Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

3/ Kiếp người / THÁNH THI TRÍCH LỤC

II. KIẾP NGƯỜI
4. Một kiếp làm người có mấy mươi
Mấy mươi thì cũng kiếp con người
Sợ tu chẳng kịp vòng siêu đọa
Bao nả ([1]) mới lên đến cõi Trời.
Đức Đô Thống Quản Địa Thần
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
01-02 Tân Hợi (25-02-1971)
5. Một kiếp phù sinh ([2]) có mấy hồi
Làm sao khỏi uổng hỡi ai ôi
Loanh quanh cơm áo bao giờ đủ
Luẩn quẩn thê nhi mấy lúc rồi
Chung đỉnh ([3]) đeo đai ([4]) lo đuối sức
Lợi danh ràng buộc chạy mòn hơi
Sao bằng tu tỉnh làm âm chất ([5])
Cho vẹn nghĩa nhân,([6]) đạo với đời.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-11 Bính Ngọ (12-12-1966)
6. THI
Kiếp người gẫm lại có bao lâu
Mới thấy tóc xanh kế bạc đầu
Năm bảy mươi năm hay ít nữa
Có ai lột vỏ sống hoài đâu?
HỰU THI
Đâu là nẻo giả với đường chân
Luẩn quẩn loanh quanh chốn cõi trần
Lặn hụp biển mê thân tứ đại ([7])
Xét ra ai cũng khổ muôn phần.
HỰU THI
Khổ vì sự nghiệp chửa nên công
Con cái dại khờ gẫm quá đông
Nếu lỡ nay mai mình chết sớm
Ai lo bảo dưỡng chúng cho xong?
HỰU THI
Khổ vì chung đỉnh ([8]) chửa thành danh
Lòn cúi bao phen luống nhọc nhành ([9])
Kẻ ghét thì nhiều, thương lại ít
Lấy chi bảo đảm kiếp tồn sanh?
HỰU THI
Khổ vì nhen nhúm chửa bao nhiêu
Nhà phố, ruộng nương chẳng được nhiều
Trong buổi chiến tranh hoang phế mãi
Nhà hoang vườn trống cảnh tiêu điều.
HỰU THI
Khổ bởi công danh mải cúi lòn
Đỉnh chung ([10]) bả lợi ([11]) hưởng chưa ngon
Non sông dân tộc còn điêu đứng
Nước đục thả câu mải mót bòn.([12])
HỰU THI
Khổ vì lo bận việc đâu đâu
Nhìn lại bản thân đã bạc đầu
Má hóp, lưng còm, chân yếu đuối
Giảm ăn, mất ngủ, luống âu sầu.
HỰU THI
Và muôn cái khổ vẫn đeo đai ([13])
Muốn rứt cho xong để rảnh tay
Ngặt nỗi tuổi đời thêm chất ngất
Già nua con bịnh cứ đeo hoài.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 21-8 Tân Hợi (09-10-1971)
7. Linh tánh, linh tâm hãy biết rằng
Hồng trần ruộng đất dẫu giăng giăng
Cửa nhà, xe cộ bao nhiêu nữa
Thì cũng giả trò ([14]) tại thế gian.
Có hưởng cho nhiều cũng thế thôi
Mấy mươi ([15]) thì cũng hết xong đời
Bao nhiêu để lại người dương thế
Sử dụng đúng, không cũng một đời.
Đức Chơn Thường Đạo Sĩ
Minh Lý Thánh Hội, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971)
8. Con nhớ chăng con chốn Thượng Đình ([16])
Mỗi con mang lấy mảnh hồn linh
Vào đời tu học bồi âm chất ([17])
Hành đạo độ đời giúp chúng sinh.
Nhưng lúc vào đời mang nhục thân
Sớm trưa vùi lấp bụi phong trần
Đỉnh chung ([18]) danh lợi đua tranh mãi
Quên cội quên nguồn chốn cõi nhân.
Vào đời có đứa được giàu sang
Vật chất thừa dư chốn bạc vàng
Có đứa nghèo hèn cơm với áo
Bốn mùa thiếu mặc với cơm ăn.
Quanh năm suốt tháng bận giàu nghèo
Mãi mãi quay cuồng cứ chạy theo
Còn có giờ đâu tu luyện tánh
Gia đình túng hụt, cháu con đeo.
Rồi kiếp của con có mấy hồi
Sống dai giỏi lắm chín mươi thôi
Tuy nhiên có đứa đôi ba chục
Năm bảy tuổi thơ cũng một đời.
Con biết chăng con cảnh giả này
Giàu nghèo, xấu tốt, dở cùng hay
Khôn ngoan, dại dột, cùng ngu dốt
Tắt thở, của tiền cũng phủi tay?
Con hỡi, đem theo được những gì
Có chăng những tiếng thị cùng phi ([19])
Hai điều tội phước do con tạo
Hoặc đến Thiên Cung hoặc ngục tỳ.
Mẹ hỏi con ơi có giựt mình
Trên đời thử hỏi cái chi vinh
Điều nào ô nhục trong trần thế
Ngoan ngoãn lo tu để giữ mình.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu
Thánh tịnh Kim Thành Long, 18-02 Quý Sửu (22-3-1973)
9. Thương con dạy dỗ bấy nhiêu lời
Cố gắng thi hành các trẻ ơi
Tu học giúp đời là việc chánh
Bền lòng son sắt ([20]) chớ nên lơi.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu
Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 26-01 Quý Sửu (28-02-1973)
10. Trải bao kiếp tu hành tại thế
Vì nghiệp trần nên trễ con đò
Nợ trần cứ mãi giằng co
Nguyên nhân ([21]) thánh thiện vai trò mờ lu.
Thế mới biết trần tù bốn vách ([22])
Có ngõ vào không vách chun ra
Nếu không huệ kiếm trừ tà
Vô minh buông rủ khó mà vén lên.
Kỳ đại xá xây nền thánh đức
Nhờ bạn hiền giúp sức dắt dìu
Tuy chưa vào yết Linh Tiêu
Cũng hàng Đạo Sĩ có chiều ([23]) thong dong.
Đã xa thế ([24]) quyết không trở lại
Vướng thân phàm vướng mãi không thôi
Biết bao nhiêu kiếp cho rồi
Tam nguơn chuyển thế cuộc đời vần xoay.
Đức Chơn Thường Đạo Sĩ
Minh Lý Thánh Hội, 14-7 Canh Tuất (15-8-1970)
11. Ở đời ai cũng muốn cho thân
Phú túc ([25]) vinh hoa tại cõi trần
Để lại vợ con bao sự nghiệp
Đời này, đời kế hưởng muôn phần.
Nhưng xét cho cùng việc thế gian
Dầu cho sự nghiệp có muôn vàn
Thì nhiều ẩm thực cùng y phục
Vẫn có chừng ni ([26]) thật phũ phàng.
Trong sự tranh đua kiếp sống còn
Ai ai cũng tính việc thua hơn
Gây điều oan trái vì danh lợi
Nhiều kiếp chất chồng tợ núi non.
Góp gom phục vụ cả gia đình
Tội lỗi gánh riêng chỉ một mình
Luẩn quẩn mấy mươi trong một kiếp
Kiến bò miệng chậu cõi phù sinh.([27])
Chừng hồn lìa xác mới hay ra
Tội phước hiểu thông muộn quá mà
Dẫu có ăn năn rồi chẳng kịp
Bấy giờ ai gánh thế cho ta?
Ta biết thì ra việc muộn rồi
Xác phàm đã hoại, nghĩ than ôi
Lấy chi để có làm phương tiện
Công quả, công phu để đắp bồi!
Bồi hồi nhớ lại kiếp phù sanh ([28])
Phải biết đường tu sớm tập tành
Sẵn có xác thân hành đạo đức
Thì đâu ân hận kiếp lai sanh.([29])
Vì thế hôm nay giáng cõi trần
Đôi lời Tệ Sĩ tỏ bày phân
Cho chư đạo đức ghi tâm nhớ
Mà ráng lo tu kẻo mất phần.
Phần ai ăn được nấy nên no
Tu tiến tâm linh vượt khỏi bờ
Bỉ ngạn ([30]) thuyền từ ([31]) đưa đến bến
Non Bồng nước Nhược ([32]) rất nên thơ.
Cùng chư Tiên Phật cõi tiêu dao ([33])
Chẳng lụy trần ai một mảy nào
Cực lạc nhàn du trong vĩnh cửu
Thân an thú vị biết là bao.
Đức Chơn Thường Đạo Sĩ
Minh Lý Thánh Hội, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971)
12. Ai ai cũng ở trong trần
Cũng mang nhục thể xác thân làm người
Cũng ăn cũng mặc với đời
Cũng làm cũng nghĩ, nói cười như ai
Khôn ngoan phải biết điều này
Rằng mình sanh trưởng tại đây làm gì
Rồi ngày bỏ xác ra đi
Thiên Đàng, địa ngục phương ni thế nào
Những điều tội phước ra sao
Những điều thưởng phạt ra vào trầm luân ([34])
Rằng đây là khối nhục thân
Bao nhiêu năm nữa cõi trần còn nương
Chừng nào tách bước lên đường
Cõi âm sẽ đến, cõi dương giã từ
Rằng bao tài sản để dư
Ruộng, vườn, xe, ngựa trữ từ bao lâu
Rằng rồi ta sẽ về đâu
Có mang tất cả để hầu đem theo


Rằng thân cõi thế giàu nghèo
Phải chăng Trời Phật nể theo người giàu
Để khi bỏ xác trần lao ([35])
Thiên Đàng đến đón ngôi cao trị vì
Rằng nghèo đọa xuống âm ty
Hay rồi cũng được rước đi Thiên Đàng
Rằng đời phú quý vinh sang
Cõi kia cũng được nghinh ngang như thường
Rằng mình chay lạt rau tương
Công phu, công quả, biểu dương công trình
Đến khi bỏ kiếp phù sinh ([36])
Có về được chốn Thiên Đình hay chăng
Rằng bao quyến thuộc thân bằng
Con khôn vợ đẹp, muôn ngàn ngựa xe
Đến khi trở gót lộn về
Bao nhiêu thứ ấy dựa kề được chăng
Rằng này rằng nọ đủ rằng
Lòng tham không đáy muôn ngàn tâm tư
Thôi thôi khuyên sớm chối từ
Mọi điều ước vọng của người phàm tâm
Ráng đi, tu niệm nhiều năm
Việc nhân việc đức nên làm mau mau
Khá gây sống động phong trào
Phong trào đạo đức làm sao thạnh hành
Dắt dìu độ rỗi nhơn sanh
Cùng chung hướng thiện, đừng tranh chấp đời
Đạo truyền được khắp nơi nơi
Vạn dân bá tánh người người làm in ([37])
Tạo nên cực lạc quang vinh
Bồng Lai tiên cảnh công minh tại trần
Cho chung khắp cả muôn dân
Hưởng ngày Nghiêu Thuấn thượng nguơn lập đời
Thì là ngôi vị trên trời
Trường tồn để sẵn cho người thiện duyên
Chớ đừng mong đắc Phật Tiên
Mải lo cầu cạnh, tu hiền lại quên
Thế gian để đắp móng nền
Để làm công quả để lên Thiên Đàng.
Đức Ni Sư Diệu Lộc
Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 14-11 Canh Tuất (12-12- 1970)
13. Ráng lên, hỡi các con ơi
Trong khi tận thế cơ Trời chuyển xoay
Kìa con tháng lại qua ngày
Quẩn quanh trong chốn sắc tài lợi danh
Sớm chiều lo lắng đua tranh
Sương rơi mái tóc có thành chi chi
Dầu cho phú túc ([38]) mọi bề
Dầu cho ấm tử vinh thê đủ điều
Kìa con lửa hạ đốt thiêu
Bao nhiêu sự nghiệp bao nhiêu lệ tràn.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Mậu Thân (11-5-1968)
14. Giấc mộng đời nồi kê chưa chín ([39])
Hỏi tuổi đời con tính bao nhiêu
Lo mơi rồi lại lo chiều
Sống ăn mặc ở trăm điều khổ tâm.
Đó phương tiện con làm sự sống
Thì thôi đừng tham vọng con ôi
No cơm ấm áo đủ rồi
Công phu, công quả trau giồi hồn linh.
Mẹ thương xót hiện tình nhân thế
Còn bao người khổ bể trầm luân ([40])
Tiền căn hậu quả khó dừng
Thiệt thòi đau khổ biết chừng nào yên.
Mẹ gởi gắm ân Thiên cho trẻ
Hãy thương người, nặng nhẹ ráng lo
Biển trần chống bát nhã đò
Ngược xuôi rước khách lần dò quê xưa.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu
Vĩnh Nguyên Tự, 15-8 Quý Sửu (11-9-1973)




([1]) bao nả: Chừng nào? Bao giờ? Lúc nào?
([2]) phù sinh: Cuộc đời trôi nổi; cuộc sống tạm bợ, không bền vững.
([3]) chung đỉnh: Gia đình quyền thế, rất giàu, đông người phục vụ.
([4]) đeo đai: Vướng vít, vương mang, không dứt ra được.
([5]) âm chất: Âm đức. Việc lành, việc thiện làm với lòng thành, không phô trương (tuy che giấu người đời nhưng Trời Phật, Thánh Thần đều biết rõ).
([6]) nghĩa nhân: Sự ăn ở theo lẽ phải và lòng thương người.
([7]) thân tứ đại: Theo Phật Giáo, thân xác con người do bốn chất căn bản (tứ đại) tạo thành là đất (da thịt…), nước (máu, các chất lỏng…), lửa (hơi ấm, thân nhiệt), gió (hơi thở).
([8]) chung đỉnh: Gia đình quyền thế, rất giàu, đông người phục vụ.
([9]) nhọc nhành: Nhọc nhằn.
([10]) đỉnh chung: Xem chung đỉnh.
([11]) bả lợi: Nói đủ là mồi danh bả lợi. Danh và lợi có sức cám dỗ, lôi cuốn con người vào chỗ hư hỏng xấu xa, gây nên tội lỗi, vì thế mà hại thân; do đó, danh lợi được ví như miếng mồi tẩm độc để lừa giết thú vật (đánh bả).
([12]) mót bòn: Nhặt nhạnh từng chút mảy mún, không bỏ sót.
([13]) đeo đai: Vướng vít, vương mang, không dứt ra được.
([14]) giả trò: Trò giả dối; tuồng hư ảo, không thật.
([15]) mấy mươi: Mấy chục năm, vài chục tuổi.
([16]) Thượng Đình: Thiên Đình nơi thượng giới.
([17]) âm chất: Âm đức. Việc lành, việc thiện làm với lòng thành, không phô trương (tuy che giấu người đời nhưng Trời Phật, Thánh Thần đều biết rõ).
([18]) đỉnh chung: chung đỉnh; gia đình quyền thế, rất giàu, đông người phục vụ.
([19]) thị phi: Lời khen chê của bá tánh.
([20]) son sắt: Son là màu đỏ thắm khó phai. Sắt là kim loại cứng bền. lòng son sắt: Lòng trung trinh bền vững, không hề thay đổi.
([21]) nguyên nhân: Những linh căn có nguồn gốc từ cõi Trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng nên đi xuống thế gian độ đời.
([22]) trần tù bốn vách: Trên đời có bốn thứ giam hãm con người trong ham muốn và nghiện ngập, khiến con người mất tự do, giống như bị nhốt trong bốn vách nhà tù trần gian (đổtường đều có nghĩa là vách tường). Bốn thứ (bốn vách) đó là tửu, sắc, tài, khí (rượu, sắc dục, tiền bạc, và ma túy).
([23]) có chiều: Có bề, có phần. Thí dụ: Cực nhọc trăm bề (trăm chiều).
([24]) xa thế: Xa cõi trần, lìa trần.
([25]) phú túc: Giàu có đủ đầy.
([26]) chừng ni: Chừng này.
([27]) phù sinh: Cuộc đời trôi nổi; cuộc sống tạm bợ.
([28]) phù sanh: Cuộc đời trôi nổi; cuộc sống tạm bợ.
([29]) lai sanh: Kiếp sau, đời sau.
([30]) bỉ ngạn: Bờ bên kia, bờ giác, là nơi giải thoát luân hồi sanh tử.
([31]) thuyền từ: Chiếc thuyền từ bi; tức là đạo pháp, được ví như con thuyền cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ, sông mê.
([32]) non Bồng nước Nhược (Bồng sơn Nhược thủy): Cõi Tiên.
([33]) tiêu dao: Ung dung tự tại (tự do, không bị ràng buộc).
([34]) trầm luân: Chìm đắm.
([35]) trần lao: Lao tù cõi trần. Cảnh thế gian ràng buộc làm con người mất tự do (vì bị lục dục, thất tình sai khiến), thế nên cõi trần được ví như chốn lao tù.
([36]) phù sinh: Cuộc đời trôi nổi; cuộc sống tạm bợ.
([37]) làm in: Làm y hệt, làm không khác chút nào.
([38]) phú túc: Giàu có đủ đầy.
([39]) nồi kê chưa chín: Theo Chẩm Trung Ký của Thẩm Ký Tế đời Đường (Trung Quốc), năm 719 có anh học trò thi rớt. Dọc đường về quê, gặp một đạo sĩ trong quán trọ, anh than thở về cảnh nghèo. Đạo sĩ lấy một cái gối (chẩm), bảo anh kê đầu ngủ, mọi việc sẽ như ý. Bấy giờ chủ quán đang nấu cháo kê. Anh ngủ say, mơ thấy đậu tiến sĩ, cưới vợ xinh đẹp, làm quan to. Năm con trai đều làm quan lớn, lấy vợ danh giá. Lúc tám mươi tuổi, anh bệnh rồi chết. Tới đó thì anh tỉnh mộng, thấy đạo sĩ ngồi bên cạnh, nồi cháo kê vẫn chưa chín. Trong văn học, giấc kê vàng, mộng huỳnh, mộng hoàng lương đều có nghĩa là ảo mộng giàu sang và quyền lực. (hoàng lương: Hạt kê màu vàng.)
([40]) trầm luân: Chìm đắm.

DIỆU NGUYÊN kết tập

HUỆ KHẢI chú thích



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)