Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ GIÁNG SINH 3/6


SỐNG HIỂN VINH CÙNG THIÊN CHÚA
ĐƠN TÂM
Hôm nay,([1]) 24-12, khắp nơi trên thế giới rộn rịp tổ chức kỷ niệm Chúa Giêsu giáng sinh. Trong các nhà thờ Kitô Giáo và Tin Lành, đêm nay sẽ vang dội những bài thánh ca cùng với các bài thuyết giảng mừng Chúa Giêsu giáng trần và tôn vinh Đức Chúa Trời.
Chẳng hạn, từ đoạn Phúc Âm chép theo Thánh Gioan (3:16-18), các đạo hữu Tin Lành đã sáng tác nên bài thánh ca Chúa Yêu Thế Gian như sau:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, là Giêsu. Hầu cho hễ ai tin, hễ ai tin, hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất bao giờ, không bị hư mất bao giờ, thì được sự sống, được sự sống, sự sống đời đời. Amen.”
Trong những bài thuyết giảng đêm Noël hằng năm, các vị linh mục Thiên Chúa Giáo và mục sư Tin Lành thường quan tâm nhắc nhở tín đồ về ý nghĩa sự kiện lịch sử ngày Chúa giáng sinh, về ơn cứu rỗi, đồng thời cầu nguyện cho những ai hòa mình vào đêm vui Noël mà chưa tin Chúa sẽ sớm nhận được ơn cứu rỗi của Ngài.
Cộng đồng tín hữu Cao Đài hằng năm tổ chức đại lễ kỷ niệm mừng Chúa Giêsu giáng sinh và tôn vinh Thiên Chúa, chẳng phải chỉ với lòng tôn kính vị Giáo Chủ của một tôn giáo bạn, mà còn tôn vinh Thiên Chúa với tấc lòng thành kính dâng lên chính Thầy mình, bởi lẽ Đức Chúa Trời của Kitô Giáo chính là Đức Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ, chính là Đức Thượng Đế, Đức Chí Tôn chung của mọi người có tín ngưỡng.
Tôn vinh Thiên Chúa chẳng phải chỉ trong ngày vui Noël hằng năm. Con người thật sự biết tôn vinh Thiên Chúa sau khi giác ngộ rằng nếu không nhờ ánh sáng cứu độ của Ngài thì đời mình sẽ quẩn quanh trong vòng tội lỗi, chẳng biết đường ngay nẻo chánh để quay về nguồn cội vinh quang của mình. Do đó mà người hiểu đạo ngày ngày thầm tạ ơn Thiên Chúa, biết ơn Thượng Đế, và không ngớt tôn vinh Ngài.
Tôn vinh Thiên Chúa cũng chẳng phải chỉ bằng những hình thức lễ bái bề ngoài, mà tôn vinh Thiên Chúa với thâm tâm gần gũi, thương yêu, tôn kính và nguyện xin được đón mừng Chúa ngự nơi tâm mình.
1. Vinh hạnh biết bao khi được Chúa ở cùng mình
Dịp Noël 1989, cũng tại thánh thất Bàu Sen này, chúng tôi đã thuật câu chuyện chú lừa cảm thấy vinh hạnh biết bao khi được Chúa ở cùng mình:
Một hôm Chúa vào thành Giêrusalem.([2]) Dân chúng hay tin bèn ùa tới đông đảo để mừng Ngài. Nhưng công chúng quá đông, nhiều người chẳng nhìn thấy được Chúa nên cất tiếng kêu: Chúa đâu? Chúa đâu?
Một môn đồ có sáng kiến bèn dắt một con lừa tới và thỉnh Chúa ngồi lên lưng lừa. Nhìn thấy Chúa, công chúng vỗ tay reo mừng.
Chúa cỡi con lừa đi tới giữa đám đông để ban phước cho mọi người. Chúa cỡi lừa đi tới đâu, lừa đều thấy công chúng kính cẩn nghiêng mình đồng thời nét mặt lộ vẻ mừng vui. Lừa bắt đầu cảm thấy mình phải nghiêm chỉnh, trân trọng, đi ngay ngắn, đồng thời lòng cũng cảm thấy vui mừng, được vinh dự có Chúa ở cùng mình. Từ trước tới nay có bao giờ lừa cảm thấy được vinh dự như thế đâu; có bao giờ lừa cảm thấy mình quan trọng như thế đâu. Trong đám đông lại có người tỏ ra thương lừa, thưởng cho lừa những bông lúa mì thật tươi nữa chớ.
Mong rằng huynh tỷ, đệ muội chúng ta mỗi người đều suy nghĩ về câu chuyện mang tính hàm dụ này được chép trong Kinh Thánh và mỗi người đều náo nức cung thỉnh Chúa ngự nơi tâm mình.
Câu chuyện ngắn, đơn giản, bình dân như thế, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa bổ ích cho đời sống tu hành của mỗi tín đồ. Được có Chúa, chúng ta không những vừa cảm thấy vinh dự, phấn khởi, vừa ý thức rằng mình cần trở nên nghiêm chỉnh, trân trọng, tu hành đàng hoàng hơn, và lại còn cảm nhận được điều phúc hạnh: Đời sống tu hành xứng đáng đã tôn cao Thượng Đế, cho người đời trông thấy Thượng Đế để mà ngưỡng mộ tôn thờ. Đó là ý nghĩa làm sáng danh Thầy danh Đạo mà người tín đồ Cao Đài phải hằng tâm tâm niệm niệm.
2. Điều kiện để được Chúa ở cùng mình
Cần biết rằng chẳng phải hễ đã nhập môn, đã là tín đồ thì đều đã có Chúa, có Thượng Đế, có Phật ngự vào tâm mình, ở cùng mình. Đây là vấn đề then chốt mà chúng ta cần phân tích kỹ lưỡng.
Theo nguyên lý Thiên địa vạn vật đồng nhất thể thì mỗi con người đều là một tiểu linh quang xuất phát từ khối Đại Linh Quang (là ngôi Thái Cực, là Đấng Thượng Đế).
Nói theo Nho Giáo và Lão Giáo thì mỗi con người đều được Thượng Đế phú cho một lương tâm, hay Thiên tánh, Thiên mạng. Nói theo Phật Giáo thì “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.” ([3])
Kinh Thánh Kitô Giáo dạy: “Người ta không thể nói Nước Trời ở đây hay Nước Trời ở đó, vì này, anh em nên biết Nước Trời đã ở trong anh em. ([4])
Thế thì sướng quá, ai cũng như ai, đều có Trời, có Phật, có Chúa ở cùng mỗi người rồi! Đó là tình thương vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời, của Thượng Đế ban đều cho mỗi chúng sanh. Tuy nhiên, như trong mỗi cái hột đều có sẵn cái mầm, nhưng lại còn cần phải có điều kiện, có duyên lành để mầm trong hạt nảy nở và phát triển thành cây.
Ai chẳng màng nghĩ tới thiện tâm, Phật tánh, Thiên mạng vốn sẵn có nơi mình; ai không muốn quay đầu hướng thượng trở về cùng Thượng Đế, không quyết tâm vén bức màn đen tội lỗi do thất tình lục dục căng lên, thì dù có sẵn Thiên tánh nơi mình, cũng phải chịu như mặt trời bị mây che khuất, con người không cảm nhận được sự linh diệu của “mầm Trời”.
Nói cách khác, Trời bố điển khắp nơi, ai muốn tiếp nhận? Xin hướng tâm chân thật về với Thượng Đế và vói tay bật “công tắc”: Có điện, đèn sáng ngay? Hay chưa có điện, đèn không sáng? Trường hợp “công tắc” bị chất bợn quá dày của tội lỗi làm ngăn trở dòng điện, chúng ta chỉ cần quyết tâm trừ “chất cách điện” (là nhân dục) thì giữa Trời và người sẽ được thông công, kết nối ngay tức khắc.
Những ai chẳng biết lo tu hành, thanh lọc thân tâm, vào cửa đạo mà ngày ngày đọc kinh hay cầu nguyện chỉ bằng lời lẽ ngoài cửa miệng, thì chẳng thấy Chúa, thấy Trời, thấy Phật ở đâu cả. Vì thế mà các kinh sách, một mặt đều nói Trời Phật đã có sẵn trong lòng chúng sanh, nhưng mặt khác lại còn dạy thêm, dặn dò, nhắc nhở. Kinh Thánh chép:
“Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em. ([5])
Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi tâm trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Kitô. ([6])
Đức Cao Đài dạy:
Con có thánh tâm sẽ có Thầy
Thầy là cha cả của Đông Tây
Tây Đông dù biết hay không biết
Thì đức háo sanh cũng thế nầy.([7])
Đối với người phát tâm hướng thượng, muốn hiến dâng đời mình để phụng sự Đạo, Đức Chí Tôn dạy:
Thầy không mượn lâu đài chùa thất
Mượn lòng con chơn thật mà thôi
Không chức sắc, không vị ngôi
Mà còn khổ cực, còn hồi gian nan.([8])
Từ những thánh giáo, những đoạn Kinh Thánh trích dẫn trên đây, ta có thể khẳng định rằng muốn có Thượng Đế, có Chúa ngự nơi tâm mình thì tâm mình phải là tâm hướng thiện, tâm thành khẩn lo thánh hóa mình, tâm chân thật hiến dâng để phụng sự.
Nói cách khác, Trời, Chúa chẳng từ đâu đến, mà chính là mầm Thiên tánh, lương tâm, Phật tánh vốn đã có sẵn trong lòng người, bấy lâu bị vùi lấp dưới lớp bụi trần. Nay hễ ai biết lo tu hành, quyết phủi sạch bụi trần, thì Thiên tánh, lương tâm, Phật tánh bừng sáng lên, soi đường cho thế nhân lần bước về nguyên vị.([9])
Một người kia vốn không có đức tin, hỏi đùa người bạn có đức tin như sau: “Trong đạo giáo quý vị thường nói Trời ở khắp mọi nơi, lẽ nào Ngài lại trừ tôi ra không thèm ở? Mà hễ đã chừa tôi ra thì không còn có thể nói rằng Thượng Đế ở khắp mọi nơi.”
Xin thưa: Thượng Đế nào có trừ anh ra. Ngài công bình ở cùng anh như ở cùng mọi chúng sanh đó chớ! Nhưng vì anh không chịu nhìn vào lương tâm mình để tìm Ngài nên không thấy Ngài đó thôi. Ý này từng được người Pháp diễn tả bằng câu: “Dieu est partout et nulle part. Người có tâm đạo thì nhìn đâu cũng thấy Thượng Đế, người chẳng có tâm đạo thì không thấy Thượng Đế ở đâu cả.
Trong số anh chị em chúng ta cùng nhau họp mặt mừng Chúa Giêsu giáng sinh hôm nay đây, xin hãy tự vấn xem lâu nay mình thật đã có để lòng cảm tạ và kính yêu Thượng Đế, thật đã dâng tâm mình làm đền thờ để Thượng Đế ngự chăng? Và đã có ấn chứng nhận được vinh quang Thượng Đế ở cùng mình chưa?
Thí dụ, khi cầu nguyện, khi niệm danh Đức Chí Tôn, anh chị em có nhận được luồng ân điển chạy khắp châu thân không? Nếu đã có thì chúng ta hãy mừng cho nhau, cùng nhau cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương chúng ta và ở cùng chúng ta. Hơn thế nữa, hãy nguyện hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, cho Thượng Đế, cho Đạo, sẽ được sống hiển vinh với Ngài, như lời hát:
Đời tôi dâng trong tay Chúa,
Nguồn sống tôi vốn từ Chúa,
Tôi sống với Ngài, sống hiển vinh với Ngài,
Vì Chúa đã sống trong tôi.
3. Đừng lãng quên Chúa, coi chừng mây đen che khuất mặt trời
Kinh nghiệm sống đạo cho thấy rằng chẳng phải hễ được ơn Thượng Đế hiện diện trong tâm mình một lần thì rồi Ngài sẽ ở luôn, ở vĩnh viễn cùng chúng ta. Tâm của người tu hành phải cảnh giác, tỉnh thức luôn luôn, không được dể duôi xao lãng, lơi sức hướng thượng. Hễ dể duôi buông thả thì lục dục thất tình lại nổi lên quấy động và hễ mây kéo tới thì mặt trời lại bị che khuất.
Kinh Thánh chép rằng một hôm Chúa cùng môn đồ đi thuyền trên biển Galilê. Trong khi Chúa ngủ quên thì sóng to gió lớn nổi lên sắp nhận chìm thuyền. Các môn đồ đánh thức Chúa dậy, Chúa bèn giơ tay phán: “Hỡi sóng to, hãy yên lặng!” và quả thật sóng gió lại yên.([10])
Câu chuyện dụ ngôn (parable) này giúp chúng ta suy nghĩ: Bảo rằng Chúa ngủ quên, nhưng phải tự xét rằng tại chúng ta quên Chúa, để Chúa ngủ quên, mà hễ bỏ quên Chúa, không thường xuyên giữ đường dây thông công liên lạc để trao đổi tín hiệu, báo cáo tiến độ công quả, công trình, công phu, và tình hình cơ đạo cùng Ngài, hễ bỏ quên Ngài thì lập tức tà niệm cùng lục dục thất tình dấy lên, gây sóng gió trong đời sống tâm linh của chúng ta.
Mỗi người tu (hành giả) có thể tự kiểm tra đời sống tâm linh của mình hằng ngày để giữ mức độ tu tiến của mình cho được liên tục, đừng để sóng gió ba đào nổi lên rồi mới sực nhớ lại và kêu cứu với Ơn Trên.
Chúng ta có thể thử nghiệm bằng cách sau đây: Hằng ngày, mỗi khi cầu nguyện, hễ lúc niệm danh Đức Chí Tôn, danh Chúa… mà chúng ta cảm nhận được ngay “dòng điện” chạy rần trong thân mình thì biết rằng đường dây thông công, kết nối giữa Thượng Đế và chúng ta rất tốt. Lúc nào dòng điện thông công không còn nhạy bén thì chúng ta phải lập tức biết rằng đời sống tâm linh của mình đang bị sa sút. Hãy tìm nguyên do và chấn chỉnh ngay.
Đọc Kinh Thánh, tôi rất ngưỡng mộ, rất thương và rất kính phục Thánh Phaolô, vị Thánh đã công khai tuyên bố: “Tôi sống, nhưng chẳng phải tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi. ([11])
Trong đời sống sứ đồ, bởi Chúa sống trong Thánh Phaolô, nên Ngài đã chinh phục dễ dàng rất đông người ngoài Công Giáo đến với Chúa. Chúng ta cảm động biết bao khi đọc tới những đoạn tả cảnh mọi người tín đồ đều khóc sướt mướt, tỏ lòng thương xót Thánh Phaolô mỗi khi Ngài gặp điều khổ cực gian nan trên đường sứ mạng.
Sẽ thật tốt đẹp và hiệu quả lắm thay nếu mọi người tín đồ nào, nhứt là cấp lãnh đạo mọi tôn giáo nào cũng đều được như Thánh Phaolô: Giờ phút nào cũng tự biết và chứng minh cho mọi người thấy rằng Chúa đang sống cùng mình và mình đang sống hiển vinh cùng Chúa.
Buổi sáng hôm nay chúng ta họp nhau để hành lễ kỷ niệm mừng Chúa Giêsu giáng sinh, để tôn vinh Thiên Chúa về tình thương cứu độ của Ngài.
Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa vì Ngài đã ban ơn cho hàng ngũ tín đồ Cao Đài chúng ta biết nêu cao tôn chỉ Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, biết tôn vinh Thiên Chúa tại Đài Cao.
Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa đã ban ơn cho chúng ta trong mùa giáng sinh 1991 này cơ hội cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa, nhu cầu và điều kiện để có được Thượng Đế ở cùng mình, luôn luôn ở cùng mình không gián đoạn và quyết tâm tìm ánh vinh quang của một tín đồ được sống hiển vinh cùng Thượng Đế (Thiên Chúa). Đặc biệt cần thiết là ánh vinh quang của người Thiên ân sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ luôn có Thượng Đế ở cùng mình trong thế Thiên nhơn hiệp nhứt mà hoàn thành được sứ mạng Kỳ Ba.
ĐƠN TÂM
Thánh thất Bàu Sen 24-12-1991




([1]) Bài nói chuyện tại thánh thất Bàu Sen, ngày 24-12-1991.
([2]) Luca 19; Matthêu 21. Xem minh họa ở trang 18.
([3]) Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.
([4]) Luca 17:21.
([5]) Thư 1 Gửi Tín Hữu Côrintô 6:20.
([6]) Thư 2 Gửi Tín Hữu Côrintô 4:6.
([7]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ngày 15-01 Đinh Tỵ.
([8]) Thánh thất Nam Thành, ngày 01-01 Ất Tỵ (02-02-1965).
([9]) Nguyên vị: Ngôi xưa vị cũ trên trời, trước khi xuống thế gian.
([10]) Matthêu 8:23-26.
([11]) Thư Gửi Tín Hữu Galát 2:20.