Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

9/ HY SINH ĐẮC QUẢ / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Hy sinh đắc quả
Năm 1967, ngôi Bác Nhã Thiền Đường (thuộc Minh Lý Thánh Hội) ở vùng Long Hải cuối cùng đã hình thành sau một thời gian dài tạo tác với những cơn khảo thí hãi hùng. Thiền đường hoàn tất nhờ có rất nhiều đạo tâm, đạo hữu đóng góp công sức, tâm lực, tài lực và thậm chí cả thân mạng nữa.
Ngày lễ an vị ngôi Bác Nhã Thiền Đường cũng là ngày tiền bối Chánh Ý Trần Hữu Thinh (sinh ngày 28-7-1908), môn sanh Minh Lý Thánh Hội (đắc vị Già Lam Địa Thần) giáng cơ tường thuật cặn kẽ duyên cớ khiến tiền bối đã phải đột ngột từ trần tại nơi ấy (ngày 12-4-1967) trong lúc thiền đường còn đang tạo tác dở dang.
Sau đây là lời tiền bối kể lại trên ngọn linh cơ tại Bác Nhã Thiền Đường vào giờ Tý ngày 10 rạng 11-8 Đinh Mùi (13-9-1967):
Thiệt là một cơn ác mộng đã trôi qua, nhưng lòng nhân thế cùng quý bạn hiền đã còn ghi lại nỗi niềm thương tiếc.
Muôn việc ở đời không chi là ngẫu nhiên. Nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định. Một sự dứt bỏ ra đi một cách vội vàng khó tránh khỏi gây sự hoang mang cùng phân vân cho người dương thế. Nhưng khi hiểu được lẽ vô thường, âu không chi lạ, là vì nơi vùng này là vùng còn dẫy đầy ác khí, nên chi, mặc dầu bao nhiêu điển lành cùng tâm đạo đem ký nhà tịnh nơi này, cũng khó nỗi đàn áp được những luồng hắc khí xung thiên từ những oan hồn uổng tử, đã gây ra bao nhiêu sự rủi ro trong khi xây cất.
Lúc bấy giờ Tệ Đệ tự xét thấy đời đạo đức của mình còn quá muộn màng trễ nải hơn các hàng huynh tỷ đệ muội. Rất đỗi so sánh với hàng thê nhi mà Tệ Đệ vẫn còn thua kém. Nỗi lòng băn khoăn vì công quả không biết làm sao.
Một giấc chiêm bao một đêm nào cũng nơi này, vừa mơ màng nửa say nửa tỉnh, Tệ Đệ chợt thấy vô số oan hồn đang tranh đua ngăn cản những việc làm từ thiện cùng hoằng dương đạo pháp nơi vùng này. Tệ Đệ bèn vội vàng quỳ xin thọ khổ phần nhục thể hình hài, để làm lắng dịu bao nỗi oan hồn và cũng để thay mạng sống cho những người quả công vì đại cuộc. Và Tệ Đệ có hứa sẽ nhân một dịp nào, đề nghị cùng Hội Thánh có nhiều buổi lễ cầu siêu bạt độ âm hồn trở lại đường chân thiện mỹ.
Do đó, mọi việc sắp xếp đã qua. Sáng lại, chư huynh tỷ đệ muội vừa phát giác một việc đã rồi.
Hôm nay, Tệ Đệ xin Lão Tổ được phép trong hơn một khắc để trần tình mọi sự vừa qua, cùng để giúp cho người bạn xưa vẹn tròn lời hứa. Tệ Đệ ngưỡng mong ơn từ quý vị đại đức trong Hội Thánh Minh Lý tới các hàng sư huynh sư tỷ, mỗi ngày vào tịnh cũng như nhựt thời, nên nhớ cầu nguyện cho các oan hồn ấy được sớm cởi vòng oan nghiệt, hầu trở lại đường đạo đức tu hành, do lời khuyên giải của quý liệt vị.
*
Lời trần tình của tiền bối Chánh Ý Trần Hữu Thinh đã giải tỏa nỗi niềm thắc mắc của thân quyến cũng như chư đạo hữu về sự ra đi bất ngờ của tiền bối sau một đêm lưu lại nơi công trường tạo tác ngôi Bác Nhã Thiền Đường.
Quyết định và hành động của tiền bối là một tấm gương sáng về đức hy sinh quên mình vì đại cuộc. Chính nhờ đức độ hy sinh cao cả này mà tiền bối đã đắc vị Già Lam Địa Thần mặc dù tiền bối tự nhìn nhận rằng lúc sinh tiền đường tu hành và công quả hãy còn kém cỏi, thua sút cả vợ con.
Nguyên nhân của biết bao tai nạn rủi ro khủng khiếp xảy ra trong quá trình xây cất ngôi thiền đường cũng đã được tiền bối giải thích rõ trong đoạn thánh giáo dẫn lại ở trên: Đó là những luồng hắc khí xông lên từ những oan hồn uổng tử nơi ấy, vốn là vùng đất đã trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt từ thời tiền chiến đến hậu chiến trong lịch sử nước nhà, như lời dạy của Đức Đông Phương Lão Tổ sau đó:
Thiền Đường Bác Nhã là một nơi góp công rất lớn cho Đại Đạo trong việc hoằng pháp sau này, mà cũng là một cứu tinh cho dân chúng địa phương vùng Long Hải, vì đã có rất nhiều điển lực đàn áp và khuyên giải được những oan hồn từ thời tiền chiến đến hậu chiến. Với trụ tướng như ngày nay đã nói lên được sự kiên tâm trì chí của chư đệ tử vượt mọi khó khăn.”.([1])


*
Ban đầu thánh sở này của Minh Lý Thánh Hội có tên là Bác Nhã Thiền Đường. Sau khi sửa chữa thì đổi tên là Bác Nhã Tịnh Đường.([2])
Ngôi Bác Nhã Tịnh Đường ngày nay là nơi dành cho các bậc giác ngộ, chơn tu tìm đến tịnh dưỡng tâm hồn, trì hành công phu tu luyện ngõ hầu phục hồi bổn tánh chơn như, mở lối vô sanh giải thoát không những cho riêng mình mà còn cho cả các thế hệ hậu sanh tiếp nối.
Bác Nhã Tịnh Đường cũng trở thành một trung tâm thần lực có khả năng xua tan những luồng hắc khí, đẩy lùi các tai ách khổ nạn của chúng sanh địa phương.
Thật vậy, trong tháng 12 năm 2006, khi cơn bão số 9 ập đến gây thiệt hại nặng nề cho một vùng đất rộng lớn thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngôi Bác Nhã Tịnh Đường cũng không tránh khỏi thiệt hại. Tuy nhiên, mọi người chứng kiến đều cảm nhận được phép lạ nhiệm mầu: Khi những tấm tôn bị cơn bão dữ thổi tróc khỏi mái Tịnh Đường, dường như có bàn tay vô hình đỡ lấy và đem xuống đặt nhẹ nhàng trên mặt đất.
Bằng không, những miếng tôn lớn ấy cứ bay vèo vèo trong cơn cuồng phong thịnh nộ, như những máy chém khổng lồ, ắt sẽ gây thêm bao thảm họa đáng tiếc cho dân chúng.
Sau cơn bão tố dữ dằn, ngôi Bác Nhã Tịnh Đường vẫn trụ được vững vàng và trở thành mái nhà trú ẩn với đầy đủ lương thực, thuốc men và ấm áp tình người. Tịnh Đường trợ giúp cho hàng ngàn đồng bào trong vùng đang lâm vào cảnh nhà tan cửa nát có chỗ yên lành tạm thời tránh khỏi những ngày đói rét trong cảnh màn trời chiếu đất.




([1]) Bác Nhã Thiền Đường, 10 rạng 11-8 Đinh Mùi (13-9-1967).
([2]) Prajñā (tiếng Sanskrit) hay paññā (tiếng Pāli) được dịch ra chữ Hán là 般若. Truyền qua Việt Nam, thay vì đọc và viết bàn (ban) nhược thì xưa nay vẫn đọc và viết là bát nhã. Tương truyền, tiền bối Định Pháp Nguyễn Minh Thiện (1897-1972) chủ trương nên viết là bác thay vì bát. Quả vị thiêng liêng của tiền bối là Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát.
Diệu Nguyên



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)