Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ PHỤC SINH 8/10


6. Trao đổi thêm
Trong buổi tối 03-4-2013, còn có ba câu hỏi trao đổi thêm, ngoài năm chủ điểm chánh của buổi trò chuyện.
1. Tại sao người đạo Cao Đài thờ Con Mắt?
Hồ Thị Mộng Tuyền: Người đời thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, vì nó giúp con người tiếp nhận những hình ảnh từ bên ngoài đưa vào và biểu hiện những cảm xúc từ nội tâm truyền tải ra. Nhìn xuyên qua cửa sổ tâm hồn, tức ánh mắt, người ta sẽ thấy nhiều cảm xúc xuất hiện như buồn bã, vui mừng, hờn giận, lo lắng, sợ hãi, hung dữ, hiền từ, thù hiềm hay trìu mến… Tùy theo tâm trạng mà có sự biến đổi thần sắc của ánh mắt, sáng trong hay mờ đục.
Về mặt lịch sử, người đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn (Mắt Trời) theo lời dạy của Đức Thượng Đế ngay từ thuở ban đầu lúc Ngài mới thu nhận vị đệ tử đầu tiên là Đức Ngô Minh Chiêu (1878-1932). Xin tham khảo Ngô Văn Chiêu –Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, của Huệ Khải.([1])
Tại sao thờ mắt trái? Vì mắt trái thuộc Dương. Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Cao Đài giảng giải thêm ý nghĩa Thiên Nhãn (hay Thánh Nhãn) về mặt đạo học:
“Tại sao THẦY lại biểu các con tạo ra THÁNH NHÃN mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác? Các con phải biết rằng Trời là Lý thì Lý ấy rất thông linh bao quát càn khôn thế giới. THẦY đâu phải có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con, nên chi thờ Thiên Nhãn là thờ THẦY.” ([2])
Đức Chí Tôn dạy thêm:
“Người tu hành [tu thiền] chừng nào luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần huờn hư, luyện hư huờn vô thì Huyền Quan nhứt khiếu ấy mở hoát ra.
Huyền Quan nhứt khiếu ấy là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Huờn Cung, gom trọn chơn dương chánh đạo.” ([3])
Diệu Nguyên: Đức Chí Tôn dạy: “Thần cư tại nhãn”, nghĩa là Thần ở tại mắt. Thần là phần tinh anh sáng suốt của mỗi con người. Do đó, người thông minh trí tuệ, người đạo đức tu hành tinh tấn thường có đôi mắt trong sáng và tinh anh, nói nôm na là mắt có thần. Ngược lại, người suốt ngày lao tâm tổn trí vì những mưu toan cho cuộc sống đời thường, người bệnh nặng, thường có đôi mắt mờ đục, lờ đờ, nói nôm na là mắt không có thần.
Thiên Nhãn là Thần của Thượng Đế, chiếu soi khắp cả càn khôn vũ trụ ngày đêm sáng tối. Đức Chí Tôn dạy:
Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế.([4]) Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh. (…) Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đắc đạo.” ([5])
Con người phải có đủ Tam Bửu (ba món báu) là Tinh, Khí, Thần và tu luyện cho Tam Bửu hiệp nhứt mới đắc đạo. Do đó, người tín đồ Cao Đài hằng ngày cúng tứ thời, vừa đọc kinh vừa nhìn ngay Thiên Nhãn để tiếp nhận Thần của Thượng Đế, giúp cho thần của mình ngày càng sáng suốt linh diệu như lời Đức Thượng Đế dạy:
Con ngày đêm tâm thiềng (thành) cầu nguyện
Để diệt trừ vọng niệm ý tà
Tứ thời trẻ ráng gần Cha
Nhìn ngay Thiên Nhãn thì là thần gom.([6])
Đây cũng là một pháp môn tu luyện của người Cao Đài.
Huệ Khải: Đức Chí Tôn dạy:
“Huyền Quan nhứt khiếu ấy là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Huờn Cung, gom trọn chơn dương chánh đạo.” ([7])
Khiếu Huyền Quan hay Nê Huờn Cung ấy nằm trong đầu não con người. Theo khám phá của bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ thì y học phương Tây gọi nơi đó là Não Thất 3 – 3è ventricule.([8]) Đạo Cao Đài gọi nơi đó là Thiên Nhãn nội tại, Cao Đài nội tại, Thượng Đế nội tại (the immanent God).
Mượn hình ảnh con mắt tượng trưng cho Thượng Đế cũng phù hợp văn hóa Đông Tây.
Người Việt mình nói Trời cao có mắt.
Kinh Thi của người Trung Quốc có câu Thiên giám tại hạ 天監在下 (Trời xem xét hạ giới), như thế hàm nghĩa Trời có mắt.
Con mắt Trời soi xét việc lành điều ác thế gian ấy được diễn tả trong bài thơ Lương Tâm (La Conscience) của Victor Hugo (1802-1885). Bài thơ lấy cảm hứng từ câu chuyện trong Kinh Thánh: Cain ganh tỵ nên giết em ruột là Abel. Sau đó Cain chạy trốn khắp nơi. Nhưng dù lên ngàn xuống biển, thậm chí đào ngạch sâu dưới lòng đất, Cain vẫn nhìn thấy một ánh mắt nghiêm khắc nhìn y chòng chọc.
Ý nghĩa Thiên Nhãn còn có nhiều cách diễn giải sâu xa hơn. Ở đây chúng ta tạm chia sẻ một số điểm căn bản như trên.
2. Thân thể con người do Tứ Đại hiệp thành. Vậy thì Tam Bửu giữ “vai trò” gì trong thân người?
Diệu Nguyên: Theo giáo lý Cao Đài, con người có hai xác thân:
- Một là xác phàm hữu hình do Tứ Đại hiệp thành. Tứ Đại gồm có: Đất (thịt da, xương, tóc, móng…); Nước (máu, các chất dịch); Gió (hơi thở, hơi trong bao tử, trong ruột…); Lửa (thân nhiệt). Khi con người chết, sau một khoảng thời gian nào đó, xác thân cấu thành do bốn yếu tố này sẽ bị hư hoại, rã tan, trở về với cát bụi. Do đó thánh ngôn, thánh giáo dạy rằng Tứ Đại giả hiệp. Giả hiệp nghĩa là sự kết hợp chỉ tạm thời, có giai đoạn, không bền vững trường tồn. Thân xác do Tứ Đại cấu thành vì vậy là giả thân, thân xác không thật. Khi sinh ra đời, ai cũng có xác thân này.
- Hai là xác thân thiêng liêng huyền diệu vô hình do Tinh, Khí, Thần (Tam Bửu) hợp nhất mà thành, còn được gọi là chơn thân hay nhị xác thân. Gọi chơn thân để đối nghịch với giả thân. Gọi nhị xác thân để phân biệt với xác thân thứ nhất không bền vững. Xác thân này không tự nhiên mà có; con người phải tu luyện (tham thiền) mới có.
Đức Chí Tôn dạy:
“Ngoài cái giả thân nầy, còn một cái chơn thân khác nữa. Chơn thân ấy là chi? Là nhị xác thân vậy. Cái xác thân ấy vững bền muôn kiếp, sống mãi bằng Trời, không tử không sanh, không thêm không bớt. Luyện đặng cái chơn thân nầy thì trường sanh bất tử, khỏi chịu quả báo luân hồi, đời đời kiếp kiếp an hưởng vui chơi nơi Bồng Lai Tiên Cảnh, ấy là Chơn Nhơn vậy.
THẦY thấy người đời hằng lầm tưởng cái giả thân (nhơn thân) nầy tu luyện đặng cầu bất tử trường sanh. Khờ lắm thay! Dại lắm thay! Bởi câu chấp mà sa mãi tội tình, trầm luân muôn kiếp. Cái xác thân nặng nề, nhơ bẩn thúi tha nầy còn ham hố làm chi. Cái điểm linh hồn bị mang xác thịt nầy, chẳng khác chi bị núi Thái Sơn dằn chận. Cái điểm linh hồn ngày nào bỏ đặng xác thân nầy thì chẳng khác chi để gánh Thái Sơn xuống vậy.
Người tu hành đắc đạo không bao giờ chịu mang xác thịt nầy nhiều ngày. Ở thế, nó nặng nề lắm, đường xa muôn dặm vơi vơi, dầu dùng sức ngựa truy phong ([9]) đi mãn kiếp cùng đời chẳng thấu, chớ linh hồn mà đặng bỏ xác thịt nặng nề nầy rồi thì trong bốn biển nháy mắt đến nơi tận chốn.
Linh hồn ra khỏi xác thân nầy thì mừng vui không xiết, khoái lạc vô cùng. Những linh hồn nào còn nặng nghiệp quả tiền khiên ([10]) phải chịu vâng theo Tạo Công ([11]) sai khiến, mượn xác thịt lập công, trả cho rồi nghiệp quả. Những Phật Tiên ngày trước cũng dùng điểm linh quang giáng thế, mượn xác thịt mà luyện đạo. Lấy nguơn khí, nguơn tinh hiệp cùng nguơn thần tạo nên Tiên Phật. Có nhị xác thân thì từ đó sắp sau mới là có thứ ngôi địa vị, chớ điểm linh quang là một cái yếng [ánh] sáng mà thôi, nhưng cũng biết linh thông biến hóa.” ([12])
Vậy, theo lời dạy của Đức Chí Tôn, mỗi người đều được Trời ban cho một điểm linh quang (ánh sáng thiêng liêng), đầu thai xuống thế gian, mượn xác thịt mà luyện đạo sao cho Tinh, Khí, Thần được đủ đầy và hiệp nhứt mới tạo được nhị xác thân, thành Tiên thành Phật, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tinh, Khí, Thần là ba món báu vô hình (Tam Bửu) trong thân người. Đức Chí Tôn dạy: “Con người nên chủ cái tâm, gìn cái ý, mà bảo tồn lấy Tam Bửu, Ngũ Hành. Tam Bửu là quý nhứt của con người. Thành Phật Tiên cũng do đó, mà làm ma quỷ cũng tại đó.” ([13])
- Thành Phật Tiên cũng do đó: Nhờ giữ được Tam Bửu.
- Làm ma quỷ cũng tại đó: Vì không giữ được Tam Bửu.
Đức Chí Tôn dạy về những nguyên cớ làm cho con người bị hao tổn Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) như sau:
“Như con người lo lắng vọng tưởng điều nầy sự nọ thì hao THẦN (linh hồn); còn muốn ham, mơ mộng phú quý vinh hoa thì tán KHÍ; bằng say đắm mê sa tình trường dục hải thì tổn TINH.
Hễ Tam Bửu hao mòn thì nào khác chi cái ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh khuya, khi mờ khi tỏ, tất nhiên một hồi phải tắt ngay.” ([14])
 Vậy, người tu cần phải gìn giữ, bảo tồn Tinh, Khí, Thần cho đủ đầy mới luyện thành nhị xác thân, chơn thân, hay xác thân thiêng liêng thì mới thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Đức Chí Tôn dạy cách bảo tồn Tam Bửu như sau:
“Phép tu luyện trước hết phải bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần. Mà muốn bảo TINH thì ăn uống phải cho có độ lượng, lánh trược tầm thanh, dẹp lòng nhơn dục. Muốn dưỡng KHÍ thì nói năng phải có mực thước, ôn hòa, chẳng nên lộng ngữ,([15]) bỏ tánh sân si. Còn muốn tồn THẦN thì làm lụng có giới hạn, chẳng nên vận động quá lẽ, đừng tham luyến danh lợi.” ([16])
3. Câu “Thầy là các con, các con là Thầy” có ý nghĩa gì?
Diệu Nguyên: Đức Chí Tôn dạy như sau:
“Các con khá biết rằng THẦY hằng nói: THẦY là các con, các con tức là THẦY. Có THẦY mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Tiên Phật, Thánh Thần...” ([17])
“Thầy là các con, các con tức là Thầy” có nghĩa rằng Đức Thượng Đế (Đại Linh Quang) và vạn vật chúng sanh (tiểu linh quang) có cùng một bản thể. Bản thể đó là linh quang (ánh sáng thiêng liêng).
“Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Tiên Phật, Thánh Thần” có nghĩa rằng mỗi người được Thầy ban phát cho một điểm linh quang (cũng gọi là Phật tánh, Thượng Đế tánh). Do đó con người có đầy đủ khả năng để tu luyện, tiến hóa lên hàng Thần Thánh Tiên Phật. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Trời là Đại Thiên Địa [Macrocosmos], con người cũng như tất cả chúng sanh là tiểu thiên địa [microcosmos]. Trời đã có những gì, trong vạn vật vẫn có những vật ấy, chỉ khác nhau là ở chỗ lớn bé trên hình thức hoặc sự biến dịch không ngừng, khi bày lúc ẩn vậy thôi. Thế nên Thượng Đế hằng nói: Thầy là các con, các con là Thầy. Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật, đồng trở về hiệp nhứt cùng khối Đại Linh Quang, chẳng qua là sự tiến hóa mau chậm mà thôi.
Một trường hợp khác, đời thường nói hai chữ thiên hạ ám chỉ con người. Thiên thượng là Trời; thiên hạ là người. Vậy người cũng có đủ điều kiện để làm Trời.” ([18])
Thánh giáo cũng dạy: Tu hành là học làm Trời / Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.




([1]) Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012. Quyển 2-3 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Đại Thừa Chơn Giáo, 2011, tr. 226-227.
([3]) Đại Thừa Chơn Giáo, 2011, tr. 227.
([4]) Bế : Đóng, ngừng, chấm dứt. Bế môn 閉門 (đóng cửa); bế hội 閉會 (kết thúc cuộc hội); bế mạc 閉幕 (kết thúc).
([5]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 20-02-1926.
([6]) Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I, bài 106: Giới, Định, Huệ.
([7]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 227.
([8]) Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, Tinh Hoa Cao Đài Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 27. Quyển 33-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([9]) Ngựa truy phong: Ngựa chạy rất nhanh.
([10]) Tiền khiên 前牽: Những nợ nần kiếp trước, sang kiếp này chúng lôi kéo người mắc nợ đòi phải trả. (Tiền là trước; khiên là lôi kéo.)
([11]) Tạo Công 造工: Tạo Hóa, Hóa Công, Thượng Đế.
([12]) Đại Thừa Chơn Giáo, 2011, tr. 185.
([13]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 178.
([14]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 130.
([15]) Lộng ngữ: Lộng ngôn, lời nói không nghiêm, đùa cợt quá trớn.
([16]) Long Ẩn Đàn 15-11 Mậu Tý (15-12-1948).
([17]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 152.
([18]) Minh Lý Thánh Hội, 02-4 Kỷ Dậu (17-5-1969).