Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

14/ CUỐI ĐỜI / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ


Mộ tiền bối Huỳnh Thanh
CUỐI ĐỜI
Trên một miền cát trắng tương đối rộng, cây cối lưa thưa cằn cỗi, chỉ đó đây dăm ba cây dừa và mấy hàng dương liễu. Ngôi thánh thất Kim Quang Minh Đài chỉ xây dựng phần Hiệp Thiên và Cửu Trùng nhưng cũng đã thể hiện được nét mới trang nghiêm của nền Đại Đạo. Phía hậu điện là nhà Báo Ân, bên cạnh đó là tư thất của đạo trưởng Bảo Cơ Quân Huỳnh Thanh. Thật ra chỉ là một căn phòng vừa mấy tủ sách, một giường nằm. Còn bàn viết và bàn khách chung làm một.
Khi vào tuổi ngoài “tri thiên mạng” tiền bối Huỳnh Thanh ít đi đó đi đây vì gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm tiền bối chỉ về Hội Thánh trong những dịp lễ lớn hoặc có kỳ họp, hay có những đạo sự cần thiết, còn thì tiền bối lo tĩnh dưỡng, tinh luyện pháp môn, viết hồi ký và cô đọng những giáo nghĩa đã chứng nghiệm trên đường tu học, soạn lục thành tập sách ĐẠO LÝ THANH MINH cống hiến cho hậu nhân, để thấy được như lời tiền bối đã ghi ở đầu sách:
ĐẠO LÝ cổ kim hòa nhất mạch
THANH MINH nam, bắc hiệp đồng nguyên.
Khách đạo tới thăm, lúc nào cũng được tiền bối tiếp đón nồng hậu, han hỏi thân tình. Trong câu chuyện, luôn luôn tùy người mà giãi bày sự lý. Ngoài ra khách cũng được ân cần lưu lại, mời bữa cơm đạm bạc tương dưa, đặc biệt không thiếu rau muống và canh bầu do quý chị tu giải thoát của tu xá khoản đãi. Một lần đến thăm là nhớ mãi, như lời người đạo hữu rất xa, từ hải ngoại đã viết về cho một nữ tu:
“Em đã đi xa quá rồi, bây giờ vẫn nhớ về quý chị như in. Mùa hè năm ấy em về thăm tu xá. Bên đầu hiên có một giàn bầu, với những quả xanh non đong đưa trước gió. Ban đêm, ánh trăng chiếu qua khe lá tạo thành muôn ngàn đốm trắng in trên đất mờ ảo linh động vô cùng. Bữa cơm đầu tiên, chị và quý nữ tu thết đãi em, chị đã hái một quả bầu vào nấu canh. Chị biết lúc đó em nghĩ gì không? Nghĩ về mấy câu thơ của Phạm Thiên Thư:
Anh em nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn.
Và cũng dịp đó, em nghe bác Bảo Cơ Quân Huỳnh Thanh giảng hai câu trong Đại Thừa Chơn Giáo:
Định tâm chế luyện tinh ba
Biết phương sớt lại sang qua thì thành.
Em đã hiểu lỏm bỏm về đường tu tâm pháp, dụng tam bửu (tinh, khí, thần) để tạo thành kim cương bất hoại. Thích thú quá, trong buổi chuyện trò, em đã mạo muội đố tiền bối hai câu thơ như để biểu lộ sự đồng cảm:
- Thưa bác, bác có nhớ câu thơ này của ai không:
Nhân qua trúc viện phùng tăng thoại
Du đắc phù sinh bán nhật nhàn.
Bác cười rất tươi, trầm ngâm một chút rồi nói:
- Của ai thì bác không nhớ, nhưng với họ thì trộm được nửa ngày nhàn, còn với cháu hôm nay thì trộm được bao nhiêu?
Không đợi em trả lời, bác nói tiếp:
- Hai câu thú vị đấy, có thể chuyển thành thơ Việt như vầy:
Nhân qua nhà trúc thăm chơi
Gặp sư trò chuyện thảnh thơi đôi điều
Nửa ngày trộm được bấy nhiêu
Phù sinh nhàn lạc đã nhiều lắm thay!
Sau ngày đất nước thống nhất thì râu tiền bối Huỳnh Thanh đã dài lắm. Ai gặp tiền bối cũng cảm nhận được nét tiên phong đạo cốt, sắc sảo tinh anh. Đúng là vẻ tôn nghiêm của bậc chân tu đã hiển lộ từ đường râu kẽ tóc, từ ánh mắt nụ cười.
Kỳ vào Nam chữa bịnh, lần cuối cùng tiền bối xuất hiện ở một thánh thất tại Sài Gòn, trong buổi thăm viếng nhân lễ vía Đức Kim Mẫu Từ Tôn, tiền bối đã khẳng định lại nguyện lực của Hội Thánh Truyền Giáo là cùng chung với mọi tâm đạo, gắng gỏi hiệp vầy các hội thánh lại làm một mối. Tuy tuổi đã cao, nhưng tiền bối vẫn sang sảng đọc bài thánh giáo rất thâm thúy:
                                        THI
Gắng lên Thầy sẽ dắt con lên
Sử Đạo nghìn thu rạng tuổi tên
Chí cả muốn toan nên nghiệp cả
Từ bi nhẫn nhịn nhớ đừng quên.
                                        BÀI
Nhớ đừng quên lời Thầy dạy bảo
Dắt dìu nhau gánh đạo Trung Hưng
Con nên Thầy rất vui mừng
Con hư Thầy cũng não nùng vì con
Mấy mươi năm lời son tiếng ngọc
Mấy mươi năm khi khóc, lúc cười
Vì con Thầy xuống cõi đời
Vì con Thầy chịu lắm lời thị phi!
Nghĩ thương con gian nguy chẳng nệ
Nghĩ thương con trần thế dãi dầu
Đời còn lắm cuộc bể dâu
Đạo còn nhiều nỗi cơ cầu mới mong
Hỡi các con! Dốc lòng chạm dạ
Hỡi các con! Chí cả vẫy vùng
Ra tay quét sạch bụi hồng
Làm cho danh Đạo ngoài trong rạng ngời
Con làm sao sử đời ghi chép
Con làm sao quyền pháp nhiệm mầu
Đạo mầu rải khắp đâu đâu
Nơi nầy rồi sẽ năm châu sau này
Chí hộc hồng toan bay muôn dặm
Sức kình ngao toan tắm nghìn khơi
Sá chi một góc phương trời
Mà bày chi phái cho đời mỉa mai!
Con làm sao đáng tay hướng đạo
Con làm sao đào tạo nhân tài
Trông về cơ Đạo tương lai
Mở mang cần phải nhiều tay siêu quần
Con làm sao Nam, Trung hiệp lại
Con làm sao chi phái đồng lòng
Cho tròn SỨ MỆNH TRUNG HƯNG
Mở trang sử Đạo lẫy lừng danh con
Thương nữ phái hãy còn lận đận
Phận quần thoa cũng nặng gánh đời
Gay thuyền tách bến ra khơi
Tiến ghê sóng gió, lui người mỉa mai!
Con gắng lên trí tài chẳng hổ
Con gắng lên đức độ hơn người
Xưa ai luyện đá vá trời
Nay con đem Đạo cứu người trầm luân
Gọi chị em hãy bừng tỉnh dậy
Dậy nhìn xem cho thấy tương lai
Phấn son sánh với râu mày
Điểm tô xây đắp Đạo Thầy vẻ vang

Nghìn thu rạng gái Nam bang.

Lời thánh giáo âm vang như tiếng vỗ hải triều còn vẳng đó, mà người đã cánh hạc ly trần, bay vút từng cao, chỉ còn lại dấu tích hình hài lặng im ở đồi cát vắng bên dòng suối nóng Hội Vân. Với phần mộ được Hội Thánh Truyền Giáo phụng lập.
Ngày nay ai có dịp về thăm thánh thất Kim Quang Minh Đài, đều đến thắp nén hương, nghiêng mình bên mộ chí và tưởng nhớ câu:
Người đã mất tiếng tăm không mất
Người không còn sự nghiệp hãy còn!
15-11 Ất Hợi (1995)
PHẠM VĂN LIÊM