Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

6/ NHIỆM MẦU TRUNG DU HÀNH ĐẠO / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Nhiệm mầu Trung du hành đạo
Tiền bối Thiện Bảo (thế danh Ngô Chí Bình, 1906-1987, quả vị Bảo Tịnh Chơn Thánh) là vị Tổng Lý Minh Đạo kế nhiệm tiền bối Huệ Lương (thế danh Trần Văn Quế, 1902-1980, quả vị Quảng Đức Chơn Tiên), lãnh đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Bạn đời của Ngô tiền bối là đạo tỷ Ngọc Kiều (thế danh Lê Thanh Kiều, 1922-1987, quả vị Hồng Quang Thánh Nương), làm Chủ Tịch Nữ Chung Hòa Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.
Sinh thời hai tiền bối Thiện Bảo và Ngọc Kiều cùng các đồng đạo trong Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý tuân hành thánh lịnh đi hành đạo miền Trung. Chuyến đi ấy có nhiều mầu nhiệm, được tiền bối Thiện Bảo kể lại tỉ mỉ trong một hồi ký viết xong ngày 28-5 Giáp Thìn (07-7-1964). Sau đây là lời tường thuật của tiền bối Thiện Bảo trích trong hồi ký ấy.


*
Vào lúc 12 giờ kém 15 trưa ngày 27-5 Giáp Thìn (06-7-1964), tại tư gia, tôi vừa mặc áo trắng để đốt nhang thời Ngọ, bỗng có một người mặc âu phục, hình như một công chức hay thương gia, từ ngoài bước vào, tay cầm bao thơ trắng không niêm, trao cho tôi và nói: “Ông Bạch Pháp nhờ chuyển đến đạo huynh Huỳnh Chơn, vì ông không biết địa chỉ.”
Tưởng là thơ riêng, tôi nhận và hứa để rồi sẽ đưa đến. Người kia nói tiếp: “Trong thơ ấy như có đàn cơ thì phải.”
Nghe hai tiếng đàn cơ, ý tôi vội nghĩ chắc có lịnh chi đây, nên để thơ lên Thiên Bàn, đi lấy nhang đốt, thì người ấy xin kiếu ra về.
Đốt nhang xong, lấy thơ ra xem mặc dù biết rằng xem thơ người khác là vô lễ, nhưng nghĩ vì thơ không niêm, vả lại đàn cơ đối với chúng tôi (trong bộ phận Hiệp Thiên Đài) cũng nên cần biết. Nhờ vậy mới rõ là thánh lịnh tại Nguyệt Ẩn Đàn (Tây Ninh), Tý thời ngày 25-5 do Đức Thái Thượng Lão Quân giáng dạy bộ phận Hiệp Thiên Đài Phổ Thông Giáo Lý lập đàn Tuất thời ngày 27-5 tại Thiên Lý Đàn.
Nhìn lên tấm lịch trên vách thấy số 27. Tôi vội vã thay đồ ra đi.
Vừa bước vào nhà thấy đạo trưởng Huỳnh Chơn đương mặc áo dài đen, nhang đèn trên Thiên Bàn sáng rỡ. Ấy là nhằm bữa kỵ cơm trong gia đình. Tôi trao thơ và nói: “Đây là thánh lịnh.”
Ông liền để trên Thiên Bàn, làm lễ rồi xem kỹ lưỡng. Ông đồng ý, nhưng nói: “Quá gấp rút sợ e đi mời không kịp.”
Tôi hứa sẽ lo xong mọi việc và về đến nhà hồi 1 giờ 20.
Đến Tuất thời, đàn cơ thiết lập. Đức Đông Phương Lão Tổ giáng dạy bộ phận Hiệp Thiên Đài và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý sáng ngày phải lên đường dự lễ kỷ niệm tại Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo, Đà Nẵng). Thánh lịnh: “Thượng lộ đăng trình sang tảo nhựt.”



Thành phần phái đoàn gồm: Huỳnh Chơn (Tạ Đăng Khoa), Địa Châu (Nguyễn Văn Trương), Thiện Bảo, Nguyễn Văn Các, Huệ Chơn, Ngọc Kiều, đồng tử Hoàng Mai. Ngoài ra thêm Thanh Liên (Trần Thị Mỹ, 1920-2010) và Diệu Thành.
Mãn đàn, sắp đặt xong, sáng ra phái đoàn đi đường bộ, mua vé xe chạy suốt và lên xe Hiệp Thành hồi 10 giờ 40. Riêng đạo trưởng Huỳnh Chơn, vì lý do sức khỏe, phải đi đường hàng không nên còn nán lại hôm sau.
Khi đến rừng lá hồi 13 giờ 10, xe bị bể vỏ trái phía sau ngay chỗ ông Các ngồi nên phải ngừng 20 phút. Ra đến Phan Thiết đúng 15 giờ 15, gặp anh đại diện của hãng xe này cho biết vì xe đến trễ nên hết chuyến sang, hành khách phải ở lại nơi đây, đến sáng mai sẽ tiếp tục hành trình.
Phái đoàn không chấp thuận, nài anh phải làm thế nào đưa cho tới Nha Trang nội đêm ấy, đặng sáng đi tiếp mới kịp.
Sau một hồi bàn bạc, người đại diện ấy phải đưa phái đoàn sang tìm xe ở bến khác. May thay, gặp được một xe trống từ Nha Trang mới về tới.
Ngoài tiền sang xe, chủ xe còn đòi thêm một ngàn đồng cho đủ chuyến. Trả giá qua lại, chủ xe chịu giảm bớt, đòi bảy trăm năm chục đồng. Riêng phái đoàn chịu năm trăm đồng, phần còn lại các hành khách góp chung đủ số…
Tiền bạc vừa xong, lại bàn qua việc đi đường. Bởi lịnh giới nghiêm, họ không bảo đảm, sợ e phải nằm đường tại Ba Ngòi. Phái đoàn cương quyết theo thánh lịnh: “Vững đức tin mà thẳng bước”, nên bảo xe cứ đưa đi, nếu dọc đường có chi trở ngại chúng tôi chịu lãnh.
Xe chạy hồi 16 giờ 10, đến Ba Ngòi lúc 18 giờ 30. Đáng lẽ đến đây không còn đi nữa, vì an ninh đóng cổng. Nhưng khi xe vừa đến, như thường lệ, lơ [phụ xe] đem giấy vào trình nơi phòng kiểm soát, thì lính canh cho hay: “Hôm nay mới vừa được lịnh cho đi đêm thong thả.”
Nghe lơ nói, anh tài xế ngạc nhiên cãi lại, vì anh mới từ ngoài này chạy vào đây sao không hay biết. Nhưng anh lính gác vẫy tay bảo cứ đi.
Xe chạy trên đường tối vắng tanh, qua những trạm canh, không ai đón hỏi. Thánh lịnh: “Nguyên nhân bao quản bước ngày đêm…”
Đến Nha Trang hồi 8 giờ 20, đi ngay lại nhà xe đổi vé. Nơi đây vừa bán hết vé, nhưng ông chủ sẵn lòng đổi cho tám chỗ của hành khách đã mua đi Quảng Ngãi.
Trong lúc chờ đợi, anh xích lô chở đạo huynh Thiện Bảo và ông đốc Các đi tìm người bạn.
Xe chạy một vòng chợ độ vài trăm thước, không gặp nhà nên trở lại. Có lẽ vì thấy dân Sài Gòn mới đến nên anh xích lô đòi giá cao là tám chục đồng.
Thấy giá đắt gấp mười lần hơn giá ở tại Sài Gòn, Thiện Bảo định trả cho anh mười đồng, anh không chịu. Mười lăm đồng, anh cũng không chịu. Đến hai chục đồng anh cũng không nhận, còn ra bộ khiếm nhã.
Vẫn còn tánh nóng, Thiện Bảo nổi sân, định cởi áo couvert ra cho anh một bài học nhưng may có người can và bà Ngọc Kiều ra tiền trả đủ số cho êm việc này.
Tưởng là việc ngoài đường, nhưng về sau, khi kiểm thảo chuyến đi, Đức Linh Quang Phước Thần có kể rõ chuyện này.
5 giờ 30 sáng 29 âm lịch (08-7-1964), xe khởi hành, chạy ra tới Quảng Ngãi đúng 14 giờ 30. Theo lời anh tài xế, đáng lẽ chuyến xe này phải nằm tại đây tới sáng hôm sau mới chạy tiếp, nhưng nhơn dịp hôm ấy anh về thăm gia đình tại Đà Nẵng nên xe mới tiếp chạy suốt đến nơi. Đúng với thánh lịnh: “Vượt qua lối khó sang đường dễ”. Nhờ vậy mà phái đoàn được tới sớm lúc 5 giờ 15, trước ngày chánh lễ.
Đi tìm nơi nghỉ, đáng lẽ phải ở tại nhà O.K. là nơi đã chọn, nhưng khi ngồi trên xe, anh xích lô mách: “Gần Đền Thánh có nhà nghỉ Thống Nhứt cũng trên đại lộ ấy, sạch sẽ, ở rất tiện.”
Chúng tôi nhờ anh đưa lại xem, thì chỉ còn ba phòng liên tiếp, của người đã đặt mà không lấy. Phái đoàn xin mướn hai phòng không đặng nên phải chia nhau vào ở.
Đạo trưởng Địa Châu chọn nhằm gian phòng phía trước, đứng trong nhìn ra cửa sổ, thì ngay cửa tam quan của đoàn hướng đạo khai ra để trần thiết cuộc lễ, và cùng lối vào chùa một hướng. Suy ra rất đúng với lời dạy trong thánh lịnh: “Đến tiền môn hãy mặc đạo phục.” Ấy là Ơn Trên dạy phái đoàn phải ở nơi đây cho tiện bề giao tiếp, chớ không phải đem đạo phục đứng trước tiền môn mà mặc.
Nghe tin phái đoàn đến, Ban Tổ Chức cho người ra rước vào Đền Thánh. Chúng tôi y phục chỉnh tề, cho bưng lễ vật và theo vào Đền. Chuông trống vang lên để tiếp thánh lịnh và tuyên đọc trước đoàn hướng đạo các nơi quy tụ tại sân Đền Thánh.



Sáng hôm sau, 7 giờ, phái đoàn vào chùa dự cuộc tiếp tân y theo thánh lịnh: “Phải tình nguyện xung vào Ban Tiếp Tân, hòa mình cùng Ban Tổ Chức.”
Đạo huynh Nguyễn Văn Các xung phong làm phận sự như việc của nhà mình, chẳng từ một chỗ nhỏ nhen dơ bẩn. Đến khi mãn cuộc, Ban Tổ Chức mới hay, rất ngạc nhiên, nên không hết lời ca ngợi.
Hai vị trưởng phái đoàn của Hiệp Thiên Đài và Phổ Thông Giáo Lý cũng tự ý cùng chúng tôi gia nhập trong Ban Tổ Chức để tiếp quan khách, hành lễ và dự tiệc trà.
19 giờ, sau khi dùng bữa cơm thân mật, vài câu chuyện hàn huyên, phái đoàn được về nghỉ để chờ đến giờ dự lập đàn cơ.
Tý thời, đàn cơ thiết lập, do đồng tử Thiện Tài đã được chuyển tâm từ Nam ra đây trước một ngày. Pháp đàn và độc giả của Hội Thánh.
Đến 4 giờ khuya, lịnh dạy xả đàn, rồi tái lập: Hoàng Mai thủ cơ, Huỳnh Chơn pháp đàn, Huệ Chơn độc giả. Đúng theo lịnh dạy: “Hành trình Trung Việt tiếp Thiên thơ.”
Đại ý thánh giáo: khen Ban Tổ Chức cuộc lễ, dạy việc hành đạo, sắc phong Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý và kết thúc là định ngày về cho phái đoàn vào mùng 3 mới khởi hành.
Thành ra phải lưu lại một ngày mùng 2 tháng 6. Nhàn rỗi nên cả phái đoàn đồng rủ nhau đến Ngũ Hành Sơn để xem chùa Non Nước, viếng Huyền Linh Động.
18 giờ, phái đoàn vào Đền Thánh hành lễ Đức Chí Tôn và từ giã chư chức sắc Thiên phong, thì được quý vị đón tiếp, dành cho một bữa ăn đặc biệt và tiễn đưa rất hậu tình. Vậy mới rõ câu thánh lịnh: “Cả hai phương diện tình và đạo.”
5 giờ sáng mồng 3 âm lịch (11-7-1964), xe đến rước lên đường. Tới Gò Dúi hồi 1 giờ 30, gặp năm cây cầu bị đốt đêm mùng 1 âm lịch (09-7-1964), ván mới lót xong, vừa cho đoàn xe ứ đọng mấy ngày chạy qua. Chúng tôi sực nhớ lại đàn cơ tại Thiên Lý Đàn đêm 27-5 âm lịch có câu thi nói: Khi dễ thì công gặp hỏa kỳ.” Chữ công đây là phá và dùng tiếng trùng âm (giọng miền Nam) với chữ quảhỏa. Rút một tiếng đệm trong hai chữ cầu kỳ ra mà kết lại với hai chữ hỏa công là: đốt phá cầu.
Còn đàn tại Trung Hưng dạy phải ở trễ lại một ngày do câu “Sơ tam nhựt lên đường hồi cố” là để tránh sự việc ấy xảy ra và hơn nữa, trong buổi lễ có vị sĩ quan hứa với đạo trưởng Địa Châu sẽ dành cho phái đoàn tám chỗ trên phi cơ, nhưng Ơn Trên cũng có dặn:
Khứ hồi như nhứt dời chân,
Đừng cao vọng lắm gặp phần gian nan.
Qua khỏi cầu Cháy, tới ngã ba Triều Sơn hồi 14 giờ 15, xe từ đồng trống mới chạy vào chòm vườn, kế bên lề có đám người đương đốn ngọn một cây gòn. Xe trờ tới thì ngọn cây vừa đứt, thân cây nặng rớt nằm dưới lộ, còn chòm lá thì đập trên mui xe… không có chi đáng kể.
Đạo trưởng Địa Châu rất hài lòng, thốt ra cho biết: Đây là linh ứng theo tâm của ông, vì thấy tài xế chạy tốc độ quá mau, sợ nguy hiểm lúc qua đèo, nên ông xin chư Thiên làm sao cho nó giảm lại.
Về đến Phan Rang lúc 18 giờ 30, xe phải nghỉ đêm. Đến 5 giờ 30 sáng hôm sau khởi hành, về tới bến Sài Gòn hồi 10 giờ 45. Ơn Trên dạy “Khứ hồi như nhứt dời chơn” có nghĩa là đi sao về vậy. Lúc đi cùng lúc về không có chi trở ngại, lại thấy được nhiều điều huyền diệu, đúng với câu: “Thượng trình sẽ thấy đặng huyền vi” và câu: “Chư Thần ủng hộ đặng thành công”.
Sài Gòn, ngày 08-6 Giáp Thìn (16-7-1964)
THIỆN BẢO
*
Trong phần tường thuật trên đây, thỉnh thoảng tiền bối Thiện Bảo có trích dẫn một, hai câu trong thánh lịnh để minh chứng sự mầu nhiệm. Kết thúc hồi ký, tiền bối còn cẩn thận ghi rõ: “Xin xem đàn kiểm thảo Tuất thời, mùng 8 tháng 6 Giáp Thìn, 16-7-1964”. Nhờ bản thánh giáo kèm theo đó, phối hợp với phần tường thuật chi tiết của tiền bối, ngày nay chúng ta có thể lãnh hội được trọn vẹn những trải nghiệm mầu nhiệm của lớp tiền bối Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.
Sau đây là nguyên bản thánh giáo ấy.


Thiên Lý Đàn, giờ Tuất ngày 08-6 Giáp Thìn (16-7-1964)
Đàn bất thường để Thiêng Liêng kiểm thảo chuyến đi hành đạo tại Trung Hưng Bửu Tòa, Trung Việt.
THI
THÁI BẠCH GIÁO TÔNG giáng điểm công,
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN rưới ân hồng,
Phái đoàn lãnh lịnh đi hành đạo,
Viên mãn khứ hồi phận sự xong.
LƯỠNG TƯƠNG BẦN ĐẠO
Chào mừng chư hiền Thiên mạng. Lưỡng Tương Bần Đạo chủ tọa buổi kiểm thảo hôm nay để chư Thần tường trình chi tiết. Lưỡng Tương Bần Đạo thượng chứng lễ. Vậy chư hiền Thiên mạng thành tâm tiếp điển. Thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
SƠN thượng lần theo cảnh núi non,
THẦN Tiên phò hộ kẻ tâm tròn,
BÌNH tâm thấy được huyền linh ứng,
THUẬN thảo đệ huynh công quả bòn.
Bản Thần chào mừng chư Thiên ân, phận sự Bản Thần đã hoàn tất, xin khiếm lễ vội vã nhập đàn. Vậy chư Thiên ân tịnh tâm tiếp điển. Bản Thần xin thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
SƠN cao lần bước hộ nguyên nhân,
THẦN thánh không xa cũng chẳng gần,
KHÁNH tiết Trung Hưng Thần đã dự,
HÒA tình thượng hạ thọ Thiên ân.
Bản Thần đã xong nhiệm vụ, lai đàn chào mừng Thiên ân. Vui lòng tiếp điển. Bản Thần xin thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
SƠN trung phò trợ phái đoàn qua,
THẦN Thánh hộ trì hữu phúc đa,
TUY chẳng lễ nghi đem phúng hiến,
HÒA tình huynh đệ đức cao xa.
Bản Thần mạn phép thỏ thẻ vài câu chào chư Thiên ân. Bình tâm tiếp điển. Bản Thần xin thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
LINH ứng nhờ tâm quyết phụng hành,
QUANG minh thượng lộ bước đàng quanh,
PHƯỚC cao đức cả hành Thiên lịnh,
THẦN Thánh hộ trì vạn sự thành.
Địa hữu sứ mạng lai đàn kiểm điểm quả công. Chào mừng chư Thiên mạng, chư phận sự.
Khi nãy Đức Giáo Tông quên dặn chư Thiên mạng lúc tiếp điển các vị Sơn Thần thì miễn lễ bái, vì tuy là Sơn Thần, nhưng nguyên căn các vị ấy kém Thiên mạng rất xa.
Địa mời chư Thiên mạng đàn trung an tọa. Địa mời luôn cả Pháp Đàn.
THI
Dặm trường Địa đã phận hành xong,
Hồi khứ đất bằng cũng gắng công,
Có lúc đằng vân ôi mỏi cánh,
Quyết sao hộ độ được tương đồng.


BÀI
Nhiệm kỳ Địa đã hành xong,
Phụng thừa lịnh Đức Giáo Tông lâm đàn.
Phúc trình công quả hành tàng,
Trên đường Trung Việt minh quang tường trình.
Trước khi kiểm thảo đệ huynh,
Địa xin kiểm thảo lại mình ra sao.
Từ khi được lịnh Trên trao,
Rằng rạng tảo nhựt mau mau lên đường.
Bận lo xếp áo vào rương,
Phần lo lộ phí lên đường hơi lâu.
Phần lo chạy trước chạy sau,
Lỡ đi mây gió,([1]) lỡ vào xe hơi.
Cho nên trễ nải một thời,
Khởi hành vào đúng lúc mười giờ hơn.([2])
Phần thì bụng đói lên cơn,
Đêm rồi mất ngủ tinh thần mệt thêm.
Vì chưng vụng tính hôm đêm,
Nên ngày mới trễ chậm thêm bước đường.
Thượng trình trực chỉ bắc phương,
Gần đến Phan Thiết gặp đường xấu hơn.
Phần xe nổ vỏ rần rần,([3])
Tưởng đâu lật hố đưa chân lên trời.
Địa dìu, Địa đỡ hết hơi,
Mà không nghe được một lời cám ơn.
Xuống xe Phan Thiết nghỉ chơn,
Lại gặp trở ngại giữa cơn nóng hầm.
Mấy đời người được chữ tâm,
Thương người sứ mạng đương làm quả công.
Lơ xe làm núng làm nòng,
Tăng tiền quá đắt đau lòng Địa đây.([4])
Cực tâm Địa muốn ra tay,
Đi thưa Tỉnh Trưởng cho bây biết chừng.
Mà thôi vậy cũng đành ưng,
Xuất tiền cho nó sớm vưng lời mình.
Nha Trang thẳng dặm đăng trình,
Còn lo một nỗi trời chinh hết ngày.
Ba Ngòi lịnh cấm nơi đây,
Ban đêm khôn vượt chỗ nầy làm sao!
Nghĩ mà lòng Địa nhói đau,
Phải đi vận động xiết bao nhọc nhằn.
May sao các vị Sơn Thần,
Khánh Hòa, Bình Thuận dời chân kịp thì.
Mở toang các cổng tức thì,([5])
Phái đoàn vượt khỏi những khi trễ tràng.   
Đặt chơn xuống bến Nha Trang,
Lại còn gay cấn bởi chàng xích lô.
Mắt láo liêng miệng bô bô,
Đập cho một vố tưởng khô túi này.([6])
Tức mình Địa muốn ra tay,
Mở toang nút áo cho mầy biết ta.([7])
Nhưng rồi lại sợ mã tà,([8])
Đến làm trở ngại cho ta sau này.
Đành cam nhịn nó mà hay,
Móc tiền ra trả lòng đây tức hoài.([9])
Nghỉ yên vừa rạng ban mai,
Lên đường trực chỉ suốt ngày miền Trung.
Nhưng còn cái việc lòng vòng,
Nào an toàn Địa mà hòng ăn ngon.
Rồi đây trở lại Sài Gòn,
Đi theo hiền đệ Huỳnh Chơn một đàng.([10])
May sao phước cả Trời ban,
Sơn Thần lại chịu sớt san bước đường.([11])
Không thôi Địa phải đoạn trường,
Một mình mà ở hai phương khó tròn.
Phái đoàn trực chỉ dời chơn,
Đến nơi Đền Thánh yên thân Địa mừng.
Mừng rồi nước mắt rưng rưng,
Cảm ơn chư vị Sơn Thần chở che.
Kể ra Địa quá ngại e,
Như người phàm tục khắt khe với mình.
Vào nơi khách sạn rộng thinh,
Trên đường Thống Nhứt Trời dành cho ta.([12])
Vào đây mát mẻ bao la,
Mặc tình đèn nước bánh trà mà xơi.
Nhưng lòng còn bận việc đời,
Lúc chưa biết đạo ở nơi trần hồng.
Địa bèn hỏi chú bồi phòng,
Bà chủ có biết hay không biết mùi.
Chú mày mai mối giùm tôi,
Công lao ta sẽ đền bồi lại cho.([13])
Nói ra như giọng móc lò,
Thật tình Địa chẳng so đo chút nào.
Bởi mình lãnh sứ mạng trao,
Phải nên cẩn thận từng câu từng lời.
Tuy rằng Địa nói giỡn chơi,
Làm sao tránh khỏi tiếng đời thị phi.
Phái đoàn vâng lịnh hành y,
Mấy ngày tròn vẹn đến kỳ hồi hương.
Mùng hai sắp sửa lên đường,
Địa liền quỳ bạch tận tường Giáo Tông.
Rằng bán lộ ([14]) lắm lòng vòng,
Địa qua tam nhựt ([15]) thẳng xông một lèo.
Khi về vượt đảnh xuống đèo,
Đường trường trăm dặm ngoằn ngoèo hố sâu.
Anh tài lại lái quá mau,
May thôi chút nữa lật nhào hố sâu.
Phiền hắn nhưng cũng không lâu,
Một việc cảnh cáo kỳ sau nên chừa.([16])
Sài Gòn hồi bước đúng trưa,
Phận hành của Địa cũng chưa hoàn toàn.
Hộ trì việc đó đã an,
Còn lo chạy nợ để hoàn lại y.([17])
Mấy ngày rồi chẳng ra chi,
Địa rầu muốn chết cơn nguy đến rồi.
May sao thời vận nổi trôi,
Gặp người cứu trợ đền bồi giùm ta.
Lỗi mình Địa chẳng dám phân,
Sợ mang tai tiếng Thánh Thần đa ngôn.
Thôi thôi Địa sắp dời chơn,
Để nhường Tiên lịnh thiệt hơn phân tường.
Thành tâm tiếp điển Đông Phương,
Giáo Tông Đại Đạo, tìm đường đây thăng.
TIẾP ĐIỂN
LƯỠNG TƯƠNG BẦN ĐẠO lai bút.
Miễn lễ. Chư hiền đồ Thiên mạng an tọa đẳng đẳng. Vậy tuần tự nơi đây, phái đoàn khá dâng công để Lưỡng Tương Bần Đạo xem lại coi có đúng như Du Thần phúc trình hay chăng.
(…)
Này chư hiền đệ! Giờ đây sứ mạng của chư hiền đệ phái đoàn có thể nói là thành công trên bước đầu kể từ khi cơ Phổ Thông Giáo Lý biến chuyển.
Nhớ lại mà giựt mình. Giả tỷ thánh lịnh vừa rồi chư hiền đệ không tuân hành, chẳng đi đâu, thì Lưỡng Tương Bần Đạo cũng chẳng biết làm sao, thì sự việc cũng chẳng có chi. Còn nay trên sổ vàng công quả của chư hiền đệ đã ghi thêm một nét son đậm.
(…)
Về phần lộ phí mà Lưỡng Tương Bần Đạo hứa sẽ hoàn lại cho các hiền đệ. Lời hứa Thiêng Liêng lúc nào vẫn có giá trị. Nhưng các hiền đệ nên hiểu rằng Bần Đạo có thể chỉ đá hóa vàng, chỉ nước thành bạc, nhưng cả vàng với bạc đó các hiền đệ muốn xài được thì ít nữa cũng đến lúc dời chơn sang non bồng nhược thủy. Nhưng với hiền đệ thì sẽ hoàn lại bằng vật chất… Một ngày rất gần đây sẽ có một nguyên nhân thay thế Bần Đạo phát thiện tâm hoàn lại cho các hiền đệ mà Bần Đạo không nói trước danh tánh.([18])
Vậy hiền đệ Huỳnh Chơn, Địa Châu, Thiện Bảo hãy kể số chi phí là bao nhiêu xem coi có đúng lời phúc trình của Du Thần chăng.
(…)
Bần Đạo muốn các hiền cho cái tổng số.
[Tiền bối Huệ Chơn bạch rằng phái đoàn đường bộ xuất 12.300 đồng. Tiền bối Huỳnh Chơn đi đường hàng không tốn 4.600 đồng. Cộng chung là 16.900 đồng.]
Theo lời phúc trình của Du Thần thì không phải con số mười sáu ngàn chín trăm đồng mà là mười bảy ngàn hai trăm bốn mươi tám đồng năm cắc (17.248 đồng 50).([19])
[Tiền bối Ngọc Kiều bạch rằng có số dư chênh lệch là do các vị hành hương ở chùa Non Nước và mua vé số cầu mong trúng giải thì thanh toán chi phí thay Ơn Trên. Thế nên không tính gộp hai khoản đó vào chi phí hành đạo miền Trung.]
Bần Đạo hỏi như vầy: Nếu không có sắc lịnh thì có khi nào đệ muội cầm tay số đó từ Nam đến chùa Non Nước mà cúng hay chăng? Đó là số chi phí, hãy kể chung hết luôn cả các món lặt vặt mà có liên hệ đến chuyến đi. Bần Đạo sẽ hoàn lại tất cả.
Dẫu các hiền đệ muội có xài riêng trong việc mua vé số, mặc dầu là cầu may, nhưng cái thiện ý là mong cho trúng số để tình nguyện trả thế cho Bần Đạo. Nhưng của hoạnh tài có bao giờ đem vào trong cửa đạo.
Vậy sau khi xả đàn, các hiền đệ muội hãy kiểm điểm lại một con số cho xác đáng với con số của Du Thần rồi hiền đệ Huỳnh Chơn cùng Địa Châu tạm đài thọ số ấy, một ngày rất gần Bần Đạo sẽ hoàn trả. An tọa.
(…)
BÀI
Đại Đạo lúc mở đầu có một,
Nhiều phái chi là cốt độ đời,
Cho con Thầy Mẹ khắp nơi,
Sớm về dưới mái nhà Trời đạo chung.
Các chi phái sau cùng lúc rốt,
Sẽ gặp chung dưới một thánh đường,
Khá tua đoàn kết chung phương,
Để bành trướng Đạo còn đương trễ tràng.
Chính việc khó mà toan làm được,
Thì ngày sau đức phước mới cao,
Chung vai gầy dựng phong trào,
Để giành công quả ngày sau khoa trường.
Lời đã mãn du dương thơ phú,
Các hiền đồ ký chú nơi tâm,
Vì sứ mạng, đạo ráng làm,
Dương danh hậu thế ngàn năm sử vàng.
Ban ân toàn tất chung đàn,
Lưỡng Tương Bần Đạo cõi nhàn dời chân.
Thăng.
DIỆU NGUYÊN



Các chú thích cho thánh giáo này do Ban Ấn Tống thực hiện.
([1]) Tiền bối Huỳnh Chơn vì lý do sức khỏe phải đi máy bay.
([2]) Phái đoàn đi đường bộ mua vé xe của hãng Hiệp Thành, khởi hành lúc 10 giờ 40.
([3]) Xe đến rừng lá lúc 13 giờ 10 thì bị bể vỏ trái phía sau.
([4]) Tại Phan Thiết, ngoài tiền sang xe, chủ xe đòi thêm một ngàn đồng. Sau khi mặc cả, chủ xe chịu giá bảy trăm năm chục đồng. Phái đoàn trả năm trăm đồng, phần còn lại các hành khách khác góp cho đủ số.
([5]) Xe đến Ba Ngòi lúc 18 giờ 30. Lệ thường ban đêm đóng cổng, nhưng phụ xe đem giấy vào trình nơi phòng kiểm soát, thì lính canh cho hay họ vừa được lịnh mở cổng cho xe đi đêm thong thả.
([6]) Tại Nha Trang anh xích lô đòi tiền bối Thiện Bảo và tiền bối Nguyễn Văn Các giá quá mắc là tám chục đồng.
([7]) Tiền bối Thiện Bảo định cởi áo khoác ra dạy anh xích lô một bài học.
([8]) Mã tà: Cảnh sát.
([9]) Tiền bối Ngọc Kiều đành trả đủ số tiền xích lô đòi.
([10]) Tiền bối Huỳnh Chơn đáp máy bay đi sau phái đoàn một ngày nên Đức Linh Quang Phước Thần phải quay vào Sài Gòn hộ tống.
([11]) Sơn Thần địa phương lãnh nhiệm vụ hộ tống phái đoàn đi tiếp trong lúc Đức Linh Quang Phước Thần quay vào Nam.
([12]) Khách sạn hết phòng, nhưng có người dặn ba phòng liền nhau, cuối cùng không lấy nên phái đoàn vẫn có chỗ trọ.
([13]) Một vị trong đoàn vui tánh, không cẩn ngôn lúc ở khách sạn Thống Nhứt, nói giỡn với nhân viên khách sạn.
([14]) Bán lộ: Nửa đường.
([15]) Tam nhựt: Ngày mùng 3 phái đoàn mới lên đường trở về Nam.
([16]) Tiền bối Địa Châu thấy tài xế chạy quá mau, cầu nguyện chư Thiên khiến cho giảm lại. Tới ngã ba Triều Sơn lúc 14 giờ 15, dân địa phương đốn một cây gòn, ngọn cây rớt xuống, trúng mui xe.
([17]) Ơn Trên dạy hai tiền bối Huỳnh Chơn và Địa Châu tạm ứng chi phí ra Trung của phái đoàn. Sau này Ơn Trên sẽ hoàn lại đủ.
([18]) Trong thánh giáo của Đức Linh Quang Phước Thần có câu “Gặp người cứu trợ đền bồi giùm ta.” Theo hiền huynh Thiện Tín (Hành Chánh Vụ Trưởng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý), tiền bối Thiện Bảo có nhắc việc này, cho biết Ơn Trên vận chuyển một người đạo Cao Đài xa lạ sinh sống ở miền Tây. Người này nằm mộng thấy hồn cha về chỉ chỗ giấu tiền, bảo đào lên mang đến số nhà 165E Cống Quỳnh trên Sài Gòn (nhà riêng tiền bối Thiện Bảo) làm công quả. Số tiền ấy khớp với tổng chi phí do Du Thần phúc trình.
([19]) Theo hiền huynh Thiện Tín, tiền bối Thiện Bảo giải thích vì sao có lẻ năm cắc (0,50 đồng). Sau khi trả tiền anh xích lô tham lam ở Nha Trang, còn dư năm cắc, tiền bối sẵn đang giận, bèn ném xuống đất. 



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)