THUỐC TIÊN
Mỗi con người đến thế gian đều bị ràng
buộc trong vòng tứ khổ là sinh, lão, bệnh, tử, trong đó, có thể nói, bệnh là
nỗi khổ triền miên của con người từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời.
Do đó, trường sinh bất tử hay trẻ
mãi không già là chuyện không có thực ở đời, thế nhưng nó vẫn luôn là mối
bận tâm xưa nay của các bậc vua chúa hoặc những người giàu sang quyền quý. Con
người vẫn mong ước được sống thọ, ít bệnh, lâu già. Vậy, có chăng một thứ thuốc
tiên (tiên dược, thần dược) giúp cho con người được thỏa nguyện?
Đạo Lão ở Trung Hoa ngày xưa gồm nhiều
phái, trong đó có một phái gọi là Thần Tiên Đan Đỉnh, chủ trương dùng một số
dược liệu để nấu thuốc trường sinh bất tử, trong đó có một thứ đá cát màu đỏ
gọi là chu sa hay thần sa. Tuy nhiên, nhiều đạo sĩ và hoàng đế các đời Tần,
Hán, Đường… uống loại kim đơn này, chẳng những không được trường sinh bất tử mà
còn bị ngộ độc, hóa điên hóa dại, bởi lẽ chu sa là một hợp chất chứa thủy ngân
và lưu huỳnh là hai chất độc, dùng lâu ngày sẽ hóa ra si ngốc.([1])
Các nữ hoàng, hoàng hậu thời xa xưa cũng
luôn tìm kiếm hoặc được các ngự y cung cấp các loại thảo dược quý trong thiên
nhiên để duy trì vẻ đẹp Trời cho và kéo dài tuổi thanh xuân. Ngày nay, các thẩm
mỹ viện được mở ra ngày càng nhiều để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của con
người, không chỉ dành riêng cho nữ mà luôn cả nam. Tuy nhiên, đã có không ít
trường hợp những người ra khỏi thẩm mỹ viện với khuôn mặt dị dạng hoặc bị những
di chứng tai hại về sau hay thậm chí còn bị mất mạng nữa.
Với sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện
đại, người ta đã chế tạo ra đủ các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ và thực phẩm
chức năng để giúp con người sống thọ, ít bệnh, lâu già. Đặc biệt là các thực
phẩm chức năng được chế tạo từ các loại thảo dược, rau củ quả trong thiên nhiên
đã trở nên rất thịnh hành với giá bán rất đắt. Trên Internet có một tài liệu
khá thú vị nói về ích lợi dinh dưỡng của các loại rau củ quả có hình dạng giống
các cơ quan trong cơ thể người. Tài liệu viết:
Thiên
nhiên là một nhà thuốc kỳ diệu của Thượng Đế. Khi tạo ra các thực phẩm cần
thiết như trái cây, rau củ… Thượng Đế đã để những dấu hiệu trên các loại đó,
giúp con người nhận biết loại nào ích lợi cho cơ quan nào trong cơ thể.
- Quả
cà chua cắt ngang cho thấy nhiều khoang gần giống cấu trúc trái tim. Theo y học,
cà chua chứa nhiều Lycopene và là thực phẩm tốt cho trái tim và máu huyết.
- Hạt
óc chó (walnut) trông rất giống
não người với hai bán cầu trái và phải, vỏ não và tiểu não. Ngay cả các nếp
nhăn hay nếp gấp trên hạt óc chó cũng giống với phần vỏ não. Theo y học, hạt óc
chó giúp phát triển hơn ba mươi tế bào thần kinh vận động cho hoạt động của bộ
não.
- Hạt
đậu đỏ (dark red kidney bean)
có hình dáng của quả thận. Theo y học, loại đậu này bồi bổ cho thận.
- Một
khoanh cà rốt cắt lát trông giống với mắt người, con ngươi và tròng đen mắt.
Các đường lan tỏa từ tâm trông giống với cơ quan thị giác. Theo y học, cà rốt
cải thiện rất nhiều sự lưu thông máu huyết và thị lực.
- Các
quả nho treo lủng lẳng thành từng chùm có hình dạng của trái tim. Mỗi trái nho
trông giống như một huyết cầu. Theo y học, nho là thực phẩm tốt cho máu huyết
và giúp trái tim mạnh khỏe.
- Cần
tây chứa nhiều can-xi và ma-nhê, rất có ích cho quá trình tạo xương và giúp các
khớp khỏe mạnh.
Bác sĩ Trần Bửu Long (một nhân viên Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) cho biết thêm:
- Màu
vỏ chuối chín khá giống da người, khi chuối để lâu, vỏ chuối cũng “trổ đồi mồi”
y như da người. Và chuối là liều thuốc bổ vô cùng cho da và gan. Bước vào Khoa
Viêm Gan ở bệnh viện Nhiệt Đới thường thấy mỗi đầu giường bệnh nhân đều treo
một nải chuối sứ. Nhiều bệnh nhân điều trị mụn khắp nơi không hết, về ăn chuối ròng
rã trên sáu tháng (mỗi ngày khoảng bốn trái), da mặt liền lạc như mới.
- Đu
đủ xẻ ra nhìn y hệt hình ảnh đường tiêu hóa theo góc nhìn máy nội soi. Những
bệnh lý tiêu hóa như đẹn miệng, nóng rát hậu môn, trĩ... nếu dùng khoảng nửa
trái đu đủ mỗi ngày sẽ hết rất nhanh.
- Rau
tần dày lá có những lông tơ nhỏ trên lá y hệt như lòng phế quản có những lông
tơ giống vậy để đẩy đàm nhớt ra ngoài. Do đó, rau tần dày lá trị ho rất hay nhờ
kích thích phế quản.
Vậy, chúng ta thấy, nếu con người có được
những kiến thức về “nhà thuốc thiên nhiên của Tạo Hóa”, duy trì một chế độ dinh
dưỡng khoa học, hợp vệ sinh, và nhất là nếu biết ăn chay trường đúng cách thì
đó là một trong những yếu tố giúp duy trì sức khỏe và sắc đẹp của con người.
Tuy nhiên, thực phẩm hay thuốc men đắt tiền không phải là yếu tố quyết định,
bởi lẽ con người ngày nay đang có thêm nhiều chứng bệnh mới mà y học chưa tìm
ra phương cách chữa trị.
Có thể nói, vị thuốc tiên giúp con người
mạnh khỏe, ít bệnh, lâu già, và xinh đẹp không nằm bên ngoài cơ thể con người;
vị thuốc tiên ấy được bào chế và sản xuất ngay trong thân thể hay nội tâm của
chúng ta. Mỗi người đều có thể tự bào chế cho mình vị thuốc tiên này.
Kinh Tương
Ưng Bộ, Tập 1, Chương 1, Phẩm 1 (Cây Lau) chép rằng thuở Đức Phật ở thành
Xá Vệ, vườn ông Cấp Cô Độc, có một vị
deva (thiên thần) không hiểu vì sao
các tỳ kheo tu hành kham khổ trong rừng núi, ngày chỉ ăn một buổi rau tương đạm
bạc, thế mà sắc mặt các vị đẹp lạ thường (thù
diệu). Bởi vậy, vị deva đến hỏi
Đức Phật:
Thường
sống trong rừng núi
Bậc
Thánh sống phạm hạnh
Một
ngày ăn một buổi
Sao
sắc họ thù diệu?
Đức Phật đáp:
Không
than việc đã qua
Không
mong việc sắp tới
Sống
ngay với hiện tại
Do vậy, sắc thù diệu.
Do
mong việc sắp tới
Do
than việc đã qua
Nên
kẻ ngu héo mòn
Lời Đức Phật dạy cho thấy ảnh hưởng mạnh
mẽ của nội tâm đối với sức khỏe và sắc diện của con người. Nếu con người hiểu
rõ lẽ vô thường của cuộc đời, tâm được an nhiên thanh tịnh, không tiếc nuối
chuyện đã qua, không mong vọng chuyện sắp đến, sống tỉnh giác và an lạc trong
hiện tại trước mọi biến thiên của ngoại cảnh, không tham dục, không lo lắng
tính toan thì sẽ có được một sắc diện thù diệu và tất nhiên, một sức khỏe khang
kiện.
Bởi vậy, Chúa Giê Su cũng dạy con người
đừng lo lắng:
Còn
về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế
nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo
cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp
bằng một bông hoa ấy. Vậy, nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò,
mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em… (Matthêu 6:28-30)
Có thể nói cách sống của mỗi người sẽ
quyết định tình trạng sức khỏe, tuổi thọ và vẻ đẹp của mình.
Tám tháng sau khi biết mình bị ung thư
phổi, ngày 24-11-2011, bác sĩ Richard Teo Keng Siang
(1972-2012) có buổi nói chuyện với các sinh viên trường Đại Học Nha Khoa
Singapore. Ông là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, rất ham sống, ham làm việc và
ham làm giàu. Năm bốn mươi tuổi, ông đã trở thành một nhà triệu phú.
Ông tâm sự rằng lúc nhỏ ông lớn lên trong
một gia đình có mức sống dưới mức trung bình và được mọi người dạy rằng thành
công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, ông trở
nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.
Ông muốn mình phải thành công trong mọi
lĩnh vực, từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, ông quyết tâm phải đoạt được
giải. Ông vào trường y và trở thành bác sĩ. Trong ngành y, phẫu thuật mắt là
một trong các chuyên khoa khó vào, nhưng ông vẫn vào được và lãnh học bổng
nghiên cứu của trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) về phát triển tia laser
để chữa bệnh mắt.
Trong khi nghiên cứu, ông có hai bằng phát
minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia laser. Nhưng ông cho rằng tất cả các
thành tựu này không mang lại cho ông sự giàu có. Vì vậy, ông quyết định bỏ
ngành phẫu thuật mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ,
bởi lẽ một người có thể không vui vẻ khi trả hai mươi đô la Mỹ để khám sức khỏe
tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả mười ngàn hay mười lăm
ngàn đô la Mỹ để được giải phẫu thẩm mỹ. Do vậy, thay vì chữa bệnh, ông quyết
định trở thành bác sĩ sửa sắc đẹp.
Công việc làm ăn rất phát đạt. Chỉ trong
vòng một năm, ông đã trở thành triệu phú. Ông bảo: Nhưng chẳng thế nào là đủ. Bởi
vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng
trở nên mê muội. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì quan trọng
đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu của
họ. Nhiều khi chúng ta quên đi mình
cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình.
Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.
Ông bắt đầu khuếch trương tới Indonesia , thu
hút các “thái thái” (các bà mệnh phụ nhiều tiền), những người muốn có cuộc phẫu
thuật trong chớp mắt. Cuộc đời ông phất lên như diều gặp gió. Với cả đống tiền
dư thừa, ông mặc sức sắm xe đua đắt tiền, rồi mua biệt thự, xây nhà nghỉ mát.
Ông nghĩ rằng cần phải hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng, giao tiếp
với hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở những nhà hàng
sang trọng nhất.
Ông
đã có được mọi thứ trong cuộc sống, lên đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả.
Ông nghĩ mình đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. Ông tâm
sự: Nhưng tôi đã lầm. Tôi không chế ngự
được mọi chuyện. Giữa lúc ông đang ở trên tột đỉnh của giàu sang và danh
vọng thì ông phát hiện ra mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối với hàng chục
ngàn nang ung thư trong buồng phổi. Ông được cho biết, ngay cả với hóa trị, ông
cũng chỉ còn sống được tối đa ba hay bốn tháng. Ông chán nản, tuyệt vọng.
Ông
nói: Điều mâu thuẫn là, mọi thứ tôi có được
- sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà
cửa - tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang
hạnh phúc đến cho tôi, đến khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, chúng đều không
mang lại cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó
không thể xảy ra. Chúng không mang lại một an ủi nào trong những tháng cuối
cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không
phải vậy. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui
trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người
thân, bạn bè, những người chân thành chăm
sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy
sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải
trải qua. Điều này mới thật sự mang lại
hạnh phúc cho tôi.
Đến lúc ấy, ông mới thật sự hiểu được giá
trị tinh thần của sự đồng cảm, an ủi, sẻ chia với người đang đau khổ. Ông nói: Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ
tâm, đồng cảm. Nhưng tôi đã không có. Khi còn làm bác sĩ ở khoa ung thư của
một bệnh viện, ông đã làm công việc của người bác sĩ như một cái máy, thờ ơ
lãnh đạm trước nỗi đau tột cùng của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đến khi
trở thành bệnh nhân, ông mới thực sự hiểu được cảm giác của họ. Ông nói với
sinh viên: Nếu các anh chị hỏi tôi, nếu
được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một người bác sĩ khác không. Tôi sẽ
trả lời các anh chị là có. Vì bây giờ tôi thật sự hiểu được họ. Tôi phải trả
giá đắt cho bài học này.
Và cũng đến lúc ấy, ông mới thực sự hiểu
được hành động của cô bạn thân Jennifer trong những lần họ cùng nhau thả bộ: Mỗi
khi nhìn thấy một con ốc sên trên đường, cô liền cúi xuống nhặt nó lên và đặt vào
trong thảm cỏ. Trước kia ông cứ mãi thắc mắc vì sao cô lại làm như thế, chỉ bẩn
tay; nhưng bây giờ thì ông đã hiểu được rằng cô bạn của ông có được lòng thương
cảm ngay cả với những con ốc sên, sợ chúng bị những bàn chân vô tình giẫm nát.
Ông
nói: Và bây giờ, với chút năng lực còn
lại, tôi tìm đến các bệnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau
đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi!
Ông
nhắn nhủ các sinh viên: Những con người
đau khổ trên thế gian này có thật và có rất nhiều. Chỉ vì chúng ta làm lơ hoặc
không muốn biết đến sự hiện hữu của họ. Do đó đừng quên, khi các anh chị được
thành danh, hãy đưa tay đến với những người cần được giúp đỡ. Bất cứ việc gì
các anh chị làm đều có ý nghĩa lớn cho họ. Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày
phải chết, chúng ta ai cũng biết như vậy. (…) Thật nghịch lý rằng, chỉ khi sắp
chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. (…) Hạnh phúc thật
sự không có được khi chỉ sống cho riêng mình.
Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài
học này.
Câu
chuyện của bác sĩ Richard Teo Keng Siang cho chúng ta
thấy rằng cuộc sống giàu sang tột đỉnh vẫn không thể mang lại cho con người sức
khỏe và tuổi thọ. Chỉ khi biết sống với tấm lòng vị tha, mang đến cho người
khác điều tốt đẹp thì ta mới có hạnh phúc thật sự, và hạnh phúc đó mới là vị
thuốc tiên giúp cho ta sống vui, sống khỏe và có một sắc đẹp thù diệu thanh
thoát. Mỗi khi chúng ta làm được một việc thiện mang lại hạnh phúc cho người
khác, lòng ta cảm thấy hân hoan. Niềm hân hoan ấy là một liều thuốc bổ giúp cơ
thể được sảng khoái, nhẹ nhàng thơ thới, giúp chúng ta luôn tươi trẻ và đẩy lùi
nhiều bệnh tật. Trên thực tế, có nhiều vị nữ tín hữu, sau một thời gian tu tập
thực hành công quả công phu thì diện mạo trở nên xinh đẹp hẳn ra.
Ngoài
ra, dân gian thường bảo: Một nụ cười hơn mười thang thuốc bổ. Do đó, những ai
luôn vui vẻ nở nụ cười tươi tắn với người khác thì thường trẻ lâu, còn những
người lúc nào mặt mày cũng nhăn nhó, cáu gắt sẽ mau già sớm.
Trong đạo Cao Đài, truyền tụng nhiều giai
thoại về thuốc tiên. Đây là chuyện thuở mới khai đạo:
Tại
vùng nọ, có một ông bị chứng đau bụng lâu ngày. Đã đi nhiều thầy, chạy chữa
nhiều nơi vẫn không hết.
Khi
ấy phong trào cầu cơ Cao Đài đang phát triển. Nghe nói lắm khi Thiêng Liêng ban
cho các toa thuốc rất linh nghiệm. Người phàm đã trị không hết thì xin thuốc
của Thần Tiên vậy. Thế là ông liên lạc với một người bạn tín đồ Cao Đài để xin
được hầu đàn cơ. Chứng lòng thành kính của ông, Ơn Trên điểm danh và cho một
bài thuốc, đồng thời dạy người con ra tiệm thuốc bắc mua đem về sắc ngay, và
cho uống liền tại chỗ. Trong lúc ông chờ đợi, đàn cơ vẫn tiếp tục dạy các người
khác.
Có ai
đó nắm lưng áo giật giật. Ông quay lại, thì ra một người quen vốn cũng biết về
thuốc. Người ấy kề tai ông nói nhỏ: “Toa này thuốc độc không hà, đừng uống!”
Thoáng
suy nghĩ vài giây, người bệnh trả lời: “Đã chạy hết thầy hết thuốc rồi mà không
khỏi. Nay bề trên chữa trị thì cứ uống. Có gì theo bề trên luôn cũng được.”
Thuốc
đã sắc xong, ông vội uống ngay. Đàn vẫn đang còn. Mười phút sau, Ơn Trên dạy:
“Lấy lông gà ngoáy trong họng cho mửa.” Ra ngoài sân làm theo lời dạy, ông mửa
ra con gì như con sên. Từ đó hết bệnh luôn.([3])
Trong giai đoạn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Cao Đài Giáo Việt Nam
được lập thành, hàng Thiên ân sứ mạng luôn được Ơn Trên ưu ái, ban thuốc chữa
bệnh để lo hành đạo giúp đời.
Tại Thiên Lý Đàn (quận 3, Sài Gòn) ngày 20-10
Kỷ Dậu (Thứ Bảy 29-11-1969), sau khi dạy xong hai phần đạo pháp và hành sự, Đức
Tôn Sư Đông Phương Chưởng Quản từ giã:
Giã chư đệ muội trần hồng
Ráng lo tu học, non Bồng
ta lui.
Ngay lúc
đó, đạo trưởng Đạt Minh (Nội Chánh Vụ
Trưởng) liền quỳ lên, bạch xin thuốc cho đạo trưởng Chí Tín (Phó Tổng Thơ Ký) và đạo tỷ Bạch Hảo.([4])
Đức Tôn Sư dạy:
Bần Đạo vẫn nhớ, nào có quên
đâu hiền đệ! Bần Đạo giúp một phương tiện trong tình sư đệ mà thôi. Về
nghiệp quả, muốn cho sớm dứt cũng phải một thời gian tu luyện mới có thể dứt
đặng. Đây hiền đệ đến trước Thiên Bàn đem ba loại hoa đang chưng trên bàn, mỗi
thứ hai cái, để vào dĩa đem đến đây, Bần Đạo ban ân cho:
THI
Tam sắc
huê khai chuyển pháp luân
Độ nhơn giải thoát
nghiệp hồng trần
Nhứt điểm linh quang
nhứt điểm thần.
Hiền đệ đem về sao khô, hiệp chung lại, dùng
nước trong tịnh thủy bình tại Thiên Bàn, lường ba chung đổ vào một chén, phân
số hoa này ra làm ba lần, để vào nước chưng cách thủy, thành tâm khẩn nguyện,
uống đúng vào giờ Tý và giờ Ngọ, trường phục ([6]) như
vậy trong tam nhựt.
Về phần đạo tỷ Bạch
Hảo, Đức Tôn Sư dạy:
Hiền đệ dùng ba thứ hoa này, làm đúng lời dạy
trước, song phải thêm vào mỗi lần là một chỉ Tục Đoan, một chỉ Linh Tiên, hiệp
với hoa mà chưng cách thủy và uống đúng vào giờ Dậu, giờ Mẹo, y như vậy trong
tam nhựt. Đó là phương tiện giúp đỡ của Bần Đạo đối với hiền đệ Phó Tổng Thơ Ký
và hiền muội Nữ Chung Hòa.
Một lần
khác, đạo trưởng Huệ Lương (Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài
Giáo Việt Nam) xin Đức Tôn Sư ban thuốc chữa bệnh cho đạo tỷ Bạch Tuyết trong
bộ phận Hiệp Thiên Đài.([7]) Đức Tôn Sư dạy:
Cười… Bần Đạo chỉ đem pháp nhiệm cứu rỗi phần linh hồn, chớ có phải thầy thuốc ở đâu mà chư
hiền đệ cứ xin thuốc mãi. Thôi, hiền đệ! Bần Đạo cũng cảm thương lòng khấn vái
của các thanh thiếu niên mà ban ơn cho. Hiền đệ an lòng. Sau sẽ rõ. Đó là một
sự vay trả đấy.([8])
Qua lời
dạy của các Đấng, chúng ta thấy rằng con người bị bệnh là cũng do nghiệp chướng
mà mình đã gây tạo, do đó Thiêng Liêng ban thuốc tiên cũng chỉ có thể hộ trợ
một phần mà thôi, điều chính yếu là chúng ta phải tự lo tu hành, làm công quả
phước thiện để tự mình giải trừ nghiệp chướng bản thân. Vậy, cũng có thể nói,
công quả là thuốc tiên để chữa bệnh nghiệp cho mỗi người. Thuốc này do mỗi
người tự bào chế lấy.
Một
trường hợp đặc biệt hơn nữa là trường hợp của đạo trưởng Định Pháp Minh Thiện.([9]) Vào năm 1972, đạo
trưởng bệnh nhiều. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư giáng đàn tại Minh Lý Thánh Hội và dạy:
Về bịnh trạng và sức khỏe của đạo hữu Định Pháp Minh Thiện, tuy biết rằng
vạn vật hữu sinh hữu diệt, hữu hình hữu hoại, mỗi mỗi đều bị chi phối của luật
sinh trưởng thâu tàng. Nhưng vì trách vụ đặc biệt của Minh Thiện trong giai đoạn hiện tại hiếm có người thay thế.
Vì thế Thượng Đế đặc ân chấp thuận cho Định Pháp được gia tăng tuổi
thọ. (…)
Sau khi xả đàn, chư đạo hữu có thời cầu kinh
cho Định Pháp. Sau thời kinh ấy sẽ tái lập đàn cơ do Liên Hoa phụ trách để
Lữ Tổ Thuần Dương đến xem mạch cho toa Định Pháp nghe
chư đạo hữu.([10])
Đây là việc hy hữu xưa nay chưa từng
thấy: Thần Tiên bắt mạch và cho toa trị bệnh người dương thế.
Trong thánh giáo Cao Đài, các Đấng thiêng
liêng từng dạy chúng ta các bài thuốc tiên, chính là các bí quyết để con người
có được một sức khỏe khang kiện và một sắc đẹp thù diệu. Các bí quyết đó như
sau:
1. Muốn có một sắc diện bên ngoài tươi
đẹp thì phải giữ cho thân không bệnh, bởi lẽ thân không bệnh thì sắc diện bên
ngoài mới hồng hào tươi tắn.
Muốn cho thân không bệnh phải bảo toàn tam
bửu (Tinh, Khí, Thần), giữ tâm an định, không để cho thất tình lục dục làm xáo
động, như lời Đức Ngọc Lịch Nguyệt Đại Tiên dạy:
Luyện ba báu công phu trước nhứt
Diệt phàm tâm đức hạnh giồi trau
Đừng
cho thần tán khí hao
Thất
tình lục dục đón rào cho an.
Hay
giận dỗi thương can tổn mộc
Quá
mừng vui hỏa đốt tâm suy
Buồn
thương rất hại thổ tỳ
Lo
nhiều lao tổn ích gì hành kim.
Hay
sợ sệt thân hình tiều tụy
Ngũ
tạng suy thần khí khó tu
Người
tu nên nhớ dặn lòng
Như
như mặc mặc luyện công mới thành.([11])
Đức Chí Tôn dạy:
Như
con người lo lắng vọng tưởng điều này sự nọ thì hao Thần (linh hồn), còn ham
muốn mơ mộng phú quý vinh hoa thì tán Khí; bằng say đắm mê sa tình trường dục
hải thì tổn Tinh.
Hễ
tam bửu hao mòn thì nào khác chi ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh
khuya, khi mờ khi tỏ, tất nhiên một hồi phải tắt ngay. Vả như tam bửu hư hoại
thì tự nhiên ngũ hành, ngũ tạng cũng phải xiêu bè suy nhược theo nhau.([12])
Đức Thái Thượng Đạo Tổ khuyên dạy người
tu chúng ta mười điều nên tránh để giữ gìn thân thể được mạnh lành:
Tu trau phần xác phần hồn
Xác được thanh khiết thì hồn thanh cao
Mười điều tổn hại dạy trao
Nhớ ghi, hành đúng, chớ xao lãng lòng.
1. Đi nhiều tổn hại gân trong
2. Đứng nhiều tổn hại bộ xương bội phần
3. Ngồi nhiều tổn hại huyết lần
4. Ngủ nhiều tổn mạch, hại Thần cơ linh
5. Nghe nhiều tổn hại đến Tinh
6. Xem nhiều tổn hại trong mình Thần hao
7. Nói nhiều tổn Khí càng lao
8. Lo nhiều tổn hại tâm bào, tâm trung
9. Ăn nhiều tổn hại tỳ cung
2. Muốn có được một sức khỏe mạnh lành,
diện mạo hân hoan, nhân từ, khả ái thì phải luyện một tâm hồn thanh cao, thánh
thiện, từ ái và an định bởi lẽ vẻ
đẹp bên ngoài được toát ra từ bên trong. Có bài thơ nói về điều ấy như sau:
Khi tâm
được viên thông thánh thiện
Thì
nơi người phát hiện hào quang
Dáng
đi tướng đứng dịu dàng
Thần hình, diện mạo hân hoan nhân từ.
Một lời nói giống như giáo hóa
Một cái nhìn chứa cả tình thương
Tác phong đạo hạnh khiêm nhường
Từ bi bác ái thường thường hiện ra.
Nét khiêm tốn ôn hòa phúc hậu
Nét cảm tình thẩm thấu dung nhan
Phát luồng từ điển bình an
Khiến người đối diện hân hoan cảm tình.
Một bài
thơ khác:
Thân nhờ có tâm trung mát mẻ
Thì gia tăng sức khỏe dồi dào
Dung nhan diện mạo hồng hào
Ăn ngon ngủ khỏe biết bao mạnh lành.
Tâm
biến động, thân không an định
Đó là
mầm bá bịnh phát sanh
Tâm,
can, phế, thận bất bình
Táo,
hàn, thử, thấp loạn hành hại thân.
Tâm
mà được nghĩa nhân quảng đại
Tâm
từ bi chan rải muôn phương
Hiện
lên diện mạo dễ thương
Thân
sanh nhờ đó thọ trường an sinh.
Muốn
diện mạo hiền từ, phúc hậu
Thì
tánh tâm nung nấu nhơn từ
Bên
trong đức hạnh có dư
Bên
ngoài đức ấy từ từ hiện ra.
Muốn
trường thọ, lâu già lâu chết
Phép
dưỡng sinh phải biết giữ gìn
Thì đừng
tửu nhục, sát sinh
3. Muốn nhơn thân ít bệnh lâu già, sống
tăng tuổi thọ thì phải thực hành công phu, tham thiền tịnh định. Đó là phương
pháp dưỡng sinh tuyệt diệu nhất.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Cái thân tứ đại ở trong đời
Ma bịnh triền miên đệ muội ơi!
Muốn có thuốc thần trừ chướng ngại
Bài thơ
này nói về ích lợi của tham thiền hấp khí:
Biết hô hấp còn hơn dùng thuốc
Vận khí công là nước ma ha
Nhơn thân ít bịnh, lâu già
Nhục thân khương kiện, thịt da hồng hào.
Khí bồi dưỡng tế bào non trẻ
Khí châu lưu sức khỏe kiện cường
Khí Thần vốn thiệt âm dương
Âm dương hiệp nhứt là huờn chánh trung.
Hạo nhiên khí khởi tùng nơi đó
Khí hư vô chính nó chớ ai
Tiên thiên khí cũng là đây
Tịnh tứ
thời giúp bồi dưỡng ngũ tạng hầu sống lâu tăng tuổi thọ. Đạo trưởng Huệ Chơn ([17]) có chép đoạn thơ
như sau:
Siêng thiền định công phu bốn buổi
Bồi dưỡng thân, thêm tuổi trường sinh
Mẹo
thời bồi Mộc, Can sinh
Ngọ
thời bồi Hỏa, Tâm linh chơn thần.
Dậu
thời bổ Kim Thân Phế khí
Thận Thủy
nhờ thời Tý mà sung
Tứ
thời thiền định thung dung
Dưỡng
bồi Tỳ Thổ, chánh trung Kỷ Mồ.
Giải thích nguyên lý quân bình âm dương
trong người và âm dương ngoài trời đất, và nói về ích lợi của việc thực hành
đạo pháp nhằm duy trì sự quân bình đó làm cho thân thể khỏe mạnh, không bịnh
hoạn, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Về y
lý, vật lý, sự lý, nếu bên trong bên ngoài mà mất quân bình thì sinh ra bịnh
tật và biến sanh đủ thứ kinh dị, nên cần sự quân bình để làm cho an thái nội
tâm, an hòa vũ trụ.
Theo
y lý thì âm dương trong người và âm dương ngoài trời đất, hai bên tương trợ lẫn
nhau. Mỗi khi trong người chánh khí suy yếu thì tà khí ngoài trời đất xâm nhập
mà gây nên bịnh hoạn. Chủ khí mạnh thì khách khí không làm hại được, hoặc chủ
khách giao hỗ tương thân thì tinh thần khỏe mạnh.
Đạo
pháp cũng thế. Đó là bước đầu của kẻ hành giả làm cho hô hấp điều hòa, tâm thần
thơ sướng, thì chánh khí phát vượng, nên mới bày phép khai thông bát mạch, làm
cho kinh lạc dinh vệ, tạng phủ không chỗ nào còn ngưng trệ bế ngăn. Ngồi tịnh
an hòa thông sướng, đã thông hòa thì huệ tâm hiển lộ, ngồi một giờ muốn ngồi
hai ba giờ. Vào tịnh cũng như thưởng cảnh xuân quang.([18])
*
Muốn được trường thọ, lâu già, ít bệnh và
có được một sắc đẹp thù diệu, con người không cần phải tốn tiền tìm kiếm các
loại thần dược đắt tiền mà chỉ cần quay về với nội tâm thanh tịnh, không tự giày
vò than trách với chuyện quá khứ, cũng không vọng tưởng trông đợi chuyện tương
lai, sống một cuộc sống an nhiên tự tại, biết đủ, không bon chen giựt giành,
không tham vọng lo lắng tính toan, không sân giận hay si mê luyến ái, biết tu
tập, trau dồi đạo hạnh, luôn mở rộng lòng thương yêu mang lại niềm vui và niềm
hạnh phúc cho vạn loại chúng sinh, thực hành công phu thiền định, thì tự khắc
sẽ có được một liều thuốc tiên trong nội tâm, giúp cho con người đẩy lùi nhiều
bệnh tật, an khang, trường thọ, sắc diện tươi trẻ đẹp xinh.
Người tu có được một sức khỏe khang kiện
hay một sắc diện thù diệu không phải để tận hưởng những thú vui trần tục nơi
cõi tạm này mà đó chính là điều kiện tốt để người tu có thể góp phần tích cực
và hữu hiệu hơn vào công cuộc phổ tế cứu độ quần sanh trong cơ đại xá kỳ Ba của
Đức Thượng Đế đúng theo lời Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
Tu
luyện để có bửu bối giúp cho trí tuệ minh mẫn, tâm thần sáng suốt để giải quyết
mọi vấn đề, hành đạo cho đúng Thiên lý. Tu luyện để diện mạo được từ ái khôi
ngô, tướng đi đứng nằm ngồi thể hiện ra người có hạnh, trang nghiêm từ ái khiêm
tốn để gây thiện cảm lòng tin với mọi người, mà đó cũng là sức hút của nam châm
do các điều kiện ấy tạo nên.
Xuyên
qua cái lý đó, chư hiền đệ thấy rằng các Đấng không chỉ khuyên tu để thành Phật
Thánh Tiên mà phải tạo điều kiện để trợ duyên cho công cuộc thế Thiên hành đạo,
phổ truyền giáo lý cứu độ nhơn sanh.([19])
DIỆU NGUYÊN
([4]) Đạo
trưởng Đạt Minh, thế danh Lê Văn Non (1913-1985), đắc quả Quang Minh Huệ Tiên.
Đạo trưởng Chí Tín, thế danh Lê Văn Bá (1918-2008), là bào đệ tiền bối Lê Văn
Non. Đạo tỷ Bạch Hảo, thế danh Nguyễn Thị Tơ (1915-2010), là hiền nội tiền bối
Lê Văn Non. Năm 1974 đạo tỷ thọ Thiên ân là Cố Vấn Ban Chấp Hành Nữ Chung Hòa
trong Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam .
Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)