CHEN VAI
Vào
tháng 11 năm 1952 tiền bối Huỳnh Thanh mãn tù, trở về lại với quê hương Bình
Định, lo tu hành bảo vệ cơ đạo tại tỉnh nhà khỏi bị ảnh hưởng hoàn cảnh làm tín
đồ nản chí ngã lòng, mãi cho đến ngày đình chiến 20-7-1954.
Ngày
những người Việt Minh tập kết ra Bắc, cũng là ngày các bạn đạo ở nhà lao Phối Sở
được đưa vô Tuy Phước, Bình Định. Sau đó được Ủy Hội Quốc Tế can thiệp cho tự
do. Tiền bối Huỳnh Thanh có đến thăm, sau đó vào Sài Gòn gặp quý vị Lương Vĩnh
Thuật, Trần Quốc Luyện, Trần Quang Châu... để chuẩn bị mở màn một giai đoạn
mới. Tiếp đến Giáo Sư Nguyễn Quang Châu vào thánh thất Từ Vân, Phú Nhuận, họp
chung bàn định kế hoạch phục hưng, xây dựng lại cơ đạo. Lúc này gặp dịp Tòa
Thánh Tây Ninh mời dự lễ khánh thành, tiền bối Huỳnh Thanh và Giáo Sư Nguyễn
Quang Châu được đề cử thay mặt Cơ Quan Truyền Giáo đi dự. Sau mười ngày, hai tiền
bối về Từ Vân, một số công việc chung cùng cần giải quyết xong, tiền bối Huỳnh
Thanh vội lo trở về quê để an định, củng cố mối đạo tại các cơ sở đã trải thời
gian sóng xô gió cuốn.
Một cuộc đại hội toàn đạo trong tỉnh được tổ chức, có
mời một chức sắc trợ lực từ Cơ Quan Truyền Giáo vào, đó là Giáo Hữu Nguyễn Đán.
Vừa xong thì lại được tin Giáo Sư Nguyễn Quang Châu
liễu đạo tại thánh thất Liên Thành, Nha Trang, ngày 19-5 Ất Mùi (08-7-1955).
Giáo Sư Châu đang là chức sắc quản lý Cơ Quan Dân Trí
của Giáo Hội. Tiền bối nguyên là một tu sĩ Minh Sư quy hiệp Cao Đài trong dịp
Tứ Linh đồng tử phổ thông chơn đạo Trung Kỳ. Tiền bối là một trang đạo học lỗi
lạc, cả vừa cốt cách tướng mạo, đến đường lối tu hành và tâm trường độ dẫn quần
sinh. Tiền bối đã nhại hai câu thơ ngán ngẫm kiếp người của Nguyễn Công Trứ (*) thành hai câu biểu lộ nguyện lực bồ
tát của mình:
Kiếp
sau xin nguyện làm người
Tùy
duyên hóa độ, giúp đời văn minh.
Nghe hung tin đau đớn này hai tiền bối Huỳnh Thanh và
Giáo Hữu Nguyễn Đán vội vàng hướng dẫn phái đoàn vào thánh thất Liên Thành để
chung lo hậu sự và thọ tang. Giáo Sư Châu quy thiên là một mất mát lớn của Giáo
Hội. Trong khi Cơ Quan mới vừa mời được tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế làm Hội
Trưởng để thêm kẻ lái người chèo, thì một tay thủy thủ tài ba lại buông dầm,
cho nên mọi lòng đạo đều thương tiếc không nguôi!
Thời gian này Cơ Quan Truyền Giáo đang ráo riết lo
việc tham dự Hội Nghị Tôn Giáo Quốc Tế tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là cơ hội để
tiếng nói Cao Đài được hòa với tiếng nói tâm linh chung thế giới.
Ngày 27-7-1955, phái đoàn Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài
do tiền bối Trần Văn Quế hướng dẫn cùng với hai tiền bối Lương Vĩnh Thuật và
Trần Quốc Luyện lên đường. Hội Nghị khai mạc ngày 02-8-1955 với các phái đoàn
đại diện tôn giáo hai mươi tám nước trên thế giới.
Bài phát biểu của đạo trưởng Trần Văn Quế trong Hội
Nghị nêu cao lập trường đạo đức thuần chơn, không phân chia, không kỳ thị; tách
rời chính trị và quân sự ra khỏi nhà đạo, kêu gọi tình yêu thương con người,
tương thân tương trợ, bình đẳng mọi chủng, mọi giới; phát huy tầm nhìn tâm linh
tiến bộ vào thế giới quan tâm vật bình hành, xây dựng một xã hội đại đồng tại
thế và hướng đến con đường giải thoát xuất thế.
Bài phát biểu đã được toàn Hội Nghị nồng nhiệt hoan
nghênh và sau đó tiếng vang của Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài lan ra khắp các tôn
giáo, đồng thời ánh sáng Kỳ Ba được khêu dậy nhiều nơi. Phái đoàn Cao Đài được
các phái đoàn bạn chúc tụng thăm hỏi trao tặng tràng hạt, vòng hoa. Đặc biệt có
Đại Đức Swami Satyananda, Giáo Chủ Thanh Tịnh Giáo Mã Lai khi trao vòng hoa vào
cổ cụ Quế, đã tôn kính gọi cụ là “Mahatma Trần Văn Quế” ý nghĩa như người ta
gọi Thánh Cam Địa (Mahatma Gandhi) vậy.
Từ vượng khí Hội Nghị Đông Kinh, Cơ Quan Truyền Giáo
chuyên tâm xây dựng Đền Thánh Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. Ngày rằm tháng
Mười năm Ất Mùi có lệnh xây cất. Tiền bối Giáo Hữu Nguyễn Đán được lệnh nhập
tịnh cầu nguyện, tiền bối Huỳnh Thanh được cử chủ trì đôn đốc phần xây dựng.
Khu đất được chọn là một vũng đầm ngập nước tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Chỉ trong vòng bảy tháng với hoàn cảnh không mấy thuận lợi về vật chất mà đã
hoàn thành ngôi Tam Đài và cơ sở hậu điện, nhà Báo Ân. Tuy không đồ sộ nhưng
rất uy nghi. Cũng trong thời gian này Linh Tháp tại Quảng Ngãi được kiến thiết
để tưởng niệm những bậc tông đồ đã hy sinh trên bước đường truyền giáo.
Vào ngày 01 tháng 6 năm Bính Thân (1956), lễ khánh
thành Đền Thánh Trung Hưng và cũng là ngày thành lập Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài long trọng tổ chức, được sự tham dự của các cấp chính quyền, đại diện các phái
đạo miền Nam, đại diện các tôn giáo trong nước, đại diện các tôn giáo nước
ngoài.
Nhân ngày khánh thành này, Hội Thánh Truyền Giáo đã ra
mắt, tuyên bố tôn chỉ, mục đích, lập trường của đạo Cao Đài. Tôn chỉ, mục đích,
lập trường ấy có thể gẫm từ bốn câu thi của Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo:
Chẳng phải xưa mà chẳng phải nay
Trung dung quán nhứt ấy Cao Đài
Tam Kỳ Thượng Đế khai chơn đạo
Ngàn kiếp muôn năm chẳng có hai.
Và nhiệm vụ của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài là:
1. Chỉnh cơ lập pháp, xương minh giáo lý, làm sáng tỏ
danh nghĩa Đạo Trời và lập trường thuần chơn vô ngã, thuần túy đạo đức, đem lại
mọi sự hiểu biết rõ ràng, sự nhận định chân chính về đạo Cao Đài.
2. Nêu cao tinh thần giải thoát, chủ trương hành đạo
và tịnh luyện song đôi, công truyền và tâm truyền hiệp nhất, tánh mạng song tu,
giác ngộ quyền pháp bằng tâm linh, mở con đường quy nguyên hiệp nhất để trở về
nguồn cội ban sơ.
Lễ khánh thành xong, tờ nguyệt san Nhân Sinh được phát
hành làm diễn đàn cho Hội Thánh để “đem Đạo vào đời và độ đời nên đạo”.
Sau bao năm lên thác xuống gềnh, nay dòng sông Truyền
Giáo đã êm đềm lộng bóng người áo trắng. Tiền bối Huỳnh Thanh được phong ban
phẩm Bảo Cơ Quân, chức sắc Hiệp Thiên Đài, chăm lo bảo pháp trên tinh thần
“Thiên, Nhân hiệp nhất”.
Thời gian sau khánh thành Đền Thánh là giai đoạn đong
đầy ước mơ và nguyện lực của quý chức sắc mẫn cán. Quý tiền bối quyết tâm xây
dựng Giáo Hội về mọi mặt để đạt mục đích giải thoát con người và cải thiện thế
gian.
Lúc này tiền bối Huỳnh Thanh có dịp để chân hành hóa
khắp các giáo sở, khắp hàng ngũ nhân sinh để thắm thiết thêm tình đạo, để nhìn
dấu tích của Tứ Linh Đồng Tử trên đường mở Đạo Trung Kỳ. Để thăm gặp những tấm
lòng son sắt giữ Đạo thờ Thầy và cũng để nghiêng mình tưởng niệm bao chơn linh
đã rời chốn biến hiện đổi thay vào cõi vĩnh hằng.
Tiền bối về thánh tịnh Thanh Quang một ngày nắng ấm để
tìm lại hình bóng của Chơn Khai Đạo Sĩ, một nhà tu tâm trường mà mệnh đoản. Đây
là giáo sở đầu tiên, một ngôi chùa cải gia vi tự do sự hiến cúng của tiền bối Chơn
Khai tại làng Đông Thành, La Kham. Giáo sở này như một chuyển tiếp dòng đạo từ thánh
tịnh Đại Thanh của Tiên Thiên, để rồi nối tiếp là thánh thất Từ Quang tại làng
Bất Nhị, chuyển hướng cơ đạo miền Trung đặt nền tảng trên Pháp Chánh Truyền, Tân
Luật, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Tiền bối đến Bất Nhị, cảm niệm câu thánh giáo:
LONG con hãy nặng phần trách
nhiệm
Bảng QUY, LÂN, PHỤNG nhắm
rừng non
Lời Thầy gắng nhớ nghe con
Dù chi đi nữa cũng còn Thầy
đây.
Lòng tràn ngập nỗi mến
tiếc và ngưỡng mộ một gia đình trong thời gian rất ngắn, đã dâng mình thánh cho
bước đầu Khai Giáo Trung Kỳ. Đó là gia đình bà Mục Cưu, chỉ mấy tháng mà bốn
người con và rồi chính bà cũng liễu đạo rất đột ngột và cũng rất hiển linh, soi
dấu cho bao người lần chân men bước.
Thật có đi mới thấy,
có nhìn mới hay. Tiền bối Huỳnh Thanh đã mở lòng, mở dạ theo từng bước chân dọc
sông Thu Bồn, đến các miền hạ lưu: Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn lên đến mạn
ngược: Dùi Chiên, Tý Sé... Qua nhánh sông Ô Gia với thánh thất Linh Bửu, đến Hà
Nha với thánh thất Vĩnh Quang, rồi các miền Cẩm Lậu, Thi Lai, Hà Mật, Mỹ Xuyên,
Nam Phước. Tiếp nối là thánh thất Nam Trung Hòa vốn là cơ sở liên giao của Cơ
Quan Truyền Giáo buổi đầu với các phái đạo miền Nam. Các thánh thất ở Hội An, ở
miền duyên hải Thăng Bình, Bình Nam như Từ Vân, Thái Hòa, Hưng Đông, lên đến
Trung Khánh, Trung An, Khánh Vân, Trung Phước... Tiền bối cũng nhiều lần để
chân đến. Có dẫm bước trên những đường quê, có tâm tình được với hàng đạo
chúng, mới hiểu hết câu “Hiểm lộ nan hành, kiên tác mã; sầu thành dục phá, đạo
vi binh”.(*)
Tại Quảng Ngãi, tiền
bối đến thăm từng thánh thất, từng gia đình có thể đến được, để chia sẻ những
mất mát, những thương đau. Tiền bối không khỏi sụt sùi cho sự hy sinh trong kỳ pháp
nạn vừa qua. Nhìn ngôi Linh Tháp với tượng Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn, lòng tiền
bối Huỳnh Thanh đầy kính ngưỡng nhà đạo học lỗi lạc Kỳ Ba đã sớm hiến mình trên
đường cứu thế. Xa xa núi La Hà Thạch Trận như đoàn người đá đang lăn lóc bò
trong đắm chìm muôn đời khổ não, muốn trườn mình tìm về thời pháp siêu sinh.
Vào Sông Vệ, qua Sa Huỳnh, Tiền bối về lại với quê hương Bình Định. Nhìn màu
xanh Tam Quan, tâm hồn tiền bối cũng lộng gió đong đưa theo bóng dừa lả ngọn để
cùng bát ngát với tình quê, tình đất, tình người. Nơi đây, một xứ đạo rất đông
đảo tín đồ, tư chất thuần hậu, chí tâm tu học. Đó là quê hương của Giáo Sư Thái
Kiên Thanh với thánh thất Châu Long Đài, một họ đạo chuyển từ Cầu Kho sang. Đến
đây, tiền bối cảm thấy ngùi thương tưởng niệm một bạn đạo đồng trang đã từng
chung lao, chung khổ và rồi khi tuổi đời vừa “nhi lập” đã một thân vùi trong
giam hãm để vạn thân được niệm câu “Đạo Trời mở rộng Kỳ Ba”. Trước bàn thờ
người quá cố, mắt tiền bối rưng rưng mà lòng tiền bối hoan hỷ. Tiền bối nhẫm
lại câu thơ giáng bút như nhắc nhủ một chứng cớ hiệu quả của nguyện lực lập
công tu học:
PHẠM môn mở cửa vớt nguyên
căn
NGHĨA hiệp chóng lo Đạo hóa
hoằng.
Đến Phù Mỹ, tiền bối
rất hài lòng với nền nếp của thánh thất Ngọc Linh Đài, nơi nhiều công lao của
những con người buổi đầu khai phá. Giáo Hữu Ngọc Bình Thanh, Sĩ Tải Đặng Ngọc
Dương, những người đã tiếp tay, yểm trợ đắc lực cho tiền bối trên đường truyền đạo,
giữ Đạo. Còn Kim Quang Minh Đài chính là thánh thất tiếp nhận mối đạo đầu tiên
do tiền bối mang từ thánh tịnh Đại Thanh về. Các thánh thất Trung Tâm, Trung
Hảo, Trung Bình, tiền bối cũng để tâm xây dựng, viếng thăm hướng dẫn.
Tiền bối thường giao
du với Giáo Sư Nguyễn Khoa Trường ở Phú Yên, một người bạn đồng song, đồng sự
và đồng cảm, để tương quan hành đạo, gìn giữ chơn truyền. Hai người luôn luôn
thân thiết gần gũi, nhất là họ hay xướng họa thơ văn, gởi gấm tâm trường hoặc
đạo lý trong vần điệu.
Qua giai đoạn đó đây,
xuôi ngược, tiền bối Huỳnh Thanh trở lại Kim Quang Minh Đài hướng dẫn Nữ Đoàn
Giải Thoát ở đó và hộ trì việc đạo của tỉnh Bình Định do Giáo Hữu Ngọc Bình
Thanh trông coi.
Một việc làm mà tiền
bối mãn nguyện nhất khi tiền bối an trú tại quê nhà đó là Tỉnh Đạo Bình Định
trùng tu lăng mộ của đại thần Ngô Tùng Châu tại Thái Định. Việc làm này cũng do
cơ duyên hiển đạo trợ lực cho tiền bối trong giai đoạn gặp Đạo và gieo mối Đạo
ở Bình Định. Bởi vậy dòng tộc Ngô Tùng mới đem mười mấy mẫu ruộng công thần hỷ
hiến cho Tỉnh Đạo Bình Định để Tỉnh Đạo lo việc tế cúng hằng năm và bảo quản
lăng mộ.