Ngoại tập: NGÔ TIỀN BỐI Ở HÀ TIÊN
HUỆ KHẢI
Sau khi rời Mỹ Tho lên Sài Gòn học ở collège
Chasseloup-Laubat,([1]) vào năm
hai mươi mốt tuổi, tiền bối Ngô Văn Chiêu (1878-1932) đậu bằng thành chung (diplôme
d’études primaires supérieures). Từ đấy tiền bối bắt đầu quãng đời công
chức (1899-1931) với nghề thơ ký tại Sở Tân Đáo ở Sài Gòn (từ 23-3-1899).([2]) Kế tiếp, tiền bối làm thơ ký Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (từ
01-01-1903); rồi thơ ký Tòa Bố tỉnh Tân An (từ 01-5-1909).([3])
Năm 1917 Ngô tiền bối thi đậu ngạch tri huyện,
được bổ làm chủ quận Tân An. Thân mẫu từ trần (1919); mãn tuần bá nhựt (một
trăm ngày) của thân mẫu (01-3-1920), tiền bối xin chuyển đi làm việc ở tỉnh Hà
Tiên.
Chép về nhân duyên Ngô tiền bối Chiêu đi Hà
Tiên, Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu cho biết: “Đầu năm 1920, buồn vì
mẹ mới tạ thế lại không muốn liên can vào công việc thiếu liêm chánh của vài
bạn đồng liêu nên Ngài quyết định đưa đơn xin đổi đi Hà Tiên.” ([4]) Thế
là: “Vừa làm tuần bá nhựt cho bà thân Ngài xong là được giấy đổi đi Hà
Tiên.” ([5])
Quyển Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu cũng
cho biết rằng trong thời gian tòng sự ở Hà Tiên, Ngô tiền bối đã hiệp cùng với
các ông Đốc Phủ Cao Văn Sự, Lâm Tấn Đức, Nguyễn Thành Diêu và Phán Ngàn cầu cơ.([6])
Sách ấy cho biết, vào đêm trung thu năm 1920,
trong một đàn cơ lập tại nhà ông Lâm Tấn Đức, song đồng ([7]) là ông
Đức và ông Sự, các vị đã tiếp được bài thơ như sau:
Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu
Linh lung vạn hộc thể Quan(g) Diêu
Vô thậm Sự Đức nhiệm ngao du
Quan (hay Quang?) chưa rõ là tên ai.
Diêu, Sự, Đức là các ông Nguyễn Thành Diêu, Đốc Phủ Cao Văn Sự, và
Lâm Tấn Đức.
Mà Lâm Tấn Đức là nhân vật thế nào ở đất Hà
Tiên?
Cháu dâu họ Lâm là nữ sĩ Mộng Tuyết (nhũ danh Thái
Thị Úc, 1914-2007), tức bà Đông Hồ Lâm Tấn Phác, khi xuất bản bộ sách Núi Mộng
Gương Hồ (ba quyển) có cho biết về họ Lâm như sau:
Tổ
tiên họ Lâm từ tỉnh Phước Kiến (Trung Quốc), có lẽ sang Hà Tiên cùng thời kỳ
với Mạc Cửu 鄚玖 (1655-1736).
Đời ông Lâm Trường Thọ sinh ra ông Lâm Quang Huy. Ông Huy có hai con trai và một gái là:
-
Lâm Tấn Đức (tự Hữu Lân, không con).
-
Lâm Tấn Thoại (cha của Đông Hồ Lâm Tấn Phác).
Trong cùng năm, cách nhau hai tháng, ông Lâm Tấn
Thoại (khoảng ba mươi tuổi) và vợ (nhũ danh là Phụng) qua đời lúc Phác mới lên
ba. Phác cùng hai chị là Lâm Quế Thanh và Lâm Ngọc Anh được ông Lâm Tấn Đức và
vợ là Phan Thị Cạo đem về nuôi.([10])
Ông Lâm Tấn Đức mất ngày 21-6 Giáp Tuất (Thứ Tư,
01-8-1934), sáu mươi tám tuổi. Đông Hồ Lâm Tấn Phác trông nom việc xây mộ cho
bác. Mộ này nằm “ở bên trái khuôn viên ba ngôi mộ ông nội Lâm Quang Huy và
cha mẹ của Đông Hồ” ([11]) Đông
Hồ viết trên mộ bia của bác ruột bốn câu thơ cổ:
Nhứt phiến bạch vân thanh sơn nội
Nhứt phiến bạch vân thanh sơn ngoại
Thanh sơn nội ngoại bạch vân phi
一片白雲青山內
一片白雲青山外
青山內外白雲飛
白雲飛去青山在
(Một mảng mây trắng
trong núi xanh
Một mảng mây trắng ngoài
núi xanh
Trong ngoài núi xanh mây trắng bay
Mây trắng bay đi còn núi xanh.)
Bốn câu này là một bài thơ cổ của Trung Quốc,
không rõ tên tác giả. Hai chữ đầu câu 1 và câu 2 có dị bản là Phiến phiến 片片…
Câu 3 có vài dị bản, chẳng hạn:
Thanh sơn nội ngoại hữu bạch vân 青山內外有白雲 (Trong ngoài núi
xanh có mây trắng).
Thanh sơn nội ngoại giai bạch vân 青山內外皆白雲 (Trong
ngoài núi xanh đều mây trắng)…
Trở lại chuyện ông Hữu Lân Lâm Tấn Đức. Là người
thông minh, văn hay, viết chữ Hán đẹp, tướng bệ vệ, ông được cử làm hương chủ ([13])
trong làng. Dân chúng Hà Tiên lại tôn ông làm kế hiền (cũng như cố vấn).
Tương truyền một người Pháp mới được chuyển về
làm chủ tỉnh Hà Tiên; y đòi chức việc địa phương đem các sắc phong nơi miếu thờ
Mạc Cửu ra Tòa Bố cho y xem. Ông Hữu Lân bày mẹo, bảo mọi người cứ làm theo
lịnh chủ tỉnh, nhưng các bậc kỳ lão phải mặc áo thụng xanh, sắp đặt nghi thức y
như tổ chức lễ kỳ yên, nghĩa là có đám rước to, thổi kèn đánh trống, mang theo
đủ cả cờ lọng và đồ lỗ bộ.([14])
Sáng hôm ấy, chủ tỉnh đang làm việc thì đoàn
người thỉnh sắc thần ra Tòa Bố cho y xem. Thấy cảnh tượng đó, chủ tỉnh không
dám vô lễ, vội yêu cầu các kỳ lão rước sắc thần trở về đền thờ.([15])
*
Về việc ông Lâm Tấn Đức
thường cùng tiền bối Ngô Văn Chiêu cầu cơ, trong một lần trả lời phỏng vấn của
một nhóm sinh viên Đại Học Văn Khoa (Sài Gòn), Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969)
kể:
“Thầy bắt đầu biết làm thơ cũng có một kỷ niệm.
Biết làm thơ rất sớm. Có một việc họa thơ vui vui còn nhớ. Ông Ngô Minh Chiêu
khi chưa là giáo chủ sáng lập đạo Cao Đài, năm 1919-1920 làm tri huyện ở Hà
Tiên.([16]) Ông thích theo mấy nhà Nho ở Hà Tiên, hầu đàn cầu tiên.
Đàn tiên thường đặt ở nhà bác thầy [Lâm
Tấn Đức].([17])
Ông Chiêu thường đến nhà bác đánh cờ. Thầy nhớ đêm đó là đêm rằm tháng Bảy,
ông Chiêu đến ngồi chơi ngoài sân. Trăng sáng
vằng vặc, thầy đương hầu trà không
hiểu nghĩ sao ông ấy rủ:
- Tao với mầy làm thơ chơi.
Thầy khép nép bẩm:
- Thưa làm thơ gì?
- Làm thơ rằm tháng Bảy. Tao xướng cho mầy họa.
Tao xướng vần “mù” đó, mầy họa đi!
Trong khi trở xuống bếp pha trà, thầy nghĩ ra
bài thơ đem lên trình:
Đêm rằm tháng Bảy giữa canh thâu
Bốn phía trông ra chẳng chút mù
Thế giới một bầu nay tỏ rạng
*
Tính từ lúc đáo nhậm Hà
Tiên (đầu tháng 3-1920) cho đến ngày thuyên chuyển ra quận đảo Phú Quốc
(26-10-1920), tiền bối Ngô Văn Chiêu chỉ tòng sự ở Hà Tiên trong vòng tám
tháng. Thời gian tuy ngắn nhưng đã lưu lại trong gia tộc họ Lâm ở miền đất xa
xôi này một giai thoại văn chương; hơn thế nữa, trong số quyến thuộc họ Lâm còn
có một số người trở thành tín đồ Cao Đài, góp phần vào lịch sử buổi đầu của nền
tôn giáo mới.(*) [19]
HUỆ
KHẢI
Viết
lại, 15-8-2013
([1]) Trường này thành lập ngày 14-11-1874, lần lượt đổi tên là
lycée Chasseloup-Laubat (1928), lycée Jean Jacques Rousseau (1958), và sau cùng
là trường trung học Lê Quý Đôn (từ 1966 cho tới nay).
Để biết rõ thêm cuộc đời
Ngô tiền bối, có thể tham khảo: Huệ Khải, Ngô
Văn Chiêu – Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012.
Quyển 2-3 trong Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Mộ bia ghi tên bà là Lâm Thị Đào Hoa (?-1901). Ông Huỳnh Kim Chung
(?-1939) không có con trai nên chánh thất đi cưới Đào Hoa về làm thứ thất. Ông
Chung tu theo đạo Minh Sư, pháp danh là Huỳnh Đăng Khoa. Ông Chung cất Quan Âm
Phật Đường trên núi Dương Đông (Phú Quốc), và đứng tên chủ quyền đất ấy.
Lúc tiền bối Ngô Văn Chiêu làm chủ quận Phú Quốc thì con rể ông Chung là
Phan Kim Tố làm thơ ký tại quận đường. Vợ ông Tố là bà Huỳnh Thị Kính (con ông
Chung và bà Đào Hoa).
Năm 1960, ông Nguyễn Minh Truyện (đệ tử Chíếu Minh, đàn Long Hoa, quận 1,
Sài Gòn) tìm được nền cũ Quan Âm Phật Đường. Biết ông Truyện muốn xây lại chùa để
bảo tồn di tích nơi phát xuất đạo Cao Đài ở Phú Quốc, ông bà Phan Kim Tố hoan hỷ
làm thủ tục pháp lý để hiến tặng lô đất này. Di tích ấy chính là Cao Đài Hội Thánh
ngày nay.
Bà Lâm Ngọc Anh sinh năm 1901. Chồng bà là Lý Văn Nhơn (1900-1967) từng
dạy vẽ và chữ Nho tại Hà Tiên. Hai ông bà tu theo pháp môn Chiếu Minh.
Theo lời nữ sĩ Mộng Tuyết, ông Nhơn là người đầu tiên vẽ Thiên Nhãn. Năm
1924, rời Phú Quốc về Sài Gòn, Ngô tiền bối lại nhờ ông Phạm Văn Thới vẽ bức
Thiên Nhãn khác.
([13]) Hương chủ: Cũng gọi ông
chủ. Ban hội tề ở làng Nam Kỳ ngày xưa gồm mười hai người (hương chức) là:
hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương
quản, hương bộ (thủ bộ), hương thân, xã trưởng (thôn trưởng), hương hào, và
chánh lục bộ. Hương chủ giữ công nho
(ngân sách làng), hợp cùng hương cả trông coi việc làm của các hương chức khác.
([16]) Đông Hồ đã nhầm lẫn hai lần khi nói: “Ông Ngô Minh Chiêu khi chưa là giáo
chủ sáng lập đạo Cao Đài, năm 1919-1920 làm tri huyện ở Hà
Tiên”.
Nhầm lẫn thứ nhất: Đông Hồ
không biết rằng Giáo Chủ đạo Cao Đài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; còn Ngô tiền
bối là đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông (Thượng Đế).
Nhầm lẫn thứ hai: Ở Nam
Kỳ thời thuộc Pháp, tri huyện (cũng
như tri phủ) là ngạch trật hành chánh, không phải là chức quan như ở Trung Kỳ,
Bắc Kỳ. Do đó, không thể nói như Đông Hồ là Ngô tiền bối “làm tri huyện ở Hà Tiên”.