Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CÓ MỘT TÌNH THƯƠNG 7/8

 
Mấy công trình còn lưu lại của tiền bối Cao Sĩ Tấn
Mấy công trình lưu lại
Tiền bối Cao Sĩ Tấn có một số tư tưởng mà nếu nói rằng đi trước thời đại của tiền bối thì trộm nghĩ chắc cũng không quá lời. Sau đây là vài thí dụ:
Tiền bối tổ chức cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Liên Hoa Đàn vào năm 1952. Nhưng lúc đó tiền bối hành động trong khung cảnh lẻ loi, không được xã hội đương thời hay báo chí yểm trợ, và cũng không có sự hậu thuẩn của các tôn giáo.
Tiền bối đã xuất bản Hột Giống Lành (1956) để truyền bá kế hoạch sanh con hay không sanh theo ý muốn, và chủ trương phải sanh đẻ có kế hoạch thì quốc gia mới thi hành được những kế sách nhằm nâng cao dân trí, dân đức và dân sanh. Sáng kiến này đưa ra quá sớm so với thời đại bấy giờ, chánh quyền trong nước không chủ trương hạn chế sanh đẻ để kiểm soát bùng nổ dân số, còn người dân thì vẫn quen với quan niệm “Trời sanh voi, sanh cỏ” nên không quản ngại sanh nhiều con dù cảnh nhà rất thiếu hụt. Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20, trước vấn nạn dân số bùng nổ và nguy cơ lương thực toàn cầu thiếu hụt, Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo thế giới thực thi kế hoạch hóa gia đình để kiểm soát sanh đẻ, và nhiều nước trong đó có Việt Nam đã hưởng ứng, xem đây là một phần của quốc sách. Điều này cho thấy tiền bối Cao Sĩ Tấn quả đã suy nghĩ sâu xa, có tư tưởng tiến bộ xã hội.
Những dịp Tết, tiền bối hoàn toàn không tán thành tục đốt pháo, tốn tiền lãng phí. Hơn thế, khói thuốc pháo gây ô nhiễm môi trường, pháo nổ còn dễ gây ra tai nạn, thương tích nguy hiểm... Mỗi độ xuân về, Tết đến tiền bối đều than phiền về hủ tục đốt pháo. Tiền bối thường ngao ngán hỏi: “Không biết đến bao giờ dân mình mới thức tỉnh và bỏ được tục đốt pháo?!” Mãi tới ngày 1 tháng 1 năm 1995 Việt Nam mới có chỉ thị số 406 (do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành) nghiêm cấm sản xuất, chuyên chở, mua bán và đốt pháo. Điều mơ ước của tiền bối thuở bình sinh phải đợi tới cuối thế kỷ 20 người dân mới được hưởng.
Tiền bối có soạn bộ sách Pháp Vô Úy Thí (Phép Vệ Sanh Tiết Thực) gồm ba quyển,([1]) để hướng dẫn con người sống điều độ thuận theo nguyên lý thiên nhiên, biết tiết dục trong đời sống từ tinh thần cho tới vật chất. Tiền bối chủ trương rằng để nuôi sống cơ thể thì chỉ cần tinh bột, chất béo, chất ngọt, muối và thở đủ thanh khí của trời. Các thức không tốt cho sức khỏe là thịt, cá, rượu, cà phê, thuốc lá… Nếu ăn nhiều thịt cá là đem vào cơ thể nhiều độc tố chớ không hẳn là chất bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng.
Năm 1951 tiền bối Phan Thanh có biết một cô người Pháp ăn chay theo sự chỉ dẫn của Thông Thiên Học. Cô ấy ký hợp đồng với một hãng buôn của người Pháp từ bên Pháp trước khi sang Việt Nam làm việc. Được một thời gian thì người chủ có ý bắt cô phải thôi việc với lý do là ăn chay không đủ sức khỏe để phụ trách công việc… Cô phản đối thì chủ yêu cầu cô phải có giấy chứng nhận của bác sĩ là đủ sức khỏe mới được tiếp tục công việc.
Cô ấy đi hầu như khắp Sài Gòn nhưng không một bác sĩ người Pháp nào chịu giúp cô. Tình cờ cô thổ lộ sự việc với tiền bối Phan Thanh và tiền bối liền giới thiệu cô đến bác sĩ Cao Sĩ Tấn. Dĩ nhiên cô dễ dàng có được giấy chứng nhận và cô tiếp tục làm việc cho đến khi dứt hợp đồng.
Thời ấy các đồng nghiệp bất bình, chỉ trích tiền bối Cao Sĩ Tấn cấp giấy chứng nhận phản khoa học, vì y học thế giới đều công nhận để nuôi sự sống cơ thể phải cần có nhiều prô-tê-in (tức là chất đạm) có trong thịt cá. Nhưng y học ngày nay đã thay đổi quan niệm, cho thấy con người có thể thay thế chất đạm có trong động vật bằng chất đạm có trong thực vật. Ở châu Âu ngày nay nhiều người tuy không tôn giáo nhưng lại chủ trương ăn chay hoặc vì lý do dưỡng sinh hay vì chủ trương bảo vệ động vật và bảo vệ môi trường.
Ông ngoại của tiền bối là người Pháp nên tiền bối mang quốc tịch Pháp.([2]) Tuy nhiên tiền bối là người nặng tình dân tộc. Sau khi học thành tài ở Paris tiền bối trở về Việt Nam để đem nghề y ra cứu giúp dân nghèo. Khoảng năm 1960 (thời chánh phủ Ngô Đình Diệm), tiền bối nộp đơn xin hồi Việt tịch.
Thuở ấy có một số người chịu tốn kém nhiều tiền bạc để chạy vạy xin nhập Pháp tịch ngõ hầu được hưởng quy chế ngoại kiều nhằm né tránh những phiền phức về mặt an ninh trong xã hội đang có nhiều bất ổn. Việc làm của tiền bối quả là “ngược đời” và khó hiểu. Có lẽ vì thế mà đơn xin hồi Việt tịch của tiền bối bị “ngâm” suốt nhiều năm kể từ chế độ Ngô Đình Diệm (1955-1963). Khi bạn đạo của tiền bối là tiền bối Phan Khắc Sửu ([3]) làm quốc trưởng ở miền Nam (1964-1965) thì đơn ấy vẫn không được giải quyết. Mãi cho tới chính phủ Nguyễn Văn Thiệu (1965-1975) nguyện vọng của tiền bối Cao Sĩ Tấn mới được thỏa mãn.
Tiền bối rất thích nghiên cứu và học hỏi các nền văn minh, văn hóa Á Đông. Mỗi tuần tiền bối đều có mặt thường xuyên tại chùa Tam Tông Miếu để học hỏi Kinh Dịch. Ở nhà thì nghiên cứu Đạo Đức Kinh qua các bản dịch tiếng Việt, tiếng Pháp. Học Tây y nhưng tiền bối quan tâm nghiên cứu Đông y. Trong lúc đang nghiên cứu bộ sách Thái Tố Mạch (hai quyển) để phối hợp Đông y với Tây y thì tiền bối ngọa bịnh rồi quy thiên, bản thảo đành dang dở.
Trong việc học hỏi giáo lý, tiền bối rất siêng viết các câu, đoạn cần suy gẫm ra các mẩu giấy nhỏ (kiểu làm phiếu của giới nghiên cứu), viết nắn nót bằng hai thứ mực xanh, mực đỏ. Trong tủ sách của tiền bối đến nay vẫn còn lưu lại khá nhiều ghi chép cẩn thận như thế.([4])
Tiền bối sưu tập và chọn lọc những bài giáo lý tâm đắc rồi và in thành bộ Chơn Lý Hiệp Tuyển, gồm bốn tập. Nội dung gồm các thánh ngôn, thánh giáo dạy về bổn phận làm người (như tam cang, ngũ thường của nam giới; tam tòng, tứ đức cho phái nữ, v.v…); hoặc hướng dẫn con người tu học, hành thiện, bố thí, xây dựng đoàn thể sống đạo, tìm hành trình trở về nguồn cội (Đạo) và tu giải thoát. Bộ này ấn hành theo giấy phép số 195-TXB ngày 25-3-1954. Đến năm 1963 tiền bối in lại (quay ronéo), khổ 20x26cm.([5])
Như đã nhắc ở trên (trang 44), nhân lễ Vu Lan hàng năm ở Cần Thơ, tiền bối có soạn quyển Tam Nguơn Siêu Độ gồm các bài kinh tụng những khi siêu độ cửu huyền thất tổ và chiến sĩ trận vong. Trong các ấn bản đã lưu hành, còn thấy một quyển quay ronéo, khổ khổ 20x26cm, dày 176 trang, ấn tống do giấy phép số 470/TXB ngày 17-7-1952.
Khi quy thiên, tiền bối còn để lại một di cảo viết tay nhan đề Học Đạo, Đạo Học, nội dung rất phong phú, giảng giải nhiều vấn đề căn bản về giáo lý. Dưỡng nữ Huỳnh Thị Tín đã cho gõ vi tính thành hai tập khổ A5, tập 1 dày 234 trang, tập 2 dày 190 trang.
Điểm qua các công trình biên soạn của tiền bối, người sau thấy rằng tiền bối là một trí thức rất tâm huyết trong việc truyền đạo, hoằng pháp bằng phương tiện kinh sách. Âu đó cũng là tấm gương cho đàn hậu tấn Kỳ Ba.
BẠCH LIÊN HOA




([1]) Quyển thứ hai do Liên Hoa Đàn và Ngọc Ánh Liên Đàn xuất bản (18,5x25cm), dày 372 trang, giấy phép số 674 BTT/NHK/PHNT ngày 21-02-1969.
([2]) Bà ngoại là Tô Thị Hạnh, con một vị quan triều Nguyễn, người đất Đồng Nai. Khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, hoàn cảnh lịch sử đã khiến khách hồng nhan phải chung sống với một sĩ quan Pháp.
([3]) Là người đạo Cao Đài (thánh danh Huỳnh Đức), tiền bối Phan Khắc Sửu sinh ngày 09-01-1905, trong một gia đình điền chủ tại tỉnh Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư canh nông tại Paris (Pháp), về nước làm chánh sự vụ Sở Nghiên Cứu Kinh Tế và Kỹ Thuật tại Nam Kỳ (từ 1930). Thời Toàn Quyền Decoux (1940-1945) vì đề xướng phong trào Cách Mạng Thống Nhất Dân An Nam nên bị bắt và lãnh án tám năm khổ sai tại nhà tù Côn Đảo (từ 1940). Sau khi được thả về Sài Gòn (1945), ra báo Dân Quý rồi làm Thứ Trưởng Bộ Canh Nông, Lao Động và Hành Động Xã Hội trong chánh phủ Bảo Đại. Thời Ngô Đình Diệm, làm Bộ Trưởng Canh Nông ít lâu thì từ chức. Đắc cử dân biểu (1959) rồi gia nhập Mặt Trận Đại Đoàn Kết Quốc Dân cùng với Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, 1905-1963). Vì đối lập với chính phủ Ngô Đình Diệm nên bị bắt và lãnh án tám năm tù. Sau cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963 được mời làm quốc trưởng vài tháng thì rút lui (1964-1965). Đắc cử dân biểu Quốc Hội (1966) và được bầu làm Chủ Tịch Quốc Hội. Rút lui khỏi chính trường từ 1967. Quy thiên ngày 24-5-1970, quả vị Nguyệt Đức Thiên Tiên.
([4]) Xem một phiếu ghi chép của tiền bối ở Phụ bản, trang 78.
([5]) Tập 1 dày 208 trang, gồm 200 bài thánh giáo. Tập 2 dày 206 trang, gồm 197 bài thánh giáo. Tập 3 dày 206 trang, gồm 193 bài thánh giáo. Tập 4 dày 206 trang, gồm 198 bài thánh giáo.