Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

3/ CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN KHÔNG BẰNG TỰ CHIẾN THẮNG MÌNH / AN THUẬN QUẢ DUYÊN

CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN
KHÔNG BẰNG TỰ CHIẾN THẮNG MÌNH
 “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình.” Đây chính là lời dạy của Đức Phật Thích Ca được ghi lại ở phẩm Ngàn trong quyển Kinh Pháp Cú. Trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp,([1]) Đức Phật nói rất nhiều pháp ngữ nghĩa lý thâm sâu nhằm hướng dẫn nhơn sanh giải trừ nghiệp khổ và tiến đến Niết Bàn an lạc.
Ba tháng sau khi Phật tịch diệt, các cao đồ của Ngài hội họp kết tập thành Tam Tạng (Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng) để truyền lại cho hậu thế. Những lời dạy ngắn gọn đầy ý nghĩa của Phật được kết tập thành Kinh Pháp Cú.
là câu hay lời, Pháp là phép hay phương pháp. Pháp Cú là những lời dạy của Đức Phật để chỉ cho nhơn sanh phương pháp thoát khổ, tiến đến an lạc hạnh phúc.
Xưa nay, giới Phật tử đặc biệt tôn bộ kinh này làm bộ kinh nhật tụng quý báu, kể cả hàng xuất gia và tại gia đều tụng đọc và phụng hành để sống một đời sống an lành thánh khiết. Người tín đồ Cao Đài cũng nên học và hành theo các lời dạy của Đức Phật Tổ trong quyển kinh này.
Câu “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình” là câu thứ 103 trong số 423 câu của Kinh Pháp Cú. Lời dạy này nói đầy đủ là “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.”
Chúng ta có thể hiểu lời dạy này của Đức Thế Tôn như thế nào? Lời dạy này là một sự so sánh giữa chiến thắng vạn quân và tự chiến thắng mình. Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Hai chữ không bằng nơi đây mang ý nghĩa gì? Không bằng trên phương diện nào?
Phải chăng lời dạy của Đức Phật “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình” bao hàm hai ý nghĩa:
 Chiến thắng vạn quân hay chiến thắng người khác không phải là điều quan trọng của kiếp người. Chỉ có tự thắng mình mới là yếu tố quan trọng quyết định sự tiến hóa tâm linh của con người và đưa con người thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Chiến thắng vạn quân không khó bằng tự chiến thắng mình. Tự thắng mình là chuyện vô cùng khó khăn. Do vậy mà Đức Thế Tôn mới bảo thêm: “Tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.” Nếu có thể chiến thắng dễ dàng thì chiến công đó đâu được gọi là chiến công oanh liệt.
1. Ý nghĩa thứ nhất
Chiến thắng vạn quân hay chiến thắng người khác không phải là điều quan trọng của kiếp người. Chỉ có tự thắng mình mới là yếu tố quan trọng quyết định sự tiến hóa tâm linh của con người và đưa con người thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Thật vậy, xưa nay có những người suốt đời bôn ba tung hoành ngang dọc, lúc nào cũng muốn chiến thắng kẻ khác, nhưng cuối cùng cũng chỉ là con số không. Trong số đó có thể kể đến hai nhân vật tiêu biểu là Nã Phá Luân và Hạng Võ, hai nhân vật tiếng tăm trong lịch sử nhân loại. (Xem phụ bản 8.)

PHỤ BẢN 8

Nã Phá Luân (1769-1821) ([2]) là hoàng đế nước Pháp vào đầu thế kỷ 19. Ông là một nhân vật có biệt tài về binh pháp, chính trị, kinh tế và văn hóa, được xem như là một thiên tài quân sự xưa nay chưa từng có. Lúc thiếu thời ông học ở trường võ bị, nhờ có tài võ nghệ nên mới ba mươi tuổi mà được thăng đến cấp đại tướng. Năm ba mươi lăm tuổi lên ngôi hoàng đế nước Pháp và có ý đồ làm bá chủ nên thôn tính toàn bộ các nước châu Âu. Ông được xem là người hùng bách chiến bách thắng làm khuynh đảo thế giới lúc bấy giờ. Nhưng đến năm 1815 thì ông thua trận ở Waterloo và bị quân đồng minh bắt đày ra đảo Sainte Hélène, một đảo nhỏ giữa Đại Tây Dương và chết trong đau buồn tại đây lúc năm mươi hai tuổi.
Người thứ hai là Hạng Võ (232-202 trước Công Nguyên). Ông là người Trung Quốc, ở đất Cối Kê thuộc nước Sở. Lúc bấy giờ nước Sở bị Tần Thủy Hoàng xâm chiếm. Hạng Võ từ nhỏ thích học võ nghệ và có ý muốn làm thế nào để “nhất nhân địch vạn nhân” tức là “một người chống chọi được muôn người”. Khi Tần Thủy Hoàng tuần du qua đất Cối Kê, Hạng Võ định bụng sẽ hành thích ông vua bạo ngược này để cứu lê dân, nhưng chú của Hạng Võ can ngăn, khuyên hãy chờ thời cơ để làm nên nghiệp lớn. Về sau, vua kế vị Tần Thủy Hoàng là Tần Nhị Thế cũng bạo ngược độc ác không kém cha mình. Hạng Võ bèn nhân danh vua Sở chiêu dụ anh hùng hào kiệt nổi lên dấy binh khởi nghĩa nhằm cứu nhân dân thoát khỏi tai ách. Mọi người thấy Hạng Võ có chính nghĩa nên theo về rất đông.
Tuy nhiên Hạng Võ vốn là kẻ võ biền tính tình hung hăng nóng nảy. Sau khi chiếm được Tần thì chém vua Tần và chôn sống luôn hai mươi vạn quân Tần đã quy hàng. Về sau lại giết luôn cả vua Sở rồi xưng là Tây Sở Bá Vương. Lúc làm vua thì ngang ngược không chịu nghe lời can gián khiến cho hiền thần đều xa lánh nên về sau bị Lưu Bang đem quân vây đánh. Hạng Võ hữu dõng vô mưu lại không còn người hiền tài giúp sức nên đành thua trận chạy đến bến Ô Giang thì rút gươm tự sát. Năm đó Hạng Võ chỉ mới ba mươi tuổi.
Đức Chí Tôn có lần nhắc đến hai nhân vật Nã Phá Luân và Hạng Võ để minh thị rằng sống trên đời, tung hoành ngang dọc cho lắm, dù có chiến thắng vạn quân thì cuối cùng cũng hoàn lại con số không:
Nã Phá Luân gương còn ở đó
Ngang dọc trời công khó biết bao
Xông pha tên đạn ồn ào
Rốt rồi cũng bại, anh hào hóa không.
Kìa Hạng Võ non sông ngang dọc
Lúc sinh thời khử nọc bạo hung
Xưa nay biết mấy anh hùng
Rốt rồi chẳng khỏi đến cùng thành không.([3])
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy có nhiều người thích hơn người khác về mọi mặt. Thấy người hàng xóm mua xe Toyota thì mình phải mua xe Mercedes, thấy láng giềng xây nhà lầu ba tầng thì mình phải xây nhà lầu năm tầng, mà để đạt được điều đó thì đôi khi con người bất chấp tội lỗi để tạo ra đồng tiền cho trội hơn người khác.
Cũng có nhiều người thích trội hơn người khác từ lời ăn tiếng nói và đôi khi cũng chỉ vì lời nói, không biết nhường nhịn nhau mà sinh ra cãi vã rồi đi đến ẩu đả, thậm chí còn đưa đến án mạng nữa.
Cổ nhân từng nói: “Nhựt thực tam xan, dạ miên thất xích.” ([4]) Tranh giành hơn thua cho lắm thì ngày cũng chỉ ăn ba bữa cơm, tối ngủ cũng chỉ hơn hai mét giường nằm. Chỉ có tự chiến thắng mình mới là điều quan trọng của kiếp người.
Đức Lê Đại Tiên dạy:
Thắng người trước thấy ta đã bại
Hãy thắng ta mới gọi toàn chơn.([5])
Đức Cao Triều Tiền Bối dạy thanh thiếu niên:
“Ta không bảo các em chinh phục thiên hạ, mà bảo các em t thắng các em và phục vụ cho thiên hạ.” ([6])
Vậy, thế nào là tự chiến thắng mình? Vì sao lại bảo rằng tự chiến thắng mình mới là điều quan trọng của kiếp người?
Khi nói đến thắng và thua tất phải có hai lực lượng đối lập nhau. Nếu là chiến trường với súng đạn gươm giáo thì kết quả cuộc chiến sẽ là một thắng một thua, một sống một chết, một mất một còn. Vậy, mình tự thắng mình phải chăng là mình tự hủy diệt mình? Thưa không phải vậy. Đức Thánh Trần Hưng Đạo dạy:
“Sự chiến thắng cao nhứt trên đời không phải là chiến thắng được tha nhân, mà phải chiến thắng bản tâm để un đúc tinh thần trên sức vạn năng thiên lý, mới mong giải thoát được nghiệp quả trầm luân.” ([7])
Lời dạy của Đức Thánh Trần giúp cho chúng ta hiểu rằng tự chiến thắng mình chính là chiến thắng bản tâm. Con người chúng ta tuy bề ngoài hình thể chỉ có một nhưng nội tâm con người thì lại có hai trạng thái: phàm tâm và đạo tâm. Hai thế lực này luôn luôn đối kháng nhau, đấu tranh với nhau. Khi phàm tâm thắng thì con người là ma, là quỷ, còn khi đạo tâm thắng thì con người là Tiên, là Phật. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Trong mỗi người đều có hai trạng thái tâm hồn, một là tốt, hai là xấu. Hoặc nói khác hơn, một là thiện, hai là ác. Hoặc nói một cách khác nữa, đó là phàm tâm và đạo tâm. Hễ khi phàm tâm hưng thịnh, làm chủ con người thì đạo tâm bị che án, khuất lấp lu mờ, để cho thất tình lục dục, tham sân si tha hồ mà ngự trị loạn động khiến sai. Chỉ khi nào đạo tâm hưng thịnh ngự trị làm chủ con người thì phàm tâm mới diệt được. Khi phàm tâm diệt, đạo tâm sanh, thì con người ấy mới có thể gọi là hiền lương quân tử, đạo đức chơn tu.” ([8])
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Chư hiền đệ muội nghĩ lại mà coi. Hỏi vậy chớ Đạo ở đâu mà đời lại ở đâu? Ma ở đâu mà Phật lại ở đâu? Tất cả những thứ ấy đều có nơi mỗi con người đủ hết. Mỗi khi nội tâm đang hướng thượng vào những lãnh vực đạo đức thánh thiện, ham làm việc đạo đức tế chúng độ dân, lúc ấy chính là Phật, là Tiên, là Thánh. Trái lại, nếu nơi nội tâm tưởng việc xằng quấy trong lãnh vực si mê thấp hèn như ganh tỵ, tật đố, tham lam, ích kỷ, chấp nhứt, nhỏ mọn, lúc đó chính mình là ma, là quỷ.” ([9])
Một lần khác, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy thêm:
“Trời cũng là ta, Phật Tiên Thánh Thần cũng là ta, mà ma vương, ngạ quỷ, súc sanh cũng là ta. Bởi trong cái ta có chánh có tà lẫn lộn. Hễ chánh thạnh tà suy là Phật, nếu tà thạnh chánh suy là ma, thế thôi.
Mỗi ngày, mỗi người có những ngôn ngữ cùng hành động của Thần Thánh Tiên Phật mấy lần, và cũng chính mình có những ngôn ngữ hành động của ma quỷ mấy lần mà không hay.” ([10])
Qua lời dạy của các Đấng, chúng ta thấy rõ rằng, tự thắng mình có nghĩa là mình phải làm chủ nhơn ông để cho thánh tâm chiến thắng, không để cho phàm tâm óng dậy xúi giục mình làm những điều quấy quá.
Nói một cách cụ thể, chiến thắng mình tức là khắc phục những thói hư tật xấu như lười biếng giải đãi, giả dối, tham lam, ích kỷ, giận hờn, ghen ghét, đố kỵ, ố nhơn thắng kỷ (ghét người hơn mình). Chiến thắng mình là vượt qua được những tình cảm bi lụy si mê. Chiến thắng mình là chế ngự những ham muốn thấp hèn, là tu sửa bản thân, rèn luyện nhân cách để làm phát triển những phẩm chất cao đẹp như lòng vị tha, hạnh bác ái, thương yêu hòa thuận với mọi người, có ý thức trách nhiệm cao đối với công việc, phát triển Thượng Đế Tính (Tính Trời) hay Phật Tính tiềm tàng trong mỗi con người để trở thành một con người chí nhân, chí thiện, chí mỹ.
Tự thắng mình là điều quan trọng của kiếp người vì chỉ có tự thắng được mình tức là chiến thắng được phàm tâm thì con người mới có thể tự giải thoát khỏi nghiệp luân hồi sinh tử để tiến lên làm Thần, làm Thánh, làm Tiên, làm Phật được.
Các bậc Giáo Tổ xưa nay được cả thế giới kính ngưỡng, tôn thờ bởi vì các Ngài đã vượt qua bao thử thách nội tâm dữ dội như sóng thần để tự chiến thắng chính mình.
Phúc Âm theo Thánh Maccô (1:13) chép rằng Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ... và Đức Giêsu đã thắng được sự cám dỗ của Satan. (Xem phụ bản 9.)


PHỤ BẢN 9
Vào cái đêm trước khi thành Phật dưới cội cây bồ đề, tu sĩ Cồ Đàm bị ba cô con gái tuyệt đẹp của ma vương Ba Tuần cám dỗ và ngài Cồ Đàm đã chiến thắng vượt qua.
Theo Kinh Trường Thọ III, ba cô gái kể lại việc này với cha là ma vương Ba Tuần như sau (xem phụ bản 10):

PHỤ BẢN 10

“Ngày trước, dưới gốc cây bồ đề, ba đứa chúng con xinh đẹp nhứt hạng, vậy mà bày trăm cách ngàn kiểu khêu gợi dục tình, Bồ Tát Cồ Đàm đều không chút đắm nhiễm. Ngài xem chúng con như ba mụ già xấu xí.”
Đức Giêsu Kitô, Đức Phật Thích Ca, các ngài đã tự thắng mình một cách kiên cường để trở thành Chúa, thành Phật được muôn đời kính ngưỡng ở cả hai cõi trời và người.
2. Ý nghĩa thứ hai
Chiến thắng vạn quân không khó bằng tự chiến thắng mình.
Lịch sử nhân loại ghi lại bao chiến công hiển hách của các bậc anh hùng dũng tướng đã từng chinh đông phạt tây, đánh nam dẹp bắc, có tài thao lược trí mưu, hiểu rành binh pháp. Và để chiến thắng vạn hùng binh, họ cũng phải trải bao gian khổ, nếm mật nằm gai, vào sanh ra tử. Điều này cho chúng ta thấy việc chiến thắng vạn hùng binh không phải là chuyện dễ dàng gì.
Ấy thế mà Đức Phật lại bảo rằng cuộc chiến thắng vạn hùng binh ấy vẫn không oanh liệt bằng tự chiến thắng mình. Tự chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Lời dạy của Đức Thế Tôn cho thấy rằng tự chiến thắng mình là điều vô cùng khó khăn, bởi lẽ nếu có thể chiến thắng dễ dàng thì chiến thắng đó đâu được gọi là chiến công oanh liệt.
Đã có biết bao anh hùng dũng tướng xông pha ngoài trận mạc, bách chiến bách thắng, nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, họ lại bị thất bại thảm hại trước những cám dỗ của lợi danh, tiền tài, sắc đẹp... và đã để cho những ham muốn thấp hèn dẫn dắt mình vào vũng bùn tội lỗi khiến cho thân bại danh liệt, tan tành sự nghiệp.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Chư hiền đệ muội thử nghĩ, trên thế gian có rất nhiều người anh hùng có thể chiến thắng trăm trận, đoạt thành cướp lũy, kiến quốc tạo nghiệp, nhưng cũng chưa hẳn làm được anh hùng để chiến thắng những trận giặc bất chính ở cá nhân nội tâm.” ([11])
Đạo Đức Kinh (Chương 33) ghi lời Đức Lão Tử dạy:
Thắng nhơn giả hữu lực, tự thắng giả cường.” Nghĩa là: Người thắng được kẻ khác chỉ là người có sức mạnh, người tự thắng được mình mới là người kiên cường. Thật vậy, chiến thắng kẻ khác thì không khó bằng tự chiến thắng mình.
Đức Tiếp Pháp Trương Văn Tràng dạy:
Giặc ngoài dầu loạn mấy mươi năm
Không ngại cho bằng giặc nội tâm
Ngoài có thiên binh đem thạnh trị
Trong đành tuyệt vọng bởi sai lầm.([12])
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư có lần dạy về sự thắng và thua trong kiếp người:
“Một người tướng có thể cầm binh thắng năm mười trận, nhưng họ vẫn thua khi trở về gia đình bị lụy vì tình, làm khổ vợ khổ con.
Một nhà ngoại giao có thể thắng nhiều nước cờ trên trường quốc tế, nhưng khi không dằn cơn nóng giận, họ sẽ thua một đứa nhỏ đánh giày.
Một quan tể tướng trong triều đình, họ có thể thắng hằng ngày trên trường quốc sự, nhưng nếu họ vô độ lượng trong lúc vui say tửu nhục, họ cũng phải thua nửa lít nước trong.
Trong giới tu hành cũng thế. Một người giáo sĩ truyền đạo có thể hùng biện diễn thuyết thắng thế trước muôn người, nhưng họ đành phải thua một phút nổi sân buông lời khiếm nhã.
Một người chức sắc hoặc một đạo hữu có thể thắng trên mọi lãnh vực trường đời, nhưng họ không thắng nổi được nội tâm mỗi khi tham dục loạn động, đó là thua.” ([13])
Người tu chúng ta hãy tự kiểm điểm bản thân xem hằng ngày đã có biết bao nhiêu lần thắng và thua như lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Trong tấm thân tứ đại mỗi người hằng ngày đã diễn ra không biết bao nhiêu lần thắng và thua, nhưng có mấy ai để ý, đến chừng nào sự kiện tồi tệ nhục nhã rồi mới hay rằng mình đã thua, còn quanh mình lúc nào cũng vẫn cho rằng mình thắng.([14])
Xin nêu ra một vài thí dụ:
Đến giờ công phu, hành giả bỗng nghe trong mình uể oải biếng lười. Nếu hành giả quyết tâm vượt qua được sự lười biếng giải đãi để tinh tấn công phu thì xem như đã tự thắng mình 1-0.
Đối với hành giả còn ăn chay kỳ, đến ngày chay bỗng thấy đồ mặn phát thèm, nếu hành giả không cương quyết chống lại cơn thèm ấy, lại lén ăn thử một miếng thức ăn mặn đang cám dỗ trước mắt, thế là hành giả đã tự thua mình 1-0.
Hoặc giả có người bạn đạo nói một lời thiếu tế nhị đụng chạm tự ái của mình, nếu hành giả biết tự kềm chế không sân giận, không trả đũa bằng những lời khiếm nhã thì xem như đã tự thắng mình 1-0, v.v...
Còn rất nhiều và rất nhiều nữa những chuyện thắng và thua chính mình đang diễn ra hằng ngày trong đời sống tu hành của mỗi người chúng ta. Và còn có những cám dỗ lớn hơn như tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lợi, sắc dục, v.v... khiến cho người tu phải chịu thất bại thảm hại.
Bây giờ chúng ta hãy phân tích xem vì sao cuộc chiến đấu với bản thân lại khó khăn đến như vậy, và muốn chiến thắng thì phải làm sao?
Cuộc chiến đấu với chính mình hay nói rõ hơn là cuộc đấu tranh với thói hư tật xấu cùng những ham muốn thấp hèn của mình là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ, bởi vì:
 Đây là một cuộc chiến thầm lặng và đơn độc, không có người chỉ huy cũng không có chiến hữu, chỉ có ta và ta, và mình cũng là tướng soái chỉ huy chính mình. Ta thắng không ai hay, ta thua cũng chẳng ai biết. Cuộc chiến này kéo dài trường kỳ và âm ỉ, không một giây phút nào ngưng nghỉ. Trong mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lời nói, hành động và nhất là trong suy nghĩ, ta phải luôn luôn tỉnh giác để nhận diện kẻ thù và chiến đấu với nó. Một ý nghĩ bất chánh, một lời nói sân ác, dù chưa thực hiện thành hành động nhưng tội hình cũng ngang nhau. Ngày mới khai Đạo, Đức Chí Tôn dạy:
Nơi Tòa Phán Xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể. Các con khá nhớ.([15])
Nếu trong một khoảnh khắc nào đó, chúng ta lơ là chểnh mảng hoặc yếu mềm thì kẻ thù trong ta không bỏ lỡ cơ hội, chúng sẽ thừa cơ lấn tới và thế là bao nhiêu sự cố gắng của ta bỗng trở thành công dã tràng. Thật vậy, người tu nếu không biết tỉnh giác, kềm chế lòng mình, chỉ cần một phút sân giận nổi lên thì đã đốt thiêu hết cả rừng công đức. Chính vì thế mà sách Trung Dung dạy rằng không thể xa lìa Đạo dù chỉ trong khoảnh khắc.([16])
Trong cuộc chiến này, chúng ta rất khó nhận diện được kẻ thù bởi lẽ chúng thường khéo ngụy trang bằng những lớp vỏ đẹp đẽ hào nhoáng, khiến chúng ta không thể nào nhận ra được và trót nhận giặc làm con, nên đành để cho chúng mặc sức tung hoành. Chúng còn được lòng tự ái của chính chúng ta làm ô dù che chở. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Thương thay! Trong con người thườngquan tòa hay bin h thiên về phía phàm tâm hơn. Trong trường hợp đó, khiến con người bị xa chánh đạo, gây điều tội lỗi.([17])
“Trong con người thường có quan tòa hay biện hộ thiên về phía phàm tâm hơn.” Thật vậy, tác giả quyển Giải Mã Truyện Tây Du phân tích rõ khía cạnh tâm lý này của con người. Theo tác giả, trong câu chuyện bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh thì Đường Tăng tượng trưng cho mỗi con người chúng ta. Tề Thiên tượng trưng cho lý trí sáng suốt biết phân biện chánh tà. Sa Tăng tượng trưng cho tính cần cù nhẫn nại, trì thủ, tinh tấn. Riêng Bát Giới “hư” nhất, tượng trưng cho tính tham: tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc, tham nịnh nọt. Bát Giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người. Ấy vậy mà trong các đệ tử, Đường Tăng lại tỏ ra cưng Bát Giới hơn cả. Vì sao vậy? Vì con người vốn vẫn thương thân mình hơn tất cả, nên vẫn thường có xu hướng nhắm mắt đưa chân, phớt lờ cái lẽ đúng mà nuông chìu theo bản năng, thói hư tật xấu của mình cho thân mình được sung sướng, lại còn đưa ra những lý lẽ để biện hộ cho sự sai trái của mình nữa.([18])
Thật vậy, phàm tâm luôn có những lý lẽ thoạt nghe qua thấy rất hợp lý nên dễ dàng dối gạt lừa phỉnh hành giả. Cho nên, nếu bản thân không kiên quyết, không tinh ý suy xét cho tường tận thì chúng ta rất dễ bị phàm tâm dẫn dắt đến những hành động sai trái.
Đức Bác Nhã Thiền Sư phân tích rất rõ ràng như sau:
“Chư đạo hữu luôn luôn tâm niệm điều này: Trong mỗi người đều có hai thái cực giằng co nhau, một là Thượng Đế, một là Satan, ác quỷ.
Thượng Đế lúc nào cũng muốn dẫn dắt, cứu rỗi con cái Ngài đi lên chốn thanh cao siêu thoát; còn Satan, ác quỷ lúc nào cũng đố kỵ người tu, tìm đủ cách lý do ngụy biện, lôi kéo đối tượng xuống địa ngục a tỳ. Vì vậy cho nên người tu học phải hiểu rõ chỗ đó để khỏi bị Satan, ác quỷ nhơn danh Thượng Đế dối gạt hành giả đi sai đường chánh đạo. Đó là nói về nội tâm của mỗi người, chưa kể đến phần ngoại cảnh. Phần ngoại cảnh tuy có trở ngại nhưng dễ thấy, dễ phán đoán nhận xét, dễ đề phòng. Còn nội tâm rất khó thay, bởi vì Thượng Đế cũng mình, mà Satan, ác quỷ cũng mình.
Satan lúc nào cũng đem các phương tiện hấp dẫn quyến rũ, như danh lợi, tình tiền và những thụ hưởng khác. Satan lúc nào cũng có lý lẽ để câu nhử hành giả. Từ đó những việc làm mà Thượng Đế muốn đều có Satan đưa lý do tại và bị để biện hộ cho phần thụ hưởng. Vậy nên hành giả phải sáng suốt nhận định làm chủ lấy tâm để khỏi bị dối gạt.
Bản Huynh nêu một vài tỷ dụ nho nhỏ để chư đạo hữu lấy đó làm mực thước đo lường những việc khác tương tự. Thí dụ như sửa soạn đi hành đạo, bỗng nhiên gia đình có việc bất thường xảy đến. Lúc bấy giờ, hành giả nếu sáng suốt thì cắt đặt người ở nhà giải quyết mọi việc được ổn thỏa để rảnh tay hành đạo, khi về sẽ liệu sau. Trái lại, nếu không sáng suốt, do dự, thì sẽ có biện lý bên trong phán rằng: ‘Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo’, nếu mình không lo việc này, việc chùa Phật Trời đâu chứng, hoặc những biện lý tại bị khác cầm chơn bỏ qua cơ hội.”
Nhân thí dụ này của Đức Bác Nhã Thiền Sư, xin kể một câu chuyện có thật cho thấy rằng lý lẽ của phàm tâm đưa ra để xúi giục chúng ta ở nhà lo giải quyết việc nhà không đi hành đạo cho đúng với câu “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo; nếu mình không lo việc này, việc chùa Phật Trời đâu chứng” là hoàn toàn không đúng:
Đạo trưởng Kiến Minh (Trương Truyền Chánh, 1907-1988), nguyên là Phó Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý có một người con trai tên là Trương Thành Thiện (1945-1972). Anh Thiện bị tử trận lúc mới 28 tuổi.
Sinh tiền anh chưa biết tu, nhưng sau khi thoát xác một thời gian ngắn thì được Đức Chí Tôn ban ơn cho về đàn để hàn huyên cùng gia quyến. Anh nói lý do vì sao anh lại được hưởng ân huệ này, đó là nhờ lúc gia đình đang tổ chức tang lễ cho anh thì đạo trưởng Kiến Minh nhận được sắc lịnh của Ơn Trên dạy đi hành đạo ở một tỉnh miền Tây. Tuy mọi người đều bảo rằng đạo trưởng có lý do chính đáng để từ chối không đi hành đạo, và mặc dù cõi lòng tan nát vì nỗi đau mất con, đạo trưởng vẫn một mực chấp hành Thiên lệnh, giao lại chuyện tang lễ cho người nhà lo và lên đường đi hành đạo theo lệnh Ơn Trên. Nhờ đó mà anh Thiện được hưởng liền ân huệ của Đức Chí Tôn cho về đàn để gặp gỡ gia đình. Anh trần tình như sau:
Nào hay đâu ngày nay cách biệt
Để đau thương chi xiết đoạn trường
Đó là gặp cảnh vô thường
Làm cho ly biệt không phương tỏ bày.
Tưởng đâu thế từ nay quạnh quẽ
Nào hay đâu đặng vẽ ngọn cơ
Đó nhờ trong lúc ban sơ
Phụ tình ly biệt tơ mơ giấc nồng.
Thọ lịnh sắc cõi lòng tan nát
Nhưng vững vàng phú thác ân Thiên
Nhờ đây ân huệ hưởng liền
Cúi đầu lạy tạ trần miền ân Cha.([19])
Đức Bác Nhã Thiền Sư nêu thêm một ví dụ nữa về lý lẽ dối gạt của phàm tâm:
“Hoặc tới giờ cúng thời, hoặc đến giờ tham thiền hành pháp, bên trong đưa ra các lý do như buồn ngủ hoặc ngày nay làm việc nhiều uể oải, thông qua một thời này thời sau tịnh lại có sao đâu, vì đường tu hành còn dài mà…
Một vài thí dụ đó để chư đạo hữu biết mình là ai, thật là rắc rối và tế nhị.” ([20])
Chúng ta có thể kể thêm một ví dụ nữa về lý lẽ biện hộ của phàm tâm: Một người tu hành ăn chay trường mấy chục năm chẳng may lâm trọng bệnh. Bác sĩ tây y bảo phải ăn mặn thì bệnh chữa mới khỏi. Lúc bấy giờ, người thân hoặc chính bản thân người bệnh mới lý luận rằng: thân mạng là quan trọng, nên ăn mặn theo lời khuyên của bác sĩ để chữa cho hết bệnh thì mới tu tiếp được, nhược bằng cứ một mực giữ trường trai thì bệnh không khỏi, mất mạng thì làm sao còn phương tiện để tiếp tục tu hành, v.v... và v.v... Thế là công trình ăn chay trường tu luyện mấy chục năm phải tan thành mây khói.
Lúc tiền bối Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn (1904-1973) lâm trọng bệnh, bác sĩ điều trị đã dùng đến các thứ thuốc không phù hợp cho người trường trai. Sợ nguơn thần vướng vòng ô trược, Ngài cầu nguyện Thiêng Liêng để được hồi quy. Vì lòng từ bi thương xót đệ tử, Đức Tôn Sư bắt hồn dã nhân thay Ngài trả nghiệp khổ đau, còn linh hồn Ngài thì được “chín trùng thượng thăng”. Mặc dù vậy, hồn vẫn còn mối dây liên hệ với phần nhục thể nên mỗi khi thân xác nơi thế gian chịu phần trọng trược thì linh hồn cũng bị giao cảm. Trong lần giáng đàn đầu tiên Ngài kể lại:
Thương thay con thảo vợ hiền
Đau chưn hả miệng mới yên tấc lòng.
Sợ nguơn thần vướng vòng ô trược
Đêm đêm cầu cho được hồi quy
Nỗi lòng trời đất chứng tri
Tôn Sư mở lượng từ bi hải hà.
Bắt dã nhơn cho hòa thể phách
Dụng thần thông trọng trách phó giao
Thay vào trả nghiệp khổ đau
Mãn căn sẽ được lộc cao hưởng nhờ
Đêm hai bảy (27) đúng giờ viên khởi
Tiết Đông thiên Tân Hợi lạnh lùng
Chơn hồn phiêu phưởng thung dung
Nương theo tay áo chín trùng thượng thăng.
Vào thạch thất ngồi an tu luyện
Chờ mãn căn xuất hiện huyền công
Tuy hồn lìa cõi trần hồng
Nhưng còn ảnh hưởng trong vòng nhục thân.
Cứ mỗi lúc chịu phần trọng trược
Là mỗi lần thạch thất cảm giao
Nhớ xưa Nhượng đả long bào
Chỉ trong chiếc áo đớn đau nhiều bề.([21])
Người tu chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác và suy xét cho tinh tường thì mới không bị phàm tâm dối gạt phỉnh lừa vào đường sai trái.
Đức Bác Nhã Thiền Sư còn dạy thêm rằng hành giả thường thối chí ngã lòng, vui đâu chúc đó, v.v... là vì trong mỗi người chúng ta đều có đứa con nít ở bên trong mặc dù chúng ta đang ở tuổi trưởng thành:
“Thứ nữa, tuy trong chư đạo hữu đa số là người thành nhân lớn tuổi, nhưng đừng quên rằng mỗi người chúng ta đều có đứa con nít ở trong. Cười… cười… Con nít thường hay chịu nói ngọt, không ưa nói xẵng, dầu lời nói xẵng ấy đượm tinh thần thương hại xây dựng. Cũng như trẻ em nào cũng thích được người khác khen mình, không cần biết tiếng khen ấy đúng hay sai đạo lý. Trẻ em thường hay vui đâu chúc đó, cũng thường hay thối chí ngã lòng trước nghịch cảnh. Lúc thích thì việc chi, lời nào cũng cho là phải, khi không ưa, dầu lời phải việc hay cũng chẳng ích chi, v.v… và v.v([22])
Vậy, muốn tự thắng mình thì cần phải luyện cho đứa con nít bên trong mình cũng trưởng thành để có những hành xử đúng đắn của người trưởng thành chín chắn. Nhưng con người có cả lục dục (sáu ham muốn), mỗi ham muốn ấy cũng được ví như sáu đứa trẻ thường hay nhõng nhẽo, bắt chúng ta phải chìu chuộng chúng, mà chìu chúng thì lại trái đạo lý!
Một họa sĩ (đời Hán?) vẽ Hòa Thượng Bố Đại (cũng là hình ảnh tượng trưng Bồ Tát Di Lặc) cứ để cho sáu đứa trẻ con mặc tình chơi đùa, trửng giỡn. Ngài vẫn ung dung, thoải mái, rộng mở nụ cười tự tại, vì Ngài luôn làm chủ được lòng mình, tâm Ngài là Chủ Nhân Ông, chỉ huy được bọn trẻ con nghịch ngợm ấy. (Xem phụ bản 11.)
ƒ Thói thường, con người không chiến thắng được các thói hư tật xấu cùng những ham muốn thấp hèn của bản thân, bởi vì những thứ ấy có sức mạnh quyến rũ vô cùng ghê sợ. Những thói hư tật xấu hoặc ham muốn thấp hèn đều do thất tình lục dục sai khiến, mà thất tình lục dục là một đám giặc loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên. Đức Chí Tôn dạy:
“Thất tình lục dục là mối loạn hằng ngày ở trong tâm trí, khôn phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí đánh phá ruồng trong núi cao non thẳm còn dễ trừ dẹp đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là ma lục dục (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý), nó phá hại hằng ngày.
Nhãn thì ưa màu sắc tốt đẹp.
Nhĩ thì thích nghe những giọng nói tao nhã thanh bai.
Tỷ thì ưa mùi thơm, hơi ngọt.
Thiệt thì thích nếm vật lạ, món ngon.
Thân thì mến vợ đẹp, hầu xinh, cả dục tình cùng dâm niệm.
Ý lại tư tưởng vất vơ quấy quá. Mà nhứt là ý, là mối đại hại cho con người. Nó tư tưởng sự này sang sự nọ, chuyện ấy hết chuyện kia. Nó xẹt vô nhảy ra lẹ làng không chi ngăn đón nó đặng. (…)
Còn thân. Cái thân thể muốn sự dâm dục quá độ mới hao tán nguơn tinh, nguơn khí, nguơn thần.
Thiệt là lưỡi. Miệng ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương, nên phạm tội sát sanh mà sa đọa vào đường lục đạo.
Tỷ là mũi. Mũi ưa thơm tho mới khiến lòng ham muốn.
Nhĩ là tai. Tai nghe điều phi lễ.
Nhãn là mắt. Mắt ngó thấy sự tốt đẹp màu sắc thì lòng dục dấy lên.
Vậy thì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân ham đều xúm làm cho thân xao động sanh lòng quấy quá.” ([23])
Lời dạy của Đức Chí Tôn cho chúng ta thấy rằng đám giặc thất tình lục dục là một đám giặc loạn nơi tâm không dễ gì chế ngự. Muốn giành được chiến thắng trong cuộc đấu tranh với đám giặc nội tâm này, hành giả phải trải qua biết bao khó khăn và đau khổ.
Một trong các vị Tiền Khai Đại Đạo của chúng ta có lần phải tự đánh mình một trăm roi để chế ngự đám giặc thất tình lục dục đang loạn động.
Một vị tu sĩ trẻ tuổi ngồi chẻ củi không ngừng tay dưới trời nắng chang chang mồ hôi nhễ nhại để hành phạt thân mình đang có những ham muốn thấp hèn trái đạo lý.
Một cư sĩ tại gia thường xuyên bị đám giặc lòng quấy nhiễu nên tự mình bỏ cục than hồng đang cháy rực vào lòng bàn tay để tự răn đe mình, mỗi khi mở lòng bàn tay nhìn thấy vết sẹo là tự nhắc nhở phải chiến thắng mình.
Tất cả những con người ấy đều kiên cường nỗ lực tự chiến thắng mình một cách vô cùng oanh liệt.
Các Đấng thiêng liêng từ bi chỉ dạy cho chúng ta một số phương cách để rèn luyện nội tâm cho mạnh mẽ kiên cường hầu có thể chiến thắng những trận giặc bất chính nơi tâm hay cũng là tự chiến thắng mình:
 Người tu cần lập chí cho dũng mãnh.
Thầy dạy người tu rằng muốn chiến thắng được giặc nội tâm, thì cần phải lập chí, mạnh bạo, cương quyết, tức là có ý chí dũng mãnh:
“Làm người phải lập chí cho cao thượng, đừng để thất tình cám dỗ, lục dục khiến sai. Mình phải mạnh bạo cương quyết mà làm chủ nó, chớ đừng yếu ớt lôi thôi để nó làm chủ mình. Rồi nó muốn chi cứ phải vừa theo ý nó mãi hay sao?” ([24])
Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy người tu phải lập chí cho dũng mãnh:
“Muốn làm Tiên làm Phật phải lập chí cho dũng mãnh, có gan đoạn cắt những tương quan nhỏ hẹp giữa tình đời ân ái lợi danh, làm người đại nhơn quân tử, vì đời nên đạo.
Cần phải luôn luôn tỉnh thức.
Hãy tỉnh thức, quán xét tâm mình từng giờ, từng phút, từng giây, không một thời khắc nào buông lơi hay chểnh mảng. Chỉ cần tâm mình sơ hở một chút là thập tam ma sẽ thừa cơ loạn động ngay.
Đức Như ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy người tu cần phải gìn giữ lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cho cẩn mật, biến lục căn thành sáu vị tướng oai hùng ngăn chận lũ ma vương. Người tu cần phải luyện cường binh để quét sạch ngay vọng duyên vừa muốn khởi mầm không để cho chúng có điều kiện óng dậy khuấy phá:
Chính mình luyện cường binh chiến thắng
Chính mình làm cho đặng chủ nhân
Trong tay nắm vững thời thần
Sáu căn chớ để sáu trần nhiễm ô.
Sáu căn ấy ra vô đúng tiết
Là tướng hùng oanh liệt sáu phương
Dưới trên ngăn lũ ma vương
Đông tây nam bắc biên cương giữ gìn.
Không dấy động vì tình vì cảnh
Không đảo điên bổn tánh chơn tâm
Vọng duyên vừa muốn khởi mầm
Cường binh quét sạch khỏi lâm nghiệp trần.([25])
Một quốc gia xã hội có chủ quyền, một gia đình cũng có chủ quyền, một bản thân cũng thế. Cần phải kiên quyết nắm giữ chủ quyền của bản thân. Đức Bảo Pháp Chơn Quân dạy:
“Bước vào lãnh vực nội giới tâm linh, hành giả phải là người biết chủ động và tìm mọi cách để bảo trì quyền chủ động của chính mình. Có như vậy mới chiến thắng, sai sử được quần ma nội tại hầu hóa dục thăng hoa như trời đất. Hành giả suốt thấu ý nghĩa này mới hoàn thành được phương tu luyện kỷ.([26])
ƒ Tự đặt cho mình một kỷ luật riêng tư khắt khe gò bó.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
[Cái khó của người tu là] ở chỗ chế ngự nội tâm, rèn lòng luyện tánh. Người ta có thể dùng uy quyền danh lợi vật chất để thắng kẻ khác, nhưng chính mình đã thua và tự thua mình ở chỗ giải đãi biếng lười, phiền não, sân si, tật đố, ố nhơn thắng kỷ. Đó là cái khó. Vì khó ấy mà ngọn đèn từ huệ nội tâm bị che lấp ánh thiên quang, trở nên thường nhân mê muội thì tha hồ cho đỉnh chung lôi kéo, danh lợi níu trì, phú quý rủ ren, tiền tài dẫn dắt. (...)
Thế nên người tu học phải tự mình đặt cho mình một kỷ luật riêng tư khắt khe gò bó, vừa với sức mình rồi hằng ngày tuần tự nhi tiến đều đều liên tục.([27])
Hãy tự xem mình là người đại diện của tập thể.
Hãy tự xem như thế để không làm điều gì mất danh dự của tập thể. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Hằng ngày phải xem mình là một đơn vị cá nhân trong tập thể, phải trở thành hiền nhơn quân tử và thánh nhân tại thế gian. Có tưởng và đặt mình ở cương vị ấy mới không thể nói một lời nói vô bổ và tổn đức thất nhân tâm, hành động một hành động vô bổ tổn đức thất nhân tâm. Có đặt cho mình ở cương vị đó mới tự thấy mình là mục tiêu để thiên hạ trông vào mà chỉ trích phê phán những hành động ngôn ngữ tầm thường của mình mà không dám làm không dám nói. Có tưởng như vậy mới có tinh thần hướng thượng liên tục nuôi dưỡng thường xuyên ngày một ngày qua, tháng một tháng qua, năm một năm qua, dần dần trở thành thói quen là người chí thiện chí mỹ vậy. Đó là bậc thánh nhân tại trần rồi chớ còn gì nữa.([28])
Thường xuyên cầu nguyện, đọc thánh ngôn, thánh giáo.
Cầu nguyện là phương cách giúp hành giả nhận được sự trợ giúp từ Thiêng Liêng. Cầu nguyện và hướng thượng hằng ngày là phương cách tốt nhất để tự đặt mình trong vòng tay che chở, hộ trì của các Đấng. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy:
“Nên nhớ rằng mỗi một người tu hành trong lúc này đều có một bậc Chơn Linh hoặc Thiêng Liêng âm phù mặc trợ. Mỗi ngày nên tưởng niệm để nhắc nhở tâm thức, liên lạc thông công với phần Thiêng Liêng hộ trì. Nếu để trống không, Bần Sĩ e khó tránh khỏi những tà quái, ngạ quỷ giựt giành. Hãy nhớ câu truyền khẩu từ xưa rằng buổi hạ nguơn mạt kiếp, hễ con Phật, Phật rước; con ma, ma dẫn.([29])
Thường xuyên đọc thánh ngôn, thánh giáo sẽ giải cứu hành giả thoát khỏi thất tình lục dục bao vây. Đức Mẹ dạy:
“Thánh ngôn, thánh giáo là những tiếng gọi thiêng liêng khi các con bị thất tình lục dục bao vây.([30])
Đặc biệt, trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh ban cho chúng ta pho kinh Đạo Nhựt Thường Hành bao gồm hai mươi tám bài kinh như: Giới Sân Kinh, Giới Si Kinh, Giới Ái Kinh, Giới ố Kinh, Giới Tư Tưởng Kinh, Giới Buồn Rầu Nhân Quả Kinh, v.v... ([31]) để người tu mỗi ngày đọc kinh là mỗi ngày tự nhắc nhở mình sống đúng theo đạo lý và cũng để cầu xin sự trợ giúp của Thiêng Liêng. Chẳng hạn như thân ta thường hay giải đãi biếng lười, bê trễ công phu thì ta hãy tụng đọc bài Giới Thân Kinh để được tinh tấn:
Thân phàm biếng nhác lừ đừ
Nhiều khi dã dượi chẳng từ ngủ ăn
Vì thân công đức trở ngăn
Mất điều lễ nghĩa hữu bằng tín trung
Từ đây con nguyện thủy chung
Lấy tâm làm chủ chẳng tùng theo thân
Uống ăn đi đứng có chừng
Giữ gìn thể tháo dưỡng thân tu hành
Xin Thầy ban chút ân lành
Cho con sửa tánh tập tành học tu.
Tham thiền tịnh định, giữ lòng thanh tịnh.
Người tu cần phải siêng năng công phu tham thiền tịnh định vì đây là phương pháp hữu hiệu nhất giúp người tu an định nội tâm và chiến thắng được thất tình lục dục một cách dũng mãnh. Đức Mẹ dặn dò chúng ta như sau:
“Hỡi các con! Với tinh thần hành đạo dũng mãnh của các con Mẹ rất vui. Còn một việc là các con ráng công phu tịnh định để thần an, trí huệ được khai thông mới khỏi lạc lầm điều quyến rũ của ma vương rấp ranh bên ngõ đạo.” ([32])
Tham thiền tịnh định chính là phương pháp giúp người tu mài thanh gươm trí huệ cho thật bén để chặt lìa oan gia trái chủ. Một khi gươm huệ chưa mài thì hành giả không mong gì chiến thắng thập tam ma đang vây chặt lấy người hành giả nơi chốn Diêm Phù (trần gian). Thật vậy, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Muốn thử can trường kẻ học tu
Còn chăng lưu luyến cõi Diêm Phù
Chưa rèn gươm huệ chưa toàn thắng
Phải phải làm sao đáng sĩ nhu.([33])
Giữ lòng thanh tịnh thì sẽ dễ dàng thông công cùng các Đấng để nhận được sự giúp sức của Thiêng Liêng. Đức Mẹ dạy:
“Mẹ dặn từ nay muốn tránh sự lừa phỉnh cám dỗ của yêu ma thì lòng giữ cho thanh tịnh. Lòng được thanh tịnh thì sự liên lạc cùng Mẹ rất dễ dàng. Lòng ấy mãi yên lặng thì trí huệ phát hiện, quyền pháp sáng rỡ, người con được nhẹ nhàng khỏe khoắn, lo gì quả vị Thần Tiên không đạt.” ([34])
Hãy tự biết mình.
Xưa nay, chúng ta vẫn thường nghe nói câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Do vậy, muốn tự thắng mình cũng cần phải biết rõ mình như thế nào. Đức Mẹ dạy:
Con còn chẳng biết mình đâu đấy
Thì làm sao con thấy tội tình
Thế nên lịch kiếp tử sinh
Đa mang nghiệp lực tiến trình khó khăn.([35])
Biết mình là biết những điểm yếu của mình để mà phòng thủ và rèn luyện. Thế gian là một trường huấn luyện và trường thi tiến hóa của con người. Thí sinh yếu môn nào thì sẽ bị cho thi môn đó.
Người có tánh tham mê tiền tài vật chất thì sẽ bị vật chất tiền tài câu nhử.
Người tham đắm sắc dục thì bị sắc dục thử thách.
Người ham thích danh vọng quyền chức thì bị danh vọng quyền chức cuốn lôi.
Nếu thi rớt thì sẽ được Thầy cho thi lại, thi lại hoài cho đến khi nào đậu thì mới được trở về ngôi xưa vị cũ. Người tu cần phải tỉnh thức nhận ra điểm yếu của chính mình để rèn luyện mặt yếu ấy cho kiên cường mạnh mẽ để có ngày cá vượt long môn mà hóa rồng.
ˆ Sau cùng, nên có sự giúp đỡ của bạn đạo.
Mặc dù nói rằng cuộc chiến đấu với bản thân là một cuộc chiến thầm lặng và đơn độc, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chúng ta vẫn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bạn đạo cho ta thêm sức mạnh để vượt qua chính mình.
*
Cuộc chiến đấu với những thói hư tật xấu cùng những dục vọng thấp hèn của bản thân là một cuộc chiến trường kỳ dai dẳng cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời (chỉ khi đậy nắp săng lại đóng đinh cộp cộp thì cuộc chiến mới tạm nghỉ). Do đó người tu cần phải có lòng nhẫn nại bền bỉ và một quyết tâm cao độ.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
không phải một sớm một chiều mà hàng phục được vọng tâm, chế ngự tập tánh phiền tạp. Do đó, đòi hỏi người hành giả phải có đức kiên trì nhẫn nại trước mọi nghịch cảnh.([36])
Đức Chí Tôn từng khuyên các con cái của Người phải bền gan dũng chí vượt qua mọi thử thách, quyết tiến tới chứ không được thụt lùi cho đến ngày toàn thắng:
“Sự tu hành cam go khổ hạnh (…) trọn kiếp này, ví như con đường quanh co hiểm trở, (…) phải bền gan, dũng chí vượt qua lắm chướng ngại, chông gai (…) quyết tiến tới ngày đắc thành cũng như một dũng sĩ xông pha ngoài trận chiến, chỉ có tiến mà không có lùi cho đến ngày đắc thắng cuối cùng.
Cứ mỗi lần tự thắng bản thân vượt qua chính mình là một lần đường về Bạch Ngọc Kinh được rút ngắn một đoạn đường. Thầy dạy:
“Đường đi Tây phương có nhiều chúa động ngăn cản đón đường. Các con hãy phấn khởi tinh thần, qua đặng một ải là đặng gần Thầy một đỗi đường.([37])
Sau cùng, để có thêm quyết tâm trên nẻo đường thiên lý trở về cùng Đức Đại Từ Phụ, tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta hãy cùng ghi nhớ lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
Trên đời lẽ thắng với điều thua
Không phải dụng tiền để bán mua
Rèn luyện tâm linh cùng trí huệ
Người tu phải thắng chớ đừng thua.([38])
Xin nguyện cầu cho tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta đều sẽ cùng hát vang lên ca khúc khải hoàn trong ngày toàn thắng bản thân trở về cùng Đức Đại Từ Phụ.
Mùa tu Thu Phân Tân Mão 2011
DIỆU NGUYÊN




([1]) Theo Phật Giáo Bắc Tông (cũng gọi Đại Thừa, Mahayana) thì thời gian hoằng pháp của Đức Thế Tôn là bốn mươi chín năm. Theo Phật Giáo Nam Tông (cũng gọi Nguyên Thủy, Theravāda) thì Đức Phật Thích Ca trụ thế bốn mươi lăm năm.
([2]) Tên tiếng Pháp là Napoléon, tiếng Ý là Napoleone. Người Hoa chuyển âm (translitering) viết là 拿破. Các nhà Nho Việt Nam xưa kia đọc là Nã Phá Luân, mặc dù chữ đọc là Lôn, như Côn Lôn 崑崙.
([3]) Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 20-8 Bính Tý (05-10-1936). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011. Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([4]) Xích: (Thước Tàu), dài khoảng 0,33 mét. Thất xích: Khoảng 2,3 mét.
([5]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần (29-6-1974).
([6]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (08-02-1966).
([7]) Minh Lý Thánh Hội, 09-01 Mậu Thân (07-02-1968).
([8]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972).
([9]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972).
([10]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-12 Canh Tuất (11-01-1971).
([11]) Thiên Lý Đàn, 24-7 Bính Ngọ (08-9-1966).
([12]) Thánh thất Nam Thành, 22-8 Đinh Mùi (25-9-1967).
([13]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972).
([14]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972).
([15]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển II, bài Bất Vọng Ngữ (1928).
([16]) Đạo dã giả, bất khả tu du ly giả; khả ly, phi Đạo dã. (Trung Dung, Chương I) Nghĩa: Đạo thì không thể xa rời dù chỉ trong chốc lát; nếu có thể xa rời được thì chẳng phải là Đạo.
([17]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972).
([18]) Huệ Khải, Giải Mã Truyện Tây Du. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 20-25. Quyển 31-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([19]) Huờn Cung Đàn, 30-5 Nhâm Tý (10-7-1972). Xem thêm: Diệu Nguyên, Câu Chuyện Đức Tin. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 27. Huệ Khải, Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 29. Quyển 25-3 và 52-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([20]) Minh Lý Thánh Hội, 02-10 Quý Sửu (27-10-1973).
([21]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973). Xem thêm: Diệu Nguyên, Câu Chuyện Đức Tin. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 35.
Dự Nhượng người nước Tần, theo phò Trí Bá được Bá rất yêu quý, tôn trọng. Sau khi Triệu Tương Tử giết Trí Bá, Dự Nhượng nói: “Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ. Ta phải liều chết báo thù đền ơn.” Nhượng đổi họ thay tên, lẻn vào cung để đâm Tương Tử nhưng việc bại lộ. Tương Tử thương kẻ trung nghĩa, tha chết. Dự Nhượng lại giả làm người cùi, câm, không ai nhận ra tông tích. Nhượng nấp ở gầm cầu Tương Tử sắp đi qua, định ám sát. Con ngựa Tương Tử cỡi bỗng hí lên sợ hãi. Tương Tử sai người đi lùng bắt được Nhượng. Tương Tử trách: “Sao ngươi lại muốn báo thù đến như vậy?” Nhượng đáp: “Trí Bá xem tôi như người quốc sĩ, tôi phải báo thù theo lối quốc sĩ.” Tương Tử ngậm ngùi khóc: “Ta tha cho nhà ngươi thế cũng đã đủ rồi. Ta không tha cho nhà ngươi nữa.” Nhượng nói: “Tôi xin chịu chết, nhưng xin cho tôi cái áo của ngài để tôi thỏa chí báo thù.” Tương Tử khen có nghĩa, cổi áo đưa cho Nhượng. Nhượng cầm gươm đánh vào áo ba lần, rồi trở ngược lưỡi gươm tự sát. Tương Tử xem lại long bào thì thấy những nơi bị Nhượng đánh đều rướm máu, là do lòng chí thành của Nhượng cảm ứng mà ra. Tương Tử rất hoảng sợ, sau đó ngả bệnh.
([22]) Minh Lý Thánh Hội, 02-10 Quý Sửu (27-10-1973).
([23]) Đại Thừa Chơn Giáo. Đàn ngày 16-8 Bính Tý (01-10-1936).
([24]) Đại Thừa Chơn Giáo. Đàn ngày 16-8 Bính Tý (01-10-1936).
([25]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-3 Mậu Ngọ.
([26]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 12-11 Tân Dậu.
([27]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Quý Sửu (18-3-1973).
([28]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-12 Canh Tuất (11-01-1971).
([29]) Thánh Bộ Từ Bi Thông Thiên Học, 01-4 Đinh Mùi (09-5-1967).
([30]) Thánh thất Tân Định, 15-8 Bính Ngọ (29-9-1966).
([31]) Xem Huệ Khải, Luật Nhân Quả Theo Giáo Lý Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010. Quyển 5-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([32]) Thiên Lý Đàn, 01-01 Canh Tuất (05-02-1970).
([33]) Đàn ngày 28-5 Tân Hợi.
([34]) Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-8 Mậu Tuất (27-9-1958).
([35]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 13-8 Kỷ Mùi.
([36]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 08-4 nhuần Nhâm Tuất.
([37]) Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 15-5 Ất Hợi (15-6-1935).
([38]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972).





Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)