Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

11/ BA LẦN ĐỐT LỆNH DẠY MUA XE MOBYLETTE / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN


Ba lần đốt lệnh dạy mua xe Mobylette

Cách Sài Gòn khoảng ba mươi cây số về phía tây nam, hướng đi Ðức Hòa (Long An), cách tỉnh lộ 10 khoảng một cây số, trên vùng đất rộng hơn một ngàn mét vuông tại Cầu Xáng (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) có một kiến trúc độc đáo là Bát Bửu Phật Đài. Chung quanh Phật Đài có rừng bạch đàn bao bọc, lại thêm mấy con kinh dẫn nước từ sông Vàm Cỏ Tây chảy qua.
Phật Đài gồm phần bệ cao ba mét, hình bát giác, tám mặt có tám tên gọi: công bình, bác ái, từ bi, đại đồng, an cư, lạc nghiệp, thái bình, và hạnh phúc, vì vậy gọi là Bát Bửu.
Đặt trên bệ bát giác là tượng Đức Phật Thích Ca rất lớn, nặng trên bốn tấn, do điêu khắc gia Trương Đình Ý (pháp danh Quảng Lưu) tạc cho chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3), hoàn thành năm 1957. Nhưng sau đó cư sĩ Ngô Chí Bình (1906-1987) được thỉnh lại tượng và đưa về an vị trước Thanh Tâm Tự tại Cầu Xáng.([1])
Trong chiến tranh, cả vùng này bị bom đạn tàn phá tan hoang, chỉ còn trơ trọi tượng Phật to lớn sừng sững giữa đồng không mông quạnh. Do đó dân gian gọi là Phật Cô Đơn.



Có công cất Bát Bửu Phật Đài và Thanh Tâm Tự là cư sĩ Ngô Chí Bình và bạn đời là Lê Thanh Kiều (1922-1987).([2])



Trước khi khởi công tạo tác Bát Bửu Phật Đài, Ơn Trên dành cho tiền bối Thiện Bảo công quả lập Hiệp Thiên Đàn tại số 3 Nguyễn Khoái, quận Tư. Pháp đàn là tiền bối Bạch Ngọc (thế danh Cao Thượng Chuông, sinh năm 1915, quy thiên ngày 02-12-2000). Đạo tỷ Ngọc Cúc (con gái tiền bối Bạch Ngọc) làm đồng tử. Nơi đây sẽ lập đàn cơ tiếp nhận các thánh lệnh chỉ dẫn tỉ mỉ việc xây cất Bát Bửu Phật Đài. Chẳng hạn, Ơn Trên dạy xây phần bệ bát giác đỡ tượng Phật rỗng ruột để kết hợp làm một hồ lớn, chứa nước mưa dự trữ cho dân địa phương dùng trong mùa khô hạn.
Con cái biết chí tâm tu hành, siêng năng làm đạo, thì cửu huyền thất tổ (gồm cả cha mẹ hai bên chồng và vợ) cũng được hưởng phần công đức của con cái mà siêu thăng. Nhờ tiền bối Ngô Chí Bình có công lập Hiệp Thiên Đàn, chơn linh bà Nguyễn Thị Ký (mẹ tiền bối) được Thiên Đình ân ban quả vị An Hòa Thánh Nữ, giữ nhiệm vụ trụ trì vô vi Thanh Tâm Tự, kiêm chức đốc công vô vi trông coi xây dựng Bát Bửu Phật Đài (đốc công hữu hình là tiền bối Bạch Ngọc). Sau này Đức An Hòa Thánh Nữ thăng lên quả vị An Hòa Thánh Nương. Chơn linh mẹ tiền bối Ngọc Kiều (Lê Thanh Kiều) là bà Nguyễn Thị Hồ cũng nhờ con gái tu hành nên được Thiên Đình ân phong quả vị là Bảo Ân Thần Nữ.



Chiến tranh ngày càng lan rộng ở địa phương nên Ơn Trên dạy cần phải kịp khánh thành Bát Bửu Phật Đài trong năm 1962. Tiền bối Bạch Ngọc mỗi ngày vẫn đạp xe lóc cóc từ Hiệp Thiên Đàn (quận Tư) tới công trường (Cầu Xáng). Hai buổi đi về như thế rất nhọc nhằn và mất quá nhiều thời gian.
Đức An Hòa Thánh Nữ thấy rằng tiến độ xây dựng quá chậm, hơn nữa nếu không may tiền bối Bạch Ngọc ngã bệnh vì quá lao nhọc thân xác thì việc hoàn thành Bát Bửu Phật Đài ắt càng thêm trễ tràng. Do đó Thánh Nữ giáng cơ tại Hiệp Thiên Đàn dạy tiền bối Ngô Chí Bình hãy xuất tiền riêng mua một chiếc xe Mobylette ngõ hầu trợ giúp tiền bối Bạch Ngọc có phương tiện di chuyển tiện lợi.
Thuở ấy, Mobylette là một hiệu xe gắn máy danh tiếng, 49 phân khối, có bàn đạp và động cơ hai thì (chạy xăng pha nhớt), do công ty Motobécane bên Pháp sản xuất từ năm 1949 đến năm 1997. Xe có ba màu xanh, vàng và xám. Trước khi bị xe gắn máy Nhật đánh bại trên thị trường thế giới, mỗi năm hãng Motobécane sản xuất trung bình 750 ngàn chiếc. Trong thập niên 1970 tổng sản lượng vượt quá 14 triệu chiếc.
Trở lại chuyện đàn cơ tại Hiệp Thiên Đàn. Sau khi xả đàn, tiền bối Bạch Ngọc liền tự tay đốt ngay bản thánh giáo ấy. Bởi lẽ tiền bối rất thận trọng, xét thấy bản thân làm pháp đàn, con gái làm đồng tử, mà lại có cơ bút dạy sắm xe gắn máy cho mình thì tránh sao khỏi bị mang tiếng thị phi.
Đức An Hòa Thánh Nữ giáng cơ tại Hiệp Thiên Đàn liên tiếp ba lần để truyền lịnh dạy tiền bối Ngô Chí Bình mua xe Mobylette cho tiền bối Bạch Ngọc sử dụng. Thế nhưng cả ba lần ấy thánh lệnh của Ngài đều bị tiền bối Bạch Ngọc lập tức đốt sạch ngay sau khi xả đàn.
Cuối cùng Đức An Hòa Thánh Nữ phải giáng cơ tại Ẩn Tiên Đàn trên một ngọn núi hẻo lánh ở tận Hà Tiên, để nhờ các vị ẩn tu nơi ấy chuyển giùm thánh lệnh về Sài Gòn cho nhục tử (tiền bối Ngô Chí Bình) mua xe Mobylette.
Khi chép lại thánh lệnh đưa về Sài Gòn, vị pháp đàn của Ẩn Tiên Đàn còn viết thêm mấy dòng này:
“Sau khi thư này chuyển đến đạo huynh [Ngô Chí Bình] là chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm Thánh Nữ giao phó. Xin đạo huynh hoan hỷ đừng tìm hiểu thêm về Ẩn Tiên Đàn.
Trân trọng.”


*
Câu chuyện trên đây cho thấy trong Tam Kỳ Phổ Độ, chẳng những người sống trên dương thế cần gắng sức tu hành lập công bồi đức mà ngay cả cõi siêu hình, các Đấng thiêng liêng cũng luôn luôn lo lắng, tích cực làm công quả vô vi để phụ lực vận chuyển bánh xe cứu độ của Đức Chí Tôn.
Việc tiền bối Bạch Ngọc ba lần đốt hủy thánh lệnh cho thấy tấm gương sáng của một vi chân tu rất có ý thức trách nhiệm về bổn phận của người thừa hành sứ mạng thông công trong bộ phận Hiệp Thiên Đài.
Hai vị tiền bối Thiện Bảo và Ngọc Kiều tu hành tạo nhiều công đức hồi hướng về cho chơn linh hai bà mẹ được siêu thăng với quả vị thiêng liêng. Sự kiện này minh chứng cho lời Ơn Trên dạy trong kinh là một người biết tu thì cứu được cửu huyền thất tổ. Điều này cũng soi rọi cho chúng ta lãnh hội lời Đức Phật Thích Ca xưa kia dạy rằng cách báo hiếu ông bà, cha mẹ tốt nhất chính là kẻ làm con hãy biết tu hành.
Diệu Nguyên




([1]) Xem: Đạo Lý Huyền Cơ, Lược Sử Bát Bửu Phật Đài, cả hai đều của Thiện Bảo. Quyển 56 và 57 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012.)
([2]) Sau này hai vị nhập môn Cao Đài, được ban thánh danh Thiện Bảo (Ngô Chí Bình) và Ngọc Kiều (Lê Thanh Kiều). Nhà riêng hai vị (một tầng lầu ở số 165E Cống Quỳnh, quận 1) là Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, tiền thân của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (do Đức Chí Tôn thành lập năm 1965), nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (171B Cống Quỳnh, quận 1).




Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)