Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CAO ĐÀI KHÁI YẾU 2/6

CHƯƠNG I: TÌM MỘT HƯỚNG VỀ

I. ĐẤNG TẠO HÓA
Con người vốn được xem là một sinh vật thượng đẳng, chẳng những có một cơ năng vật chất hoàn hảo, mà cả đến phần linh năng trực giác cũng mẫn tuệ tinh vi. Con người luôn luôn băn khoăn tìm hiểu cội nguồn của mình, nguyên lai của vạn hữu.
Đối diện với vũ trụ bao la, vạn vật đa dạng, con người đã phải thán phục một công trình sáng tạo vạn năng, từ chỗ lớn nhất là các Thiên Hà, Ngân Hà, Thái Dương Hệ, v.v… đến chỗ nhỏ nhất là các tế bào, điện tử, v.v…
Trong cơ thể con người và cả muôn loài vạn vật, mỗi mỗi đều có một hệ thống tinh vi kỳ diệu. Các hiện tượng này không bởi ngẫu nhiên mà phải do một sự tính toán chặt chẽ đến toàn thiện, toàn mỹ. Con người đã phải thừa nhận một Đấng có quyền lực toàn năng, quyền uy cao cả sáng tạo nên. Đấng tạo hóa ấy được tôn vinh là Thượng Đế hay còn gọi là Trời.
II. CON NGƯỜI VỚI CƠ SANH TỒN VŨ TRỤ
Con người được Thượng Đế tạo dựng, chịu sự tác động của quy luật thiên nhiên. Mỗi người được phú cho một bản thể tự tánh. Bản thể tự tánh ấy chính là sự sống và đặc thù của loài người. Bản thể tự tánh ấy là tiểu linh quang được phân ra từ khối Đại Linh Quang (Thượng Đế) nên con người có thể thông công, hòa đồng cùng Thượng Đế. Nhưng chỉ có Thánh Nhân đã thuận tùng Thiên lý nên dễ hòa đồng hội nhập hơn con người.
Con người từ lâu đã đánh mất, bỏ quên mình do nghiệp lực lôi kéo, dẫn dắt, đắm chìm trong tài sắc, lợi danh, tình thức, thị phi, v.v... Vì vậy con người cần phải thức tỉnh, phải ý thức rằng sự sống của mình lẽ ra hòa điệu nhịp nhàng với muôn loài, với trời đất. Cuộc sống không phải đo bằng quãng thời gian từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt buông xuôi. Dòng sống vô biên luân lưu qua bao đời bao kiếp. Trong dòng sống đó, dù nhỏ bé con người phải ý thức có một đời sống tâm linh để cảm nhận nguồn sinh lực vũ trụ, thấy được bản thể vũ trụ vốn sáng suốt linh thông, vạn năng trường cửu. Con người không thể xa lìa Đạo lớn của trời đất, bởi Đạo là sự sống của trời đất vạn hữu, mà cũng là sự sống của con người.
III. ĐẠO TRỜI ĐẤT VỚI CON NGƯỜI
Đạo là bản thể. Trở về bản thể là về với tự tánh của mình. Tự tánh ấy còn được gọi là bản lai, như lai hay Phật tánh. Được Đạo là được đồng nhất với bản lai đó; mất Đạo là mất cái bản lai đó. Muốn đồng nhất với bản lai phải hướng vào tự tánh nơi mình mà học hỏi, phát huy. Tánh động là Tâm. Tâm giao cảm cùng ngoại vật là Tình nên Tâm phải tịnh, Tình phải tịch ([1]) để trở lại nguồn đầu là Tánh. Từ thể trọn lành của Tánh ứng tiếp với đời mà có Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, có đủ từ bi, bác ái, vô ngã thuần chân. Hiển lộ được bản thể chân thường là Đạo, nên đắc Tánh là đắc Đạo.
Từ căn bản này con người xem việc giữ Đạo là giữ lấy tánh mạng của mình, luôn luôn tu dưỡng không phút nào rời. Dù sống với thế gian muôn ngàn phức tạp vẫn không quên chỗ tự tánh đó.
Đem thể thanh tịnh vào mọi sinh hoạt của đời như ăn ở, đi đứng, nằm ngồi, giao tiếp, làm lụng, v.v... mọi việc đều làm theo lẽ Đạo – đó là đem Đạo vào đời, hay đem đời về Đạo. Đời Đạo không lìa nhau. Đời Đạo là một, gọi là Trung; Phật bảo tất cả các pháp thế gian đều là Phật pháp.([2])
Đạo không hạn hẹp ở kinh sách chùa thất, ngày chay giờ tịnh, mà ở nơi tự tánh, nơi Trời người hiệp một. Đạo có trong mọi lúc mọi việc, bàng bạc mà bảo tồn, dưỡng nuôi tất cả. Ý thức được như vậy mới thấy Đạo là lớn, cơ cứu rỗi là hồng ân vô lượng, mới biết quý Đạo hơn mạng sống của mình, mới đem nhiệt thành mà phát huy Đạo thể. Đó là luyện tâm bồ đề, tu hạnh Bồ Tát.
Người tu thấy Tánh là thấy Đạo, ngộ Tánh là ngộ Đạo, nên Phật dạy sáng lòng thấy Tánh, thấy Tánh thành Phật; Nho dạy theo Tánh gọi là Đạo.([3]) Chư Phật Tiên, Thánh Thần truyền đạo là truyền cái công phu theo Tánh (suất Tánh) đó. Học tu tự tánh không ai là không thành đạo; bỏ đi tự tánh không ai là không mê mờ tội lỗi. Học đạo mà không nói đến tự tánh thì không thấy được Đạo. Vậy Đạo là chỗ khởi đầu mà cũng là chỗ cuối cùng của vạn hữu. Con người phải nương đây mà trở về với cái ta chơn thật muôn thuở, về cùng với bản thể hằng thường là Thượng Đế.
Người tu cần hiểu chỗ chơn thường ứng vật là Nhơn Đạo, chơn thường đắc tánh là Thiên Đạo.([4]) Vì không bởi nơi tự tánh trọn lành thì làm gì có Nhân để ái, có Nghĩa để trợ, có Lễ để thuần thiện Thiên lý, có đủ Hiếu, Đễ, Trung, Tín để xử thế tiếp vật, hoàn hảo cái nhân phẩm của con người. Nhơn Đạo, Thiên Đạo tuy có chia hai nhưng Đạo vẫn là một.
IV. ĐẠO ĐẾN VỚI CON NGƯỜI TRONG CƠ HỮU VI SẮC TƯỚNG
Đạo là nguồn sống, là lẽ thật, là bản thể vô vi. Chư Phật Tiên, Thánh Thần đem Đạo cứu đời phải nói ra lời, phải bày phương cách, tùy cảnh giới chúng sanh mà thị hiện những phương tiện gần gũi để hóa độ. Những lời những việc đó kết thành những phương thức pháp môn, và Đạo trở nên hữu tướng. Hữu tướng vì nó thành hình một tổ chức giáo hóa có đủ phương tiện cho người học đạo, hiểu đạo, tu chứng đạo. Tổ chức giáo hóa đó gọi là Giáo Hội.
Giáo Hội tuy hữu tướng, song cái hữu tướng ấy từ chỗ vô vi mà ra nên chứa đựng được lẽ chơn thường của Đạo. Nhờ Giáo Hội hàm chứa lẽ Đạo chơn thường đó mà người chơn tu thấy được chỗ mượn giả làm thật,([5]) học chỗ hữu vi mà ngộ nhập vô vi Đại Đạo. Tổ chức Giáo Hội ứng theo cõi sắc giới chúng sanh, thị hiện trên phương thức hữu vô là một nên trong giả có chơn, trong chơn có giả. Người chơn tu đạt đạo thì hiển được chỗ chơn, làm sáng tỏ diệu lý pháp môn. Người không đạt đạo thì mê mờ mà lấy giả bỏ chơn.
Với Giáo Hội, điều cần thiết là phải có con người ngộ nhập chơn lý, sở đắc phần đạo học tâm linh, hiệp thông cùng Tạo Hóa, thấu biết việc thế cơ Trời. Dù nắm pháp hữu vi cũng không làm cho chánh pháp quy phàm,([6]) bít lấp đường về Trời của nhơn sanh, làm cho nhơn sanh đời đời mất ơn cứu rỗi.
V. ĐẠO TRỜI QUA CÁC THỜI KỲ PHỔ ĐỘ
Vì chúng sanh mê mờ tội lỗi, quên đi tự tánh của mình, lấy giả bỏ chơn, lấy hư làm thiệt, mải mê theo ảo ảnh sắc trần nên muôn kiếp nghìn đời lăn xoay trong vòng luân hồi sanh tử.
Mỗi thời kỳ phổ độ, các đấng giáo chủ thường biểu hiện một khuôn mẫu đạo đức bằng cuộc đời thánh thiện của mình, với những lời dạy bảo. Tùy hoàn cảnh, phong tục tập quán và trình độ hiểu biết của chúng sanh mà các đấng giáo chủ hướng dẫn chúng sanh trở về với Đạo. Do đó thời pháp mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác. Sự sai khác ấy không do nơi Đạo mà do nơi đối tượng, hoàn cảnh chúng sanh; cũng như lương y tùy bệnh chứng mà lập phương chữa trị, cốt sao bệnh lành.
Trước đây trên hai ngàn năm trăm năm,([7]) Phật Giáo đến với dân Ấn Độ, nói pháp tự tánh bình đẳng ([8]) giác ngộ chúng sanh tìm về bản thể chơn như, lập phương khất thực trì bình,([9]) hướng vào nội tâm khai phóng con đường giải thoát tâm linh trong truyền thống tinh thần sẵn có của Ấn Độ.
Nho Giáo đến với dân tộc Trung Hoa trong thời Chiến Quốc,([10]) trị cái loạn bá đạo thạnh hành, đề xướng thuyết chánh danh, lấy Nghiêu Thuấn làm mẫu mực, lập lại cương thường luân lý, chế lễ tác nhạc, v.v... nuôi lấy thạnh đức ở lòng người, an bình thiên hạ với tinh thần nhập thế sẵn có của Trung Hoa.
Lão Giáo nhận thấy dầu xuất dầu nhập cũng còn cái ta, còn cậy công, còn tình, còn danh là còn ngược lại với thể Đạo hồn nhiên của trời đất. Đạo trời đất vốn vô vi, thanh tịnh, một thể tiên thiên. Nếu còn có xuất là còn thiên về hư vô tịch diệt; nếu còn có nhập là còn đắm trong giả cuộc, mộng ảo sắc trần. Lão Giáo hướng con người về với Đạo là thuận lẽ thiên nhiên vô vi tự tại.
Ki Tô Giáo ([11]) đến tại Cận Đông.([12]) Nơi này chịu ảnh hưởng tinh thần duy lý của các dân tộc phương Tây. Thời pháp ở đây cần gây dựng đức tin tinh ròng chuyên nhất, thờ phụng Thượng Đế, thông công cùng Ngài để được hưởng ơn tái tạo trong ngày phán xét cuối cùng.
Các tôn giáo đều tùy tục, tùy thực trạng chúng sanh mà tìm phương cứu độ. Đó là lẽ tất yếu, cũng là điểm khác nhau giữa các tôn giáo. Vì chúng sanh chấp ngã chấp pháp mà có sự đố kỵ chia rẽ, làm cho các tôn giáo không còn thuần thiện như buổi ban đầu.
Trong thời buổi ngày nay năm châu chung chợ, bốn biển một nhà, sự dị biệt bất đồng giữa các tôn giáo trở thành một chướng ngại lớn cho nhơn sanh. Thời pháp tôn giáo ngày nay phải thể hiện tinh thần thuần chơn vô ngã, đồng nhất mọi dị biệt trên tôn chỉ vạn giáo nhất lý.
Theo các trọng điểm vừa nêu, đạo Cao Đài nhìn nhận mọi sự phát triển trên mọi lĩnh vực, mọi nơi, bởi lẽ tinh anh năng khiếu của con người là một phần trong bản thể toàn năng của Thượng Đế.
Xưa qua nay lại. Cái sắp đến, cái đã đi, cái đương nở, cái vừa tàn – tất cả đều trong quy luật thiên nhiên, biểu hiện mọi trạng thái tâm linh. Tư tưởng thoát thai từ điều kiện tinh thần, vật chất của xã hội con người. Tất cả là một, tất cả đều tốt đẹp ở buổi ban đầu.
Nhưng cõi đời huyễn hóa, con người vốn sinh ra trong khí chất hậu thiên, mọi mặt đều bị tư dục của con người chi phối mà lưu tệ,([13]) biến chất. Như nước trong vì bụi bặm mà hoen cáu, kim khí vì độ ẩm mà rỉ sét, mọi diễn biến trong cõi vô thường này do đấy mà có bề mặt bề trái, thiệt hư chơn giả pha tạp, lộn lạo. Nền tân giáo lý Cao Đài ngoài phần quy tụ về một, còn bổ thiên cứu tệ,([14]) làm cho đây đó thịnh vượng huy hoàng, phát triển phần tinh anh mà trở về buổi đầu thiện mỹ. Xây dựng tất cả, cải tạo tất cả, mở ra kỷ nguyên mới, trời mới đất mới, mọi việc đều mới, lập lại cảnh thanh bình, tái tạo nguơn bảo tồn thánh đức, thật là một sự hy hữu xưa nay chưa từng có!
Người Cao Đài cảm nhận ý Trời lòng người, nhiệt tâm cùng Trời cùng người, ý thức bước đi lên của vạn hữu chúng sanh mà về cho tận cùng nơi trọn lành thánh thiện.
ĐẠT ĐỨC




Các chú thích trong sách do Ban Ấn Tống thc hin:
([1]) Tịnh là sạch sẽ, thanh khiết. Tịch là lặng lẽ.
([2]) Nhất thiết thế gian pháp, giai thị Phật pháp. 一切世間法, 皆是佛法.
([3]) Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. 明心見性, 見性 成佛. / Suất tánh chi vị Đạo. (Trung Dung) 率性之謂道. (中庸)
([4]) Chơn thường ứng vật 真常應物 Chơn thường đắc tánh 真常得性 là hai câu trích trong Thanh Tĩnh Kinh 清靜經 của Đức Thái Thượng Đạo Quân. Chơn thường: Hằng thường chơn thật (true permanence). Ứng vật: Thuận theo, không đối chọi với muôn vật (to go along with all beings; to correspond to all beings). Đắc tánh: Thấu hiểu được, có được cái Đạo nội tại, cái Đạo trong bản thân (to realize one’s inner Daoist nature).
([5]) Mượn giả làm thật: Đồng nghĩa với tá giả tầm chân 借假尋真; chấp tình cầu tánh 執情求性; chấp nhân cầu thiên 執人求天. Đức Chí Tôn dạy: “Đạo vô vi chấp tình cầu tánh.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ngày 29-02 Mậu Ngọ)
([6]) Quy phàm 歸凡: Trở về chỗ phàm tục, mất hết tính thiêng liêng (to secularize, to make worldly).
([7]) Năm 2015 tính theo Phật lịch là năm 2559.
([8]) Do tự tánh bình đẳng nên Phật dạy: “Chúng sanh là Phật sẽ thành.” Đức Chí Tôn dạy: “Thầy là các con, các con là Thầy.”
([9]) Khất thực trì bình: Ôm bình bát (patra) xin ăn.
([10]) Thời Chiến Quốc (403-221 trước Công Nguyên) từ đời Chu Ân Vương đến khi Tần diệt Tề và thống nhất Trung Quốc. (Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử. Nxb Văn Hóa, 1992, tr. 25.)
([11]) Ki Tô Giáo (tiếng Hán: Cơ Đốc Giáo 基督教; tiếng Anh: Christianity, tiếng Pháp: Christianisme) do Đức Giê Su (người làng Nazareth, xứ Palestine, nay thuộc Israel) sáng lập. Tín đồ Ki Tô Giáo được gọi là Ki Tô hữu. Thuật ngữ Ki Tô Giáo xuất hiện lần đầu tiên trong thư của Giáo Phụ Ignatio Antiochia (cuối thế kỷ I – đầu thế kỷ II) gởi các tín hữu Magnesia.
([12]) Theo các nhà khảo cổ, các nhà địa lý và các sử gia phương Tây, Cận Đông (tiếng Anh: Near East; tiếng Pháp: Proche-Orient) là vùng đất bao gồm Anatolia (phần thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), phương Đông (Syria, Lebanon, Jordan, Israel và lãnh thổ Palestine), vùng Lưỡng Hà (một bình nguyên nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates thuộc Tây Á; ngày nay vùng đất này là miền nam Iraq) và vùng đất bên kia dãy núi Kavkaz (Gruzia, Armenia và Azerbaijan). [Wikipedia]
([13]) Lưu tệ: 1. Sự tai hại đời trước để lại. 2. Sự tai hại lan rộng.
([14]) Bổ thiên cứu tệ 補偏救弊: Sửa chỗ sai lệch, sửa chữa điều xấu xa, tai hại.