ĐỨC
GIÊSU KITÔ ĐÃ TRỞ LẠI
Ngày
24-12 dương lịch hằng năm, cùng với cộng đồng dân Chúa trên toàn thế giới, hàng
môn đệ Cao Đài nói chung và bổn đạo thánh thất Bàu Sen nói riêng đồng thành tâm
tưởng niệm Đức Giêsu Kitô nhân dịp đại lễ kính mừng Chúa giáng sinh.
Trong
truyện cổ nước Anh có câu chuyện như sau:
Liên tục
trong năm trăm năm liền, cứ vào đêm Giáng Sinh,
dân chúng tại một thành phố nọ đều tập trung lại, không phải để mừng ngày Chúa
đã giáng sinh mà để chờ đợi ngày Chúa trở lại. Trước lúc nửa đêm, họ đốt đèn,
đốt nến, hát thánh ca, rước kiệu đến một ngôi thánh đường cũ, nơi họ đã dựng
một hang đá bên trong nhà thờ, và với tất cả tấm lòng thành, họ quỳ gối cầu
nguyện. Ánh nến cùng những bài thánh ca làm tan đi cái giá lạnh của đêm đông.
Tất cả mọi người trong thành phố đều có mặt ở đó, ai ai cũng tin rằng nếu tất
cả mọi người trong thành đều có mặt để thành tâm cầu nguyện trong đêm Giáng
Sinh thì Chúa Giêsu có thể sẽ trở lại đúng vào lúc nửa đêm.
Thế
nhưng ngày trở lại của Chúa vẫn chưa bao giờ xảy ra. Một nhà báo hỏi một người
thanh niên: “Bạn có thực sự tin rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong đêm Giáng Sinh
tại thành phố của bạn không?”
Đáp: “Không, tôi không tin chắc như thế!”
Nhà báo
hỏi tiếp: “Vậy tại sao bạn lại đến đấy mỗi đêm Giáng Sinh?”
Thanh
niên cười và trả lời: “Vì tôi không muốn là người duy nhất vắng mặt khi Chúa
trở lại.”
Vấn đề Chúa sẽ trở lại sau hai ngàn năm
cũng được tổng thống Mỹ John F. Kennedy (1917-1963) quan tâm. Một người rất gần gũi tổng thống Kennedy là mục
sư Billy Graham (1918-2018) kể rằng vào ngày 16-01-1961 (bốn hôm trước ngày tổng thống tân cử Kennedy nhậm chức), ông và thượng nghị sĩ George Smathers (1913-2007)
là đại biểu của bang
Florida (1951-1969) được mời đến chơi gôn và thăm khu nhà của dòng họ Kennedy ở
thị trấn Palm Beach,
phía nam bang Florida.
Trên đường từ sân gôn trở về, tổng thống Kennedy dừng xe, quay lại hỏi ông:
“Mục sư Billy Graham, ông có tin rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trái đất không?”
Mục sư sửng sốt trước câu hỏi này của tổng thống Kennedy nhưng ông cũng trả lời
ngay không chút do dự: “Thưa tổng thống, tôi tin Chúa Giêsu sẽ trở lại chứ!”
Hai câu
chuyện vừa kể cho chúng ta thấy rằng phần đông các Kitô hữu vẫn luôn mong mỏi
ngày trở lại thế gian của Đức Giêsu Kitô. Bởi lẽ Kinh Thánh có chép lời Chúa như sau:
1. “Vậy
anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em
hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã
thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy
sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con [của] Người sẽ đến.”
(Matthêu 24:42-44)
2. “... Chúa
sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.” (Thư Thêxalônica 1, 5:2)
Riêng
đối với hàng tín hữu Cao Đài thì việc Đức Giêsu Kitô trở lại thế gian đã thành
hiện thực. Tuy nhiên, Chúa trở lại thế gian, không phải trong hình hài thể xác
một con người mà bằng thần khí, bằng điển quang qua ngọn linh cơ trong công cuộc cứu độ Kỳ Ba của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
Lễ Giáng Sinh năm 1958, tại Tòa Thánh Châu
Minh (Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến
Tre), Đức Giêsu Kitô giáng cơ:
Hỡi các môn đồ, Ta đã đến
Đến bằng linh điển hợp thời này.
Lễ Giáng Sinh năm 1959 (chuẩn bị bước sang
năm 1960), tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân, ở Vĩnh Hội, quận Tư, Sài
Gòn), Chúa giáng cơ nhắc lại lời di chúc của Ngài trong Kinh Thánh:
Đến một ngàn chín trăm sáu chục
Trong Thánh Kinh di chúc của Ta
Trong hai ngàn năm đó là
Hạ nguơn tận thế Cha Ta lâm trần.
Cha Ta vốn Chơn Thần Thượng Đế
Cha Ta là Chúa Tể càn khôn
Cha Ta là Đấng Chí Tôn
Là Đại Từ Phụ bảo tồn nhơn sanh.
Đức Chúa Trời tá danh cứu thế
Danh Cao Đài Ngọc Đế Kỳ Ba
Việt Nam hạnh ngộ Đạo nhà
Hoàn cầu
vạn quốc nhìn Cha là Thầy.
Lễ Giáng
Sinh năm 1967, giáng cơ tại thánh thất Bàu Sen (quận Năm, Sài Gòn), Đức Giêsu Kitô dạy:
Ta đến với một mùa đông đầy giá rét
Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.
Lễ Giáng Sinh năm 1973, tại Huờn Cung Đàn,
Chúa giáng cơ nhắc lại:
Giờ kỷ niệm, hai ngàn năm sắp mãn,
theo lời tiên đoán ngày xưa còn nêu rành Cựu Ước, nay gợi lại để Thiên sứ, sứ
đồ, gợi sưởi lòng ôn lại những điều tiên tri trên mặt luật. Vì trong hai ngàn
năm, Ta sẽ tái lâm hạ thế, nhưng ngày nay Ta đến thế gian như kẻ trộm. Đó là
điều tiên đoán ngàn xưa, nay nhắc lại để chứng minh cho đời biết. Cũng như bao
con chiên Ta đã đón tiếp và chờ mong ngày xuất hiện, lòng man mác đương trông
mỏi. Nhưng Ta đã đến thế gian từ bao giờ, lòng con chiên chưa nhận thức. Đó là
vì màn bí mật trùm bao, luật Thiên Điều hé màn cho biết. Nhưng đặc tính của con
chiên vẫn còn đang tầm nơi không trung vị sứ thần xuất hiện, đang mong mỏi săn
đuổi để đón rước Ta bằng tấm lòng tin tưởng, nhưng quên xem lại điều ghi sau
những lời Cựu Ước. Đời mạt hạ, Ta hạ thế bằng linh điển để đem con người trở về
đường hướng thiện để giải tỏa xích xiềng cho bản thân được thanh thỏa thân tâm,
tu tầm vị cũ. Vì ngày Ta đến thế gian là ngày những tôi trai tớ gái đã nói
những lời tiên tri như Ta hiện nay.”
Một điều
đặc biệt hy hữu đó là trong Tam Kỳ Phổ Độ không chỉ Đức Giêsu Kitô trở lại
thế gian mà tất cả các Đấng Giáo Tổ như Đức Phật Thích Ca, Đức Thái Thượng Đạo
Tổ (Đức Lão Tử), Đức Khổng Phu Tử, v.v… đều trở lại thế gian trong công cuộc
tận độ quần linh của Đức Thượng Đế.
Sứ mạng
của các Ngài trong thời Tam Kỳ Phổ Độ này không chỉ đơn thuần kêu gọi nhơn sanh
hồi tâm hướng thiện bỏ dữ làm lành mà chủ yếu là sứ mạng xây dựng nhân hòa
trong tinh thần vạn giáo nhứt lý.
Bởi vậy, lại thêm một điều hy hữu nữa trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ, đó là trong kho tàng giáo lý Cao Đài, chúng ta thấy khi thì Đức Phật Thích
Ca dạy về Ngũ Chi Đại Đạo (bao gồm Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo,
Tiên Đạo và Phật Đạo); khi thì một vị Phật giảng lời Chúa Giêsu
trong kinh Thánh. Chẳng hạn, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, vào ngày 25-12-1973
(Quý Sửu) đã giáng cơ dạy
tại Vĩnh Nguyên Tự (xã Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Long An) như sau:
Này chư hiền đệ, hiền muội! Nhân ngày
lễ Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế ở phương Tây, Lão tưởng cũng nên nhắc lại một
lời nào của Chúa Giêsu đã nói để mở đề cho cuộc đàm đạo hôm nay trong tinh thần
Vạn giáo đồng nhất lý.
Khi Đức Chúa Giêsu cùng chư môn đồ
giảng đạo trước quần chúng, Chúa dùng lời thí dụ chuyện gieo giống. Các hạt
giống được đem gieo, những hạt bị rơi ở mé đường không khỏi bị chim chóc nó
nuốt đi. Những hạt rơi trên tảng đá, sống tạm vào chút ít cát bụi mà lên, cũng
không khỏi bị úa tàn vì rễ không châm sâu được. Những hạt rơi vào lùm bụi gai
gốc cũng lên, nhưng bị nghẹt vì gai gốc. Còn những hạt rơi vào đất tốt sẽ nẩy
tược đâm chồi và kết quả.
Môn đồ hỏi Chúa: Thí dụ như thế có ý
gì?
Chúa bảo rằng hạt giống là Đạo, Thiên
Chúa ban cho, còn những hạt rơi trên mé đường là những kẻ nghe Đạo nhưng ma quỷ
sợ họ tin rồi được cứu rỗi đi, nên chực rước Đạo ra khỏi lòng họ. Những hạt rơi
trên đá là những kẻ nghe Đạo bèn vui mừng nhận lấy, nhưng họ không có rễ, chỉ
tin tạm mà thôi, khi gặp sự cám dỗ thì họ sẽ ngã. Những hạt rơi vào gai gốc là
những kẻ nghe Đạo rồi bị sự lo lắng giàu có vui thú của đời sống làm nghẹt đi
mà không sanh được trái chín. Còn những hạt rơi vào đất tốt là những kẻ nghe
Đạo rồi lấy lòng thành thật lương thiện mà gìn giữ, nhẫn nại mà kết quả.
Chư hiền đệ, hiền muội! Chính hôm nay
Lão muốn nói lại lời Chúa Giêsu với chư hiền, vì chư hiền là môn đồ của Chí Tôn
Thượng Đế. Chư hiền sẽ lãnh hội và đem nói với con cái Đức Chí Tôn về ý Đạo ấy.
Lão muốn hạt giống Đạo được gieo vào đất tốt để đơm hoa kết quả. Lão muốn mỗi
người đều tìm cầu cái Đạo ở bên trong mà đừng tìm cầu ở bên ngoài. Trợ duyên
chính đáng rất cần cho người hành giả; trái lại, người hành giả tìm Đạo ở chỗ
trợ duyên, Lão e lâm vấp trước đa đoan rồi chùn bước.
Và rồi chính Đức Giêsu Kitô, trong một lần
giáng cơ tại Huờn Cung Đàn vào ngày lễ Giáng Sinh 25-12-1966 đã có một bài
giảng độc đáo về quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhơn trong Kinh Dịch của Nho Giáo như sau:
Ta chào chư Thiên ân, chư đạo tâm nam
nữ.
Ngày này khắp trên mặt địa cầu đều để
lòng ghi nhớ ơn Ta. Ta sẽ ban nhiều phước lành cho nhơn loại. Nơi đây cũng như
khắp trong nền chánh pháp Cao Đài đều dâng lễ mừng Ta. Ta sẽ làm cho nước này,
dân này được nhiều an ủi và lành mạnh thêm mãi. Chư Thiên ân an tọa.
Đức Chúa nêu lên thực
trạng bi đát của thế giới nhân loại ngày nay:
Này chư hướng đạo ôi! Khắp trên hoàn
cầu, nơi nào cũng bị họa đời giày xéo, người người đương rên rỉ, lầm than, phập
phồng lo sợ từ giờ từ phút, chưa biết ma tử thần đến lúc nào.
Ôi! Cảnh đời quá điêu linh, điên đảo!
Nước nước tranh giành mà đưa đến cho con người một cuộc máu xương khói lửa ngút
trời. Khổ vì xác thịt, vì ăn vì mặc, vì lợi vì danh, vì chỗ đứng nơi ngồi, vì
màu da sắc tóc, loài người xô đẩy nhau. Chẳng những vậy, mà còn phe phái, xu
hướng khác nhau, đã gây nên tang tóc cho đời. Thậm chí tôn giáo cũng vì tín
ngưỡng không đồng mà xô xát nhau, làm cho tinh thần xáo trộn. Cái họa đời to
tát, rồi đây nó sẽ xô nhơn loại vào hố gươm đao, vào nơi chiến địa. Nếu Đạo
Trời không ra kịp, thì cõi dinh hoàn này chắc chắn sẽ thành tro bụi.
Đức Thượng Đế khai
mở mối Đạo Trời để cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt vong và đã ban trao
cho dân tộc Việt Nam sứ mạng tiền phong. Bởi vậy, Đức Chúa dạy rằng với một sứ
mạng vô cùng trọng đại, một trách nhiệm quá đỗi to tát như thế thì cần phải có
sự đồng tâm hiệp lực của rất nhiều người để lấp bằng các hố sâu chia rẽ, xô ngã
các thành trì phân ranh màu sắc, tín ngưỡng:
Đạo Trời lần ba hoằng khai để cứu vãn
tình trạng nguy vong của nhơn loại, mà tái lập cuộc thế giới an bình. Thượng Đế
chọn đất Việt làm thánh địa, chọn dân Việt làm tiền phong khai Đạo, nói lên
những lời thiết tha bằng tình thương lẽ thật và sự sống đời đời.
Cái sứ mạng trọng đại này, cái quyền
pháp vinh hạnh này, chư hướng đạo đã chịu ơn Trời, đảm đương công vụ, hầu thay
gánh cho Chí Tôn ở dưới cõi này. Làm sao đây?
Đạo lớn lao thì trách nhiệm cũng quá
chừng to tát, đâu phải một người làm xong, mà cần hiệp sức nhau, chia sớt nhau,
để cùng lo cùng tính. Kẻ trong người ngoài, nơi nào cũng có mặt con người hướng
đạo, hầu nói lên cái tôn chỉ dung hòa bình đẳng, hầu mọi người, mọi nơi được
nhận định nguồn gốc là Đạo có một không hai, để lấp bằng các hố chia rẽ bất
bình, xô đổ những thành trì ngăn ngại phân ranh màu sắc, tín ngưỡng.
Trong việc kêu gọi
mọi người cùng đồng tâm hiệp lực với mình trong nhiệm vụ cao cả, Đức Chúa nhắc
nhở chúng ta một khía cạnh tâm lý nhân sự hết sức quan trọng như sau:
Muốn hiệp nhứt, mà hiệp bằng một cách
đơn độc, bắt buộc ai cũng làm, cũng nói, cũng đi một đường, một kiểu như nhau,
thì vạn đời chưa chắc kết quả.
Muôn loài vạn vật đều khác nhau. Cá thì ở nước sông. Chim thì ở non ở núi.
Bắt cá thả lên rừng, bảo chim vào ở biển, thì làm sao không loạn?
Phương chi nhơn tình mỗi người mỗi
ý, hóc hiểm khó khăn, mà muốn biết lòng người, đâu phải không cực tâm nghiên
cứu mà thấu suốt tận đáy lòng của thiên hạ. Song lấy mình để xét người. Ai đói
cũng muốn ăn, lạnh cũng muốn mặc, nhọc cũng muốn nghỉ, thì mình với người khác
chi. Đem mình mà áp dụng vào người, thì ai không theo, ai không đồng.
Ngặt phải về một chỗ, phải làm một
việc, phải nói một lời thì kẻ nông phu không sao viết ra bài, người học trò làm
sao canh tác nổi. Nên việc làm tuy khác nhau, mà tâm hồn vẫn được như nhau, là
điều chung trong lợi người, lợi việc.
Hôm nay, Ta đến để góp một vài ý
kiến về việc tương hệ với bạn đồng đức đồng tâm, hầu kết nên tràng [trường] thương
yêu mà chung cùng nhiệm vụ.
Đức Chúa
giảng một đoạn trong Hệ Từ Dịch Truyện là lời của Đức Khổng Tử giảng giải thêm
về quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhơn, một trong sáu mươi bốn quẻ của Kinh Dịch. Chúng ta
biết rằng Kinh Dịch là Đạo của người quân tử, bởi lẽ mỗi quẻ trong Kinh Dịch
với lời giải của các bậc Thánh Nhân nhằm dạy con người cách hành xử sao cho hợp
đạo lý trong từng thời, từng vị, từng hoàn cảnh để được thành công.
Quẻ
Thiên Hỏa Đồng Nhơn được kết thành từ hai quẻ đơn: trên là quẻ Càn tượng trưng
cho Trời (Thiên); dưới là quẻ Ly tượng trưng cho lửa (Hỏa).
Quẻ gồm
sáu hào tính từ dưới lên: hào 1 (hào sơ), hào 2, hào 3, hào 4, hào 5, hào 6
(hào thượng). Hào được vẽ bằng vạch liền là hào dương, gọi là “cửu”. Ví dụ: Hào
1 dương của quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhơn là hào sơ cửu. Hào được vẽ bằng vạch đứt là
hào âm, gọi là “lục”. Ví dụ: Hào 2 âm của quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhơn là hào lục
nhị.
Quẻ Càn
ở trên có hào 5 dương (cửu ngũ) làm chủ. Quẻ Ly ở dưới có hào 2 âm (lục nhị)
làm chủ. Cả hai hào này đều có đức trung chính, ứng với nhau rất tốt đẹp nên
gọi là “thượng hạ tương đồng” hay “thượng hạ đồng tâm”. Do đó, Thánh Nhân xưa
đặt tên quẻ là “Thiên Hỏa Đồng Nhơn”. Đồng Nhơn có nghĩa là người người cùng
chung tâm hòa hợp trong xây dựng và bảo tồn cuộc sống.
Mỗi quẻ
trong Kinh Dịch đều có lời bàn của Thánh Văn Vương gọi là Soán Từ. Mỗi hào đều
có lời bàn của Thánh Chu Công gọi là Hào Từ. Rồi lại có thêm lời giảng giải của
Đức Khổng Tử trong phần “Truyện”.
Đức
Chúa dạy:
Đây là một đoạn trong Hệ Từ Dịch
Truyện, Đức Khổng Phu Tử nhấn mạnh về việc đồng tâm, đại đồng của thiên hạ. Ta
nên lấy đó để hành đạo, giữ đạo mà xây dựng quyền pháp tương lai, cứu vãn lại
nội tình hiện tại.
Hệ Từ viết: “Đồng nhơn tiên hào
đào nhi hậu tiếu. Tử viết: Quân tử chi đạo, hoặc xuất hoặc xử, hoặc mặc hoặc
ngữ, nhị nhơn đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan.”
Đồng nhơn tiên hào đào nhi hậu tiếu.
Câu này ở hào ngũ, quẻ Đồng Nhơn. Nói đến đồng nhơn thật rất khó khăn. Song thời
thế đã đến, thì dầu ai không muốn đồng cũng không
được.
Thật
vậy, cơ Trời vận chuyển cho công cuộc xây dựng thế giới đại đồng. Thế nên, Đức
Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963) đã nói rằng Ngài được Thánh Linh thôi thúc
khai mở Công Đồng Vatican II để mời gọi đối thoại liên tôn giáo giữa Công Giáo
và các tôn giáo khác trên thế giới. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1978) đã ban
hành văn kiện chính thức tại Vatican vào ngày 28-10-1965 gọi là Nostra
Aetate (có nghĩa là “Trong thời đại chúng ta” mà chúng ta có thể hiểu là
thời đại của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tinh thần vạn giáo đồng nguyên và quy
nguyên). Nostra Aetate chính là “Tuyên ngôn về những quan hệ của Giáo Hội với
các tôn giáo không phải Kitô Giáo”.([1]) Cũng trong năm
1965, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay là Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý Đại Đạo) được Đức Thượng Đế thành lập với nhiệm vụ nối liền tình huynh
đệ.
Đức Chúa dạy:
Đồng tâm là người này người kia, tuy
không ở chung với nhau, mà tâm sự vẫn đồng như nhau.
Tiên là trước. Hào đào là kêu rêu than thở. Hậu
là sau. Tiếu là cười. Nghĩa là nói đến sự đồng tâm, trước vì sao mà phải
kêu rêu than thở? Kêu rêu than thở là vì hai người đồng với nhau, mà chưa ngộ
hợp cùng nhau, là vì trung gian có hào cửu tam, cửu tứ ngăn trở, nghĩa là bị
người ta phá, bị người ta gièm pha giành giựt.
Nhưng lẽ phải cuối cùng cũng được ngộ
hợp nhau mà vui cười, sung sướng. Nói đến đồng tâm giữa người này với người
kia, mà còn khó như vậy, huống chi khối này khối nọ, làm sao dễ được?
Quân tử chi đạo là đạo
người quân tử ở chỗ đồng tâm, để mưu toan việc đạo việc đời, mà lo cho nhơn
loại. Hoặc xuất hoặc xử, hoặc mặc hoặc ngữ
nghĩa là kẻ ra gánh vác việc đời, làm công việc nọ việc kia; kẻ thì ở yên một
chỗ, ẩn dật tu hành, kẻ lại im lặng mà làm thinh, còn kẻ thì khua chuông giục
trống cảnh tỉnh người đời. Tuy xuất (ra làm quan) với xử (hoặc ẩn
dật) khác xa, ngữ (nói) với mặc (nín) trái hẳn,
song cũng đều lo cùng một mục đích như nhau, tuy hoàn cảnh địa vị khác nhau.
Nên mới có kẻ ẩn người hiện, kẻ nói người làm thinh, vì thời và vị không giống
nhau. Song đem đổi hoàn cảnh của người này cho người kia, thì họ cũng làm như
nhau không khác.
Đây nói cái đồng tâm, mà cái tích
(việc thấy hiện bên ngoài) bất đồng. Tâm là tinh thần. Tích là hình
thức. Tích mà đồng, tâm không đồng, thì người quân tử không hề làm; mà mặc dầu
tích không đồng, tâm đồng, là đạo lợi cho thiên hạ. Nên mỗi người đã đồng tâm
rồi, thì chia nhau mà lo, kẻ làm việc nọ, người làm việc kia, ai cũng cúc cung
tận tụy, các tận sở năng của mình. Dầu ở xa ngàn dặm, những việc làm giống nhau
như khuôn in rập.
Nhị nhơn đồng tâm kỳ lợi đoạn
kim nghĩa là người này cùng người kia mà đồng tâm nhau rồi, thì núi cũng xô
ngã được, biển cũng lấp bằng được. Người người đều cảm mà hóa theo, thì khác
nào một đoạn sắt chặt một cái là đứt làm đôi. Sức mạnh của đồng tâm ghê gớm,
làm gì lại không được? Dầu cho trời đất cũng vui nghe mà giúp đỡ.
Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan
nghĩa là lời nói của người đồng tâm tuy không ngọt ngào mà ai cũng thích, tuy
không nồng nàn mà ai cũng say, cảm đến người đến vật. Lời nói thống thiết chân
thành, mùi vị ngọt ngào, dầu sự thơm của hoa lan cũng chỉ đến chừng đó là cùng.
Sự đồng tâm tác hợp nhau, để lo xây dựng Đạo Trời.
Đạo Trời cũng mưu tính, cải tạo loài
người, tái lập cuộc đời đại đồng thế giới. Mục đích ai là người có trách nhiệm trong
nền tân pháp Đại Đạo phải hướng vào đó mà tu sửa, mà mở mang. Song thế giới
bước đến đại đồng, trước phải đặt móng đắp nền ở gần, rồi mới đến xa, nghĩa là
phải xây dựng đại đồng trong đạo. Người này người nọ lấy thương yêu làm mục
đích, lấy lẽ thật làm nền tảng, cột chặt lấy dải đồng tâm.
Hãy xét quẻ Đồng Nhơn trong sáu hào.
Hào sơ cửu thì Đồng nhơn vu
môn. Nghĩa là đại đồng với người. Không phải ở trong nhà mà nói đại đồng,
cần phải ra khỏi cửa, để đồng cùng xóm giềng, làng nước, giao du chỗ nọ, chỗ kia,
mà kết tình bằng hữu, để cùng nhau chung lấy nhiệm vụ đại đồng.
Đức Giáo Hoàng
Phanxicô từng bảo rằng trong Thánh Kinh thuở xưa Chúa dạy Cứ gõ cửa thì sẽ
mở ra cho (Matthêu 7:7), tuy nhiên ngày nay chúng ta không thể ngồi
trong nhà chờ người đến gõ cửa mà cần phải mở cửa bước ra ngoài giao tiếp với
nhơn sanh để thực hiện nhiệm vụ cứu độ (Công Giáo gọi là đi ra các vùng
ngoại biên của Giáo Hội).
Đức Chúa dạy:
Đến hào lục nhị, thì Đồng
nhơn vu tông. Nghĩa là hào này đồng nhơn là đại đồng với trong tông tộc,
phe phái hệ thống của mình mà thôi. Đồng nhơn như thế cũng quá hẹp chật, chưa
đúng với đại đồng, nên người hướng đạo coi hào này mà cần mở rộng phạm vi liên
kết với bạn bè ở nhiều tôn giáo, học thuyết rải rác khắp mọi nơi.
Đến hào cửu tam, thì cũng muốn đồng
với người, song đồng ấy là giành kéo về mình, làm của riêng cho mình, nên núp ở
chốn bụi gò mà rình để giựt lục nhị (hào âm).
Đến hào cửu tứ cũng vậy, song muốn
được lục nhị, phải cỡi lên cửu tam, nghĩa là trèo lên thành mà coi động tịnh.
Hai hào này ở trong quẻ Đồng Nhơn, mà đồng bằng cách giành giựt, tham lam, thì
người hướng đạo của ta không nên bắt chước.
Đến hào cửu ngũ, thì trước phải kêu
rêu than thở, sau dùng đến đại binh, mới trừ được trung gian phá hoại, mà hai
bên mới hội ngộ hợp nhau, vui cười sung sướng. Ôi! Đồng tâm mà khó như vậy,
phải dùng toàn lực đại vũ mới đi lên thành công. Điều đó, nhà đạo chắc không
làm, vì chi mạnh cho bằng đạo đức? Nên nói: “Lấy đạo đức làm nền xu hướng, lấy cảm tình làm tướng giục binh.” Song cũng nhớ rằng việc làm dầu nhỏ dầu
lớn, cũng bị điều trở ngại. Ta phải đề phòng, mà cũng phải gắng công bền chí.
Đến hào thượng cửu, thì Đồng
nhơn vu giao. Vu là đi. Giao nghĩa là giao du. Giao du ở gần nhà
mình, nước mình, thì cũng hẹp chật. Chỉ có lời Soán Từ là Đồng nhơn
vu dã, đồng nhơn mà vu dã (ra đồng trống) thiệt rộng lớn mênh mông, không
bờ bến. Đâu phải ra khỏi cửa hay ở trong tông phái mình mà thôi, còn kết thân
tình huynh đệ đại đồng khắp chỗ, đồng hoang hẻo lánh, đâu còn lựa chọn so cân.
Tại Sarajevo (thủ
đô của Bosna và Hercegovina), vào ngày Thứ Bảy 06-6-2015, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô nói: Đối thoại liên tôn giáo không thể chỉ giới hạn cho một thiểu
số, hay cho các lãnh đạo những cộng đồng tôn giáo, mà còn phải mở rộng càng
nhiều càng tốt cho tất cả mọi tín hữu, gắn kết các thành phần khác nhau của xã
hội dân sự.([2])
Đức Chúa dạy:
Vậy hôm nay ta cần đặt lại vấn đề, để
rồi ngày tới đây đặt mối tương quan, để thành một mối đồng tâm, mà chia lo việc
đạo, gánh vác việc đời, hầu đem lại một khối bình đẳng duy nhứt, không còn ranh
giới rẽ riêng.
Trước khi kết thúc
bài giảng, Đức Chúa dặn dò các môn đồ phải gắng công bền chí, kiên nhẫn tiến
lên không lùi trước mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành sứ mạng xây dựng thế
giới đại đồng cho nhân loại. Lời Chúa như sau:
Nơi đây gắng công một lần nữa để hoàn
thành sứ mạng, mặc dầu đã trải qua nhiều trở ngại, song cuối cùng cũng được kết
quả. Lòng đạo đức cứ tiến không lùi, dầu chưa làm xong, sau có người kế tiếp
như Ngu Công bạt núi,([3]) chim Tinh Vệ lấp biển.([4]) Được hay không là ở Trời,
còn bổn phận làm nên cố gắng.
Được học những lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng trong tinh thần vạn
giáo nhất lý như thế, người tín đồ Cao Đài cảm thấy sung sướng vô cùng khi được
tắm mình trong bể đại dương lớn rộng của giáo lý Tam Giáo, Tứ Giáo ([5]) và
vạn giáo. Các tôn giáo trên thế gian được ví như các dòng sông. Muôn sông rồi
cũng đổ về biển cả. Và khi đã về đến đại dương thì nước chỉ còn một vị mặn
thuần nhất, nào có còn phân biệt nước của dòng sông này hay dòng sông khác.
Các bậc Giáo Tổ các tôn giáo thuở xa xưa, ngày nay trở lại thế
gian trong Tam Kỳ Phổ Độ để dạy đạo cho nhơn sanh trong tinh thần vạn giáo nhất
lý; các Ngài nào có ngăn ngại, nào có phân biệt giáo lý của nền tôn giáo do các
Ngài sáng lập hay giáo lý các tôn giáo khác. Vậy thì tại sao chúng ta lại ngăn
ngại, lại phân biệt? Thế nên, Thiêng Liêng dạy người môn đệ Cao Đài một tinh
thần phá chấp tuyệt đối: Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài,([6]) và
kêu gọi mọi người hãy: Ngước mắt nhìn lên bầu
trời to rộng,([7]) vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng
khắp bốn phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, làm theo lòng
trời đất.([8])
Nếu tất cả tín hữu các tôn
giáo đều làm được như vậy, cũng như thực hiện được hai chữ “đồng tâm” mà Đức Chúa đã giảng giải
qua quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhơn trong Kinh Dịch, thì chắc chắn rằng thế gian này sẽ
không còn những cảnh thù hận rẽ chia, chiến tranh tang tóc, loạn ly đau khổ
cùng cực như hiện nay.
*
Đức Chúa dạy (Gioan 20:29): Phúc cho ai không thấy mà tin. Thật vậy,
quả là hạnh phúc cho tất cả những ai tin rằng Đức Giêsu Kitô đã trở lại trong
thời đại chúng ta, dù mắt phàm chúng ta không nhìn thấy hình hài của Chúa bằng
xương bằng thịt.
Tuy nhiên, suy cho cùng, trong suốt hơn hai
ngàn năm nay, Đức Chúa chưa hề rời khỏi thế gian hay từ bỏ chúng ta. Ngài vẫn
luôn hiện hữu và ngự trị trong tâm lành của tất cả những ai biết hướng về Chúa
và Ngài vẫn luôn soi dẫn, đồng hành, tiếp sức cho chúng ta trên từng bước đường
phụng sự, yêu thương anh em mình theo lời Đức Chúa dạy.
Xưa kia, sau buổi Tiệc Ly, Đức Chúa dạy (Gioan 13:34): Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Vậy, ngày hôm nay và mãi
mãi về sau, bất kỳ ai trong chúng ta có được lòng yêu thương chân thật, thì
chắc chắn là đang có Chúa ngự ở trong người ấy và người ấy cũng đang ở trong
Chúa. Đó cũng là một cách rất cụ thể để chúng ta đón Chúa trở lại với chúng ta.
Xin
nguyện cầu Đức Giêsu Kitô ban ơn soi dẫn cho toàn cả nhân loại trên thế gian để
mọi người cùng đồng tâm yêu thương nhau hầu xây dựng bình an trên cõi thế.
DIỆU NGUYÊN
([2]) Interreligious dialogue cannot be limited
merely to the few, to leaders of religious communities, but must also extend as
far as possible to all believers, engaging the different sectors of civil
society. (Huệ Khải, “Đối Thoại Liên
Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Của Một Tín Hữu Cao Đài”, in trong tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 09 [147], Hà
Nội, 2015, tr. 15, 29.)
([3]) Theo
Cổ Học Tinh Hoa, quyển Nhì, của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tĩnh Trai Trần
Lê Nhân, truyện 126 kể:
Ngu
Công là ông lão tuổi chín mươi, nhà ở chân núi Thái Hàng và Vương Ốc phía nam
Châu Ký. Ngu Công thấy núi gây chướng ngại cho mọi người trong việc đi lại nên
quyết định huy động cả dòng họ phá núi mở đường. Cả nhà ông hợp sức với nhau kẻ
đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang đất đá đổ ra biển Đông hết
ngày này sang tháng khác.
Có
ông Lão tên Trí Tẩu thấy vậy cười Ngu Công và can: “Sao khờ dại vậy! Mình thì
tuổi tác, núi thì cao lớn, phá thế nào nổi!”
Ngu
Công thở dài nói: “Bền lòng thì việc gì cũng phải được. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu
ta. Hết đời cháu ta đã có chắt ta. Con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì
bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi.”
Trí Tẩu nghe nói, nín lặng, không trả lời. Sau này vùng nam Châu Ký không có núi non chướng ngại,
đi lại thuận tiện là nhờ có Ngu Công.
Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)