Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

5/ HIỂU ĐẠO MẦU MỚI THOÁT KIẾP TRẦN DƯƠNG / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Hiểu đạo mầu mới thoát kiếp trần dương
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, khi giáng đàn dạy đạo, các Đấng thiêng liêng vẫn hay nhắc các tích xưa để làm gương răn dè các môn đệ. Chẳng hạn, dạy về mấu chốt của đường tu giải thoát, hai vị Tiền Khai Đại Đạo Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt có lần nhắc chuyện Lương Võ Đế như sau:
Lương Võ Đế đem vàng ròng bạc vạn,
Cất bảy mươi hai cảnh chùa
cho danh rạng tứ phương,
Có phải chăng mua chuộc lối thiên đường,
Hay nghiệp quả còn vấn vương,
Đài Thành cam ngạ tử? ([1])
Ôi, vật chất khó lưu tình quỷ sứ!
Oai hùng không đương cự nổi vô thường,
Chỉ có hiểu đạo mầu mới thoát kiếp trần dương,
Chỉ có biết nhân nghĩa
mới an khương bình thế cuộc.([2])
Theo sử Trung Quốc, Lương Võ Đế tên thật là Tiêu Diễn (464-549), làm thứ sử Ung Châu dưới triều Tề, trấn thủ thành Tương Dương. Vua nhà Tề là Bảo Quyên ăn chơi vô độ, bỏ bê triều chánh, ngược đãi đại thần. Tiêu Diễn vốn là tôn thất nhà Tề, hợp binh với em của vua Tề là Bảo Dung, dấy lên ở Giang Lăng, chống lại Bảo Quyên. Bảo Dung tự lập làm vua, hiệu là Hòa Đế. Sau Tiêu Diễn đánh lấy Quách Thành, phá Tầm Dương, vây Kiến Nghiệp, Hòa Đế bị giết. Tiêu Diễn vào kinh đô, buộc vua Tề (Bảo Quyên) nhường ngôi. Tiêu Diễn làm vua, đổi tên nước là Lương, xưng Lương Võ Đế (năm 502).



Lương Võ Đế tài kiêm văn võ, làm cho nước Lương một thời hùng mạnh. Rất sùng đạo Phật, vua quy y năm 517, ba lần bỏ ngai vàng vào chùa tu. Năm 538, nhân sứ thần đưa xá lợi Phật về Trung Quốc, Lương Võ Đế cho lập chùa thờ, bố thí cho dân chúng và ân xá tội nhân.
Nhà vua lấy công quỹ (quốc khố) cho cất chùa khắp trong nước (tương truyền được bảy mươi hai ngôi), ủng hộ tam bảo, được các phật tử tôn xưng là Phật Tâm Thiên Tử.
Trước kia, tôn thất nhà Tề bị Lương Võ Đế giết hại, phải sang nước Ngụy cầu cứu. Hai nước Lương và Ngụy đánh nhau, tướng của Ngụy là Hầu Cảnh qua hàng Lương Võ Đế, được phong Hà Nam Vương. Về sau Hầu Cảnh thấy Lương Võ Đế mải mê theo đạo Phật, bỏ bê triều chánh, thế lực suy yếu, nên cất binh làm phản, chiếm Kiến Nghiệp, Đài Thành, vây Lương Võ Đế trong cung, tuyệt hết lương thực, Lương Võ Đế phải chết đói (năm 549).
Chuyện Lương Võ Đế và cái chết thảm thương của ông như kể trên có thể khiến nhiều người thắc mắc. Vua mộ đạo tu hành, xây cất bảy mươi hai ngôi chùa, lẽ ra được hưởng nhiều phước báo, cớ sao cuối đời phải chịu nạn chết đói (ngạ tử)?
Lời dạy của nhị vị Tiền Khai Đại Đạo cho thấy Lương Võ Đế dùng “vàng ròng bạc vạn” của chúng dân (lấy công quỹ) để xây chùa “cho danh rạng tứ phương”, do đó không hề tạo được một công đức nào, bởi lẽ công quả chỉ có giá trị đích thực và tạo được âm chất khi nào công quả được làm với tinh thần vô công, vô kỷ, vô cầu, vô danh.
Luật nhân quả trả vay vay trả không hề tư vị một ai. Lúc soán ngôi vua Tề, Lương Võ Đế đã gây nhiều nghiệp sát, nên cuối đời phải đền nghiệp sát bằng nạn “ngạ tử”. Điều này đã được Đức Quan Thế Âm dạy trong một lần giáng cơ tại Huờn Cung Đàn ngày 15-7 Đinh Mùi (20-8-1967):
Chư đẳng chúng sanh cần ý niệm: Sống trên cõi đời vật chất (...) kiếp con người có hạn (...) cần tu tạo đức để tránh những điều lầm xưa còn ghi lại. Vậy Bần Nữ nhắc, dầu cho bực đế vương như Lương Võ Đế hồi xưa tạo thất thập nhị thiền môn ([3]) nhưng tâm tà vô định thì lấy đâu mà bảo tồn linh tánh đó. Chư chúng sanh còn thấy tích.
. . . Nay nhắc lại trong kỳ tiền giáo,
Kìa Lương Đế khai tạo thiền môn,
Thất nhị (72) cảnh để bảo tồn,
Truyền chư tăng chúng triêu hôn ([4]) sám kỳ.
Điều oan nghiệt vay thì phải trả,
Hễ sát sanh mạng quả đền bù,
Đài Thành ngạ tử còn lưu,
Thân hồn phải chịu hận cừu rửa tan.
Cơn biến nạn thở than tế độ,
Lời van cầu Phật Tổ cứu nguy,
Căn thần đã mãn hồi quy,
Lấy công đền tội vậy thì hướng sanh.
Theo lời Đức Quan Âm dạy trên đây, sau khi Lương Võ Đế đền xong nghiệp quả, nhờ luôn hướng về Phật pháp, thành khẩn van cầu Phật Tổ cứu nguy nên cuối cùng chơn linh nhà vua cũng được siêu thoát.
Trong thánh giáo dẫn trên, để khuyến nhủ các môn đồ phải luôn ghi nhớ luật nhân quả báo ứng, Đức Quan Âm còn nhắc đến tích Hoàng Hậu Hy Thị (vợ Lương Võ Đế) như sau:
Còn Hy Thị trước manh ác dạ,
Hại chúng tăng để thỏa lòng phàm,
Tội tình Hy Thị vương mang,
Hóa thân động vật để làm báo tin.
Vì oan nghiệt tội tình vay trả,
Luật luân hồi nhơn quả trả xong,
Hóa thân khúc thiện ([5]) lập công,
Đêm khuya đánh tiếng đạo đồng công phu.
Vì chúng tăng đường tu còn thiếu,
Lúc đêm khuya báo hiệu trỗi lên,
Cất tiếng khẽ khắt trước đền,
Đánh tan giấc điệp trỗi rền công phu.
Vì tiểu tăng trí ngu, quá bực,
Đang yên giấc đánh thức, giận mà,
Đành lòng chặt đứt đoạn ra,
Làm cho khúc thiện thân đà biến thân.
Mối oan nghiệt nơi trần cấu tạo,
Hồn linh về Bồng Đảo hội chầu,
Lương Đế mộ đạo Phật thâu,
Thương thay Hy Thị nguyện cầu độ linh.
Để ăn năn nghe kinh sám hối,               
Rỗi linh hồn cho tội tiêu tan.
Lòng thành luyện đạo hưởng an,
Tiêu trừ nghiệp chướng tiếp ban ân lành.
Vợ Lương Võ Ðế là Hoàng Hậu Hy Thị. Tuy được sủng ái nhưng bà luôn đố kỵ, ganh ghét cung phi, độc ác với mọi người. Thấy vua sùng đạo Phật và kỉnh trọng chư tăng, bà thêm căm ghét các sư, hủy báng tam bảo.
Tương truyền một hôm Lương Võ Đế thỉnh Hòa Thượng Chí Công và năm trăm nhà sư vào cung để cúng dường. Hoàng Hậu Hy Thị sai người giết chó, lấy thịt làm nhân bánh bao dâng cho sư. Sau khi chư tăng thọ trai xong và trở về chùa, Hy Thị tấu trình: “Xưa nay bệ hạ tin các hòa thượng đã tu chứng nên cung kính cúng dường. Vừa rồi nhân bánh bao làm bằng thịt chó mà họ không biết, đã ăn hết. Vậy đâu phải đã chứng đạo!”
Lương Võ Đế nghe xong nổi giận, bèn lên ngựa kéo quân đến chùa để chém chư tăng. Vừa đến cổng tam quan đã thấy Hòa Thượng Chí Công đứng chờ bên gốc bồ đề, vua hỏi: Hòa Thượng ra đây làm gì?”
Hòa Thượng đáp: Ra đợi bệ hạ chém đầu, nếu không máu đổ trong chùa làm ô uế cửa Phật.”
Kinh ngạc, Lương Võ Đế hỏi: “Có tài tiên tri như vậy mà sao trưa nay Hòa Thượng và chư tăng không biết nhân bánh bao làm bằng thịt chó?”
Hòa Thượng đáp: “Đêm qua trong lúc thiền định, bần tăng đã biết âm mưu của Hoàng Hậu nên kịp sai chúng tăng làm bánh bao chay giấu trong tay áo tràng bên phải. Khi thọ trai thì lấy ra ăn. Còn bánh bao nhân mặn của Hoàng Hậu cúng dường thì giấu trong tay áo bên trái rồi đem về chùa chôn.”
Hòa Thượng đưa vua ra chỗ chôn bánh. Cho đào lên thì quả như lời kể. Vua hối hận, tạ lỗi rồi hồi cung. Từ ấy, vua càng thêm kỉnh trọng Hòa Thượng Chí Công, khiến cho Hoàng Hậu Hy Thị càng thêm căm giận. Lòng sân hận nung nấu mãi khiến bà sinh bệnh, lìa trần.
Theo lời Đức Quan Âm dạy trên đây, vì Hoàng Hậu Hy Thị sanh ác tâm ám hại chư tăng nên phải luân hồi làm con dế (khúc thiện), ngày ngày lập công chuộc tội bằng cách gáy lên lúc nửa đêm để đánh thức tăng chúng trong chùa dậy công phu. Chẳng may, một hôm có tiểu tăng mê ngủ mà bị đánh thức nên nổi giận chặt đôi thân dế. May thay, bấy giờ Lương Võ Đế đã được Phật Tổ cứu vớt, động lòng cảm thương mà nguyện cầu cho Hy Thị được cứu rỗi.([6])
Cả hai câu chuyện về Hoàng Hậu Hy Thị, một do Đức Quan Âm dạy trong Tam Kỳ Phổ Độ và một do nhân gian truyền khẩu, tuy hơi khác nhau nhưng chung quy đều cho thấy rõ luật nhân quả báo ứng xưa nay không hề sai chạy.
Sau khi nhắc tích Lương Võ Đế, nhị vị Tiền Khai Đại Đạo Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt tiếp tục để lời khuyến nhủ hàng môn đệ Cao Đài:
Đường tăm tối muốn đi nhờ ánh đuốc,
Cơn bão bùng chớ vượt biển cậy thuyền con,
Dẫu có tài toan lấp biển dời non,
Không đạo đức khó thoát vòng nhân quả.
Hỡi ai đó chớ vay nhiều rồi phải trả,
Trả rồi vay, vay trả mãi luân hồi,
Có chi bằng thức tỉnh học Đạo Trời,
Cho thân thoát khổ, cho đời thoát tai.([7])
Người môn đệ Cao Đài ngày nay quả là diễm phúc khi được tắm mình trong dòng giáo lý thanh lương của các Đấng thiêng liêng để rồi cũng chính dòng nước thanh lương ấy sẽ đưa tất cả những ai biết tự mình lên thuyền đạo ngược dòng trở về nguyên bổn.
DIỆU NGUYÊN



([1]) Ngạ : Rất đói. Ngạ tử : Chết đói. Cam: Cam chịu, cam đành. Đài Thành cam ngạ tử: Đành chịu chết đói ở Đài Thành.
([2]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).
([3]) Thất thập nhị thiền môn: Bảy mươi hai ngôi chùa.
([4]) Triêu hôn : Sớm tối.
(5) Khúc thiện : Con dế.
([6]) Tích Hy Thị lưu truyền trong dân gian có hơi khác:
Lương Võ Đế sau khi biết rõ Hòa Thượng Chí Công là bậc chơn tu lại càng yêu mến kính trọng hơn nữa. Hoàng Hậu Hy Thị vì thế càng thêm tức giận, sai thuộc hạ đến chùa đem kinh sách ra đốt hết.
Sau, bà bệnh nặng rồi từ trần, đầu thai làm mãng xà. Một hôm, Võ Đế nằm mộng thấy bà tâu rằng: “Khi thiếp còn sống ăn ở bất nhân, tổn vật hại người, làm điều ác độc. Vì cớ ấy nên nay phải làm mãng xà, thân dài, vóc lớn, bò lết không nổi, đói không có chi ăn, khát chẳng có chi uống, cực khổ trăm bề, lại thêm trong chân vảy có độc trùng đeo bám cắn rứt da thịt, đau thắt ruột gan! Xin bệ hạ nghĩ tình xưa nghĩa cũ mà từ bi thỉnh thầy làm chay siêu độ cho thiếp, may nhờ Phật pháp hộ trì, thoát ra khỏi vòng ác báo, thì thiếp cảm ơn đời đời.”
Sáng ra, Lương Võ Ðế truyền lệnh rước các tăng vào triều, hỏi: “Ai có phép chi cứu giải Hoàng Hậu chăng?”
Hòa Thượng Chí Công tâu: “Tội của Hoàng Hậu rất nặng, xin bệ hạ hãy lập đàn tràng sám hối mới cứu được.”
Võ Ðế bằng lòng, cầu Hòa Thượng Chí Công soạn ra mười quyển sám hối văn (tức là bộ Lương Hoàng Sám), rồi lập đàn làm chay ba tháng trong cung, cầu siêu cho Hoàng Hậu.
Một hôm, trai đàn gần mãn, có mùi hương nồng nàn bay khắp trong cung. Lương Võ Ðế ngước mắt nhìn lên, thấy một tiên nữ đứng giữa hư không chắp tay tâu rằng: “Thiếp nhờ công đức của chư tăng và bệ hạ cầu sám hối đã thoát kiếp mãng xà sanh về cõi trời Ðao Lợi.”
Võ Ðế vui mừng khôn xiết, bèn mời Hòa Thượng Chí Công đến hỏi: “Hoàng Hậu do nhân duyên nào mà bình sinh thù ghét chư tăng như vậy?”
Hòa Thượng tâu: “Thuở xưa, trong một ngôi chùa trên núi, có con dế thường ở dưới chân cái đôn để nước. Con dế ở chùa lâu ngày dường như có tánh linh, mỗi buổi sáng sớm đều gáy lên inh ỏi để đánh thức tăng chúng dậy công phu. Vị trụ trì mỗi khi tới đó lấy nước đều chú nguyện cho con dế mau siêu thoát mà sanh về cõi người. Nhưng vị giám tự ghét con dế sáng nào cũng gáy vang rân chẳng cho ông ngủ. Một hôm, trụ trì đi vắng, khi bị đánh thức lúc đang ngon giấc, giám tự bực tức ra bắt con dế, cắt ngang bụng làm hai, rồi bỏ lại dưới chân đôn. Khi trụ trì về, không nghe tiếng dế gáy, kiếm dưới chân đôn thì thấy xác. Trụ trì chú nguyện cho nó, lấy một rẻo vải đỏ cột nối hai mảnh xác dế, rồi đem chôn. Con dế ấy kiếp này là Hoàng Hậu, còn giám tự là bần tăng. Oan gia gặp nhau, nếu kiếp này bần tăng tu hành chểnh mảng ắt không thoát khỏi tay Hoàng Hậu!”
Võ Ðế gật gù: “Hèn gì Hoàng Hậu thường buộc dải lụa đỏ ngang lưng không rời, chả biết duyên cớ vì sao. Đêm nọ, Hoàng Hậu ngủ mê, Trẫm lén tháo dải lụa ra, thì Hoàng Hậu than rằng đau lưng, buộc trở lại thì không đau nữa. Nay Hòa thượng bày tỏ như vậy, mới thấy rõ Phật nói nhân quả thiệt là không sai.”
([7]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)