Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

09/ NHẠC TRÙNG DƯƠNG TRỖI MUÔN DÒNG TRÙNG DƯƠNG / ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN

 NHẠC TRÙNG DƯƠNG TRỖI
MUÔN DÒNG TRÙNG DƯƠNG
Nhan đề bài viết này chính là lời dạy của Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh:
Đỡ nâng anh bế, chị bồng
Nhạc trùng dương trỗi muôn dòng trùng dương.([1])
Tiếng nhạc trùng dương hay tiếng nhạc của biển cả chính là tiếng vỗ rì rào của những lượn sóng bất tận, hết lượn sóng này đến lượn sóng khác nối tiếp nhau xô vào bờ. Lời dạy này gợi cho chúng ta thấy hình ảnh lớp lớp thế hệ con người nối tiếp nhau kế thừa và phát triển sự nghiệp chung của một quốc gia dân tộc hay một tổ chức, đoàn thể đời cũng như đạo.
Trong đạo Cao Đài, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy về hình ảnh này như sau:
Chư vị Tiền Khai Đại Đạo là những hàng sứ đồ làm trước và đi trước. Chư hiền cũng như các sứ đồ khác là những người đang làm, đang đi, còn đoàn thanh thiếu niên là đoàn sẽ làm sau và đi sau.([2])
Một lần khác, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Nhớ câu đạo pháp trường lưu, còn giới hành đạo là luật tre tàn măng mọc trong cảnh cha truyền con nối.
Thanh thiếu niên - danh từ ấy khiến người nghe sẽ có cảm nghĩ rằng những thế hệ tiếp nối triền miên bất tận, không lúc nào không có thanh niên và chẳng lúc nào chẳng có thiếu niên, thiếu nhi và đồng ấu.
Thanh niên sẽ đảm nhận chức vụ và công việc của đàn anh trưởng thành mà gánh vác đạo sự. Thiếu niên sẽ tiếp nối đàn anh thanh niên để trên thì học hỏi, dưới thì dìu dắt đàn em, cứ như thế tuần tự tiếp nối mãi mãi.([3])
Tuy nhiên, tại một số thánh sở trong đạo Cao Đài hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy một thực trạng đáng lo buồn, đó là thành phần đạo hữu đến thánh thất, thánh tịnh tham gia cúng kính, tu học, công quả, v.v… hầu hết đều ở tuổi trung niên và lão niên. Thanh thiếu niên hầu như không có hoặc rất ít. Một số thánh thất, thánh tịnh thì vắng vẻ, đìu hiu.
Tại một thánh thất nọ, vị phó ban cai quản than rằng hiện nay thánh thất không có người năng nỗ hành đạo vì chỉ toàn là ông già bà cả tới cúng kiếng. Khi được hỏi “Vì sao đạo huynh không kêu gọi các em cháu trong gia đình đến thánh thất tu học hành đạo?”, vị ấy đáp rằng “Tụi nó đứa nào cũng bận đi học, hoặc đi làm, hoặc lo cho con nhỏ, bận rộn tối ngày, làm sao còn thời gian để tu học hành đạo.”
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số thánh sở có được khá đông thanh thiếu niên kế thừa. Vậy thì, một câu hỏi được đặt ra: Cũng đồng một lứa tuổi, cũng bận rộn với chuyện học hành hoặc công ăn việc làm, nhưng tại sao em thì không thể đến thánh thất tu học hành đạo, em lại có thể vừa đi học hoặc vừa đi làm, vừa đi sinh hoạt đạo? Phải chăng đó là do ý thức giác ngộ của mỗi em? Do cái tâm muốn cùng chẳng muốn mà thôi? Và ý thức giác ngộ này không phải tự nhiên các em có được (ngoại trừ một thiểu số có căn cơ sâu dày) mà phải được truyền thừa, un đúc, dưỡng nuôi bền bỉ từ cha mẹ, từ các huynh tỷ đi trước.
Các lượn sóng trùng dương vỗ vào bờ hết lượn này đến lượn khác, bất tận, không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là chuyện tự nhiên của trời đất. Hay các bụi tre già cằn cỗi luôn có sẵn bên mình các mụt măng non đang vươn mình trỗi dậy, hết mụt này đến mụt kia. Đó cũng là chuyện tự nhiên của đất trời. Duy chỉ có con người, muốn có được sự kế thừa tiếp nối thì cần phải có sự giáo dục, đào tạo và gieo mầm ý thức ngay từ lúc tuổi còn bé thơ. Thế nên, Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
Đỡ nâng anh bế chị bồng
Nhạc trùng dương trỗi muôn dòng trùng dương.
Cần phải có sự đỡ nâng dìu dắt của các bậc cha mẹ, phụ huynh trong gia đình và đàn anh đàn chị đi trước trong tập thể nhà đạo thì mới mong có được thế hệ đàn em tiếp nối theo sau.
Thế nhưng xưa nay, những người tu hành trong cửa đạo thường chỉ biết bằng lòng với việc bản thân ăn hiền ở lành chứ ít khi suy nghĩ sâu xa đến việc xây dựng tầng lớp kế thừa đạo nghiệp trong mai hậu. Do đó, Đức Linh Quang Thổ Địa nhận xét:
Bổn đạo chỉ biết tu hiền
Ăn chay niệm Phật Thánh Tiên hằng ngày
Mà không nghĩ việc tương lai
Lớp người kế tiếp chung tay giúp đời.
Rồi Ngài than thở:
Nhìn thế sự rồi nhìn trong Đạo
Khắp đó đây hoài bão Đạo Trời
Nhưng không mấy chỗ để lời
Luyện rèn đào tạo lớp người tương lai
Để khi quý vị chầu Thầy
Có người kế nghiệp Cao Đài dựng xây.([4])
Nhận xét về tình trạng thiếu sót trách nhiệm giáo huấn của bậc làm cha mẹ đối với con cái, Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
Người cha đạo đức sẽ gieo lên hạt giống đạo đức. Truyền thống đạo đức là một điều kiện bảo đảm tương lai vững chắc. Cũng có lắm gia đình cha hành đạo, con lại sa đọa, theo thói hư tật xấu ngoài đời. Đó không phải tựa vào thuyết nhân quả để bào chữa cho hiện tại, mà do sự bất lực của người cha thiếu giáo huấn, từ gia đình đến xã hội quốc gia cũng không ngoài cái lý ăn trái bỏ hột mà thôi.([5])
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nhắc nhở phụ huynh hãy nhớ đến nguyên tắc trồng dưa:
(P)hụ mẫu trong gia đình thiếu chăm nom khuyến khích dạy bảo con em mình học hỏi tôn chỉ, mục đích, đường lối Đại Đạo. Vì không hướng dẫn dạy dỗ chúng rồi thảo nào mà chúng làm trái ý mình hoặc vô tình phá hoại Đạo. Có câu:
Trồng dưa thì phải làm giàn
Nếu không chúng sẽ bò càn bò xiêu.([6])
Đức Quan Âm Bồ Tát có lần nêu lên thực trạng đáng buồn:
Trên đường đời cũng như trong cửa đạo, nhiều trường hợp hay trái ngược nhau. Ông bà cha mẹ tu hành, cháu con lại không gìn giữ gốc thiện. Trái lại còn khảo đảo sự tu hành của cha mẹ là một đàng khác. Lỗi đó không phải tự chúng, mà tự gia giáo đó thôi. Vô tình cha mẹ độc thiện kỳ thân lo việc lớn mà quên việc nhỏ, nhưng việc nhỏ rất cần để làm rường cột cho thế hệ phổ đạo ngày mai.([7])
Thật vậy, việc giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt con em trong gia đình vào đường tu hành đạo đức là một việc làm vô cùng cần thiết bởi lẽ thanh thiếu niên chính là rường cột, là tương lai của quốc gia dân tộc hay đạo giáo.
Đức Giáo Tông Đại Đạo xác định:
Thanh thiếu niên là rường cột truyền bá đạo ở tương lai…([8])
Một năm sau, Ngài nhắc nhở:
Điều cần yếu là vấn đề cán bộ nòng cốt truyền giáo ở tương lai mà thành phần nhắm vào sự đào tạo mầm non thanh thiếu niên.([9])
Đức Mẹ gửi gắm, trao phó nhiệm vụ chăm sóc đào luyện thanh thiếu niên cho các vị huynh trưởng trong Đạo:
Mẹ gởi gắm các thanh thiếu niên cho các con. Hãy lo cho chúng nó để sau này có một tương lai phổ độ Tam Kỳ trong cơn mạt kiếp.([10])
Đức Cao Triều Phát nhắc nhở các bậc phụ huynh và các vị huynh trưởng trong Đạo cần phải ý thức rằng con nhà đạo là tương lai của đất nước và của Đạo:
Trong một đời người, tuổi thanh niên là mùa xuân, là phát huy, là sáng tạo. Do đó, thanh niên cần phải được vun quén, tổ chức, giáo dục, chăm sóc và thúc phát mọi mặt. Người đi trước phải dọn đường sửa lối cho kẻ theo sau, làm thế nào khai thác những bẩm sinh, những khả năng từ thuở thanh thiếu niên. Vì thanh thiếu niên là những gì đang chờ đợi kết quả ở tương lai.
(...) Bất cứ một gia đình, quốc gia, xã hội và nhân loại nào, dầu ở quá khứ hiện tại hoặc vị lai, phải ý thức và kỳ vọng ở thanh thiếu niên. Chẳng khác nào cây, đem hột đi ươm lên thân cây con. Tùy sự chăm sóc, kết quả của cây xấu hoặc tốt phần lớn do chủ vườn chăm sóc.([11])
Trên thực tế, có nhiều bậc phụ huynh, thay vì khai thác những bẩm sinh, những khả năng từ thuở thanh thiếu niên tức là những khả năng Thiên phú của con em mình, lại thúc ép, bắt buộc các em phải theo những ngành học mà các em không yêu thích, đơn giản chỉ vì những ngành ấy “hái ra tiền” hoặc được trọng vọng trong xã hội. Việc làm này chẳng khác nào đem giống vải thiều ở miền Bắc hoặc cây cà phê ở miền cao nguyên đất đỏ đưa vào trồng trên những vùng đất phèn nhiễm mặn ở miền Nam.
Một lần khác Đức Cao Triều Phát dạy về tầm quan trọng của việc bảo trợ và huấn luyện thanh thiếu niên trong khuôn khổ đạo đức đối với nền hòa bình và niềm hạnh phúc của toàn nhân loại:
Muốn thế giới được hòa bình, loài người được tình thương, thế gian được an cư lạc nghiệp trong tinh thần tương trợ, thì ngay từ giờ phải ý niệm và gây dựng một thế hệ ngày mai. Thế hệ đó là thanh thiếu niên, thiếu sinh của mọi giới, mọi lãnh vực. Thanh thiếu niên đó phải đưc bảo tr và huấn luyện cho có nhân nghĩa lễ trí, cho có lòng thành, cho có tình thương, cho có tư tưởng đi đồng, xem nhân loi là tình huynh đệ, hễ máu chảy rut mềm, có như vậy nhơn loi mai sau đây mới hết khổ sở.([12])
Xã hội chúng ta hiện nay ngày càng trở nên bất an và tội phạm hình sự ở độ tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng. Nguyên nhân cũng bởi cha mẹ không quan tâm đúng mức đến con cái và để mặc cho con cái đắm đuối vào các trò chơi điện tử tai hại như trò chơi chiến tranh, giết người, súng đạn… khiến cho các em quen dần với việc giết chóc và trở nên vô cảm trước những đau thương mất mát của tha nhân. Vì thế mà đã có những hung thủ tuổi thanh niên sát hại cả sáu, bảy mạng người trong một gia đình hoặc lạnh lùng cầm súng lia khắp mọi người ở nơi công cộng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người… Muốn cho thế giới được thanh bình, xã hội được an vui, xin các bậc phụ huynh hãy lưu tâm đến việc giáo dục con cái như lời Đức Cao Triều Phát đã dạy trên đây.
Cũng cần phải nói thêm rằng việc dìu dắt con em vào đường đạo đức phải được thực hiện càng sớm càng tốt, từ lúc các em còn tuổi ấu nhi và phải được thc hin liên tc không gián đon. Đức Mẹ dạy:
Uốn cây từ thuở cây con
Luyện rèn thanh thiếu khi còn bé thơ.([13])
Các em lớn đến tuổi dậy thì, do tâm sinh lý thay đổi, thường trở nên khó dạy. Phần lớn phụ huynh thường quan niệm rằng để cho con em học chữ trước, còn học đạo thì cứ từ từ, khi nào học cũng được. Phụ huynh đâu biết rằng chính việc học đạo mới là điều cần thiết và quan trọng trong mọi xã hội có quá nhiều vấn nạn phức tạp như hiện nay trên thế giới. Bởi lẽ, trong các lớp học đạo lý, các em được dạy về công ơn cha mẹ, lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tình anh chị em trong gia đình, công ơn thầy cô, phép lịch sự trong giao tiếp và trong ăn uống, giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh trong nhà và nơi công cộng, v.v… Một khi các em đã được dạy dỗ đầy đủ về đạo đức, trở thành những đứa con ngoan, hiếu thảo, lễ phép… thì chính cha mẹ là những người được hưởng lợi ích trước tiên.
Có nơi (như các họ đạo thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, như Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo…) nhiều thập niên qua vẫn cố gắng đều đặn mở các lớp dạy lễ nghi đạo đức, giáo lý phổ thông… phù hợp cho nhiều độ tuổi từ nhi đồng đến tuổi thiếu niên, thanh niên. Nhưng tiếc thay, các nỗ lực ấy tuy đầy ý thức trách nhiệm đối với tương lai nhà đạo, cũng đồng thời góp phần xây dựng hạnh phúc an bình cho gia đình tín hữu, không phải luôn luôn dễ dàng có được sự thấu hiểu sâu xa từ phía gia đình các tín hữu để mà hăng hái hưởng ứng, tích cực dìu dắt con cháu mình đến tham gia các lớp học ấy trong nhà đạo.
Thế nên, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy:
Chư hiền đệ muội luôn luôn ghi nhớ cái nguyên tắc tre tàn măng mọc, và phải có phương pháp nuôi dưỡng lớp măng ấy theo đường lối tổ chức có chuẩn thằng quy củ, theo đường lối chánh đạo trong quyền pháp đạo luật.
(...)
Chư hiền đệ muội đừng nhắm vào tuổi đời cá thể của mình mà đốt giai đoạn trưởng thành của cơ đạo. Mỗi người mỗi việc, hành cho đến nơi đến chốn. Mỗi một lớp người xây đắp một giai đoạn. Mỗi một thế hệ nhân sinh xây dựng một bước tiến, một cấp cao. Về nhiệm vụ vun quén măng non là cần thiết vì mỗi tổ chức nào cũng phải cần đến lớp người nòng cốt có căn bản. Tổ chức có được tiến triển kết quả mau chậm đều do lớp người nòng cốt trong nhiều thế hệ kế tiếp.
Trải qua hơn bốn mươi năm,([14]) lớp măng non nếu có ai làm bảng thống kê thì sẽ được một con số đáng kể, nhưng lớp măng non ấy không được ai nuôi dưỡng chăm sóc, vì thế cho nên trong đó có những chồi non bị cây già lấn ép, có những lớp tùy hoàn cảnh vượt lên không trật tự, không hàng ngũ, cũng có lớp bị sâu bọ tiêu diệt.
Rất mỉa mai thay! Phần nhiều gia đình Thiên phong chức sắc, chức việc đến hàng đạo hữu, cha mẹ có đạo Cao Đài, con cái lại đi đạo khác, rồi trở về chống đối lại đường lối hành đạo của mẹ cha.
Vẫn biết đạo nào cũng quý, cứu cánh cùng rốt cũng như nhau. Điểm đề cập nơi đây là khía cạnh giáo dục của phận làm cha mẹ.
Đó là chưa nói đến đa số lớp trẻ đi chùa thất tụng kinh làm đám, nhưng có ai hỏi tại sao vào Đạo thì chúng trả lời mỗi đứa khác nhau. Đứa thì vào đạo vì thấy trang lứa muốn vào cho vui. Đứa thì tại cha mẹ bảo không dám cãi. Đứa thì thấy cha mẹ làm thì bắt chước nhưng không biết để làm chi. Đứa thì vì sợ quỷ ma dẫn hồn xuống địa ngục nếu không cầu cạnh với Thiêng Liêng. Đứa thì sợ tai bay họa gởi. Đứa thì muốn được may mắn mọi sự trên đường đời nhờ có công đi chùa thất. Không nghe đứa nào nói đến nhiệm vụ giáo dân vi thiện hay hoàn thiện hóa bản thân, hay nhờ đạo đức hóa mọi nếp sinh hoạt xã hội quốc gia để an bình thạnh trị cho non sông Tổ Quốc.
Đừng ai quy lỗi hoặc trách cứ tại sao chúng nghĩ vầy mà không nghĩ vậy, vì tổ chức từ cấp lãnh đạo tinh thần thiếu sót khiến cha mẹ chúng chẳng có đường lối, hoài bão hướng thượng rồi bảo sao chúng lại có được tinh thần ấy.
Thế thường hay tôn trọng sùng bái những bậc vĩ nhân, những hàng giáo chủ, mà không tự tạo cho mình hoặc cho tập thể trở nên những bậc vĩ nhân ấy. Thử hỏi, những bậc ấy đâu phải từ trên trời rớt xuống, cũng từ bào thai nhục thể mà sanh.([15])
Một lần khác, Đức Cao Triều Phát dạy một cách quyết liệt hơn về vấn đề đào tạo mầm non thanh thiếu niên. Vấn đề không còn dừng ở mức “tùy duyên” nữa (nghĩa là đào tạo được thì tốt, không được thì cũng không sao), mà đây là một vấn đề nghiêm túc sẽ được xét xử giữa công và tội: Là đàn anh mà không giáo dục, dìu dắt các em cho nên người đạo đức kế thừa đạo nghiệp trong mai hậu, để cho các mầm non bị tàn hại hay thui chột là một tội lỗi lớn đối với dân tộc nước non và Đại Đạo. Đức Cao Triều Phát dạy:
Thanh thiếu niên là những mầm non đang lên, cần khéo tay uốn nắn để tránh các phức tạp sa đọa của thế gian. Phải chủ trương hòa hiệp chúng nó. Không được gieo tư tưởng chia rẽ chúng nó. Phải lấy đức độ hiền hòa của bực đàn anh cảm hóa, lấy tình thương trừng phạt chúng nó. Nghĩ đến thanh thiếu niên là nghĩ đến tương lai của đạo, của dân tộc nước nhà. (…) Có được vậy, tiền đồ Đại Đạo mới vững chãi, nền tảng nước non mới văn minh tiến bộ. (…)
Thanh thiếu niên! Các em là mầm giống cho những đám mạ non tươi tốt, là hứa hẹn của những cánh đồng bát ngát nặng trĩu lúa vàng. Nhưng các em sẽ không tự nẩy nở để trở thành những gié lúa xanh nếu thiếu vắng bàn tay bùn lấm của người nông phu. (…)
Này chư hiền hữu lãnh đạo thanh niên! Giá trị của các hạt thóc tương lai là do chư hiền đó. Giá trị đầy ắp của bồ lúa Đại Đạo nằm trong tay chư hiền đó. Một giá trị bị sụp đổ, một giá trị bị tàn hại đều là những tội lỗi to lớn đối với những ai vô tình hay cố ý gây ra. (…)
Các đàn anh lãnh đạo hướng dẫn dù ở đâu cũng phải có. Có, để chăm sóc mầm non căn bản và vun bồi sứ mạng trong đó ở tương lai. Đừng để mai một những tuổi trẻ, những tiếp nối nguyên lành. Đừng để bụi trần phủ lên những chiếc hoa chưa trổ sắc, chưa kết trái sanh hạt. Đừng để bịnh tật tàn phá, đe dọa những mầm non. Hãy tìm phương cách kết hợp tinh thần chúng lại với nhau. Hãy cho chúng chan hòa trong sứ mạng, trong lý Đạo cao siêu của Tam Kỳ Phổ Độ. Hãy nung nấu và gầy dựng chúng ngay từ bây giờ để trang bị cho cuộc diện ngày mai. (…)
Hãy tìm các phương tiện liên kết thanh niên trong một phương châm đồng đạo, đồng Thầy, đồng trách nhiệm, để những người tiếp nối sau này thấy rằng bất cứ dưới danh hiệu nào chúng cũng có một nhiệm vụ duy nhứt là phá vỡ tàn tích phân hóa, xây dựng một tình hòa hiệp để thống nhứt Đại Đạo mai sau đúng với tôn chỉ vạn giáo nhứt lý. (…)
Mt ti lỗi to lớn nhứt đối với dân tộc nước non Đi Đo, hay mt k công vĩ nghiệp đối với thế giới nhân loi,phn đàn anh, phải chn mt.([16])
Đó là đối với các bậc đàn anh hướng đạo. Còn đối với cha mẹ trong gia đình thì Ơn Trên nhắc nhở rằng một chơn linh đầu thai vào làm con trong nhà đạo không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nếu được nuôi dưỡng và giáo dục tốt, đúng đạo lý thì sau này các chơn linh ấy sẽ là những vị nhận lãnh sứ mạng hướng đạo, hành đạo, hoằng giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bằng ngược lại, nếu các bậc làm cha mẹ không lưu tâm đến việc chăm sóc dìu dắt con cái vào đường đạo đức thì sẽ có lỗi vì làm trễ tràng hoặc phí uổng một kiếp làm người của thế hệ ấy. Đức Thiện Hạnh Đồng Tử dạy:
Nơi đây Tiểu Thánh muốn lưu ý đến quý huynh đệ tỷ muội trong giới thanh niên, thiếu niên và ấu niên. Nhờ có tiền duyên chằng chịt liên hệ nên hiện kiếp đã được sinh trưởng trong gia đình cha mẹ hoặc anh chị biết đạo lý tu hành, hoặc sớm gặp hoàn cảnh thuận tiện để có cơ hội dễ bề khai triển thánh tâm, phát huy thánh đức, thực hành Thánh Đạo, rồi lần hồi đến Tiên Đạo và Phật Đạo.
Nói như vậy để nhắc chừng chư liệt vị lưu ý đến, hầu nâng đỡ dìu dắt đàn hậu tấn để khỏi trễ tràng hoặc phí uổng một kiếp làm người của thế hệ ấy.([17])
Trường hợp đạo trưởng Huệ Lương Trần Văn Quế (Chủ Trưởng đầu tiên của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, cũng là Tổng Lý Minh Đạo đầu tiên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Cao Đài Giáo Việt Nam) là một ví dụ điển hình cho lời dạy này. Đức Chí Tôn hé lộ: Trần Văn Quế là một nguyên căn xin Thầy nguyện xuống thánh địa Việt Nam lập công hành đạo, phò trì chánh pháp. Thế nên ngài Quế đã chuyển kiếp sanh vào một gia đình đạo đức mà thân phụ (thế danh Trần Văn Được) là người đã trải qua nhiều kiếp tích đức tu chơn. Thân phụ ngài Quế cũng nhờ có công lao sinh trưởng dưỡng dục ngài mà sau khi thoát xác được đắc vị Vĩnh Thọ Đạo Nhơn và giáng cơ cho biết: Trải qua mấy trăm năm đã nhiều công tích đức tu chơn, một kiếp chót mới hạ sanh Quế tử để làm một nấc thang cho Lão ngày nay được chứng vị nơi cõi thiêng liêng. Tuy là ở hàng Đạo Nhơn chớ không còn phải luân hồi chuyển kiếp nữa.([18])
Đức Minh Đức Đạo Nhơn (thế danh Lê Văn Còn) trở lại thế gian qua ngọn linh cơ và dạy nội gia nhục tử của ngài như sau:
Hai con nhờ tiền kiếp có tu nhiều nên kiếp này cơ duyên đưa đến sinh trưởng vào dòng họ nhà ta để gặp cha đỡ đầu dắt dìu cho đến ngày nay cho nên danh nghiệp, thì hai con cũng phải dìu dắt, đỡ đầu chúng nó như cha đã đỡ đầu hai con. Nếu không làm được việc ấy là độc thiện kỳ thân đó hai con ơi.
Dầu sự nghiệp cách mạng, dầu sự nghiệp đạo đức cũng vậy. Phải có ý hướng cha truyền con nối, tre tàn măng mọc mới nên mới trọn vẹn đó hai con. Hai con nên bảo chúng nó gần gũi Cơ Quan đạo, gần gũi đệ huynh để tập sự. Tập sự lần lần như con cái của các nhân viên khác đó.
(…) Đừng ai tưởng rằng mình hành đạo là chỉ để tu thân mà thôi, nếu tu được thì tốt riêng cho mình, không tu được thì cũng chẳng hại chi ai. Nếu tưởng vậy là sai lầm. Hành đạo đâu phải chỉ đóng khung trong thánh thất, thánh đường, chùa chiền, am tự. Hành đạo là xây dựng cả một thế hệ và những thế hệ tiếp nối mãi mãi. Hành đạo là gieo giống lành cho đất nước, cho dân tộc đó vậy.
Hai con đừng nghĩ rằng hễ đứa nào thích thì bắt đầu nâng đỡ chúng, còn đứa nào không thích thì thôi chớ biết làm sao bây giờ! Đừng nói thích hay là không thích. Thử hỏi những đứa trẻ mới sinh đâu có biết hoặc ưa thích gì những thứ nào là ăn trầu, hút thuốc, nha phiến, ghiền rượu, đánh bạc… đâu. Nhưng vì hễ vào đời, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Trong lúc hai con lo phổ độ chúng sanh đó đây khắp các nẻo đường, nỡ nào bỏ quên chúng sanh bên cạnh hai con. Làm sao khỏi uổng công tạo hóa chúng mới thật là hai con chí hiếu đó vậy.([19])
Trên đây là những điều Ơn Trên nhắc nhở các bậc phụ huynh và hàng huynh trưởng cần ý thức trong trách nhiệm đào tạo thế hệ tiếp nối cho cơ đạo. Còn đối với bản thân các em thanh thiếu niên, Ơn Trên cũng khơi dậy tâm linh của các em để các em ý thức rằng mình đang được thọ hưởng một ân phước lớn lao khi sinh ra trong một gia đình có đạo. Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy:
Lời mà Tệ Huynh muốn nói hôm nay mong các em xem kỹ trong lúc cõi lòng vắng lặng, ngoài những bận rộn của trần gian, của học đường, xã hội, hơn là lúc này. Thật sự các em đã có diễm phúc vô cùng trọng đại, vì đứng trong một hoàn cảnh ly loạn, nhơn tâm điên đảo, nhứt là ở lứa tuổi thanh xuân của các em đang bị nhào nắn vào tâm tưởng những xấu xa, những bệnh hoạn, do cái gọi là văn minh vật chất, mà các em không bị luồng gió độc ấy thâm nhập vào, vì được bức màn thánh thiện ngăn che. Và giữa lúc mà con người đang cơn khao khát đến cực độ, không có một giọt mưa sa, một miếng nước tẩm mình, thì trái lại, các em được đứng cạnh bờ suối, một bờ suối trong veo và ngọt ngào từ đỉnh núi thiện mỹ Thiên ban.
Thế nên, nếu em nào vì lẽ gì không chịu uống, không chịu gội mình cho trong sạch, thì chẳng uổng lắm sao! ([20])
*
Hướng dẫn, dìu dắt thanh thiếu niên vào con đường đạo đức là trách nhiệm chung của các bậc cha mẹ và các hàng huynh trưởng trong tập thể nhà đạo. Điều cao cả này không ai có thể chối từ. Tương lai của nước non dân tộc và tương lai cơ đạo tùy thuộc vào công trình giáo dục và đào tạo hàng ngũ kế thừa sao cho có đầy đủ tâm, hạnh, đức, tài.
Các bậc phụ huynh nhà đạo cần ghi nhớ lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
Mình đã chọn một con đường đạo lý để đặt đời mình vào đấy thì phải nhớ mà đào tạo đến lớp người khác để có người tiếp nối sự nghiệp đạo lý ấy. Vì đạo pháp là trường lưu mà đời người hữu hạn. Nếu muốn có lớp người kế tiếp sự nghiệp đạo lý, không ai dễ đào tạo hơn là con cái trong gia đình là những mầm non, những hột giống tốt đã thọ lãnh những tư tưởng, những phúc huệ của phụ mẫu ngay từ trong bào thai.([21])
Rất mong rằng các bậc phụ huynh, các đàn anh đàn chị sẽ luôn nhớ đến trách nhiệm hướng dẫn dìu dắt con em mình cũng như thế hệ thanh thiếu niên trong Đại Đạo để viết nên một bản nhạc hùng tráng bất tận cho tiền đồ cơ đạo như lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Nhạc trùng dương trỗi muôn dòng trùng dương.
DIỆU NGUYÊN




([1]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-01 Giáp Dần (Thứ Tư 06-02-1974).
([2]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 04-3 Quý Sửu (Thứ Sáu 06-4-1973).
([3]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 22-4 Nhâm Tý (Thứ Bảy 03-6-1972).
([4]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 18-01 Tân Hợi (Thứ Bảy 13-02-1971).
([5]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Canh Tuất (Thứ Bảy 13-6-1970).
([6]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 23-12 Kỷ Dậu (Thứ Sáu 30-01-1970).
([7]) Minh Lý Thánh Hội, 08-12 Đinh Mùi (Chủ Nhật 07-01-1968).
([8]) Thiên Lý Đàn, 01-02 Kỷ Dậu (Thứ Ba 18-3-1969).
([9]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Canh Tuất (Thứ Sáu 20-02-1970).
([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Canh Tuất (Thứ Sáu 20-02-1970).
([11]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (Thứ Tư 08-02-1967).
([12]) Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Bình Hòa), 28-8 Đinh Mùi (Chủ Nhật 01-10-1967).
([13]) Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 26-01 Quý Sửu (Thứ Tư 28-02-1973).
([14]) Đức Giáo Tông dạy bài này năm 1969. Tính ngược về năm khai Đạo (1926) là bốn mươi ba năm.
([15]) Đức Giáo Tông Đại Đạo, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (Thứ Hai 03-3-1969).
([16]) Đức Cao Triều Phát, thánh thất Nam Thành, 23-8 Canh Tuất (Thứ Tư 23-9-1970).
([17]) Minh Lý Thánh Hội, 08-5 Quý Sửu (Thứ Sáu 08-6-1973).
([18]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 10-6 Tân Hợi (Thứ Bảy 31-7-1971).
([19]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 10-02 Nhâm Tý (Thứ Sáu 24-3-1972).
([20]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 09-5 Tân Hợi (Thứ Ba 01-6-1971).
([21]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 15-11-1969). 


Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)