Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

2/ AN THUẬN QUẢ DUYÊN


AN THUẬN QUẢ DUYÊN

Chân thành cảm tạ
hiền huynh Tường Viên,
hiền tỷ Nguyệt Quế,
hiền tỷ Huyền Như Nhiếp,
hiền tỷ Đại Cơ Minh,
hiền tỷ Đại Cơ Huờn,
đã hết lòng trợ giúp tài liệu, hình ảnh,
cùng nhiều chỉ dẫn quý báu về Minh Lý Đạo
và Đức Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô.
D.Ng.


Tiền bối Huệ Lương (Trần Văn Quế, 1902-1980) là vị Tổng Lý Minh Đạo đầu tiên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, danh xưng hiện nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Tiền bối đồng thời còn là Chủ Trưởng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài ([1]) và Vĩnh Tịnh Sư của Minh Lý Thánh Hội.([2]) Sau khi thoát xác và đắc quả vị Quảng Đức Chơn Tiên, Ngài giáng đàn tại Minh Lý Thánh Hội và dạy như sau:
Trung Hưng, Minh Lý, Cơ Quan,
Tuy ba mà một chu toàn đồng thân.([3])
Trong tinh thần “tuy ba mà một” ấy, các đạo hữu Hội Thánh Truyền Giáo, Minh Lý Thánh Hội và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý vẫn thường có những buổi cùng nhau hội thảo, đạo đàm về giáo lý, học tập thảo luận về Kinh Dịch, và đặc biệt là các thánh ngôn, thánh giáo do các Đấng thiêng liêng giáng dạy tại ba nơi đều được các đạo hữu của ba nơi tín thành học tập.
Do đó, cách đây vài năm, trong một buổi đạo đàm tại Cơ Quan, hiền huynh Giáo Sĩ Huệ Ý đã trình bày về thánh sắc chứng đạo của tiền bối Diệu Chơn Tịnh, là ái nữ của tiền bối Lê Kim Bằng (1885-1967), thánh danh Minh Ngôn – một trong mười hai vị tiền khai của Minh Lý Đạo.([4])
Tiền bối Diệu Chơn Tịnh là một trong Thập Nhị Nữ Sứ Đồ đầu tiên của Hội Thánh Minh Lý.
Mười hai vị Nữ Sứ Đồ này thọ lễ tấn phong vào ngày 01 tháng 7 năm Nhâm Tý (09-8-1972) và được Đức Mẹ giáng đàn ban đặc ân sau lễ tấn phong.([5])
Đức Mẹ dạy rằng đây là các bậc nguyên nhân đã nhiều kiếp dày công tu tập nên đến kiếp này được đặc ân thọ lãnh sứ mạng giáo dân vi thiện, tế chúng độ nhơn,([6]) nhất là dìu dắt hàng nữ phái trên bước đường tu học và hành đạo.
Sau khi thoát xác, chơn linh tiền bối Diệu Chơn Tịnh đã được Hội Công Đồng Tam Giáo ban cho thánh sắc chứng đạo như sau:
TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO
MINH LÝ THÁNH HỘI
TAM GIÁO CÔNG ĐỒNG SẮC TỨ
LÊ KIM NGỌC thọ Thiên ân DIỆU CHƠN TỊNH
Xét công, hạnh, giới, nguyện,
Nhiều kiếp tích đức hành thiện, cúng dường Tam Bảo, công hạnh túc căn.([7]) Hiện thân gặp Đạo tu hành, an thuận quả duyên, đọc tụng thánh giáo đắc ngộ lý mầu, phát tâm lập nguyện cầu phát liễu sanh,([8]) chuyên tâm tu luyện, kiên cố công phu, mở thông căn trí, chí nguyện giải thoát trần mê, thanh tâm đoạn dục,([9]) tùng pháp chế luyện kim đơn,([10]) tự tâm khai thị.([11])
Chiếu tâm nguyện công phu,
Phong ĐỘC HÀNH KỲ ĐẠO TIÊN CÔ
Phẩm: Trung phẩm Thánh vị.([12])
Thọ ký: Ly Cấu Hải.
Thánh Hội Minh Lý y tuân.
Ngày 08-9-1998 nhằm ngày 18-7 Mậu Dần.
Ngày xưa, do quan niệm khắt khe của xã hội nên nữ phái rất ít người được tu học và chứng quả. Trong hàng Bát Tiên chỉ có một nữ là Đức Hà Tiên Cô;([13]) trong Toàn Chơn Thất Tử chỉ có một nữ là bà Tôn Bất Nhị.([14])
Ngày nay, quan niệm của xã hội đã đổi mới, không còn trọng nam khinh nữ như xưa nữa, tuy nhiên nữ phái vẫn còn nhiều mặt hạn chế so với nam phái. Do đó, nữ phái tu thì nhiều nhưng chứng quả không bao nhiêu. Vì thế, khi một vị nữ tu đắc đạo thì đó là một tấm gương sáng cho nữ phái noi theo.
Xưa nay các Đấng thiêng liêng vẫn thường dạy rằng Ăn cơm có canh, tu hành có bạn, nhưng tại sao quả vị của tiền bối Diệu Chơn Tịnh lại là Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô?
Độc hành kỳ đạo 獨行其道 nghĩa là đi một mình trên con đường riêng của mình. Còn bốn chữ “An thuận quả duyên” nghĩa là an phận, chấp nhận nghịch cảnh do duyên nghiệp mang đến cho mình.
Vậy, phải chăng tiền bối Diệu Chơn Tịnh đã gặp cảnh ngộ trái ngang và phải tu đơn độc một mình? Chúng ta có thể trả lời những câu hỏi này sau khi tìm hiểu tiểu sử cũng như quá trình công phu tu luyện với một tâm chuyên nhứt bất thối chuyển của tiền bối trong hoàn cảnh nhiều trở ngại khó khăn của cuộc đời.
Theo lời kể của hiền tỷ Nguyệt Quế là ái nữ của tiền bối Diệu Chơn Tịnh, năm 1972, sau khi thọ lễ tấn phong vào hàng Thập Nhị Nữ Sứ Đồ, hàng ngày tiền bối Diệu Chơn Tịnh đều đến chùa Tam Tông Miếu làm công quả. Lúc bấy giờ, tiền bối Khai Minh([15]) có nhờ tiền bối Diệu Chơn Tịnh sắp xếp lại những kinh sách và đàn cơ của Chùa, nhờ đó tiền bối có cơ hội để đọc các thánh ngôn có từ ngày thành lập Minh Lý Đạo.
Tiền bối Diệu Chơn Tịnh là người thông minh mẫn tuệ nên hiểu được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng những lời dạy của Thiêng Liêng. Tiền bối biết trong thánh ngôn có hàm ý dạy về tịnh luyện. Tiền bối hiểu điều đó rất quan trọng và cũng hiểu rằng chính mình phải thực hành công phu tu luyện. Tiền bối nghĩ tới công lao của Ơn Trên giáng đàn dạy Đạo nên đã bày tỏ với gia đình rằng tiền bối muốn đi tu và nhờ gia đình giúp để tiền bối không phải bận tâm lo việc tài chánh hầu có thể rảnh trí mà tu học và tịnh luyện. Trước đó tiền bối làm chủ một nhà thuốc tây và đã sang lại cho người con trai trưởng.
Năm 1975, đất nước có nhiều thay đổi. Cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam Việt Nam, gia đình tiền bối Diệu Chơn Tịnh đã gặp nhiều cảnh ngộ khó khăn ngang trái dồn dập xảy ra. Mặc dù vậy, tiền bối vẫn giữ tâm thanh tịnh trước nghịch cảnh khó khăn và quyết chí tiếp tục công phu tu luyện, không bỏ sót một thời tu tịnh nào. (Về điểm này, thánh sắc chứng đạo nhận xét: chuyên tâm tu luyện, kiên cố công phu, mở thông căn trí, chí nguyện giải thoát trần mê, thanh tâm đoạn dục.)
Hai người con trai gặp nạn trong sáu năm trời, nhưng tiền bối không một lần đi thăm, chỉ lo chuyên tâm tu luyện. Mọi việc trong gia đình đều do người bạn đời của tiền bối([16]) và cô con gái Nguyệt Quế quán xuyến.
Ắt hẳn có người cho rằng tiền bối tu ích kỷ hay thiếu nghĩa tình chăng? Thưa không phải vậy.
Đức Mẹ có lần dạy người tu phải thực hiện cho tròn nhơn, nghĩa, trung, hiếu. Tuy nhiên, Mẹ cũng nhắc nhở người tu cần phải hiểu ý nghĩa của nhơn, nghĩa, trung, hiếu sao cho đúng đạo lý đại thừa. Đức Mẹ dạy:
Nghĩa - nghĩa là gặp khó khăn không từ, dù đem cả thân mạng hy sinh vì Đạo cũng không tiếc, làm không mỏi không chán, luôn luôn xây dựng bản thân của mình trở nên người đứng đắn, (…) đối xử với mọi người thân sơ đều đúng theo khuôn pháp đạo nghĩa, gạt bỏ tất cả những điều ơn nghĩa nhỏ nhặt để tránh những sự lầm lẫn đáng tiếc làm trở ngại cho bước tu hành.
Con phải lấy sự đạo đức tu hành làm căn bản. Cơ khảo thí rất tinh vi, ma quỷ hết dụng danh lợi, thế quyền, tài sắc để cám dỗ, nó sẽ dùng đến ân nghĩa để lôi cuốn con vào con đường của chúng nó. Nếu con không xác định điều nghĩa cho rõ ràng thì sẽ bị nó tìm phương dụ dỗ.
Tất cả những việc như anh em, chị em, bạn hữu, là những thứ lôi cuốn con vào đường sai lầm. Con không vì nó mà phải bỏ Đạo xa Thầy, chểnh mảng lòng tu. Những mối cảm tình ấy, người tu hành nên sớm đoạn lìa, không để cho lòng ta bận bịu vì nó. Vẫn biết tình anh em, chị em, bầu bạn ở trong vòng lục thân ([17]) ta nên đối xử cho phải đạo, nhưng ta phải làm chủ đừng để nó lôi cuốn ta. Cái gì làm sứt mẻ đường lối tu hành của ta thì nhứt quyết ta không chạy theo nó. Hễ chạy theo nó là ta đã bị kế của ma quỷ rồi đấy.([18])
(…)
Hiếu - nghĩa là một đức tốt đứng đầu của con người. Hiếu với Thầy, hiếu với cha mẹ. Vua Thuấn nhờ giữ được hiếu mà tên tuổi lưu truyền muôn đời, muôn đời còn noi dấu, nhưng vua Thuấn không được lệnh của cha mẹ mà nhận thiên hạ của vua Nghiêu và tự lấy Nga Hoàng, Nữ Anh làm vợ, như thế có trái với đạo hiếu không?
Nếu vua Thuấn cố chấp theo đạo hiếu thường tình thì làm sao có được một sự nghiệp to lớn là cứu dân giúp nước xây dựng cảnh hòa bình, hạnh phúc nhơn loại.
Đạo hiếu không phải chỉ ở chỗ vâng lời cha mẹ là đủ. Vâng lời, nuôi nấng cha mẹ là sự hiếu nhỏ. Trong Hiếu Kinh, Khổng Tử có nói: ‘Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.’ ([19])
Thế nên, vâng lời cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ, đó là hiếu của kẻ tiểu nhân mà thôi. Còn hiếu của người hiền nhân quân tử là ở nơi gánh vác công việc cho đời, cho Đạo.
Một người tu đắc đạo có thể cứu độ không những cha mẹ mà đến cửu huyền thất tổ cũng được siêu thăng.
Từ đây, các con nên phá tan cái thành kiến cố chấp theo bốn đức nhơn, nghĩa, trung, hiếu để mở rộng bước tu hành. Nếu các con còn ở trong vòng cố chấp hẹp hòi thì lòng đạo của các con làm sao đắc đạo được. Nếu Thích Ca chìu theo ý muốn của cha mẹ cho được đạo hiếu, ở với vợ con cho trọn niềm trung nghĩa, thì làm sao có được ngày thành Phật để cứu khổ cho vạn ức sanh linh, Phật Đạo đâu có lưu truyền nơi trần thế.” ([20])
Lời Đức Mẹ dạy trên đây giúp chúng ta thấy rằng một khi tiền bối Diệu Chơn Tịnh giao hết việc gia đình lại cho người thân quán xuyến để chuyên tâm tu luyện, thì đó hoàn toàn không phải là một hành vi ích kỷ, vì Đức Mẹ dạy: “Một người tu đắc đạo có thể cứu độ không những cha mẹ mà đến cửu huyền thất tổ cũng được siêu thăng.”([21])
Sáu năm liền không một lần tiền bối đi thăm con, có thể người đời cho là thiếu tình mẫu tử. Tuy nhiên, như lời Đức Mẹ dạy, về tình cảm trong vòng lục thân, người tu nên biết hành xử cho phải đạo nhưng cũng đừng vì nó mà chểnh mảng lòng tu, làm sứt mẻ con đường tu hành. Tiền bối Diệu Chơn Tịnh đã làm tròn bổn phận đối với gia đình, đã nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái cho đến tuổi trưởng thành. Giai đoạn còn lại của cuộc đời, tiền bối xin được dành trọn cho việc tu hành. Tiền bối không thăm nom các con, thể hiện tình mẫu tử trước mắt tục hữu hình, nhưng xét về lý đạo nhiệm mầu thì các con lại được thừa hưởng rất nhiều phần công đức vô hình của người mẹ hiền minh triết.
Hiền tỷ Nguyệt Quế ghi tiếp trong phần tiểu sử của tiền bối Diệu Chơn Tịnh như sau:
“Khoảng năm 1986, Bà có nói với cô con gái Nguyệt Quế và người con rể, để Bà chứng minh cho thấy kết quả tu luyện của Bà (ý Bà muốn chứng tỏ rằng sự giúp đỡ của gia đình với Bà không vô ích). Bà để hai bàn tay dọc theo hai bên đầu từ thái dương trở về sau rồi hít thở và cô Nguyệt Quế cảm nhận được rằng bốn khớp xương đầu của Bà rời ra rồi ráp lại với tiếng kêu lách cách của xương khi tháo ra và ráp lại, chứng tỏ Bà đã mở được Nê Huờn để đón nhận tiên thiên khí mỗi khi ngồi tịnh.
Năm 1989, Bà xuất gia. Công việc của Bà ở chùa chỉ là tịnh luyện mà thôi, và chuyện Bà tịnh luyện như thế nào, ấn chứng ra sao, không một ai biết cả.
Hàng năm, Tam Tông Miếu đều tổ chức các đợt tu tịnh ngoài Bác Nhã Tịnh Đường.([22]) Bà có làm đơn xin đi cả hơn mười lần, nhưng không được chấp thuận vì vị Chủ Trì lúc đó cho rằng Bà chưa đủ trình độ vào thất…
Tuy nhiên, sau đó, trong một buổi đàn cơ, Ơn Trên đã điểm danh các tịnh viên nhập thất ngoài Bác Nhã Tịnh Đường, trong đó có tên của Bà. Mọi người ngạc nhiên và bạch hỏi Ơn Trên về việc này thì được trả lời là ‘Ngoại lệ’, và không có lời giải thích nào.
Ông đồng tử Liên Hoa ([23]) là người đầu tiên biết Bà tu đắc, nên mỗi khi có gì không hiểu về kinh sách hoặc đàn cơ đều nhờ Bà giảng giải, nhưng mọi việc tu tịnh của Bà thì không nói ra cho ai biết hết.
Hàng ngày ngoài thời tịnh, Bà đều xem kinh sách, xem đi xem lại cho thấu hiểu rõ ràng. Có nhiều lúc Bà tâm sự với cô con gái Nguyệt Quế rằng đi học ở trường thì có thầy cô dạy, nhưng ở đây Bà tu chỉ có một mình, nhiều lúc thắc mắc không hiểu ý nghĩa bài thánh giáo cũng không biết hỏi ai, và cũng không dám hỏi, chỉ tự mình nghiên cứu và suy nghĩ để tự tìm ra đúng sai. Mỗi lần như vậy thì Bà cầu nguyện Đức Hà Tiên Cô và Thần Hộ Mạng của Bà là Diêu Trì Thất Nương phò hộ cho Bà.” ([24])
Nhờ phần tường thuật trên đây của hiền tỷ Nguyệt Quế, chúng ta hiểu thêm vì sao trong thánh sắc chứng đạo, Hội Công Đồng Tam Giáo đã điểm phê những nét son đỏ thắm: đọc tụng thánh giáo đắc ngộ lý mầu, (…) tùng pháp chế luyện kim đơn, tự tâm khai thị.
Qua những điểm vừa nêu, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa bốn chữ Độc Hành Kỳ Đạo trong tôn hiệu Tiên Cô.
Không phải tiền bối tu đơn độc một mình; tiền bối vẫn tu cùng với tập thể môn sanh Minh Lý Thánh Hội, vẫn được sự trợ duyên từ phía gia đình chồng con; tuy nhiên, tiền bối chuyên luyện về công phu tu tịnh và trong lãnh vực này tiền bối đã thành khẩn tự mình tìm học, chiêm nghiệm qua lời dạy của các Đấng, tự thể nghiệm được những ấn chứng riêng trong quá trình tu luyện.
Con đường công phu tu luyện quả thật là một con đường độc hành cho từng hành giả, bởi lẽ từ việc hành công cho đến việc cảm nhận những kết quả ấn chứng của quá trình công phu đều là những điều rất riêng tư của mỗi hành giả, chẳng khác nào việc chơi diều, chỉ có người cầm dây diều mới biết diều bay căng gió ra sao và mới cảm nhận được việc chơi diều thú vị như thế nào. Hoặc nếu bảo rằng trà ngon thì chỉ có người uống trà mới biết được hương vị trà thơm ngon thế nào mà thôi.
Vì vậy, khi biết Ơn Trên sắc tứ phong tiền bối Diệu Chơn Tịnh là Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô với những lời nhận xét vô cùng chân xác thì hiền tỷ Nguyệt Quế thấy rõ rằng Ơn Trên quả thực đã theo dõi và giúp đỡ mẹ mình trên từng bước đường tu luyện. Về điểm này, Đức Giáo Tông Đại Đạo có lần dạy:
“Chư hiền đệ, hiền muội! Trên đường sứ mạng, không giờ phút nào không có Thần minh giúp đỡ, ủng hộ chư hiền đệ muội từ lớn đến nhỏ, nên mỗi tư tưởng, lời nói, việc làm, những lúc ưu tư thiết tha vì tiền đồ Đại Đạo, những hồi trầm lặng tịnh tu, những khi bỏ bê lười biếng, miễn cưỡng cho có chừng, những đức chí thành hay lòng tiểu xảo, đều được ghi nhận phân minh không mảy may sơ sót. Nên Bần Đạo thường khuyên chư đệ muội phải cẩn trọng trong việc tu hành để khỏi lỗi lầm, sai lạc.” ([25])
Sau khi xuất gia nhập tự vào năm 1989, căn bệnh nan y trong người tiền bối Diệu Chơn Tịnh bắt đầu phát triển nhanh làm tiền bối đau đớn nhiều. Tuy nhiên, tiền bối quyết định không dùng thuốc. Mỗi khi cơn đau kéo tới thì tiền bối cắn răng chịu đựng và cầu nguyện.
Hiền tỷ Nguyệt Quế hàng năm về Việt Nam một tháng để thăm và săn sóc cho tiền bối Diệu Chơn Tịnh. Mỗi sáng làm vệ sinh vết thương lở loét, thì thấy thịt rơi ra từng chút một, từ vết lở thấy cả xương sườn. Tiền bối vẫn ngồi yên cắn răng chịu đựng. Tiền bối vui lòng và kiên tâm chịu đựng để trả cho hết nghiệp thân. Nhờ sự chăm sóc và ủng hộ tinh thần của hiền tỷ Nguyệt Quế, tiền bối cố gắng tịnh luyện cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Đức Đông Phương Chưởng Quản có lần dạy:
“Nghiệp lực trần la là một sở hữu của mọi người sanh trong thế gian. (…) có nghĩa là tất cả người trong thế gian đều mang vào trần la nghiệp lực. (…) Để giải thoát cho bằng được, tất nhiên phải dùng hết cả năng lực tinh thần để ứng phó trước sự khảo đảo từ thể xác đến tinh thần. Chư hiền đệ, hiền muội chớ nên ngã lòng trước cơn bnh hon hành hạ, phải xem đó là mt trường thi của linh hồn trong thể xác đó thôi.” ([26])
Nhìn lại quá trình tu hành của tiền bối Diệu Chơn Tịnh, có thể thấy rằng tiền bối đã thực hành đúng theo lời tiên tri và cũng là lời dạy mà Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã ban cho tiền bối trong ngày thọ lễ tấn phong vào hàng ngũ Thập Nhị Nữ Sứ Đồ:
Diệu Chơn Tịnh đức tin đã có
Cố vượt qua hồi khó lúc nguy
Đạo thành nhờ tánh kiên trì
Mặc cho nghiệp chướng kéo trì đến đâu.([27])
Tuy là lời dạy riêng cho tiền bối Diệu Chơn Tịnh nhưng cũng có thể xem là lời Đức Mẹ dạy chung cho tất cả chúng ta: Đạo thành nhờ tánh kiên trì, / Mặc cho nghiệp chướng kéo trì đến đâu.
Cuộc đời tu hành của Đức Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô quả là một tấm gương sáng cho người sau noi dấu và cũng đã nói lên được ý nghĩa của bốn chữ an thuận quả duyên.
Mỗi người trên thế gian đều có một cuộc đời và hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Người giàu sang quyền quý, thông minh sáng suốt; kẻ lại nghèo hèn bất hạnh, ngu tối dại khờ. Dân gian thường bảo rằng đó là số phận do Trời đã định. Tuy nhiên, người học đạo hiểu rõ luật nhân quả thì biết rằng sự khác biệt đó là do nghiệp quả mà con người đã gây tạo từ bao kiếp trước, như lời Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
“Chư hiền đệ, hiền muội! Sách có ghi rằng nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định. Nghĩa là một sự ăn uống nào cũng đều có số định trước. Đó là nghĩa trắng. Còn nghĩa đen hay là cái lý ẩn tàng của câu đó là như thế này: Mỗi mỗi việc chi tại thế gian này mà mỗi người đang thọ hưởng hay đang gánh chịu lấy sự không may đều có số định. Số định nơi đây không có nghĩa rằng Trời đã đặt để cho người này như thế này, người kia như thế khác. Số định nơi đây có nghĩa rằng tất cả những sự chi đưa đến cho mình dầu việc ấy có xấu tốt, rủi may, lành dữ, vui buồn đều do cái nhân chính của mỗi người tạo ra nó trong quá khứ hoặc xa hoặc gần. Bởi có cái nhân nên mới có cái quả hiện tại cho mình đang mang lấy.” ([28])
Tuy nhiên, phần đông người đời vì không hiểu lý nhân quả nên quan niệm rằng cần phải tranh đấu để đổi đời và đôi khi họ bất chấp mọi luân lý đạo đức để tranh danh đoạt lợi, thăng quan tiến chức, để có được cuộc sống giàu sang về vật chất, để rồi lại gây tạo thêm biết bao oan khiên nghiệp chướng. Cũng có người không chịu đựng được nghịch cảnh mà tự kết liễu cuộc đời mình hoặc kết liễu cuộc đời người mang đến khổ đau, phiền não cho mình. Ngày nay, chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên báo chí các mẩu tin vợ giết chồng hoặc chồng giết vợ vì không chịu đựng nổi lẫn nhau. Hành động này khiến cho nghiệp quả oan trái lại càng chồng chất thêm hơn.
Trước kia, một số vị tiền bối của chúng ta từng được Thầy Mẹ ban đặc ân cho biết các tiền kiếp của mình để phấn chí lo tu. Trong số các vị diễm phúc ấy có tiền bối Cao Thị Rớt (1903-1990), thánh danh Diệu Tiên, đắc quả Mỹ Dung Thánh Nữ(Xem phụ bản 4.)

PHỤ BẢN 4

Tiền bối vốn là Linh Chi Tiên Nữ trên cung Diêu Trì, chỉ vì một phút động tâm mà bị đọa xuống trần gian, sinh làm một nàng quận chúa xinh đẹp mỹ miều. Đến tuổi trưởng thành được cha mẹ đính ước gả cho chàng Vương Kiệt là một trang anh tài. Tuy nhiên quận chúa chê Vương Kiệt xấu trai, không ưng ý nên đã âm mưu sát hại chàng Vương.
Đoạn thi bài Đức Mẹ dạy về sự việc này như sau (trích):
Kịp kỳ mười tám xuân xanh
Mẹ cha đã định duyên lành có nơi
Kén Vương Kiệt làm ngôi quận mã
Tiếc thay vì chàng gã xấu trai
Nhưng mà đó có nhân tài
Song le Quận Chúa không hài tình duyên
Hận vì chẳng trọn quyền định đoạt
Bèn âm mưu ám sát lương nhơn
Làm cho trời giận, đất hờn
Một trăm năm chẵn, cầm chơn A Tỳ.
Bị đọa một trăm năm dưới cõi A Tỳ, thế mà mối dây oan trái vẫn chưa chấm dứt. Khi được Đức Mẹ ân xá đầu thai trở lại thế gian, tiền bối lại tiếp tục gặp lại chàng Vương Kiệt thuở xưa trong bốn kiếp liên tiếp:
Chàng Vương Kiệt ngày xưa ôm hận,
Bốn kiếp qua Tần Tấn đeo đai
Nguyễn Văn Khá nhớ rằng ai
Mãn duyên trần cấu dứt dây hận tình…([29])
Nguyễn Văn Khá là chồng của tiền bối Diệu Tiên trong kiếp chót này. May nhờ có Tam Kỳ Phổ Độ đại ân xá mà cả hai cùng gặp Đạo tu hành để trở về cõi thượng thiên. Đức Mẹ trong đàn hôm ấy đã dạy ông Khá hãy đoạn dứt mối hận tình thù oán mấy kiếp xưa.
Qua đó, chúng ta thấy rằng, một khi oan trái tự mình đã gieo, đến khi quả kết thì cho dù ta có trốn tránh, phản kháng lại cũng không làm sao thoát được mà còn làm cho số phận của mình tồi tệ thêm hơn. Đức Chí Tôn dạy:
“Nhân quả có nghĩa là gieo giống chi thì gặt giống nấy, hễ gieo trước thì gặt sau.
Mỗi hành vi của các con dù tốt hay xấu cũng đem lại một kết quả. Sự nhân quả nó liên lạc chặt chẽ nhau, từ cõi vô hình đến cõi hữu hình hiện tại của đời các con. Nhân quả nó theo dõi các con từ kiếp trước sang kiếp này rồi đến kiếp khác. Bởi thế, các con hiểu đạo rồi, ráng tránh những điều ác, phải luôn luôn vui với việc làm lành. Đó là con gieo mầm từ thiện để sau an hưởng quả lành.
Con ôi! Nhân loại hiện giờ đang bị trả quả chung, vì quả ấy kết tạo từ lâu, nay đã đến thời kỳ chín muồi. Tất cả các con đều có quả. Đứa thì quả lành, đứa lại quả chẳng lành.
Những sự phước hay họa ở trên đời con chẳng phải là ngẫu nhiên hay tình cờ, mà chính là do hành vi trước kia hoặc dữ hay lành đó thôi. Bởi vậy, những đứa gặp quả xấu đến, tức là trả quả ngày xưa, nếu biết tu hành thì vui lòng nhn quả ấy để trả cho rồi nghit chướng, li li dng cơ hi ấy để trau tâm luyn tánh cho nên trong sch, cao thưng, tốt đẹp hơn.” ([30])
Vậy, theo lời dạy của Đức Chí Tôn, người tu hành giác ngộ hiểu luật nhân quả thì không tranh đấu, không phản kháng lại cuộc đời mà chấp nhận nghịch cảnh do nghiệp quả đưa đến, vui lòng trả nghiệp và tìm cách chuyển hóa hay cải thiện số phận của mình bằng cách cố gắng lập thêm công, bồi thêm đức để có được cuộc sống tốt hơn ngay trong kiếp hiện tại hoặc ở kiếp lai sinh, hoặc sẽ được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Điều này tùy thuộc vào mức độ tinh tấn tu hành của mỗi người. Đó chính là an thuận quả duyên để đắc thành đạo quả như tấm gương tu hành của Đức Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô lúc còn tại thế.
Sau đây là một tấm gương khác về an thuận quả duyên trong cuộc sống của một nữ tín hữu Cao Đài (xin giấu tên).
Trước kia, gia đình hiền tỷ phải sống trong hoàn cảnh kinh tế hết sức eo hẹp, khó khăn. Hiền tỷ tảo tần buôn bán cực khổ suốt ngày vẫn cũng không đủ tiền để trả tiền thuê nhà và nuôi hai con nhỏ ăn học. Có lần bị bệnh nặng, hiền tỷ được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng sau đó vài ngày, vì không có tiền đóng viện phí, hiền tỷ đành phải trốn viện ra về mặc dù chưa khỏi bệnh.
Một số bạn đạo quan tâm giúp đỡ và an ủi, khuyên hiền tỷ hãy luôn ghi nhớ lời Ơn Trên dạy: “Lòng con tin Đấng Cao Đài / Đạo đời Trời sẽ an bài cho con.” ([31]) Thế nên, ngoài giờ làm lụng buôn bán, hiền tỷ vẫn luôn cố gắng tham gia công quả, học đạo tại thánh sở của mình.
Hiền tỷ tâm sự, nhiều lúc trong túi chỉ có đủ ít đồng bạc để ba mẹ con đi đò qua sông đến thánh sở công quả và học đạo. Hai cháu nhỏ rất siêng đi học giáo lý vào sáng Chủ Nhật hằng tuần tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Nhờ biết an thuận quả duyên, kiên trì tu học, công quả mà đến nay hoàn cảnh gia đình của hiền tỷ đã được Thầy Mẹ an bài đúng như lời Ơn Trên hằng dạy. Hai cháu lớn lên có công ăn việc làm tốt đẹp, gia đình không phải ở nhà thuê nữa và hiền tỷ cũng không còn phải cực nhọc đi bán hằng ngày. Nhờ đó, hiền tỷ lại càng có thêm thời gian để đến thánh sở làm công quả, học đạo.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo dạy:
Bản Thánh cần nhắc chư hiền đệ, hiền muội là luôn luôn hoan hỷ chấp nhận những gì xảy đến cho mình để hoặc lập thêm công bồi thêm đức, hoặc đoạn trừ tiêu bớt nghiệp chướng tiền khiên. Mỗi một điều không may đưa đến cho mỗi cá nhân là một dịp trút bớt gánh nặng tiền khiên trong quá khứ. Lòng đạo khuyên cố vững bền, đức tin siêng cần gắn bó. ([32])
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy rằng con người thế gian, ai ai cũng phải trả nghiệp tiền khiên bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Nhưng chung quy có hai cách trả nghiệp:
- Cách thứ nhất là giác ngộ tu trì, vẹn gìn đức tin, bền lòng mến yêu việc đạo, hy sinh mọi ham muốn thụ hưởng nhứt thời trong cõi tạm, cố công hành đạo để tạo phúc lành. Bằng cách này, con người chẳng những giải trừ được nghiệp chướng tiền khiên mà tâm hồn còn được song song khai thông mẫn tuệ. Cách thứ nhất này mang tính tích cực, được xem như tự giác chủ động trả nợ.
- Cách thứ hai là trả nợ thụ động, không tu, nên đến ngày chủ nợ đến đòi thì phải chịu khảo đảo, khổ sở, phiền não về tinh thần hoặc đọa đày về thân xác như bệnh tật ốm đau để trừ nghiệp quả mà tâm hồn phải chịu lu mờ trong chỗ vô minh thoái bộ.([33])
Người giác ngộ sáng suốt tất nhiên sẽ lựa chọn cách trả nghiệp thứ nhất để vừa giải trừ nghiệp chướng tiền khiên vừa giúp cho phần tâm linh tiến hóa, khai thông mẫn tuệ.
Một khi đã hiểu được lý nhân quả và an thuận quả duyên thì cho dù sống trong nghèo khó, trong bệnh tật, trong bất hạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người tu vẫn đều có thể mang đến cho cuộc đời những hoa thơm trái ngọt.
Tạp Bảo Tạng Kinh ghi lại lời Đức Phật dạy một người nghèo như sau:
Một người nghèo hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn, tại sao con nghèo như thế?
Phật đáp: Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.
Người ấy nói: Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí.
Đức Phật dạy: Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí bảy điều này:
 Nhan thí: Lấy vẻ mặt hiền hòa thân thiện, và nụ cười tươi tắn khi gặp người khác.
Ngôn thí: Lấy lời hòa ái, dịu dàng, khích lệ, an ủi, cảm thông khi nói với người khác.
ƒ Tâm thí: Lấy lòng thành thật, khoan dung, an lạc đối đãi với người khác.
Nhãn thí: Lấy ánh mắt hiền hòa, thân thiện khi nhìn người khác.
Thân thí: Lấy thân thể sạch sẽ, đoan chánh khi gặp người khác (hoặc giúp đỡ người khác bằng công sức của mình như dắt người già, trẻ con, hay người khiếm thị qua đường…).
Sàng ta thí: Giúp người khác giường nằm hay chỗ ngồi (như nhường chỗ ngồi cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai trên các phương tiện giao thông công cộng).
Phòng xá thí: Giúp người khác có chỗ ở.([34])
Vậy, cho dù là một người nghèo khó nhất trên thế gian vẫn có thể thực hành được công quả bố thí như lời Đức Phật dạy.
Lúc bệnh tật cũng thế. Một khi đã hiểu rõ luật nhân quả và an thuận quả duyên, thì dù phải nằm một chỗ vì trọng bệnh, người tu vẫn có thể mang lại lợi ích cho người khác.
Đức An Trinh Thần Nữ lúc còn tại thế gian là tiền bối Lê Thị Bạch Tuyết (1943-1969), làm nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, sinh hoạt trong tập thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý vào buổi đầu mới thành lập Cơ Quan (cuối thập niên sáu mươi thế kỷ trước). Bấy giờ tiền bối là một thanh nữ tài năng, đức hạnh và nhiệt thành tâm đạo nhưng chẳng may mắc phải căn bệnh nan y. (Xem phụ bản 5.)

PHỤ BẢN 5

Ba tháng rưỡi trước khi từ trần, mặc dù đang oằn oại vì căn bệnh hoành hành thể xác, tiền bối vẫn bình tĩnh sáng suốt, vui lòng trả nghiệp. Những ngày tháng cuối cùng của tiền bối trên giường bệnh vẫn là những giờ phút hữu ích cho nhơn sanh qua sự chí thành cầu nguyện. Tiền bối viết thư tâm sự với một người bạn đạo như sau:
“Trong thế giới bệnh hoạn, nhiều lúc buồn quá, em chỉ biết giải buồn trong kinh sách cùng những lời thánh huấn trong thánh giáo, nhờ nơi đây em đã tìm được một nguồn an ủi và nguồn an ủi ấy xoa dịu cho em phần nào những cơn đau khổ vì bệnh hành hoặc những lúc tinh thần khủng hoảng u tối vì ảnh hưởng nhược thể và cũng nhờ nơi đây giúp em biết chịu đựng an phận trong cảnh ngộ của mình nữa chị ạ!
(...) Nghĩ rằng bệnh đây là vì trả quả do mình gây ra tội khi trước chớ nào phải ai muốn cho mình chịu khổ thế đâu mà mình lại làm cực lòng người thân chung quanh phải không chị, thế nên phải ráng chịu vậy chớ đừng gây thêm nghiệp mới nữa. Em thường tự nhủ thế đó chị. Trả quả không cũng chưa đủ, vì nếu mình thiếu nợ chỉ làm để đủ trả thì khi trả xong mình còn chi mà hưởng? Vậy phải làm thêm mới có mà dùng sau này chứ phải chăng chị? Vậy bây giờ mình vừa trả quả, vừa phải lập công nữa, mà vì bệnh hoạn làm sao mình có đủ khả năng và sức khỏe để làm công quả như bao nhiêu người khác chị nhỉ! May thay, thánh huấn có dạy rằng tu học cũng đóng góp được công quả, bởi lẽ thay vì tâm bị vọng động, tư tưởng đang nghĩ đến những việc buồn rầu hoặc chẳng được thanh trong thì mình lại tập trung tư tưởng vào lời kinh, lãnh hội được điều đạo đức của Thánh Hiền, nhờ đó tâm chí mình được thanh tịnh sáng suốt, chừng đó những ý lành sẽ hiện ra. Rồi sẽ nhờ đó, tinh thần mình mới tập trung mà nguyện cầu cho chính mình, cho cha mẹ, người thân và cho xã hội chúng sanh. Từ từ, nhờ ảnh hưởng những lời lành, tâm tánh mình cũng sẽ thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, sự tu học chẳng những được phần công quả vì mình nguyện cầu cho người khác lại được phát triển về tâm linh, đồng thời trừ được những tư tưởng vọng động buồn nản, xâm nhập nội tâm nữa phải không chị, chị có đồng ý thế không?” ([35])
Dale Carnegie (1888-1955) là nhà văn kiêm nhà hùng biện nổi tiếng người Mỹ, tác giả nhiều quyển sách thuộc loại sách học làm người. Ông khuyên: “Nếu số phận trao cho bạn một trái chanh, thì hãy pha nước chanh.” ([36])
Muốn pha ly nước chanh thơm ngon bổ dưỡng thì cần phải có ly, muỗng, đường và nước; nếu có thể, thêm vài viên đá lạnh thì ly nước chanh lại càng thêm ngon đang lúc trời nóng bức, cơ thể khát mệt. Ly, muỗng, đường và nước chính là ý chí, nghị lực, niềm tin và hy vọng của con người trong nghịch cảnh trái ngang của cuộc đời, nó giúp cho con người vươn lên và chuyển hóa số phận của mình.
Trở lại vấn đề nghịch cảnh trái ngang của phụ nữ, đặc biệt là các nữ tín hữu đang cố gắng tiến bước trên đường đạo. Đức Mẹ nhắc nhở:
“Con ôi! Phụ nữ đời gọi rằng phái yếu thì tất cả mọi sự đều yếu, nhứt là nhẹ dạ non lòng, nghe đây nghe đó, rồi không định được bổn phận tu hành, để lỗi đạo với gia đình, lỗi niềm cốt nhục, thì sự tu đâu đủ bù sớt lại lỗi kia.
Mẹ khuyên các con, duyên nghiệp đã đưa vào cảnh nào phải cam lòng trong cảnh ấy, và học gương Diệu Thiện,([37]) Lưu Hương để cảm hóa gia đình cùng chung trong đường đạo đức, đứng đi minh bạch, hành sự đoan chánh, tu học phải lối trúng đường, đó là các con biết tìm về với Mẹ.” ([38])
“Duyên nghiệp đã đưa vào cảnh nào phải cam lòng trong cảnh ấy”, điều này không có nghĩa là Đức Mẹ bảo nữ phái phải cúi đầu cam chịu, buông xuôi cho số phận đưa đẩy để rồi phần tâm linh bị chìm đắm trong vòng xoáy cuộc đời, trong tăm tối vô minh, mà chính là Mẹ dạy nữ phái hãy an thuận theo quả duyên để chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ, dùng đức hy sinh nhu thuận của mình mà cảm hóa gia đình vào đường đạo đức.
Cuộc đời của tiền bối Võ Thị Chỉnh, quả vị Thể Liên Tiên Nữ,([39]) là một tấm gương điển hình về đức kham nhẫn, an thuận quả duyên để độ dẫn gia đình vào đường tu hành.
Tiền bối sinh năm Nhâm Thìn (1892) tại làng An Hòa, (nay là xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới), tỉnh Long Xuyên. Vì nghèo, cha mẹ tiền bối dọn về Rạch Giá sinh sống. Tại Rạch Giá, tiền bối kết hôn với ông Nguyễn Hữu Niệm (1890-1933). Hai ông bà sinh được sáu người con (Nguyễn Thị Cụm, Nguyễn Hữu Kiển, Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Trọng, và Nguyễn Thị Liên Hoa).
Tiền bối rất ngưỡng mộ đạo Cao Đài. Tuy nhiên, tiền bối phải trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại mới thuyết phục được gia đình chồng cho tiền bối nhập môn Cao Đài ngày 04-6-1928, tại thánh thất Kiên Giang (Rạch Giá).
Quá trình tu hành của tiền bối gặp lắm gian nan trở ngại. Vì gia đình chồng không theo Đạo nên tiền bối không thể lập trang thờ Đức Cao Đài tại nhà. Tiền bối chỉ có một bức hình Thiên Nhãn nhỏ, mỗi khi cúng tứ thời mới lấy ra đặt vào một nơi kín đáo để làm lễ, sau đó lại cất kỹ.
Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý cho biết:
“Ngôi Chị Thể Liên Tiên Nữ đã phải trải qua vô vàn khó khăn chật vật, khi phải cười ra nước mắt, lúc khóc nghẹn trong lòng. Trước cảnh đời trớ trêu, điên đảo, Ngôi Chị vẫn giữ trọn niềm tin về Thượng Đế, như lời Đức Lý Thái Bạch đã ban khen:
Nhứt tâm tín ngưỡng Cao Đài
Ghe phen ([40]) sấm sét chẳng lay chẳng sờn
Liễu phàm ([41]) Thầy lại ban ơn
Độ cho người thấy noi gương tu hành.([42])
Tiền bối vẫn luôn chu toàn bổn phận dâu con, bổn phận làm vợ, làm mẹ và đã độ được các con vào đường Đạo. Tiền bối sanh được bốn gái, hai trai và cả hai người con trai trở thành đồng tử Chơn Tâm và đồng tử Tường Khánh của đàn Định Tường - Kiên Giang.
Tiền bối là người có trí huệ sáng suốt. Tuy mới nhập môn vào Đạo nhưng trong các dịp trao đổi về kinh kệ và giáo lý, tiền bối đều tỏ ra thông suốt và được nhiều người kính phục. Do đó, tiền bối sớm tạo được nhiều uy tín đối với mọi người trong Đạo, từ cấp tín hữu đến hàng chức sắc.
Tiền bối được Đức Chí Tôn phong phẩm vị Lễ Sanh Cung Diêu. Tiền bối chỉ hành đạo được hai năm thì quy thiên ngày 13-2 Canh Ngọ (thứ Tư 12-3-1930), mới ba mươi tám tuổi. Ngay sau đó tiền bối được Đức Chí Tôn ban quả vị là Nữ Phước Thần Thể Liên Tiên Nữ.
Tiền bối giáng đàn cho biết lẽ ra đã liễu đạo vào năm ba mươi sáu tuổi là năm tiền bối nhập môn Cao Đài; nhưng vì tiền bối có tấm lòng mộ đạo, quyết chí tu hành nên được Ơn Trên gia tăng tuổi thọ thêm hai năm nữa, để tiền bối có thời gian truyền đạo và phổ độ nhơn sanh, sau đó mới triệu hồi về trời:
Vì thấy thành tâm cầu Đại Đạo
Thưởng thêm hai tuổi triệu hồi thiên.([43])
Qua những mẩu chuyện người thật việc thật trên đây, chúng ta có thể thấy rằng, để có thể thực hiện được bốn chữ an thuận quả duyên, con người cần phải có đại hùng, đại lực và đại bi.
Sống trên thế gian, mấy ai được hưởng trọn vẹn hạnh phúc an bình. Tuy nhiên, nếu hiểu được rốt ráo lý nhân quả và biết sống kham nhẫn, an thuận theo quả duyên mà hành đạo tu trì thì chúng ta sẽ cảm thấy đỡ khổ đau hơn trong nghịch cảnh và cuộc đời cũng sẽ dần dần trở nên tươi sáng hơn.
Riêng đối với những ai đã may mắn gặp được nhiều thuận duyên trong cuộc sống nhờ tiền kiếp biết gieo nhân lành, Đức Chí Tôn khuyên nhủ hãy noi theo lòng Từ Phụ mà dang tay giúp đỡ những người bất hạnh:
“Các con phải noi theo lòng từ bi của Thầy mà ban vui cứu khổ cho muôn loài vạn vật. Khi các con gặp một đứa nào đang bị trả quả, thì bổn phận các con phải xót thương lo liệu, cứu giúp kẻ ấy.
Trước kia, Phật có dạy rằng con hãy giúp đỡ người cần giúp đỡ, con hãy vỗ về những người đang buồn thảm, hễ con giúp người, tới phiên con thì người giúp lại.” ([44])
*
Trong câu chuyện về gương tu của tiền bối Diệu Chơn Tịnh, bài viết này có liên hệ tới một vài trường hợp an thuận quả duyên của các bậc nữ lưu trong Đại Đạo.
Thế gian xưa nay vẫn hay ví phụ nữ là hoa. Có điều đáng lưu ý, những đóa hoa chúng ta vừa gặp trong câu chuyện này phải chăng đã không mọc lên và trổ sắc tỏa hương từ lòng đất mẹ phì nhiêu màu mỡ?
Bên Nam Phi có loài hoa đá (lithops) ([45]) nhụy vàng, cánh hoa hoặc vàng tươi, hoặc trắng muốt. Gọi là hoa đá vì thân hoa có hình thù và màu sắc trông hệt như hòn đá nứt ra để trổ bông.([46]) Thật vậy, để tồn sinh, không bị một số động vật ăn, hoa ngụy trang” cho hình thù, kích cỡ, màu sắc giống với lớp sỏi đá trên mặt đất bao quanh nơi hoa mọc. Thế nên người Anh còn gọi hoa này là pebble plants, stone plants, hay flowering stones tức là đá trổ hoa
Điểm đặc biệt là hoa đá mọc giữa vùng sỏi đá khô cằn của Nam Phi. Có nơi lượng mưa suốt cả năm bình quân chưa tới 50mm mỗi tháng. Có một loại hoa đá vì vậy chủ yếu chỉ sống nhờ vào hơi sương.([47]) Thế mà loài hoa này vẫn cung hiến những cánh hoa thắm tươi rực rỡ để tô điểm cuộc đời. Đó cũng chính là hình ảnh của những con người biết an thuận quả duyên, bền chí tu trì để mang đến cho mình và cho mọi người một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các bậc chân tu nữ phái mà chúng ta vừa biết tới trong câu chuyện này quả thật là những hoa đá mỹ miều. Bởi lẽ nghịch cảnh trái ngang của từng vị nữ tu ấy xét ra nào có khác chi lớp đất cằn cỗi khô hạn đầy đá sỏi của Nam Phi. Vậy mà hoa vẫn nở đẹp và thơm hương giữa đời đấy thôi. Bằng đại hùng đại lực, an thuận quả duyên, các vị bền chí tu trì để cuối cùng những mảnh đời phàm phu khổ đau được thăng hoa thành Thần Nữ, Thánh Nữ, Tiên Nữ, Tiên Cô… đem huyền linh diệu pháp cộng tác cùng Trời Phật trong công cuộc cứu độ quần sinh giữa thời nguơn hạ.
Người xưa đã an thuận quả duyên để viên thành đạo quả, hy vọng rằng người tiếp bước đi sau cũng sẽ làm được như thế.
Nhuận sắc 26-3-2014
DIỆU NGUYÊN



([1]) Giáo sở trung ương là Trung Hưng Bửu Tòa, số 63 đường Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
([2]) Giáo sở trung ương là Tam Tông Miếu, số 82 Cao Thắng, quận 3, TpHCM. (Xem phụ bản 1.)
([3]) Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu (08-7-1981).
([4]) Đạo Minh Lý được Ơn Trên chuẩn bị tại Sài Gòn từ năm 1920, chánh thức hình thành ngày 23-12-1924. Phương tiện Ơn Trên dạy đạo là cơ bút. Môn sanh nam nữ mặc đạo phục màu đen.
Mười hai vị tiền bối khai đạo Minh Lý gồm có:
[1] Tiền bối Âu Kích (1896-1941), tự Âu Kiệt Lâm, thánh danh Minh Chánh, đắc quả Chưởng Pháp Thiên Quân, hay Chưởng Pháp Khai Đạo Thiên Quân, rồi thăng Giám Đàn Chơn Quân, sau đó là Minh Chánh Hộ Pháp.
[2] Tiền bối Nguyễn Văn Xưng (1891-1957), thánh danh Minh Giáo, đắc quả Minh Chiếu Chơn Quân.
[3] Tiền bối Nguyễn Văn Đề (1893-1925), thánh danh Minh Đạo, đắc quả Chưởng Đạo Thiên Quân, sau đó thăng Khai Thiền Chơn Nhơn.
[4] Tiền bối Lê Văn Ngọc (1887-1965), thánh danh Minh Truyền, đắc quả Bảo Đức Chơn Nhơn.
[5] Tiền bối Nguyễn Văn Miết (1897-1972), thánh danh Minh Thiện, đắc quả Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát.
[6] Tiền bối Võ Văn Thạnh (1895-1976), thánh danh Minh Trực, sau khi thoát xác đã về chầu Tam Giáo Tổ Sư.
[7] Tiền bối Nguyễn Hữu Hay (1899-1961), pháp danh Chơn Thành, thánh danh Minh Đàm, đắc quả Quảng Tế Chơn Nhơn.
[8] Tiền bối Nguyễn Văn Hoài (1904-1945), pháp danh Chơn Đơn, thánh danh Minh Đức, đắc quả Ly Cấu Chơn Nhơn.
[9] Tiền bối Nguyễn Minh Đức (1884-1964), pháp danh Chơn Hương, thánh danh Minh Hóa, đắc quả Minh Quang Chơn Thánh.
[10] Tiền bối Lê Kim Bằng (1885-1967), pháp danh Chơn Tánh, thánh danh Minh Ngôn, đắc quả Phổ Thiện Chơn Nhơn.
[11] Tiền bối Trương Văn Ký (1907-1984), pháp danh Chơn Hi, thánh danh Minh Hạnh, đắc quả Đăng Minh Chơn Nhơn.
[12] Tiền bối Lâm Thiên Hứa (1907-1994), pháp danh Chí Huệ, thánh danh Minh Cường, đắc quả Hạnh Nguyên Chơn Thiền.
Đạo Minh Lý có tư cách pháp nhân từ tháng 10-2008.
([5]) Thập Nhị Nữ Sứ Đồ gồm có:
[1] Tiền bối Diệu Chơn Minh (Nguyễn Thị Nguyệt Yển, 1917-2002), đắc quả Lợi Kiến Thiền Cô.
[2] Tiền bối Diệu Chơn Diệu (Lý Thị Trinh, 1912-1997), đắc quả Giác Âm Đạo Cô.
[3] Tiền bối Diệu Chơn Sắc (Trần Thị Nhãn, 1919-2007), sau khi thoát xác đã về thẳng cung Quảng Hàn.
[4] Tiền bối Diệu Chơn Tâm (Nguyễn Thị Trinh, 1922-2000), sau khi thoát xác được về Ly Cấu Địa.
[5] Tiền bối Diệu Chơn Trừng (Đỗ Thị Tình, 1910-1988), đắc quả Kiên Cần Thiên Thần.
[6] Tiền bối Diệu Chơn Tịch (Từ Thị Hoa, 1921-1996), đắc quả Hạnh Lâm Nương Nương.
[7] Tiền bối Diệu Chơn Ngộ (Lê Thoại Ba, 1916-1997), đắc quả Phấn Tấn Đạo Cô.
[9] Tiền bối Diệu Chơn Không (Lữ Thị Quới, 1919-2009), đắc quả Phục Nguyên Địa Thánh.
[8] Tiền bối Diệu Chơn Chơn (Nguyễn Thị Xạ, 1922-2002), đắc quả Diệt Nghiệp Đạo Cô.
[10] Tiền bối Diệu Chơn Tánh (Lê Thị Chất, 1905-1992), sau khi thoát xác được về Ly Cấu Địa.
[11] Tiền bối Diệu Chơn Tịnh (Lê Kim Ngọc, 1918-1998), đắc quả Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô.
[12] Tiền bối Diệu Chơn Tinh (Nguyễn Thị Mai, 1934-2005), đắc quả Ứng Thông Đồng Tử.
([6]) Giáo dân vi thiện: Dạy dân chúng làm lành.
Tế chúng độ nhân: Tế độ chúng nhân; cứu giúp chúng sinh, cứu giúp người đời.
([7]) Công hạnh túc căn: Nền tảng đầy đủ về công đức và đạo hạnh. (Căn là gốc rễ, nền tảng. Túc là đầy đủ.)
([8]) Cầu phát liễu sanh: Cầu mong thoát khỏi luân hồi sanh tử, không tái sanh nữa.
([9]) Thanh tâm đoạn dục: Giữ lòng thanh tịnh trong sạch, cắt đứt mọi ham muốn.
([10]) Tùng pháp chế luyện kim đơn: Thực hành đúng theo pháp môn công phu tu thiền, tịnh luyện.
([11]) Khai th: Mở trí người khác và dạy bảo cho họ hiểu biết. Có thể xem là cùng nghĩa với khi th: Dạy cho người hết vô minh; hé lộ, dạy cho con người biết lẽ huyền vi. Tự tâm khai thị: Tự lòng mình suy gẫm mà khai mở trí huệ, thấu hiểu tường tận lẽ đạo; tức là không có người nào dạy mà tự mở trí nên hiểu biết, kinh điển nhà Phật gọi đây là vô sư trí.
([12]) Trung phẩm thánh vị: Quả vị thiêng liêng bậc trung trong ba bậc (thượng, trung, hạ). Ở đây thánh có nghĩa là thiêng liêng (holy), như khi nói thánh lịnh, thánh ngôn, thánh giáo…
([13]) Bát Tiên: Thiết Quải Lý, Hán Chung Ly (Chung Ly Quyền), Lữ Động Tân, Trương Quả Lão, Hà Tiên Cô (nữ), Tào Quốc Cữu, Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa (không rõ là nam hay nữ, có tranh vẽ là nữ, cầm giỏ hoa; có tranh vẽ nam). Họa sĩ thường vẽ Hà Tiên Cô cầm cành hoa sen. (Xem phụ bản 6.)

PHỤ BẢN 6

([14]) Bảy vị là học trò của Tổ Sư Vương Trùng Dương, gồm có: Mã Ngọc, Đàm Xứ Đoan, Lưu Xứ Huyền, Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất, Hác Đại Thông, và Tôn Uyên Trinh (vợ của Mã Ngọc, đạo hiệu Tôn Bất Nhị).
Xem thêm: Lê Anh Minh (dịch & chú), Thất Chân Nhân Quả; Huệ Khải, Đọc Lại Thất Chân Nhân Quả. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, 2013. Quyển 34-3 và 44-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([15]) Tiền bối thế danh là Lê Văn Lợi (1905-1995), pháp danh Chí Quảng, thánh danh Khai Minh, được Tam Giáo Tòa ban phong trách vụ Tổng Lý Định Pháp của Hội Thánh Minh Lý trong đàn cơ tại Minh Lý Thánh Hội ngày 05-01-1994, đắc quả Bình Đẳng Diệu Quan Chơn Nhơn.
([16]) Thế danh Nguyễn Văn Nhương (1917-2003), pháp danh Thanh Minh, thánh danh Tường Pháp.
([17]) Lục thân: Sáu hạng người thân thích, gồm: cha, mẹ, anh (chị), em (trai, gái), vợ (chồng) và con cái.
([18]) Cũng bởi lý lẽ này, Chương 22 trong Thất Chân Nhân Quả nói rằng Đại Đạo bất luyến tình.
([19]) Thân thể có da có thịt nhờ thọ hưởng từ cha mẹ, không dám hủy hoại, đó là điều đầu tiên của đạo hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh hậu thế, để rạng rỡ mẹ cha, đó là điều sau cùng của đạo hiếu. (Hiếu Kinh)
([20]) Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Tịnh Đường, 23-10 Quý Mão (08-12-1963).
([21]) Xem thêm: Huệ Khải, Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013. Quyển 52-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([22]) Xem phụ bản 2.
([23]) Thế danh là Đàm Thi (1917-1998), thánh danh khi tu bên Cao Đài là Liên Hoa, thánh danh khi tu bên Minh Lý Đạo là Khai Tịch, đắc quả Tiếp Cơ Vệ Pháp Chơn Quân, sau thăng Hộ Pháp.
([24]) Tiểu Sử Bà Diệu Chơn Tịnh, do hiền tỷ Nguyệt Quế biên soạn.
([25]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-01 Kỷ Mùi.
([26]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 19-8 Tân Hợi (07-10-1971).
([27]) Minh Lý Thánh Hội, 01-7 Nhâm Tý (09-8-1972).
([28]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 09-5 Quý Sửu (09-6-1973).
([29]) Thánh tịnh Ngọc Linh, 29-8 Kỷ Hợi (01-10-1959).
([30]) Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I, 1961, tr. 72.
([31]) Thánh giáo Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
([32]) Minh Lý Thánh Hội, 03-01 Canh Tuất (08-02-1970).
([33]) Minh Lý Thánh Hội, 19-9 Mậu Thân (09-11-1968).
([34]) Vô tài chi thất thí: Bảy phương cách bố thí không tốn tiền (theo Tạp Bảo Tạng Kinh).
([35]) Lá thư cuối cùng, ngày 21-4-1969, trong tập di bút.
([36]) When fate hands you a lemon, make lemonade.
([37]) Công chúa Diệu Thiện là một kiếp của Bồ Tát Quan Âm. Trong dân gian Việt Nam, phổ biến một truyện thơ thường được gọi là: Phật Bà Quan Âm Diễn Ca, Nam Hải Quan Thế Âm Sự Tích Diễn Ca, hay là Truyện Phật Bà Chùa Hương… Theo bản in của nhà in Phúc Chi (Hà Nội, 1950), truyện dài 1.424 câu lục bát, bốn câu mở đầu như sau:
Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
([38]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-3 Bính Ngọ (05-4-1966).
([39]) Xem phụ bản 4.
([40]) Ghe phen: Nhiều phen.
([41]) Liễu phàm: Sau khi thoát xác, xong rồi kiếp sống ở trần.
([42]) Trích Bài Mừng Nữ Phước Thần, Kinh Nhựt Thời, của Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý, tr. 28.
([43]) Trích trong Khể Thủ Lịch Trần của Ngôi Chị Thể Liên, trong quyển Bách Linh Cơ Sám do Ngôi Chị giáng bút, Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý ấn hành năm 2000.
([44]) Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I, 1961, tr. 72.
([45]) Tên hoa là lithops, có gốc từ Hy Lạp lithos nghĩa là đá (stone). Người Anh còn gọi loài hoa này là living stones, do đó người Hoa gọi là sinh thạch hoa 生石花. (Xem phụ bản 7.)

PHỤ BẢN 7

([46]) Thân hoa tách ra làm hai lá mọng nước, kết hợp thành một khối hình nón lộn ngược đầu. Khe nứt phía trên là chỗ phân ra hai lá. (The body of the plant is divided into two succulent leaves fused together in the shape of an inverted cone. The fissure or slit at the top of the plant is the division of the two leaves.) Theo Nick Rowlette, A Guide to the Cultivation of Lithops (http://www.lithops.info).
([47]) Ở nơi lượng mưa quá thấp, thậm chí có loại hoa đá chỉ sống nhờ vào sương mù là nguồn chủ yếu cung cấp hơi ẩm cho hoa. (In an extreme situation of low rainfall, at least one species of Lithops depends on mist or fog to provide its main source of moisture.) Theo Nick Rowlette, A Guide to the Cultivation of Lithops (http://www.lithops.info).
Có thể tham khảo thêm 
http://en.wikipedia.org/wiki/Lithops.




Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)