GIA PHÁP
Trời Sài Gòn vào trọng hạ, nắng gắt nhưng mưa nhiều nên cây lá trong vườn thánh tịnh Đại Thanh xanh mướt. Từ vuông cửa sổ nhìn ra ngoài, mấy hàng kiểng khoe tươi, mấy cây ngọc anh nở hoa trắng muốt. Tiền bối Huỳnh Thanh cảm thấy lòng thanh thản vô cùng. Tiền bối ngồi chép lại Tam Quy Tứ Điều và bài Tham Thiền Tiếp Điển để học cho thuộc. Vừa chép vừa suy nghĩ lời nói của ông già Hai: “Thời kỳ này ơn Trời còn giáo hóa bằng điển quang, chan rưới khắp trần, nên phải tiếp đón, tắm gội, chớ bỏ qua sau này muốn cho lắm cũng không được.” Và lời Chúa Giê Su trong Kinh Thánh: “Đến ngày sau rốt Cha Ta sẽ đổ thần khí trên mọi người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri…”.
Tiền bối thầm nhủ: Phải chăng thời kỳ này là thời kỳ sau rốt và phải chăng việc chuyển thần lực nói tiên tri cũng đã xảy diễn. Lòng đang rộn rã trong cơ nhiệm mầu, thì anh Hai của tiền bối từ Sài Gòn lên, mang theo thư nhà, với nội dung lời lẽ rất nghiêm khắc, buộc tiền bối phải bỏ tu ngay và tiếp tục con đường học vấn. Nếu không nghe, gia đình sẽ vào dẫn về quê không cho học hành gì nữa cả.
Vốn sinh ra trong gia đình lễ giáo, gia pháp tinh nghiêm, anh Hai của tiền bối thấy mình cũng có một phần trách nhiệm về việc bỏ học theo đạo của em, nên anh thúc hối:
- Em phải nghỉ tu, lo trở lại con đường học văn hóa, đừng dại dột mê cuồng, tự ý bỏ học bỏ hành mà bị cha vào đánh mắng. Không những mình em mà anh đây cũng bị trách phạt lây. Hoặc giả nếu em quyết chí tu hành thì phải về thưa rõ để gia đình định liệu. Tu mà bất hiếu thì tu làm gì?
Lòng đang phơi phới trên con đường lập công lập hạnh đầy ước mơ, đầy nguyện lực, bỗng một cơn gió thổi đến làm tiền bối chới với: “Nếu ở lại học đạo mà không học chữ thì sợ cha nghiêm trị, nếu về thì đường sá xa xôi, lâu ngày mất cả thì giờ cần chuyên tu tập.” Nhưng trước sự thôi thúc của ông anh, tiền bối phải hứa sẽ thu xếp về ngay.
Chiều hôm đó, tiền bối mang thư nhà đến trình bày để xin ý kiến của Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ và ông chủ tịnh Kiều Văn Thê.
Hai người đều cười xòa, đồng một ý kiến, khuyên tiền bối nên về thưa với gia đình cho thông cảm rồi sẽ vào lại tiếp tục tu không muộn.
Ông chủ tịnh Kiều Văn Thê vỗ vai tiền bối bảo rằng:
- Dục tu Thiên đạo, tiên tu nhơn đạo. Nhơn đạo bất thành, Thiên đạo viễn hỹ. Vậy đó em, nhơn đạo không tròn thì Thiên đạo cũng xa. Em nên về trình bày rõ ý nguyện của mình, cũng như đường lối tu hành của Đạo. Nếu được gia đình vui thuận thì sẽ vào tiếp tục tu học.
Tuy lòng tiền bối cũng đã nghĩ rằng phải về, nhưng khi nghe câu “nếu được gia đình vui thuận, thì sẽ vào tiếp tục tu học”, tiền bối cảm thấy chạm vào cái quyết chí, quyết tâm của mình. Rủi gia đình không vui thuận thì sao? Ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa cãi cha, xa vợ, lìa con thì sao? Thì Thiên đạo có viễn hỹ hay không? Hà Tiên Cô là con một, bỏ cha mẹ già không lo kế hậu, sao vẫn thành Tiên? Ông Phao Lô theo Chúa, nghe tin cha chết, xin phép về chôn cha, Chúa phán: “Kẻ chết có kẻ chết lo.” Phao Lô không dám về sao vẫn thành Thánh?
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tiền bối cũng cung kính cúi đầu thưa hai anh lớn xin phép hôm sau về quê ngay.
Ngồi trên tàu lửa suốt một ngày đêm, tiền bối cứ tư tư lự lự, sắp xếp những lý lẽ để trình bày và phương cách để ứng xử trước những cơn thịnh nộ, kể cả đòn roi của nghiêm phụ. Khi tàu đến ga Diêu Trì, lòng người trai trẻ trở nên nôn nao lạ thường. Tiền bối ngồi thẳng người, mắt lim dim, miệng lâm râm cầu Đức Võ Công Tánh hãy trợ lực, trợ duyên để tiền bối vượt được búa rìu của gia pháp.
Xuống khỏi ga Phù Cát, tiền bối xách va li lội bộ một thôi đường dài bốn cây số mới về đến nhà. Chưa được nghỉ xả hơi, tiền bối đã bị đưa ra trước “hội đồng gia tộc”, gồm có cụ thân sinh, ông chú, anh Phó Hai con ông bác và bà con thân quyến.
Với vẻ mặt lạnh như tiền, cụ thân sinh của tiền bối xẳng giọng hỏi:
- Tao cho mày vào Sài Gòn để học, để lập thân lập chí hầu nên người, nên danh phận với đời, ai bảo mày đi tu? Tu là cái gì? Tu đạo gì? Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu. Mày có nghe lời thánh hiền nói như vậy không? Mày theo đạo kiểu Da Tô bỏ ông bỏ bà, không cúng quải, không khói hương phải không? Hay tám vạn tư cũng mặc, vô quân thần phụ tử chẳng ra người. Bởi thế cho nên vua Minh Mạng, Tự Đức cấm dân Nam không được theo đạo Da Tô vì là tả đạo, ai không tuân thì chém, giết, chôn sống. Mày có nghe nói “bình Tây sát tả” không? Một mặt đánh Tây một mặt giết đạo, mày có biết không?
Cơn lửa thịnh nộ của ông đã chẳng ai xoa dịu bớt, lại còn bị châm dầu thêm. Anh Phó Hai con ông bác của tiền bối cũng lên lớp:
- Mày tu bằng Lương Võ Đế không? Cất bảy mươi hai kiểng chùa, sao bị vây chết đói, Phật đâu không cứu? Còn Da Tô xưng Chúa Cứu Thế, con một Đức Chúa Trời, sao còn mắc lầm để bị Du Dà bán nộp cho kẻ vô đạo, bắt đánh đập sỉ nhục rồi đóng đinh trên thập tự giá ở núi Sọ. Chúa Trời đâu không cứu?
Với lứa tuổi vị thành niên, như cây non vừa mới nhú, bỗng gặp một cơn bão táp mưa sa phũ phàng tan tác, tiền bối cúi đầu nhận chịu bao lời nghiêm huấn nặng mùi Nho Gia.
PHẠM VĂN LIÊM