TÍN,
NGUYỆN, HẠNH
Tín, Nguyện, Hạnh nguyên thủy là một yếu điểm của giáo lý Phật Giáo Tịnh Độ Tông. Đức Phật Thích Ca trong thời gian hoằng pháp đã có lần thuyết kinh A Di Đà cho đại chúng. Theo lời Đức Thích Ca, ai phát tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà không xao lãng từ một ngày trở lên thì lúc lâm chung sẽ được Phật A Di Đà rước về nước Cực Lạc của Ngài. Cõi cực lạc của Phật A Di Đà nằm về phương Tây, cách cõi ta bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi thanh tịnh trang nghiêm; nhà đất, cây cối, tất cả đều là châu báu. Lại có tiếng chim ca ngâm những bài thuyết pháp.
Tín, Nguyện, Hạnh nguyên thủy là một yếu điểm của giáo lý Phật Giáo Tịnh Độ Tông. Đức Phật Thích Ca trong thời gian hoằng pháp đã có lần thuyết kinh A Di Đà cho đại chúng. Theo lời Đức Thích Ca, ai phát tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà không xao lãng từ một ngày trở lên thì lúc lâm chung sẽ được Phật A Di Đà rước về nước Cực Lạc của Ngài. Cõi cực lạc của Phật A Di Đà nằm về phương Tây, cách cõi ta bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi thanh tịnh trang nghiêm; nhà đất, cây cối, tất cả đều là châu báu. Lại có tiếng chim ca ngâm những bài thuyết pháp.
Về sau, pháp môn niệm Phật A Di Đà rất
thịnh hành và đã hình thành nên Tịnh Độ Tông là tông phái của những người
chuyên trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà với nguyện ước được vãng sanh về cõi cực
lạc thế giới của Ngài.([1])
Tuy
nhiên, để được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, người tu theo pháp
môn Tịnh Độ phải có đủ ba thứ tư lương ([2]) là Tín, Nguyện, và Hạnh. Nếu
không có đủ ba món này thì chắc chắn sẽ không thế nào đến được cõi cực lạc của
Phật A Di Đà.
Vậy, Tín, Nguyện, Hạnh là gì? Theo giáo
lý Tịnh Độ Tông: Tín là lòng tin gồm
có sáu điều là tin ở mình, tin ở sự trợ giúp của tha lực, tin nhơn, tin quả,
tin sự, tin lý. Nguyện là ý nguyện
hành giả muốn đạt đến. Hạnh (hành) là
thực hành chuyên cần, thâm sâu.([3])
Ngày nay, trong Tam Kỳ Phổ Độ, qua phương
tiện cơ bút, Đức Hà Tiên Cô đã giáng đàn dạy rằng Tín, Nguyện, Hạnh là ba yếu
tố căn bản không thể thiếu đối với người tu thiên đạo đại thừa (người cầu tu
giải thoát luân hồi sanh tử, tự độ và độ tha).
Trong một khóa tu tịnh tại Bác Nhã Tịnh
Đường (Long Hải), Đức Hà Tiên Cô dạy về Tín, Nguyện, Hạnh như sau:
Đợt
tịnh này, Bản Nương cũng đồng ý ai nấy cần học lại bước đầu Dự Bị, đắp nên nền
móng cho kiên cố vững bền. Nếu nền tảng không vững chắc thì lâu đài có xây cất
cũng bị đổ vỡ. Nên Bản Nương muốn cho mỗi người tu kỷ lập công, cởi mở lòng
mình, đừng để hẹp hòi bó buộc.
Phải
giữ sao cho trọn ba điều là TÍN, NGUYỆN, HẠNH.
TÍN. Phải có lòng tin vững chắc:
1. Tin sức mình có đủ, dầu khó khăn cũng vượt qua đến chỗ
đến nơi.
Xưa nay, tự tin vẫn được xem là bí quyết
của mọi sự thành công trên đời. Vị tổng thống thứ hai mươi sáu của nước Mỹ là
Theodore Roosevelt (1858-1919) nói: “Hãy
tin rằng bạn có thể làm được và thế là bạn đã đi được nửa con đường.” ([4])
Một tướng quân Nhật tên là Nobunaga quyết
định tấn công phe địch. Mặc dù chỉ có một phần mười số người mà cuộc chiến đòi
hỏi, Nobunaga tin rằng ông sẽ thắng, nhưng quân lính của ông thấy lực lượng của
mình quá ít thì đâm ra lo ngại, thiếu tự tin.
Trên đường chuyển quân, Nobunaga dừng lại
ở một ngôi đền Thần Đạo (là tôn giáo cổ truyền của người Nhật) và bảo lính
tráng: “Vào đền thờ, ta sẽ dùng đồng tiền xin keo gieo một quẻ. Nếu mặt phải
ngửa lên, chúng ta sẽ thắng, nếu mặt trái ngửa lên, chúng ta sẽ bại. Số phận
chúng ta nằm trong bàn tay định mệnh.”
Nobunaga vào đền thờ im lặng cầu nguyện.
Rồi ông tung đồng tiền lên. Mặt phải ngửa lên. Lính ông hăng hái chiến đấu và
họ thắng trận.
Sau trận chiến, một người hầu cận nói với
Nobunaga: “Không ai thay đổi được bàn tay định mệnh.”
Nobunaga đáp: “Thật sự không phải thế.”
Ông liền đưa đồng tiền ra. Hai mặt đồng
tiền đều giống y như nhau. Có lẽ tướng quân đã kín đáo cho đúc riêng một đồng
tiền đặc biệt để làm liệu pháp tâm lý.([5])
Câu chuyện trên đây đã cho thấy giá trị
của niềm tự tin đối với sự thành công của con người.
Trong việc tu hành cũng thế, người tu
cũng cần phải tự tin rằng mình có khả năng tu thành Thần Thánh, Tiên Phật. Đức
Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
Phật
là đại giác siêu sanh
Vợ chồng Mã Ngọc và Tôn Uyên Trinh cùng
tu đắc đạo thành Tiên trong nhóm Toàn Chân Thất Tử. Thoạt đầu, khi nghe vợ
khuyên phải tìm minh sư học đạo thì ông Mã Ngọc trả lời: “Người tu đạo phải có
căn tu, nếu không có căn tu thì không thành Tiên, cũng chẳng thành Phật. Cho
nên tôi tự xét căn tu mình còn nông cạn, không dám nói hai chữ tu đạo.” Bà Tôn
Uyên Trinh nói: “Lời ông sai rồi. Làm người trên đời, ai cũng đều có căn. Nếu
không căn sao được làm người? Nhưng căn cơ mỗi người khác nhau.”
Thật vậy, ngày nay, Đức Quan Thánh Đế
Quân dạy:
Có
căn mới được kiếp con người
Phải
biết mà tu chớ dể ngươi
Kẻo
trở lại đời trong thoái hóa
Bà
Tôn Uyên Trinh còn nói thêm với ông Mã Ngọc rằng căn cơ không phải là cái bẩm
sinh cố định mà có thể tăng bổ, chẳng khác nào ngọn núi, càng đắp càng lớn,
càng đắp càng cao. Chẳng hạn như người phú quý so với người tầm
thường thì căn cơ sâu dày hơn là do kiếp trước đã biết làm công quả giúp đời.
Nếu kiếp này họ biết tiếp tục làm chuyện ích người lợi vật thì căn cơ còn sâu
dày hơn nữa, muốn thành Tiên thành Phật hay thành Thánh Hiền đều có thể được.([8])
Mỗi người đều có hạt giống căn lành trong
tâm mình, đó là Phật tính, Thượng Đế tính trong mỗi con người. Thế nên, ai cũng
có thể tu thành Phật, chỉ khác nhau ở chỗ tu tiến nhanh hay chậm, dễ dàng hay
khó khăn là do mỗi người có biết tự bồi đắp thêm căn lành cho mình hay không và
có quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ để tu hành tinh tấn hay không mà thôi.
Thánh Augustine (354-430) nói: “Không có vị Thánh nào mà không có quá khứ,
không có tội nhân nào không có tương lai.” ([9])
Câu nói này đã được minh chứng qua tích
Thập Bát La Hán trong truyện cổ Phật Giáo kể về mười tám tên ăn cướp bỏ vũ khí,
ăn năn tu hành, đều đắc quả La Hán.
Do đó, điều căn bản đầu tiên đối với
người tu là phải tin rằng mình có khả năng tu thành Phật, tin mình có thể vượt
qua mọi khó khăn gian khổ để đắc thành đạo quả, chứ đừng tự ti mặc cảm cho rằng
mình không có căn tu hay nhiều tội lỗi không thể tu thành chánh quả.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Luật
Trời mầu nhiệm lắm ai ơi
Một
kiếp vi nhơn quý một đời
Linh
tánh khôn ngoan hơn vạn vật
2. Tin chung quanh còn được bao nhiêu trợ duyên gia hộ,
Thần Thánh dắt dìu.
Người tu thường được gia đình, đồng đạo
trợ giúp và tiếp nhận được tình cảm quý trọng cùng sự giúp đỡ của mọi người
trong xã hội. Đặc biệt, người chơn tu luôn được các Đấng thiêng liêng hộ trì
trợ giúp đêm ngày.
Truyện Thất Chân Nhân Quả (hồi thứ 11) kể rằng sau khi tự hủy hoại nhan
sắc và giả bộ khùng điên, bà Tôn Bất Nhị đi đến thành Lạc Dương và nương thân
trong một lò gạch bỏ hoang để tu luyện. Ấy thế mà vẫn có những tên côn đồ rắp
tâm hãm hại bà. Tuy nhiên, khi bọn chúng vừa đến gần lò gạch nơi bà trú thân để
tu luyện thì liền bị chư Thiên hộ pháp hóa ra một trận cuồng phong, rồi sau đó
là mưa đá đổ xuống đánh cho chúng một trận tơi bời, làm chúng phải bỏ chạy té
lên té xuống, đầu u trán sứt, máu me đằm đìa. Kể từ hôm ấy không một kẻ xấu nào
dám bén mảng đến lò gạch khuấy phá việc tu luyện của bà Tôn Bất Nhị nữa.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ cơ bút
mà chúng ta biết được rằng các Đấng thiêng liêng luôn âm phò mặc trợ cho người
tu, nhất là các bậc Thiên ân sứ mạng hành đạo độ đời.
Một vị đạo trưởng thuở còn trẻ thường đi
thuyết đạo buổi tối ở các tỉnh miền Nam sau giờ làm việc hành chánh và
trở về Sài Gòn ngay trong đêm và chở thêm một vài bạn đạo. Do làm việc nhiều,
mệt mỏi nên có một đêm ông đã ngủ gục và mọi người trên xe hoảng vía khi thấy
xe từng chập cứ lên đường xuống ruộng. Tuy nhiên, mọi người không hề hấn gì.
Vài ngày sau, ông Địa giáng đàn cho biết chính Ngài đã lái xe giùm đêm ấy.([11])
Năm 1964, một số vị tiền bối của Cơ Quan
Phổ Thông Giáo Lý (lúc bấy giờ còn là Ban Phổ Thông Giáo Lý Liên Quan Hành Đạo)
được lệnh Ơn Trên đi hành đạo tại miền Trung. Sau chuyến trung du hành đạo ấy,
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo và Đức Đông Phương Chưởng Quản đã giáng đàn chủ tọa
buổi kiểm thảo chuyến đi để chư Thần tường trình chi tiết từ đầu đến cuối. Nhờ thánh
giáo đó, chúng ta mới biết được rằng trong suốt cuộc hành trình, đi đến đâu quý
vị cũng được các đấng Sơn Thần trấn nhậm từng địa phương theo sát hộ trì.([12])
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Đừng
e chẳng huyền vi tế độ
Chỉ e
mình thiếu chỗ đức tin
Đừng lo chẳng có Thần linh
3. Tin có Trời là chủ
nhơn ông cầm quyền Tạo Hóa.
Nghĩa
là tin có Đấng Tạo Hóa chí linh cầm cân công bình, có luật Thiên điều thưởng
phạt phân minh để người tu phải cố gắng làm được như lời Đức Mẹ dạy:
Sống sao người đặng nên Người
Đức
Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy:
“Chỉ cần chánh tâm hành chánh đạo, xả thân
giúp đời theo lòng Tạo Hóa, hòa hiệp với thiên nhiên. Sự gì sắp đến sẽ đến, mọi
việc sẽ an bài, dầu mình không tự lo tư hữu, cũng có Tạo Hóa an bài cho, được
sanh trong vòng trưởng dưỡng và bảo tồn theo định luật vũ trụ.” ([15])
4. Tin
có luật báo ứng, gieo nhân gặt quả.
Nên cố làm, làm cầu thanh phước ([16]) tiêu
giải oan trái tiền khiên.([17]) Biết
mình từ vô thỉ ([18]) đến
nay tạo lấy tội lỗi hằng hà,([19]) chác
thù kết oán cùng kẻ sống và người chết chưa sao giải được, nên thân này chồng
chất vô minh, oan oan trái trái theo hoài.
Nếu muốn giải thoát suôn sẻ đâu phải dễ
dàng. Giết một con thú, làm một việc bất lương cũng đủ ngăn ngại cho ta lúc lên
đường, họ xúm nhau mà cản trở. Phương chi mỗi người, dầu ít dầu nhiều, cũng kết
buộc oan gia với ngạ quỷ, với súc sanh, với tình ái ân trong gia đình, xã hội.
Nên phải nhờ tha lực Phật Trời âm phò mặc
hộ, luôn luôn lân mẫn dắt dìu, ám trợ đường tu. Nhờ thầy sáng bạn lành nương
nhau mà giải thoát. Nhờ tâm thường thiết tha cổi bỏ oán thù, phát tâm sám hối
gội sạch tiền khiên.([20])
Đức
Chí Tôn dạy:
“Mỗi hành vi của các con dù tốt hay xấu
cũng đem lại một kết quả. Sự nhân quả nó liên lạc chặt chẽ nhau, từ cõi vô hình
đến cõi hữu hình hiện tại của đời các con. Nhân quả nó theo dõi các con từ kiếp
trước sang kiếp này rồi đến kiếp khác.” ([21])
Thật
vậy, luật nhân quả rất đáng sợ. Sợi dây oan trái của nhân quả buộc ràng con
người từ kiếp này sang kiếp khác. Thậm chí các bậc đã tu hành đắc quả vẫn còn
bị luật nhân quả tác động đến.
Có
lần Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với rất nhiều đệ tử đi đến một nước nọ. Dân
nước này thấy Phật liền đóng cửa lại, không ai chịu bố thí, cũng không ai đến
cung kính chào hỏi. Nhưng khi ngài Mục Kiền Liên đến thì cả quốc vương, đại
thần và dân chúng đều hướng về Ngài cung kính đảnh lễ, tranh nhau đến cúng
dường. Các đệ tử Phật thấy thế bèn hỏi Phật: “Tại sao Phật đến nước này không
ai chịu cúng dường cả, mà Ma Ha Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, đi đến đây lại được
mọi người tranh nhau cúng dường?” Phật đáp: “Đó là do nhơn duyên đời trước.”
Rồi Phật kể:
Từ vô
lượng kiếp về trước, tiền thân Mục Kiền Liên cùng tiền thân Đức Phật ([22]) ở chung một chỗ. Tiền thân Mục Kiền Liên
lên núi đốn củi, còn tiền thân Đức Phật xuống dưới núi sửa đường. Tiền thân
Phật không thích bầy ong, thường lấy khói hun đốt chúng. Trái lại, tiền thân
Mục Kiền Liên rất thích chúng. Tuy bị chúng đốt đau nhức nhưng tiền thân Mục
Kiền Liên không dùng lửa hun đốt, trái lại còn phát nguyện: “Về sau tôi đắc
đạo, trước hết sẽ độ bầy ong có nhiều tánh tu-la này.”
Sau
rất nhiều kiếp, bầy ong ấy biến thành dân chúng trong một nước; ong chúa là
vua, các ong thợ là dân. Ngày xưa tiền thân Đức Phật dùng khói hun đốt chúng,
nên bây giờ Phật đến nước ấy không có ai ra đón tiếp; quốc vương, đại thần,
nhơn dân cũng không cúng dường Ngài. Trái lại, tiền thân Mục Kiền Liên đã có
phát nguyện sau khi đắc đạo sẽ độ bầy ong này, cho nên khi gặp lại nhau thì
quốc vương và quan dân nước ấy tranh nhau đến cúng dường. Do đây chúng ta biết
rằng nhơn quả rất hệ trọng.([23])
Những
sợi dây nhân quả chằng chịt từ bao kiếp trước buộc trói con người vào vòng luân
hồi sinh tử và là nguyên nhân trì kéo, cản trở bước đường tu tiến của hành giả.
Do đó, nghiệp lực càng nặng, càng khó tu tiến. Vì thế, người tu cần phải nỗ lực
giải trừ nghiệp quả tiền khiên và cố gắng không gây tạo thêm nghiệp mới. Người
đi vay tiền biết rõ mình mắc nợ bao nhiêu và ráng kiếm đúng bấy nhiêu tiền để
trả lại. Nhưng con người đã gây tạo bao nhiêu nghiệp chướng trái oan từ vô
lượng kiếp, làm sao con người biết được!?
Do
đó, người cầu tu giải thoát cần phải làm cho thật nhiều công đức (nhiều đến mức
tối đa) mới có thể hy vọng trả hết những món nợ tiền khiên mà mình đã vay, vì
nào ai biết được mình đã vay bao nhiêu oan trái!?
Đức
Vạn Hạnh Thiền Sư khuyên nhủ:
Một kiếp ráng tu giải nghiệp trần
Từ bao kiếp trước đã gieo nhân
Trong ngoài vẹn giữ cho tinh tấn
Đức
Hà Tiên Cô đã chỉ cho người tu các phương cách để tháo gỡ những mối dây oan
trái cột trói mình và giải trừ những nghiệp quả tiền khiên để đường tu được nhẹ
nhàng:
1. Nên cố làm, làm [để] cầu thanh phước tiêu giải oan trái tiền khiên.
Làm để
cầu thanh phước tức là làm nhiều công quả âm chất để giải trừ nghiệp quả.
Trong
số bảy vị của nhóm Toàn Chân Thất Tử, chúng ta thấy ông Khưu Trường Xuân tu
hành vất vả nhất vì nghiệp chướng nặng nề. Chẳng biết trong tiền kiếp ông gây
nên tội nghiệp gì mà khi đến xin học đạo với Vương Trùng Dương thì bị Vương tổ
sư từ chối không chịu nhận ông làm đệ tử. Một trong các đệ tử là Mã Đơn Dương
thương tình nài xin giùm thì Vương tổ sư bảo: “Chẳng phải ta không nhận
hắn, nhưng mà gốc khổ của hắn rất nặng, sợ sau này hắn không vượt
qua được nạn ma, thì hắn thối chí nản lòng. Chi bằng đừng nhận hắn
thì hơn.”
Quả
thật, quá trình tu hành của Khưu Trường Xuân đã gặp phải bao nhiêu là ma chướng
và phải chịu nghiệp đói. Tuy nhiên, ông quyết chí tu hành và tích cực làm công
quả để giải trừ nghiệp chướng.
Một
ngày nọ ông đi đến một nơi có con suối băng ngang đường lộ. Nước suối lớn
mà không có cầu, tuy nhiên lòng suối cạn ghe xuồng lại không qua được,
chỉ có thể lội qua mà thôi. Khách đi đường nhiều người không dám lội qua.
Khưu
Trường Xuân phát tâm dừng chân nơi đây để làm công quả. Ai không biết lội
thì ông cõng qua. Người hảo tâm rộng rãi thì cho ông vài đồng mua
thức ăn qua ngày. Có nhiều người ông cõng qua nhưng chẳng lấy xu nào.
Đến
mùa nước rút cạn thì ông đi xin ăn. Sáng xin bảy nhà, chiều xin tám
nhà. Xin được rồi, nếu gặp ai đói lạnh, thì ông cho họ ăn, còn mình
chịu đói. Nếu ngày nào mưa giăng tuyết đổ, không đi xin ăn được, thì
ngày đó không ăn. Trước sau vài năm ông bị đói hơn trăm lần. Đói lớn
bảy mươi hai lần, đói nhỏ vô số kể.([25])
Ông
Khưu Trường Xuân khổ công tu hành như vậy được sáu năm, gặp biết bao
gian khổ, kể sao cho hết. Ngày làm công quả, đêm trú miếu lạnh, lúc
rảnh việc thì tĩnh tọa, công phu. Nhờ thế mà giải trừ lần lần nghiệp
chướng tiền khiên và cuối cùng cũng đắc thành đạo quả.
Đức
Di Lạc Thiên Tôn dạy người tu phương cách giải trừ bớt các nghiệp thân, khẩu,
ý, nhãn, nhĩ - những nghiệp chướng con người thường hay mắc
phải:
“Sự lễ bái cúng lạy quỳ mọp ngoài ý nghĩa
trịnh trọng thi lễ với Phật Trời, lại còn có ý nghĩa câu thúc thân mình trong
sự khó khăn để trừ bớt nghiệp thân.
Tịnh khẩu hoặc niệm Phật tụng kinh để trừ bớt nghiệp khẩu.
Nhắm mắt tham thiền hoặc ngó ngay vào
tượng Phật hoặc ngọn nhang hay ngọn đèn lưu ly là để trừ lần nghiệp nhãn.
Tham thiền định ý khép chặt không tư tưởng
suy nghĩ vẩn vơ phóng túng để trừ lần
nghiệp ý.
Thiền định không chấp nhận mọi tiếng động
vào tai để trừ lần nghiệp nhĩ.
Tóm lại, tất cả những điều ấy là những
phương pháp trợ cho người tu hành được yên ổn trả dứt nghiệp cũ, không gây
nghiệp mới và tạo thêm âm chất để làm vốn liếng sản nghiệp vô hình cho kiếp lai
sanh hoặc cho ở bên kia thế giới.”
([26])
2. Nhờ tha lực Phật
Trời âm phò mặc hộ, lân mẫn dắt dìu, ám trợ đường tu.
Nghĩa
là hành giả cần phải thường xuyên cầu nguyện. Việc cầu nguyện hay niệm danh các
Đấng thiêng liêng chẳng khác nào làm một cuộc gọi điện thoại. Phải nhấc máy,
quay số thì đầu dây bên kia mới có người trả lời. Thật vậy, có cảm mới có ứng.
Người tu phải thường xuyên thông công cùng các Đấng để nhận được sự ban ơn hộ
trì của Thiêng Liêng hầu có thể vượt qua những chướng ngại cản trở trên đường
tu do nghiệp chướng kéo trì.
Đức
Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Nên nhớ rằng, mỗi một người tu hành trong
lúc này đều có một bậc Chơn Linh hoặc Thiêng Liêng âm phò mặc trợ. Mỗi ngày nên
tưởng niệm để nhắc nhở tâm thức, liên lạc thông công với phần Thiêng Liêng hộ
trì. Nếu để trống không, Bần Sĩ e khó tránh khỏi những tà quái ngạ quỷ giựt
giành. Hãy nhớ câu truyền khẩu từ xưa rằng: Buổi hạ nguơn mạt kiếp, hễ con
Phật, Phật rước; con ma, ma dẫn.”([27])
3. Nhờ thầy sáng bạn
lành nương nhau mà giải thoát.
Một
trong những điều may mắn nhất của người tu là gặp được thầy sáng bạn lành, tức
là gặp được minh sư dẫn dắt mình đi đúng chánh pháp và có những người đồng tu
đức hạnh trợ giúp.
4. Nhờ tâm thường
thiết tha cổi bỏ oán thù, phát tâm sám hối gội sạch tiền khiên.
Đức
Phật đã dạy: “Lấy oán báo oán, oán ấy chập chồng. Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu
tan.” (Kinh Pháp Cú) Vì thế, người tu cần phải xóa tan lòng hận thù. Đó
là cách để cắt đứt sợi dây nhân quả, trả vay vay trả.
Một
trong những phương pháp giúp cho người tu được nhẹ nhàng thăng tiến trên đường
tu chính là thường xuyên quán xét tâm mình và thành tâm sám hối những lỗi lầm
mà mình đã gây tạo.
Đức
Tề Thiên Đại Thánh dạy:
“Sám hối được thì nghiệp chướng có thể
giải được một phần ba, còn không thì nặng nề, tu không tiến, học không thông,
hành đạo bị trở ngại. Buộc phải sám hối vì ai mà khỏi lỗi…”
Chính
vì thế mà trong đạo Cao Đài, nhiều thánh thất thánh tịnh đều tổ chức tụng kinh
Sám Hối hai ngày mỗi tháng vào buổi tối trước hai ngày sóc vọng.
NGUYỆN. Lòng tin mãnh liệt mà
phát ra nguyện lực rộng lớn như Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Đức Phật Di
Đà:
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Được vậy thì cảm động trời đất, cảm động
chư Thiên, Bồ Tát. Họ sẽ giúp ta mọi mặt để tác thành quyền pháp. Minh sư sẽ
gặp, chỉ một lời là đắc đạo thành Tiên.
Sau
khi đã có lòng tin thì điều tiếp theo là người tu cần phải lập nguyện để tinh
tấn tu hành.
Trong
Tứ Đại Điều Quy Giảng Nghĩa, tiền bối
Nguyễn Minh Thiện (1897-1972) viết về sự cần thiết phải lập nguyện như sau:
“Thử xem các vị Phật Tiên thuở trước có ai
không nhờ thệ nguyện mà đặng thành chăng? Cho nên người tu trước phải thệ
nguyện làm tin, rồi sau mới vững lòng mà hành đạo.
Trong kinh có câu: Vô nguyện bất thành
Phật dữ Tiên, Phật Tiên vô nguyện bất điều hiền, nghĩa là người không lập
nguyện chẳng thành Phật Tiên, còn Phật Tiên cũng chẳng độ người không lập
nguyện. Lời này đủ chứng tỏ sự thệ nguyện là quý trọng dường nào.”
Thật
vậy, các Đấng Phật Tiên xưa nay đều lập đại nguyện. Một trong bốn mươi tám lời
đại nguyện của Đức Phật A Di Đà như sau:
Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi
có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi không ở ngôi chánh giác.
Hai
trong số mười hai lời đại nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát như sau:
- Nguyện rằng chúng sanh ở cõi ta bà hay cõi u
minh mà có lời cầu nguyện thì sẽ đến nơi để tận độ.
- Nguyện ngày đêm tuần du khắp chốn, đến cả
cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để độ rỗi chúng sanh khỏi vòng tổn hại.
Sang
Tam Kỳ Phổ Độ, khi Đức Chí Tôn rời Bạch Ngọc Kinh xuống trần lập đạo Cao Đài,
Thầy cũng lập đại nguyện:
Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ
dữ làm lành, Đạo không thành, Thầy nguyện
không trở về ngôi vị cũ.([28])
Muôn kiếp các con chịu lạc đường
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương
Nên đoan thệ
với hàng Tiên Phật
Lời
đại nguyện của các Đấng thật là cao cả, vĩ đại. Riêng đối với người tu chúng
ta, trong cuộc sống tu hành thường nhật, chúng ta quán xét xem mình còn phạm
những khuyết điểm sai lầm gì thì nên lập nguyện khắc phục những lỗi lầm ấy để
giúp cho bản thân tu hành tinh tấn, bởi lẽ nếu không lập nguyện thì sẽ không có
cố gắng và quyết tâm.
Ông
Khưu Trường Xuân lúc bắt đầu tu hành, đã lập lời thệ nguyện, viết trên tấm
gỗ rồi xỏ dây đeo vào cổ để tự nhắc nhở mình hằng ngày như sau:
Niệm quấy muốn trừ, mãi chửa thành
Nay trên tấm gỗ viết rành rành
Vọng ngôn quấy ngữ đều trừ hết
Vọng tưởng quấy tham quét sạch sanh
Nhận quấy bạc tiền: tay đứt đoạn
Miệng ham ăn uống: loét không lành
Bên mình mọi việc luôn xem xét
Nếu
không lập nguyện thì hành giả dễ mắc phải chứng bệnh giải đãi, biếng lười nên
tu hành bê trễ, không tinh tấn siêng năng. Đức Phật Thích Ca ngày xưa khi ngồi
tĩnh tọa dưới cội cây bồ đề đã nguyện rằng nếu không đắc thành chánh quả thì
nhứt định không đứng dậy.
Và
như lời Đức Hà Tiên Cô dạy, người tu có lập nguyện và khổ công tu hành để thực
hiện cho tròn lời nguyện thì sẽ làm cảm động trời đất, cảm động chư Thiên, Bồ Tát,
sẽ được các Ngài giúp đỡ mọi mặt để tác thành quyền pháp.
HẠNH. Nếu niềm tin kiên cố,
nguyện lực sâu dày, mà còn giới hạnh đủ đầy, tạo cho hành giả một quyền năng,
đủ oai nghi hạnh đức, quỷ phục thần khâm. ([31])
Giới quy ([32]) để
làm ranh hạn chế tâm tà. Giới quy để tô tạo cho con người trở nên thánh khiết.
Giới có giữ trọn thì định mới sanh. Nhờ giới kềm chế vọng tâm, tiêu trừ chướng
nghiệp,([33]) tạo
nên công đức thù thắng,([34]) đặng
quả chơn định ([35]) mà
trí huệ sinh ra. Trí huệ có rồi thì trời đất với ta là một.
Đây là Phật. Đây là tự do, huyền năng ghê
gớm, hàng phục ([36]) chúng
ma.([37]) Vạn
hạnh đủ khiến cho chúng sanh tỉnh ngộ hồi đầu, an ủi nỗi khổ đau cho muôn loài
vạn vật.
Ấy là TÍN, NGUYỆN, HẠNH.
Kinh
sách xưa nay vẫn thường dạy rằng: “Đức trọng quỷ thần khâm” nghĩa là người có
đức hạnh tròn đầy sẽ phát lộ ra một dáng vẻ oai nghi khiến cho ma quỷ phải
kiêng sợ không dám quấy phá và Thần Thánh khâm phục hằng che chở hộ trì. Người
tu muốn có đức hạnh tròn đầy tỏa sáng thì cần phải trì giới cho tinh nghiêm vì
giới quy là hàng rào ngăn chận tâm tà tánh tục, là khuôn khổ nắn đúc con người
trở nên thánh khiết.
Ngày
xưa, khi Đức Phật Thích Ca sắp nhập Niết Bàn, môn đệ tỏ lòng thương tiếc và lo
sợ khi không còn được sự dìu dắt của Đức Phật thì Ngài trối lại rằng: Sau khi
ta nhập diệt rồi, các ngươi noi theo giới luật mà gìn giữ để tu hành. Giới luật
là Ta tại thế đó.
Ngày
nay, Đức Chí Tôn dạy:
“Giới luật là con đường của Thầy dựng nên
để cho các con đi về cùng Thầy. Giới luật là một nấc thang để các con bước lên
Thiên Đàng. Các con có chịu bước thì mới đến, không bước lên mà trụt xuống thì
làm sao đến được. Giới luật là một phép lạ để các con xua đuổi tất cả loài ma
lũ quỷ ra khỏi người các con để các con đắc thành Phật quả. Con giữ được phép
lạ ấy thì loài ma quỷ kia sẽ tránh xa, con không giữ được phép lạ ấy thì ma quỷ
sẽ đến gần các con, rồi các con sẽ là ma quỷ.” ([38])
“Xưa nay tất thảy mọi người được đắc thành
quả vị Phật Tiên cũng nhờ ở nương theo giới luật, không có một người nào ngoài
giới luật mà đắc thành quả vị bao giờ.”([39])
Nếu
không giữ được giới luật thì hành giả không mong gì đắc thành đạo quả. Đức Giáo
Tông Đại Đạo dạy:
“Hễ tâm giới không giữ trọn thì ma quỷ sẽ
thừa cơ hội mà lôi kéo vào nơi sa đọa của
chúng nó, nơi sa đọa ấy là gì?
Kẻ nào ưa danh thì nó cho danh, kẻ nào ưa
lợi thì nó cho lợi, kẻ nào nào ưa sắc thì nó cho sắc. Khi các hiền đã sa vào
danh lợi sắc tài rồi thì lòng mình chỉ còn biết vui sướng đắm đuối theo những
vật ấy, có còn nghĩ chi đến việc tu hành để thành Tiên tác Phật nữa đâu. Các
hiền cũng tu đấy, nhưng chỉ mặc cái áo tu bề ngoài, còn trong tâm thức thì chỉ
toàn là danh lợi sắc tài mà thôi. Tu như thế thì làm sao mong ngày đắc quả bồ
đề, chứng ngôi chánh giác, hỡi chư hiền?” ([40])
Một
khi giới đã giữ trọn thì tâm sẽ không còn điên đảo vì những vọng niệm ý tà mà
sẽ đạt được trạng thái an định. Nội tâm có an định thì trí huệ mới phát sinh.
Đức Hà Tiên Cô dạy:
“Trí huệ có rồi thì trời đất với ta là
một. Đây là Phật, đây là tự do, huyền năng ghê gớm, hàng phục chúng ma.”
Điều
mà Đức Hà Tiên Cô nói đây là đỉnh cao của trí huệ. Chúng ta hiểu rằng, tùy theo
mức độ tinh tấn trong việc giữ giới và an định nội tâm mà người tu có thể đạt
được trí huệ sáng suốt theo từng mức ấy. Trước hết là có thể phân biệt chánh tà
để khỏi phải lạc lầm vào bàng môn tả đạo, tiếp theo là có thể hiểu được đúng thánh
ý Thiêng Liêng chỉ dạy để thực hành cho đạt kết quả. Người tu được bao nhiêu đó
cũng là điều rất đáng quý rồi.
“Vạn hạnh đủ khiến cho chúng sanh tỉnh ngộ
hồi đầu, an ủi nỗi khổ đau cho muôn loài vạn vật.”
Người
có giới hạnh đủ đầy thì không cần nói nhơn sanh cũng cảm mến theo về.
Tôn
giả Xá Lợi Phất là vị đại đệ tử trí tuệ bậc nhất của Đức Phật Thích Ca. Từ lúc
còn là một chàng thanh niên hai mươi tuổi, Xá Lợi Phất đã nổi tiếng thông minh
xuất chúng. Ông đi khắp nơi tìm thầy học đạo nhưng không tìm được một vị nào
khiến cho ông cảm phục. Ấy thế mà tôn giả đã trở thành đệ tử của Đức Phật sau
khi gặp tỳ kheo A Thuyết Thị, một trong năm vị tỳ kheo đầu tiên xuất gia làm đệ
tử của Đức Phật.
Tỳ
kheo A Thuyết Thị có một khuôn mặt ngời sáng và một dáng vẻ trang nghiêm, thanh
thoát lạ thường. Mỗi cử chỉ đi, đứng của vị tỳ kheo ấy đều tỏ
rõ oai nghi đức hạnh của bậc chơn tu. Thoạt nhìn thấy, Xá Lợi Phất bỗng cảm
thấy tâm hồn rúng động không thể tả được! Xá Lợi Phất liền đến hỏi xem thầy của
A Thuyết Thị là ai. A Thuyết Thị trả lời bằng bốn câu kệ gọi là “Duyên Khởi Kệ”.
Nghe xong, ngài Xá Lợi Phất liền trực nhận ngay về lý “Có sinh thì có diệt”, về
thuật lại cho bạn là Mục Kiền Liên nghe rồi hai người cùng xin Phật cho gia
nhập tăng già, trở thành đệ tử của Đức Phật.
Hạnh đức của Ngài Minh Thiện lúc còn tại
tiền được Đức Hưng Đạo Đại Thánh khen ngợi như sau:
“Hồi
Minh Thiện còn tại tiền, vì đức lớn tài cao, ngồi một chỗ mà thấy được khắp
nơi, nói ít thiên hạ nghe nhiều, không
la rầy mà ai cũng sợ, chẳng nịnh nọt mà người quyền quý mến yêu, không ban ơn
thí vật mà người người như được cậy nhờ nhiều lắm. Vì đức độ, vì uy nghi, vì
quên thân cầu Đạo mà quần chúng quy tụ một cách nồng nàn. Mỗi lúc mỗi thấy
sum suê thêm nhiều cái hay cái đẹp.” ([41])
Qua đó, chúng ta thấy rằng người tu đức
hạnh trang nghiêm có thể độ được người theo đạo một cách dễ dàng.
*
Tóm lại, theo lời dạy của Đức Hà Tiên Cô,
người cầu tu giải thoát cần phải giữ trọn ba điều: Tín, Nguyện, Hạnh.
TÍN là
có lòng tin vững chắc: Tin mình có đủ sức vượt qua mọi khó khăn để đắc thành
đạo quả. Tin được sự trợ duyên gia hộ của Thiêng Liêng và mọi người xung quanh.
Tin có Đấng Tạo Hóa cầm cân công bình và an bài tất cả. Tin có luật báo ứng
gieo nhân gặt quả để cố công tu hành giải trừ oan trái tiền khiên và không gây
nghiệp mới.
NGUYỆN là
lập nguyện kiên cố để tinh tấn tu hành với một tâm chuyên nhất bất thối chuyển.
HẠNH là
giới hạnh đủ đầy ([42]) tạo
cho hành giả một huyền năng, đủ oai nghi hạnh đức, quỷ phục thần khâm để cảm
hóa người chưa giác ngộ vào đường đạo đức và tự thân hành giả được phát sinh
trí huệ.
Đặc biệt, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
người môn đệ Cao Đài còn có thêm một niềm tin nữa, đó là tin vào luật đại ân xá
của Đức Chí Tôn. Những ai quyết chí tu hành chơn chánh thì có thể được giải
thoát ngay trong một kiếp như lời Đức Mẹ dạy:
Kỳ ân
xá vô ngần duyên phước
Một
kiếp tu mà được đắc thành
Thoát
vòng hệ lụy tử sanh
Xin
nguyện cầu Đức Hà Tiên Cô cùng các Đấng thiêng liêng ban ơn hộ trì cho tất cả
huynh tỷ, đệ muội chúng ta luôn giữ trọn được ba điều Tín, Nguyện, Hạnh mà
Thiêng Liêng đã chỉ dạy ngõ hầu có thể thẳng tiến trên đường cầu tu giải thoát,
tự độ và độ tha.
DIỆU NGUYÊN
Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)