5. Tương
quan giữa chức sắc
và đạo hữu
Cao Đài
Huệ Khải: Tương quan giữa chức sắc và đạo hữu
(tín đồ) Cao Đài là tương quan anh chị em một nhà, con cái một Cha chung
(Thượng Đế) và một Mẹ chung (Phật Mẫu).
Do đó, trong đạo Cao Đài tín đồ không xưng con với chức sắc mà xưng là em,
hoặc đạo đệ (em trai) hay đạo muội (em gái).
Chức sắc là anh, chị của tín đồ; phẩm vị cao thì các em gọi là anh lớn (hay đạo trưởng), chị lớn.
Thông thường thì gọi đạo huynh (anh)
hay đạo tỷ (chị).
Nhiều chức sắc khi trò chuyện với tín đồ tự xưng là qua theo phương ngữ Nam Bộ, nghe rất gần gũi, thân thương. Nhiều vị
gọi tín đồ là hiền đệ (em trai) hay hiền muội (em gái), nghe thật trìu mến.
Ngược lại, tín đồ gọi chức sắc là hiền
huynh (anh) hay hiền tỷ (chị).
Giáo Tông là chức sắc cao nhất, thay mặt Thầy (Cha) lãnh đạo Hội Thánh
Cửu Trùng Đài, dìu dắt các em. Cho nên Giáo Tông là Anh Cả, hiểu theo nghĩa quyền
huynh thế phụ. Phụ là cha (tức Thượng Đế).
Luật Đạo (ra đời năm 1926) quy định rất rõ và chi tiết về tương quan hành
đạo giữa chức sắc và tín đồ.
A. Tân Luật, Đạo Pháp, Chương III
Điều Thứ Mười Sáu:
Nơi nào có đông tín đồ được chừng năm
trăm người sắp lên, thì được lập riêng một Họ [Đạo] đặt riêng một thánh thất,
có một chức sắc làm đầu cai trị [Đầu Họ Đạo].
Điều Thứ Mười Tám:
Bổn đạo trong Họ [Đạo] phải tuân mạng
lịnh của Chức Sắc làm đầu trong Họ [Đầu Họ Đạo], nhứt nhứt phải do nơi người,
chẳng đặng tự chuyên mà trái đạo.
B. Tân Luật, Đạo Pháp, Chương VII
Điều Thứ Hai Mươi Sáu:
Trong bổn đạo ai có phạm luật pháp về
mấy điều khoản nhẹ, thì về quyền người làm đầu trong Họ [Đầu Họ Đạo] phân xử và
đặng răn phạt quỳ hương tụng Kinh Sám Hối.
Điều Thứ Hai Mươi Bảy:
Như phạm tội trọng hay là tái phạm,
thì phải đệ lên cho Hội Công Đồng phán đoán.
Hội ấy [do] một vị Đầu Sư hay là Phối
Sư phái mình làm đầu và có hai vị chức sắc hai phái kia nghị án. Hội nầy được
quyền trục xuất.
Điều Thứ Hai Mươi Tám:
Về đường đời bổn đạo có xích mích
nhau, cũng phải đến cho người làm đầu trong Họ [Đầu
Họ Đạo] phân giải.
C. Tân Luật, Đạo Pháp, Chương V
Điều Thứ Hai Mươi Hai: [Tứ Đại Điều Quy]
1. Phải tuân lời dạy của bề trên,
chẳng hổ [xấu hổ, hổ thẹn] chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ
làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.
3. (…) Đối với trên, dưới đừng lờn
dể, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián [can ngăn] trên đừng thất khiêm cung.
4. Trước mặt sau lưng, cũng đồng một
bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau.
Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà
xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng đừng vụ riêng mà bỏ việc
chung. (…) đừng lấy ý riêng mà trái trên dể dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài
người.
D. Tân Luật, Thế Luật
Điều Thứ Nhứt:
Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như
con một cha, phải thương yêu nhau; liên lạc nhau, giúp đỡ nhau lấy lòng thành
thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời.
Điều Thứ Hai:
Nhập Đạo rồi thì phải quên những việc
oán thù nhau khi trước; phải tránh việc ganh ghét tranh đua và kiện cáo; phải
nhẫn nhịn và hòa thuận với nhau. Rủi có điều chi xích mích, phải vui nghe người
làm đầu trong Họ [Đầu Họ Đạo] phân giải.
Điều Thứ Mười Bốn:
Trong bổn đạo xảy có người mãn phần
quy vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang
chủ.
Điều Thứ Mười Lăm:
Người làm đầu trong Họ [Đầu Họ Đạo],
khi tang chủ mời, phải đến hiệp với chư tín đồ trong Họ, làm lễ cầu siêu cho
vong linh theo Tân Luật và đưa xác đến mộ phần.
Điều Thứ Mười Sáu:
Trong việc tống chung, không nên xa
xí, không nên để lâu ngày, (…) không nên đãi đằng rần rộ mà mất sự nghiêm tịnh
và mất dấu ai bi.
Chức sắc, chức việc Cao Đài đến làm đủ các nghi thức, bí tích cho một đám
tang của tín đồ thì hoàn toàn không được nhận bất kỳ một khoản tiền hay món quà
gì gọi là “đền ơn” hay “bồi dưỡng” cho những người làm đám.
Ngoài tang lễ còn chín lần cầu siêu, thêm hai lần cúng tiểu tường và đại
tường (mãn tang), nhưng tất cả đều y như vậy, dù một đồng thì chức sắc, chức
việc vẫn không được nhận!
Rõ ràng, nhà em mình có tang, anh chị tới chung lo giúp em, thì sao lại
ngửa tay nhận thù lao trả công?! Cái tình đạo hữu và chức sắc Cao Đài thắm
thiết ở chỗ đó.
Nhiều gia đình cha mẹ tu, ông bà tu, mà con cháu chưa chịu tu. Đến khi
nhà có đám tang, con cháu chứng kiến tất cả những thương yêu, ưu ái của chức
sắc và đồng đạo đối với người quá cố, với tang quyến thì vô cùng xúc động. Sau
đó, con cháu đều xin nhập môn tu hành theo Cao Đài, nối tiếp đạo nghiệp của ông
bà cha mẹ.
*
Diệu Nguyên: Về quan hệ giữa chức sắc và tín đồ
Cao Đài, có thể kể một điển hình ở Hội Thánh Truyền Giáo (Đà Nẵng). Tới giờ ăn
cơm, chức sắc và tín đồ quây quần ăn chung với nhau, không phân biệt ngôi thứ,
mâm chung hay mâm riêng. Tất cả chan hòa với nhau như anh em một nhà.
Còn về phẩm Giáo Tông (Pope) mà
luật Đạo gọi là Anh Cả, tuy là phẩm
cao tột lãnh đạo Hội Thánh Cửu Trùng Đài, nhưng Giáo Tông thực sự là người như
thế nào? Có một thánh giáo của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (Hội Thánh Cao
Đài Ban Chỉnh Đạo) dạy rất thấm thía về phẩm vị này:
“Các em thử nghĩ: Tông là tông
chỉ, đường lối căn bản của Đại Đạo. Giáo là kinh điển, phương cách giáo
dục hướng dẫn người đời tu thân hành đạo theo quyền pháp Đạo luật và tông chỉ
do Thượng Đế và Hội Thánh ban hành.
Nhiệm vụ Giáo Tông là phần hành pháp
đạo, dìu dẫn dạy dỗ săn sóc tín hữu nhơn sanh cả ba phương diện: dân sanh, dân
trí và dân đức.
Một khi được Thiên phong vào phẩm vị
đó, nếu là người biết trách nhiệm, hằng lo âu, mất ăn mất ngủ, ngồi đứng không
yên, khi mà nhơn sanh tín hữu còn hôn mê ám muội, tội lỗi dốt nát, đói rách đau
khổ. Khác với quan niệm của những ai lỗi đạo rằng chức vị Giáo Tông là quyền
cao lộc cả, danh dự tín đồ chi phụ mẫu.([1])
Hỏi vậy trong Đạo có những quyền và
lợi gì? Trên thì có Chí Tôn Thượng Đế, Cha linh hồn; dưới có Tòa Tam Giáo thay
mặt Chí Tôn dạy dỗ đạo pháp. Còn Hội Thánh, từ Giáo Tông trở xuống là anh em
tất cả. Anh lớn khôn ngoan đùm bọc che chở dạy dỗ đàn em trong nghĩa quyền
huynh thế phụ. Nếu dùng quyền Giáo Tông trong Đạo luật thì làm gì gọi là hành
phạt tín hữu.
Một khi tín hữu có lỗi nhỏ, được
khuyên lơn an ủi, vỗ về dạy bảo chừa lỗi. Nếu còn tái phạm, được dạy răn hoặc
cảnh cáo. Nếu tái phạm lần thứ ba, cuối cùng là mời ra khỏi cửa Đạo, gọi là
trục xuất, khi xét thấy người ấy ngoan cố bướng bỉnh, không tinh thần phục
thiện, và hành động có hại cho danh nghĩa Giáo Hội.
Nếu rủi gặp một tín hữu bị can như
vậy, Giáo Tông rất đỗi lo buồn, băn khoăn tự xét mình thiếu đức để cảm hóa,
giáo dục người ấy, còn sợ e có lỗi với Chí Tôn, bởi câu mũi dại lái chịu đòn,
chớ vui sướng chi cho chức vị Giáo Tông một khi buộc lòng thi hành Đạo luật
tiêu cực như vậy.
Đó, các em nhận thấy quyền của Giáo
Tông chưa?
Còn lợi thì như thế nào?
Đã là Giáo Tông, mọi quyền lợi về vật
chất không có nghĩa gì hết. Nhà cửa, trụ sở của nhơn sanh tín đồ; cơm áo đạo
phục, từ đại phục, tiểu phục cũng hưởng nhờ của nhơn sanh tín đồ. Nếu cần di
chuyển đó đây, sở phí điều hành cũng của nhơn sanh tín đồ. Nhưng là một Giáo
Tông biết nhiệm vụ, nào ai dám ngửa tay thọ hưởng những lợi lộc ấy. Trái lại,
còn đem những tư hữu, nếu có, của mình để bù trợ vào Giáo Hội, làm gương tốt
cho thế hệ sau. Đó là quyền và lợi của Giáo Tông dường ấy.” ([2])