Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

1/ GIAO CẢM / AN THUẬN QUẢ DUYÊN



ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
________
DIỆU NGUYÊN
AN THUẬN QUẢ DUYÊN
IN LẦN THỨ NHẤT
Quyển 75.1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
Kỷ niệm sáu năm ấn tống (tháng 6-2008 / tháng 6-2014)
Nhà xuất bản TÔN GIÁO, Hà Nội 2014
*
MỤC LỤC
Giao cảm
1. AN THUẬN QUẢ DUYÊN
2. CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN KHÔNG BẰNG TỰ CHIẾN THẮNG MÌNH
3. TÍN, NGUYỆN, HẠNH
4. VÔ NGUYỆN BẤT THÀNH PHẬT DỮ TIÊN
*
Chung tay ấn tống lần thứ nhất năm ngàn quyển:
* Hiền tỷ DIỆU HƯƠNG (Long Vân Đàn, Mỹ Tho)
 công quả 30.000.000 đồng (đợt 79, 82, 83).
* Hiền tỷ NGUYỄN THỊ ĐINH (tín hữu HT Truyền Giáo Cao Đài hiện tu học tại TT Houston, Texas, Hoa Kỳ)
công quả 300 Mỹ kim (= 6.316.500 đồng, đợt 84).
Đồng kỉnh nguyện hồi hướng cho quốc thái dân an,
đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,
vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.
*
GIAO CẢM
Một nữ tín hữu họ đạo Trung Thành (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) viết rằng khi người chồng lập chí đi tu thì có nhiều thuận lợi hơn người vợ, bởi vì: “Phái nam là người chủ gia đình, phần quyết định thuộc về quý ông: Mạnh mẽ, dứt khoát, rất cương quyết. Và khi phái nam đã ‘dứt áo’, người vợ sẽ là người đảm nhận trọng trách gánh vác gia đình (chăm sóc con cái và cha mẹ già, lo mưu sinh hằng ngày). [. . .] (Dượng tôi quyết chí đi tu khi cô tôi mới ba mươi bảy tuổi với một nách bảy đứa con nhỏ dại. Thời gian sau, dượng tôi mất, vừa hết chín cửu đã về đàn.) ([1])
Chuyện kể ấy khiến chúng tôi chạnh nghĩ tới cô em họ của mình. Cô về làm dâu một gia đình đạo đức. Cha mẹ chồng và anh chị chồng đều tu theo pháp môn Chiếu Minh, và cha chồng cô đã đắc thành chánh quả. Có lẽ do truyền thống gia đình và chịu ảnh hưởng rất lớn từ gương tu giải thoát của thân phụ, nên dẫu hai con còn quá thơ dại, người chồng vẫn dứt khoát dẹp hết chuyện mưu sinh, “khoán trắng” việc nhà cho cô vợ hãy còn quá trẻ để mà thẳng bước lên đường thiên đạo đại thừa, tìm cứu cánh đoạn luân hồi sanh tử. Là người giỏi giắn, hiền thục, cô em họ chúng tôi suốt nhiều năm qua đã vui vẻ và nhẫn nại sống với cảnh:
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mể biết bao.([2])
Nhưng, giả dụ trường hợp ngược lại, người vợ lập chí đi tu thì sao? Rõ ràng việc “dứt áo” của phận hồng nhan chẳng hề đơn giản chút nào hết!
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? ([3])
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.([4])
Bốn câu thơ của Tố Như phải chăng quá đủ để nói thay lời than tiếng thở của tất cả những kiếp khổ nữ nhi? Đức Phật bảo nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn bốn biển, thì chiếm phần lớn hơn cả trong đó ắt là nước mắt phụ nữ!
Bởi lẽ phụ nữ hầu như bao giờ cũng thiệt thòi, phải hy sinh gánh chịu rất nhiều đau khổ, cho nên mỗi một trường hợp tu học và thành đạo rực rỡ của nữ tín hữu quả thật xứng đáng là một gương sáng chói lọi để soi chung, nhất là đối với những ai từng đòi phen thao thức vì nỗi “Canh trường nghĩ đến phận mình mà đau”.([5])
Và trong hàng nữ lưu có một tấm gương rất sáng, rất chói lọi để cùng soi chung như thế chính là tiền bối DIỆU CHƠN TỊNH, nhũ danh LÊ KIM NGỌC (1918-1998), môn sanh Minh Lý Đạo, đắc quả ĐỘC HÀNH KỲ ĐẠO TIÊN CÔ, mà Diệu Nguyên trân trọng gởi đến đông đảo tín hữu Đại Đạo qua câu chuyện AN THUẬN QUẢ DUYÊN.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, đạo Cao Đài sớm mở con đường giải phóng cho phụ nữ ngay từ buổi đầu thành lập. Đức Mẹ và các Đấng Thánh Mẫu, Tiên Nương, v.v… luôn luôn thương xót, kêu gọi, dắt dìu ái nữ hồng trần, chỉ mong đàn con sớm thức tỉnh quày đầu, mau chân rảo bước lên đường thiên đạo để kịp trở về cố quận.
Ơn Trên hằng dạy, muốn đường trở về tới được bến bờ cứu cánh, người tu nào cũng cần có đức tin bền bỉ, biết lập nguyện lớn, quyết giữ trọn giới hạnh. Thế mà vẫn chưa đủ, còn phải biết dõng mãnh đương đầu với vô vàn chướng ngại, thách thức gay go, như ngọn lửa đỏ hừng hực dùng thử tuổi vàng mười.
Để xâu chuỗi các chủ điểm có tính liên đới như trên, quyển sách nhỏ này vì vậy kết tập thêm ba bài:  CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN KHÔNG BẰNG TỰ CHIẾN THẮNG MÌNH; TÍN, NGUYỆN, HẠNH; ƒ VÔ NGUYỆN BẤT THÀNH PHẬT DỮ TIÊN.
Các phụ bản minh họa và chú thích trong suốt tập sách này do Ban Ấn Tống thực hiện, gọi là phụ họa với soạn giả, cốt làm phong phú thêm bốn câu chuyện lý thú, rất gần gũi và thiết thực cho cuộc sống đời thường và cuộc sống tâm linh mỗi tín hữu chúng ta.
Đối với đông đảo quý đạo tâm, đạo hữu thân kính ngót sáu năm qua vẫn luôn nhiệt thành mở rộng tấm lòng cao cả đón nhận và ủng hộ tích cực Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chúng tôi rất hân hạnh trao vào tay mỗi vị tập sách AN THUẬN QUẢ DUYÊN của Diệu Nguyên. Và hãy cùng hoan hỷ khi thấy rằng chúng ta vừa có thêm một món hành trang bé nhỏ, góp nhóp vào “tư lương” của mình trên đường dài trở về quê xưa đang mỏi mòn vầng trăng Kim Mẫu hắt hiu soi bóng Diêu Trì.
Chúng con thành kỉnh cầu nguyện Đức Vô Cực Từ Tôn, Đức Hà Tiên Cô, và Đức Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô ban ơn lành phù trợ cho môn sanh chúng con trên đường tu học trở về với Thầy Mẹ.
Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Đại Từ Tôn.
Nam mô Hà Tiên Cô.
Nam mô Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô.
Phú Nhuận, 23-3-2013
Huệ Khải


([1]) Cát Tường, Nữ Tín Đồ Với Việc Tu Học, in trong Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi & Trinh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 168.
([2]) Đoàn Thị Điểm, Chinh Phụ Ngâm.
([3]) Nguyễn Du, Văn Chiêu Hồn.
([4]) Nguyễn Du, Kiều.
([5]) Thánh thi Đức Di Lạc Tuyên Quang Phật.




Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)