Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN XƯA VÀ NAY 2/6

CẢM ĐỀ BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN
Truyền Trạng THANH CĂN
Tịnh lòng nhớ đến miền Tây
Cuối trời Nam Việt Đạo Thầy khởi đoan
Tô Châu ([1]) sánh nhịp thời gian
Từng cơn gió nhẹ miên man qua đầm.
Đông Hồ ([2]) thăm thẳm rộng
Sắc nước gợn xa xăm
Bát Quái tây nam trấn
Đồ Thiên đông bắc lâm.([3])
Đất Hà Tiên uy linh sinh tuấn kiệt
Biển Kiên Giang khí tiết dậy ba đào ([4])
Sông Giang Thành ([5]) trải dọc nối tam giao ([6])
Mang tình nước ngọt ngào từ Vĩnh Tế.([7])
Hòn Kim Dữ ([8]) cổng chào trên mặt bể
Ngọn Bình San ([9]) ngạo nghễ chở che người
Tiếng chuông chiều Tiêu Tự ([10]) vọng về xuôi
Nơi Thạch Động ([11]) bốn mùa vui chánh định.
Núi Đá Dựng ([12]) chim muông triều pháp thính
Dòng Lư Khê ([13]) thi vịnh tự thuyền ai?
Bãi Nam ([14]) phơi, ngăn sóng bạc lượn dài
Cao chót vót, Mũi Nai ([15]) xanh sắc cỏ.
Trời Nam sáng tỏ
Đại Đạo Kỳ Ba
Tam Giang,([16]) Nam Bắc tuy xa
Chung tình huynh đệ một Cha, hóa gần.
Bao đời ta vẫn nhớ
Cảnh Bát Quái Đồ Thiên
Xưa tiền nhân tạo dựng
Nay hậu thế lưu truyền.
Lưu truyền tiếng gọi Thiêng Liêng
Đây nơi trở lại bổn nguyên Cao Đài
Nhất nguyện Đại Đạo hoằng khai
Vạn thù quy nhất là ngày thành danh.
Danh Đạo, danh Thầy
Ẩn trong Bát Quái
Phát dương quang đại
Sự lý hiện bày
Ngày nào tám quẻ ([17]) phô khai
Bản đồ Thiên định chẳng sai mảy hào.


Kiền nguyên cương kiện
Khôn trinh thuận nhu
Trọn lòng Thánh tử ([18])
Tên để ngàn thu.
Đoài vượng vui vì độ chúng sinh
Thi ân, kính ái, vẹn chân tình
Ly cung sáng chói xua đêm tối
Ngay thẳng đèn lòng, ngọn huệ minh.
Chấn tâm kiên định lập
Luôn tự lực, tự cường
Tốn như làn gió dịu
Truyền hơi mát tình thương.
Khảm phùng vượt mọi gian nguy
Không phân cao thấp, kiên trì giúp nhau
Cấn cung, lòng chẳng xuyến xao
Định yên, hồn hậu với bao chân thành.


Tám cảnh trùm tám quẻ
Còn lại quản trung cung.
Trung cung thánh thất đã nên hình
Bát Quái Đồ Thiên rạng Thất Tinh ([19])
Ai hỡi có đi miền cuối Việt!
Nhớ về thăm lại bến Sông Tiên.([20])
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên
Bến Tre, 02-7-2013



([1]) Tô Châu là dãy núi nằm ở phía tây vũng Đông Hồ, thuộc phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tô Châu gồm hai ngọn là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu.
([2]) Đông Hồ 東湖 rộng khoảng 1.047 mẫu tây (có sách ghi 14 cây số vuông), là nơi hợp lưu giữa kênh Vĩnh Tế với sông Giang Thành trước khi đổ ra vịnh Thái Lan. Từ trên cao nhìn xuống, núi Tô Châu (Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu), núi Kim Dữ và núi Bình San vây quanh Đông Hồ, không còn trông thấy cửa biển. Đông Hồ là cảnh thứ bảy trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Đông Hồ Ấn Nguyệt 東湖印月(hồ phía đông in hình trăng) của Mạc Thiên Tứ 鄚天賜 (1718-1780) sáng tác tại Hà Tiên. Mười bài thơ của họ Mạc gọi chung là Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh 河仙十景曲詠.
([3]) Bát Quái tây nam trấn / Đồ Thiên đông bắc lâm 八卦西南鎮 / 圖天東北臨: Ý nói Đức Chí Tôn sắc tứ đặt Bát Quái trấn giữ vùng đất phía tây nam nước Việt, và lệnh xây dựng thánh thất nơi đây như là một bản đồ Trời (Thiên thơ tiền định), để minh thị thánh ý oát triền vô biên hay nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn. Thế đứng của thánh thất hướng về Đông Hồ phía bắc ( lâm: nhìn ra; hướng về / to face).
([4]) Thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1839?-1868) lập chiến khu ở Sân Chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), rồi dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), lập thêm căn cứ chống Pháp. Ở Kiên Giang, lúc 4 giờ sáng ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang, chiếm được đồn, tiêu diệt 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng và nhiều đạn dược, làm chủ tình hình được năm ngày liền.
([5]) Sông Giang Thành dài khoảng 23 cây số, bắt nguồn từ Campuchia chảy vào Việt Nam theo hướng bắc nam, rồi đổ vào Đông Hồ ở Hà Tiên trước khi ra vịnh Thái Lan. Khi cai trị trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ cho xây dựng ở Giang Thành một lũy đất dài 17 cây số, rộng khoảng 1 mét, chạy dài từ bờ sông đến chân núi Châu Nham, và cho đặt vài đồn canh phòng.
([6]) Tam giao: Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành (thắng cảnh của trấn Hà Tiên xưa).
([7]) Sông Giang Thành nối với kênh Vĩnh Tế, tạo thành tuyến đường thủy quan trọng từ Châu Đốc đến Hà Tiên, đưa nước ngọt từ sông Hậu về Kiên Giang. Giang Thành là cảnh thứ tư trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Giang Thành Dạ Cổ 江城夜鼓 (tiếng trống đêm Giang Thành) của Mạc Thiên Tứ.
([8]) Theo Gia Định Thành Thông Chí 嘉定城通志 của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) thì Kim Dữ ở vùng bãi biển phía nam trấn Hà Tiên, chu vi 193 trượng 5 thước ta. Đảo Kim Dữ là cảnh thứ nhất trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Kim Dữ Lan Đào (金嶼攔濤 đảo vàng ngăn sóng) của Mạc Thiên Tứ. (Dữ là đảo nhỏ / islet.)
([9]) Bình San là dãy núi như tấm bình phong chắn gần hết mặt phía tây thành Hà Tiên xưa. Bình San là cảnh thứ hai trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Bình San Điệp Thúy 屏山疊翠 (núi dựng một màu xanh) của Mạc Thiên Tứ.
([10]) Tiêu Tự 蕭寺 (chùa Tiêu): Chùa Phù Dung cổ, ở phía tây nam núi Phù Dung. Chùa Tiêu là cảnh thứ ba trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Tiêu Tự Thần Chung 蕭寺晨鐘 (chuông sớm nơi chùa vắng) của Mạc Thiên Tứ.
([11]) Thạch Động 石洞: Theo con đường nhựa từ trung tâm thị xã Hà Tiên về hướng biên giới tây nam (sang Campuchia), đi khoảng ba cây số thì gặp núi đá vôi Thạch Động (cao chừng 10 mét) nằm ven đường, mọc nhiều cỏ dại và cây xanh. Leo hết những bậc thang thì thấy một hang cao và rộng, có nhiều thạch nhũ lạ mắt. Ở đó còn có một ngách hang ăn sâu xuống lòng đất. Thạch Động là cảnh thứ năm trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Thạch Động Thôn Vân 石洞吞雲 (động đá nuốt mây) của Mạc Thiên Tứ.
([12]) Núi Đá Dựng còn gọi là Châu Nham (núi Ngọc) vì trong núi có thạch nhũ lấp lánh nhiều màu đẹp như ngọc. Cách thị xã Hà Tiên 6 cây số và Thạch Động 2 cây số về hướng tây bắc, núi Đá Dựng có hình thang cân, cao khoảng 100 mét, vách đá dựng đứng, trong núi có nhiều hang động. Núi Đá Dựng là cảnh thứ sáu trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Châu Nham Lạc Lộ 珠岩落鷺 (cò về núi Ngọc) của Mạc Thiên Tứ.
([13]) Theo Gia Định Thành Thông Chí thì Lư Khê là một khe nước cách trấn Hà Tiên 7 dặm rưỡi về phía đông, cách núi Tô Châu 4 dặm rưỡi về phía đông, phía nam thông với biển. Rộng 2,5 trượng, sâu 5 thước ta, dài 5 dặm rưỡi, dòng khe chạy vòng lên phía bắc chảy vào Đông Hồ. Lư Khê là cảnh thứ mười trong mười cảnh đẹp Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Lư Khê Ngư Bạc 鱸溪漁泊 (thuyền đánh cá cập khe Lư).
([14]) Bãi Nam (Nam Phố) là bãi cát dài và rộng, nằm phía trước hai núi Đại và Tiểu Tô Châu, bên trái vàm sông Giang Thành (còn gọi là sông Hà Tiên), lối vào Đông Hồ, nơi có nhiều chim vạc tụ bầy kiếm ăn. Bãi Nam là cảnh thứ tư trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Nam Phố Trừng Ba 南浦澄波 (Bãi Nam sóng lặng) của Mạc Thiên Tứ.
([15]) Mũi Nai xưa kia gọi là Mũi Nạy vì có núi Pù Nạy (người Khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay). Người Việt nói trại Nay thành Nai; người Hoa dịch NayLộc Trĩ 鹿峙 (Mũi Nai). Mũi Nai là cảnh thứ chín trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, lưu danh với bài thơ Lộc Trĩ Thôn Cư 鹿峙村居 (thôn xóm Mũi Nai) của Mạc Thiên Tứ.
([16]) Tam Giang: Theo thánh giáo những năm đầu khai Đạo, Ơn Trên phân ba vùng truyền đạo: từ các tỉnh miền đông, Sài Gòn là Tiền Giang; từ Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc là Trung Giang; từ Cần Thơ đổ xuống Cà Mau, Rạch Giá, Châu Đốc là Hậu Giang.
([17]) Tám quẻ (八卦 bát quái): Càn (Kiền), Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
([18]) Thánh tử (Thánh tử đạo / Martyrs): Hơn hai trăm chức sắc và bổn đạo bám trụ quyết tâm xây dựng thánh thất hoặc đã bị thực dân Pháp giết hại, hoặc phải hy sinh tánh mạng vì trọng bệnh trong điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt. Đầu tháng 4-2012 tất cả các vị tử vì Đạo đều được cải táng và quy tập tại An Dưỡng Địa của họ đạo Bát Quái Đồ Thiên.
([19]) Thất Tinh (七星 Bảy vì sao): Năm 1935, trong một đàn cơ dạy tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang Ơn Trên liệt bảy vị (Thành, Thinh, Phùng, Tuất, Kiêm, Quang, Thích) vào hàng Thất Đẩu Tinh Quân 七斗星君. Bảy vị tử vì đạo năm 1940.
([20]) Mạc Cửu 鄚玖 (1655-1735) đặt tên Hà Tiên 河仙 (Sông Tiên) dựa theo truyền thuyết khi xưa có tiên hiện trên sông Giang Thành. Một thuyết khác: Người Khmer gọi sông này là Tà Ten ( là sông, Ten là tên sông). Về sau biến thành Ten biến thành Tiên.