Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

9/ VẬN CHUYỂN / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ


VẬN CHUYỂN
Tuân y lời dạy của đại thần Ngô Tùng Châu, đúng 6 giờ sáng ngày mồng mười (mẹo thời thập nhật) tháng chín năm Đại Đạo thứ 14 (1939), tiền bối Huỳnh Thanh vai mang hành lý ra ga xe lửa để mua vé về Bình Định.
Tiền bối tưởng rằng đến ga sẽ chật ních cả người, nào ngờ vẫn lưa thưa im vắng. Vào phòng vé mới hay rằng mười bốn giờ mới bán vé và mười sáu giờ tàu mới chạy. Tự dưng tiền bối cảm thấy cô đơn tột cùng, nỗi âu lo phải kéo dài ở phòng đợi này cho đến chiều. Tiền bối buồn bã ngồi ngay tại phòng vé để chiếm thứ tự ưu tiên. Càng về chiều, người đến lục tục càng đông, họ nối đuôi sau tiền bối để chờ mua vé.
Lòng tiền bối trăm mối tơ vò, không dám nhìn ai và cũng tránh những ánh mắt thiên hạ nhìn mình. Tiền bối luôn luôn cảm thấy như bị dò la tông tích. Chỉ một khua động nhỏ bên cạnh cũng làm tiền bối thắc thỏm. Tiền bối cúi gầm xuống, mặc cho ai nói nói cười cười, xô xô, đẩy đẩy. Bỗng có người đập khẽ vào vai, rồi một giọng nói người Bình Định phía sau lưng:
- Trò mua vé về đâu?
Tiền bối Huỳnh Thanh giật nẩy người, ngước nhìn lên. Ôi thôi, thất đảm kinh tâm! Ông đội police đang sừng sững trước mặt. Chiếc mũ kết trên đầu và sắc phục của thầy cảnh sát như một uy quyền chiếu thẳng vào cặp mắt kẻ đang bị truy tầm. Lại thêm giọng nói Bình Định làm tiền bối tin chắc rằng ông đội này được phái từ Qui Nhơn vào để tìm bắt tiền bối.
Bầu trời như sụp xuống, giữa chiều nắng hanh mà tiền bối cảm thấy như tối sầm lại. Ôi, Đức Võ Công Tánh, Ngô Tùng Châu, lời các ngài hứa hộ trì, sao chưa được nửa bước, đã sa hầm sụp bẫy? Tiền bối ngước nhìn thầy đội mà ngực đánh thình thình, âm ư định nói tránh, nhưng rồi tiền bối vẫn nói thật.
- Thưa... thưa ông... con... con mua vé về Bình Định.
Nói xong tiền bối như chịu chấp nhận một sự phũ phàng của định mệnh. Nhưng không, thầy đội tỏ vẻ vui mừng, thân thiện vỗ vai tiền bối, giọng nói ôn tồn:
- Bác cũng về Bình Định đây. Cháu nhường chỗ cho bác, bác sẽ mua vé luôn cho.
Trời ơi! Ông không phải là hung thần, mà là hộ thần. Chỗ núp vững chắc trên đường về là đây rồi. Ông nhờ ta thì ta sẽ cậy lại ông. Nghĩ vậy rồi tiền bối lẹ làng bước ra nhường chỗ và giao tiền cho thầy cảnh sát mua hộ vé. Thầy đội trỏ tay về hướng vợ con ông đang ngồi giữ hành lý, bảo tiền bối đến đó chờ. Vì là đứng đầu nên thầy đội mua được vé trước, liền ra giao cho tiền bối Huỳnh Thanh một vé, cảm ơn rối rít, đồng thời giới thiệu vợ con cho tiền bối Huỳnh Thanh biết. Thầy đội lại bảo tiền bối Huỳnh Thanh cùng nhập đoàn với gia đình ông cho vui. Rồi ông nhờ tiền bối Huỳnh Thanh dắt dùm hai đứa con ông lên tàu để bà rảnh tay bồng em bé, còn ông thì xách hai va li hành lý. Ông đưa cho tiền bối Huỳnh Thanh cái mũ kết có huy hiệu police để khi lên tàu làm vật giữ chỗ cho ông.
Mọi việc đều đã được xong xuôi như ý. Thầy cảnh sát lên ngồi kề bên, vừa cười vừa cảm ơn và khen ngợi tiền bối Huỳnh Thanh lanh lẹ và hiền lành. Thấy cơ hội đã đến, tiền bối Huỳnh Thanh bèn thỏ thẻ thưa:
- Thưa bác, cháu muốn hỏi thăm bác, cháu ở Bình Định vào Sài Gòn bốn năm nay. Hồi cháu đi mới mười hai tuổi, không có giấy tờ chi. Nay cháu về quê để làm căn cước và bài chỉ, không biết ra đến nơi soát giấy có sao không?
- Có sao đâu, cháu còn nhỏ chưa có căn cước, bài chỉ thì đưa khai sinh hoặc thẻ học trò cũng được, có mắc mớ gì.
Tiền bối Huỳnh Thanh thưa lại:
- Thưa bác, cháu đi hồi nhỏ nên chẳng có giấy tờ gì hết.
Ông Đội xoa đầu bảo:
- Thôi được, khi ra đến nơi soát giấy, cháu đừng đi đâu hết, cứ ngồi đây ngủ với hai em, để bác nhận lãnh cho.
Quả thật ông quan văn Ngô Tùng Châu đã bắt ông quan võ đội cảnh sát bảo vệ cho tiền bối. Khi nhân viên soát giấy đến, thấy ông police đội mũ cai, liền chào và bắt tay. Ông cai đội chỉ vợ, hai đứa con và tiền bối Huỳnh Thanh, giới thiệu:
- Đây là pha-mi (*) của tôi.
Nhân viên soát giấy chào rồi bỏ đi.
Thật là tương kế tựu kế, dĩ hồ diệt hồ, tiền bối Huỳnh Thanh đã thoát nạn. Việc làm của ông đội thì rất nhỏ, mà cái ơn thầm rất lớn đối với tiền bối Huỳnh Thanh. Thế mà tiền bối còn được tiếp đãi nồng hậu. Mỗi bữa ăn đều cho nào đùi gà, lạp xưởng, chả lụa, xôi vò. Tiền bối Huỳnh Thanh phải khéo léo tránh trớ để khỏi bị hạch hỏi lôi thôi. Lần đầu tiền bối giả đau bụng, lần sau chưa đến bữa, tiền bối đã lẫn đi tránh, giả đò tìm bạn.
Ra đến ga Diêu Trì, ông bà cảnh sát sang tàu xuống Qui Nhơn. Trước khi từ giã, bà cảnh sát soạn tất cả lương thực còn lại giao cho tiền bối Huỳnh Thanh. Lần này thì tiền bối không từ chối mà vui vẻ nhận và cảm ơn lòng tốt của hai ông bà cảnh sát. Ông Đội lại còn đưa “carte de visite” bảo tiền bối Huỳnh Thanh về Phù Cát, rồi có dịp vào Qui Nhơn ghé nhà ông thăm chơi.
Tiễn ông bà cảnh sát xong, tiền bối Huỳnh Thanh cũng xuống ga Diêu Trì chứ không dám theo tàu ra ga Phù Cát. Tiền bối đến nhà người bà con, cũng là đạo hữu, ở quê gần đó, để hỏi thăm tin tức, động tịnh. Gần chiều tối tiền bối qua Thuận Hạnh, Bình Khê, đến nhà người cháu gái, cũng là tín đồ, nhắn tin về gia đình để vào gặp tiền bối.
Được tin lập tức cụ thân sinh và mấy người có phận sự trong Đạo bươn bả vào ngay. Mọi tin tức trao đổi qua lại xong, tiền bối Huỳnh Thanh giao kinh sách, báo chí, chia mỗi người cất giữ mang về. Riêng tiền bối thì tiếp tục âm thầm đi thăm gặp, nhắc nhở, an ủi, củng cố tinh thần, phát kinh sách, báo chí cho bổn đạo các nơi như: Lạc Sơn, Thạch Khê, Tài Lương, Mỹ Hội, Vĩnh Phú, Trung Chánh, Gia Thanh, Gia Lạc, Chánh Danh.
Sau hơn một tháng, tiền bối đã tạo cho bổn đạo một tình đầm ấm, nêu một tấm gương khí phách, một chí nguyện cao vời của kẻ đi đầu. Tiền bối đã un đúc cho mọi người, để khi tiền bối xuất đầu trình diện, chấp nhận mọi hình thức trừng phạt, thì mọi người vững lòng tin, không nao núng, vì chi chi cũng có Thầy, có Thiêng Liêng che chở. Sau đó tiền bối mua nhang đèn đến tận lăng ngài Ngô Tùng Châu ở Thái Định làm lễ tạ ơn công đức hộ đạo của vị Lão Thần.
Đâu vào đó xong xuôi, tiền bối cảm thấy tâm hồn thư thái. Cho dù có phải vào tù, vào khám cũng chẳng ngại ngùng chi. Tiền bối không lẫn tránh nữa mà ung dung về nhà cách bình thản an nhiên.
Như đã rập rình sẵn đâu đó, nên tiền bối Huỳnh Thanh vừa đặt chân vào cửa, là hương, lý đến ngay. Một mặt họ ngồi nói chuyện thăm hỏi, nhưng để giam chân, mặt khác họ báo khẩn cấp lên quận. Hai tiếng đồng hồ sau, mật thám và lính đến bắt tiền bối dẫn lên quận lấy khẩu cung và lập biên bản giải về Qui Nhơn giam giữ để tra hỏi.
Hôm sau, tiền bối được đưa ra trước phủ đường. Vị Tổng Đốc cũng như quan Bố Chánh chẳng có câu hỏi nào quan trọng, chỉ xoay quanh vấn đề là tại sao đã có nhiều lần tiền bối hứa không truyền bá mối Đạo, không tụ tập đông người, mà không giữ theo lời cam đoan. Như vậy là ương ngạnh với quan trên, xem thường lệnh cấm của nhà vua.
Tiền bối Huỳnh Thanh cảm thấy rất yên lòng, vì chẳng thấy quan trên buộc tội nào đến nỗi nặng nề so với sự bủa giăng niêm nhà, tầm nã, làm tiền bối khủng hoảng bấy lâu. Tiền bối bình tĩnh thưa:
- Bẩm quan trên, suốt mấy tháng nay, con vào Nam không có ở nhà, việc tụ tập con không hề biết, con không thể có trách nhiệm. Hơn nữa quận, tỉnh đã bắt người, niêm nhà rồi, việc xử phạt là do quận, tỉnh. Nay con mới về đã bị bắt giam, vậy là chính phủ hiếp con. Chính phủ là cha, mẹ của dân, sao lại ép con qua đỗi. Người ta cờ bạc, đánh sòng này qua sòng khác, du thủ du thực, sao không bị bắt, không bị quy tội “quần tam tụ ngũ”, không bị niêm nhà? Còn nhà con bất quá có tụ họp là để tín ngưỡng, lễ bái Phật Trời, cầu nguyện bình an cho nhà cho nước, dạy bảo cho nhau làm lành lánh dữ, chớ có hại gì ai, sao lại bị bắt bị cấm? Làng, tỉnh đã bao nhiêu lần soát xét, mật thám đã điều tra, vậy con có điều chi sai với pháp luật, làm mất trị an nhà nước? Tại sao chính phủ Nam Triều là của dân Nam lại cấm con dân tu hành. Còn người Pháp là chính quyền thuộc địa, bảo hộ mà họ không cấm?
Tiền bối Huỳnh Thanh nói thao thao một cách ngây thơ bộc trực, như đứa trẻ kể lể với cha mẹ, làm mấy ông quan chăm chăm nhìn tiền bối, rồi ngó mặt nhau.
Cụ Tổng Đốc lên tiếng nói với Tiền bối bằng một giọng thương hại:
- Tao đã cho mày biết luật nhà vua, cấm Cao Đài không được truyền bá ở Trung Kỳ này, thì các quan phải tuân lệnh vua, còn mày không tuân phải bị bắt, bị cấm chớ sao. Còn mày nói người Pháp không cấm, không bắt mày tu, để tao đưa mày qua Tòa Sứ mày hỏi và cãi với họ.
Tiền bối Huỳnh Thanh nói:
- Thưa cụ con nói tiếng Pháp chưa rành, chứ nếu rành con sẵn sàng trình tài liệu, để xin Tòa Sứ can thiệp với chính phủ, cho con tự do tu hành như Nam Kỳ thuộc địa vậy.
Quan Tổng Đốc nghe nói có tài liệu thì bảo rằng:
- Mày có tài liệu gì đưa đây tao nhờ thông ngôn nói cho.
Tiền bối Huỳnh Thanh không ngần ngại nói:
- Thưa cụ khi vào Nam, con có trình với Hội Thánh về việc cấm Đạo tại Trung kỳ và đã được Hội Thánh cho con tài liệu của Hội Bình Dân Pháp và Tổng Trưởng Bộ Thuộc Địa can thiệp với ba vua Đông Dương, được ba vua trả lời là không cấm Đạo. Con có mang theo đây, xin trình quan lớn xem.
Cụ Tổng Đốc tiếp lấy, xem xong phần Tổng Trưởng Bộ Thuộc Địa George Mandel và ông Gabriel Gobron can thiệp với ba vua Đông Dương, ông giữ lấy tài liệu, rồi cho tiền bối Huỳnh Thanh về, còn dặn rằng:
- Mày được về nhưng tuyệt đối phải ở tại nhà không đi đâu cả. Nếu ra khỏi nhà sẽ bị mật thám bắt ngay.
Tiền bối Huỳnh Thanh biết rằng tuy không bị nhốt, nhưng đã bị quản thúc tại gia. Đầu óc miên man, tiền bối nghĩ đến hai vị quan văn, quan võ Ngô Tùng Châu và Võ Công Tánh. Hai ngài lúc sinh tiền, đã bị vây thành đến chết. Còn tiền bối là một kẻ thư sinh bạch diện đã được hai ngài hộ đạo, không lẽ để bị vây đến chết sao?!
Tiền bối về nằm nhà thúc thủ, hết ngày rồi lại đêm, ôn nhuần kinh sách và hằng tâm cầu nguyện. Luôn luôn trọn tin rằng Ơn Trên đã hộ cho tiền bối về đến Bình Định, thì cũng sẽ giúp cho tiền bối tự do.
Quả thực “nhân hữu thiện nguyện, Thiên tắc tùng chi”. Tại Tòa Thánh Châu Minh có lệnh gọi hai anh lớn Ngọc Chưởng Pháp Nguyễn Thế Hiển và Thượng Đầu Sư Đoàn Văn Chiêu. Một vị ở Sóc Trăng, một vị ở chợ Lách (Bến Tre). Lệnh dạy hai tiền bối phải lên Sài Gòn, đến Huỳnh Long Phủ, lục bộ đạo tìm địa chỉ của Huỳnh Thanh để ra Bình Định gấp.
Mỗi người một nơi, nhưng cùng đến Huỳnh Long Phủ một lúc. Hai vị lục xem bộ đạo thấy Huỳnh Thanh mới mười ba tuổi (tuổi theo bằng tiểu học, còn tuổi thực đã mười bảy), nên hai vị chán nản không muốn đi, vì cho rằng đạo hữu Huỳnh Thanh là một đứa con nít. Hai vị bèn ở lại lập đàn bạch hỏi Ơn Trên, thì được Huyền Đô Đại Pháp Sư cho một bài thi:

Gió đông lạnh lẽo thấm gan đồng

Khoác tấm hàn y quyết thẳng xông
Trả nợ non sông đâu ngại bước
Đền ơn xã hội dễ nao lòng
Công danh một thuở Trời cao biết
Chí hướng đòi cơn thế sự trông
Rót máu hy sinh tràn khắp chốn
Kêu ca quần chúng hội Hoa Long.
Hiển, Chiêu! Hai hiền ra đến đó sẽ thấy sự vận chuyển của Ơn Trên nghe.
Hai tiền bối Hiển, Chiêu không dám cãi lệnh, mặc dù chưa đến Hội Vân, Thạch Bàn, cũng chưa biết mặt cậu đạo hữu non kia bao giờ. Chỉ biết là phải ra đó để gặp Huỳnh Thanh, can thiệp vụ cấm Đạo.
Hai tiền bối đáp tàu lửa ra đến nơi gặp ngày mưa. Những cơn mưa như thác đổ, nước ngập trắng đồng. Hai vị lặn lội đến nhà tiền bối Huỳnh Thanh thì đã sáu giờ tối. Tiền bối Huỳnh Thanh vừa cúng dậu xong, hai bên gặp gỡ, chỉ vừa trao đổi sơ qua mấy điều thì đã thấy ngoài hiên, ngoài rào lố nhố bóng người.
Kể từ ngày được Tổng Đốc Qui Nhơn cho về quản thúc tại gia, thì tiền bối Huỳnh Thanh luôn luôn bị mật thám theo dõi. Cho nên khi hai tiền bối Chiêu, Hiển vừa xuống ga xe lửa Phù Cát là đã lọt vào những con mắt dòm ngó. Họ rất dễ dàng nhận ra dáng dấp của những môn sinh Cao Đài. Nên họ đã không lầm khi cho lệnh bao vây nhà cụ Nghinh. Đây là một vụ bắt quan trọng, bởi vì trường hợp của tiền bối Huỳnh Thanh đã được các cấp lưu ý. Đặc biệt, sau khi Tổng Đốc Qui Nhơn xem tài liệu của Tổng Trưởng Thuộc Địa can thiệp với ba vua, ông đánh giá tiền bối Huỳnh Thanh tuy nhỏ nhưng có quan hệ tầm cỡ chứ không phải vừa. Do vậy, thấy có người lạ về, quan Huyện đã được trình báo ngay và ông đích thân đến bắt, mặc dù lụt lội, tối tăm, đường đi khó khăn, phải qua khe lội suối.
Khi đến nơi ông Huyện thấy hai người khách dáng vẻ ung dung thư thái, giao tiếp bặt thiệp, lời ăn tiếng nói tỏ ra đạo cao đức trọng, nên ông Huyện không dám lớn lối. Ông chỉ xin phép làm thủ tục thông thường là coi giấy tờ. Khi biết được một người là Hội Đồng Quản Hạt, một người là Bang Biện, Quan Huyện nói xã giao rằng tình hình Cao Đài ở đây có lệnh ngăn cấm, nếu hai vị muốn can thiệp thì xin mời ngày mai xuống quận để cùng đi tỉnh gặp cụ Tổng Đốc. Nếu cụ Tổng Đốc cho phép thì địa phương sẽ tuân hành và không có điều chi trở ngại. Vì chính quyền địa phương ở đây chỉ biết nghe lệnh trên chứ không khó dễ gì cả.
Những lời nói đãi bôi của quan Huyện chỉ là thâm ý để hai ông khách về tỉnh, sẽ có đủ thẩm quyền trục xuất hai ông về Nam. Ngược lại hai tiền bối Hiển, Chiêu cũng muốn đến phủ đường Qui Nhơn gặp thẳng quan Tổng Đốc nói chuyện sẽ có hiệu lực hơn.
Sáng hôm sau, hai tiền bối Hiển, Chiêu và tiền bối Huỳnh Thanh xuống huyện đường Phù Cát. Ông huyện Phan Như Phiên tiếp đãi mặt ngoài ân cần, nhưng đã sắp sẵn hai người lính mang giấy tờ mời hai vị lên tàu đi tỉnh. Chính ông Huyện đích thân tiễn khách ra ga và dặn dò hai tên lính đưa hai người đến nơi đến chốn. Thực ra đây là một hình thức áp giải. Trước khi bắt tay từ giã, tiền bối Nguyễn Thế Hiển hỏi ông Huyện rằng:
- Cụ Tổng Đốc tỉnh này tên gì nhỉ?
Cụ Huyện trả lời: 
- Quan Tổng Đốc tỉnh này là cụ Hồ Đắc Ứng.
Nghe vậy tiền bối Nguyễn Thế Hiển à một tiếng, rồi vội vàng tên tàu, nét mặt hân hoan rạng rỡ. Tiền bối Hiển day qua nói với tiền bối Chiêu và tiền bối Huỳnh Thanh:
- Thật là vi diệu. Chỗ ông Ứng với tôi là thân tình. Chúng ta yên tâm.
Tại công quán tỉnh đường, cụ Tổng Đốc tiếp đón mọi người rất nồng hậu và hứa sẽ đưa tất cả qua Công Sứ Pháp để trình bày rõ sự tình và có hướng giúp đỡ bổn đạo. Viên Công Sứ Pháp này lại là bạn quen với Đầu Sư Chiêu nên mọi việc đều thỏa thông. Thật là một sự vận chuyển rất diệu mầu.
Từ đó công việc truyền đạo tại Bình Định được thuận lợi vô cùng.
PHẠM VĂN LIÊM


(*) Famille: Gia đình.