Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

06/ ĐỨC THỊNH THỜI HƯNG / ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN


ĐỨC THỊNH THỜI HƯNG

Ngày xưa, ở Trung Hoa và Việt Nam ta, ai muốn ra làm quan phải trải qua các kỳ thi do triều đình tổ chức. Có nhiều người chuyên tâm dồi mài kinh sử mong đến ngày thi đỗ làm quan để vừa mang lại vinh hiển cho bản thân và dòng tộc, vừa đem tài phục vụ cho đất nước, thế nhưng đi thi năm lần bảy lượt vẫn không đậu, mặc dù là người có thực tài, văn hay chữ tốt, học vấn uyên thâm. Dân gian bảo rằng những người ấy có tài nhưng không gặp thời.
Ngược lại, có nhiều người học hành đỗ đạt và ngày càng được thăng quan tiến chức, hoặc có người làm ăn phát đạt, sự nghiệp kinh doanh ngày một phát triển. Dân gian bảo rằng những người ấy đang gặp thời hay đang có thời.
Vậy, vì sao người thì gặp thời, người lại không gặp thời? Người xưa nói: Mạng lý hữu thời chung tu hữu; mạng lý vô thời mạc cưỡng cầu. (Số mạng có thời, thì rốt cuộc phải có; số mạng không có thời, thì chớ gắng gượng cầu mong.)
Ngày nay, Kinh Sám Hối trong đạo Cao Đài dạy:
Cuộc danh lợi là phần thưởng quý
Đấng Hóa Công xét kỹ ban ơn
Lòng đừng so thiệt tính hơn
Ngày đêm than thở dạ hờn ích chi.
Người sang cả là vì duyên trước
Kẻ không phần luống ước cầu may…
Vậy, rốt lại là chữ thời tùy thuộc vào điều gì? Phải chăng là do số mạng đã định sẵn như câu nói người xưa? Hay do Đấng Hóa Công xét kỹ ban ơn như lời Kinh Sám Hối, và nếu thế, thì Ngài xét kỹ dựa trên tiêu chuẩn nào?
Trong một lần giáng đàn tại Minh Lý Thánh Hội, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư giảng giải như sau: Theo thói thường của thế nhân, họ cho rằng chữ thời do số mạng đã định sẵn, ngồi không chờ thời vận đưa đến, vì họ xem tích Khương Thượng ngồi câu nơi sông Vị. Chỉ nhợ câu, chẳng lưỡi câu và cũng chẳng mồi. Khi thời vận đến vẫn bắt được cá. Cười…([1])
Trong lời dạy này, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư nhắc đến sự tích Ngài Khương Thượng ngồi câu nơi sông Vị. Nhân đây xin được nhắc lại đôi nét về Ngài.
Đức Khương Thượng tự là Tử Nha nên còn được gọi là Khương Tử Nha. Ngày nay trong đạo Cao Đài, Ngài được thờ kính trên Thiên Bàn trong hàng Ngũ Chi Đại Đạo ở vị trí Giáo Chủ Thần Đạo và có hồng danh là Thái Công Tướng Phụ Quản Pháp Thiên Tôn bởi lẽ khi phò nhà Châu, Ngài được Châu Võ Vương (con Châu Văn Vương) phong chức Thái Công, và được vua gọi là Thượng Phụ hay Tướng Phụ (cha nuôi). Ngài là Đấng thiêng liêng nắm giữ pháp môn trên Thiên Đình nên Ngài là Quản Pháp Thiên Tôn. (Quản có nghĩa là quản lý, nắm giữ trong tay.)
Chúng ta biết được điều này nhờ vào lời dạy của Đức Quan Âm Bồ Tát: Hiện thời, Ngài [Quản Pháp Thiên Tôn] đang nắm pháp trong tay, nếu chư hiền đệ muội có duyên với Ngài, Ngài sẽ ban pháp cho mà lập công bồi đức. Đó là một điều đại hạnh cho chư hiền đệ muội.([2])
Đức Khương Thái Công dạy: (N)hiều chư đệ muội than phiền khi hầu đàn gặp Lão không được an tọa. Điều ấy Lão có muốn làm chi, nhưng vì trong tay Lão nắm không biết nhiêu pháp của Thiên Đình, bởi thế, các Đấng Thần Tiên trước Lão còn phải thủ lễ thay, huống chi chư hiền đệ muội.([3])
Theo sử sách, Đức Khương Thượng sinh vào thế kỷ 12 trước Công Nguyên (TCN), đời nhà Thương bên Trung Hoa. Năm ba mươi hai tuổi, Ngài lên núi Côn Lôn học đạo với Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn hơn bốn mươi năm không biết đến việc trần tục nữa.
Vua Trụ nhà Thương ([4]) đắm mê tửu sắc bỏ bê việc triều chính, lại nghe theo lời Đát Kỷ bày ra các hình phạt vô cùng khắc nghiệt như hầm rắn, cột đồng nung lửa… Các trung thần can gián đều bị xử tử, lê dân đồ thán, vận nước suy vi… Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn mới hạ lịnh cho Ngài Khương Tử Nha xuống núi phò nhà Châu (một nước chư hầu) để phạt Trụ, lập bảng Phong Thần. Ngài Tử Nha ngồi buông câu bên sông Vị hết ngày này sang ngày khác chờ thời vận ra giúp nhà Châu phạt Trụ.
Một hôm có người tiều phu phát hiện rằng lưỡi câu của Ngài không uốn cong và không có ngạnh bén thì chế giễu. Ngài bảo: “Ta câu thời câu vận chứ nào phải câu cá câu tôm.”
Đức Khương Thượng là bậc đã tu hành đắc đạo nên Ngài câu thời câu vận nào phải vì mong được hưởng vinh hoa phú quý chốn thế gian mà là để thực hiện sứ mạng phò Châu phạt Trụ. Thế nên, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy tiếp: Hiểu rằng thời của Khương Thượng là sai lầm, mà chính là thời của vì vương gặp lúc vượng khí, nhưng họ nào hiểu rằng chính vì vương ấy có đức thì khí mới vượng, thời mới hưng. Nếu ở không ngồi rồi mà đợi thời thì thời tự đâu mà đến? ([5])

Vị vương mà Đức Vạn Hạnh Thiền Sư nói đến chính là Văn Vương nhà Châu, một vì vua hiền đức luôn yêu thương nhân dân. Nhờ cái đức ấy mà nhà Châu mới hưng thịnh và thời vận mới đến để nhà Châu có được Đức Khương Thượng phò tá hưng Châu phạt Trụ, lập nên đế nghiệp nhà Châu kéo dài 867 năm, là triều đại tồn tại lâu dài nhất Trung Hoa.
Sách xưa kể rằng Văn Vương muốn lập một cái Linh Đài để xem thiên văn và bói Dịch, biết việc dữ lành trong nước. Ngài sai quan đại phu Táng Nghi Sanh treo bảng tuyển lựa nhân công, ghi rằng dân chúng đến làm sẽ được trả hai chỉ bạc mỗi ngày, ai không muốn làm thì thôi, không bắt buộc.
Nhân dân bàn với nhau: “Bởi đại vương nhân đức nên chúng ta mới được thảnh thơi, mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì về ngủ, khỏi lo ly loạn, vui thái bình. Nay đại vương muốn cất Linh Đài để xem việc dữ lành trong nước, chúng ta phải góp công góp sức mà làm, cần gì phải trả tiền công.”
Bàn luận xong, dân chúng cử người thay mặt đến xin yết kiến Táng Nghi Sanh và thưa: “Chúng tôi xin góp sức làm xong Linh Đài, không lấy đồng tiền công nào hết.”
Táng Nghi Sanh vào tâu lại, Văn Vương không bằng lòng, ép dân chúng phải nhận tiền. Dân chúng mến đức vô cùng, dốc hết sức mình đua nhau làm rất hăng, chỉ trong mười ngày, một cái đài nguy nga đã lập xong.
Văn Vương dẫn bá quan ra xem thấy đài cao hai trượng, chạm trổ đâu đấy rất tinh vi, vẻ huy hoàng không thể tưởng tượng được.
Tuy nhiên nét mặt Văn Vương vẫn không vui. Táng Nghi Sanh thấy vậy hỏi: “Linh Đài đã lập thành, vì ý gì Chúa Công buồn bực?”
Văn Vương nói: “Ta muốn đào thêm trước sân Linh Đài một cái ao nữa cho đủ âm dương, song sợ sức dân mệt nhọc.”
Táng Nghi Sanh nói: “Lập cái đài công lao bằng mười lần mà chỉ làm trong mấy bữa, thì đào cái ao phỏng có bao nhiêu công mà Chúa Công ngần ngại.”
Văn Vương nói: “Cái ao phải đào sâu bằng chiều cao Linh Đài, để thủy hỏa bằng nhau.”
Dân chúng nghe Văn Vương có lòng thương dân như vậy xúm nhau đến yết kiến Táng Nghi Sanh, nói: “Việc đào ao công phu có bao nhiêu mà Chúa Công lo lắng.” Nói rồi chia thành toán, người hì hục đào, kẻ xúc đất, vô cùng hăng hái.
Khi hầm sâu độ một thước, dân chúng gặp những bộ xương khô trắng hếu, chẳng biết chôn từ đời nào, liền móc quăng lên.
Văn Vương trông thấy hỏi: “Vật gì trắng hếu như vậy?”
Dân chúng thưa: “Ðó là những bộ xương người chẳng biết của ai.”
Văn Vương nói: “Phải sắp theo từng bộ, để tẩn liệm, chôn cất hẳn hoi, không nên khinh thường.”
Dân chúng tâu: “Ðó là những nắm xương vô chủ, còn quý trọng làm gì!”
Văn Vương nói: “Quý trọng cái mà không ai biết quý trọng mới là con người có đạo.”
Nói rồi truyền mua quan quách, bao nhiêu xương trắng được chôn cất tử tế.
Thấy bộ xương khô mà vua còn thương huống chi người sống. Dân chúng ai nấy đều cảm kích, nên việc đào ao chỉ vài hôm là hoàn thành.([6])
Về sau, trước khi mất, Văn Vương không quên dặn dò con trai là Cơ Phát: “Làm người chỉ có đạo là lớn, mà lỗi đạo là không nên người. Hễ thấy việc lành thì làm ngay, thấy việc quấy thì xa tránh. Nghe việc phải chớ nên chần chờ. Ðó là ba điều để trau mình, trị dân, cứu nước. Con nhớ lời cha dạy, dầu thác cha cũng vui.” ([7])
Trong lịch sử các quốc gia cũng như lịch sử nước nhà, khi các bậc lãnh đạo quốc gia là người hiền đức biết yêu thương nhân dân thì vận nước được hưng thịnh, quốc gia được thái bình âu ca. Thế nên Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy rằng chính vì vương ấy có đức thì khí mới vượng, thời mới hưng.
Đất nước Việt Nam ta vào các triều đại đầu nhà Lý cũng rất hưng thịnh nhờ có các vì vua hiền đức như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông.
Sách Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953) viết:
Lý Thánh Tông là một ông vua nhân từ, có lòng thương dân; một năm trời làm rét lắm, Thánh Tông bảo những quan hầu gần rằng: “Trẫm ở trong cung ăn mặc như thế này còn rét, nghĩ những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm.” Nói rồi truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn. Lại có một hôm Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi.”
Vua Thánh Tông có lòng nhân đức như thế, cho nên trăm họ mến phục, trong đời Ngài làm vua ít có giặc giã. Ngài lại có ý muốn khai hóa sự văn học, lập Văn Miếu, làm tượng Chu Công, Khổng Tử và bảy mươi hai tiên hiền để thờ. Nước ta có Văn Miếu thờ Khổng Tử và chư hiền khởi đầu từ đấy.([8])
Ngược lại, các vì vua kém đức, không biết tu dưỡng bản thân và chăm lo việc triều chính thì lê dân thống khổ, vận nước suy tàn. Chẳng hạn như vua Lý Cao Tông lên ngôi vua lúc mới có ba tuổi, may nhờ có quan Thái Phó Tô Hiến Thành (1102-1179) là bậc hiền thần trung tín đủ tài thao lược làm nhiếp chính giúp vua trị nước an dân, nhưng: Đến khi Cao Tông lớn lên cầm quyền trị nước, thì cứ hay đi săn bắn chơi bời, làm cung xây điện, bắt trăm họ phải phục dịch khổ sở. Ngoài biên giới thì quân mường thổ bên Tàu sang quấy nhiễu ở phía bắc, người Chiêm Thành sang đánh ở phía nam; trong nước thì trộm cướp nổi lên như ong dấy. Vua tôi không ai lo nghĩ gì đến việc chính trị, chỉ làm những việc nhũng lạm, mua quan bán chức, hà hiếp nhân dân, lấy tiền để làm những việc xa xỉ.([9]) Triều đại nhà Lý bắt đầu suy tàn từ đấy.
Qua đó, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của đạo đức đối với sự hưng vong của một quốc gia dân tộc. Thế nên ngày nay, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy rằng đạo đức là siêu chánh trị:
(N)hững người trong cửa đạo từ lâu không dám bàn đến hai tiếng chánh trị vì quan niệm rằng chánh trị là có lập phe lập đảng, có tranh bá đồ vương, có giựt giành quyền thế. Tại hiểu như vậy nên không dám nghĩ và bàn đến hai tiếng ấy. Thật nghĩa của nó là cao quý biết bao!
Định nghĩa: Chánh là chánh trực, quang minh, ngay thẳng, đúng đắn, có nhân nghĩa đạo đức và háo sinh. Trị là an ninh, bảo tồn trật tự, hòa thuận dưới trên. (…)
Ngày nay cũng như từ bao giờ, những phần tử tốt, tu hành chân chính trong cửa đạo hằng hoàn thiện hóa từ nội tâm đến ngoại thể con người mình cho đúng với hai chữ đạo đức. Đó là phần vụ tu thân. Còn phần lập công bồi đức là việc tế nhân độ thế, làm những công việc xã hội từ thiện, lấy lý đạo lồng vào việc làm để tỉnh thức kẻ tội lỗi hung ác trở lại đường thiện lương thuần mỹ, giáo dân vi thiện.
Độ được một người vào cửa thiện là giảm đi một phần tử xấu của quốc gia. Độ được một người biết làm công việc giáo dân vi thiện là đã bớt đi hàng trăm phần tử xấu của quốc gia. Nếu độ được trăm ngàn muôn triệu người như vậy thì một quốc gia đã giảm đi rất nhiều khám đường và sẽ chuyển những cơ sở ấy lại thành giáo đường. Như vậy không phải đạo đức là siêu chánh trị hay sao?
Nếu mỗi người thương nhau trong tình đạo hữu, trong tình anh chị em cùng một Cha chung Thượng Đế, lo dìu dẫn nhau, bảo trợ nhau, dạy dỗ nhau như người cùng ruột thịt thì xã hội quốc gia đương nhiên an bình, dân tình được lạc nghiệp. (…) Được thạnh trị nhờ chữ chánh: chánh tâm, chánh trực, chánh tín. Từ lớn chí nhỏ, từ quan chí dân, từ kẻ sĩ phu tới hàng cùng đinh mà được chánh thì lo gì không thạnh trị an ninh, quốc gia cường thịnh, xã hội thanh bình. Đó không phải đạo đức là siêu chánh trị hay sao?
Người làm đạo đức là làm chánh trị trong tình thương, giáo dục và bảo tồn.([10])
Đó là đạo đức ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia.
Đạo đức cũng ảnh hưởng đến sự hưng vong của một tổ chức, nhất là đức của người lãnh đạo, bậc hướng đạo, quyết định phần lớn sự thành công của tổ chức. Đức Ngọc Lịch Nguyệt Đại Tiên đã có lần nhắc nhở các vị hướng đạo trong Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam như sau:
“Trong tổ chức Nữ Chung Hòa cũng như tổ chức Cơ Quan, v.v… mỗi người một việc, nhưng người Tổng Lý, Chủ Tịch hay Hội Trưởng, v.v… có đức độ bao trùm cho tổ chức đó thì những nhân viên cộng sự có tài cán tổ chức hoạt động mới được vững vàng. Nếu bộ phận đầu não thiếu phước đức che chở, dầu các cộng sự có tài cũng không thể nào kết quả trọn vẹn vậy.” ([11])
Đạo đức của mỗi cá nhân cũng là yếu tố quyết định đối với thời vận của từng cá thể con người.


Địch Nhân Kiệt (630-700) thành danh vào đời nhà Đường. Thuở còn trẻ, ra kinh thành dự thi, dọc đường Địch Nhân Kiệt ghé vào quán trọ nghỉ ngơi. Trong đêm có một góa phụ trẻ đẹp lén đến gặp ông ở phòng ngủ, lả lơi quyến rũ. Ông sắp sa ngã song cưỡng lại được vì nhớ đến câu Hoàng Thiên bất khả khi (không thể lừa dối Trời). Thế là ông ứng khẩu đọc cho nàng nghe bốn câu thơ như sau:
Mỹ sắc nhân gian chí lạc xuân
Ngã dâm nhân phụ, phụ dâm nhân
Nhược tương mỹ sắc tư vong phụ
Biến thể thư toàn diệt sắc tâm.
Bài thơ của Địch Nhân Kiệt tạm diễn nghĩa như sau:
Sắc đẹp đàn bà cho cái thú rất sướng vui trên đời / Nhưng ta gian dâm vợ người khác thì (quả báo là) vợ ta cũng sẽ gian dâm kẻ khác / Trước sắc đẹp nếu nghĩ tới chuyện sẽ mất vợ (vì vợ gian dâm kẻ khác) / Và toàn thân bị giòi đục khoét (khi chết, sắc đẹp chẳng còn) thì diệt được lòng hiếu sắc.
Người đẹp không hiểu, xin ông giải thích bài thơ. Nghe cắt nghĩa xong thì nàng hối hận, xin ông tha lỗi rồi chào ra về.
Hôm sau tại triều đình, vua Đường Thái Tông hỏi quân sư Lý Thuần Phong xem kỳ này ai đậu trạng nguyên. Đạo sĩ Lý Thuần Phong về nhà làm lễ rồi xuất hồn lên Thiên Đình. Sau đó ông vào triều tâu rằng bảng trên trời ghi sáu chữ Hỏa khuyển nhị nhân chi kiệt 火犬二人之傑 và bên cạnh bảng cắm một lá cờ chép một bài thơ tứ tuyệt. Lý đạo sĩ đã chép bài thơ ấy, liền dâng lên vua. Vua sai bỏ vào hộp, niêm phong cất đi, chờ xem ứng nghiệm.
Khi Nhân Kiệt đỗ trạng nguyên vào triều bệ kiến, vua vỡ lẽ sáu chữ trên bảng trời chính là họ tên ông, vì hỏa khuyển 火犬 ráp lại là Địch ; nhị nhân 二人 ráp lại là Nhân ; kiệtKiệt . Vua hỏi chuyện Nhân Kiệt thì biết thêm bài thơ trên lá cờ chính là bốn câu ông ứng khẩu trong quán trọ để cự tuyệt người đẹp.([12])
Tích kể trên cho ta thấy người đạo đức thì gặp được thời vận may mắn hanh thông. Ngược lại, người làm việc thất đức thì vận may bị vuột mất khỏi tầm tay như anh học trò trong câu chuyện cổ sau đây:
Anh học trò ngày kia đi học ngang qua đình làng, bỗng con lân đá trước cổng đình đứng phắt dậy và cúi đầu chào. Anh học trò ngạc nhiên hỏi vì sao lân đá làm như vậy thì lân đá bảo vì trên Thiên Đình đã có bảng niêm yết tên anh đỗ trạng nguyên khoa thi năm ấy.
Tối hôm đó, ngồi học bài dưới ánh trăng sáng, anh học trò ngẫm nghĩ: “Mai mốt mình đỗ trạng nguyên rồi sẽ cưới một cô vợ thật đẹp, còn cô vợ quê mùa xấu xí bấy lâu nay nuôi mình ăn học thì bỏ đi.”
Sáng hôm sau đi học ngang qua đình làng, anh học trò không thấy con lân đá đứng dậy chào nữa nên hỏi lý do vì sao lại như vậy.
Lân đá trả lời rằng Thiên Đình đã xóa tên anh học trò trên bảng danh sách người thi đỗ trạng nguyên vì anh phạm tội bất nghĩa, bị Thiên Đình kết tội nguyệt hạ phóng thê (dưới trăng bỏ vợ).
Thế thì, chỉ cần một tư tưởng vô đạo đức thôi chứ chưa phải là hành động nhưng cũng đủ khiến cho thời vận may mắn vuột mất khỏi tầm tay.
Người có đức còn có thể thoát khỏi các nạn tai bất kỳ. My Trúc tự là Tử Trọng (mất năm 221) làm mưu sĩ dưới trướng của Lưu Bị (nhà Hán). Em gái ông (My phu nhân) là vợ của Lưu Bị. Trước khi tham chính, My Trúc là nhà giàu, thường qua Lạc Dương buôn bán.
Ngày kia, trong khi ngồi xe trở về nhà bỗng gặp một nàng tuyệt đẹp mặc áo đỏ rực đứng bên vệ đường ngoắc xin đi nhờ xe. Ông liền bước xuống đi bộ, nhường chỗ cho nàng. Mỹ nhân nằng nặc đòi ông lên ngồi chung, nếu không nàng sẽ xuống xe đi bộ. Ông đành lên xe ngồi cạnh người đẹp, rất ngay ngắn, mắt luôn nhìn thẳng về phía trước, không lợi dụng hoàn cảnh mà trêu hoa ghẹo nguyệt.
Xe đi được rất xa, nàng xin dừng lại, cảm ơn và cáo từ. Lúc ấy nàng nhìn ông chăm chăm rồi bảo: “Ta là bà Hỏa (Hỏa Đức Tinh Quân), hôm nay đúng theo nghiệp báo tiền khiên vay trả, ông mắc họa cháy nhà. Nhưng thấy ông là chính nhân quân tử nên ta lộ bí mật cứu ông. Hãy mau về nhà chuyển hết gia sản ra ngoài. Đêm nay ta tới.” Dứt lời nàng liền biến mất.
My Trúc kinh sợ, vội phóng xe về làm theo lời dặn. Chiều tối hôm ấy, quả nhiên có lửa từ dưới bếp dưng không bốc lên, thiêu rụi nhà cửa, nhưng của cải thì đã cứu được.([13])
Đạo đức chẳng khác nào một năng lực có thể hóa giải được mọi tai nàn khổ ách. Người có đức dù trong hoàn cảnh hiểm nguy vẫn có thể được an toàn, chẳng những thế còn có thể chuyển hung thành cát, chuyển xấu thành tốt. Ngược lại, người kém đức, dù có chú trọng dùng phép phong thủy hay cúng vái thần linh cũng vô ích mà thôi. Người xưa bảo: Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích. Bất hiếu phụ mẫu, phụng thần vô ích. Nghĩa là tâm còn bất thiện thì dùng phép phong thủy để mong được may mắn tốt lành cũng vô ích. Bất hiếu với cha mẹ thì thờ cúng thần linh cũng vô ích.
Kinh sách thường nói: Đức trọng quỷ thần khâm. Do đó bậc chơn tu đạo đức luôn luôn được sự phò trì của Thiêng Liêng và ma quỷ không dám làm hại. Thế nên, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: Bần Tăng muốn lưu ý chữ Thời nơi đây là phải tu, phải học, phải hành đạo, lập công bồi đức. Hễ đức thịnh thì thời hưng, lẽ đương nhiên của trời đất là ở chỗ đó.([14])
Dân tộc Việt Nam nói chung, hàng tín hữu Cao Đài nói riêng đang gặp được một thời vận rất lớn đó là được hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đại ân xá Kỳ Ba. Thời hạ nguơn mạt kiếp, nền văn minh vật chất của thế giới nhân loại phát triển đến mức cực thịnh nhưng song song bên cạnh đó là phong hóa đạo đức suy đồi, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng và nguy cơ chiến tranh thế giới vẫn cứ đang chực chờ để đẩy toàn nhân loại vào hố sâu tận diệt. Thế nên, Đức Chí Tôn Thượng Đế đã khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại đất nước Việt Nam và ban trao cho dân tộc Việt một sứ mạng quyền pháp đó là thúc đẩy các sở vật thực tại tôn giáo đang hiện hữu kết hợp thành một thực thể đạo cứu thế để xây dựng lại cõi thế gian thành một cõi thiên đàng thuần chánh. Đã có lần Đức Khương Thái Công so sánh sứ mạng của hàng môn đệ Cao Đài ngày nay với sứ mạng hưng Châu phạt Trụ của Ngài thuở xưa:
Tình trạng hiện nay, từ đời đến đạo, dầu không đúng với cảnh Châu Trụ ngày xưa, nhưng có thể còn hơn như thế nữa.
Các sứ mạng Thượng Đế cho đến trần gian, là cả một vấn đề trọng đại trong hồi tái tạo dinh hoàn, lập thượng nguơn thánh đức, thì Lão khuyên, dầu gian lao nguy khổ cũng gắng công, và nghĩ rằng các sứ mạng còn hơn Lão rất nhiều, không phải đề binh trận mạc, không vào tử ra sanh, chỉ dụng đức cảm hóa muôn dân, đem tài phổ độ quần chúng, để hết tâm thành phục vụ chánh nghĩa, là được vẹn tròn sứ mạng. Nếu không làm được thì chẳng những đời đạo phải chịu biến chuyển chinh nghiêng, mà các sứ mạng cũng phải chuyển luân lên xuống.([15])
Thế nên, để có thể đảm đương được sứ mạng trọng đại mà Đức Chí Tôn Từ Phụ đã phó giao, hàng môn đệ Cao Đài cần phải tu thân lập đức cho dày. Thầy dạy:
Một ngày tới đây, nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nơi này được nhơn vật khắp hoàn cầu sẽ đến cùng các con mà cầu Đạo, hỏi Đạo, nhưng các con chưa được mấy đứa đắc chứng chơn truyền. Nếu các con không làm được Thánh, khó mong hóa độ người người. Nếu đem tài đem sức mà tranh thì các con phải thua xa mọi người, làm sao mà cho họ phục? Nói tài nói sức thì các con phải thua xa, các con có hơn chăng là nhờ đạo đức, mà đạo đức không trau giồi thì làm sao hoàn thành sứ mạng? ([16])
Đặc biệt, người nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo lại còn được ban trao một sứ mạng mà Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch gọi là trọng đại và gian khổ, đó là sứ mạng thống nhất đạo Cao Đài bằng tinh thần qua phương tiện phổ thông phổ truyền giáo lý. Thế nên, hàng môn đệ Cao Đài nói chung và người nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo nói riêng, nếu không tu thân lập đức hay trau dồi tâm hạnh đức tài thì sẽ không đảm đương nổi sứ mạng, thời vận sẽ vuột mất khỏi tầm tay. Bấy giờ e rằng sứ mạng sẽ được ban trao cho tổ chức khác, hay dân tộc khác.
Tóm lại, đức thịnh thời hưng chính là một phương châm mà từ đời đến đạo, ai ai cũng cần phải ghi nhớ. Đạo đức của bậc lãnh đạo quốc gia và của nhân dân ảnh hưởng đến sự hưng vong của cả một dân tộc. Đạo đức của hàng lãnh đạo hay bậc hướng đạo quyết định sự thành công hay thất bại của một tổ chức hay giáo hội. Đạo đức của mỗi cá nhân quyết định vận mệnh của cá nhân ấy. Riêng hàng môn đệ Cao Đài và người nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo cần ý thức rằng mình đang gặp một thời vận có một không hai trong lịch sử nhân loại, đó là được làm người sứ đồ của Đức Thượng Đế trong nguơn hội cuối cùng này để cố gắng vươn lên, tu thân lập đức, trau dồi tâm hạnh đức tài hầu có thể đảm đương sứ mạng được ban trao. Nếu để bỏ qua cơ hội này, phải đến bảy trăm ngàn năm sau (thất ức niên) mới gặp lại một kỳ đại ân xá như ngày nay.
Sau cùng, chúng ta hãy cùng ghi nhớ lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
Bần Tăng cảm mến chư đạo hữu lắm, chắc rằng chư đạo hữu cũng tin và hiểu được rằng mình nhờ có căn tu, có tiền phúc nên mới ngộ đạo sớm, và tuy trải qua mấy lúc thăng trầm chiến tranh ly loạn, đã biết bao nhiêu người tán gia vong mạng, mình còn sống sót trong cảnh an lành, được tu thân hành đạo, học đạo với Phật với Tiên. Nếu đại căn mới được thế. Hiểu như vậy, đừng khinh thường cái phàm nhân của mình, mà phải xem nó là sứ đồ của Thượng Đế. Mỗi lời nói, mỗi ý ng, mỗi hành đng phải là tượng trưng và đi din cho Thưng Đế trước nhân sanh.([17])
Xin cầu nguyện cho tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta luôn mạnh tiến trên bước đường tu công lập đức để cơ đạo được ngày một hưng thịnh hầu góp phần vào việc cải tạo và xây dựng cõi thế gian thành một cõi an lạc, hạnh phúc và tiến bộ văn minh.
DIỆU NGUYÊN



([1]) Minh Lý Thánh Hội, 04-11 Nhâm Tý (Thứ Bảy 09-12-1972).
([2]) Thánh tịnh Ngọc Linh, 24-3 Kỷ Hợi (Thứ Sáu 01-5-1959).
([3]) Thánh tịnh Ngọc Linh, 16-4 Kỷ Hợi (Thứ Bảy 23-5-1959).
([4]) Vua tên Ðế Tân, nhưng vì quá tàn ác, bất nghĩa nên bị gọi là Trụ. (Trụ là người tàn ác, bất nghĩa.)
([5]) Minh Lý Thánh Hội, 04-11 Nhâm Tý (Thứ Bảy 09-12-1972).
([6]) Phong Thần Diễn Nghĩa, Hồi thứ 23.
([7]) Phong Thần Diễn Nghĩa, Hồi thứ 29.
([8]) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển 1, Phần 3, Chương IV.
([9]) Sách đã dẫn, Quyển 1, Phần 3, Chương V.
([10]) Minh Lý Thánh Hội, 14-01 Kỷ Dậu (Chủ Nhật 02-3-1969).
([11]) Minh Lý Thánh Hội, 28-8 Mậu Thân (Thứ Bảy 19-10-1968).
([12]) Ngô Bái Thiên, “Đạo Đức Người Xưa”, in trong nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 286, tháng 10-2018, tr. 107-108.
([13]) Huệ Khải, Đọc Lại Chuyện Giải Buồn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 38-39. (Quyển 118-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([14]) Minh Lý Thánh Hội, 04-11 Nhâm Tý (Thứ Bảy 09-12-1972).
([15]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 05-01 Bính Ngọ (Thứ Ba 25-01-1966).
([16]) Bác Nhã Tịnh Đường, 13-5 Giáp Dần (Thứ Ba 02-7-1974).
([17]) Minh Lý Thánh Hội, 04-11 Nhâm Tý (Thứ Bảy 09-12-1972). 


Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)