Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ PHỤC SINH 9/10


Đôi dòng cảm tưởng
Vạn sự trong cõi đời này không có gì là tình cờ hay ngẫu nhiên, mối tương giao giữa người với người, đặc biệt là trong bầu khí giao cảm tôn giáo như buổi gặp gỡ giữa quý đạo hữu Cao Đài với các nữ tu của Học Viện Liên Tỉnh Dòng thì lại càng không thể nói đó là một sự tình cờ. Nhưng trong niềm tin Kitô Giáo của chúng tôi thì đó là sự quan phòng của Thiên Chúa. Buổi gặp gỡ ấy lại được diễn ra vào thời điểm giữa Tuần Bát Nhật Phục Sinh, một thời điểm quan trọng trong năm Phụng Vụ của chúng ta để Mừng Lễ Chúa Phục Sinh, điều đó càng làm cho bầu khí của buổi tọa đàm thêm hân hoan, phấn khởi.
Thời gian gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho chúng tôi không ít những suy tư, tình cảm và một cái nhìn đầy khích lệ khi nghĩ và nói về tôn giáo bạn. Nhìn từ khía cạnh tâm linh, chúng ta gặp nhau trong khát vọng tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối, một khát vọng thâm sâu của cõi lòng con người. Và có nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau để đạt tới Ngài, mà quý đạo hữu và nữ tu chúng tôi đã cho thấy điều đó khi tôn giáo bạn gọi Ngài là Đức Chí Tôn, còn chúng tôi gọi là Thiên Chúa.
Với thái độ chân thành, đơn sơ, cởi mở cùng một nếp sống giản dị của quý đạo hữu đã làm cho chúng tôi nhận ra vẻ đẹp muôn màu của Thiên Chúa được biểu lộ trong từng thụ tạo của Ngài. Không chỉ gặp nhau trong niềm tin, nhưng chúng ta còn có những điểm tương đồng trong việc thực hành đức tin trong cuộc sống đời thường: Cùng nhau xây dựng một cuộc sống hòa bình với tình huynh đệ sẻ chia tương thân tương ái, hay nói cách khác là thực thi bác ái đối với tha nhân; không thù hằn ghen ghét; thực hành đời sống luân lý trong hôn nhân gia đình; và cuộc sống sau cái chết thế nào là tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay…
Dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, chúng tôi càng thêm nhận biết “hạt giống Lời Chúa” đang tiềm ẩn nơi các tôn giáo khác và Thánh Thần vẫn luôn hoạt động bên ngoài biên giới của Giáo Hội hữu hình. Quả thật, “mầu nhiệm Đức Kitô lan truyền tới những tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo khác như lời đáp trả của Thiên Chúa cho khát vọng của con người muốn kết hợp với thần linh.” (Hồng Y Henri de Lubac)[1]
Chúng tôi cảm nhận được rằng những buổi gặp như thế này thật cần thiết và hữu ích để chúng tôi có thêm được những cơ hội hướng tầm nhìn của mình đến với những cách thức khác nhau của việc Thiên Chúa tỏ bày ân sủng và ơn cứu độ của Ngài trong thế giới này. Khám phá ra chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa được mạc khải dưới muôn ngàn dáng vẻ, chúng tôi sẽ biết trân trọng và phát huy những gì vốn là Chân-Thiện-Mỹ được thể hiện nơi các tôn giáo bạn để không còn những loại trừ hay nghi kỵ.
Buổi gặp gỡ kết thúc trong tình thân ái với việc sẻ chia cho nhau những món quà vật chất và tinh thần tuy nhỏ bé nhưng thấm đượm tình thân ái, là một hình ảnh sống động của viễn tượng bữa tiệc cánh chung. Nơi đó Thiên Chúa quy tụ mọi dân nước và mọi thành phần cùng đến tham dự vào bàn tiệc sự sống của Ngài. Đó là phần thưởng dành cho tất cả những ai luôn khát khao và nỗ lực tìm kiếm Chân Lý Vẹn Toàn.
Một lần được gặp nhau để khởi đầu cho nhiều lần khác nữa, ước chi chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để được lắng nghe nhiều hơn, thắt chặt tình thân hơn. Cầu chúc cho quý Đạo Huynh, Đạo Tỷ luôn tìm gặp và thực thi thánh ý của Đức Chí Tôn trong đời sống của mình và xin ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô luôn chiếu tỏa trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
Nữ Tu Marie HUỲNH THỊ TUYẾT MAI
Giám Đốc Học Viện Liên Tỉnh
Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres




[1] Henri de Lubac (người Pháp) là một trong những nhà thần học lỗi lạc nhất của thế kỷ hai mươi. Sinh tại Cambrai (Pháp) ngày 20-02-1896. Vào Dòng Tên tại Lyon ngày 09-10-1913. Thụ phong linh mục ngày 22-8-1927. Sang Roma học tới năm 1929. Về Pháp dạy lịch sử các tôn giáo tới năm 1961. Những năm 1962-1965 tham gia Công Đồng Vatican II với cương vị là peritus (chuyên gia tư vấn thần học). Được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y ngày 02-02-1983. Về với Chúa ngày 04-9-1991 tại Paris, để lại hàng chục tác phẩm thần học rất quan trọng. (Huệ Khải chú)