BIẾN
CỐ
Chỉ
trong vòng ba tháng mà đạo hữu nhập môn đến cả trăm người. Dù có âm thầm đến
đâu, cũng không giấu nổi cái xôn xao trong một khu làng quê vốn có cuộc sống
bình lặng. Những lời kinh tiếng kệ, những nghi thức cúng kính, nhất là niềm vui
về một nền tôn giáo mới đầy ắp cả lòng mỗi người và lan tràn sang người khác,
cho nên làng, tổng bắt đầu để ý. Họ theo dõi rồi trình báo liên miên. Tiền bối
đã bị xã, quận bắt lên bắt xuống nhiều lần để tra hỏi.
Vì thấy tiền bối nhỏ tuổi, lại cũng không có lý do gì có
thể làm tội được, nên lần nào tiền bối cũng chỉ viết cam đoan với nội dung là:
“Tôi có gia đình cha mẹ họ hàng ở trong làng nước. Tôi có
theo đạo Cao Đài để tu hành, thờ Trời kính Phật ăn chay làm lành, giữ năm điều
răn cấm của Trời Phật dạy: Không sát sanh. Không trộm cướp. Không tà dâm. Không
say sưa rượu thịt. Không nói láo. Và nguyện giữ gìn phép nhà luật nước, thuế
xâu đóng đủ, làm tròn bổn phận công dân. Nếu tôi có làm chi sai với điều khai
trên đây và trái với pháp luật trị an nhà nước, tôi xin cam đoan chịu trách
nhiệm.”
Cứ mỗi lần bắt lên rồi thả về như vậy là mỗi lần bà con
đến thăm hỏi, lại có dịp để tiền bối rao truyền giáo lý, củng cố đức tin, thu
hút được đạo hữu ngày thêm đông. Chính quyền rất lấy làm ngạc nhiên, không hiểu
tiền bối có tài gì mà lôi cuốn quần chúng nhập đạo tấp nập như vậy. Cho nên họ
đã đưa mật thám trà trộn để dò la. Biết vậy nhưng tiền bối vẫn thản nhiên, vẫn
cứ thẳng một đường thuần túy tu hành. Thật là:
Thiệt vàng nào phải thau
đâu
Nào ai thử lửa nhận thau vàng mười
Giảng đạo cọp dữ cũng cười
Dù cho mật thám cũng người như ta
Chánh khí nào sợ quỷ ma
Đạo cao đức trọng mị tà cũng kiêng.
Sau một thời gian theo dõi, mật thám làng, tổng đã nhận
định và trình lên chính quyền lưỡng triều (tức là Tòa Sứ bảo hộ Pháp và Tổng Đốc
Nam triều) rằng tiền bối chỉ là một thư sinh không có mưu trí mánh khóe gì, chỉ
ham mê tín theo giáo lý của đạo, chứ không có dấu hiệu làm chính trị hay quốc
sự.
Thời gian lắng đọng tưởng đã yên thân, không ngờ tiền bối
lại có lệnh của quan Tổng Đốc Qui Nhơn Hồ Đắc Ứng cho gọi.
Đối với quan địa phương, tiền bối đã thoát nạn, nay Nam
triều Tổng Đốc cho trát đòi, không biết lành dữ thế nào. Tuy lòng nghi ngại lo
âu vô cùng nhưng tiền bối vẫn phải đón xe vào Qui Nhơn trình diện.
Được đưa vào phủ, nhìn cảnh bài trí cầu kỳ trong phủ
đường với không khí mát lạnh tỏa ra từ những câu liễn, những bức hoành phi,
những bộ trường kỷ cẩn xà cừ, tiền bối cảm thấy rờn rợn, nhưng quyết phải vượt
cho được vũ môn này. Tiền bối chưa vội nhìn vào ghế chính, Tiền bối biết quan
Tổng Đốc đang chăm chú nhìn một cậu trai bạch diện thư sinh, mà đã làm vang dội
cả xã, làng, quận, tỉnh về một mối đạo.
Khi được người hướng dẫn cho biết phải thi lễ, tiền bối
vội vàng sụp xuống:
- Kính lạy cụ lớn, con được lệnh gọi vào phủ không biết
có điều chi dạy bảo?
- À, trò là Huỳnh Thanh ở Cát Hiệp, Phù Cát. Năm nay trò
bao nhiêu tuổi?
- Dạ bẩm cụ, con năm nay mười bảy tuổi.
- Nghe trò có học và đã đậu Primaire, tại sao không lo
tiếp tục tiến thân, lại nghe lời dụ dỗ theo đạo cấm, truyền bá mê tín dị đoan?
- Bẩm cụ, con tín ngưỡng Trời Phật, ăn chay làm lành, giữ
theo tam quy, ngũ giới của đạo Phật, chứ đâu có làm điều chi mê tín dị đoan.
- Nếu trò có lòng tín ngưỡng Trời Phật, ăn chay trường
giữ được tam quy, ngũ giới của Đạo Phật như vậy trò nên bỏ đạo Cao Đài theo
Phật Giáo thì tốt lắm. Chính Đức Hoàng Thượng làm Hội Trưởng danh dự Phật Học,
cùng các quan đây cũng tu nhưng chưa trường chay, chưa giữ tròn ngũ giới của
đạo Phật. Nếu như trò giữ tròn thì trò sẽ được mến trọng, ban khen, chứ nào ai
có bắt bớ cấm ngăn. Còn đạo Cao Đài là đạo chính phủ không thừa nhận.
Cụ Tổng Đốc sửa lại đôi mục kỉnh, nghiêm mặt nói tiếp:
- Trò có nghe sắc luật của nhà vua không? “Cao Đài thư
tịch bất đắc truyền bá Trung Kỳ.” Đó, trò biết chưa?
Bao nhiêu lời khuyên bảo của cụ Hồ Đắc Ứng đã không làm tiền
bối lay chuyển lại khiến cho lòng trai thêm kiêu hãnh. Như trâu ghé không biết
sợ cọp, tiền bối biện luận:
- Sở dĩ con giữ tam quy ngũ giới của đạo Phật mà con
không theo đạo Phật là vì con nhỏ, dốt kinh sách của Phật Giáo. Đa phần kinh
Phật viết bằng tiếng nước ngoài nên con không hiểu được. Ngược lại kinh sách, thánh
ngôn, thánh giáo Cao Đài viết bằng tiếng mẹ đẻ nên con hiểu dễ dàng. Còn sắc
luật mà quan đọc về thư tịch Cao Đài không được truyền bá, thì con thấy làm lạ.
Tại sao ở Nam Kỳ là thuộc địa người Pháp thì cho tự do truyền bá, có đến hàng
triệu tín đồ. Còn ở đây là Nam triều lại cấm đạo của người Nam.
Cụ Tổng Đốc day qua ngó mặt quan Bố Chánh rồi cười nói
rằng:
- Điều đó ta không biết. Làm quan phải tuân lệnh vua, còn
trò làm dân không tuân lệnh vua sao?
Tiền bối Huỳnh Thanh hơi lúng túng:
- Dạ... con không hiểu con xin thưa vậy, chứ con đâu có
dám không tuân.
Cụ Tổng Đốc nói:
- Trò tuân thì từ nay về sau không được truyền bá đạo Cao
Đài nữa nghe chưa.
- Dạ bẩm cụ, con còn nhỏ, con có biết chi mà truyền bá,
con chỉ tu tại gia phần con, còn ai họ có lòng tín ngưỡng họ lo phần họ, con
nào có quyền ép buộc ai. Xin quan xét lại.
Ông Tổng Đốc gật đầu rồi bắt tiền bối Huỳnh Thanh phải
làm tờ cam kết là tuyệt đối không còn truyền bá đạo nữa mới cho về.
Lần này được trở về tiền bối Huỳnh Thanh không thể xem
thường được nữa. Đây là uy quyền của một Tổng Đốc Nam triều không thể dể duôi
được. Tiền bối đã thuật lại cho bổn đạo, bà con và dặn kỹ, từ nay phần người
nào người nấy tự tu. Nếu ai có bị bắt hỏi thì hãy một mực khai rằng chỉ tin
Phật Trời ăn chay giữ giới chứ không do ai truyền bá cả.
Mặc dù cố gắng hạn chế tối đa nhưng hàng ngày nhà tiền
bối vẫn có năm, mười người xin nhập môn. Họ đã biết tình hình khó khăn nên tìm
đủ mọi cách giữ im ẩn. Tuy vậy làng, tổng vẫn theo dõi và ra lệnh cấm tuyệt đối
không cho tụ tập năm người ba người (quần tam tụ ngũ). Tiền bối lại chuyển
hướng vận động cải gia vi tự ở các xã, huyện để chi phối việc bổn đạo tín
ngưỡng nhập môn. Lần lần các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Khê, Hoài Ân, Long
Giang, Thạch Khê, Suối Đá đều có nhà bổn đạo hiến để làm nơi tín ngưỡng chung.
Số đạo hữu càng ngày càng đông.
Thấy đã đến lúc cần lập bộ đạo, để tùy nghi củng cố hàng
ngũ nhân sinh, nên tiền bối kê danh sách đầy đủ, xin phép gia đình, từ giã bà
con, mang bộ đạo vào nộp cho Hội Thánh Tiên Thiên tại Châu Minh, Sóc Sãi, Bến
Tre.
Tiền bối đi chừng một tháng, bổn đạo ở nhà lại càng nhập
môn đông thêm. Các ngày sóc vọng không làm sao khỏi cảnh nhộn nhịp, đông người,
ở các nhà cải gia vi tự, nhất là nhà cụ Nghinh, do đó tình hình trở nên nghiêm
trọng. Tiền bối Huỳnh Thanh có lệnh đòi. Ông cụ Nghinh lo sợ, xuống quận thưa
là tiền bối đã vào Nam, không có ở nhà. Thế là họ ra lệnh niêm nhà và tầm nã.
Mật thám đưa tên và hình của tiền bối khắp nơi, nhất là các ga xe lửa để truy
tầm. Tiền bối đã được gia đình gởi tin cho biết và bảo ở luôn trong Nam đừng về
nữa.
PHẠM VĂN LIÊM