Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ PHỤC SINH 4/10


2. Quan niệm của người đạo Cao Đài
về cuộc sống con người sau cái chết
Thanh Căn: Trong nghi thức lễ tang Cao Đài, bài Kinh Tiễn Biệt có câu:
Buồn thay thương hải tang điền ([1])
Dương trần sanh ký, cửu tuyền ([2]) tử quy.
Cuộc đời vốn luôn biến đổi theo luật tuần huờn, nhiều phen ruộng dâu phải hóa thành biển xanh, cho nên cõi trần được xem là cõi tạm, sống trên cõi tạm nầy chỉ như là sống gởi (sanh ký) thôi, chết đi mới là trở về (tử quy). Nhưng trở về đâu? Về chốn Thiên Đàng hay về nơi âm phủ (cửu tuyền)? Đây mới là vấn đề quan trọng.
Người đạo Cao Đài nhận biết trước vấn đề quan trọng nầy qua Kinh Sám Hối và Kinh Cúng Cửu.([3]) Nếu người tu hành đúng đắn, kiểm soát được khả năng tu chứng của mình, sẽ biết mình lìa trần bằng con đường nào, hoặc lên cõi Thần, cõi Thánh, cõi Tiên; hoặc trở lại cõi nhân gian; hoặc trở xuống cõi địa ngục.
Con đường xuống địa ngục sẽ mở ra cho những ai:
- Khi sống cứ hăm hở chạy theo danh vọng, quyền uy và không từ bất kỳ một thủ đoạn tàn độc nào.
- Vì tham lam lợi lộc mà bóc lột sức lao động của người khác, phá hoại môi trường sống của cộng đồng.
- Lợi dụng tín ngưỡng để buôn thần bán thánh.
- Vì ích kỷ cá nhân mà bất nghĩa với anh em, bằng hữu; bất hiếu với cha mẹ, ông bà.
- Vì mưu lợi cá nhân hay phe nhóm mà bất trung với Tổ Quốc, gây tổn hại đến sinh mạng của loài người, loài vật.
- Vân vân.
Ngược lại, con đường về Thiên Đàng sẽ mở ra cho những ai biết sống vì mọi người, luôn trải lòng ban vui cứu khổ, Đạo Người xử trọn, Đạo Trời lo xong…
Đối với cái chết, tức bỏ xác phàm nầy, người đạo Cao Đài xem như là trả xong nợ trần, nghiệp trần và đó là một điều vui mừng chớ không phải buồn khổ:
Mừng thay rảnh đặng cuộc trần
Tiêu diêu cõi thọ ([4]) tinh thần thêm tươi.
(Kinh Thỉnh Vong)
Việc sống chết hệ trọng như vậy nên Ơn Trên dạy:
Sống, thác đạo đời khác lý thôi
Thác tròn đạo đức hưởng Tiên ngôi
Sống mà không giữ điều nhân nghĩa
Thác xuống tuyền đài ([5]) chịu khổ ôi
Sống với tinh thần danh đạo rạng
Thác về vật chất sử đời bôi ([6])
Sống đem chơn lý người noi đó
Thác mới tròn xong trách nhiệm rồi.
(Thánh Huấn Hiệp Tuyển)
*
Huệ Khải: Người đạo Cao Đài nếu thông hiểu giáo lý thì không sợ chết, vì ai cũng phải chết, có sợ cũng không tránh né được nó. Trái lại, lúc đang sống phải biết ý thức chuẩn bị thật chu đáo cho ngày mình chết. Nói chuẩn bị không có nghĩa là sắm sẵn mộ huyệt hay quan tài cho tốt. Chuẩn bị có nghĩa là phải tận dụng những ngày mình còn đang sống trên đời để siêng năng học đạo, chăm lo tu hành, không tạo thêm nghiệp mới, vui lòng đền trả nghiệp cũ… Như thế, khi tới ngày giờ phải lìa bỏ thân xác thì linh hồn nhẹ nhàng, được hưởng luật ân xá Kỳ Ba của Đức Chí Tôn mà trở về cõi trời, khỏi phải sa địa ngục hay luân hồi trở lại trần gian sống khổ thêm kiếp nữa.
Tóm lại, người đạo Cao Đài tin có cuộc sống sau cái chết. Cuộc sống đó do chính mình quyết định từ trong kiếp sống hiện tại. Siêu thăng về cõi trời hay đọa xuống địa ngục, hoặc trở lại trần gian (đầu thai) làm người, làm thú… là do chính mình gây tạo cho mình trong cuộc sống hiện tại.
HAI CÂU HỎI THÊM
Vì thời gian hạn hẹp, cuối buổi trò chuyện có hai nữ tu đặt ba câu hỏi và nhờ trả lời qua e-mail (địa chỉ: srmthuymuisp@..., và ailien_vuthi@...).
Câu hỏi 1: Làm thế nào để biết người đã chết trở thành Thần, Thánh, Tiên?
Diệu Nguyên: Trong Cao Đài trước kia, khi còn cơ bút, thì Thiêng Liêng nhiều lần giáng cơ cho biết một vị đã tạ thế về cõi trời được làm Thần, Thánh, Tiên, Bồ Tát... Đây là ơn huệ Trời Phật ban cho để chúng sanh có đức tin vào cõi siêu hình mà biết lo tu hành trong Kỳ Ba đại ân xá.
Dĩ nhiên có người không tin, vì họ không nhìn thấy được cõi siêu hình, không thấy được thế giới bên kia cửa tử. Không thấy, không tin, nên họ cũng không chịu tu.
Trái lại, có người tuy không thấy nhưng vững tin vào thánh giáo và cơ bút mà biết lo tu thì sau này linh hồn khỏi sa địa ngục. Như vậy họ được hưởng đại phúc, đúng như Đức Chúa dạy: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Gioan 20:29)
Quý Sœurs có thể liên hệ với Minh Lý Thánh Hội tìm đọc quyển Ngài Minh Thiện: Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp của Đại Cơ Huờn (sách biếu miễn phí) sẽ thấy nhiều cơ bút tiết lộ về cuộc sống của linh hồn sau khi lìa thế gian.
Hoặc đọc Câu Chuyện Đức Tin của Diệu Nguyên (sách biếu miễn phí), đọc Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ của Huệ Khải (sách biếu miễn phí)… cũng tìm thấy nhiều bằng chứng liên quan cơ bút. (Các sách này có thể hỏi tại thánh thất Bàu Sen.)
Câu hỏi 2: Người trong đạo chết mà đầu thai vào đạo khác thì sao?
Diệu Nguyên: Nếu có đầu thai qua đạo khác cũng không có vấn đề chi. Có lẽ vị đó có duyên nợ, hoặc còn có bổn phận trong đạo khác nên kiếp sau phải trở qua đó để thi hành nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, theo thánh giáo Cao Đài, thời kỳ hiện nay là thời đại ân xá. Phần lớn người đạo Cao Đài đều có chí nguyện tu hành rốt ráo để được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử ngay trong một kiếp này, như lời Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Kỳ ân xá vô ngần duyên phước
Một kiếp tu mà được đắc thành
Thoát vòng hệ lụy tử sanh
Nghiệp xưa trả dứt, quả lành kết tinh.([7])
Người tu thoát xác (chết) rồi, chơn linh được trở về cõi vĩnh hằng, vẫn tiếp tục hành đạo giúp đời bằng quyền năng vô vi của mình.
Câu hỏi 3: Cơ bút có phải ai cũng làm được? Thường làm khi nào?
Diệu Nguyên: Chỉ có những chức sắc Hiệp Thiên Đài được Ơn Trên ban trao nhiệm vụ thông công mới được lập đàn cơ cầu thỉnh Ơn Trên giáng trần dạy đạo.
Trước kia việc lập đàn cơ rất nhiều, thường vào ngày rằm, mùng một âm lịch. Nhiều khi lập đàn cơ vào những ngày khác. Nếu trùng với lễ kỷ niệm của một Đấng thiêng liêng nào thì Đấng ấy giáng cơ… Thí dụ: Nhân kỷ niệm Phật Đản thì có Đức Thích Ca giáng cơ ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch;([8]) nhân kỷ niệm Đức Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) thì có Ngài giáng cơ ngày 24 tháng 6 âm lịch;([9]) nhân kỷ niệm Chúa giáng sinh thì có Đức Chúa Giêsu giáng cơ vào ngày 24 tháng 12 dương lịch,([10]) v.v...
Việc lập đàn cầu thỉnh Trời Phật, Tiên Thánh được tổ chức rất nghiêm nhặt để ngăn ngừa những ý phàm tục muốn lợi dụng cơ bút. Các vị có trách nhiệm thông công đều phải đọc lời thề rất nặng trước Thiên Bàn (bàn thờ Cao Đài) để giới răn tà ý vọng tâm.
Chẳng hạn, trước khi cầu cơ, toàn thể ban thông công cùng quỳ trước Thiên Bàn và thề giữ lòng vô tư chánh trực như sau:
Nếu con trẻ vì thân thích thuộc
Để tâm phàm rọi đuốc Thần Tiên
Mà không tiếp điển thiêng liêng
Ý phàm cãi lịnh đọa miền trầm luân… ([11])
Quý Sœurs có thể tìm đọc bộ Thánh Giáo Sưu Tập gồm các năm 1965, 1966-1967, 1968-1969, 1970-1971, 1972-1973 và 1974 do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo xuất bản (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, 2011, 2012, 2013) – sách biếu miễn phí – sẽ thấy rất nhiều thánh giáo tiếp nhận tại nhiều đàn cơ khác nhau và cũng thấy có rất nhiều Đấng thiêng liêng giáng cơ trong những ngày lễ kỷ niệm các Đấng, hoặc mùng một âm lịch và ngày rằm, v.v…




([1]) Thương hải tang điền 滄海桑田: Biển xanh và ruộng dâu. Ý nói ruộng dâu biến thành biển xanh, hoặc ngược lại, ám chỉ biến cố thay đổi lớn lao ở đời; từ đây mà nói tắt là tang thương hoặc nói cuộc dâu biển hay biển dâu (life’s vicissitude).
([2]) Cửu tuyền 九泉: Chín suối, tức âm phủ 陰府, địa phủ 地府.
([3]) Kể từ ngày chết, cứ sau chín ngày thì cúng cầu siêu một lần, cúng lần lượt chín lần (gọi là cúng cửu, cửu là chín) trong tám mươi mốt ngày (9 ngày x 9 lần).
([4]) Tiêu diêu / tiêu dao 逍遙: An nhàn tự do (tự tại), ung dung không bị bó buộc. Cõi thọ: Cõi sống lâu, cõi Tiên, cõi thiêng liêng hằng sống, Thiên Đàng.
([5]) Tuyền đài 泉臺: Cũng như hoàng tuyền 黃泉 (suối vàng), cửu tuyền 九泉 (chín suối) đều chỉ cõi chết.
([6]) Sử đời bôi: Bị xóa tên trong sử sách thế gian.
([7]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 13-8 Kỷ Mùi.
([8]) Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới lần thứ nhất (the first Conference of the World Fellowship of Buddhists), có hai mươi sáu nước thành viên, tổ chức tại thành phố Colombo, Tích Lan (Sri Lanka) từ 25-5 đến 08-6-1950, quyết nghị kỷ niệm lễ Phật Đản (Vesak) vào ngày 15-4 âm lịch. Đạo Cao Đài vẫn duy trì ngày lễ Phật Đản là 08-4 âm lịch theo truyền thống xưa. Thánh thất Bình Hòa (Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), số 174/30A Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TpHCM, hàng năm kỷ niệm lễ Phật Đản và liên giao với các thánh sở Cao Đài, tôn giáo bạn vào sáng ngày 08-4 âm lịch.
([9]) Thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà (Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên), nay ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TpHCM, hàng năm kỷ niệm Đức Quan Thánh Đế Quân và liên giao với các thánh sở Cao Đài, tôn giáo bạn vào sáng ngày 24-6 âm lịch.
([10]) Thánh thất Bàu Sen (không thuộc Hội Thánh nào), số 59/46 Trần Phú, phường 4, quận 5, TpHCM, hàng năm kỷ niệm đại lễ Giáng Sinh và liên giao với các thánh sở Cao Đài, tôn giáo bạn vào sáng ngày 24-12 dương lịch.
([11]) Đọa miền trầm luân: Sa xuống địa ngục.