Ðền Thánh vào đêm 29-01 Mậu Tý (Thứ Ba 09-3-1948):
Qua đứng trên ngai, qua thấy trên Nê Hoàn Cung của mấy em, nếu định tâm, thì có một hào quang xung lên đều đều. Mọi người đều có cả hào quang đó. Có một vị Phật ôm hết đem vào Bát Quái Đài, hiệp với đạo hào quang trong quả Càn Khôn, đoạn đem trở ra bao trùm chỗ ngồi của mấy em, mà mấy em không thấy được. Cho nên, khi mấy em hầu lễ, nếu biết hưởng cái ơn Thiêng Liêng ban cho đó, thì tinh thần được an tịnh. Hạnh phúc biết bao! ([4])
Ngoài ra, việc cúng kính tứ thời còn có nhiều ích lợi khác.
Đức Chí Tôn dạy:
Cúng tứ thời có ích cho các con lắm, chớ không phải ích chi cho Thầy. Nếu cúng được thường, thì lòng dạ nở nang, tứ chi luân chuyển, có nhiều khi tật bịnh tiêu trừ.([5])
Con người vốn có tính vị kỷ (ích kỷ), thường chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình mình. Nếu cúng kính thường, hướng lòng mình về các Đấng trọn tốt trọn lành, tai lắng nghe những lời kinh tiếng kệ, lòng dạ sẽ được nở nang tức là tâm sẽ được mở rộng hướng về người khác, gia tăng lòng yêu thương mọi người (vậy là vị tha). Đó là ích lợi về mặt tinh thần.
Còn về mặt thể chất, mỗi khi cúng kính thì cúi lạy nên tứ chi luân chuyển (vận động) giúp cho máu huyết được lưu thông đều khắp trong cơ thể, tốt cho sức khỏe.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Các em phải lo cúng kiếng ([6]) thường:
- Một là cho Chơn Thần được gần gũi các Đấng thiêng liêng cho đặng xán lạn.
- Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.
- Ba là có tế lễ thì tâm mới có cảm. Cảm rồi ứng. Ứng là lẽ tự nhiên.([7])
- Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ.([8]) Các em nhớ à.([9])
Việc cúng kính còn giúp cho chúng ta giải trừ được ba nghiệp (thân, khẩu, ý) như lời Đức Chí Tôn dạy:
Sự cúng lạy con nên sốt sắng
Trừ nghiệp thân cho đặng tinh anh
Kệ kinh miệng đọc lòng thành
Để trừ nghiệp khẩu, khỏi sanh não phiền.
Con ngày đêm tâm thiềng ([10]) cầu nguyện
Để diệt trừ vọng niệm ý
Tứ thời trẻ ráng gần Cha
Nhìn ngay Thiên Nhãn thì là thần gom.([11])
- Thân có ba nghiệp ác là: sát sanh, tà dâm, trộm cắp.
- Khẩu có bốn nghiệp ác là: vọng ngữ (nói dối), ác khẩu (nói lời ác độc khiến cho người khác đau khổ, buồn tủi...), lưỡng thiệt (hai lưỡi: nói lời đâm thọc, ly gián hai bên), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt).
- Ý có ba nghiệp ác là tham, sân, si.
Gộp chung thân, khẩu, ý là mười nghiệp ác.
Thầy còn nhắc chúng ta mỗi khi quỳ cúng hãy nhìn ngay Thiên Nhãn, bởi lẽ Thiên Nhãn là Thần của vũ trụ, của Thượng Đế. Nhìn Thiên Nhãn lúc cúng kính sẽ tiếp nhận được Thần của Thượng Đế, giúp cho Thần của chúng ta được minh linh sáng suốt.
Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy về tác dụng giải nghiệp của việc cúng kính như sau:
Sự lễ bái, cúng lạy, quỳ mọp ngoài ý nghĩa trịnh trọng thi lễ với Phật Trời, lại còn có ý nghĩa câu thúc thân mình trong sự khó khăn để trừ bớt nghiệp thân.
Tịnh khẩu hoặc niệm Phật tụng kinh để trừ bớt nghiệp khẩu.
Nhắm mắt tham thiền hoặc ngó ngay vào tượng Phật hoặc ngọn nhang hay ngọn đèn lưu ly là để trừ lần nghiệp nhãn.
Tham thiền định ý khép chặt không tư tưởng suy nghĩ vẩn vơ phóng túng để trừ lần nghiệp ý.
Thiền định không chấp nhận mọi tiếng động vào tai để trừ lần nghiệp nhĩ.
Tóm lại, tất cả những điều ấy là những phương pháp trợ cho người tu hành được yên ổn trả dứt nghiệp cũ, không gây nghiệp mới và tạo thêm âm chất để làm vốn liếng, sản nghiệp([12]) vô hình cho kiếp lai sanh ([13]) hoặc cho ở bên kia thế giới.([14])
Đức Quan Âm Bồ Tát dặn dò chúng ta cần phải lưu ý thực hành cúng kính trong tinh thần chánh tín. Vì có nhiều tín hữu đến chùa thất cúng kính với mục đích cầu xin may mắn, lợi lộc riêng tư cho bản thân mình và gia đình mình, nên Đức Quan Âm Bồ Tát khuyên dạy:
Còn cúng lạy niệm danh chư Phật
Ở chùa chiền tịnh thất thường khi
Tứ thời bái sám làm chi
Niệm danh các Đấng làm gì nữa đây?
Có người niệm xin Thầy cùng Phật
Cho thánh đường, tịnh thất bình yên
Đó đây trên dưới chùa chiền
Đừng cho phá hoại, giữ yên mãi hoài.
Cho gia đạo trong ngoài an bĩ ([15])
Cho đàn con ứng thí thủ khoa
Và cho lớn bé trẻ già
Làm ăn thạnh mậu, cửa nhà sum sê.
Tôi sẽ nguyện đem về cho Phật
Hoa quả trà chồng chất đầy bàn
Hương thơm, trầm tốt, trà nhang
Rượu lê, trà cúc bĩ bàng thiếu chi.
Xin chư Phật từ bi gia hộ
Cho chồng tôi thi đỗ quan cao
Để cầm vận mạng phong trào
Đi đâu dân chúng chạy sau rần rần.
Đó là tu theo phần mê tín
Phật Tiên đâu ưa nịnh ưa dua
Mà đem lễ vật đến chùa
Đặt điều kiện để bán mua Phật Trời.([16])
Do đó, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy cho nhơn sanh ý nghĩa đúng đắn nhất của việc cúng kính:
Tu phải cố trau giồi tâm tính
Phải trước tiên quyết định tu chi
Tụng kinh là để làm gì
Ăn chay niệm Phật ích chi cho mình?
Không phải Phật thiếu kinh thường dụng
Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe
Tụng kinh như thể nói vè
Nghĩa sâu không biết, lối lề không thông.
Chẳng khác nào nghe ong vò vẽ
Tiếng nhỏ to thỏ thẻ vu vu
Tụng nhiều mới gọi là tu
Đọc nhiều cho Phật, công phu mới nhiều.
Đó là tu theo chiều mê tín
Biết bao giờ tâm thánh mở mang
Sách kinh là đuốc rọi đàng
Dạy đời học đạo hành tàng ([17]) thể nao.([18])
Vì lẽ đó cùng nhau ráng hiểu
Đọc kinh coi Phật biểu làm chi
Ráng làm ăn ở cho y
Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời.
Đọc kinh rồi hiểu lời Phật dạy
Thì chớ làm trái lại sách kinh
Nếu khi mình đã thông minh
Lảu thông ([19]) đạo pháp, xem kinh làm gì? ([20])
Do đó, tác dụng quan trọng nhất của việc cúng kính chính là tu thân sửa mình theo lời kinh dạy để trở thành người chí thiện chí mỹ, hầu có thể giải thoát kiếp phàm phu mà trở thành hiền nhân, thánh nhân hay Thánh Thần Tiên Phật. Do đó, khi đọc kinh thì phải chú tâm vào câu kinh, hiểu rõ ý nghĩa câu kinh để rồi thực hành đúng theo lời kinh dạy.
Ví dụ:
* Bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo có các câu như:
- Đại La Thiên Đế.
Đại La là tấm lưới lớn, ám chỉ bầu trời rộng, che khắp, ngụ ý bảo rằng “Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa nhưng mảy lông khó lọt”, ám chỉ luật Trời hay luật Thiên Điều thưởng phạt rất công minh. Mọi việc làm của con người nơi thế gian đều không thể qua được luật Thiên Điều. Vậy, khi đọc câu kinh này, chúng ta tự nhắc nhở mình không được làm điều tội lỗi, xấu ác.
- Càn kiện cao minh, Vạn loại thiện ác tất kiến.
Càn kiện: Ám chỉ Đạo Trời cương kiện, mạnh mẽ. Cao minh: Vô cùng sáng suốt. Vạn loại thiện ác: Tất cả mọi điều lành dữ, tốt xấu của muôn loài. Tất kiến: Nhìn thấy thấu suốt, rõ ràng; nhìn thấy hết tất cả. Câu kinh này có ý nói Trời vô cùng sáng suốt, thấy biết hết tất cả mọi điều lành dữ, thiện ác của muôn loài vạn vật.
Hai chữ tất kiến gợi nhớ câu nói dân gian: Trời cao có mắt. Đó cũng là nghĩa lý của biểu tượng Thiên Nhãn. Thế nên, khi đọc đến câu kinh này, chúng ta tự nhắc mình rằng mọi việc ta làm, dù trong bóng tối, dù nơi vắng vẻ không người, Trời đều biết hết.


Trong Cổ Học Tinh Hoa (quyển I, truyện 40: Ông Quan Thanh Bạch), hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tĩnh Trai Trần Lê Nhân kể lại câu chuyện của một vị quan thanh liêm thuở xưa tên là Dương Chấn.
Dương Chấn được bổ làm thái thú quận Đông Lai. Trên đường phó nhậm đi qua đất Xương Ấp. Quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước kia được Dương Chấn đề bạt. Thế nên đợi đêm khuya, Vương Mật đem vàng đến tạ ơn.
Dương Chấn bảo: “Trước đây tôi biết ông là người khá, mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư?”
Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin Ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết.”
Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết!”
Nghe vậy Vương Mật xấu hổ, lui ra.
- Huyền phạm quảng đại. Nhứt toán họa phước lập phân.
Huyền phạm: Cái khuôn mầu nhiệm, ám chỉ luật tắc của Tạo Hóa. Quảng đại: Rộng lớn. Nhứt toán: Một sự toan tính trong lòng. Họa phước: Điều tai họa và phước lành. Lập phân: Phân định rõ ràng.
Câu kinh này có ý nói: Hễ con người vừa nảy sinh một ý nghĩ, mưu toan, dù chưa thi hành mà luật Trời đã phân định tội hay phước cho nghiệp ý đó rồi. Kinh sách có câu: Nhơn tâm sanh nhứt niệm, thiên địa tất giai tri. (Lòng người vừa khởi sanh một ý niệm, trời đất liền biết ngay.)
Đọc câu kinh này, chúng ta tự nhủ mình phải cẩn thận ngay từ trong tư tưởng, suy nghĩ của mình, đừng toan tính những chuyện xấu ác, dù chưa thực hiện thành hành động nhưng luật Thiên Điều đã ghi nhận và phân định họa phước cho mình rồi.
- Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa.
Nhược thiệt nhược hư: Như thực như hư, như có như không, không thể lường biết được. Bất ngôn: Không nói năng chi, im lặng. Nhi: Nhưng mà. Mặc tuyên: Lẳng lặng phô bày ra. Đại hóa: Sự sinh hóa to lớn, ám chỉ toàn thể sự vận hành trong vũ trụ không có lúc nào ngừng nghỉ.
Câu kinh này có ý nói tuy Trời im lặng, như hư như thật, nhưng lại phô bày ra cả đại cuộc vận hành sinh sôi nảy nở của vũ trụ.
Đức Khổng Tử nói (Luận Ngữ, 17:19): Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sanh yên. Thiên hà ngôn tai! (Trời nào có nói gì đâu thế mà bốn mùa thay đổi, muôn vật sinh thành. Trời nào có nói gì đâu!)
- Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh.
Thị không thị sắc: Là không là sắc, có hình tướng và không có hình tướng. Vô vi: Làm mà không để ai thấy hoặc biết việc mình làm. Nhi dịch sử quần linh: Nhưng mà sai khiến vạn linh.
Câu kinh này có ý nói Trời rất thần diệu, không ai nhìn thấy hoặc biết được việc Ngài làm, nhưng tất cả vạn linh đều do Ngài sai sử.
Đọc đến hai câu kinh Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa / Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh, chúng ta tự nhắc mình hãy noi theo gương của Trời: Làm việc, mang lại phúc lợi cho vạn vật chúng sanh mà nào có kể công chi. Mỗi khi chúng ta làm được công quả gì, giúp ích được cho ai, chúng ta cũng đừng khoe khoang, kể công mình. Đó chính là làm công quả trong tinh thần vô tư, vô công, vô cầu, vô danh, như Đức Chúa dạy (Matthêu 6:3-4): Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo.
- Thời thừa lục long du hành bất tức.
Thời: Tùy thời cơ, hoàn cảnh. Thừa: Cỡi. Lục long: Sáu rồng. Du hành: Đi lại. Bất tức: Không ngừng nghỉ. Theo nghĩa đen, Thời thừa lục long du hành bất tức có nghĩa là Trời cỡi sáu rồng đi đi lại lại không ngừng nghỉ. Theo nghĩa bóng, sáu rồng ám chỉ sáu hào dương của quẻ Kiền (tượng trưng cho Đạo Trời). Thế nên, câu kinh này có ý nói Đạo Trời vốn cương kiện, mạnh mẽ và vận hành khắp cả vũ trụ không một phút giây ngừng nghỉ. Đại Tượng Truyện quẻ Kiền có câu: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Nghĩa là người quân tử luôn kiên cường mạnh mẽ không ngừng nghỉ như Đạo cương kiện của Trời.([21])
Trong giới tu hành có câu: Học Phật nhất niên, Phật tại nhãn tiền; học Phật lưỡng niên, Phật tại đại điện; học Phật tam niên, Phật tại Tây thiên. (Học Phật một năm, Phật ở trước mắt; học Phật hai năm, Phật trong chánh điện; học Phật ba năm, Phật tại Tây phương.) Nghĩa là lúc mới nhập môn vào tu thì hăng hái siêng năng, lúc nào cũng thấy có Đức Chí Tôn ngay trước mặt. Dần dần chểnh mảng biếng lười, khi vào chánh điện cúng kiếng thì mới nhớ đến Thầy, giãi đãi riết rồi không còn nhớ đến Thầy đến Đạo nữa, Thầy ở xa tít trên chín tầng mây.([22])
Thế nên, khi đọc câu kinh “Thời thừa lục long du hành bất tức”, chúng ta tự nhắc nhở mình hãy siêng năng tu học hành đạo, tinh tấn không ngừng nghỉ, dù có gặp gian lao khảo đảo thử thách cũng không thối chí nản lòng.
* Bài Ngũ Nguyện, câu nguyện thứ ba: Tam nguyện xá tội đệ tử.
Chúng ta cầu xin Thầy tha thứ lỗi lầm cho mình thì mình cũng phải biết tha thứ lỗi lầm cho người khác. Vậy, mỗi khi đọc đến câu kinh này, chúng ta hãy nhớ mở rộng lòng khoan dung tha thứ cho nhau.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Chư hiền đệ muội! Ai cũng thường cầu nguyện Thiêng Liêng, Trời Phật phò hộ cho mình, cho gia đình được an bình hạnh phúc, nhưng có bao giờ cầu nguyện cho mình đủ dạ từ bi để sẻ chia, để thông cảm, xử sự với tha nhân như Đức Chí Tôn đối với chư hiền đệ muội không? ([23])
Qua một số ví dụ trên đây, chúng ta có thể thấy rõ ích lợi quan trọng nhất của việc cúng kính là giúp cho chúng ta tu sửa thân tâm của mình theo lời kinh dạy để trở nên người chí thiện chí mỹ. Đức Đại Tiên Ngọc Lịch Nguyệt dạy:
Đến chùa thất rửa lần tội lỗi
Nghe kệ kinh tắm gội linh hồn.([24])
Sau cùng, chúng ta hãy ghi nhớ lời Đức Thiên La Đạo Nhơn ([25]) khuyên bảo:
Các thời cúng mõ chuông kinh kệ
Phải thành tâm hiến lễ nghiêm trang
Đừng miệng thì đọc rót ([26]) oang oang
Tâm phóng ngoại cả ngàn cây số
Kềm tâm tánh hướng về một chỗ
Tai lóng nghe cho rõ tiếng kinh
Thân quỳ ngay, chẳng chút nghiêng chinh
Hai mắt đứng chú nhìn Thiên Nhãn.([27])
DIỆU NGUYÊN



([1]) Âm phò mặc trợ: Âm thầm giúp đỡ.
([2]) Ngạ quỷ: Quỷ đói.
([3]) Thánh Bộ Từ Bi Thông Thiên Học, 01-4 Đinh Mùi (Thứ Ba 09-5-1967).
([4]) Tòa Thánh Tây Ninh, Lời Thuyết Đạo Của Đức Hộ Pháp. Năm Mậu Tý (1948). Quyển Nhì. Hội Thánh in năm 1973. Bài 6: Khi Vô Ðền Thánh Phải Bỏ Hết Phàm Tâm.
([5]) Đàn ngày10-12 Bính Dần (Thứ Ba 14-12-1926).
([6]) Cúng kiếng: Cúng kính. (Kính đọc trại thành kiếng.)
([7]) Cảm ứng: Cảm là con người xúc động tới Thần Minh; ứng là Thần Minh đáp lại con người. Đây là hai chiều tương tác qua lại.
([8]) Mẫn huệ: Sáng suốt, mau hiểu rõ.
([9]) Tòa Thánh Tây Ninh, 14-4 Quý Dậu (Thứ Hai 08-5-1933).
([10]) Tâm thiềng: Tâm thành, lòng thành.
([11]) Tòa Thánh Châu Minh, Thánh Huấn Hiệp Tuyển. Quyển I. Hội Thánh in năm 1961. Bài 106: Giới Định Huệ.
([12]) Sản nghiệp: Của cải, tài sản.
([13]) Kiếp lai sanh: Kiếp sau.
([14]) Trúc Lâm Thiền Điện, 18-7 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 30-8-1969).
([15]) An bĩ: An ổn và bĩ bàng (đầy đủ, sung túc).
([16]) Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (Thứ Hai 23-10-1967).
([17]) Hành tàng: Lúc vận động, hiển bày (hành) lúc ẩn kín (tàng).
([18]) Thể nao: Thế nào, ra sao.
([19]) Lảu thông: Hiểu rõ từ đầu tới cuối, thông suốt tất cả.
([20]) Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (Thứ Hai 23-10-1967).
([21]) Phần giải thích ý nghĩa các câu kinh nêu trên được trích từ: Huệ Khải, Tìm Hiểu Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010. (Quyển 16-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
Quý đạo hữu nên xem thêm thánh giáo Đức Chí Tôn in trong Đạo Uyển Đông 2018 (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tr. 5-17), vì chính Thầy giảng nghĩa bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo.
([22]) Xem thêm: Huệ Khải, “Gần Và Xa”, in trong Nẻo về Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 35-38. (Quyển 84-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([23]) Thánh thất Nam Thành, 14-10 Canh Tuất (Thứ Năm 12-11-1970).
([24]) Vĩnh Nguyên Tự, 07-01 Ất Tỵ (Thứ Hai 08-02-1965).
([25]) Thiên La Đạo Nhơn: Thế danh Lê Văn Nghĩa (1881-1972), thánh danh Thiên La Tinh, làm Đầu Họ Đạo thánh tịnh Ngọc Minh Đài. Xem tiểu sử của Ngài trong Đạo Uyển Xuân 2018 (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tr. 22-38).
([26]) đọc rót: Đọc xuôi rót, không vấp váp.
([27]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Giáp Dần (Thứ Tư 23-01-1974). 


Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)