Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

2/ CƠ DUYÊN / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ



CƠ DUYÊN
Một buổi sáng mùa xuân năm Đại Đạo thứ 14 (1938) từ bậc thềm tòa án Sài Gòn, Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ đang ung dung bước ra đường, trên tay ôm một xấp báo, vẻ mặt rất hân hoan. Tiền bối vừa trắng án phiên xử do chính quyền thuộc địa Pháp truy tố về tội danh tờ báo Tiên Thiên Tuyên Bố của Cao Đài do tiền bối làm chủ bút đã đăng dấu hiệu chữ vạn  là dấu hiệu của Hitler, và do đó Pháp quy kết Cao Đài là một tôn giáo trá hình của Đức Quốc Xã.
Tiền bối Lê Kim Tỵ đã thẳng thừng bác bỏ lời buộc tội trên và biện minh trước tòa rằng dấu hiệu chữ vạn của Cao Đài là hình đồ “lạc thư minh triết”, là dấu hiệu cứu thế đã được đệ trình trước phủ Toàn Quyền từ năm Khai Đạo 1926, còn dấu hiệu của Đức Quốc Xã (1) mới có sau này. Rốt cuộc tiền bối được miễn tố và tờ Tiên Thiên Tuyên Bố không bị tịch thu.
Tiền bối đang phấn khởi và hăm hở ra xe về tòa soạn, bỗng từ phía sau có tiếng bước chân dồn dập, rồi một giọng nói trẻ trung, hơi run run:
- Thưa thầy....
Tiền bối quay lại, thấy một trang thiếu niên độ 16-17 tuổi, dáng người thấp nhưng khuôn mặt sáng láng, đôi mắt tinh anh, ẩn dấu chút rụt rè nhưng tự tin. Tiền bối từ tốn hỏi:
- Em muốn gì?
Người thanh niên ấy lễ phép chấp tay trước ngực thưa:
- Thưa thầy, em muốn xin một tờ Tiên Thiên Tuyên Bố để xem cho biết. Vì em có dự nghe phiên tòa vừa rồi và em rất lấy làm tò mò muốn hiểu về đạo Cao Đài.
Nghe giọng nói người Bình Định, nhìn nét mặt nghiêm trang biểu lộ lòng chân thật và đầy nghị lực, tiền bối Lê Kim Tỵ bảo:
- Em là người Bình Định, con cháu vua Quang Trung, muốn tìm xem cho biết nền quốc đạo Việt Nam thì tốt lắm. Nhưng em đề phòng coi chừng, chớ tụi mật thám Tây nó theo dõi khủng bố dữ lắm nghe em. Nói xong tiền bối lựa lấy ba số Tiên Thiên Tuyên Bố liên tiếp trao cho trang thiếu niên kia bằng cử chỉ rất thân thiện trong ánh mắt hiền hòa vui vẻ.
Trang thiếu niên ấy sau này chính là tiền bối Huỳnh Thanh, pháp hiệu Huệ Thanh Vân, Thiên ân phẩm vị Bảo Cơ Quân Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Tiền bối Huỳnh Thanh sinh trưởng trong gia đình nhà nông theo nền nếp đạo Nho. Sau khi đậu Primaire ở Qui Nhơn, tiền bối được gia đình cho vào Sài Gòn tiếp tục đường học vấn. Tiền bối được gởi trọ tại nhà một vị chức sắc Cao Đài − Giáo Hữu Trần Văn Phú − ở bên nhà ga xóm Thơm, quận Gò Vấp. Trong khi trọ học, tiền bối Huỳnh Thanh đã chú ý đến nếp sống đặc biệt của gia đình chủ trọ. Hai vợ chồng ăn chay trường và mỗi ngày đều cúng kính. Lời kinh đọc nghe thanh thoát du dương, đã khêu gợi tính tò mò của một thiếu niên đang lứa tuổi vào đời.
Hôm ấy nghe ông chủ trọ đi dự phiên tòa xử về vụ án Cao Đài, nên tiền bối Huỳnh Thanh xin đi theo. Tính hiếu kỳ của tuổi trẻ thực sự được khêu gợi bởi những lời biện minh của vị Chưởng Pháp Cao Đài Tiên Thiên. Tự nhiên tâm hồn tuổi thơ đang cầu học của cậu con trai mười bảy tuổi nảy sinh một ý muốn tìm hiểu mối Đạo mà tên gọi nghe còn xa lạ lắm.
Được ba tờ Tiên Thiên Tuyên Bố, cậu trai Huỳnh Thanh liền lên xe buýt về nhà ngay và suốt chiều hôm đó nghiền ngẫm không sót một dòng.
Có lẽ đối với những người khác thì bài vở của tờ báo đạo làm cho họ cảm thấy khô khan, không có gì lý thú. Nhưng với một con người đã mang sẵn căn lành, thì càng đọc tiền bối Huỳnh Thanh càng thấy say mê.
Tóm tắt những điều tiền bối đã đọc được là nước Việt Nam hiện nay, Trời ban cho mối đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng gọi là tôn giáo Cao Đài. Biểu hiệu của Thượng Đế là con mắt, gọi là Thiên Nhãn. Dấu hiệu cứu thế là chữ vạn. Nhất là tờ báo số 3, có đăng bài thánh giáo của lão thần Phan Thanh Giản. Trong đó có những câu mà tiền bối thấy cần nhờ ông chủ trọ giải thích.

Bốn ngàn năm phong trào điên đảo

Chưa dịp nào chánh giáo phục khai
Thích, Nho, Gia, Lão nước ngoài
Ngày nay mới thấy Cao Đài Nam bang!
Khi tiền bối bày tỏ ý muốn được giải thích, để tìm hiểu, ông chủ trọ cười bảo:
- Em muốn biết rõ Cao Đài Nam bang ra sao, không thể nói hết được. Em có học biết chữ, vì đạo Cao Đài Trời mở ở nước Việt Nam, nên dùng chữ quốc ngữ, truyền đạo bằng thánh ngôn, thánh giáo, qua cho em mượn một rương kinh sách đây, em đọc sẽ hiểu.
Thật còn gì quý hóa cho bằng. Chỉ xin được ba tờ Tiên Thiên Tuyên Bố, mà tiền bối đã như bắt được vàng, nay được cho mượn một rương kinh, thì ôi thôi không biết diễn tả như thế nào cho hết nỗi vui mừng này.
Từ tối hôm đó, tiền bối say sưa, quên ăn quên ngủ, nghiền ngẫm từ quyển này đến quyển kia, bộ này đến bộ khác, nào là Thánh Đức Chuyển Mê, Thánh Đức Chơn Kinh, Thánh Đức Chơn Truyền, Thánh Giáo Chánh Truyền, Thánh Ngôn Hiệp Nhất, Thánh Huấn Chơn Kinh, Tiếng Trống Giác Mê, Tiếng Chuông Khải Ngộ, Mục Đích Làm Người, Cao Đài Cứu Thế, Cửa Phật Nhà Tiên, Phá Mê Trần Khổ, Đạo Đức Lược Luận, Tội Phước Tích Luận, Huấn Nữ Từ Âm, Huấn Nữ Chơn Kinh, Nữ Trung Tùng Phận, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đại Thừa Chơn Giáo, Tân Luật, Pháp Chánh Truyền...
Đối với tiền bối quả thực những trang kinh kỳ diệu đã tạo sức say mê vô chừng. Một cánh cửa mới như mở ra trước mắt và trong tận cõi sâu thẳm của tâm hồn, một mầm lành bừng dậy. Lòng tín phục càng lúc càng nấu nung như thôi thúc tiền bối hãy đến với nền đạo mới này. Trước tiên, tiền bối phát nguyện ăn chay. Tiền bối thưa với bà Tư Kiên − bà chủ trọ − từ nay xin ăn chay theo gia đình chứ không ăn mặn nữa.
Vợ chồng Giáo Hữu Phú vốn ăn chay trường lâu năm lại không có con nên mến thương tiền bối như con, lâu nay vẫn sắm mặn cho tiền bối. Giờ nghe lời phát nguyện ăn chay, thì ông bà mừng vô kể. Từ đó cậu trai Huỳnh Thanh ngày ngày muối dưa chay lạt, kinh kệ ngâm nga, nghiền ngẫm thánh ngôn thánh giáo.
Tuy chưa vào Đạo, mà tiền bối đã tự đặt mình như một tín đồ thuần thành. Cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, giữ gìn từ nước bước đường đi, tinh nghiêm từ giờ ăn giờ ngủ, tiền bối cảm thấy mình đang xa lần nẻo phàm phu, tiến gần đường thánh đức.
PHẠM VĂN LIÊM




(1) Chữ vạn Cao Đài là Swastica quay ngược tượng trưng cho vạn thù quy nhất bổn, còn dấu hiệu của Đức Quốc Xã gọi là symbole des Nazis.