Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

8/ THÁNH LỆNH / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ

THÁNH LỆNH
Vào Sài Gòn lần này, sau khi nộp bộ đạo cho Hội Thánh Tiên Thiên xong, chưa kịp mừng, thì tin nhà liên tục báo cho biết tình hình cấm đạo nghiêm ngặt, lệnh tầm nã gắt gao. Tất cả các nhà cải gia vi tự đều bị phong bế, đạo hữu bị bắt bớ khủng bố, hăm dọa. Tiền bối buồn và lo âu. Con đường tu thân, lập công hành đạo đang vào giai đoạn thử thách. Tiền bối không dám ở thánh tịnh Đại Thanh mà về Huỳnh Long Phủ, tư thất của Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ. Tiền bối muốn ẩn nhẫn một thời gian, cũng là dịp có thì giờ học tu cho đến nơi đến chốn, un đúc cho mình một khả năng đạo học vững vàng cũng như ôn dưỡng pháp môn đã thọ trì cho đến chỗ tinh chuyên.
Vì nghĩ rằng chưa phải lúc đủ khả năng thi vi sứ mệnh, tiền bối cố quên tất cả, xem thường mọi biến cố đang xảy diễn tại quê nhà, giữ tâm bình lặng trong giờ học giờ tu. Bỗng có lệnh do đàn cơ ở thánh tịnh Bồng Lai đưa xuống bảo tiền bối phải về Bình Định.
                                    THI
(Cho Huỳnh Thanh Bình Định ở Huỳnh Long Phủ)
Con Huỳnh Thanh, Thầy hằng trông cậy
Cậy con hiền từ bấy nhẫn nay
Châu nhi phục thỉ có ngày
Ớ con chi chí ráng mài đạo tâm
Nơi Bồng Lai canh thâm giáng bút
Kêu con hiền hối thúc tâm son
Quả công khuyên trẻ mót bòn
Đạo lành lo lắng ngòi son Thầy đề.
Con phải về Bình Định, vì nơi đó đạo đồ bị khủng bố.
Thật là bối rối vô cùng, bản thân tiền bối thì đang có lệnh tầm nã, tin nhà thì tấp nập, nào khủng bố, nào bắt bớ liên miên. Những tưởng gieo mối đạo lành để bà con được an lạc, nào ngờ tai nàn vươn dậy, làm tiền bối xốn xang, rối ruột không biết làm sao. Nay lại có lệnh Thiêng Liêng bảo phải về. Cảm thấy mình bị dồn ép quá, tiền bối suy nghĩ: Lời xưa có dạy “Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư”. Nay trong cảnh nhà bị niêm, người bị tầm nã thế này mà lệnh Thiêng Liêng bảo “nghịch hành phản bổn” thì làm sao đây? Đại Thanh không dám ở, phải ẩn thân nơi Huỳnh Long Phủ, suốt ngày không dám ló mặt ra đường. Chỉ cần đến ga Sài Gòn còn sợ huống là về Bình Định. Nghĩ tới nghĩ lui, rồi tiền bối đành vi lệnh, nhưng lòng rười rượi buồn lo!
Cách một tuần sau, tiền bối lại được lệnh thứ hai ở Ngọc Điện Huỳnh Hà gởi tới, cũng bảo về.
THI
(Lệnh dạy Huỳnh Thanh ở Huỳnh Long Phủ)
THANH con ôi, huyền vi chánh đạo
Con mau lo thông thạo bí truyền

Tầm Đạo tầm biết lời Tiên

Khuyên con ráng giúp mối giềng cùng Cha.
Con nên tuân lệnh về Bình Định nghe con.
Tiền bối bấn loạn cả tâm thần nhưng cũng chưa có ý định vâng mạng Ơn Trên, thì có lệnh quở trách ở Liên Hoa Cửu Cung, do tiền bối Phan Thanh gởi tới:
THI
(Gởi cho Huỳnh Thanh ở Huỳnh Long Phủ gấp)
THANH thế cung thềm quế cùng Thanh
Cơ đồ duy vật đã rành rành
Áo kia con mặc qua đầu khỏi
Thì việc Thiên cơ trẻ bỏ đành.
Với lệnh thứ ba này, đã làm cho tiền bối run lên. Ôi phải làm sao? Một bên là cường quyền lưỡng triều, một bên là lệnh Thiêng Liêng. Tuổi đời mới mười bảy, tuổi đạo chưa quá nửa năm, đứng trước tình huống thế này làm sao có đủ trí lực tâm trường toan tính? Nhớ lại mấy câu thơ của một trang nữ liệt mà tiền bối đã đọc thuộc lòng:
Nhà hình: trường học, tù kia bạn
Gươm ấy con thơ, súng ấy chồng
Xiềng xích: cong cườm, cùm: ngựa cỡi
Dùi cui, roi cặt: lệnh vua ban.
Nghĩ cho cùng, đâu phải tiền bối sợ tù đày tra tấn, tiền bối chỉ sợ mộng lớn chưa thành, chưa làm gì cho Đạo, mà phải nạp mạng thì uổng một nguyện lực, một ước mơ.
Tiền bối thao thức, trăn trở, âu lo, nhưng vẫn chưa thoát khỏi bế tắc, chưa dám thi hành lệnh Ơn Trên về Bình Định. Để lòng bớt ray rứt, tiền bối xin Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ tháp tùng đi Diễn Đông để lập công và lo vận động xin quý anh lớn Liên Hòa Tổng Hội can thiệp vụ Bình Định. Quý anh lớn có nhờ Hội Nhân Quyền Bình Dân Pháp can thiệp với Tổng Trưởng Thuộc Địa, ông George Mandel và Gabriel Gobron có gởi thư hỏi ba vua Đông Dương là Hoàng Đế Bảo Đại và hai vua Miên, Lào về vụ cấm đạo. Ba vua trả lời là không cấm đạo.
Mấy ngày ở Diễn Đông tiền bối cảm thấy như mình đang chạy trốn và hai câu quở trách của Chí Tôn như những lằn roi nghiêm phụ quất mạnh vào thân thể, tim gan.

Áo kia con mặc qua đầu khỏi

Thì việc Thiên cơ trẻ bỏ đành.
Ba cái thánh lệnh cứ ám ảnh từng giờ, từng phút. Tiền bối ăn không ngon, ngủ không yên. Thời kinh nào tiền bối cũng cầu nguyện, mà càng cầu nguyện bao nhiêu càng sợ bấy nhiêu.
Lời Khổng Mạnh đã nói: “Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã.” Và còn có câu “Trời định trao gánh nặng cho ai, thì bắt trải qua thiên ma bách chiết.” Rồi tiền bối nghĩ “người muốn, Trời sẽ giúp cho” huống chi đây là thánh lệnh thì sao ta lại sợ? Tự nhiên tâm trí tiền bối lóe lên một tia sáng, hùng khí nam nhi như thức dậy. Tiền bối nắm chặt đôi bàn tay, ngước mặt lên trời xanh: “Ta phải gan bền, chấp hết cả nhứt sinh thập tử.”
Đành liều ba bảy cũng liều
Liều như trẻ nhỏ chơi diều đứt dây
Đứt dây bay phứt về Tây
Ở chi trì níu cù nhây đứt diều!
Tiền bối quyết định đem ba thánh lệnh trình với anh lớn Lê Kim Tỵ để tuân vâng, lo sắp đặt về quê.
Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ đã theo dõi biết tin tức bắt bớ, niêm nhà và lệnh tầm nã đối với tiền bối Huỳnh Thanh. Lê tiền bối rất ái ngại, nhưng vì thánh lệnh ban như vậy, không biết liệu thế nào. Lê tiền bối biểu lộ lòng mến thương, chia sẻ và bảo tiền bối Huỳnh Thanh nán lại đến kỳ đàn tại Huỳnh Long Phủ, người sẽ trình Đức Lý Giáo Tông để xin chỉ dạy.
Nghe vậy tiền bối Huỳnh Thanh mừng khấp khởi, vì tiền bối muốn có được một chỉ dẫn, một trợ duyên hay hộ trì nào đó để có thể vững tâm trên đường về.
Chỉ còn bốn ngày nữa là đến kỳ đàn. Một mặt tiền bối lo chuyên tâm cầu nguyện, một mặt tiền bối lo sắp xếp hành trang. Tiền bối soạn các tờ Tiên Thiên Tuyên Bố có đăng các bằng chứng tin tức do Hội Nhân Quyền Bình Dân Pháp và Tổng Trưởng Bộ Thuộc Địa can thiệp việc cấm đạo của ba vua Đông Dương, để có cơ sở trình bày khi cần.
Kỳ đàn đã đến. Tiền bối quỳ hầu đàn với lòng chí thành khấn nguyện. Tiền bối Lê Kim Tỵ chưa bạch, Đức Giáo Tông đã dạy:
THANH em nghe lời Tiên dạy bảo
Đủ sở hành mối đạo cùng nhau
Anh em lớn nhỏ giồi trau
Em nào có rõ Thiên Tào định phân.
Tiếp đến, tiền bối Lê Kim Tỵ tâu với Đức Lý về việc có ba thánh lệnh bảo tiền bối Huỳnh Thanh về Bình Định trong khi tiền bối đang bị truy nã. Đức Lý dạy:
. . .

Đã biết rằng Đạo cao mà ma còn cao quá

Các em lo lập công Đạo cả gội nhuần ân
Dầu chi chi nó cũng ở cõi trần
Nào mưu kế cũng quần là dưới đất
Ôi mê chi bả lợi danh mùi vật chất
Chuộng phù vân mà chống báng đường tu
Rốt cuộc rồi nó ngu, ôi mới biết.
Thôi, ở địa phương Bình Định có Ngô Tùng Châu và Võ Công Tánh đã lãnh lệnh nơi Thầy làm Thần Hộ Đạo. Vậy hiền đệ cầu các vị ấy giúp cho việc động tịnh.
Tiếp điển
THI
VÕ thần đắp núi dựng nên non
CÔNG cán trung cang hiếu nghĩa tròn
TÁNH trực rạng màu gìn xã tắc
Phú Xuân một trận tiếng tăm còn.
Em Huỳnh Thanh có điều chi bạch xin?
Tiền bối HuỳnhThanh bạch:
- Bạch Ngài, con đang bị chính quyền cho tầm nã mà có lệnh Chí Tôn và Giáo Tông bảo về Bình Định. Con rất sợ mà không dám cãi lệnh. Con sợ chỉ cần ra đến Dầu Giây, Xuân Lộc là bị bắt ngay, chứ có đâu về đến Bình Định.
Đức Võ Công Tánh cho một bài thơ:
HUỲNH lành THANH thảo biết bao nhiêu
Chí nguyện như em ý cũng nhiều
Quốc thể lưỡng triều Nam Pháp đổ
Tài nhà như gã trượng phu xiêu
Giăng dây trói lẫn tình không mất
Xách gậy chọc trời tiếng dễ kêu
Em trọn lòng tin Thiên dĩ định
Đổi thay thay đổi đợi gà kêu.
Cười. Thôi, em ở Phù Cát, cầu nguyện Thần Hộ Đạo Ngô Tùng Châu.
Nghe tiếp điển Ngô Tùng Châu:
VIỆT quốc vong tràn biết mấy thu
NAM giang nước chảy biến dòng thu
ĐẠI đồng ngoảnh mặt hồn trơ lãng
THẦN tướng vô hơi khách bác chu
NGÔ rụng tuồng phơi buồn ứa lụy
TÙNG còi cành đượm dấu sương mù
CHÂU đi châu lại như hồn mộng
GIÁNG thế lời ta khuyến bạn tu.

Thanh cầu xin điều chi bạch?

Tiền bối Huỳnh Thanh cũng bạch xin như đã xin với Đức Võ Công Tánh và được dạy một bài thơ như sau:
BÀI

Sau này sẽ tường đâu cội rễ

Tháng ngày qua sẽ kể sẽ phân
Điều chi bạch tấu ân cần
Lệnh trên đủ hiểu mới thân hỏi rày
Tháng năm qua tường tri máy Tạo
Này em hiền nên kiếm nên suy
Chung tâm gian khổ một thì
Điều chi chỉ dạy nhớ ghi nằm lòng
Lời bạch tấu trả xong vừa hỏi
Ngày sau này sẽ hiểu sẽ tường
Trong ngoài xem lẫn vô cương
Dưới trên chung nhất một đường em lo
THANH tâm phát bởi do ý sợ
Quang minh Thần che chở ngày qua
Vững tâm truyền bá Đạo nhà
Ngày sau sẽ được âu ca thái bình
Lão thần chỉ phân minh tỏ rạng
Hành tâm linh em ráng mà nương
Khuyên em nên vững bước đường
Ngày sau sẽ được đài chương tên đề
Sau trước vẫn đề huề chớ ngại
Phận sự tròn là phải với Thầy
Lo xong kinh sách đủ đầy
Mẹo thời thập nhật, tháng này hồi gia
Cười. Vậy em nên gởi bổn thánh giáo em biên những bài thời sự Thiên cơ lại, vì những bài đó đối với pháp luật cấm ngăn.
PHẠM VĂN LIÊM