Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ PHỤC SINH 3/10


1.   Quan niệm của người đạo Cao Đài
về Thượng Đế
Thanh Căn: Trước khi trao đổi về những chủ điểm chính, tôi xin bày tỏ chút cảm tưởng về cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng quý Linh Mục, quý Nữ Tu Học Viện Liên Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres và quý Học Viên lớp Thực Hành Đối Thoại Liên Tôn.
Trong bầu khí ấm áp chan chứa tình cảm liên tôn như thế này, khiến tôi nhớ lại thuở nhỏ ở một vùng quê hơn năm mươi năm về trước. Nói theo cách nói bây giờ là tôi đã sống trong một gia đình liên tôn. Ông nội tôi Cao Đài, bà nội tôi Công Giáo, ba tôi Hòa Hảo, còn tôi lúc bấy giờ thì lưng chừng giữa ba “dòng nước”.([1])
Tôi học trường sơ cấp của nhà thờ An Thái Trung (quận Cái Bè, tỉnh Định Tường, nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Mỗi buổi học đều bắt đầu đọc kinh Kính Mừng và kết thúc buổi học bằng bài hát: “Hỡi Maria, xin Mẹ nhận lấy tấm thân xác hồn con đến hiến dâng…
Mỗi sáng Chúa Nhật, cả lớp đều đến nhà thờ, quỳ gối dưới hàng ghế và nguyện kinh cùng người lớn. Một hai lần đầu cầm bổn đọc còn chậm, sau quen dần, đọc được nhanh hơn. Cảm động nhứt là lúc ông Tư (thầy dòng) hướng dẫn bọn trẻ cầu nguyện: “Các con hãy yên lặng trong năm phút để cầu nguyện Chúa ban ơn cho cha mẹ các con Lúc đó, nhìn lên tượng Chúa Giêsu trên thập giá và hình Đức Mẹ Maria hiền từ, tôi rơi nước mắt và lầm thầm cầu nguyện: “Xin Chúa lòng lành và Đức Mẹ đồng trinh ban ơn cho ba má con luôn mạnh khỏe, không già chết, để sống hoài với con…”
Năm mười hai tuổi tôi được làm lễ tắm thánh tại chùa Cao Đài, xem như đã nhập môn vào Đạo. Đêm nào cũng ngủ tại thánh tịnh để tụng kinh, nhưng sáng Chúa Nhật vẫn đi nhà thờ nguyện kinh vì còn đang học chữ bên đó.
Năm mười sáu, mười bảy tuổi, tuy hành đạo tại thánh tịnh Minh Đức (Mỹ Tho), nhưng những dịp cuối năm, tôi thường đến trường Lasan Mỹ Tho cùng với các bạn nơi đó làm giai phẩm xuân.
Năm hai mươi tuổi lên Sài Gòn hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam,([2]) được Linh Mục Lương Kim Định (1915-1977) gọi lên Đắc Lộ (Bảy Hiền) để nghe Ngài nói chuyện về tôn giáo, về triết lý an vi, về văn hóa dân tộc... Có điều là đến nơi nào của Công Giáo cũng vậy, tôi luôn mặc đạo phục màu trắng Cao Đài, nhưng mọi người nơi đó đều không lấy làm lạ, lại tỏ ra rất thân thiện. Và mãi đến hôm nay, cái duyên ấy vẫn chưa dứt.
Bây giờ xin trở lại chủ điểm thứ nhất: Quan niệm của người đạo Cao Đài về Thượng Đế.
Khởi đầu bài kinh xưng tụng Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là hai câu: Đại La Thiên Đế / Thái Cực Thánh Hoàng.([3])
Đại La (tấm lưới lớn) ý nói luật Trời chi phối trùm hết vũ trụ càn khôn, chẳng có điều gì lọt qua lưới Trời. Người xưa có câu: Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng để sót.([4]) Đại La ngụ ý nói đến Thượng Đế vô ngã.
Thiên Đế (Vua Trời) ngụ ý nói đến Thượng Đế hữu ngã.
Thái Cực là âm dương hóa sanh vũ trụ vạn vật. Thái Cực là Thượng Đế vô ngã.
Thánh Hoàng (Vua Thánh) ngụ ý nói đến Thượng Đế hữu ngã.
Vậy, khi xưng tụng Thượng Đế là Đại La Thiên Đế / Thái Cực Thánh Hoàng thì người đạo Cao Đài đã quan niệm Thượng Đế vừa là Đấng hữu ngã vừa là Đấng vô ngã, giống như triết học phương Tây quan niệm là un Dieu à la fois personnel et impersonnel.
Khi nhìn Thượng Đế là Đấng vô ngã thì Ngài là luật tắc chi phối toàn vũ trụ. Ngài là Đạo.
Khi nhìn Thượng Đế là Đấng hữu ngã thì Ngài là Đại Từ Phụ (ông cha rất hiền), cũng là Tình Thương. Đức Chí Tôn dạy:
“Thầy là cha của sự thương yêu. Do bởi sự thương yêu mới tạo thành càn khôn thế giới, và sanh sản các con.
(…)
Sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giới. Bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, càn khôn an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau. Không thù nghịch lẫn nhau mới không tàn hại lẫn nhau. Không tàn hại nhau mới giữ bền cơ sanh hóa.
Kẻ nghịch của cơ sanh hóa là quỷ vương, là tay diệt hóa. Cũng như có sống của Thầy ắt có chết của quỷ vương. Quỷ vương giục sự ghét mà tàn hại các con. Vì ghét nhau mà vạn loại mới khi nhau. Vì ghét nhau mà vạn loại mới nghịch lẫn nhau. Vì ghét nhau mà vạn loại mới tàn hại lẫn nhau, mà tàn hại lẫn nhau là cơ diệt thế.
Vậy Thầy cấm các con từ đây, ví không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng phép ghét nhau, nghe à!” ([5])
*
Huệ Khải: Tiếp lời hiền huynh Thanh Căn về quan niệm Thượng Đế là Tình Thương, xin dẫn lại đây một thánh ngôn khác của Đức Chí Tôn:
“Thầy không đòi hỏi các con phải làm những gì đem lại riêng tư cho Thầy. Thầy luôn luôn dạy các con phải thực hành đạo lý cho các con cái của Thầy. Nghĩa là phải giác ngộ cho nhau, thương yêu dạy dỗ, đùm bọc cho nhau, bảo tồn cho nhau để cùng nhau được sống trong cảnh thái hòa, cùng hưởng hạnh phúc với nhau mãi mãi. Chớ không được thù hằn ganh tỵ, ghen ghét hại nhau rồi tự diệt nhau, vì các con là một trong vạn vật chúng sinh mà vạn vật chúng sinh là bản thể của Đạo, mà bản thể của Đạo tức là bản thể của Thầy.
Các con có thương nhau tức là các con đã thương Thầy. Nếu các con ghét nhau, chính là các con ghét Thầy. Mà Thầy có bao giờ làm gì đến nỗi để các con ghét Thầy, có phải vậy không các con?
Thầy đã nói:
Thương nhau khác thể thương Thầy
Ghét nhau khác thể ghét Thầy sao nên.
Các con ơi!
Thương nhau, tặng vật hiến dâng Thầy…([6])
Người đạo Cao Đài gọi Thượng Đế là Thầy. Thầy nghĩa là người dạy dỗ mình, là Giáo Chủ của mình. Nhưng Thầy còn có nghĩa là Cha. Ở nhiều địa phương, người Việt gọi hai đấng sinh thành là thầy mẹ.
Cha mẹ thế gian cho ta xác thịt; Thượng Đế là Cha linh hồn cho ta sự sống, sự sống trần gian và sự sống vĩnh hằng sau khi lìa khỏi thế gian. Mỗi lần luân hồi (đầu thai) làm người ở thế gian chúng ta có một cha mẹ mới, nhưng muôn kiếp vẫn chỉ có một Cha Trời duy nhất.
Trở lại với ý nghĩa Thượng Đế là Thầy giáo hóa cho mình, người đạo Cao Đài hiểu rằng ông Thầy Trời của mình hôm nay chính là ông Thầy, là Giáo Chủ của nhiều tôn giáo khác.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển 1), Đức Chí Tôn nhiều lần dạy rằng Ngài dạy đạo cứu đời với nhiều tên gọi khác nhau. Thí dụ:
1. Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã; Thích Ca Mâu Ni thị Ngã; Thái Thượng, Nguơn Thỉ thị Ngã, kim viết Cao Ðài.([7])
Nghĩa: Nhiên Ðăng Cổ Phật là Ta; Thích Ca Mâu Ni là Ta; Thái Thượng và Nguơn Thỉ là Ta, nay gọi là Cao Ðài.
Nhiên Đăng (Dipankara) là vị Phật thời Nhất Kỳ Phổ Độ. Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) là vị Phật thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Thái Thượng Đạo Quân và Nguơn Thỉ Thiên Tôn là hai vị Tổ của đạo Tiên thời Nhất Kỳ Phổ Độ.
2. Thích Ca Như Lai kim viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát.([8])
Nghĩa: Thích Ca Như Lai nay gọi là Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát.
3. Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo đạo Nam Phương.([9])
Nghĩa: Thích Ca Mâu Ni Phật mượn tên là Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát dạy đạo phương Nam.
4. Thích Ca Mâu Ni Phật viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát chuyển Phật Giáo Nam Phương.([10])
Nghĩa: Thích Ca Mâu Ni Phật gọi là Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát chuyển Phật Giáo phương Nam.
Tại Thiên Lý Đàn,([11]) ngày 30-12 Giáp Thìn (01-02-1965), một môn đệ ([12]) xin Đức Chí Tôn minh giải vấn đề danh xưng, tên tuổi, và được Thầy dạy như sau:
Tự con nhận hiểu đủ rồi
Tên nào cũng phải, ngược xuôi làm gì
Tu đi con hãy tu đi
Tên nào cũng được ngại chi con hiền
Hiểu rằng nghiệp quả trần duyên
Tên là cái giả triền miên muôn đời
Xuống lên lên xuống luân hồi
Đến tên Ngọc Đế mấy hồi đổi thay
Khi xưng Giáo Chủ Cao Đài
Khi xưng Thiên Chúa, khi khai Di Đà ([13])
Lắm hồi Bồ Tát Ma Ha ([14])
Bao lần Khổng, Mạnh ([15]) cũng Già ([16]) này đây
Khuyên con an dạ từ rày
Nghiệm suy cho hiểu lời Thầy định phân.
Do tin tưởng Thượng Đế Cao Đài cũng là các Đấng Giáo Chủ của các tôn giáo hoàn cầu nên người đạo Cao Đài đương nhiên và tự nhiên có tình cảm liên tôn, hòa đồng tôn giáo, thành kính đối với Giáo Chủ các tôn giáo bạn.
Trong thánh giáo tại Thiên Lý Đàn (Hòa Hưng) nói trên, Đức Chí Tôn dạy:
Khi xưng Giáo Chủ Cao Đài
Khi xưng Thiên Chúa, khi khai Di Đà.
Cao Đài cũng là Phật A Di Đà, chi tiết này nhắc tới một giai thoại về cụ Mai Thọ Truyền (1905-1973), Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt. Cụ Mai không tin cơ bút Cao Đài, nên nhờ một bạn thân là chức sắc Cao Đài đưa tới hầu đàn với thâm ý muốn thử cơ bút. Trước khi đến đó, ở nhà cụ làm sẵn một phong thư niêm kín và giấu trong áo.
Đàn hôm ấy Đức Chí Tôn giáng dạy. Khi Ngài sắp thăng, cụ Mai quỳ lên “đố” Ngài nói được trong phong thư niêm kín đã viết chữ gì. Ngọn cơ bèn viết thoăn thoắt, trả lời: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.”
Cụ Mai bèn nói lớn: “Trật!”
Đức Chí Tôn bảo cụ mở phong thư đọc to cho cả đàn cùng nghe. Thì ra cụ viết: Nam mô A Di Đà Phật.”
Bấy giờ Đức Chí Tôn bảo cụ Mai đếm: Nam mô A Di Đà Phật gồm sáu chữ; Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát gồm mười hai chữ. Sáu biến thành mười hai, mười hai nguyên là sáu; A Di Đà là Cao Đài, Cao Đài là A Di Đà. Cụ Mai toát mồ hôi, bèn lạy tạ lỗi.([17])





([1]) Kinh cúng tứ thời (sáng, trưa, chiều, khuya) hàng ngày của người đạo Cao Đài có câu Đạo pháp trường lưu… 道法長流, hàm ngụ ý nghĩa đạo lý mà các tôn giáo truyền bá, thực thi trong đời giống như dòng nước chảy dài, bất tận.
([2]) Nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, số 171B Cống Quỳnh, quận 1, TpHCM.
([3]) 大羅天帝, 太極聖皇.
([4]) 天網恢恢疏而不失. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất.
([5]) Thanh Căn, Ba Món Báu Của Người Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 60. Quyển 21-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([6]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 229-230.
([7]) Vĩnh Nguyên Tự, Cần Giuộc, 07-4-1926.
([8]) Hi Phước T, Cn Giuc, 05-6-1926.
([9]) Phước Linh T, 24-12-1926.
([10]) Chùa Giác Hải, Sài Gòn, 21-9-1926.
([11]) Đàn này ngày nay không còn. Khi xưa Thiên Lý Đàn đặt tại nhà riêng tiền bối Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn (thế danh Tạ Đăng Khoa, 1904-1973), trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), Hòa Hưng, quận 3, TpHCM.
([12]) Tiền bối Địa Châu, thế danh Nguyễn Văn Trương, nguyên hiệu trưởng trường trung học Petrus Ký ở Sài Gòn (nhiệm kỳ 1958-1960), là Hiệp Lý Minh Đạo đầu tiên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam.
([13]) Phật A Di Đà (Amitābha).
([14]) Trong Tam Kỳ Phổ Độ, hồng danh của Đức Thượng Đế là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
([15]) Khổng Tử và Mạnh Tử.
([16]) Văn học Việt Nam còn gọi Thượng Đế là Trời Già. Thí dụ, Nguyễn Du viết: Tức gan riêng giận Trời Già. (Kiều)
([17]) Theo lời kể của tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế (1902-1980), đắc quả vị Quảng Đức Chơn Tiên.