Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ PHỤC SINH 6/10


4. Người đạo Cao Đài và vấn đề
hôn nhân liên tôn giáo
Đoàn Thị Kim Sơn: Hôn nhân liên tôn giáo là một vấn đề phức tạp, có ảnh hưởng nhiều tới hạnh phúc gia đình. Hai vợ chồng cùng một đạo (tôn giáo) sẽ dễ dàng hơn trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng hôn nhân liên tôn giáo vẫn có thể thực hiện, với điều kiện là hai vợ chồng phải hết sức thương yêu và thông cảm lẫn nhau.
Tôi xin chia sẻ với Quý Cha và Quý Sœurs về chuyện đại gia đình của tôi. Cha tôi là người đạo Cao Đài nhưng lúc cha tôi còn sống thì con cái vẫn chưa có ai theo đạo Cao Đài cả.
Lúc nhỏ chị em chúng tôi đều được cha tôi cho theo học tại trường của các sœurs nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng đạo Công Giáo. Cha tôi lúc nào cũng muốn chúng tôi theo đạo Cao Đài nhưng chúng tôi vẫn chưa dứt khoát. Chỉ có tôi, sau khi cha mẹ tôi mất, thì tôi mới nhập môn làm tín đồ Cao Đài.
Lúc còn trẻ, chị tôi có thương một anh theo đạo Công Giáo. Cha tôi thật lòng không muốn nhưng vì hạnh phúc của con mà đành chấp nhận cho chị tôi lấy anh ấy. Một phần vì đạo Công Giáo cũng mở rộng, cho phép lấy người khác đạo, nhưng phải có sự cho phép của cha xứ sở tại và hôn lễ không được thực hiện tại thánh đường.
Ngoài ra đạo Công Giáo cũng cho phép thờ cúng ông bà cha mẹ, nên khi chị tôi thành gia thất rồi thì những ngày giỗ ông bà tôi, anh rể và chị tôi cũng về từ đường thắp nhang cho ông bà.
Tóm lại, đại gia đình của tôi mặc dù có hai đạo – Cao Đài và Công Giáo – nhưng vẫn sống chung trong sự hòa thuận và thương yêu nhau.
*
Thanh Căn: Tân Luật của đạo Cao Đài, phần Thế Luật gồm hai mươi bốn điều mà trong đó có năm điều quy định về hôn nhân (Điều 6-10).
Đặc biệt, Điều Thứ Sáu ghi: “Việc hôn ([1]) là việc rất trọng [trong] đời người. Phải chọn hôn trong người đồng đạo; trừ ra khi nào người ngoài [đạo] ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.” ([2])
Điều nầy là luật, trên nguyên tắc nó có tính bắt buộc, nhưng từ xưa tới nay các Hội Thánh Cao Đài chưa từng áp dụng Điều Thứ Sáu nầy vào hoàn cảnh thực tế đối với các cuộc hôn nhân có yếu tố liên tôn giáo. Do vậy, những cặp hôn nhân khác tôn giáo trong họ đạo Cao Đài nhìn chung vẫn diễn ra suôn sẻ và cởi mở. Họa hoằn lắm mới có vài trường hợp trục trặc vì một trong hai bên thông gia (sui gia) quá cứng nhắc về vấn đề khác tôn giáo.
Nhớ lại trường hợp ông bà nội tôi ngày xưa. Gia đình bên bà nội tôi là Công Giáo, không đồng ý gả bà cho ông nội tôi vì ông là người đạo Cao Đài mà nhứt quyết không chịu cải đạo theo bên vợ. Rốt cuộc, vì nặng tình với nhau mà ông bà nội tôi đành lỗi đạo làm con, dắt díu nhau ra đi để tự xây mái ấm cho mình. Rồi bánh xe thời gian lăn qua, khỏa lấp những định kiến và xóa tan những lỗi lầm trong quá khứ. Về sau, bà nội tôi nhập môn Cao Đài. Chức việc sau cùng của bà là Chánh Trị Sự; ông nội tôi thọ phong Giáo Hữu.
Các trường hợp khác mà tôi biết, phần nhiều là đạo ai nấy giữ để cùng chung sống hòa bình. Như chú Út tôi là người đạo Cao Đài, thím Út tôi là người Công Giáo, và có lập trang thờ Chúa trong nhà. Gia đình chú thím tôi vẫn đầm ấm, có sao đâu. Vì trong đạo Cao Đài, ngoài Đức Thượng Đế ra, còn thờ bốn vị Giáo Chủ trong Tứ Giáo (Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Chúa Giêsu).
Tóm lại, hôn nhân liên tôn giáo trong đạo Cao Đài rất thoáng.
*
Huệ Khải: Tháng 8-2011, Linh Mục Phêrô Đỗ Quang Dũng (Dòng Tên) đặt cho tôi một câu hỏi về “cuộc hôn nhân giữa hai người khác niềm tin tôn giáo”. Bài phỏng vấn này đã đăng trên bản tin Hiệp Thông số 67 (tháng 9 và 10-2011) của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.([3]) Trả lời câu hỏi ấy, tôi bày tỏ như sau (trích):
“Trong trường hợp một hôn nhân được kết hợp giữa hai anh chị khác tôn giáo theo thỏa thuận đạo ai nấy giữ, thì chẳng những bản thân hai vợ chồng mà còn đòi hỏi những thành viên khác trong gia đình (và gia tộc) cần có bản lãnh, biết nhẫn nại để có thể thấu hiểu nhau, thật sự bao dung lẫn nhau. Hạnh phúc của gia đình hội tụ hai tôn giáo ấy sẽ vững bền nếu ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị em, và họ hàng, v.v… của cả bên chồng lẫn bên vợ cũng rất có ý thức và thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của đôi uyên ương.
(...)
Cho nên, khi hai anh chị chọn hôn nhân theo kiểu giao thoa văn hóa tôn giáo, thì họ đang ‘ra đề thi’ cho chính mình, và cho cả những thành viên khác trong gia đình, gia tộc của họ cùng nhau tìm đáp án của bài toán sống đạo với tình thương theo lời dạy của Trời Phật, của Chúa.
Suy ra, hạnh phúc của một gia đình có giao thoa tôn giáo sẽ được vững bền, sẽ thêm phong phú, thì kết quả ấy hoàn toàn tùy thuộc vào chính cách sống, cách ứng xử của những người trong cùng gia đình có giao thoa tôn giáo.”
Trở lại với Điều Thứ Sáu của Thế Luật, trong Tân Luật. Như hiền huynh Thanh Căn trích dẫn: “Phải chọn hôn trong người đồng đạo; trừ ra khi nào người ngoài [đạo] ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.”
Thực tế cho thấy nhiều gia đình hay bị cảnh “nội chiến” vì vợ chồng chung sống mà khác tôn giáo. Như vậy, hạnh phúc gia đình bị tổn thương, có thể đi tới đổ vỡ!
Suy ra Điều Thứ Sáu dẫn trên không phải do óc kỳ thị tôn giáo, mà xét sâu xa chỉ nhằm ngăn ngừa, để giúp cuộc sống gia đình tín đồ sau này khỏi khổ đau, tan vỡ.
Trong thực tế, nếu tín đồ Cao Đài không tuân theo điều khoản này thì họ cũng không bị Hội Thánh áp dụng một biện pháp kỷ luật hay trừng phạt nào cả.
*
Diệu Nguyên: Tôi biết một trường hợp mà người vợ là con gái một gia đình Cao Đài đạo dòng. Chị kết hôn với một người Công Giáo mà không bị cản trở gì từ cả hai bên gia đình. Chị luôn chu toàn tốt đẹp bổn phận dâu con nên gia đình nhà chồng rất quý yêu. Khi con gái chị trưởng thành và phát tâm xin làm nữ tu sinh trong đạo Cao Đài thì người cha vui vẻ ủng hộ chí nguyện thanh cao của con gái.
Sở dĩ các cuộc hôn nhân liên tôn giáo giữa người đạo Cao Đài với người thuộc tôn giáo khác hầu như không gặp trục trặc là nhờ người đạo Cao Đài vốn đã thấm nhuần tinh thần hòa đồng tôn giáo trong huyết quản, trong tim óc với nhận thức và ý thức rằng tất cả các tôn giáo chơn chánh trên thế gian này đều phát xuất từ một Đấng Cha Trời và đều có chung sứ mạng hướng dẫn con người làm lành lánh dữ.
Trên Thiên Bàn đạo Cao Đài, ngoài thánh tượng Thiên Nhãn còn thờ các vị Giáo Chủ của Tứ Giáo (Nho, Thích, Lão, Công Giáo). Thế nên, người Cao Đài vào chùa thì lạy Phật, vào nhà thờ dự thánh lễ thì cầu nguyện Chúa; thái độ hoàn toàn tự nhiên như lúc cúng kính và cầu nguyện nơi thánh thất Cao Đài của mình. Do đó, người đạo Cao Đài không có mặc cảm tự tôn tự đại mà ngộ nhận rằng đạo tôi cao, đạo người khác thấp.
Trong hầu hết gia đình Cao Đài, con cái được làm lễ tắm thánh trong thánh thất, được đưa đi nhập môn để làm tín đồ Cao Đài từ lúc ấu thơ hay thiếu niên. Đây là ý thức nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối cho nền đạo Cao Đài.
Tuy nhiên, nếu là gia đình liên tôn giáo, lại có không ít trường hợp khi con cái đến tuổi trưởng thành, họ sẽ tự quyết định đi theo tín ngưỡng của cha hay tôn giáo của mẹ tùy theo ý hướng tâm linh của riêng họ.
CÂU HỎI THÊM
Một nữ tu: Theo luật đạo Cao Đài, có được phép tái hôn không?
Thanh Căn: Được tái hôn. Tân Luật (phần Thế Luật, Điều Thứ Chín) quy định: “Cấm người trong Đạo, từ ngày ban hành luật nầy về sau, không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường, thì được chắp nối.”
Chích là chiếc, chỉ còn một. Lẻ là lẻ loi, chỉ có một mình. Hai vợ chồng, người này gọi người kia là bạn đời. Chích lẻ là lẻ bạn, tức là vợ hoặc chồng qua đời, chỉ còn lại một người lẻ loi trơ trọi trên đường đời.
*
Huệ Khải: Câu hỏi về việc tái hôn có hàm ngụ vấn đề ly dị. Theo Tân Luật Cao Đài, người chồng chỉ được phép ly dị vợ khi vợ phạm hai lỗi nặng. Điều Thứ Mười quy định: “Trừ ra có ngoại tình hay là thất hiếu với công cô,([4]) vợ chồng người đạo không được để bỏ nhau.” Tân Luật không dự trù quyền người vợ được ly dị chồng.
Bây giờ tôi nói thêm về Điều Thứ Chín mà hiền huynh Thanh Căn vừa dẫn ra, có đề cập việc cưới hầu thiếp.
Cưới hầu thiếp tức là cưới thêm vợ lẽ. Tân Luật Cao Đài ra đời năm 1926; lúc ấy, một người chồng cưới hai vợ (lập hôn thú hợp lệ cho cả hai) là chuyện bình thường trong xã hội. Ở miền Nam, thời chánh quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1958 bà Ngô Đình Nhu (nhũ danh Trần Lệ Xuân) vận động Quốc Hội VNCH thông qua Luật Gia Đình, chế độ đa thê mới bị bãi bỏ.
Như thế Tân Luật Cao Đài đã đi trước xã hội ba mươi hai năm (1926-1958) khi cấm chỉ tệ nạn đa thê.
Tuy nhiên, Tân Luật vẫn có chỗ linh hoạt khi cho phép cưới vợ lẽ (thiếp, hầu thiếp), nhưng buộc phải có vợ chánh (chánh thê) chủ trì, để bênh vực phụ nữ. Khoản linh hoạt này quy định ở Điều Thứ Chín như sau:
“Thảng như phụ nữ kia không con nối hậu ([5]) thì Thầy [Đức Cao Đài] cũng rộng [lượng] cho đặng phép cưới thiếp song ([6]) chính mình chánh thê đứng cưới mới đặng.”
Xưa kia chồng vợ sống thuận thảo được ví von như đàn sắt và đàn cầm hòa tấu. Bởi vậy mừng đám cưới thường chúc tụng sắt cầm hảo hiệp.
Cầm và sắt là hai loại đàn dây. Dây đàn là huyền. Vợ chết thì gọi là đoạn huyền (đứt dây đàn). Luật Đạo cho phép người góa vợ được chắp nối tức là được tục huyền (nối lại dây đàn đã đứt).([7])
Suy ra, theo ý nghĩa của hai chữ chắp nối và theo văn mạch trong Điều Thứ Chín như dẫn trên, thì điều này chủ yếu dành riêng cho nam tín đồ vì xét tới yếu tố truyền thống Á Đông là muốn có con trai nối dõi tông đường.
Xem toàn văn bản Tân Luật, không thấy chỗ nào nói tới việc người vợ góa chồng (quả phụ) bước đi bước nữa (tái hôn, tái giá). Ta hiểu phụ nữ Cao Đài được dạy noi theo Tam Tùng của đạo Nho, do đó việc nữ tín đồ tái hôn dường như không được khuyến khích.
Tuy nhiên trong Tân Luật lại chẳng có chỗ nào cấm cản nữ tín đồ bước đi bước nữa. Nguyên tắc luật pháp phương Tây có câu Latin nổi tiếng: Nulla poena sine lege.Không phạt nếu không có luật. (No penalty without a law.) Suy ra, việc phụ nữ Cao Đài nếu tái hôn vẫn không phạm luật Đạo.
Tóm lại, trả lời câu hỏi “Theo luật đạo Cao Đài, có được phép tái hôn không?” có thể nói rằng việc tái hôn của người đạo Cao Đài không bị cấm cản.
Nhưng ngày nay rất nhiều cặp vợ chồng Cao Đài đều tu thiền (tịnh luyện), nên đều giữ giới luật ăn chay trường (quanh năm) và tuyệt dục (ngưng hẳn hành vi sex). Đối với các cặp này, dẫu có chích lẻ khi tuổi đời còn trẻ, thì chẳng ai còn nghĩ tới chuyện tái hôn để chịu thêm ràng buộc thế tục lần nữa, làm chậm đường tu giải thoát của họ.




([1]) Hôn : 1. (Động từ) cưới vợ, hoặc lấy chồng. 2. (Danh từ) hôn nhân.
([2]) Giai ngẫu 佳耦: Cặp vợ chồng xứng đôi.
([3]) In lại trong Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 201-208. Quyển 42-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([4]) Công cô 公姑: Cha mẹ chồng.
([5]) Nối hậu: Sinh con trai để nối dõi tông đường, duy trì dòng họ.
([6]) Song: Nhưng mà, tuy nhiên.
([7]) Đoạn huyền 斷絃; tục huyền 續絃.