Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CAO ĐÀI KHÁI YẾU 5/6

CHƯƠNG IV: CON ĐƯỜNG TRUNG NHẤT

I. ĐẠO VÀ TRUNG ĐẠO
1. Đạo
Con người có ý thức, trực giác và lòng thương, hội đủ các điều kiện tiến lần lên khai thác các bí mật tiềm tàng trong vũ trụ. Người xưa nói: “Thế nên con người là đức của trời đất, là chỗ âm dương giao hội, là nơi quỷ thần hội tụ, là khí tốt đẹp của ngũ hành.” ([1]) Nếu không bị câu thúc trong thị dục, không dao động vì ngoại cảnh, không bị tình thức dẫn dắt thì con người rất thanh cao, sáng suốt, linh thông và thuần thiện. Đó chính là do lương tri, lương năng, là tự thể hằng hữu hay bản thể vậy.
Trời đất vạn hữu là sự hiện diện của bản thể, mà bản thể là nguyên động lực hóa sanh, hình thành vạn hữu. Bản thể này là Đạo.
Đạo – một động mà sanh trời sanh đất, sanh người sanh vật; một tịnh mà vạn hữu chúng sanh nương về bản thể thành Phật thành Tiên, thành Thánh thành Hiền. Động tịnh hữu vô là then máy của Đạo, bí quyết của âm dương. Vạn vật nương theo đây mà trường tồn. Trời đất nương theo đây mà hình thành quy luật thiên nhiên, nắm quyền sanh diệt. Con người cũng nương theo đây mà đón nhận lấy tình thương, lẽ thật và sự sống.
Vô Cực, Thái Cực là hai mặt động tịnh của Đạo. Vô Cực thuần tịnh hỗn nhất vô vi. Thái Cực hữu động nên có hai nghi, bốn tượng, tám quái, năm hành, tương khắc tương sanh mà sanh sanh hóa hóa muôn loài vạn vật.
Vạn vật đặt trong luật nhị nguyên âm dương, thiện ác. Có âm dương mới sanh hóa, có thiện ác mới phân định tiến thối, tồn vong. Nhưng Đạo trời đất từ chỗ nhất bổn tán vạn thù, rồi vạn thù quy nhất bổn, biến dịch nằm trong bất dịch. Một ra một vào, một đóng một mở là cơ vi của Đạo. Âm dương là hai mặt động tịnh của một Thái Cực nhất nguyên. Vạn hữu tuy đa đoan phiền tạp, song sinh ra từ một tự thể đơn thuần. Tự thể đơn thuần ấy sanh hóa, điều tiết, dung thông cho vạn hữu, nên gọi là Trung.
2. Trung Đạo
Trung là Đạo lớn của Trời, là nguồn cội của người, là gốc lớn của thiên hạ, chỗ đạt đạo của hiền nhân. Trung đã hóa giải cặp âm dương mâu thuẫn, đổi thể tương khắc thành tương sanh mà bảo tồn dưỡng nuôi tất cả. Đó là Đạo.
Người nắm giữ đức Trung làm cho Thiên nhân tương hội, làm cho như lai tự thể hằng hiện trong mọi xử thế của con người. Đem cái trường tồn vào trong năng biến, đem cái hằng thường vào mọi dị biệt vô thường, hội thông linh thể và vật thể mà lòng người có được sự sống tình thương và lẽ thật. Có linh thể (Thần) mới sống. Có minh triết mới dẹp được mọi huyễn hóa vô thường, tìm ra lẽ thật. Có về với lẽ thật mới thấy được tình thương. Có tình thương mới bảo tồn sự sống. Ở đây Trời người không còn cách xa; Trời người là một. Có Trung mới chấp kỳ lưỡng đoan,([2]) mới vượt lên trên thiện ác, mới vượt ra ngoài đối đãi để thấy nhất nguyên. Có Trung mới quán triệt lẽ Trời và lòng người, mới sống trong thế thái nhơn tình đen bạc mà vẫn giữ được lòng thánh khiết chơn thuần. Trung là lấy tinh thần hội thông đặt trên mọi chi ly phân tách, đặt nhơn (người) vào trong Thiên để Thiên nhơn tương hội.
2.1. Thời pháp Cao Đài với con đường Trung Đạo
Con người sống trong thế gian, trong cõi dục giới này, vì mê luyến thế tình mà đắm chìm sanh tử, cam chịu đau thương khổ lụy, muôn dời nghìn kiếp không nẻo thoát ly. Thế nên các bậc đại giác Thánh Nhân Bồ Tát, rủ lòng từ bi ra ơn cứu độ, nói pháp bình đẳng giải thoát. Nhờ pháp này con người mới từ bỏ lòng mê luyến, đoạn lìa nghiệp thức vô minh, tìm về tự thể bản lai đem mình ra khỏi cảnh vô thường huyễn hóa. Thời pháp ở đây là Trung (Phật Đạo).
Nhưng căn trí chúng sanh đa tạp, sự giác ngộ giải thoát dành cho hàng lợi căn thích hợp. Con đường giải thoát này không dễ trùm bao cả thảy kẻ giác người mê, không dễ dung thông tài thành chở che tất cả. Thế nên Thánh Nhân tùy trình độ căn trí chúng sanh mà tạo thêm phương tiện pháp môn, chỉ dạy con đường tu tâm lập hạnh, giữ thạnh đức ở lòng, gìn trật tự kỷ cương, lấy luân lý nghĩa nhân mà hướng dẫn nhân tâm, an bang tế thế. Thời pháp ở đây cũng là Trung (Thánh Đạo).
Hai thời pháp trên cho chúng ta thấy rõ ràng hai con đường xuất thế và nhập thế; dù bằng cách nào cũng trở về với Đạo, cũng tương thành tương tựu cho nhau, bổ túc cho nhau, hoàn thiện viên mãn song phương, ích đời lợi đạo.
Nhưng chúng sanh đa bệnh, pháp lập tệ sanh, lòng người luôn luôn đam mê chấp trước, thiên lệch đa đoan, rồi nhơn ngã thị phi, lần lần sai lạc điểm trung của hai thời pháp nói trên.
Để bổ túc cho hai thời pháp nói trên Thánh Nhân lại dạy con đường hướng vào vô vi thanh tịnh, hòa nhập thiên nhiên, thần hóa vạn năng, vô tích vô tông, đồng thể với bản lai mà ứng thông vô ngại, để thấy rõ bản thể chơn thường là đạo vô vi. Thời pháp ở đây cũng là Trung (Tiên Đạo).
Ba thời pháp nói trên không đi ngoài quy luật thiên nhiên: Lý, Khí, Hình hay Tinh, Khí, Thần. Đây là luật tam thể. Ba phần này nếu tách rời nhau thì không thể hình thành vạn hữu. Chúng nương nhau, đối đãi nhau mà tồn tại, không thiếu thừa, không thêm bớt. Dù cho các Thánh có bày ra muôn vạn pháp môn cũng từ ba thể này mà biến hóa.
Về tam bảo, đạo Phật dạy Phật, Pháp, Tăng; lấy Pháp bảo làm chỗ Trung để nối liền Phật bảo và Tăng bảo, hình thành cơ giải thoát chúng sanh.
Đạo Tiên dạy: Tinh. Khí, Thần; lấy Khí thể nối liền Thần thể và Vật thể, tạo nên sự sống vạn hữu.
Đạo Nho dạy: Thiên Địa Nhơn; lấy con người làm trung điểm giữa trời đất vạn vật. Sự nối liền giữa trời đất và vạn hữu là pháp, là khí mà cũng là con người. Vì con người là cái đức của trời đất, chỗ giao hội của âm dương, nơi hội tụ của quỷ thần nên ở con người có đủ sự sống tình thương và lẽ thật, có đủ điều kiện thông giao trên dưới trong ngoài. Sự thông giao ấy là nguồn sống của tâm, là tiềm năng tự tánh, là hạnh thánh khiết, là đức tin nối liền cùng ân điển. Vì thế, Ki Tô Giáo (thuộc về Thánh Đạo) đến với chúng sanh làm nhịp cầu ân điển thông giao cùng trời đất; thời pháp ở đây cũng là Trung.
Tuy vậy, sau các thời pháp thạnh hành, sự tinh túy chân thuần của các thời pháp lần lần biến thể, bị thế tục hóa nên mất đi hiệu năng cải tạo thế gian. Trong thực trạng này, con người ngày càng sa đọa, suy bại. Bị tà loạn lộng hành, bị thế quyền và lợi danh cám dỗ, con người chuộng lý trí hơn là lương năng. Con người tự chối bỏ chính mình, chối bỏ thần thể lương năng nơi mình, chối bỏ tình thương và đức tin, chối bỏ Thượng Đế để đi vào cạnh tranh thù hận, gây tội lỗi trong cảnh tương sát tương tàn.
Ngày nay lý trí con người phát triển cực độ, khoa học vật chất chi phối toàn diện cuộc sống. Sự mất cân bằng về lẽ sống tâm linh đã làm đảo lộn tất cả thời pháp. Bây giờ cần phát huy về khoa học tâm linh, giúp con người làm sáng lại linh năng trực giác đang bị che mờ, để con người giao cảm ứng thông cùng Thần thể.
Triển khai thời pháp này, hiện nay Cao Đài Giáo dùng phương tiện cơ bút giúp con người thông công cùng các Đấng thiêng liêng, để chuyển hóa chúng sanh, mở Tam Kỳ Phổ Độ. Cao Đài Giáo đã làm cho Thượng Đế, chư Phật Tiên, Thánh Thần và con người trực tiếp gặp nhau. Con người thông giao cảm cách hòa nhịp cùng Thượng Đế, Thần thể, sự sống hằng hữu của mình. Thượng Đế con người không còn xa lạ, cách bức, chứng nghiệm lời tiên tri trong Nhị Kỳ Phổ Độ: “Thần lẽ thật sẽ đến đem con người vào mọi lẽ thật.” (Gioan 16:13).
Cùng trong lẽ đó, Cao Đài Giáo đã nêu rõ đường lối Thiên nhân hiệp nhất, tâm vật bình hành.
Thiên nhân, tâm vật có phải là lưỡng đoan chăng? Thiên nhân hợp nhất, tâm vật bình hành có phải là chấp kỳ lưỡng đoan dụng kỳ trung ([3]) chăng? Đạo lý từ nghìn xưa đã chỉ cho điều ấy, đã bảo phải như vậy, không đi lệch ra ngoài được. Vật thể lìa Thần thể thì sự sống không còn. Thiên nhân xa trái, nghịch thù làm sao bảo tồn cơ sanh hóa và phát huy sự sống tình thương và lẽ thật? Làm sao trở về cùng bản thể chơn thường thiên địa vạn vật nhất thể? Thời pháp ở đây cũng là Trung.
Từ nền tảng này, từ sự sống lại lẽ sống của con người về cùng bản thể, giữa con người và vạn vật. Nói như Ki Tô Giáo, thì Thánh linh ([4]) đã trở nên nhịp thở của vạn hữu, sức sống của con người, đúng như lời Thánh Phaolô: “Văn tự làm cho chết, Thánh linh làm cho sống.” (II Côrintô 3:6)
Giữa lúc xu thế con người nặng về lý trí, Thánh linh – sự sống thần thể trong con người cần thiết và làm sáng tỏ hơn bao giờ hết. Ân điển Thánh linh vượt lên lý trí. Lý trí thì mò mẫm từng bước theo kinh nghiệm, không bao giờ vượt lên khỏi hiện tượng, nghĩa là mò mẫm trong mọi chiều kích của hiện tượng. Thánh linh thì mẫn tiệp như ánh sáng, nó là sự sống của tâm linh trực giác. Lý trí là những ý niệm phân biệt, thâu nhận từ những giác quan như tai, mắt, v.v... là những cơ quan lệ thuộc sự điều khiển của não bộ, tức lệ thuộc vật chất nên rất hạn cục. Con người nuôi dưỡng bằng cái bé nhỏ này sẽ dễ đánh mất tâm linh, đánh mất mình (vong thân). Lý trí được truyền đời lâu dài, là nhu cầu cần thiết cho đời sống con người, nhưng sẽ dễ dàng đánh lừa, để rồi con người tự giam mình trong doanh trại của nó. Ở trong đó con người sẽ chẳng bao giờ tìm gặp được tâm linh, trực giác, tự tánh của mình.
Lý trí là cái biết của thức. Thường tình khi suy nghĩ, tính toán một việc gì, ta đinh ninh đó là tâm, nhưng có biết đâu tâm ấy đã bị thức án che, mê hoặc. Đó là cái biết từ sáu cơ quan cảm thụ của con người (lục căn: mắt, tai, mũi, luỡi, thân, ý). Từ đó tâm chơn như không hiện mà thức tâm đương quyền, nhất là dưới sự điều khiển của ý thức, rồi sinh mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, thị phi, nhân ngã đa đoan. Vì sự lẫn lộn giữa chơn tâm và tình thức, nên con người khi Phật khi ma, lúc say hồi tỉnh, đảo lộn luân lưu trong vòng tội lỗi, nào ai biết đi vào vòng công phu thanh tịnh, nương điển hệ Thánh linh, gạn lọc tình thức vô minh, xa lìa lý trí, giữ vẹn chơn tâm mà làm người hiền nhân quân tử. Cao Đài Giáo đặt nền tảng con người phải trở lại với chơn tâm, tiếp nguồn ân điển Thánh linh, thông công cùng Thượng Đế.
Xưa nay người tu cũng nhiều, hiểu lý đạo cũng cao, nhưng bằng lý thuyết, nên không mấy người chứng đắc đạo quả, vì lý thuyết không làm sống sự sống của tâm linh, mà phải là ân điển. Sống trong ân điển là đồng nhất cùng Đạo, là trở về với sự sống hằng thường. Sự trở về ấy gọi là phục sinh tái tạo. Cao Đài Giáo lấy sự phục sinh tái tạo này chuyển lập nguơn thánh đức, xây dựng trời đất mới, vạn vật mới, làm sống lại các thời pháp đã qua, đem tất cả về một. Con đường xuất thế – nhập thế, dung thông và sáng tỏ huy hoàng gọi là Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhất, vạn giáo nhất lý, tâm vật bình hành. Thời pháp Cao Đài đã bổ thiên cứu tệ,([5]) khai thông mọi bế tắc, ánh Đạo như vầng dương tỏ rạng, ngời sáng như buổi bình minh xua tan bóng tối.
Thuở trước, con người gần gũi thiên nhiên, tâm hồn chất phác, sức sống dồi dào, chơn tâm sáng tỏ, thuận cơ mầu nhiệm đất trời. Thánh Nhân nương đây khải giáo, truyền thụ thánh ân, làm cho cuộc sống an vui thái bình.
Ngày nay, con người sống trong một xã hội xô bồ, lao mình theo vòng quay của văn minh cơ giới theo lối sống của những kẻ tự cho là có “lý trí”, nên càng ngày càng xa lối sống hồn nhiên thanh cao cố hữu, dẫn mình vào hố thẳm diệt vong. Muốn cứu lấy sự sống của mình, con người phải phục hồi đời sống tâm linh, trở về với Đạo, nương vào sức giao cảm cùng ân điển Thánh linh, làm cho cơ cứu chuộc được hình thành, chân truyền chánh giáo, Đạo lớn của đất trời mới thị hiện.
Thời pháp ấy cũng đã được xác lập báo trước qua các đấng tiên tri trước khi Thượng Đế đến mở đạo Cao Đài. Đây là thời kỳ chính đấng Tạo Hóa đến bằng ân điển, quy tụ các chuồng chiên, đem tất cả con chiên về một ơn lành cứu rỗi. Đây là thời kỳ Ngôi Hai tái thế, chủ tọa hội công đồng chư Phật Tiên Thánh Thần, quy tụ các dân tộc trên mặt địa cầu lập Thế Đạo đại đồng song hành với Thiên Đạo giải thoát, xây dựng một nền Đạo học uyên nguyên, một nền khoa học đạo đức. Đó là thời pháp Cao Đài (Tam Kỳ Phổ Độ) trung dung nhất quán.
2.2. Người Cao Đài với con đường Trung Đạo
Từ xưa tới nay có hai đường lối thi hành Đạo lớn của trời đất là Nhơn Đạo và Thiên Đạo, tức là phần cư xử ở thế gian và phần tìm về bản thể chơn như. Nhưng Đạo chỉ có một; nói Nhơn Đạo, Thiên Đạo là nói đến phần ứng dụng, chớ thể Đạo vốn viên dung, biến thông mà không chia tách. Tịnh thì nó trở về cùng bản thể, động thì sanh hóa muôn loài. Đạo có âm dương động tịnh, trong âm có dương, trong động có tịnh, và ngược lại; như thế mới thăng bằng mà hóa sanh muôn vật.
Nhơn Đạo là tu tâm tu thân; Thiên Đạo là tu tánh tu mạng. Tu tâm cũng là tu tánh, tu thân cũng là tu mạng. Người nhập Đạo giữ tam quy là giữ Thiên Đạo có Nhơn Đạo; giữ ngũ giới là giữ Nhơn Đạo có Thiên Đạo. Từ trong bài kinh cúng, hình thức Thiên bàn, đều hàm tàng biểu hiện phần Thiên Đạo lẫn Nhơn Đạo. Đạo Trời, Đạo người liên hệ mật thiết như hình với bóng, như gốc với ngọn, không thể chia lìa được. Đạo người từ nơi Đạo Trời; muốn nên Đạo Trời mà lìa Đạo người thì làm sao thành! Cũng như tâm từ nơi tánh, lìa tánh không có tâm, lìa tâm sao thấy tánh. Người cầu đạo phải sở đắc cả hai phần để giữ được thăng bằng đạo thể, vừa xuất thế mà không bỏ trách nhiệm với đời; vừa gánh vác việc thế gian mà lòng thanh ý tịnh; thọ giới tu công mà bổn phận con người vẫn tròn xong trách nhiệm. Khi Thế Đạo xong thì Thiên Đạo cũng thành, khi Thiên Đạo thành thì Thế Đạo cũng đáp đền trọn vẹn.
2.3. Đạo Trung của người tu Thiên Đạo
Thiên Đạo là con đường xuất thế gian, cơ bí truyền tu tánh luyện mạng để siêu phàm nhập Thánh. Yếu quyết Trung Đạo của người tu Thiên Đạo là không lìa bỏ thế gian, làm ăn đi lại bình thường, nhưng lòng không đắm mê danh lợi, không vướng mắc thế tình, thị phi, ân oán, luôn luôn giữ được tâm hồn nhiên giải thoát.
Xử tròn nợ thế đạo hằng
Làm ăn cứ việc làm ăn như thường
Nhưng mà đừng có vấn vương
Đừng đem vào dạ, đừng thương ghét người
Đạo càng cao, đức càng tươi
Dầu ai nhục mạ cũng cười làm vui.([6])
Đây gọi là chấp Thiên Đạo hành Nhơn Đạo, hay đem Đạo vào đời, chuyển đời về Đạo. Người tu Thiên Đạo vừa tu tánh luyện mạng theo pháp vô vi vừa tu tâm trau thân theo kinh Cảm Ứng, vừa giải thoát thế gian vừa lập nguyện độ đời, luôn giữ tâm hồn thanh thoát cao thượng, một hạt bụi trần không nhiễm, một niệm chẳng sanh. Ấy là vô vi nhi vô bất vi,([7]) lấy thân giáo làm mẫu mực cho đời, là Trung Đạo của người tu Thiên Đạo.
2.4. Đạo Trung của người tu Nhơn Đạo
Nhơn Đạo là Đạo làm người, lo tròn bổn phận con người ở thế gian. Con người thường hay bị thế gian đồng hóa, lôi cuốn. Lặn lội trong cuộc sống mấy ai thoát khỏi lòng ham mê danh lợi, dẫn đến thị phi, ân oán, đắm chìm trong giả mộng, v.v... Sở dĩ vậy là do chúng ta nặng phần đời nhẹ phần đạo, làm mất thế thăng bằng.
Trung Đạo của người tu Nhơn Đạo là giữ được thăng bằng đời đạo, nhập thế mà không đắm thế, tùy tục mà không nhiễm tục, làm tròn bổn phận thế gian nhưng không vì thế gian mà hệ lụy. Được vậy là nhờ tâm giác ngộ, biết được lẽ Đạo của đất trời, rõ máy dinh hư tiêu trưởng, đạt cơ thành trụ hoại không. Khi đó con người có được tâm hồn cao thượng, lấy Đạo che thân, lấy tín nghĩa làm vinh, lấy nhân trí làm trọng; tuy ở thế mà không mê danh đắm lợi, vào đời mà không bị câu nhử trong phồn hoa giả tạm. Làm việc đời, gánh vác việc đời với mục đích chân chính, ý niệm thanh cao, mọi sinh hoạt làm ăn đi lại, giao thiệp với mọi người đều thấm nhuần lẽ đạo. Ngôn ngữ cử chỉ, hành vi động tác đều tỏ hiện được lẽ đạo. Đó là lẽ đời đạo đồng đều như nhau, là Trung Đạo của người tu Nhơn Đạo.
II. NHỊP BƯỚC SONG HÀNH
1. Giả chơn
1.1. Vạn hữu sắc trần là huyễn hóa
Chúng ta gọi thân thể của mình là thân tôi, nhưng thật ra chẳng có cái gì là tôi cả. Nó là tinh cha huyết mẹ, là sữa là cơm, là rau quả, là mọi thứ vật thực khác. Tất cả những thứ này có cái nào là tôi đâu! Tất cả đều riêng rẽ rời rạc, do nhơn duyên giả hiệp mà có, để rồi một ngày kia sẽ trả về cho mọi riêng rẽ khi nhân duyên tan rã.
Thân này không phải là cái ta chân thật, thì sự cảm giác thân này càng huyễn hoặc hơn nữa. Những cái mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, thân cảm xúc, ý suy nghĩ đều tác động từ đối tượng ngoại giới; đối tượng ngoại giới lại sanh diệt vô thường, nên sự rung cảm của giác quan với ngoại giới cũng vô thường. Sự rung cảm ở mỗi người mỗi khác, lúc ba tuổi khác, ba mươi tuổi khác, bảy mươi tuổi khác. Thân người là “bộ máy cảm giác”, nó không phải là ta; chưa có nó đã có ta; nó biến chuyển, mất đi ta vẫn tồn tại. Những suy nghĩ buồn vui, mừng giận, thương ghét chỉ là những trạng thái náo loạn cho ta mà thôi.
1.2. Sự mê đắm
Mắt ưa màu sắc đẹp, tai thích âm thanh du dương, mũi muốn ngửi mùi thơm tho, lưỡi thèm vị ngon ngọt, thân ưng cảm xúc êm ái, tất cả đều huân tập thành nghiệp thức triền miên; nghiệp thức lôi kéo con người vào mọi cảm thụ, càng cảm thụ càng ưa thích. Ưa thích cảm thụ tương quan qua lại dẫn đến mê luyến xác thân, gây hạt giống luân hồi sanh tử nên con người khó mà biết được cõi đời là khổ, sanh tử luân hồi là trôi nổi phiêu bạt trong bể khổ triền miên.
Vì sao mà đau khổ? Vì sự mê luyến trần cảnh từ nơi rung cảm giác quan. Rung cảm giác quan là thỏa thích những mến ham màu sắc, danh vọng tiền tài, vợ đẹp con xinh, nhà cao cửa rộng, say mê khoái lạc, lấn lướt hơn người, toàn là sở thích của tư dục. Không phải sự nhận thức của con người mở mang ít quá nhưng thực ra những nhận thức của con người đang bị mê hoặc, đang bị giật lùi vì những rung cảm của giác quan. Sự khao khát thèm muốn của giác quan đã áp bức chúng ta, buộc chúng ta tìm mọi cách thỏa mãn chúng nó. Không thỏa mãn thì chúng ta buồn rầu đau khổ. Nhưng khốn thay! Sự ham muốn theo tính chất của nó là vô cùng, bởi vì sự ham muốn không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn và ngơi nghỉ. Vì vậy chúng ta bị lôi kéo vào, bị theo đuổi mãi không bao giờ thôi. Hễ được thì hứng chí thêm lên, thất bại thì càng gia tăng mãnh liệt cho đến khi mù quáng chạm phải tội lỗi, thì sự ê chề đau khổ không tài nào thoát khỏi. Ham muốn càng lớn thì đau khổ càng nhiều, ước vọng càng cao thì sự giày vò càng thêm thấm thía. Đó là điều khả ố nhất của con người mà người có trí nên suy xét.
Bây giờ chúng ta mới thấy rõ: Sự rung cảm giác quan thường lung lạc náo loạn lòng ta; đó là đám giặc cướp hung hăng gây nhiều đau khổ, thường dẫn dắt ta ra khỏi hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật chỉ có thể tìm thấy ngoài mọi dục vọng và rung cảm của giác quan, ngoài mọi giả tạo do giác quan và ngoại cảnh đưa đến.
Con người mang lấy xác thân là mang lấy khí chất cõi dục giới, nó lưu trữ trong chúng ta hột giống sanh tử. Khi cơ thể ta mất, hột giống đó dẫn ta đến một cơ thể khác ở bất cứ đâu, miễn có thể điều hòa mọi ưa muốn, mọi rung cảm quen thuộc của chúng. Khi hột giống ấy phát triển, một cơ thể mới ra đời, chúng ta sẽ hiện ra nơi đó và sẽ tìm cách thỏa mãn những thèm muốn quen thuộc như hiện thời.
Chính chúng ta là người đang say sưa vẩn vơ mơ mộng trong giấc chiêm bao triền miên đó. Trải qua không biết bao nhiêu thời đại, khi thì làm người, khi làm thú, khi làm thần, khi làm ma quỷ, dù ở chỗ nào, ở cơ thể nào, với sự rung cảm của ý thức ta, giác quan ta cũng đến chiêu dụ đủ thứ vui sướng và đau khổ nối tiếp nhau không ngừng. Khi một sự vui thích hiện ra thì sự đau khổ cũng hiện diện, những cảm giác thích ý là nguyên nhân của đau khổ.
Một linh hồn sau khi đã trải qua quá nhiều kinh nghiệm, nếm nhiều đắng cay, thấy nhiều giả dối, dầm thấm đau thương, chán chường khổ lụy, nhận biết bao mê hoặc của giác quan, cũng cần dừng lại suy gẫm. Suy gẫm sự sai lầm đã chi phối cuộc sống.
Trước hết bởi chúng ta hời hợt, xem mọi hiện tượng một cách sơ sài, không tìm đến nguyên nhân hoặc kết quả, nhất là những ham muốn thỏa mãn của giác thức chúng ta hiện thời. Chúng ta phạm lỗi để cho dục vọng sử dụng máy nhận thức của mình bằng mọi cách để thỏa mãn chúng nó. Đáng lý ra chúng ta phải sử dụng máy nhận thức đó vào chương trình tiến hóa lành mạnh, hoàn thiện hơn; nhưng trái lại chúng ta trở thành tôi tớ của sự ham muốn, thật đáng tiếc! Chúng ta thử hỏi: Có phải cõi phàm trần này là cõi dục giới không? Thân này có phải tứ đại giả hiệp không? Sắc trần có phải là huyễn hóa không? Giác quan duyên theo sắc trần, có phải chạy theo nghiệp thức ái nhiễm vọng tưởng không?
Dù thân thể là một bộ máy cảm giác hết sức tinh vi, rốt cuộc cũng chỉ là vô thường hữu hình hữu hoại, là đầu mối ươm mầm gây giống sinh diệt triền miên, như hằng hà sa số chúng sanh đi lại nhiều lần trong cõi đời đau khổ. Nhận thức được vậy thì sự ham muốn tắt mất, một chuyển hướng lành mạnh bắt đầu. Lúc ấy nếu dục vọng chưa tắt hẳn sẽ làm cho ta lẫn lộn chập chờn nửa say nửa tỉnh, phải cố công rèn luyện mới vượt qua đuợc. Đó là công phu chuyên nhất từ bên trong đến bên ngoài, thanh trừ bao dục vọng, lóng lặng, tự chủ nhiều hơn.
Như vậy công phu giải thoát đưa chúng ta ra khỏi bao vọng dục. Ai giải thoát được mọi ham muốn thấp hèn là siêu nhân. Hạnh phúc vĩnh cửu là tắt mất lòng ham muốn đó. Được vậy ta sẽ thảnh thơi tột bực, thánh khiết sẽ đến cùng ta.
1.3. Cái ta chơn thật
Giải thoát ham muốn là giải thoát cho cái ta ra khỏi sự kềm hãm của giác quan. Cái xác thân tạm bợ này tắt mất sự ham muốn thì cái ta chơn thật hiện ra. Cái ta chơn thật ấy đồng tính cùng bản thể. Nó là pháp thân, vắng lặng tột bực, tôn nghiêm tột bực. Nó siêu việt trên mọi giác quan. Cái chết không hề động tới nó được, vì sự chết là hủy diệt thân thể, là cởi đi một cái áo bằng khí chất cõi hồng trần. Cái ta chơn thật không là vật thể nên không bị hủy diệt theo vật thể. Nó vượt lên trên mọi hữu hình hữu hoại. Sinh hoạt của nó là vô vi, vô ngã. Người nào hành động theo tinh thần vô vi, vô ngã là hành động theo cái ta chơn thật vậy.
Chúng ta nào có thể đếm được bao nhiêu hạt cát sông Hằng, hay lường được bao nhiêu lít nước biển Đông; cái ta chơn thật không thể suy lường được. Nó là sự tối linh thanh tịnh, vi diệu. Nó đồng nhất cùng bản thể tức là đồng nhất cùng công năng sinh dưỡng của đất trời. Nên việc làm của Thánh Nhân hay siêu nhân thường ứng thông với cơ vi mầu nhiệm vượt lên trên bao hạn hẹp, từ ý chí, tình cảm do giác quan vọng thức con người tạo nên.
Giác thức từ giác quan con người chỉ có giá trị với cảnh giới hiện tiền. Các cảnh giới cõi trên rất thánh khiết, hợp với các bậc siêu nhân, Thánh Hiền, Tiên Phật. Càng lên cao càng loại trừ tất cả mọi khí chất, ý tưởng nặng nề đen tối của các các cõi dưới, mà nhất là nghiệp thức ô nhiễm ở cõi phàm dục giới của chúng ta mang nặng tính chất vô thường sanh diệt thì không thể nào tồn tại được.
Cái ta chơn thật vào cõi phàm trần bị nghiệp thức cấu nhiễm mờ che như ngọn đèn đặt trong lồng gương bị đóng bụi, như vầng trăng khuất dạng bởi đám mây đen. Lau chùi bụi bặm đèn tỏ làu làu, vẹt cụm mây che vầng trăng tỏ rạng.
1.4. Con đường tận độ trong tân pháp Cao Đài
Sự đạt đạo của con người là hội thông, đồng nhất cùng trời đất, hòa nhập với bản thể. Thời pháp Cao Đài đến với nhân loại hôm nay cũng nhắm vào cứu cánh đó. Nếu Đạo không làm cho chúng sanh trở về cùng bản thể, hoàn phục nơi nguồn đầu, làm sáng tỏ Phật tánh thì sao gọi là Đạo?
Song muốn về Phật, phải nương Pháp, muốn đạt đạo cũng phải tùng Pháp. Pháp là quy luật vũ trụ, sự sanh thành hóa dục, sự sống luân lưu, cái dụng của Đạo. Chư Phật, chư Tổ cứu vớt chúng sanh đều dùng phương tiện này, chư Thánh, chư Tiên muốn thành đạo đều qua ngả này.
Chánh pháp có hai phần là tâm pháp và tướng pháp. Đó là nhị thể âm dương trong quy luật tự nhiên vũ trụ. Tâm pháp là vô vi pháp, rất uyên thâm, thăng giáng không chừng, thấp cao không định, không lập văn tự, tâm thọ khẩu truyền. Tướng pháp là pháp hữu vi. Hữu vi để ứng thông với chúng sanh hữu tướng. Song hữu vi cũng từ chỗ vô vi mà ra, để dẫn chúng sanh từ hữu về vô, từ sắc lại không, nương giả về chơn nên trong giả có chơn.
Trong thời pháp Cao Đài phần tâm pháp là Thiên Đạo giải thoát, phần tướng pháp là Thế Đạo đại đồng. Trong tâm có tướng, tâm tướng nương nhau để hoàn thành chương trình tận độ. Tín đồ Cao Đài bắt đầu vào Đạo là nhập môn. Nhập môn là vào cửa, giữ giới hạ thừa, tập ăn chay làm lành làm phúc, thực thi công quả, giúp khó trợ nghèo, xây nền Thế Đạo, làm cho kiếp sống con người có đạo nghĩa công bằng, có hợp quần tổ chức, có hạnh phúc an vui, có điều kiện làm nhân làm nghĩa, chu toàn bổn phận và hoàn hảo nhân phẩm.
Từ chỗ tu nhơn lập đức, tích thiện gầy duyên, mảnh tâm điền có được hạt giống vô sanh nảy mầm, cho cây Đạo một mai trổ bông thơm trái ngọt – đó chính là thời kỳ nhập thất, là bước căn bản hướng đến công phu tu tánh luyện mạng, huyền đồng cùng Đạo, chứng quả vô sanh. Hai phần này còn gọi là tu phước, tu huệ.
Tu phước là làm phước đức, trừ tội lỗi và hưởng phước ở kiếp sau. Tu huệ là công phu nội tâm, cần làm sáng tỏ tự tánh, biết nẻo luân hồi.
Phước huệ tuy chia làm hai, tầng thứ khác nhau, song không phải xa lìa riêng biệt mà tương quan rất mật thiết. Nếu tu phước không tu huệ, thì không đạt ngộ tự tánh, đồng nhất cùng bản lai, mà không sanh không diệt. Tu huệ mà không tu phước thì lấy gì đền tội cũ hưởng phước mới, giải trừ oan nghiệt, nhẹ bước trên đường tu tiến. Vì vậy mà hai phần phải có, gọi là phước huệ song tu.
Tuy nhiên tùy căn cơ duyên nghiệp mà mỗi phần ở mỗi người có khác. Người tôn giáo chú trọng phần tâm linh hơn phần thế gian, phần giác ngộ hơn phần hưởng phước. Muốn hưởng phước thì người thế gian cũng làm được. Người vào đạo còn cầu hưởng phước là chưa thấu hiểu lý đạo. Tu phước để trợ duyên, tu huệ làm cứu cánh.
Ngày nay Thầy đến chỉnh cơ lập pháp, ban sứ mệnh trung hưng. Về công truyền Thầy kết nạp hết các pháp môn kim cổ tứ giáo. Về tâm truyền thì có phương môn tận độ: Một là tu thẳng về Thầy; hai là ban pháp khai thế, tạo thế; ba là tu học các bí tích để làm đầu họ và giáo sĩ; bốn là tu cầu quyền sống trong cơ tái tạo... ([8])
Một Giáo Hội duy nhất ngày mai có đủ hai phần là công truyền và tâm truyền. Tuy hai nhưng mà một. Người chức sắc nào cũng tu ở tịnh đường, người giáo sĩ nào cũng tu tâm pháp hầu thấu đạt lẽ Trời. Không qua Thiên Đạo không thể chấp hành quyền pháp Giáo Hội.
“Đường tu chẳng khác cuộc đăng sơn (…). Từ chơn non đến bán lộ là về khoa phổ hóa [tức công truyền], từ bán lộ đến đảnh là về khoa bí truyền [tức tâm truyền].([9])
Chia hai phần để thấy đầu đuôi sau trước liên hệ với nhau. Không đến bán lộ thì làm sao lên đến đảnh? Phải nương pháp hữu vi mà sở đắc vô vi đại đạo. Có đắc vô vi mới nắm pháp hữu vi mà phát huy Đại Đạo. Đó chính là Trung Đạo mà Cao Đài Giáo áp dụng để khai thông chánh pháp Kỳ Ba bằng đường lối song hành: Thiên Đạo giải thoát và Thế Đạo đại đồng, chuyển lập nguơn bảo tồn tái tạo. Cả thế gian là đạo tràng thường xuyên mở cửa; đạo pháp như nước sông trường lưu bất tuyệt.
Thiên Đạo giải thoát, Thế Đạo đại đồng phải song hành tương trợ mà hình thành cơ tận độ. Có đi vào Thiên Đạo giải thoát mới phát huy nền Đạo học tâm linh, đưa con người lên trình độ đạo đức làm nền tảng xây dựng Thế Đạo đại đồng. Từ đó, với sự kết hợp hài hòa khoa học và đạo học, bình hành tâm vật, đưa con người đến tiến hóa cao trổi hơn vào con đường Thiên Đạo giải thoát.
2. Thiên Đạo giải thoát
2.1. Thượng thừa tâm pháp
2.1.1. Vô vi tâm pháp
Thiên Đạo là Đạo lớn của Trời, cơ hình thành vũ trụ là bản thể chơn thường thanh tịnh. Muôn vật từ đây mà có. Giải thoát là cởi bỏ tất cả những gì không phải là tự thể của mình để trở lại cái ta nguyên vẹn, thoát ngoài sinh tử luân hồi.
Tự thể con người từ bản thể chơn thường đó, đồng nhất cùng Đạo, là linh năng, hay lương tri, tự tánh. Tự nó vốn toàn năng sáng suốt. Vì vật dục sở tế, khí bẩm sở câu ([10]) nên con người hằng bị nghiệp thức kéo lôi, lục dục thất tình dẫn dắt mà thể chơn thường ngày một bị mờ che, sa đọa. Muốn trở lại bổn nguyên chơn tánh phải giũ bỏ hết mọi luyến nhiễm trần gian, làm sáng tỏ chơn tâm, huyền đồng cùng Đạo, thoát khỏi sanh tử luân hồi. Công phu này gọi là giải thoát. Đi vào công phu giải thoát hay đi vào Thiên Đạo giải thoát chính là đi vào vô vi tâm pháp.
Tâm pháp khác tướng pháp. Tướng pháp là pháp hữu vi. Hữu vi hữu tướng thì không chơn thật. Chơn thật là không tướng (thật tướng vô tướng). Vì hữu vi nên mọi cảm nhận và hành động của con người không ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ứng thông với hữu hình bên ngoài. Đó là sáu yếu tố tạo nên lòng dục vọng. Phật gọi đây là cõi dục giới,([11]) rất nặng nề ô trược. Trong cõi đó, con người mê mờ trong dục niệm, chấp ngã chấp pháp, thị phi đối đãi, lẩn quẩn trong vòng hữu vi hữu tướng.
Người chơn tu nắm mối vô vi mà tầm phăng chơn đạo. Vô vi không phải là không làm mà làm theo lẽ tự nhiên của Đạo, không do nơi vọng tâm, tình thức mà vô tâm vô ngã. Nhất niệm bất sanh nhất trần bất nhiễm, thức tâm căn trần tan biến, tham sân si ái ố không còn, mọi việc đói no, ấm lạnh, vinh nhục, họa phước, v.v... đều lìa khỏi thân tâm ta. Khi buông bỏ được mọi tác động bên ngoài, tâm không móng khởi các chấp trước, phân biệt thì vọng tưởng tự tiêu, tự thể hiện bày. Nếu biết huyền đồng thì tâm ý rảnh rang, âm thầm khế hiệp, thong thả hình nghi, vắng lặng tâm phủ, thâm trầm bên trong điềm đạm bên ngoài, thân thể như bị câu thúc mà tâm thì tự tại vô cùng, giấu u linh nơi pháp giới, hiển tánh thể chốn trần mê. Thật là an nhàn tự tại.
Vậy chỉ có vô vi mới là bước đi chơn thật để về với Đạo. Chỉ có vô vi mới chứng quả Thần Tiên, mới đồng nhất bản lai thanh tịnh, trọn thể chơn như huyền đồng cùng Đạo. Vô vi tâm pháp là con đường duy nhất dẫn đến cái ta chơn thật hay bản lai tự tánh.
2.1.2. Tánh mạng song tu
Muốn đem tự tánh ra khỏi vòng ô nhiễm phiền trược của nghiệp thức triền miên, phải nhắm tự tánh mà tu, gọi là tu tánh. Nhưng tánh bị câu phược ([12]) trong thân, nên phải nhắm vào thân mà gỡ tháo các câu phược – ấy gọi là luyện mạng.
Tu tánh là trau dồi tự tánh, tức là cái chơn linh, điểm linh quang Trời phú, còn gọi là linh hồn. Luyện mạng là luyện thành một thể xác thiêng liêng hằng sống bằng cách luyện Tinh Khí Thần trong người cho thuần dương, hiệp với khí tiên thiên tức điển quang.
Người tu lâu ngày khi kết quả thì xuất đặng dương thần (thể xác thiêng liêng) gọi là kim thân hay mâu ni xá lợi.
Để trau dồi tự tánh, phải nương vào nội tâm, gom thành một điểm, không để nó giong ruổi theo mắt tai mũi miệng thân ý, dứt sạch ngoại duyên, dẹp bỏ mọi cảm thụ thân tâm. Bước đầu là trai giới, tụng kinh lễ bái, quỳ hương, giữ các điều răn cấm, tiếp theo là tịnh định chỉ quán, tập trung ý chí tư tưởng, bằng hồi hướng Linh Châu, Tướng Châu, Tâm Châu, rồi Tam Bảo Hoàn Châu, đi vào tâm pháp bí truyền.
Đi vào luyện mạng là luyện Tinh Khí Thần tức Tam Bảo Hoàn Châu, điều kiện là phải nhất tâm tinh tấn, chí thành tha thiết giao cảm cùng Thiêng Liêng, cầu đón ơn điển Thánh Linh. Thánh Linh cảm nhập theo thần khí trong người vào các tạng phủ mạch lạc cân tủy, tẩy rửa bao nghiệp thức vô minh, trần căn ái nhiễm, thánh khiết hóa bản thân, lần vào công phu bảo tinh, dưỡng khí, tồn thần, tâm thân nhất tề ứng tiếp, tạo nên thần thể anh linh, thoát ly luân hồi sanh tử.
Tu tánh luyện mạng tuy có chia phần, song kết quả vẫn chung một. Tu tánh giúp vào công phu luyện mạng, luyện mạng thành tựu cho tu tánh. Con người khi đồng nhất cùng Đạo, cùng bản thể thì tâm linh con người đến chỗ chí Thánh chí Tiên chí Phật, nhưng sự trọn lành thánh khiết này cũng phải nương vào một thần thể cực thanh, cực nhẹ hơn thượng tầng không khí, đó là huệ mạng kim cang, mới vào cõi hư linh mà trường sanh bất diệt.
Lời Thượng Đế dạy:
“Ở trên hết là thượng tầng không khí. Khí ấy nó nhẹ nhàng trong sạch hơn trăm nghìn lần cái không khí ở trần gian này. Vậy nên nếu điểm linh hồn các con mà ở đặng cảnh hư vô là nhờ nó đã thanh nhẹ hơn thượng tầng không khí kia nữa. Mà nếu nó đã nhẹ hơn thượng tầng không khí thì tự nhiên khi muốn giáng trần, nó phải mượn bảy thể của bảy cõi mà bao bọc thêm ngoài cho thêm nặng nề thì mới trì kéo nó giáng xuống được.
Như linh hồn ở cõi Thái Cực mà muốn xuống cõi Lưỡng Nghi thì phải lấy tinh khí ở cõi đó mà bao bọc ra ngoài đặng làm một cái kim thân cho hợp với khí chất cõi ấy.
Chừng ở cõi Lưỡng Nghi muốn xuống cõi Tứ Tượng thì cũng phải dùng tinh khí cõi ấy mà bao bọc ra ngoài cái vóc kim thân một lớp nữa đặng làm cái thượng trí.
Lúc ở cõi Tứ Tượng muốn xuống cõi Bồ Đề thì cũng phải dùng tinh khí cõi ấy mà bao bọc ra ngoài cái vóc thượng trí một lớp nữa làm cái hạ trí.
Cứ lần xuống cõi nào là phải mượn tinh khí cõi ấy bọc thêm ra ngoài, nên phải mượn đủ bảy thể chất mới xuống hết bảy cõi đặng vào ở trong không khí trần gian. Nếu không mượn bảy thể mà bao bọc ra ngoài thì chẳng những không đủ sức nặng để kéo trì cho linh hồn giáng xuống, mà tất nhiên nó cũng không chịu nổi với cái khí chất lần lần càng xuống thấp lại càng ô trược nặng nề thêm mãi nữa.
Người nào hữu căn hữu kiếp, biết tỉnh ngộ tầm ra nguồn cội của loài người thì phải mượn cơ pháp bí truyền mà tu luyện đặng mở bảy thể ấy rớt ra thì linh hồn mới đặng trở về ngôi vị.
Bảy thể ấy muốn mở ra cũng như cởi bảy lớp áo vậy. Bảy thể ấy nếu không rời rã ra thì nó cứ trì kéo linh hồn xuống mãi.
Ngày nào các con bỏ xác phàm này là ngày các con cởi bớt một cái áo của các con; rồi các con sanh qua trung giới thì bỏ cái vía; đến Bồ Đề thì bỏ cái hạ trí, đến Tứ Tượng thì bỏ cái thượng trí; đến Lưỡng Nghi thì bỏ cái kim thân; đến Thái Cực thì linh hồn mới được hiệp cùng Tạo Hóa.” ([13])
Vậy người tu muốn được trở lại ngôi xưa vị cũ, hiệp một cùng Thầy thì phải thực hành công phu tu tánh luyện mạng, còn gọi là tánh mạng song tu.
2.1.3. Tinh, Khí, Thần và khí chơn dương
Thần là chủ nhơn ông, tức là điểm linh quang Trời phú, là linh hồn, là bản lai tự thể, là Phật tánh chơn như. Người tu quy y Phật là nương về với bản lai này để trở lại chỗ tròn đầy sáng suốt như lúc đầu của nó, đồng thể cùng chư Phật gọi là thành đạo.
Khí hay sinh khí, chính là nguồn sinh lực của vũ trụ và con người. Nguyên khí đó từ khí hư vô của trời đất. Qua sự hô hấp nó nối liền thần hồn và thể phách, bảo toàn sự sống, lưu thông huyết mạch, gội rửa tạng phủ, tư nhuận thân người. Hễ khí mạnh thì thân mạnh, khí yếu thì thân yếu. Khí giữ phần then chốt, điều hòa tinh thần, chuyển luân pháp đạo. Nếu khí được huân chưng ngưng kết lâu ngày tạo nên Thánh thai Phật tử.
Tinh: Khí là phần tinh anh của nhục thể. Nhục thể con người được nuôi sống bằng các vật thực như ngũ cốc, hoa quả, v.v... Vật thực hóa huyết sanh tinh. Mỗi giọt tinh có mầm sống trong đó. Tinh bị dục niệm trót lọt ra ngoài, thuận chuyển kết hợp với âm tinh mà thành hình. Tinh chưa bị dục niệm, còn thể tiên thiên gọi là nguơn tinh; khi bị dục niệm xuống ngoại thận hóa ra hậu thiên gọi là trược tinh. Người tu luyện dùng lửa chơn dương đốt tinh chất này thành hơi, nghịch chuyển phối hợp với thần khí bên trong ngưng kết tượng hình linh thể mà thành đạo.
Người luyện đạo phải ăn chay để tinh huyết trong sạch, như lời Thầy dạy vào năm đầu lập Đạo (1926):
“Kẻ nào trai giới đặng mười ngày đổ lên thọ bửu pháp đặng.
Chư môn đệ phải trai giới. Vì tại sao?
Chẳng phải Thầy còn buộc theo cựu luật,([14]) song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên Phật đặng.
Thầy cắt nghĩa:
Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là corporel. Còn một thiêng liêng gọi là spirituel. Mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng. Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí.
Khi nơi xác phàm xuất ra, thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc đạo mà có Tinh Khí, không có Thần thì không thể nhập mà hằng sống đặng. Còn có Thần không có Tinh Khí thì khó huờn đặng nhị xác thân. Vậy ba món ấy phải hiệp mới đặng.
Nó vẫn là chất, tức hiệp với khí tiên thiên, mà trong khí tiên thiên thì hằng có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch mới nhẹ hơn không khí [mà] ra khỏi ngoài càn khôn đặng. Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn Thần tinh khiết. Nếu như các con còn ăn mặn luyện đạo, rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng.
Như rủi bị huờn thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển (bon conducteur d’électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhân Tiên, thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo.” ([15])
Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) là ba món báu tạo nên tinh thần, thể xác con người. Trời đất không ngoài ba thể nầy là Thần thể, Khí thể, Vật thể mà hình thành vạn hữu. Thần Thánh, Tiên Phật cũng từ đó đạt cơ mầu nhiệm mà đắc thành đạo quả trường sanh.
Ngoài ra, điều quan hệ trong việc luyện đạo là khí chơn dương cũng là dương quang, điển quang. Vũ trụ muôn vật sanh hóa và bảo tồn là bởi nó. Nó là khí hạo nhiên, là sự sống. Nơi nào có sự sống là có nó. Nó châu lưu trong vũ trụ, muôn vật. Dương khí tuyệt thì con người chết. Dương khí còn có hiệu năng thông lưu, đuổi các khí uất trược nặng nề, bảo tồn sức khỏe cho thân được vô bệnh. Người luyện đạo nương theo nó, do nơi nó mà hiệp nhất tam bửu, viên thành đạo quả.
2.2. Giới thượng thừa
2.2.1. Trường trai tuyệt dục
Thiên Đạo giải thoát là con đường tu luyện của bậc thượng thừa. Bậc thượng thừa phải giữ giới tu thượng thừa là trường trai tuyệt dục.
Trường trai là ăn chay mọi ngày. Bậc thượng thừa phải ăn chay trường, khác bậc hạ thừa và trung thừa có thể ăn chay mỗi tháng sáu, mười hoặc mười sáu ngày. Ăn chay kỳ thì còn dùng đồ huyết nhục, làm cho nguơn tinh ô trược, không đủ thanh sạch để quy tam bửu hiệp ngũ hành. Phải ăn chay trường ít nhất sáu tháng trở lên cho tinh huyết trong người thay đổi hoàn toàn, thanh sạch hoàn toàn mới bắt đầu luyện đạo được.
Tuyệt dục là dứt đường dâm dục, không để tinh lậu làm khô cạn tam bửu khó luyện thành đơn. Đây là giới điều quan yếu, người tu thượng thừa phải tự giác thực hiện từ trong tư tưởng, động niệm dâm căn, đi đến từ bỏ mọi ham muốn thỏa thích.
2.2.2. Phong nghi đức độ
Phong nghi đức độ của bậc thượng thừa là nét hiện thực phô bày ra ngoài, thể hiện công phu tu dưỡng bên trong. Nó là cái thước đo, cũng là ảnh chiếu của phần đạo pháp bên trong. Sự tu luyện có đắc thành đạo quả hay không đều do nơi đức hạnh nên người xưa thường nói tồn hồ kỳ nhân, tồn hồ đức hạnh.([16])
Đây là phần rất quan trọng, người đời thường căn cứ vào đây mà đánh giá đạo pháp; bước đạo phát triển huy hoàng hay lu mờ trì trệ phần lớn do đây. Cũng như một chấm đen rơi trên nền giấy trắng dễ làm mọi người phàn nàn bất mãn, một lỗi lầm nhỏ nơi người tu dễ tạo ra sự phê phán trách chê. Vì thế người tu phải dè tâm, cẩn thận, luôn kiểm soát mình, không để những thiếu sót của bản thân làm hư nền đạo. Phải khiêm tốn hạ mình, phản tỉnh nội cầu mà sửa chữa những chỗ chưa viên thuần. Chẳng những không giận mà còn vui mừng lắng nghe mọi người phê bình, kể cả khi bị chỉ trích. Sự chỉ trích, dù đúng hay chưa đúng, vẫn là ơn cho ta cảnh giác, quan phòng.
Chặng đường Thiên Đạo giải thoát là chặng đường chót của người tu, đi mút con đường này là đạt đạo. Nhưng theo Đức Lão Tử thì: “Tuy gọi đắc Đạo, kỳ thật không có chỗ đắc. Vì lẽ khuyến hóa chúng sanh mà gọi là đắc Đạo.” ([17])
2.2.3. Đức tin và sự khảo đảo
Đức tin cao hơn lòng tin hay niềm tin. Lòng tin hay niềm tin thuộc về phạm vi hữu hạn qua quá trình kinh nghiệm của con người, được nhận xét từ ý thức mỗi người. Đức tin ở đây cũng như đức thành đức kính, nó hàm tàng trong tự thể, là trực giác chứ không phải là lý trí do sự nhận xét cá biệt của mỗi con người. Đức tin có thể giải thích, có thể không giải thích. Cái gì thuộc về tiềm năng tự thể phải lấy Thần mà hội, lấy ánh sáng trực giác mà soi. Nếu người không được ơn soi dẫn hé mở huệ tâm hay lợi căn sẵn có thì sự khôn ngoan lý trí không đạt tới lĩnh vực này.
Người tu Thiên Đạo giải thoát đi sâu vào tự thể tâm linh, được mở các tiềm năng nên đức tin như vách đá tượng đồng, chỗ thấy biết vượt lên một bực. Đức tin ở đây có sức vạn năng cải đổi được lòng người, hóa giải bao lầm mê đen tối.
Ngọc muốn đẹp muốn xinh, phải nhiều mài giũa; việc muốn nên kết quả phải lắm công phu. Một lớp học nhiều học sinh, mỗi trò một sở đắc, sự tiến bộ đâu có đồng đều; nên phải thi phải tuyển, phải sát hạch mới phân được vị thứ, mới chọn được tài năng.
Sự giũa mài, tôi luyện chúng sanh trên đường tiến bộ cũng là luật đương nhiên. Sự khảo đảo nặng nề dành cho người tu giải thoát là điều kiện thiết cần để rèn tâm luyện tánh, tập lòng nhẫn nại kiên trì, giữ đức thủy chung như một. Sự khảo đảo còn một mặt cần thiết nữa là giúp người tu trả xong oan trái tiền khiên. Đây là ơn Thầy tận độ cho nhồi quả để kiếp này người tu trả xong nợ cũ mà về nơi vĩnh viễn an vui.
Người tu thường bị khảo đảo dồn dập, nhất là giờ phút lâm chung. Chúng ta đừng lầm là không được ơn Thầy cứu độ, hay là pháp Đạo không đủ chở che. Bởi đó mới chính là ơn Thầy pháp Đạo, vì bao nhiêu nợ nần oan trái vướng mắc lòng vòng, trước lúc từ bỏ cõi đời, được đem ra thanh toán một lần cho dứt sạch nợ tiền khiên mà rảnh rỗi theo Thầy về cõi vô sanh, an nhàn không thối chuyển.
Lòng thương của Thầy, pháp linh của Đạo nếu không làm được vậy thì biết làm cách gì hơn nữa để cứu vớt con cái của Thầy trong hồng ân tận độ.
2.2.4. Bậc thượng thừa với cơ phổ độ
Từ xưa, mỗi khi chúng sanh gây tạo nghiệp ác, mất điểm thiên chơn mà Đạo bị mờ che, Đạo không còn hiệu lực dẫn dắt chúng sanh ra khỏi vòng tội lỗi, thì Thượng Đế lại vì lòng từ bi ra ơn cứu độ, tìm đủ phương tiện pháp môn, ban đặt ân oai, mở cơ cứu chuộc.
Người tu xây dựng đạo, là làm cho đạo mạch được lưu thông, ơn cứu rỗi của Trời tràn chảy khắp nơi để giác ngộ chúng sanh, làm cho chúng sanh gội ơn tận độ trở về cùng tự tánh của mình, đắc thành đạo quả.
Đã biết chúng sanh sống trong cõi sắc trần dục giới mang thể hữu hình, nên Đạo phải mượn âm thanh sắc tướng lập thành phương tiện pháp môn, muợn cơ hữu vi mà chỉ chỗ vô vi Đại Đạo, từng bước dẫn dắt mọi tâm hồn nương đây mà tìm về nơi nguồn sống thiêng liêng hằng còn và chơn thật.
Người tu nếu mê luyến, chấp thủ pháp môn phương tiện hữu vi sắc tướng thì không bao giờ thấy tánh mà trở về bản thể chơn thường thanh tịnh của mình. Nếu chấp chỗ vô vi thanh tịnh mà bỏ mọi phương tiện pháp môn thì chúng sanh chẳng biết nương đâu mà đạt đạo.
Người tu đến chỗ quán triệt tinh thông thì hữu vô là một, nhưng mê ngộ rõ ràng, thánh phàm đôi nẻo. Xây dựng đạo là phải biết, phải chứng được Đạo. Nếu một chấp một thiên, hoặc mê mờ lẫn lộn bất thông, là bít lấp con đường cứu rỗi chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh lầm đường lạc lối thì đắc tội không nhỏ với Trời với người.
Người tu xây dựng đạo trước mắt là xây dựng chùa thất giáo đường, tổ chức giáo hội, hàng ngũ nhơn sanh. Nhưng nên nhớ đây là phương tiện để đi đến mục đích là sự tu chứng giác ngộ nơi tự tánh chúng sanh. Nếu mục đích không đạt, thì phương tiện cũng bằng thừa, mà sứ mạng cứu độ chúng sinh của tôn giáo trở thành vô hiệu. Xây dựng đạo chúng ta làm cho giáo quyền mạnh, giáo dân đông, giáo phẩm tôn quý, nhưng tinh thần hướng ngoại, chối bỏ yếu tố tâm linh, chạy theo danh sắc hữu vi, lợi quyền ám ảnh, đặt nền móng giáo hội trên dục vọng, đạo thể bị pha trộn thế tục, mất đi sự tịnh khiết trang nghiêm vô nhiễm, mà ơn cứu rỗi cạn dần, thánh tâm trở nên phàm chất, đó là điều đáng lưu tâm cẩn thận.
Xây dựng đạo rất cần người tài năng học rộng, song nếu người tài ba mà thiếu phần thực tu thực chứng, lại có địa vị giáo quyền, cũng dễ vì lý trí phàm tâm làm lung lạc giáo hội, phàm hóa Thánh ân, dẫn dắt nhơn sanh lạc hướng trên đường về Thượng Đế. Xây dựng đạo nên luôn luôn nhớ lời Thầy dạy: “Giáo Chủ toàn giác toàn chân mà không có môn đồ đắc đạo cũng không phương mở đường cứu độ, an trụ chánh pháp nhiều ngày.” ([18])
3. Thế Đạo đại đồng
3.1. Đại đồng theo quan điểm Nho Giáo
Xã hội đại đồng là một xã hội trong đó con người cùng sống cộng đồng sinh hoạt. Đó là một xã hội bình đẳng bác ái, người người chung làm chung ăn, cuộc sống thanh bình thánh đức, lòng người thắm thiết hòa thân, vui vầy tháng Thuấn ngày Nghiêu, sống cảnh trần gian như miền cực lạc.
Đức Khổng ngày xưa phác họa cảnh ấy như sau:
“Đạo lớn của trời đất khi được đại hành thì thiên hạ là của công. Việc thiên hạ chọn người hiền đức, cử người tài giỏi, giảng dạy điều tín nghĩa, ăn ở theo đạo hòa mục. Những người già cả là cha mẹ chung, trẻ nhỏ là con cháu chung. Trai nên danh phận, gái có lứa đôi, ấu thơ được nuôi dạy, tráng niên có chỗ dùng. Người góa vợ góa chồng, kẻ phế tật, già cả có nơi nuôi dưỡng. Của cải để nơi đồng trống chẳng ai chứa chất riêng. Nhà không đóng cửa, người đi đường không lượm của rơi.”
Sống có lý tưởng, có mục đích, lấy Đạo che thân, lấy việc thương người giúp người làm bổn phận, chăm lo tích phước tu nhơn, lấy điều thiện làm nền, lấy tình thương làm lẽ sống. Ai nấy tranh nhau làm phải làm lành, trọng danh dự, giữ khí tiết, ăn ở theo đạo Thánh Hiền nên đạo tặc không sanh, loạn tà không khởi mà thiên hạ thái bình. Các nền kinh tế, văn hóa, khoa học đều mạnh lành nhằm phục vụ Đạo Trời, cải hóa thế gian, đem sự ích chung cho nhân loại. Đi đến đâu cũng thấy người chất phác chân thuần, phong cách hiền nhân quân tử, không đảng phái thân sơ, không lợi quyền cám dỗ. Nhân phẩm được nâng cao, con người thực sự làm chủ xã hội mình. Quyền người không bị hạn hẹp, không bị chi phối bởi chánh kiến, tín ngưỡng mà chi phối bởi tinh thần hướng thiện, bởi lương tri và tâm đạo. Ở đây chỉ có một quyền lợi là quyền lợi con người, chỉ có một nền văn hóa là văn hóa thuần đạo đức, đặt nền tảng trên tinh thần một đại gia đình con chung của Thượng Đế, một tổ quốc nhân loại, một nền văn minh tình thương, một xã hội tạo phước hành thiện, một cảnh thần tiên tại thế.
3.2. Một mô hình đại đồng trong nền tân pháp Cao Đài
Nền tân pháp Cao Đài với con đường Trung Đạo, vừa đưa bước tiến hóa con người về chỗ hoàn thiện viên mãn, đồng nhất cùng Đạo cùng Trời, mà cũng vừa xây dựng thế gian, tạo cho loài người một nếp sống an lành đạo đức, phục hồi nền văn minh thánh thiện ngày xưa, làm cho đời đạo đề huề, phần tâm linh cũng như phần thể xác của con người đồng đều phát triển.
Con đường Trung Đạo ấy thể hiện bằng thể trung hòa, trong đời có đạo, trong đạo có đời. Trong tổ chức Giáo Hội Cao Đài có:
- Phái Thái là Phật tông xuất thế, đem đạo giải thoát vào trong công cuộc khai thế tạo thế, chăm nom hộ trì đời sống con người, khiến cho con người sống không mê danh đắm lợi, không tham lam, nặng về thể xác mà quên mất tâm linh.
- Phái Ngọc là Nho tông nhập thế, đem tinh thần tích cực vị nhơn sanh, phát huy nền đạo học tâm linh, hướng dẫn bước tiến của con người thích nghi với hoàn cảnh nhơn loại ngày nay mà không quá thiên về hư vô, yếm thế, cách biệt với đời.
Cơ cấu Giáo Hội Cao Đài xây dựng trên căn bản quyền pháp, dung hội Thánh phàm, thông suốt giữa Trời người bằng Thiên điều luật pháp mà dìu bước nhơn sanh trên đường tiến hóa.
Nhằm đạt mục đích đó:
- Giáo Tông thay mặt Thầy (Thượng Đế) cầm đầu Giáo Hội.
- Hộ Pháp thay mặt luật pháp bảo thủ chơn truyền.
- Đầu Sư thay mặt nhơn sanh cầm đầu Hội Thánh.
Đầu Sư thay mặt nhơn sanh thì Hội Thánh là của nhơn sanh.
Giữa Giáo Tông và Đầu Sư có Chưởng Pháp thay mặt Hộ Pháp làm trung gian. Những gì Giáo Tông truyền xuống, Đầu Sư dâng lên, hoặc nặng về lẽ Trời mà quá sức nhơn sanh, hoặc nặng về tình người mà sai phạm Thiên điều luật pháp, làm cho một bên không thể chấp nhận được, thì do nơi Chưởng Pháp bỏ phiếu quyết định, vì Chưởng Pháp có đến ba vị; cả ba phải đồng nhất mới có hiệu lực về ý kiến của ngôi vị mình.
Tận cơ sở nhơn sanh, quyền hành pháp và bảo pháp cũng chia hai. Phó Trị Sự thay mặt Giáo Tông; Thông Sự thay mặt Hộ Pháp.
Phận sự của Thông Sự theo Pháp Chánh Truyền là phải xem xét, kiểm duyệt cử chỉ, hành động của Phó Trị Sự. Mọi việc chi làm mất lẽ công bằng nơi địa phận của Phó Trị Sự cai quản mà Hội Thánh không rõ thấu thì Thông Sự phải chịu phần trách cứ. Thông Sự phải chăm nom, bênh vực những kẻ cô thế, ốm đau bệnh tật, v.v... Thầy đã dạy rằng nếu dưới mắt các con còn thấy một điều mất lẽ công bình thì Đạo chưa thành.
Để thực thi mô hình đại đồng trong quyền pháp Cao Đài, Giáo Hội Cao Đài gồm bốn cơ quan quyền pháp: Phổ Tế, Phước Thiện, Hành Chánh, Minh Tra.
3.3. Nền móng cho một xã hội đại đồng
Muốn mở cửa bước vào một thế giới đại đồng, trước nhất phải mở cửa cho một tâm niệm đại đồng. Có cải biến được tâm niệm con người thì mới cải biến được xã hội. Một xã hội văn minh tiến bộ có hạnh phúc hay thoái hóa đều do con người, bởi tinh thần giác ngộ của con người. Con người tốt kết hợp thành xã hội tốt, con người xấu tạo nên xã hội xấu. Nên con người phải tu học, giác ngộ tự thân, là nhân tố tiến bộ biết vì mọi người mà thực thi đạo đức, vì hạnh phúc chung xây dựng bản thân, xây dựng xã hội đương sống.
Để xây dựng con người, chánh pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gồm hai phần: Phần Thiên Đạo là giải thoát, phần Thế Đạo là đại đồng. Nói cách khác, phần tâm linh con người là phải hòa một cùng tâm linh vũ trụ, về với bản thể hằng còn, huyền đồng cùng Đạo. Phần thế gian là phải tạo dựng cảnh sống cho con người được an bình đạo đức, chuyển nguơn mạt kiếp thành nguơn thánh đức bảo tồn.
Hai phần này phải song hành tương quan chặt chẽ: Đạo chẳng xa đời, đời nương theo Đạo. Bậc giác ngộ, những người đã sáng tỏ tâm linh chăm lo dìu dắt chúng sanh, giúp cho chúng sanh được Đạo. Ai ai cũng lấy Đạo che thân, lấy công phu tu chứng của mình mà dựng xây cõi đời thánh đức.
3.4. Chương trình thực thi công cuộc đại đồng
Con người được ơn Thánh đức, sống trong pháp môn “khai thế tạo thế” theo chương trình tận độ của Thầy. Đáng lưu ý hơn con người có dòng máu phục sinh, gây được mầm sống tinh thần trong tiềm năng tự tánh. Ở đây thế hệ trẻ, thế hệ nối tiếp được chú trọng, được truyền thụ nguồn ơn điển của Thầy từ trong bào thai mẹ.
Tân Luật rất lưu tâm đến mỗi chơn linh khi nhập thế.
Trẻ con trong đạo sanh được ba ngày phải dâng lễ sinh nhật; ba tháng sắp lên phải đem đến thánh thất làm lễ tắm thánh, ghi vào bộ sanh của Đạo; phải chọn cha và mẹ đỡ đầu cho trẻ, phòng khi rủi phải thân côi. Từ sáu tuổi đến mười hai tuổi phải cho vào trường học chữ hay học đạo. Khi lớn lên trai mười tám, gái mười sáu tuổi thì thọ lễ thành nhân. Khi lập gia đình thành đôi bạn phải làm lễ hôn phối, chứng hôn ở thánh thất sở tại.
3.4.1. Xây dựng con người theo pháp môn Cao Đài
3.4.1.1. Lễ sinh nhật
Lễ sinh nhật đánh dấu sự hiện diện của một chơn linh khi nhập thế. Dù biết rằng đời là đau khổ nhưng cõi đời cũng là trường tiến hóa chung cho vạn loại. Vì không một cuộc tiến hóa nào mà không phải đổi bằng bao kinh nghiệm, bao vấp ngã, bao biến thiên dời đổi, vô thường… để đi đến chỗ tận cùng là hoàn thiện viên mãn.
Mỗi người khi đến thế gian là đã mang thân phận một thí sinh trên trường tiến hóa. Vậy đừng quên thuận theo Đạo lớn của Trời để tồn tại và tiến lên, đây là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ.
Pháp môn tận độ của Thầy cũng như trách nhiệm của người làm cha mẹ, phải làm gì đây đối với một điểm linh quang đã rời khỏi cảnh thiên mà vào cõi tục, đặt chân trên vạn nẻo thế đồ, hứng chịu bao công lệ phế hưng trên trường ma luyện để được tiến hóa cao thăng hay bị thối lùi và hủy diệt?
Vậy không thể thiếu được lễ sinh nhật cho trẻ sơ sinh để trình diện một linh hồn vừa đến thế gian trong cơ tận độ của Thầy. Lễ Sinh nhật để đặt tên cho trẻ sơ sinh là trực tiếp gắn cho nó một nhân phẩm trên đường tiến hóa. Lễ sinh nhật gắn bó một chơn hồn cùng đạo pháp, gắn bó đạo nghĩa con người với tình ấu tử từ thân.
Thế gian là cõi huyễn hóa vô thường. Trên vạn nẻo đường đời, con người nhập thế nếu không đủ căn lành giống tốt tích lũy qua nhiều kiếp tu hành thì rất dễ phiêu bạt theo ác tập của đời mà rơi vào mê đồ khổ hải, vùi chôn tự tánh, đánh mất vị cũ ngôi xưa, muôn kiếp đắm chìm trong vòng sinh tử luân hồi.
Vì vậy, con người sanh gặp Kỳ Ba chánh pháp hoằng khai, Đạo Trời rộng mở, gặp đặng chơn truyền chỉ rõ con đường giải thoát tâm linh, thật là tam sanh hữu hạnh. Người làm cha mẹ vì nhân duyên tiền định, Thầy trao gởi nơi mình một linh hồn, giữa mình và hài nhi Trời đặt ban cho một tình thương không bờ bến. Cha mẹ phải làm sao hướng dẫn tâm linh con trẻ khi chúng nhập cuộc thế gian, để con trẻ ý thức được chúng là một phần tử tiến hóa theo Đạo lớn của Trời; do đó con trẻ biết bảo tồn nhân phẩm, thuận lẽ thiên nhiên phát huy tự tánh. Bậc cha mẹ thấu hiểu yếu lý lễ sinh nhật để ý thức trách nhiệm, lấy đó mà truyền nhập vào tâm hồn trẻ tinh thần đạo nghĩa, tình thương lẽ sống, cảm hóa tâm hồn trẻ trong ơn cứu rỗi của Thầy.
3.4.1.2. Phép tắm thánh
Trẻ con nhà đạo dòng sinh ra trong vòng ba tháng trở lên được làm lễ tắm thánh. Tắm thánh là tắm gội Thánh ân, tức là tắm gội ân lành điển huệ của Thượng Đế.
Một linh hồn khi được cứu rỗi thì được làm phép giải oan ở người lớn. Phép tắm thánh đối với trẻ con giống như phép Thánh tẩy của đạo Gia Tô. Tắm thánh, giải oan cũng là phép khai giải oan khiên nghiệp chướng, đón ơn Thánh đức, mở khiếu thông linh, trực tiếp thông công cùng Thượng Đế và các Đấng thiêng liêng trong ơn phục sinh tái tạo.
Vì con người từ vô thủy đến nay quên đi tự tánh, gây nhiều tội lỗi nên hằng luân lưu theo nghiệp quả luân hồi, nổi trôi trong vòng sinh tử. Nay may duyên gặp Đạo, được ơn cứu rỗi nơi Thầy, xây dựng niềm tin, nối mối thông giao để tự tánh quy tùng Thượng Đế, về với bản lai, nhờ phép Đạo luyện tu tánh mạng, đoạt cơ Tạo Hóa thoát khỏi bể khổ sông mê cùng Đạo lớn của Trời mà hằng còn và an vui tự tại.
Lễ tắm thánh của con nhà đạo dòng cũng như lễ nhập môn của người vào Đạo, đồng giữ luật lệ, ngũ giới, tam quy. Người làm cha mẹ phải hướng dẫn cho con đức tin vào lẽ Đạo từ thuở măng thơ. Đây là giai đoạn quan trọng của tuổi trẻ, cha mẹ phải làm gương tốt, hằng dạy bảo khuyên răn, nuôi dưỡng tâm linh, chế kềm tật xấu. Phải lấy tình thương mà cảm hóa, lấy lễ giáo mà dạy bày. Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là mầm tâm đức, đạo hạnh, là nhân phẩm phải gieo cấy, in sâu vào tâm hồn trẻ.
Phép tắm thánh đến với con nhà đạo dòng là quan trọng. Con người nhờ phép này khai mở tâm linh, làm nền tảng cho con đường phát triển tâm đạo sau này.
Một con đường hoàn hảo phải phát triển đồng đều cả ba mặt đức, trí và thể (tức là tình cảm, lý trí và sức khỏe, hay đạo đức, trí thức và đời sống). Nhưng điều căn bản là đạo đức, vì nó là bánh lái của con thuyền. Tập cho con em ở trong nhà giữ được lòng hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài biết thuận hòa nhường nhịn, tin thật và thương mến mọi người, biết gần gũi người tốt, người giàu lòng nhân ái. Trước tiên tập và giữ các điều này cho trẻ, sau đó mới đến phần học hành thi cử, v.v…
Con trẻ dù phước mỏng nghiệp dày, nhờ ơn đức cưu mang, trợ duyên hướng dẫn cũng có thể đổi dữ ra lành, sớm giác ngộ tâm linh mà nên người hữu dụng. Nếu con trẻ được căn lành giống tốt, biết gắng công nuôi dưỡng thường xuyên thì tương lai sẽ huy hoàng, phúc nhà càng thêm rạng rỡ.
Đã thọ ơn tắm thánh vào hệ đạo dòng, thì được ơn phước của Trời, hưởng trọn pháp Đạo như một tín đồ thực thụ.
3.4.1.3. Lễ thành nhân
Một linh hồn nhập thế đến tuổi trưởng thành (trai mười tám, gái mười sáu tuổi) thì được thọ lễ thành nhân. Lễ thành nhân chứng cho người đến tuổi trưởng thành bước vào giai đoạn nên người, bắt đầu đặt hướng tương lai của mình trên đường tiến hoá.
Con thuyền tách bến ra khơi, người thủy thủ không thể thờ ơ tay lái. Nhưng chưa đủ, còn phải trao vào tay họ một chiếc la bàn để giữa cảnh trời nước mênh mông họ tìm thấy đường đi lối về, đem ý chí tài năng vượt qua bao hiểm trở khó khăn, sóng to gió lớn để cập bến vinh quang. Tuổi thành nhân là tuổi đã trải qua bao sự dạy dỗ ở nhà trường, uốn nắn của gia đình, hấp thụ truyền thống tâm linh con nhà Đạo, sẽ không đua đòi cùng bạn bè hư đốn bên ngoài, nhất nhất giữ lấy lễ giáo gia đình, ăn ở theo đạo lý thánh hiền mà trau dồi nhân phẩm.
Thành nhân là thành tựu cái nhân phẩm trong mỗi con người. Con người cần phải giữ trọn Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Nề nếp đạo đức ấy có xưa cũ hay không? Đạo đức thì không có xưa nay, cũ mới; thời buổi nào và ở đâu nó vẫn là lẽ sống tinh thần, là thước đo nhân phẩm, là yếu tố bảo tồn và phát huy hạnh phúc cho xã hội con người. Người thành nhân phải ý thức thực hành các đức tánh này.
- Hiếu: Con người gồm hai phần thể xác và tâm linh. Tâm linh Trời phú, thể xác cha mẹ sanh thành. Cả hai đều quan yếu như nhau. Con người nghĩ đến nguồn cội tâm linh mà kính thờ Thượng Đế, nghĩ đến nguồn cội thân mình mà nên kính thờ cha mẹ.
Sự có mặt của con người cũng như sự sinh hóa của muôn loài đều do cơ cảm âm dương. Nằm trong định luật ấy, đạo trời đất ở ngoài tỏ sáng từ nơi tự tánh lương tri. Trời phú nơi cha mẹ một tình thương không bờ bến, nhờ đó cha mẹ có bản năng chịu đựng bao đau khổ nhọc nuôi con từ tấm bé cho đến khi khôn lớn. Tâm hồn và thể xác giữa cha mẹ và con cái gắn chặt với nhau, sự sống tinh thần và thể xác liên hệ nhau, ràng buộc nhau thành ân nghĩa cao dày không chi so sánh đặng. Không một linh hồn tiến hóa nào, một đấng Tiên Phật nào lãng quên đạo hiếu. Chỉ có những kẻ táng tận lương tâm, tinh thần đen tối, tách rời sự sống tình thương mới có thể quên ơn cha mẹ. Đạo hiếu là đạo lớn trong trời đất.
- Đễ: Đễ là sự sống hài hòa giữa anh chị em, bằng hữu, giữa con người và con người.([19]) Con người dù trí ngu, mê ngộ khác nhau nhưng vẫn đồng một tự tánh Thượng Đế, vẫn bình đẳng như nhau. Thế nên người hiểu đạo biết kính trọng mọi nguời như kính Trời. Thiện ác là việc của người trí ngu, ngộ mê là sự tiến hóa mau chậm của mỗi linh hồn; bổn phận con người là phải biết thương yêu, giúp đỡ, nhủ khuyên, dìu bước nương chân nhau trên đường về Thượng Đế. Sự hòa hảo giữa con người và con người là đạo lớn trong trời đất. Đạo ấy tạo hạnh phúc thế gian, làm nên giá trị con người và hoàn thiện viên mãn một linh hồn tấn hóa.
- Trung: Trung là lòng nghĩa khí. Lòng ấy chơn thật với mình với người, với chính đạo; chu toàn bao nghĩa vụ khó khăn, không trước sau bất nhất, chẳng dối trá hai lòng; trung với Tổ Quốc, đồng bào, với đường ngay lẽ phải, với Đạo lớn. Trung là đạo nghĩa của Trời và của người vậy.
- Tín: Tín là lòng tin bằng sự chơn thật. Mỗi người phải có lòng tin nơi người và tạo lòng tin nơi mình. Một lời hứa, một việc làm dù phải hy sinh đến tính mạng cũng bảo toàn chánh nghĩa lòng tin. Tín là nền tảng của đạo người, của trời đất, của vạn hữu, của sự sống tình thương và lẽ thật, là nền móng của bao đức tốt.
- Lễ: Lễ là cái khuôn của Đạo, cương lý của Trời, hòa điệu của người. Luật ngăn ngừa sự sai quấy của tiểu nhân, giúp cho người quân tử khỏi sai quấy. Lễ uốn nắn nghi dung, điều tiết hình thức, nuôi dưỡng tâm linh để cho người thuận theo Trời, ứng hợp với Trời, đặt nền móng thánh đức nơi lòng người, mà làm cho Thiên nhân tương hội.
- Nghĩa: Nghĩa là đạo chính, là việc làm theo lẽ phải, là gốc dũng khí của bậc quân tử và Thánh Nhân. Thực hiện đạo nghĩa là phát huy lẽ sống tâm linh của con người trong xã hội. Thực hiện đạo nghĩa là đem lại sự công minh, nhân ái. Vì nghĩa người ta xem nhẹ tiền tài danh vọng, quên cả thân mình hy sinh vì chánh lý. Nghĩa làm hoàn hảo nhân phẩm, làm sáng tỏ đạo trời đất, đạo người bằng tâm.
- Liêm: Liêm hay thanh liêm, chính là sự trong sạch của lòng người. Tâm hồn trong sáng như tự tánh Trời ban, không ô nhiễm, không mê mờ tham luyến, không đắm say tiền tài danh lợi thế gian. Để có được đức liêm con người phải vượt qua mọi cám dỗ của lòng tham bằng nghị lực dũng mãnh. Dù một cây kim, một sợi chỉ không phải của mình cũng không xâm phạm. Đức thanh liêm nâng cao phẩm cách của con người, hoàn thiện viên mãn, theo Đạo lớn của đất trời.
- Sỉ: Sỉ là sự biết xấu hổ vì lỗi lầm sái quấy. Lương tri thường thúc giục con người đi vào đường ngay lẽ phải, thực hiện các đức tốt. Nhưng con người vẫn bị nghiệp lậu chướng duyên dẫn vào chỗ lầm mê đen tối, xa lìa tự tánh, hạ thấp nhân phẩm mình mà đi vào nơi đê hèn tội lỗi. Sỉ là động cơ để con người biết giác ngộ, hồi tâm sửa chữa lỗi lầm. Trái lại, không biết xấu hổ với tội lỗi của mình tức là liều lĩnh dấn sâu vào tai họa.
Lòng xấu hổ là yếu tố cần thiết để các bậc hiền nhân quân tử bảo trọng tự tánh nơi mình, làm sáng tỏ thanh danh đức hạnh.
Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là những viên ngọc sáng tô điểm cho một nhân vị tiến hóa tại thế gian, là thước đo giá trị đạo đức của con người. Đây là tiêu chuẩn của nhơn đạo. Con người muốn đạt lấy phẩm vị thiêng liêng trên đường tu tiến, lọt vào được cửa Trời phải hội đủ những chuẩn mực trên.
Riêng với nữ phái, ngoài các đức tánh trên còn phải giữ tam tùng, tứ đức.
Tam tùng là ba điều mà phụ nữ cần làm, giữ lòng thuận thảo trong các mối quan hệ: với cha mẹ, chồng và con cái. Tam tùng thể hiện thiên chức thiêng liêng chứ không phải là phục tùng nô lệ.
- Tùng phụ: Khi còn nhỏ ở với cha mẹ, nhờ ơn nuôi dạy, lòng biết hiếu kính ngoan hiền, vâng lời cha mẹ, giữ hạnh nhu hòa.
- Tùng phu: Khi lập gia đình, sống với chồng, phải biết nhường nhịn kính yêu chồng, giúp chồng làm nên sự nghiệp vẻ vang với đời với đạo.
- Tùng tử: Khi chồng chết, chu toàn trách nhiệm với con, thay chồng nuôi dạy con, giữ trọn đạo nghĩa với chồng, hết mình gầy dựng cho con, dắt dìu con được nên người, làm nên danh phận.
Đây là đạo nghĩa của nữ giới, vừa thiêng liêng cao quý, thể hiện đạo làm người, vừa là nền tảng xây dựng hạnh phúc thế gian.
Nữ giới còn thêm bốn đức tốt căn bản là công, dung, ngôn, hạnh. Tứ đức là yếu tố tạo thành một người gương mẫu.
- Công: Sự khéo léo, thạo việc, đảm đương công việc gia đình, xã hội, v.v... Trong nhà thì quán xuyến từ việc nội trợ đến việc nuôi dạy con cái. Ngoài xã hội thì góp khả năng tài lực trong công việc hữu ích.
- Dung: Dung mạo con người phải trang nghiêm đoan chính, nết na đằm thắm, không se sua diêm dúa, toát ra vẻ đẹp thuần khiết tự nhiên.
- Ngôn: Lời nói phải nhỏ nhẹ, dịu dàng, chơn chánh, khiêm tốn, lễ độ, gây được thiện cảm với mọi người.
- Hạnh: Nết na, cái đẹp vô giá bên trong của con người. Đó là đức tính thể hiện ra bên ngoài tính cách kín đáo, thanh cao nhã nhặn, nhu hòa đằm thắm.
Tam tùng, tứ đức là thang giá trị của phụ nữ trong nền đạo đức phương Đông, ngàn đời cũng không phủ nhận.
3.4.2. Xây dựng gia đình – lễ thành hôn
Con đạo dòng qua các lễ sinh nhật, tắm thánh, thành nhân xem như đã trang bị cho linh hồn một cuộc nhập thế có đủ ân sủng thiêng liêng, có đủ sự dìu dắt của cha mẹ, của đạo tràng trong chương trình tận độ.
Ở đây mầm sống được phục sinh, hột giống đạo đã ươm đặt trong tâm hồn trong trắng của con người. Hột giống ấy phải giữ được phần thuần khiết trong chương trình phát triển, để sanh sôi nẩy nở một cách không pha tạp. Để được vậy, luật đạo buộc phải kết hôn trong người cùng đạo, hoặc người thuận nhập môn, để cùng được ân điển phục sinh, chung dòng đạo pháp thiêng liêng, cùng sống thuận chiều trên đường thăng tiến và rồi cùng đặt hạt nhân cho một thế giới cộng đồng hạnh phúc.
Để tiến hành xây dựng một gia đình, đôi nam nữ trước khi kết hôn phải nghiên cứu, tìm hiểu, tuân y luật đời và luật đạo. Điều cốt yếu là hội đủ những yếu tố căn bản như không có bệnh truyền nhiễm, có tâm đạo, đức hạnh, hợp nhau về tánh tình, có nghề nghiệp.
Lễ chứng hôn được tiến hành tại thánh thất sở tại, do vị Đầu Họ Đạo làm phép bí tích, đem tên vào bộ hôn phối. Từ đây đôi lứa tự đặt mình vào khuôn phép xây dựng một gia đình gương mẫu đạo đức, theo đúng quy giới, luật lệ đạo đời:  Hiếu thuận trên dưới, thân hòa với bà con chòm xóm. Siêng năng lễ bái, tu học tại nhà cũng như về thánh thất, thánh đường. ƒ Nuôi dạy con cái ngoan hiền.
Hôn nhân là sự kết hợp đôi tâm hồn, bước đầu là sự luyến ái chân thành giữa người nam và người nữ để đi đến gắn bó ân nghĩa trăm năm, trọn đời chung sống.
Sự chung sống trọn đời không đơn thuần ở tình yêu mà còn thêm tinh thần trách nhiệm, ràng buộc bằng đạo nghĩa con người với thiên chức làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ, vừa xây dựng gia đình vừa xây dựng xã hội, chu toàn nghĩa vụ với đời với đạo.
3.4.3. Xây dựng xã hội
3.4.3.1. Nhân quần trong đại gia đình Thượng Đế
Sống trong xã hội, con người phải tìm cho được mối tương quan giữa cá nhân với tập thể, giữa cá thể với đại thể vũ trụ; thấy cho được sự nhất thống của vạn thể, dung hợp cho được mọi dị biệt nhỏ hẹp là tìm một lẽ sống tâm linh đích thực.
Đã biết vạn hữu chúng sanh từ một nguồn gốc trong luật âm dương cấu tạo, bởi một đấng Tạo Hóa sinh thành thì dù đất đá cỏ cây, côn trùng cầm thú cũng đều là con chung trong gia đình Thượng Đế, gắn bó trong tình thương của Ngài.
Trong đại gia đình đó, con người là loài tối linh phải nhìn nhận và tôn thờ Thượng Đế là đấng cha chung của vạn loại, đem lòng từ bi và đức háo sanh của Ngài mà thương yêu lẫn nhau, không phân chia màu da sắc tóc, sang hèn khôn dại. Đối với các đẳng hồn cấp thấp, con người có tình thương và bổn phận dìu dắt nâng bước trên đường tiến hóa.
3.4.3.2. Một xã hội tình thương
Con người cùng một gia đình Thượng Đế, con chung một cha, huynh đệ một nhà, một tình thương ruột thịt. Tình thương làm tăng thêm phẩm giá con người, tăng thêm nguồn hạnh phúc thế gian, thắt chặt sợi dây thân ái, tăng thêm ý nghĩa sống của đời. Tình thương là nền tảng của các đức tốt, là nhân cách của con người. Phát huy được tình thương là phát huy lẽ sống, đem lại thanh bình thịnh vượng, là nền tảng cho một thế giới đại đồng, xây dựng cảnh thiên đường tại thế.
Trong một thế giới đại đồng, tình thương thấm đượm như hơi ấm mùa xuân, như gió mát mùa thu, như màu xanh trên cánh đồng ruộng mênh mông. Muôn loài đồng sưởi ánh dương quang, sức sống dồi dào phát triển. Tình người nồng thắm, vui khổ có nhau, gắn bó mối chân thành, sớt chia niềm ấm lạnh, cay đắng chung nhau, ngọt bùi chia sẻ, tình nghĩa thật là thiêng liêng thắm thiết. Con người sống vì đạo nghĩa cân bằng, sống vì mọi người, sống cho mọi người, vì hạnh phúc chúng sanh. Lòng nhân ái tràn đầy, đức hy sinh cao cả, thấy người được như mình được, người mất như mình mất, nhường phần hay, lãnh phần thiệt, lấy niềm vui kẻ khác làm niềm vui của mình, hạnh Bồ Tát sáng ngời, tâm bồ đề nảy nở. Lấy việc giúp khó trợ nghèo chia vui sớt khổ làm nếp sống văn minh, đem lại hạnh phúc cho người, làm nên trong cộng đồng xã hội. Điều thiện chảy tràn trong huyết quản, thấm nhuần trong tâm trí là nấc thang tiến hóa tâm linh, là Đạo lớn của Trời, là bản thể trọn lành Thượng Đế, là nền móng vững chắc cho một cộng đồng xã hội. Người cùng người vui tình đẹp ý, ái kỉnh hòa thân, điều thiện nuôi lớn tâm hồn, vị tha ái chúng, dựng xây cho cuộc sống thế gian một nền đạo đức thanh cao, một xã hội tiến bộ, lành mạnh.
3.4.3.3. Cùng một hướng đi lên
Trên đường thăng tiến, con người đã thấm nhuần đạo lý cầu sự tiến bộ tâm linh, đồng nhất cùng Thượng Đế; hướng đi của con người là trở về cùng bản thể trọn lành, phát huy mọi tiềm năng, làm sáng tỏ bản lai tự tánh. Mục đích, tư tưởng, hành vi, cử chỉ của con người không ra ngoài hướng đó. Vì vậy tất cả mọi người cùng chung lòng tu học, đem mảnh tâm điền trồng cây phước thiện, xây dựng cảnh đời thanh bình thánh đức. Trên đường thăng tiến này con người được phát triển tâm linh ngày một trọn lành viên mãn; bằng lòng thương, bằng công đức lợi lạc chúng sanh xây dựng nền thế đạo mạnh lành, đưa cuộc sống con người vào chân thiện mỹ. Đây cũng là công đức phát huy bản thể, phát triển tiềm lực toàn thiện toàn năng để con người viên thành đạo quả. Không còn riêng tư, vị thân vị kỷ, từ bỏ mọi danh lợi thường tình, thân tâm mỗi người hoàn toàn giải thoát. Tinh thần giải thoát thể hiện ở chỗ trời đất bao la là gia đình, lấy thiên hạ làm thân, người người là ruột thịt, luôn luôn vì lợi ích chung mà phục vụ.
Đó cũng chính là đức hy sinh cao cả, là hạnh bồ đề, tâm Bồ Tát, đưa cuộc sống đến chỗ chí chân, chí thiện, chí mỹ.
ĐẠT ĐỨC



([1]) Cố nhân giả, thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã. (Lễ Ký: Lễ Vận)
故人者 , 天地之德 , 陰陽之交 , 鬼神之會 , 五行之秀氣 也 . (禮記: 禮運)
([2]) Cùng đối đãi với nhau gọi là lưỡng đoan 兩端. Chấp kỳ lưỡng đoan 執其兩端 (Lễ Ký 禮記) là cầm nắm cả hai mối, như vậy không thiên lệch; đó là Trung.
([3]) 執其兩端,用其中 (Trung Dung, Chương 6). Nắm lấy hai đầu mà dùng chỗ trung của chúng.
([4]) Ki Tô Giáo còn gọi Thánh linh là Thần khí (Spirit).
([5]) Bổ thiên cứu tệ 補偏救弊: Sửa chỗ sai lệch, sửa chữa điều xấu xa, tai hại.
([6]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb 2011, tr. 136. Quyển 36 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([7]) Vô vi nhi vô bất vi 無為而無不為. (Không làm gì mà không gì là không làm.)
([8]) Theo thánh ngôn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 30 tháng 6 năm Đạo thứ 36.
([9]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 7. Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. (Trích Phàm Tự của Trần Văn Quế.)
([10]) Vật dục sở tế 物欲所蔽: Bị các ham muốn vật chất che lấp. Tế là che lấp. Khí bẩm sở câu 氣稟所拘: Bị cái bẩm sinh về tính khí trói buộc. Câu là hạn chế, giới hạn, gò bó. Bẩm là có sẵn từ khi sinh ra. Tạm hiểu khí bẩm là tính di truyền.
([11]) Tam giới 三界 là ba cõi của vòng luân hồi sinh tử, là nơi các loài hữu tình tái sinh trong sáu đường (lục đạo). Tam giới gồm: dục giới , sắc giới 色界, vô sắc giới 無色界. Con người thuộc về dục giới, cùng với các loài khác là ngạ quỷ 餓鬼 (quỷ đói), súc sinh 畜生 (thú vật), a tu la 阿修羅 (asura)…
([12]) Câu phược 拘縛: Gò bó và trói buộc.
([13]) Đại Thừa Chơn Giáo. Bản in Trước Tiết Tàng Thơ (Thủ Thiêm, 1956), tr. 45.
([14]) Trai giới liên quan tới giới cấm sát sanh. Giới cấm này có trong giới luật của các tôn giáo Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ.
([15]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển thứ nhất, đàn ngày 08-6 Bính Dần (17-7-1926).
([16]) Ở cuối Hệ Từ Thượng (Kinh Dịch) viết: Thần nhi minh chi tồn hồ kỳ nhân; mặc nhi thành chi, bất ngôn nhi tín, tồn hồ đức hạnh. 神而明之存乎其人; 默而成之, 不言而信, 存乎德行. (Sáng suốt để rõ là cốt ở người, lặng ngầm để hiểu, không nói mà tin là cốt ở đức hạnh.) Dẫn lại trong: Huệ Khải, Tam Giáo Việt Nam – Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 19. (Quyển 22-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([17]) Tuy danh đắc Đạo, thật vô sở đắc. Vị hóa chúng sanh, danh vi đắc Đạo. (Thanh Tĩnh Kinh) 雖名得道, 實無所得. 為化眾生, 名為得道. (清靜經)
([18]) Tịnh Đường, Tý thời, 08-11 Nhâm Dần (04-12-1962).
([19]) Đễ là kính trọng người trên, thân ái giữa anh em.