Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ GIÁNG SINH 6/6


GIÁNG SINH HÒA BÌNH
Linh Mục Giuse TRẦN ĐÌNH THỤY
1. KIẾP NGƯỜI ĐAU KHỔ VÀ ƯỚC VỌNG HÒA BÌNH
Cuộc sống mỗi ngày càng được cải thiện đẹp như mùa xuân tràn ngập hoa bướm, từ những hạ tầng cơ sở đổi mới, những ngôi nhà vươn cao, công viên cảnh trí và hàng quà mướt mắt... Thế nhưng, vẫn còn đó những tủi hờn như những giọt mưa thu, những lạnh lùng như tuyết đông băng giá và những “chát chúa” như khí nóng mùa hè. Tất cả những cái đó quyện tròn thành nỗi khổ của kiếp người.
Đời là bể khổ! Cụm từ này quá quen thuộc với chúng ta. Ngôn ngữ Công Giáo cũng gọi cuộc đời là “thung lũng đầy nước mắt”.([1]) Trong đời người, ai trong chúng ta lại chẳng có chút kinh nghiệm về đau khổ. Và cuộc đời, dù ở phương trời nào đi nữa, cũng không thiếu vắng đau khổ.
Thoát sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì? ([2])
Những khổ đau nơi con người. Nhìn cuộc đời, sống trọn vòng kiếp người, nhận định của Đức Phật thật chí lý khi ngài chỉ rõ những đau khổ thực tế trong cuộc đời chúng ta.
- Đau khổ phần xác: “Sanh, lão, bệnh, tử, trực giác mà Đức Phật nhìn khắp bốn phương Đông Tây Nam Bắc chỉ cho rằng đời là bể khổ.” Triết lý Phật Giáo bàn về sự đau khổ, luân hồi và giải thoát. Triết lý này nằm gọn trong công thức ngàn đời của Phật Giáo: Vạn sự khổ, vạn sự vô thường, vạn sự vô ngã. - Tất cả mọi hiện hữu đau khổ, vì mọi hiện hữu đều vô thường, mọi hiện hữu đều không phải là ta, không phải của ta.([3])
Cái khổ kiếp người còn được cụ thể hóa bằng bệnh tật, đói nghèo và với tầm mức lớn hơn - khổ vì chiến tranh loạn lạc. Chiến tranh như ngòi pháo, bất cứ lúc nào cũng có thể phát nổ.
Hơn ai hết, đất nước chúng ta đã trải qua bao năm dài chiến tranh. Những thương đau, những dòng nước mắt, những vòng khăn sô chít vội trên chỏm đầu trẻ thơ ngơ ngác như vẫn còn rõ nét của một thời đã qua. Cũng vì tham vọng mà con người gây ra chiến tranh, để từ đó nảy sinh biết bao tội ác, dẫn đến những cái chết thảm thương.
Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã
Nơi chiến trường.
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa...([4])
- Đau khổ tinh thần: Cách đây khoảng hai mươi năm, màn ảnh nhỏ trình chiếu bộ phim truyện nhiều tập: Người Giàu Cũng Khóc.([5]) Bản thân những người giàu, họ không thiếu gì của cải vật chất, nhưng họ cũng khổ. Nỗi khổ này có nguyên nhân là vì họ ham muốn nhiều quá. Ham muốn đến độ bất công tàn bạo; nhưng hậu quả là những ham muốn vô độ dẫn họ đến cái khổ do chính họ gây nên. Chúng ta đang nói đến một thứ đau khổ tinh thần khi con người chỉ chọn những tư lợi mà quên đi tình người, quên hết những lời Chúa dạy:
“Nếu được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Máccô 8:36)
- Đau khổ tâm linh: Chúng ta nói đến một nỗi khổ xem ra trừu tượng nhưng lại rất thực tế - đau khổ tâm linh. Con người cảm thấy nỗi khổ này khi đi tìm câu trả lời cho đau khổ kiếp người và nhất là khi đứng trước giai đoạn cuối của tiến trình của kiếp người: tử (chết).
Xét cho cùng, nỗi khổ này mới là đau khổ thật sự và vĩnh viễn. Nhịn ăn nhịn mặc cho người khác thật là cao quý như khi cha mẹ hy sinh cho con cái.
Đau yếu bệnh tật, tuổi già… chúng ta cũng có thể vượt qua hoặc dễ chấp nhận khi đã xử hết tình (chăm sóc, chữa trị) và hết lý (rồi cũng phải ra đi).
Nhưng nỗi khổ siêu hình sẽ là hiện thực trong thân phận con người: Chết đi về đâu?
Đứng trước cái chết, có khi người càng giàu có sung túc lại càng đau khổ hơn những người đã từng chịu khổ vật chất, khắc khoải tinh thần nhưng họ vui vẻ chấp nhận như một cuộc giải thoát.
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi Niết
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng mừng không hối tiếc([6])
Khát vọng hòa bình. Có những cuộc ẩu đả khởi đi từ những va chạm cá nhân, kéo theo tập thể. Những cuộc chiến tranh khốc liệt xảy ra do những xung đột quyền lợi hoặc xung khắc văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia. Và cũng đã có những cuộc chiến tranh vướng mắc bởi lý do tôn giáo. Nhưng dù bắt đầu bởi nguyên nhân nào hay nhằm mục đích nào, chiến tranh đã xảy ra thì tất yếu sẽ dẫn đến thương đau, mất mát. Cuộc chiến tranh do khác biệt tôn giáo thật đã làm mất đi ý nghĩa cao quý của từ tôn giáo.
Tự thâm tâm, con người luôn khao khát hòa bình. Nhưng tiếc thay, khao khát ấy lại luôn bị áp lực tập thể dập tắt hoặc cứ đưa đẩy đến chiến tranh chết chóc.
“Ngừng chiến đêm Giáng Sinh” là cụm từ được dùng để nói về những cuộc ngừng bắn trong Đệ Nhất Thế Chiến:
Cuộc ngừng bắn diễn ra vào đêm trước Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 1914 một cách tình cờ và không chính thức. Binh sĩ Đức khởi sự trang trí khu vực chung quanh các chiến hào của họ trong vùng Ypres thuộc nước Bỉ để chào đón lễ Giáng Sinh. Họ bắt đầu treo những ngọn nến trên cây, rồi ngồi lại với nhau để hát các ca khúc Giáng Sinh, nhiều nhất là bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng (Stille Nacht). Khi ấy, các binh sĩ Anh bắt đầu ra khỏi chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng những bài hát Giáng Sinh tiếng Anh… Nhưng thời gian hạnh phúc ấy chỉ là khoảnh khắc, rồi tiếng súng lại vang lên. Con người thực sự mãi mãi khao khát hòa bình.
Năm 1999, tại Ypres (Bỉ), người ta đã dựng một cây thập tự để ghi nhớ địa điểm cuộc hưu chiến đêm Giáng Sinh năm 1914. (vi.wikipedia.org)
2. GIÁNG SINH HÒA BÌNH
Bình minh hòa bình. Giữa cảnh đau khổ và tối tăm của nhân loại, Thiên Chúa tiếp tục chương trình cứu độ sau khi tạo dựng nên vũ trụ và nhất là ban cho con người tự do “giống hình ảnh Ngài”.([7]) Tiếc thay, con người lại lạm dụng tự do để đưa mình vào tình trạng đau khổ dẫn đến sự chết muôn đời.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chuẩn bị từ muôn đời cho việc Con Chúa nhập thể, chọn cho Người một “người mẹ toàn vẹn” là Đức Maria.
“Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho ‘đầy ơn phúc’, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm l854, tuyên xưng: ‘Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu Độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội’ .
“Những ánh rạng ngời này của một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị, đã được ban cho Mẹ ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ xét đến công nghiệp Con Mẹ. Chúa Cha đã thi ân giáng phúc cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô (Êphêxô 1:3). Ngài đã chọn Mẹ trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, Mẹ trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Êphêxô l:4).([8])
Hoàng tử Hòa Bình xuất hiện. Isaia được xếp vào loại ngôn sứ ([9]) về Đấng Messia.([10]) Ngài đã mạnh dạn công bố: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu độ, một người con đã được ban tặng cho ta. Ngài gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mạnh, người Cha muôn thuở, thủ lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính và lập nên hòa bình vô tận.” (Isaia 9:5-6)
Như thế con Thiên Chúa làm người chính là “hoàng tử hòa bình” và kiến tạo một nền hòa bình bất tận, một “địa đàng mới”. Ngôn sứ Mikha còn xác nhận rõ hơn: “Chính người sẽ đem lại hòa bình.” (Mikha 5:4).
Và này, “bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Luca 2:13-14).
Thật rõ ràng: Chỉ có bình an Thiên Chúa ban tặng và bình an đó luôn nối kết với vinh quang Thiên Chúa.
Hòa Bình đích thực. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cân bằng giữa các thế lực (Hiến Chế Mục Vụ, số 78), nhưng là “công trình của công bằng” (Isaia 32:7). Những người kiến tạo hòa bình được gọi là “con cái Thiên Chúa” (Matthêu 5:4).
Điều này được khẳng định qua lời nói của Đức Kitô trước khi ra đi chịu chết mà Thánh Gioan ghi lại: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. [Bình an] Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Gioan 14:27), nghĩa là những thứ bình an tạm thời, yên ổn vật chất…
Bình an tâm hồn không chỉ là cố gắng của “ý chí kềm chế bạo lực” nhưng do sức trợ lực của Chúa Giêsu: “Thầy nói với anh em những điều ấy để trong Thầy, anh em được bình an” (Gioan 16:33), dù đang sống giữa đau khổ.
Bình an viên mãn (trọn vẹn) được Đức Kitô thiết lập trong năng lực của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô lý giải: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta; Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một… khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới đồng nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt hận thù.” (Êphêxô 2:14-16)
Như vậy, hưởng hòa bình đích thực là:
- Sống yêu thương mọi người vì tất cả chúng ta đều là con một Cha.
Ý nghĩa này chúng ta thấy thể hiện trong một bài hát của người đạo Cao Đài:
Bạn tôi ơi, ta là nhân loại
Vàng, đen, trắng – vẫn anh em cùng Cha.
Nào chung tay xây dựng Nhân Hòa
Cùng thế giới là cùng mái nhà.([11])
- Chính Thiên Chúa Ba Ngôi là khởi thủy và là cùng đích mà con người nhắm đến; và chỉ trong Ngài, chúng ta mới kiến tạo hòa bình tại thế để đạt đến hòa bình vĩnh cửu.
3. NHỮNG GỢI MỞ ẤN TƯỢNG CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO VỀ HÒA BÌNH
Chọn chủ đề Giáng Sinh Hòa Bình không chỉ có Kinh Thánh Kitô Giáo, chúng ta thấy rải rác tư tưởng hoặc giáo lý nói đến hòa bình ở hầu hết các tôn giáo. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ ghi lại ở đây những chỉ dẫn ấn tượng liên quan đến hòa bình hợp với chủ đề thuyết giảng hôm nay.
a. Đạo Cao Đài
Thật ấn tượng khi đọc hai câu đối ở cửa Hòa Viện Tòa Thánh Tây Ninh:
Cao thượng Chí Tôn, Ðại Ðạo hòa bình dân chủ mục.
Đài tiền sùng bái, Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền.
(Đấng Chí Tôn ở cao hơn hết, mở ra một nền Đại Đạo, hướng tới hòa bình và dân chủ.
Kính phục tôn thờ Đấng Cao Đài thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cùng chung hưởng quyền tự do.) ([12])
Hòa bình - tự do - hạnh phúc là mục tiêu thực tiễn mà đạo Cao Đài muốn mang đến cho con người tại thế gian này, và chính là một quan niệm giải thoát con người thiết thực nhất.
Bản chất của bất kỳ tôn giáo nào cũng là sự yêu thương và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Tôn giáo ban đầu đã làm được vai trò đó; nhưng dần dần, tôn giáo lại là nguyên nhân của chia rẽ và chiến tranh. Nguyên do bởi một số người lãnh đạo tinh thần kém phẩm chất, một phần do người hành đạo làm sai lạc chân truyền gây ra sự phân hóa, ngay trong cùng một tôn giáo, một phần vì tinh thần chấp ngã và độc tôn độc giáo gây nên sự kỳ thị…
Ngày 08-6-1926, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút dạy con người:
“Chúa Cứu Thế đã đến với các con. (…) Các con truyền bá Đạo [của] Người, nhưng chính các con cũng không hiểu chi cả. Các con lại làm sai lạc bản chất tôn chỉ của nền Thánh Giáo.”
(…)
“Bởi thế nên nay chính Thầy phải đến để đem lại cho các con nền hòa bình đã từng hứa hẹn.” ([13])
Theo giáo lý đạo Cao Đài, trước đây các tôn giáo do các vị Giáo Chủ, hóa thân của Thượng Đế trong xác phàm dẫn dắt. Ngày nay, chính Đức Chí Tôn giáng trần tự mình lập đạo Cao Đài và dạy Đạo bằng phương tiện cơ bút, “không giao chánh giáo cho tay phàm nữa”.([14]) Như vậy, Đức Chí Tôn vừa là Đại Từ Phụ, vừa là Thầy dạy đạo.
Muốn tạo dựng hòa bình cho nhân loại, điều cần thiết là phải tạo dựng con người thuần lương đạo đức, chí thiện chí mỹ; tức là chỉ đem con người đến Cao Đài.
Đạo Nho sẽ có sứ mạng giáo huấn đó, tức là biến cải cuộc đời trở nên tốt đẹp, “biến đời cải dữ ra hiền” thì nhân loại sẽ có hòa bình vĩnh cửu tức là đời thái bình. Giáo lý Cao Đài đã cảnh báo trước:
“Càn khôn càng náo nhiệt, ngày tận diệt đã hầu kề.”([15])
“Tinh thần đạo đức đã biến mất, sự thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu.” ([16])
Nhân loại muốn có hòa bình phải thương yêu nhau trong tình thương yêu của Thượng Đế vì có cùng một Cha chung: “Sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giới. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, càn khôn mới an tịnh.” ([17])
Các tôn giáo phải quy về một mối để khỏi xung đột nhau. Quy nguyên, phục nhất ([18]) không có nghĩa là các tôn giáo sẽ tổng hợp lại thành một tôn giáo mới duy nhất là đạo Cao Đài. Nói như vậy là trái với giáo lý Cao Đài.
Tôn giáo “phân chia làm cho nhơn tâm bất nhứt, nhơn loại nghịch lẫn nhau, Đức Chí Tôn đến để hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết thương yêu hòa thuận.” ([19])
Đạo Cao Đài đã tiếp nhận các thánh giáo của Đức Chí Tôn, rồi cụ thể bằng phương cứu thế là: Bảo Sanh, Nhơn Nghĩa, Đại Đồng.
b. Đạo Baha’i
“Mục đích của tôn giáo Baha’i là thực hiện việc biến cải đời sống cá nhân làm hồi sinh xã hội, nhờ đó dẫn đến sự thống nhất nhân loại và hòa bình thế giới.” ([20])
“Trở thành người Baha’i chỉ đơn giản là yêu cả thế giới này, yêu nhân loại và cố gắng phụng sự nhân loại, làm việc vì nền hòa bình chung và tình hữu nghị anh em.” - Đức Abdu’l-Bahá, Trung Tâm Giao Ước.([21])
“Hỡi con cái loài người, mục đích căn bản làm sinh động nền Chánh Đạo và tôn giáo của Thượng Đế là bảo vệ lợi ích và đẩy mạnh sự thống nhất nhân loại, và nuôi dưỡng tinh thần yêu thương và tình bằng hữu giữa loài người. Đừng biến nó thành nguyên do của chia rẽ và bất hòa, ghét bỏ và oán thù.” - Đức Baha’u’llah.([22])
Chúng ta tóm tắt lại những lời dạy của các Đấng Giáo Tổ của tôn giáo Baha’i qua sơ đồ ([23]) sau đây:
Thượng Đế là Đấng, xét về bản chất, không ai biết được. Có nghĩa rằng dù là người thông minh khôn ngoan đến thế nào, cũng không thể hiểu bản chất của Ngài. Thượng Đế là Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật… trong tình yêu. Các Đấng Biểu Hiện của Thượng Đế (còn gọi là Đấng Giáo Tổ) là những thực thể đặc biệt truyền đạt cho nhân loại Lời và Ý Chí của Thượng Đế.([24])
c. Đạo Công Giáo
- Tất cả đều là một dân tộc mới. Trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài “đoái thương”.([25]) Israel, dân được chọn chỉ là hình ảnh loan báo một “Israel mới”, những người tin vào tình yêu Thiên Chúa là Cha qua sứ điệp và ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện. Chúa Giêsu đã thiết lập giao ước mới với dân mới trong Máu Người.([26]) Người triệu tập dân chúng từ Israel và tất cả dân ngoại… để họ họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt… Tất cả trở thành một dân mới của Thiên Chúa.([27])
- Xây dựng hòa bình. Thánh công đồng chung Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ (Giáo Hội trong thế giới hôm nay - Gaudium et Spes) đã dành hẳn chương V (số 77-90) để nói về chủ đề cổ võ hòa bình và xây dựng các dân tộc. Chúng tôi chỉ ghi lại một vài điểm chính liên quan đến chủ đề của chúng ta.
+ “Hiện nay, trong khi những nỗi đau khổ và lo âu hết sức trầm trọng còn tồn tại giữa loài người do những cuộc chiến tranh không ngừng hiện đang đe dọa gây nên, toàn thể nhân loại trong tiến trình trưởng thành đã bước vào một giai đoạn hết sức quyết định. Gia đình nhân loại dần dần hiệp nhất với nhau và đã ý thức hơn về sự hiệp nhất của mình ở mọi nơi, do đó công việc mà gia đình nhân loại phải bắt tay vào là xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Công việc này chỉ được hoàn thành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều cải tạo tâm hồn để hướng về hòa bình đích thực. Như thế, sứ điệp Phúc Âm phụ họa với những khát vọng và cố gắng cao cả của nhân loại mới rực sáng lên ở thời đại chúng ta bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc cho những người kiến tạo hòa bình ‘vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’. (Matthêu 5:9).([28])
“Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là ‘công trình của công bằng’ (Isaia 32:7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động. Thật thế, mặc dù tự bản chất công ích của nhân loại dĩ nhiên phải được định luật đời đời quy định, tuy nhiên trong những đòi hỏi cụ thể của nó, công ích vẫn phải chịu những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian. Do đó, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. Hơn nữa, vì ý chí của con người yếu đuối và bị tội lỗi làm tổn thương, do đó muốn có hòa bình mỗi người phải luôn luôn kềm chế dục vọng của mình và chính quyền phải canh phòng cẩn thận.
Phát sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả của hòa bình Chúa Kitô, hòa bình do Ðức Chúa Cha mà đến. Vì chính Chúa Con Nhập Thể là hoàng tử hòa bình đã dùng thập giá Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa; Người đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể. Người đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người (Êphêxô 2:16), và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người.
Do đó, trong khi ‘thực thi chân lý trong bác ái’ (Êphêxô 4:15), mọi Kitô hữu được khẩn thiết kêu mời hãy kết hiệp với những người thực sự yêu chuộng hòa bình để cầu khẩn và thiết lập hòa bình.
Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô đến. Tuy nhiên, nhờ kết hiệp trong bác ái, con người thắng vượt tội lỗi và cũng thắng vượt bạo động cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: ‘Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu’ (Isaia 2:4).” ([29])
Hòa bình là khát vọng của con người. Chính chúng ta phải là tác nhân để kiến tạo hòa bình. Hòa bình được xây dựng trên nền văn minh tình thương.
Công bằng không chưa đủ, phải tiến đến bác ái. Nền tảng của bác ái là lòng nhân. Muốn sống trọn lòng nhân phải sống theo “Tám mối phúc” (Matthêu 5:3-12) của Đức Kitô.
Sống trọn “Tám mối phúc” với nội lực bản thân (thành nhân) cộng với ân sủng của Thiên Chúa (thành Thánh), con người sẽ cảm nghiệm được bình an.
Bình an cho cuộc sống này là cơ sở đạt tới bình an vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
4. LỜI KẾT
Chia sẻ chủ đề Giáng Sinh Hòa Bình nhằm nói lên rằng con người chỉ sống hạnh phúc khi được hưởng cảnh hòa bình thư thái. Các tôn giáo nói chung đều truyền dạy điều này, đặc biệt với ba tôn giáo chúng ta vừa trình bày trên đây. Bất luận theo tôn giáo nào, nếu chúng ta giữ được lòng nhân, sống cho ra người, là làm được điều cổ nhân chỉ dạy:
Tu thân rồi mới tu Thần,
Tu Thần có trọn, tu thân mới tròn.
Hoặc: Tiên thành nhân, nhi hậu thành Thánh.
Xin Chúa Giêsu giáng sinh, Hoàng Tử của hòa bình:
- Ban cho các tôn giáo biết cùng nhau xây dựng một thế giới thấm đậm nhân bản và yêu thương.
- Cụ thể, mỗi người chúng ta hãy thể hiện tình yêu thương đối với những người chúng ta chung sống và gặp gỡ.
- Cố gắng của chúng ta được Ơn Trên nâng đỡ và thăng hoa.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa Thương.
Thánh thất Bàu Sen, 24-12-2013
Linh Mục Giuse TRẦN ĐÌNH THỤY
Đại Chủng Viện Thánh Quý (Cần Thơ)



([1]) Kinh Salve Regina (Kính Chào Đức Nữ Vương): Trần gian là một thung lũng đầy nước mắt.
([2]) Thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858): Chữ Nhàn.
([3]) Quỳnh Hoa chủ biên, Hỏi Đáp Triết Học, Tập II: Triết Học Ấn Độ. Nxb Trẻ 2006, tr. 108.
([4]) Thơ Thích Nhất Hạnh.
([5]) Người Giàu Cũng Khóc (Los Ricos También Lloran) là bộ phim truyền hình sản xuất tại Mexico năm 1979.
([6]) Nhạc Phạm Duy (1921-1013): Những Gì Sẽ Đem Theo Vào Cõi Chết.
([7]) Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. (Kinh Thánh Cựu Ước: Sáng Thế Ký 1:27)
([8]) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nxb Tôn giáo 2010, Số 491-492, tr. 156.
([9]) Ngôn sứ [propheta] là người được sai đi nói thay mặt ai nói chung và thay mặt Thiên Chúa nói riêng trong Thánh Kinh.
([10]) Chữ Messia(h) trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa là ‘Người được xức dầu.’ Nó được dịch sang tiếng Hy Lạp là Christo, từ chữ này mà chúng ta có chữ Kitô (phiên âm tiếng Việt Nam).
([11]) Nhạc Thiện Quang: Chúng Ta Là Nhân Loại (1985).
([12]) http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/cacdoilien/cdl.htm
([13]) http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/tnhtv1.htm#Mardi, 8 Juin 1926.
([14]) Thánh giáo của Đức Chí Tôn ngày 24-4-1926.
([15]) Thánh giáo của Đức Chí Tôn ngày 03-01-1927.
([16]) Thánh giáo của Đức Chí Tôn ngày 27-10-1926.
http://vietngu.caodai.net/index.php/thong-linh-hc/179-tiu-s-allan-kardec...
([17]) Thánh giáo của Đức Chí Tôn ngày 11-01-1930.
([18]) Tôn chỉ của đạo Cao Đài là “Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhất”.
([19]) Lời thuyết đạo của Phạm Hộ Pháp tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 28-11-1938.
http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/bdvcdhp.htm
([20]) Hội Đồng Tinh Thần Tôn Giáo Baha’i Việt Nam, Tôn Giáo Baha’i Giới Thiệu Tổng Quát. Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 6.
([21]) Sách đã dẫn, tr. 2.
([22]) Sách đã dẫn, tr. 66.
([23]) Sách đã dẫn, tr. 16.
([24]) Sách đã dẫn, tr. 10-11.
([25]) Công Vụ Tông Ðồ 10:35.
([26]) Thư 1 Gửi Tín Hữu Côrintô 11:25.
([27]) Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 9a.
([28]) Hiến Chế Mục Vụ, số 77.
([29]) Hiến Chế Mục Vụ, số 78.