Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

10/ PHẢI TRÁI / VẬN CHUYỂN / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ


PHẢI TRÁI
Cùng với sự phát triển mối Đạo phái Tiên Thiên do tiền bối Huỳnh Thanh đưa về, tại Bình Định có các chi phái khác đã hình thành như Cầu Kho, Tây Ninh, Định Tường. Muốn có sự liên kết để cùng chung đường phổ độ đạo Trời, tiền bối Huỳnh Thanh góp danh sách tổng số đạo hữu do tiền bối độ được, thân hành mang ra nộp Hội Thánh Tam Quan hầu mong lập bộ nhân sinh để duy nhất tinh thần trong lãnh đạo. Ban Cai Quản Tam Quan chấp nhận, định ngày công khai đến các nhà cải gia vi tự thăm viếng, xác minh, đồng thời lập bộ đạo chính thức gởi vào cho các tiền bối Lê Đại Luân, Nguyễn Khế, Nguyễn Lưu.
Với tư cách lãnh đạo Hội Thánh, quý vị này không biết vì duyên cớ gì đã cản ngăn, không chấp thuận việc nhận lãnh phái đạo của tiền bối Huỳnh Thanh.
Có thể các vị ấy suy luận rằng tiền bối Huỳnh Thanh là người độc thân còn trẻ, có mưu toan trên bước đường riêng trong việc truyền đạo, hành đạo, tuy lúc nào cũng hô hào thuần túy tôn giáo, không được tham gia quốc sự. Có lẽ các vị xem tiền bối như một giám sát viên của lưỡng triều, đúng hơn là tay sai của mật thám, luôn luôn giữ gìn tín đồ, theo dõi, hễ có hành động gì ngoài vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng là báo cáo ngay. Bởi vậy tiền bối được tự do thong thả. Cứ lâu lâu có lệnh huyện đòi, tỉnh vời, đó chỉ là hình thức đi báo trình động tịnh của bổn đạo mà thôi.
Nhất là giai đoạn này có nhiều khuynh hướng vận động thân Nhật, rủ rê làm bảo hiểm, bảo kê để nộp cho văn phòng Đại Sứ Nhật. Họ loan tin rằng ai không có bảo hiểm, bảo kê sẽ bị Pháp bắt thủ tiêu hoặc bỏ biển. Tiền bối Huỳnh Thanh rất tỉnh táo trước việc này. Tiền bối tâm niệm rằng người Cao Đài không bao giờ làm gì trái với tôn chỉ thuần túy tu hành. Vì vậy có những nguồn tin đồn đãi rằng tiền bối sẽ bị bắt giao cho Nhật mổ bụng.
Bất ngờ Đại Sứ Nhật bị đưa về nước, Pháp thừa cơ ra lệnh bắt những người thân Nhật, nhất là những người ở xứ bảo hộ Trung Kỳ. Trong sự truy quét này, tiền bối Huỳnh Thanh bị vạ lây, vì họ cho Cao Đài thân Nhật. Tiền bối tìm cách trốn chạy vào Nam, tìm người chủ trương việc bảo kê, bảo hiểm để cầu cứu can thiệp. Khi vào đến nơi thì nghe tin bác sĩ Trương K. A. bị đưa ra tòa. Nghe nói ông bác sĩ lại khai tên đạo trưởng Trần Văn Quế, nên đạo trưởng Trần Văn Quế bị bắt đày đi Côn Đảo.
Tiền bối Huỳnh Thanh cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi, đành lẫn trốn chung với các bạn đạo người Bình Định như Huỳnh Kim Ngọc (đồng tử), Nguyễn Hân và một số anh em do Phan Định Công làm huynh trưởng, cùng nhau nhờ anh lớn Trưởng Tòa Trần Quang Nghiêm che giấu ở sau vườn nhà.
Nhờ lanh lợi và dạn dĩ nên tiền bối Huỳnh Thanh lo trách nhiệm liên lạc tiếp tế, do đó tiền bối biết thêm tại Tiểu Đại Thanh (nhà ông bà Mười Tha) ở ga xóm thôn Gò Vấp cũng có các anh em thanh niên Quảng Nam ẩn trốn như các vị Trần Hoanh, Phạm Trường Xuân, đồng tử Thanh Long cùng một số vị khác cũng lẫn tránh ở căn nhà số 4 sau nhà thờ Huyện Sĩ. Quý vị Bạch Hổ, Trần Công Ban, Trần Cư Chánh thì lánh ở Xuân Trường gần Liên Hoa Cửu Cung.
Thời gian ẩn náu tưởng tạm thời, không ngờ do tình hình diễn biến bên ngoài nên đã kéo dài khá lâu. Ba năm 1942, 1943, 1944 tiền bối Huỳnh Thanh ở chung với hai vị Trần Hoanh, Phạm Trường Xuân tại Tiểu Đại Thanh. Người thì học tiếng Anh, kẻ trau giồi tiếng Nhật, riêng tiền bối Huỳnh Thanh thì chăm chỉ học thánh ngôn, thánh giáo và quỳ hương tiếp điển. Việc tiếp điển giai đoạn này như một hiện tượng lạ.
Hôm nọ tiền bối Trần Hoanh đi học về thấy mấy người đang tiếp điển rung chuyển cả mình trước bàn Thầy. Tiền bối Hoanh không tin có điển, cho là giả dối, làm thất lễ trước điện Thầy, nên lớn tiếng trách đạo huynh Mười Tha:
- Sao anh để tụi nó làm trò thất lễ trước bàn Thầy như vậy? Anh đuổi chúng nó ra đừng làm trò kỳ cục, đâu phải ai cũng tiếp điển được.
Đạo huynh Mười Tha nói:
- Đuổi à, tôi không dám, chú có dám thì vào kéo, đuổi ra.
Tiền bối Trần Hoanh xồng xộc bước vào điện nói:
- Tụi bay làm cái gì trước bàn Thầy vô lễ vậy? Có xéo ra ngay không?
Lời nói chẳng có tác dụng gì cả. Mấy cậu thanh niên vẫn quỳ thẳng đơ và toàn thân cứ rung chuyển chẳng nói chẳng rằng. Tiền bối Trần Hoanh tức bực đến nắm tay con ông Mười Tha 12 tuổi định kéo ra thì bỗng tiền bối cũng rung theo. Ôi thôi chẳng biết thần điển hay tà điển mà mỗi lúc rung càng mạnh thêm làm tiền bối tháo mồ hôi mà không thể dừng được. Tiền bối Huỳnh Thanh cùng hai vị Mười Tha, Mười Hóa vội thắp nhang cầu xin xả điển.
Kể từ đó tiền bối Trần Hoanh không dám đề cập đến việc tiếp điển nữa. Từ hiện tượng này tiền bối Huỳnh Thanh liên tưởng đến lời kể về ngày Khai Đạo tại Thiền Lâm Tự, cũng có việc tiếp điển nhảy múa ôm nhau xưng Quan Âm, Quan Thánh. Mới hay là tà chánh khó tường, mầu vi khó biết, đúng như câu:
Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà
Chánh tà hai lẽ đoán sao ra
Âm dương trái phải ai phân biệt
Tả hữu xác hồn hợp ở ta.
Đến ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp. Đấy là giai đoạn rối ren khôn lường. Trong giới Cao Đài cũng xảy ra lắm điều. Chỉ sau đảo chánh độ vài tuần thì có một cuộc đại hội các chi phái do Giáo Sư Trần Quang Vinh triệu tập tại Vĩnh Hội mục đích để phân công tham chính, nhất là đọc thơ kêu gọi của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Tiền bối Huỳnh Thanh và các tiền bối Trần Hoanh, Phạm Trường Xuân có đến dự.
Tại địa điểm đại hội có trưng hình Kỳ Ngoại Hầu Cường Để thật lớn. Mọi người đến xem chân dung Kỳ Ngoài Hầu đều thán phục. Tiền bối Huỳnh Thanh cũng đến chiêm ngưỡng và buột miệng:
- Đứng về phía Hoàng phái có lòng chống Pháp, hiện giờ còn có đức vua Duy Tân nữa.
Vừa dứt lời thì mấy thanh niên Thần Đạo Thuật Tuyển Đoàn đầu đội ca-lô đến gây sự, cho rằng tiền bối Huỳnh Thanh kích bác Kỳ Ngoại Hầu, chỉ tôn sùng vua Duy Tân, đồng thời họ bắt tiền bối đưa vào phòng chỉ huy.
Người có trách nhiệm tại phòng chỉ huy là Giáo Hữu Oai đã được báo trình, nên khi tiền bối Huỳnh Thanh đến ông hỏi:
- Em là người chi phái nào?
- Thưa anh lớn, em ở Bình Định, tu theo phái đạo Tiên Thiên thuộc thánh tịnh Đại Thanh.
- Em là người có đạo tại sao kích bác đức Kỳ Ngoại Hầu?
- Thưa anh lớn em có nói gì kích bác đâu. Khi xem chân dung của Kỳ Ngoại Hầu, em có lòng kính phục và nói rằng trong vòng Hoàng phái có tinh thần chống Pháp hiện nay còn có vua Duy Tân và cụ.
Chưa giãi bày hết tình ý, thì một số người vào phòng như có nhiều việc cần gấp phải giải quyết, do đó Giáo Hữu Oai bảo:
- Nếu em chỉ nói vậy và không có ý kích bác gì thì thôi, em ra ngoài.
Khi ra đến ngoài, hai tiền bối Trần Hoanh và Phạm Trường Xuân phàn nàn:
- Ai bảo anh nói làm chi, xem thì xem, ai sao kệ, mình thủ khẩu như bình cho yên thân. May có ông Giáo Hữu Oai chứ không thì anh bị nhốt rồi.
Tấm lòng của tiền bối Huỳnh Thanh lúc nào cũng chỉ biết có tu hành đúng theo chơn pháp, nhất tâm nhất đức nhắm thẳng một đường của tôn chỉ Đại Đạo. Tiền bối không bao giờ nghĩ đến việc tôn giáo đội lốt chính trị, hoặc chính trị đội lốt tôn giáo. Tiền bối luôn luôn nhớ lời dạy:
Mượn tiếng nước xu xu nịnh nịnh
Mượn tiếng dân phờ phỉnh gạt đời
Mượn quyền thỏa mãn ăn chơi
Mượn nơi thân thích làm nơi báo thù
Kẻ mượn đạo dối tu cầu lợi
Người mượn ngoài đem tới giết trong
Mua lòng rồi lại bán lòng
Bao nhiêu cái khổ cũng tròng cho dân.
Lời Đức Phật đã dạy: “Những kẻ mượn danh ta, tâng bốc ta, vô tình phản lại ta. Sư tử trùng thực sư tử nhục.”
Và Chúa cũng nói: “Nhà ta là nơi cầu nguyện, mà các ngươi làm thành hang trộm cướp.”
Đứng giữa không khí của buổi đại hội này tiền bối ngẩn ngơ không hiểu trọng tâm nó là gì. Bỗng nghe lời kêu gọi của Giáo Sư Trần Quang Vinh mời đạo trưởng Phan Thanh thay mặt các chi phái đạo trình bày ý kiến. Tiền bối Huỳnh Thanh nhón chân lên để nhìn, lắng tai để nghe ý kiến mà tiền bối cho là quan trọng lắm.
Tiền bối Phan Thanh bước lên bục cao trong bộ bạch y, dõng dạc tuyên bố với nội dung chính là tín đồ Cao Đài Giáo luôn luôn đến với mọi tầng lớp, với mọi người trong mọi công tác thiện ích, lợi lạc nhân sinh như văn hóa, xã hội; còn hai việc chính trị và quân sự là quyền riêng tư của mỗi cá nhân, Giáo Hội không có chủ trương.
Sau đó, Giáo Sư Vinh tuyên bố giải tán đại hội. Cách năm hôm sau, trên tờ báo Tân Á có đăng bài giải tán các chi phái đạo, ngoại trừ một chi phái.
Tiền bối Huỳnh Thanh nhận định rằng hoàn cảnh đang ở giai đoạn phải trái khó phân, đen trắng khó biết. Sợ rằng bổn đạo bị kéo lôi bởi khuynh hướng này, chủ trương nọ nên tiền bối Huỳnh Thanh đã bươn bả về Bình Định để trấn an đạo hữu, gìn giữ tinh thần thuần túy.
Năm tháng sau đó, vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 nổ ra cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền của mặt trận Việt Minh, với khẩu hiệu là đánh Pháp đuổi Nhật giành lại chính quyền cho nhân dân. Tại thời điểm này, có một số người trong đạo Cao Đài bị bắt, tù tội, với lý do thân Nhật.
Sau vụ Vĩnh Hội, Tiền bối lập tức về quê nhà thân lâm đến những gia đình “đầu mối” để củng cố tinh thần thuần chân, lập trường thuần túy. Con đường tôn giáo là con đường muôn thuở, muôn phương, chứ không phải một sớm, một chiều hay chỉ trong làng trong xóm.
Chí hướng của tiền bối Huỳnh Thanh đã được ông Võ Xáng và đốc học Nguyễn Hữu Lộc biết tường tận. Hai người này vốn là cán bộ Việt Minh trong giai đoạn hoạt động bí mật, đã theo sát đường đi nước bước của tiền bối Huỳnh Thanh, nên hiểu rõ tín đồ Cao Đài ở đây không hề có dính líu gì đến các tổ chức chính trị thân Nhật.
PHẠM VĂN LIÊM