Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

10/ THÁNH ĐƯỜNG NỘI TÂM / ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN

THÁNH ĐƯỜNG NỘI TÂM
Thời gian gần đây, rất nhiều thánh thất, thánh tịnh đạo Cao Đài được trùng tu, xây dựng lại. Mỗi lần nhìn thấy một ngôi thánh thất hay thánh tịnh được tạo tác khang trang đẹp đẽ, ắt hẳn lòng người tín hữu Cao Đài không khỏi rộn lên một niềm vui. Tuy nhiên, hoàn thành công trình xây dựng ngôi Tam Đài bằng gạch cát, xi măng chỉ mới là bước đầu tiên của công cuộc hoằng giáo độ nhân. Bước tiếp theo quan trọng hơn và nhiều khó khăn hơn, chính là làm sao phát huy được vai trò của thánh sở là chiếc thuyền từ độ dẫn nhơn sanh quay về bến giác ngày càng đông hơn.
Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân dạy:
Chí Tôn dạy lập chùa thất là một hữu hình trụ tướng để thể hiện quyền pháp của Trời. Đó là một phần nhỏ. Còn phần trọng đại là làm nơi quy tụ nhơn sanh để hướng dẫn mọi sinh hoạt đạo lý, phổ truyền giáo lý, thức tỉnh người đời. Nơi chùa thất là để chung cho nhơn sanh đến đó nghe đạo, học đạo, để hành đạo. (…)
Trong nếp sinh hoạt tại chùa thất gồm có hai phần: Một phần tu tịnh, để tịnh dưỡng tu đơn, dùng điển lành hộ trợ cho sự bằng an, sung túc của nơi đó. Một phần nữa là ngoại giáo công truyền, gồm có giảng đạo, phước thiện xã hội và hành chánh đạo, để cho hệ thống của guồng máy hành chánh được lưu thông điều hòa. Nếu không vì những nhu cầu ấy, Chí Tôn đã không dạy lập chùa thất.
Chỉ ngại e là có chùa thất rồi mà không người hành đạo, rất đỗi thiếu người chăm sóc đốt hương, đánh chuông, thay tam bửu vậy thôi.([1])
Trước thực trạng một số thánh sở được xây dựng lên mà không có các chương trình hành đạo cụ thể để phổ độ nhơn sanh, Đức Mẹ dạy:
Thánh thất, thánh đường mọc lên như nấm, rải rác đó đây trong đất nước các con. Các con đã thấy gì bên trong thánh thất, thánh đường đó? Ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm, còn thừa bao nhiêu chỗ trống để bụi bám nhện giăng, rêu phong cỏ mọc. Mỗi tháng có hai lần sóc và vọng, bổn đạo chung quanh tề tựu đến đảnh lễ Thiêng Liêng, cúng hành hương, độ một bữa cơm chay rồi ôm khăn gói ra về.
Đi đến thánh thất đôi lần bảy lượt không thấy có gì mới lạ, lần hồi chểnh mảng không đến nữa, dẫu đến cũng chỉ có thế mà thôi. Có những con thấy không khí buồn tẻ, chẳng biết nói gì, tự nảy sanh bàn phiếm theo báo chí, nào quốc sự, chánh trị miệng của thiên hạ, binh người này, bỏ người kia, v.v... không có sinh hoạt đạo đức, mà đáng lẽ nơi đây phải được thuyết giảng đạo lý thường xuyên tối thiểu hai lần mỗi tháng để bổn đạo biết thế nào gọi là tu, cúng chùa, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật để làm gì và làm thế nào để đắc đạo.
Đó là những điều cần thiết phải được sinh hoạt đều đều trong mỗi thánh thất, thánh đường. Nhơn sanh, đạo hữu có hợp tác hành đạo được là nhờ có người chỉ dạy cho biết đạo là gì. Khi đã có tổ chức hành đạo thì mọi việc làm ràng buộc những người trong nội bộ thánh thất đó. Có sự ràng buộc hỗ tương lẫn nhau thì không khí sôi động nhộn nhịp về hành thiện đạo đức mới có cơ nổi bật lên để lôi kéo sự hiếu kỳ và hấp dẫn người đời vào Đạo. Như vậy mới gọi là hành đạo độ đời.([2])
Vậy, nếu một ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ được xây dựng nên, nhưng lại thiếu các bậc chơn tu có đức độ và trí tuệ để cảm hóa và dìu dắt nhơn sanh thì ngôi thánh đường hữu hình cũng chẳng khác nào một cái xác không hồn, không phát huy được vai trò của một chiếc thuyền từ cứu độ quần sanh quay về bến giác.
Do đó, trong thời gian mấy mươi năm qua, mỗi khi một thánh thất, thánh tịnh được xây dựng hay trùng tu, các Đấng thiêng liêng luôn để lời nhắc nhở các hàng hướng đạo cũng như tín đồ sở tại.
Năm xưa, nhân dịp khánh thành Thiên Phong Đường của thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Hiển Thế Đạo Nhơn nhắc nhở:
Nay thánh tịnh đã khang trang về hình thức thì nội tâm các em cũng phải dọn dẹp cho khang trang, cho đẹp đẽ để hữu hình, vô vi được song song tiến bộ mới đạt thành công quả ở mai sau.([3])
Cũng trong dịp này, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Hãy ráng tu tiến cho nội tâm được trang hoàng,([4]) đó mới là giá trị tương xứng với ngôi thánh đường này.([5])
Nhân dịp khánh thành thánh đường Quảng Tín,([6]) Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương dạy:
Giờ đây, thánh đường ngoại giới đã an bài, toàn Đạo hãy quay về xây dựng thánh đường ni tâm, bởi nơi ấy Thầy hằng ngự và bốn phương dễ dàng chung về. Hãy cố gắng xây dựng thánh đường nội tâm được chắc chắn, thêm uy nghi xán lạn. Thánh đường nội tâm mới là nhà chung chi phái, là kỳ đài cờ Đạo trương cao vậy.([7])
Nhân dịp khánh thành tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, một trong những dấu tích lịch sử đầu tiên của đạo Cao Đài, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo khuyến nhủ:
Nay thánh đường lịch sử đối với Đạo, đối với thế nhân đã uy nghi rực rỡ, thì chư hiền đệ, hiền muội cũng cần điểm tô ngôi thánh đường ni tâm được sáng suốt, cao đẹp, và uy nghi thêm, mới thiệt là trọn vẹn vậy.([8])
Vì sao các Đấng thiêng liêng luôn nhắc nhở chúng ta phải chú ý xây dựng thánh đường nội tâm song song với việc xây dựng ngôi thánh đường hữu tướng bằng gạch cát, xi măng? Bởi lẽ có xây dựng thành công thánh đường nội tâm (tức là thánh đường vô tướng) thì chúng ta mới làm tròn được sứ mạng tự độ và độ tha. Thậm chí, cho dù thánh đường ngoại thể có đơn sơ, nhà tranh vách đất nhưng nếu bên trong có các bậc chơn tu đầy đủ tâm hạnh đức tài làm gương sáng cho nhơn sanh hướng tâm tu học thì nơi ấy vẫn phát huy được vai trò chiếc thuyền từ cứu độ nhơn sanh quay về bến giác. Ngược lại, chùa cao thất lớn mà thiếu người đạo cao đức trọng thì đành vắng vẻ hiu quạnh, đạo sự gặp nhiều khó khăn, phiền não, và bế tắc.
Trên thực tế, chúng ta thấy có những ngôi thánh đường lúc còn lụp xụp, hàn vi thì bổn đạo tề tựu về cúng kính, tu học, hành đạo rất đông. Đến khi trùng tu, xây cất lại ngôi thánh đường đồ sộ, khang trang, đẹp đẽ thì bổn đạo lại thưa thớt dần, ngôi thánh đường trở nên hiu quạnh.
Nguyên nhân là khi xây dựng thánh đường hữu thể, ban cai quản và bổn đạo chỉ lo hướng ngoại với biết bao công việc bận rộn, từ việc kêu gọi tín hữu đóng góp tài lực, vật lực đến việc thiết kế bản vẽ, giám sát công trình, mướn thầy thuê thợ, lựa chọn vật tư, rồi lại đến vấn đề thiếu hụt kinh phí, nợ nần phát sinh, v.v... Biết bao nhiêu nỗi lo toan khiến cho người tu quên mất hoặc không còn thời gian để chăm sóc ngôi thánh đường nội tâm của mình. Từ đó nảy sanh những bất đồng ý kiến, mâu thuẫn, bất hòa giữa đồng đạo, lại có thêm sự phân biệt đối xử trong bổn đạo người này đóng góp nhiều, người kia đóng góp ít. Người đóng góp nhiều đòi hỏi phải có được vị trí xứng đáng trong ban cai quản, người đóng góp ít thì bị xem thường, v.v... Thế là sinh ra phiền não, mất đoàn kết rồi hờn giận bỏ thánh sở không đến tu học, hành đạo nữa.
Chuyện kể rằng tại một thánh sở nọ đã xảy ra nhiều khảo đảo bất hòa khiến cho bổn đạo lần hồi bỏ đi hết, chỉ còn lại năm vị trong ban cai quản. Ngôi thánh đường trở nên quạnh quẽ, buồn tẻ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, vị cai quản thánh sở quyết định đến gặp sư huynh của mình vốn là vị cai quản tiền nhiệm nay tuổi đã cao nên lui về ở ẩn, tập trung tu luyện. Ông trình bày những sự việc đã xảy ra và tình trạng vắng vẻ của thánh sở lúc bấy giờ. Vị sư huynh trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói với sư đệ: “Vị cứu tinh của thánh sở sẽ là một trong năm vị thuộc ban cai quản hiện nay.”
Sư đệ cảm tạ sư huynh rồi quay về thuật lại cho bốn vị kia. Mỗi người đều thắc mắc tự hỏi: “Trong năm người, ai sẽ là vị cứu tinh của thánh sở?” Và rồi, kể từ ngày hôm ấy, không ai bảo ai, mỗi người đều quay hướng vào trong tự quán xét tâm mình, trau sửa từ ý nghĩ, lời nói, việc làm đến cách cư xử với người khác cho được thuần chơn đạo đức và đủ đầy tình thương sao cho xứng đáng là một vị cứu tinh của thánh sở. Lúc đầu họ còn phải ý thức tự khép mình trong khuôn khổ nhưng dần dần, mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm và cách cư xử tốt đẹp trở thành tự nhiên như hơi thở, không còn phải gượng ép hay cố gắng nữa.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Một ít người tình cờ ghé qua thánh sở. Bầu không khí đặc biệt bao trùm lấy thánh sở khiến họ ngỡ ngàng. Dường như họ cảm nghiệm được nơi chốn vắng vẻ này có một điều khác thường gì đó khiến lòng họ thanh thoát, an lạc – một tâm trạng mà họ chưa từng được hưởng. Thế rồi chẳng hẹn mà họ đều quay trở lại, đem theo bằng hữu, thân thích…
Thánh sở dần dần có đông đạo hữu, đạo tâm. Nơi ấy tưởng chừng chưa hề trải qua một thời kỳ quạnh quẽ, đìu hiu.([9])
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Khi dấn thân cầm giềng mối Đạo
Tức là đang gỡ tháo tiền khiên
Tức là tạo bát nhã thuyền
Rước đưa khách tục vượt miền vô minh.
Thì trước phải dọn mình chơn chánh
Quyết một lòng tâm hạnh nêu gương
Ngôn từ hòa ái dễ thương
Đại nhân, đại lượng, dẫn đường tha nhân.
Đạo nên hư, trách thân trách kỷ
Chớ không nên trách bỉ trách tha
Vì người ắt phải quên ta
Thì muôn đạo sự chi là khó đâu.
Thảo mộc tốt rầy sâu quy tụ
Ruộng lúa lành quyến dụ chim trời
Đất lành hoa quả tốt tươi
Chùa linh, Đạo sáng, mọi người tin theo.([10])
Ngoài ra, còn một điểm cần ghi nhớ: Thánh đường hữu thể cho dù có được xây dựng to lớn, đẹp đẽ, khang trang, nhưng nếu thiếu vắng tình yêu thương hòa hiệp giữa đồng đạo thì Đức Chí Tôn cũng không bao giờ giáng ngự như lời Thầy dạy:
- Thầy không khi nào đến và chứng với sự chia rẽ do phàm tâm dấy động. Hôm nay, Thầy đến đây chứng ở lòng thành kỉnh vì hai chữ hiệp hòa của các con, từ chức sắc hướng đạo lưỡng đài, và Thầy ban ơn lành cho toàn thể các con…([11])
- Thầy luôn luôn ngự ở tâm hòa hiệp của các con.([12])
Tâm thanh tịnh, trong sạch, thanh khiết, đạo đức, sáng suốt, hòa hiệp, yêu thương mới là nơi Thầy hằng ngự. Thầy dạy từ buổi đầu khai Đạo (Thứ Bảy 13-02-1926):
Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi
Sang hèn trối kệ,([13]) tâm là quý
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.
Đó chính là thánh đường nội tâm, còn được thánh giáo gọi là tòa Cao Đài nội tại.
I. ĐẶC ĐIỂM THÁNH ĐƯỜNG NỘI TÂM
1. Ngôi thánh đường hữu tướng bằng gạch cát, xi măng sẽ bị hủy hoại dần dần theo năm tháng, còn ngôi thánh đường nội tâm hay tòa Cao Đài nội tại một khi đã được hành giả xây dựng uy nghi, trang trọng thì, theo lời Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, sẽ vĩnh cửu trường tồn, vượt qua mọi dông bão nắng mưa, không bao giờ hư hoi, tuy sờ mó chưa đụng nhưng có che có chở, trông nhìn không thấy mà linh hoạt cận kề thiên niên bất dit([14])
2. Ngôi thánh đường hữu thể tọa lạc tại một địa điểm cố định, còn người tu xây dựng được thánh đường nội tâm vô hình (hay tòa Cao Đài nội tại) thì đi đến đâu nơi ấy đều trở thành thánh đường, mang lại tình thương và lợi lạc cho chúng sanh. Thánh đường nội tâm được xây dựng bằng tình yêu thương hòa ái càng lớn rộng thì cưu mang được càng nhiều nhơn sanh.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
Đấng Chí Tôn luôn luôn ngự trong tâm thanh tịnh của chư đệ muội. Phật Tiên Thánh luôn luôn hộ trì. (…)
Chư đệ muội hãy giữ Cao Đài nội tại cho thật vững vàng thì không sợ gì bị sa đọa, trầm luân.
(…)
Xây đắp được Cao Đài nội tại và đạo pháp đã có thì đâu đâu cũng là chùa, là thất của chư đệ muội. Mỗi người đều là huynh tỷ đệ muội đồng đạo, đồng bào, hà tất phải lo chi đến điều tồn vong đắc thất của hình tướng nữa.([15])
Do đó, trong lịch sử Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam,([16]) đã có lúc do thế sự khiến xui, danh xưng của Cơ Quan bị đặt vào cơn thử thách còn hay mất. Bấy giờ vị Tổng Lý Minh Đạo Vô Vi của Cơ Quan là Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
- Về danh xưng Cơ Quan, việc này đã được dạy rồi. Hãy xây đắp tòa Cao Đài nội tại. Có màng chi vật thể vô tri, phá hình danh cho lòng vô niệm. Sứ mạng phổ thông giáo lý là sứ mạng chung mà Cơ Quan là tim là óc, là can trường tâm đạo, nào phải vật thể vô tri, hình danh sắc tướng mà sợ bị mất. Chỉ sợ bộ máy thật bị hỏng thì trễ tràng đạo sự đấy thôi.([17])
- Dù rằng bảng hiệu danh xưng có thay đổi, nhưng mục đích, ý chí không thay đổi là điều quan trọng đối với chư Thiên ân và toàn thể các cấp chức vụ, nhân viên đang phục vụ tại Cơ Quan.([18])
Giáng đàn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
(C)hư hiền đệ muội nên nhớ rằng trụ tướng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo không nhứt thiết ở hình thức nhà ngang dãy dọc này, mà trụ tướng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo phải ở toàn thành phố, toàn quốc dân xã hội của chư hiền đệ muội. Có như thế mới đủ duyên hạnh nhìn theo một Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo cho toàn nhân loại.
Điều cần nhứt là trụ tướng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo phải được xây đắp trong tâm hồn mỗi người con tin của Thượng Đế.([19]) Như thế thì sự bại thành của trụ tướng hình thức này không là điều đáng đau buồn đó chư hiền đệ muội. Mà điểm đáng lo ngại nhứt là những vị có sứ mạng lại vùi chôn chơn tâm nằm trong sứ mạng đó thôi.([20])
3. Thánh đường hữu thể có hình tướng khác nhau tùy theo mỗi chi phái; còn thánh đường nội tâm thì không có hình tướng, thuần chơn vô ngã, không phân biệt sắc phái. Thế nên Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương dạy: Thánh đường nội tâm mới là nhà chung chi phái, là kỳ đài cờ Đạo trương cao vậy.([21])
Đây cũng chính là đường lối quy tâm, thống nhất chi phái bằng tư tưởng và tinh thần mà Đức Chí Tôn dạy Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo trên đường thực thi sứ mạng phổ thông giáo lý để góp phần thống nhất cơ đạo.
II. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG NỘI TÂM
Thánh đường nội tâm xây dựng bằng chính pháp môn Tam Công: công trình, công quả, công phu.
Tu không có nghĩa là chỉ đến thánh đường lễ bái tụng kinh, vái van Trời Phật mà chính là phải sửa trau tâm tánh từ phàm ra thánh, tức là xây dựng thánh đường nội tâm. Đức Ngôi Hai Giáo Chủ Ngô Minh Chiêu dạy:
(N)gười tu thân hành đạo luôn luôn phải nhớ điều này: Tu là cách mạng bản thân, bản tâm và bản tánh. Nếu vào Đạo rồi mà không sửa đổi được tánh ác ra thiện, tánh ngu thành hiền, phàm tâm ra thánh tâm, những ngôn ngữ thất đức thất nhân tâm ra lời khuyên thánh thiện, thì không thể nào gọi rằng tu, rằng cách mạng bản thân được. Vậy câu nghịch hành phản bổn là làm sao hằng ngày con người của mình phải trở nên mới, càng mới thêm mãi mãi.([22])
Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc dạy:
Đạo có sáng chói ở mọi người thì xã hội đời mới an lạc. Đứng dưới mái thánh đường uy nghiêm, đọc thuộc làu từ ([23]) câu văn đạo luật, thánh ngôn cũng chưa chắc đã hiểu trọn vẹn Cao Đài chủ nghĩa. Câu văn chỉ là hình thức phương tiện vẽ nên chơn lý đạo pháp chớ không là đạo pháp. Thánh đường ngoại thể đã huy hoàng thì thánh đường nội tâm phải sáng chói. Có như vậy mới mong con cái của Đức Chí Tôn tránh khỏi cảnh đói lòng với những tấm thực đơn.([24])
1. Công trình
Nếu hằng ngày ngôi thánh đường hữu tướng cần được quét dọn, lau chùi sạch sẽ và trang hoàng đẹp đẽ thì người tín hữu cũng phải thường xuyên xem xét kỹ lưỡng mọi ngóc ngách của tâm hồn mình từng giây từng phút để quét sạch phiền não và các thói hư tật xấu do tam độc (tham, sân, si) và thập tam ma (thất tình lục dục) sai khiến.
Thánh đường là nơi Thầy ngự. Thế nhưng, nếu ngôi nhà nội tâm của chúng ta để cho thập tam ma và tam độc chiếm hết chỗ thì làm gì còn chỗ cho Thầy và chư Phật Tiên Thánh Thần giáng ngự.
Thế nên lúc còn tại thế, Đức Phật Thích Ca dạy cho đệ tử pháp môn tảo tuệ có nghĩa là chổi quét.
Ngày xưa, thuở Đức Phật còn tại thế, trong hàng đệ tử xuất gia của Phật có ông Châu Lợi Bàn Đặc (Suddhipanthaka) ám độn, học trước quên sau. Được dự vào hàng xuất gia đã lâu, những bạn đồng môn hầu hết đều ngộ đạo chứng quả, riêng ông không nhớ được một câu kinh, bài kệ nào. Anh ông quở trách: “Tu mà không hiểu giáo lý, không thấy đạo, tốt hơn nên trở về nhà phụng sự gia đình còn hơn. Ở mãi trong tịnh xá mà dốt quá chỉ vô ích.”
Tủi thân, ông đứng dựa tịnh xá khóc. Lúc ấy Đức Phật trong tịnh xá đi ra thấy vậy, dừng bước hỏi: “Tại sao con khóc?”
Ông buồn bã đáp: “Bạch Đức Thế Tôn! Anh con thấy con u mê, tăm tối, không kham nổi sự tu học nên đuổi con về nhà.”
Đức Phật cầm tay ông dẫn vào tịnh xá ôn tồn dạy: “Nếu con có thiện chí tu hành, ta sẽ dạy cho phương pháp tu, chỉ cần nhớ hai chữ thôi. Này con! Hãy lắng nghe và nhớ kỹ hai chữ tảo tuệ!”
Ông mừng quá, đảnh lễ Phật nhận lời dạy bảo. Nhưng tội nghiệp! Ông học được chữ tảo thì quên chữ tuệ, hoặc ngược lại. Cứ thế từ sớm đến chiều như trò chơi cút bắt, nhớ chữ này lại quên chữ kia. Nhưng, một lòng lại không chán nản, ông bỏ ăn quên ngủ, cố sức dụng tâm ghi nhớ, mãi đến ba bốn hôm mới thuộc được trọn vẹn hai chữ.
Khi thuộc được hai chữ tảo tuệ rồi, ông lại ngẩn ngơ không hiểu tại sao Đức Phật dạy hai chữ ấy, có tác dụng và nghĩa lý gì? Ông lật đật đi tìm Phật và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay con đã thuộc lòng hai chữ tảo tuệ. Nhưng, bạch Thầy! Xin Thẩy hoan hỷ dạy con nghĩa lý hai chữ ấy.”
Đức Phật cười hiền hòa đáp: “Tốt lắm! Này con, tuệ là chổi, tảo là quét. Con hãy dùng chổi trí tuệ quét sạch phiền não nơi tự tâm đi.”
Bắt đầu từ hôm ấy, ông Châu Lợi Bàn Đặc chăm chăm làm theo lời Phật dạy. Chín chắn quán xét tự tâm, gạn lọc những phiền não cấu uế, tẩy trừ những ý niệm xấu xa, gìn giữ tâm hồn thanh tịnh. Như thế sau sáu bảy hôm, ông chợt thấy lòng rỗng rang thanh thoát, mọi sự vật đều hiện bày sáng tỏ. Mừng quá, ông lại đi tìm Phật và nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Giờ con đã biết dùng trí tuệ quét sạch phiền não.”
Đức Phật mỉm cười khen: “Đúng thế! Con đã trừ nhơ. Con đã giác ngộ.”
Ông Châu Lợi Bàn Đặc tuy ám độn, nhưng nhờ Đức Phật chỉ bày pháp tu và nhờ ông bền chí nên cuối cùng ông đắc đạo.([25])
Nhân câu chuyện trên, chúng ta nhớ đến bài kệ xưa:
Cần tảo già lam địa
Thời thời phước huệ sanh 
Nhược vô trần khách chí
Diệc hữu thánh nhân hành.
Huệ Khải dịch:
Siêng quét đất chùa thất
Thường sanh phước huệ đa
Khách đời nếu chẳng đến
Cũng có thánh nhân qua.
Tại sao siêng quét đất chùa thất mà lại thường xuyên sinh nhiều phước huệ? Ấy là do mỗi khi chăm chú quét dọn thánh sở, lau chùi mặt kính, cọ rửa nhà vệ sinh, v.v... người tu đồng thời cầu nguyện quét sạch những phiền não, ô uế trong tâm mình. Có quét sạch những thứ phiền trược, thói hư tật xấu nhơ bẩn trong tâm thì điểm Đạo tự hữu mới trở nên sáng chói, trí huệ mới phát sinh, ngôi thánh đường nội tâm (hay tòa Cao Đài nội tại) mới trở nên uy nghi, xán lạn.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
Muốn xây cất ngôi nhà bền bỉ tốt đẹp, chủ nhơn phải chọn người kiến trúc rành nghề, vật liệu tinh hảo, và tất cả cái hư, cái cũ, cái tệ đều bỏ đi, không dùng tô đắp vào ngôi nhà mới để được hoàn toàn mới.
Chư đệ muội muốn xây đắp tòa Cao Đài huyền nhiệm vĩnh cửu thì phải triệt thoái những ý thức sai biệt, yêu ghét, thân thù, phiền não, kinh cụ, để Thần được linh hoạt mà đem Khí thể tiên thiên, tinh hoa lưỡng cực xây đắp nên ngôi Cao Đài nội tại của chư đệ muội.([26])
Sau khi đã quét sạch những ý thức sai biệt, yêu ghét, thân thù, phiền não, kinh cụ, vọng niệm sai quấy nơi tâm thì cần phải giữ gìn tâm cho cẩn mật để tất cả những thứ ô uế, nhơ bẩn ấy không còn cơ hội quay trở lại nội tâm. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã chỉ cho người tu một phương pháp hữu hiệu.
Trong một lần giáng đàn tại Minh Lý Thánh Hội, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư hỏi các vị hầu đàn về ý nghĩa hai câu Lục tự Di Đà vô biệt niệm / Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương. (Nghĩa là niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật với tâm chuyên chú bất loạn thì không nhọc sức búng ngón tay vẫn có thể đến được Tây Phương cực lạc.) Sau đó Ngài giảng giải:
Nguyên về câu ấy là dặn dò nhắc nhở giới tu thân hành đạo phải nhớ rằng Đạo bất ly tâm, nghĩa là Nhật nhật thường hành, thời thời thường niệm. Niệm nơi đây không chỉ có nghĩa rằng niệm ra tiếng cho người bên cạnh nghe được. Niệm nơi đây có nghĩa là bám víu tâm tư mình chặt chẽ vào tâm vô vi (Đạo), nghĩa là không một giây phút nào tâm tư rời đạo lý. Sự bám chặt đều đều ấy như tiếng tim nhịp liên tục đều đều nơi lồng ngực, như tiếng tíc tắc đều đều ở bộ máy đồng hồ. Như vậy có nghĩa là niệm mà không niệm, và tuy không niệm nhưng không lúc nào không niệm. Ví như câu Thị chi bất kiến, thính chi bất văn, nhưng không phải là không thấy và cũng không phải là không nghe.
Khi nội tâm đã tập được đều đều liên tục như vậy rồi lâu ngày chầy tháng sẽ trở thành thói quen, ấy là tự động. Có tự động mới gọi là vô biệt đó vậy.
(…)
Thế nên câu Lục tự Di Đà vô biệt niệm nơi đây nhắc nhở căn dặn các bậc hành giả rằng Đạo bất ly tâm. Hãy nắm chặt lấy Đạo (nhớ rằng Đạo chớ không phải tôn giáo hình thức), xem Đạo cần thiết như cơm ăn, như áo mặc, như nước uống, như hơi thở. Nếu thiếu các điều kiện ấy, thể xác sẽ hoại. Thể xác hoại chưa quan hệ bằng tâm linh khi đói lạnh và băng hoại, đó mới là tối cần. (…)
Từ đây về sau, chư đạo hữu thử áp dụng câu Lục tự Di Đà vô biệt niệm để làm món thần đơn diệu dược bổ sung tâm thần. Vô biệt niệm nơi đây có tác dụng như vầy: Trong tâm nội mỗi người như tờ giấy trắng hoặc như một vị trí an toàn cao quý. Nếu trên mặt tờ giấy trắng đó đã viết sẵn những bài văn tự thì tha nhân không còn chỗ nào trống để đặt viết vào mà viết. Như trong tâm nội có một chỗ an toàn cao quý, mình đã thỉnh một vị tôn kính đến ngự rồi thì dù một tha nhân muốn vào đó ngồi cũng không có chỗ.
Hai thí dụ đó, Bần Tăng muốn nói rằng nơi tâm nội phải luôn luôn cho Thượng Đế hoặc Thần Tiên hoặc đạo đức ngự trị, đừng để trống mà tà ma chen vào.([27])
Sanh cõi tục ưu phiền lắm nỗi
Ở trần gian tội lỗi bao vây
Thế nên một mảnh tâm này
Phải nên thận trọng ngày ngày chùi lau.
Ngọc có được dồi trau mới quý
Tâm luyện rèn mới thấy huệ khai
Năm năm tháng tháng ngày ngày
Giờ giờ phút phút tâm này đừng lơi.
Tâm tưởng Phật, Phật Trời hằng ngự
Tâm tưởng ma, ma cứ vãng lai
Thế nên tâm phải dồi mài
Như vàng như ngọc sánh tày lưu ly.([28])
Việc xây dựng thánh đường nội tâm (hay tòa Cao Đài nội tại) không phải một sớm một chiều có thể hoàn tất. Đây là cả một quá trình tu tập dài lâu suốt cả cuộc đời. Kinh Tu Chơn Thiệp Quyết có câu: Càng tu càng thấy cao thâm / Càng tu càng thấy sự lầm lạc xưa. Người có ý chí quyết tâm quay về bến giác cứ kiên nhẫn, trì thủ, tu tập cho mỗi ngày một thêm tiến bộ tinh tấn thì lo gì không xây dựng được ngôi thánh đường nội tâm ngày một sáng suốt, uy nghi, xán lạn.
2. Công quả
Công quả có hai tác dụng tốt đối với nội tâm:
- Công quả là phương cách giúp người tu giải trừ được nghiệp chướng tiền khiên khiến cho tâm chúng ta phiền não, buồn rầu, lo lắng không yên.
- Công quả giúp ích cho chúng sinh mang lại cho nội tâm niềm hỷ lạc, thơ thới.
Đức Chí Tôn dạy:
Con ôi! Với lý Đạo, Thầy chẳng những dạy các con tránh điều dữ, mà cần phải luôn luôn làm những việc lành. Các con cũng biết câu hiền triết hằng nói Nhàn cư bất thiện thật chí lý lắm con.
Ở đời có biết bao nhiêu người không làm những điều dữ, nhưng lại chẳng làm một sự lành, thì nào có phước đâu. Lâu ngày lại nảy sanh những điều chẳng hay.
Hôm nay, Thầy dạy lại chữ tâm cụ thể cho các con thấy rành. Chữ tâm nó là vô hình, nên những bực giáo chủ mới ví cái tâm như miếng ruộng của con. Thật vậy đó con.
Trước kia miếng ruộng của con vẫn trống sạch, nếu con không cấy lúa lên, tức nhiên nó phải sanh cỏ. Khi sanh cỏ rồi, con nhổ cho tận gốc sạch trơn, rồi không cấy những giống lúa tốt lên, lâu ngày cũng biến sanh cỏ nữa. Bởi vậy, tâm con kêu là tâm điền. Chẳng những các con tránh điều dữ mà cần phải lo làm những điều lành.
Như trong Ngũ Giới Cấm, điều thứ nhứt cấm sát sanh, thì con giữ được trọn rồi là con không sát sanh nữa, nhưng cũng phải làm sao cho tâm con đầy đủ sự háo sanh, dưỡng sanh, bảo sanh. Có như thế, lâu ngày mới không biến đổi những sự chẳng hay.
Thầy dạy cạn lý, các con tìm hiểu để trau lại chữ tâm.
Tâm điền con trẻ ráng gieo trồng
Trồng những trái lành được trổ bông
Bông trái trúng mùa con hạnh hưởng
Một lòng từ thiện được hành xong.([29])
3. Công phu
Công phu là phương pháp thù thắng ([30]) (vượt trội hơn hết) để giúp cho tâm được an định thanh tịnh hầu phát sinh trí huệ. Trí huệ phát sinh thì mới dễ dàng diệt được tâm phàm si mê muội ám, thánh tâm mới hiển lộ.
Đức Chí Tôn dạy:
Nhập định là cốt để cho tâm thần an ổn, nghỉ ngơi, hầu có sửa mình mà trừ khử các bịnh do trong cốt tủy và diệt xong cả mấy mối loạn của thất tình, lục dục khiến xui, khuấy rối đêm ngày. Rồi gom các tư tưởng vào nơi khối óc, đừng cho nó tưởng nhớ bá vơ những điều không tốt, lại ráng gắng công tập luyện nó sao cho lần lần trở nên thuần túy tinh anh. Mà phải nuôi cái tư tưởng ấy cho cao thượng, trọn lành mãi mãi, đừng để ngoại vật lẫn vào báo hại tâm hồn xao động.([31])
*
Tóm lại, song song với việc xây dựng ngôi thánh đường hữu tướng, tập thể môn đệ Cao Đài chúng ta, từ hàng hướng đạo chức sắc đến tín hữu bình thường, cũng cần phải xây dựng cho được ngôi thánh đường nội tâm tức là thánh đường vô tướng hay tòa Cao Đài nội tại thì mới có thể tự cứu mình cũng như cứu độ tha nhân thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
Nhà chung ([32]) đẹp tinh thần cũng đẹp
Đẹp thức hình phải khép đạo tâm
Tâm là cơ lý diệu thâm
Là đường nhập thánh siêu phàm hỡi ai! ([33])
Hiện nay, trong đạo Cao Đài chúng ta đang gặp phải một khó khăn rất lớn. Đó là nhiều ngôi thánh thất, thánh tịnh đều xuống cấp, cần được xây dựng lại. Thế nhưng phần đông bổn đạo rất nghèo, kinh phí không có, ban cai quản các nơi ấy phải lặn lội đi quyên góp trầy trật mấy năm trời mới có tiền xây dựng, lắm khi vẫn không đủ trang trải, phải mang nợ.
Xưa nay trong lịch sử tôn giáo, có nhiều bậc chơn tu đắc pháp dù ở rừng rậm xa xôi hay đồng hoang truông vắng, nhơn sanh cũng tìm đến học tu. Thế nên, nơi mỗi thánh sở, nếu mỗi môn đệ Cao Đài cố gắng xây dựng thành công ngôi thánh đường nội tâm bằng tâm hạnh đức tài thì tự nhiên sẽ có được ngôi thánh đường hữu tướng vì khi ấy nhơn sanh xứ xứ quy về, chung tay góp sức xây dựng ngôi thánh đường hữu tướng, không cần phải kêu gọi hay quyên góp.
Xin cầu nguyện cho mỗi huynh tỷ đệ muội chúng ta đều xây dựng được ngôi thánh đường nội tâm ngày một thanh tịnh, uy nghi, tráng lệ hơn, vì đây là con đường duy nhất đưa chúng ta trở về nguồn cội thiêng liêng là Thầy là Mẹ, tức là Đạo.
DIỆU NGUYÊN



([1]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 01-02 Tân Hợi (Thứ Năm 25-02-1971).
([2]) Thánh thất Nam Thành, 15-6 Tân Hợi (Thứ Năm 05-8-1971).
([3]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Nhâm Tý (Thứ Ba 20-6-1972).
([4]) Trang hoàng: Điểm tô, trau dồi cho tươi đẹp.
([5]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Nhâm Tý (Thứ Ba 20-6-1972).
([6]) Nay gọi thánh đường Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Tuy nhiên, bảng hiệu đúc ở mặt tiền vẫn giữ là Thánh Đường Quảng Tín.
([7]) Thánh đường Quảng Tín, 11-7 Canh Tuất (Thứ Tư 12-8-1970).
([8]) Vĩnh Nguyên Tự, 14-3 Quý Sửu (Thứ Hai 16-4-1973).
([9]) Theo Huệ Khải, “Vị Cứu Tinh Tiềm Ẩn”, in trong Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 185. (Quyển 42-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([10]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 19-02 Bính Dần (Thứ Sáu 28-3-1986).
([11]) Minh Đức Đàn, 10-7 Ất Tỵ (Thứ Sáu 06-8-1965).
([12]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-9 Canh Tuất (Thứ Năm 29-10-1970).
([13]) Trối kệ: Mặc kệ, chẳng quan tâm.
([14]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 14-3 Mậu Ngọ (Thứ Năm 20-4-1978).
([15]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 29-8 Quý Hợi (Thứ Tư 05-10-1983).
([16]) Nay gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
([17]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-10 Tân Dậu (Thứ Tư 11-11-1981).
([18]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 12-10 Nhâm Tuất (Thứ Sáu 26-11-1982).
([19]) Con tin của Thượng Đế: Người con được Thượng Đế tin cậy.
([20]) Đàn ngày 15-6 Canh Thân (Thứ Bảy 26-7-1980).
([21]) Thánh đường Quảng Tín, 11-7 Canh Tuất (Thứ Tư 12-8-1970).
([22]) Thánh thất Nam Thành, 14-02 Tân Hợi (Thứ Tư 10-3-1971).
([23]) từ: Từng, mỗi.
([24]) Thánh thất Nam Thành, 14-02 Tân Hợi (Thứ Tư 10-3-1971). Đói lòng với những tấm thực đơn đồng nghĩa đói lòng vì ăn bánh vẽ.
([25]) www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/.../p4.html
([26]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 29-3 Mậu Ngọ (Thứ Sáu 05-5-1978).
([27]) Minh Lý Thánh Hội, 11-5 nhuần Tân Hợi (Thứ Bảy 03-7-1971).
([28]) Minh Lý Thánh Hội, 11-5 nhuần Tân Hợi (Thứ Bảy 03-7-1971).
([29]) Tòa Thánh Châu Minh, Thánh Huấn Hiệp Tuyển. Quyển 1. Bài 30: Tâm Điền.
([30]) Phương pháp thù thắng: Phương pháp vượt trội hơn những phương pháp khác.
([31]) Đại Thừa Chơn Giáo. Đàn ngày 22-9 Bính Tý (1936), bài Tham Thiền Nhập Định.
([32]) Đức Chí Tôn dạy: “Các con, Thầy đã lập thành thánh thất, nơi ấy là nhà chung của các con.” Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển 1. Đàn ngày Thứ Bảy 18-9-1926.
([33]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Nhâm Tý (Thứ Ba 20-6-1972).


Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)