Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

10/ THẦN TIÊN XEM MẠCH BỐC THUỐC / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Thần tiên xem mạch bốc thuốc
1. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Khi mới khai Đạo, tại Tòa Thánh Tây Ninh, số người đến xin nhập môn rất đông mà số người hiếu kỳ đến xem huyền diệu Tiên gia cũng không ít. Đồng thời còn có nhiều người đến với mục đích xin thuốc chữa bệnh hoặc cầu hỏi chuyện gia đạo hay thế sự, v.v…
Tại Đền Thánh Tây Ninh ngày 05-12 Bính Dần (08-01-1927), Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo rất nghiêm khắc, dạy rằng: “Thượng Trung Nhựt, hiền hữu khá nói cùng kẻ đến đây chẳng tâm đạo, chỉ đến cầu gia đạo và cầu thuốc biết rằng đây vốn là đền thờ Ngọc Đế, chớ chẳng phải là nhà thương hay là tiệm bói. Nghe à!
Ấy thế mà khi đọc các thánh giáo trong giai đoạn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam được lập thành, chúng ta thấy hàng Thiên ân sứ mạng luôn được Ơn Trên ưu ái, ban thuốc chữa bệnh để được nhẹ nhàng, bớt phần thân nghiệp ngõ hầu lo hành đạo giúp đời.
Trong một lần giáng cơ tại Thiên Lý Đàn (Hòa Hưng), giờ Tuất ngày 20-10 Kỷ Dậu (29-11-1969), sau khi dạy xong phần đạo pháp và phần hành sự, Đức Tôn Sư Đông Phương Chưởng Quản từ giã:
Giã chư đệ muội trần hồng,
Ráng lo tu học non bồng ta lui.
Ngay lúc đó, tiền bối Đạt Minh, Nội Chánh Vụ Trưởng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,([1]) liền quỳ xin thuốc cho tiền bối Chí Tín, Phó Tổng Thư Ký Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,([2]) và đạo tỷ Bạch Hảo (Nữ Chung Hòa).



Đức Tôn Sư nán lại, và dạy:
Bần Đạo vẫn nhớ, nào có quên đâu hiền đệ! Bần Đạo giúp một phương tiện trong tình sư đệ mà thôi. Về nghiệp quả, muốn cho sớm dứt cũng phải một thời gian tu luyện mới có thể dứt đặng. Đây hiền đệ đến trước Thiên Bàn đem ba loại hoa đang chưng trên bàn, mỗi thứ hai cái, để vào dĩa đem đến đây, Bần Đạo ban ân cho.
THI
Tam sắc huê khai chuyển pháp luân,
Độ nhơn giải thoát nghiệp hồng trần,
Đái công thục tội ([3]) hành chơn đạo,
Nhứt điểm linh quang nhứt điểm thần.
Hiền đệ đem về sao khô, hiệp chung lại. Dùng nước trong tịnh thủy bình tại Thiên Bàn, lường ba chung đổ vào một chén. Phân số hoa này ra làm ba lần, để vào nước chưng cách thủy. Thành tâm khẩn nguyện, uống đúng vào giờ Tý và giờ Ngọ. Trường phục ([4]) như vậy trong tam nhựt.
Về phần đạo tỷ Bạch Hảo,([5]) Đức Tôn Sư ban ân và dạy:
Hiền đệ dùng ba thứ hoa này, làm đúng lời dạy trước, song phải thêm vào mỗi lần là một chỉ Tục Đoan, một chỉ Linh Tiên, hiệp với hoa mà chưng cách thủy và uống đúng vào giờ Dậu, giờ Mẹo, y như vậy trong tam nhựt. Đó là phương tiện giúp đỡ của Bần Đạo đối với hiền đệ Phó Tổng Thơ Ký và hiền muội Nữ Chung Hòa.
Một lần khác, tại Thiên Lý Đàn, vào giờ Tuất ngày 28-5 Kỷ Dậu (12-7-1969), tiền bối Huệ Lương (1902-1980) là Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý cầu xin Đức Tôn Sư ban thuốc chữa bệnh cho tiền bối Bạch Tuyết ([6]) trong bộ phận Hiệp Thiên Đài. Đức Tôn Sư dạy:
“Cười… Bần Đạo chỉ đem pháp nhiệm cứu rỗi phần linh hồn, chớ có phải thầy thuốc đâu mà chư hiền đệ cứ xin thuốc mãi. Thôi, hiền đệ! Bần Đạo cũng cảm thương lòng khấn vái của các thanh thiếu niên mà ban ơn cho. Hiền đệ an lòng, sau sẽ rõ. Đó là một sự vay trả đấy.”
2. Tại Minh Lý Thánh Hội
Năm 1972, tiền bối Định Pháp Minh Thiện (1897-1972) là Chủ Trì Minh Lý Thánh Hội ([7]) bệnh nhiều. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư giáng đàn tại Minh Lý Thánh Hội vào giờ Tuất ngày 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972) và dạy:
Về bịnh trạng và sức khỏe của đạo hữu Định Pháp Minh Thiện, tuy biết rằng vạn vật hữu sinh hữu diệt, hữu hình hữu hoại, mỗi mỗi đều bị chi phối của luật sinh trưởng thâu tàng. Nhưng vì trách vụ đặc biệt của Minh Thiện trong giai đoạn hiện tại hiếm có người thay thế, vì thế Thượng Đế đặc ân chấp thuận cho Định Pháp được gia tăng tuổi thọ.
Hôm ấy, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư phân tích nguyên nhân căn bệnh của tiền bối Định Pháp như sau:
“Định Pháp Minh Thiện với tuổi đời già, nhục thể phần hậu thiên hữu chất đến giai đoạn tàn như cây khô nhựa, chỉ còn nhờ giải pháp hay nhứt là dụng tiên thiên khí để duy trì thêm tuổi thọ. Giữa lúc ác khí bao trùm, rất đỗi người mạnh còn bị chi phối do sự cảm cúm kéo dài hơn các năm khác, trong lúc nhục thể Định Pháp quá suy nhược thì ác khí kia có cơ lung lạc.
Thứ nữa là phần tu dưỡng. Vì bị ảnh hưởng chi phối của cơ thể nên sự di dưỡng tiên thiên khí, Định Pháp không làm đúng mức như lời Thiêng Liêng dạy, nên khó vượt qua sự hành hạ kia. Bởi tâm tư Định Pháp quá lo nghĩ về đạo sự ngổn ngang, sợ không đủ ngày giờ hoàn tất, do ưu tư đó đã làm nội tâm thiếu sự thanh tịnh để di dưỡng tiên thiên khí.
Về y sư trị liệu. Chư đạo hữu vì thương tình người anh trong cơn bịnh hoạn, đã đua nhau tìm thầy kiếm thuốc, nhưng trong sự tìm thầy ấy cũng có sự tranh cạnh nhau để gây ảnh hưởng. Đó là điều đa sư hư bịnh.([8]) Tốt hơn là cùng nhau hội ý để chọn một y sư có khả năng, hầu liên tục theo dõi bịnh trạng để trị liệu hữu hiệu hơn. Nhưng đó chỉ là phương tiện bồi bổ duy trì về mặt hậu thiên mà thôi.
Vì nghiệp chung của Minh Lý Thánh Hội còn đọng lại khá nhiều, nên người đầu đàn anh cả gánh lấy trách nhiệm để đàn em nhẹ phần khảo thí về nhục thể, hầu bước lẹ theo kịp đường tu. Khoản này, chư đạo hữu trong những giờ tham thiền công phu nên tập trung tư tưởng đưa điển lực đến trợ duyên cho Định Pháp để tăng cường sinh lực đúng mức hầu tiếp nối đạo sự. (…)
Sau khi xả đàn, chư đạo hữu có thời cầu kinh cho Định Pháp. Sau thời kinh ấy sẽ tái lập đàn cơ do Liên Hoa ([9]) phụ trách để Lữ Tổ Thuần Dương ([10]) đến xem mạch cho toa Định Pháp nghe chư đạo hữu.
Gần một tháng sau đó, bệnh tình của tiền bối Định Pháp trở nặng. Các môn sanh Minh Lý quá âu lo giao động, tạo thành một luồng điển xáo động như những lượn ba đào. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư lại giáng đàn tại Minh Lý Thánh Hội, vào giờ Tuất ngày 04-11 Nhâm Tý (09-12-1972) và dạy:
Đàn hôm nay tuy chư đạo hữu cố gắng để tâm không, nhưng làn sóng điển xao động từ mấy ngày qua vẫn còn chập chùng bủa lượn. Thế nên đàn hôm nay Bần Tăng có nhiệm vụ để hướng dẫn những ba đào điển lực ấy theo một chiều hướng ổn định.
(…) Đứng về phương diện đồng đạo huynh đệ tương thân, chư đạo hữu đã nhiệt tình tận tâm âu lo cho người anh cả đủ mọi phương diện, đó là điều tốt lắm rồi. Về phần Thiêng Liêng, bao nhiêu đặc ân từ các Đấng đã dành đãi ngộ cũng đầy đủ lắm rồi. Đó là kết quả phần hữu hình của một sứ đồ nửa cuộc đời tận tâm vì đạo.
(…) Bần Tăng nói trở lại về sức khỏe của đạo hữu Định Pháp Minh Thiện. Luật hữu hình hữu hoại, đó là lẽ đương nhiên của trời đất, không phải là điều đáng lo đáng nghĩ.”
Cuối cùng, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư ban ơn cho tiền bối Minh Thiện:
Bần Tăng nhờ đạo hữu Pháp Ấn ([11]) cho Bần Tăng một ly bạch thủy để Bần Tăng họa phù trợ lực người bạn đạo chí thân…
Đạo hữu giùm để lại nơi Thiên Bàn. Sau khi xả đàn, đem cho đạo hữu Định Pháp Minh Thiện uống và nói rằng món quà đặc biệt này của Vạn Hạnh Thiền Sư tặng người bạn tri kỷ.


*
Các mẩu chuyện thần tiên xem mạch bốc thuốc như trên đây còn có thể tìm thấy nhiều trong các bản thánh giáo được lưu truyền từ thời mới mở Đạo cho tới nay. Đơn cử như bộ Đạo Sử(hai quyển) của tiền bối Hương Hiếu (1887-1971) do Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh ấn hành.
Qua những chuyện người thật việc thật như thế, chúng ta thấy rõ đức từ bi bao la của các Đấng thiêng liêng và hiểu thêm rằng các Đấng vận dụng quyền phép nhiệm mầu để giúp chúng sanh tăng trưởng chánh tín, ngõ hầu nung chí trên đường tu học, lập công bồi đức để được trở về với Thầy Mẹ sau Hội Long Hoa.



([1]) Thế danh Lê Văn Non (1913-1985), quả vị Quang Minh Huệ Tiên.
([2]) Thế danh Lê Văn Bá (1918-2008), bào đệ đạo trường Đạt Minh.
([3]) Đái công thục tội     : Đem công lao đội lên đầu để dâng lên bề trên xin chuộc lại tội lỗi đã gây.
([4]) Phục dược   là uống thuốc. Uống thuốc ba ngày liền (tam nhựt) hay uống nhiều ngày hơn gọi là trường phục  .
([5]) Thế danh Nguyễn Thị Tơ (sinh năm 1915), bạn đời đạo trưởng Lê Văn Non (Đạt Minh).
([6]) Thế danh Lê Ngọc Trang (1918-1986), đắc quả Quán Pháp Chơn Tiên.
([7]) Sau khi quy thiên đắc quả Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát.
([8]) Đa sư hư bịnh     : Nhiều thầy cho thuốc khiến việc trị bệnh không kết quả.
([9]) Đồng tử Liên Hoa, thế danh Đàm Thi (1912-1998), là Tiếp Cơ Quân. Tiền bối đắc quả vị Hộ Pháp (2010).
([10]) Lữ Tổ Thuần Dương tức là Đức Thuần Dương Tổ Sư    , cũng là Đức Phù Hựu Đế Quân     , là Đấng ban cho bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng…)Ngài là Lữ Động Tân   trong Bát Tiên.
([11]) Tức là tiền bối Khai Ngộ, thế danh Nguyễn Văn Châu (sinh ngày 26-5-1916), lần lượt làm Chủ Trì (1982), Hiệp Lý (1983), rồi Tổng Lý của Minh Lý Thánh Hội. Sau khi quy thiên (25-9-2001), tiền bối đắc quả vị là Thành Sở Quan Chơn Nhơn.

Diệu Nguyên




Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)