Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

11/ CHUNG LỐI / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ

CHUNG LỐI
Mùa hạ năm Bính Tuất (1946), sau hai cuộc họp tại thánh tịnh Thanh Quang (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), tiền bối Huỳnh Thanh đại diện cho tỉnh Bình Định, tiền bối Thanh Long (Lương Vĩnh Thuật) đại diện cho tỉnh Quảng Nam, và tiền bối Trần Quốc Luyện đại diện cho tỉnh Quảng Ngãi thừa ủy thác của đồng đạo Trung Kỳ lên tàu ở ga Kỳ Lam để ra Hà Nội. Mục đích chủ yếu là tiếp xúc chánh quyền Cách Mạng trung ương để tìm giải pháp ổn định hoàn cảnh tu học và hành đạo của đồng bào theo đạo Cao Đài tại các tỉnh Trung Kỳ trong buổi giao thời.
Đoàn đến thánh thất Hà Nội (số 48, phố Hòa Mã) ngày 21 tháng 6 và được Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới (Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo) tiếp đãi nồng hậu, trợ giúp nhiệt thành.
Chuyến đi Hà Nội cuối cùng đã đạt được mục đích mong muốn. Sau đó, nhận thấy nhân sự có mặt tại Hà Nội để gánh vác đạo sự không đủ đếm trên đầu ngón tay, nên anh em phải chia hai văn phòng Truyền Giáo Trung Bộ và Bắc Bộ. Phối Sư Phùng Văn Thới, tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật và Trần Quốc Luyện đại diện lo cho Cơ Quan Truyền Giáo Bắc Bộ. Còn một mình tiền bối Huỳnh Thanh trở về liên khu V để thành lập Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ.
Dĩ nhiên là tại Trung Bộ, nhân sự rất sung túc. Cơn sóng dập gió dồi đã tan biến, quý bậc hiền giả, trí giả tài đức đã họp vầy chung cùng xây dựng nên cơ đạo phục hưng rất sống động tại Nam, Ngãi, Bình, Phú. Trên thì có Hiệp Lý Trần Nguyên Chất quản lý Dân Đức, Giáo Sư Nguyễn Quang Châu quản lý Dân Trí, Giáo Hữu Nguyễn Đán quản lý Dân Sanh, Tiền bối Trần Hoanh làm Tổng Thư Ký Cơ Quan Truyền Giáo. Còn các tỉnh thì: Cao Hữu Chí làm Đầu Tỉnh Đạo Quảng Nam; Lê Thành Tiến, Thư Ký; Nguyễn Chơn Long, Đầu Tỉnh Đạo Quảng Ngãi; Nguyễn Xuân Kinh, Đầu Tỉnh Đạo Bình Định; Huỳnh Quang Bình, Thư Ký; Nguyễn Khoa Trường, Đầu Tỉnh Đạo Phú Yên; Trần Cư, Thư Ký. Đồng thời quy tụ các thánh thất chăm lo việc đạo rất đắc lực. Đạo hữu khắp nơi hồi hướng tu trì rập ràng trong yên ả.
Hệ thống giáo hội dần dần hình thành từ trên xuống dưới để phát huy nền tân giáo lý với tôn chỉ quy nguyên Tam Giáo, phục nhất Ngũ Chi và đạt hai mục đích đại đồng tại thế (Thế đạo đại đồng) và siêu thoát xuất thế (Thiên đạo giải thoát).
Cơ cấu Tam Dân Cửu Viện được phát huy để con người ấm no, khôn ngoan và đạo đức. Đặc biệt cùng với cao trào quần chúng tranh thủ độc lập dân chủ, chống mê tín dị đoan, đưa hướng cho mọi người nhìn về ánh sáng văn minh, tín đồ Cao Đài tham gia đắc lực vào việc xóa nạn mù chữ, dạy và học Bình Dân Học Vụ, hưởng ứng ăn cơm trở đũa hai đầu để giữ vệ sinh và phòng bệnh truyền nhiễm, cổ vũ cho một xã hội đại đồng tại thế gian với sự hỗ trợ của khoa học.
Người Cao Đài truyền cho nhau những bài thánh giáo khích lệ cho một tín ngưỡng dân tộc như:
Đất linh khí sinh người hào kiệt
Đời thái bình nhờ biết tu thân
Đất linh ta há không chăng
Tu thân ta lại sẵn đèn Thiên Quân.
Có bài nêu lên sự bình quyền bình đẳng:
Biết đâu gái cũng như trai
Cũng con Thượng Đế hai vai cũng đồng
Cũng gánh nỗi non sông Tổ Quốc
Cũng cứu cơn dân tộc trầm luân.
Hoặc là:
Dìu dắt nhau lên đàng đạo đức
Dặn dò nhau giữ mực tu thân
Nấu nung khí phách tinh thần
Ở trần mà chẳng nhiễm trần mới ngoan
Gầy giá trị cho đoàn phụ nữ
Đẹp mặt mày cho thứ dân nam
Bên trong rửa sạch tâm phàm
Bên ngoài giao hảo Bắc Nam thảy đồng.
Có những bài kêu gọi mọi tầng lớp giữ nước:
Quyền lợi của chung lo giữ nước
Nước nhà yên dân tộc mới yên...
Có thể hiểu đây là tập hợp điển quang của hồn thiêng nòi giống thành những bài thánh giáo văn chương lưu loát, ý tưởng rất phù hợp thời đại, được tiếp nhận bằng phương tiện cơ bút. Đa phần những bài thánh giáo này là do các bậc anh hùng dân tộc như Trưng Trắc Nữ Vương, Triệu Ẩu, Hưng Đạo Đại Vương, Phan Thanh Giản giáng dạy.
Một điều rất lạ nữa là chữa bệnh bằng cầu nguyện. Dù ai có cho là mê tín dị đoan đến mấy, những khi đã thực chứng, thì không thể phủ nhận hiện tượng lạ lùng có thể xem là mầu nhiệm này.
Một đặc trưng hiếm có trong Cao Đài giáo là tình huynh đệ. Ai đã nhập môn đạo Cao Đài thì đều nằm lòng điều thứ nhất trong 24 điều Thế Luật, đó là: “Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như con một Cha, phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ lẫn nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời.” Do đó tình huynh đệ Cao Đài thắm thiết thật ít thấy ở nơi khác.
PHẠM VĂN LIÊM