Tình thương là phép lạ vô biên
Con người vốn có tính hiếu kỳ, ưa chuyện lạ. Trong lĩnh vực tín ngưỡng
tôn giáo cũng không ít tín đồ trông mong những sự diệu kỳ, những nhiệm mầu,
những phép lạ để phấn chí tu hành. Nhưng có ngờ đâu những phép lạ vẫn ở trong cuộc
sống đời thường mà người thường không hay biết, đến khi các bậc minh triết, các
Đấng thiêng liêng chỉ ra thì con người biết phép lạ chính là tình thương.
Đức Mẹ Diêu Trì dạy:
Hỡi nữ phái, tình thương cao cả
Tình thương là phép lạ vô biên
San bằng mọi lẽ chinh nghiêng
Vậy tình thương là gì? Phép lạ của tình thương như thế nào? Làm sao để
san bằng mọi lẽ chinh nghiêng và lấp bằng những hố tư riêng nơi lòng? Chúng ta
sẽ nghiệm suy trong cuộc sống đời thường để tìm ra những phép lạ của tình
thương.
Có lẽ không một ngôn từ nào có thể mô tả vẹn toàn cái thực thể nơi tâm
hồn của con người mà chúng ta gọi là tình thương. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận nó
bằng trực giác của một tâm hồn cảm nhận một tâm hồn, giống như một hồn thơ cảm
nhận một hồn thơ.
Đứa trẻ còn nằm nôi chưa hiểu được tiếng nói của mẹ nhưng đã cảm nhận
được lằn điển với tình thương bao la của mẹ thâm nhập vào tâm hồn rất hồn nhiên
của đứa trẻ. Đây là trực giác cảm nhận tình thương. Trong tinh thần đó, thay vì
thuyết lý, bài viết này gồm những câu chuyện về tình thương - những
câu chuyện được chép lại trong sách vở, truyền lưu trong dân gian, và chứng kiến
trong thực tế hiện tại - giúp chúng ta cảm nhận tình thương
là phép lạ vô biên.
1. Tình thương bảo vệ sự sống
Không như bảy mươi hai phép thần thông
của Tôn Ngộ Không hay các phép lạ của Phật Tiên, Thánh Thần trong Tây Du Ký, trong
truyện Phong Thần, v.v... phép lạ của tình thương âm thầm nhưng rất lạ và có
công năng diệu dụng thật bao la rộng lớn. Đó là bảo tồn, duy trì, và phát triển
sự sống. Nếu không có tình thương thì sự sống không còn và thế giới sẽ bị tiêu
diệt. Thầy dạy:
Nếu không có tình thương thì người mẹ
không thể nuôi người con, thú mẹ không thể nuôi thú con với muôn ngàn hy sinh
gian khổ. Về tình thương người mẹ, chúng ta đã quá thông hiểu, cảm nhận; nhưng qua
tình thương của loài vật, chúng ta càng thấy rõ cơ mầu nhiệm của Tạo Hóa.
Thuở thiếu thời sống ở vùng nông thôn,
tôi chứng kiến cảnh gà mẹ nuôi nấng và chăm giữ đàn con rất là lý thú. Mỗi sáng
gà mẹ túc túc dẫn đàn con ra vườn, rồi gà mẹ ra sức dùng hai chân bươi đất để
tìm thức ăn; khi có thức ăn liền túc gọi đàn con đến ăn, rồi đi bươi tìm chỗ
khác. Vừa tìm thức ăn gà mẹ vừa cảnh giác, chăm giữ đàn con, thoáng có bóng mèo
chó, quạ diều xuất hiện từ xa liền túc đàn con quy tụ lại rồi xòe cánh ôm giữ
vào mình, và quyết liệt hy sinh chống cự, che chở đàn gà con khỏi bị xâm hại.
Con mèo đêm đêm đi tìm mồi, khi được mồi
tha về giao cho con. Mèo mẹ nằm trông con ăn hoặc giỡn mồi, khi hết mồi lại đi
tìm mồi khác.
Người ta thường bảo dại như trâu, nhưng
đàn trâu bầy sống trên núi rất tinh khôn và đoàn kết thương nhau. Vùng núi cao
ngày xưa có nhiều cọp dữ thường bắt trâu và các loài thú khác ăn thịt, thế nên
ban đêm bầy trâu tự sắp xếp trâu con và trâu ốm yếu vào giữa, còn trâu to khỏe
nằm quanh vòng ngoài, đơm sừng ra để bảo vệ. Khi có cọp dữ, bầy trâu xúm nhau
tấn công, cọp cũng phải thua chạy.
Loài cọp tuy dữ nhưng không nỡ ăn thịt
con và cũng thương con, nuôi con khôn lớn. Đức Lý Trường Canh Thái Bạch Kim
Tinh Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy:
“Gà mẹ
tuy không vú nhưng đã nuôi sống được bầy con. Nơi rừng già, cọp, beo, sư tử,
gấu, là những loài thú dữ, nhưng dữ với ai, chớ còn tình thương đã chứa đầy
trong lòng của thú mẹ dưỡng dục đàn con.” ([3])
Nói chung loài vật đều có tánh linh, đều
có tình thương mới bảo vệ được sự sống, giống nòi. Sau đây là một câu chuyện
cảm động.
Ông nọ bắn súng rất giỏi và say mê săn
bắn. Bữa nọ, ông cầm súng vào rừng săn thú, nhưng đi gần nửa buổi rồi mà chưa
gặp con thú nào. Bất chợt ông nhìn lên ngọn cây thấy một con khỉ mẹ bồng đứa
con nhỏ đang chuyền trên cành. Ông giương súng lên ngắm mà nó mải lo kiếm trái
ăn nên không thấy người sắp bắn mình. Khi súng nổ thì nó bị thương nặng, máu đổ
từ trên cây tưới xuống gốc cây đỏ tươi. Linh tính biết không sống nổi nên nó ẵm
con mà chuyền lần xuống đất, trông rất mệt nhọc vì ra quá nhiều máu. Vừa tới
đất nó nhướng cổ về phía non cao, ré lên mấy tiếng thảm thiết để kêu chồng nó
xuống.
Người thợ săn núp bên gốc cây theo dõi
từng động tác, xem thử con khỉ làm gì. Một chặp sau con khỉ đực từ trên núi phóng
xuống. Khỉ cái yếu mệt, nặng nề lê lại gần chồng và trao đứa con qua tay chồng.
Rồi nó ráng đi tìm một cái lá to, chằm thành đài và kê vào vú để nặn sữa, ráng
nặn hết sữa cho đầy đài rồi trao cho khỉ đực cầm để cho con uống. Xong xuôi, nó
từ từ ngã xuống và kêu lên một tiếng cuối cùng trước khi chết.
Theo dõi đến đây người thợ săn toát mồ
hôi dầm dề và bủn rủn cả chân tay vì xúc động. Ông thấy rõ khỉ mẹ có tình
thương con, biết suy nghĩ tính toán chẳng khác con người. Ông hối hận đã giết
nó, cướp đi mạng sống của nó, làm cho chồng vợ lìa xa, mẹ con phân lìa. Ông thấy
mình là người quá độc ác và thành tâm sám hối, hứa nguyện với Trời Phật từ đấy
trở đi sẽ không săn thú nữa, và ăn chay mãi đến cuối đời.
Trên đây là nói về tình thương ở loài động
vật, còn thực vật thì sao? Thực vật có cần tình thương không ?
Càn khôn
sản xuất hữu hình
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.
Hay hai câu mở đầu bài kinh cúng cửu thứ
chín:
Vùng
thoại khí bát hồn vận chuyển
Tạo Hóa Thiên
sanh biến vô cùng.
Trong bát hồn thì hồn thứ hai gọi là thảo mộc hồn. Như vậy cây cỏ không phải
là giống vô tri, chúng có sự sống và cũng biết cảm nhận. Câu chuyện đáng nhớ
sau đây, do một giáo viên người Mỹ kể lại, cho thấy cây cỏ cũng cần có tình
thương để phát triển:
Ngày ấy,
tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa
nhà ba tầng xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh lại tụ tập trong
căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục. Hơn năm mươi đứa trẻ, ba
đến sáu tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xắn đủ màu đặt trên thảm
dày.
Một buổi
sáng, cô hiệu trưởng đến gặp các học sinh trong căn phòng lớn. Cô nói: “Hôm
nay chúng ta sẽ làm một thí nghiệm mới.” Giơ cao hai cây thường xuân (ivy) bé
xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau, cô hỏi: “Chúng ta có hai cây
con giống hệt nhau, phải không?” Bọn trẻ đồng thanh đáp: “Dạ phải.”
Cô hiệu
trưởng giải thích: “Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này theo cùng chế độ ánh
sáng, tưới nước, nhưng chăm sóc khác nhau. Chúng ta sẽ theo dõi xem điều gì sẽ
xảy ra. Chậu cây thứ nhất đặt trong nhà bếp, cách xa chúng ta, không ai trò
chuyện với nó, khen tặng nó. Chậu cây thứ hai đặt ngay trong phòng này. Từ nay
trở đi, chúng ta sẽ đối xử với chậu cây thứ hai như một người bạn. Mỗi ngày
chúng ta sẽ hát cho bạn ấy nghe, sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy rất xinh đẹp và
chúng ta rất yêu quý bạn ấy. Chúng ta luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp.”
Bốn tuần
sau tôi và bọn trẻ rất ngạc nhiên. Cây thường xuân trong bếp yếu ớt, mảnh khảnh,
chẳng lớn được tí nào. Còn cây đặt trong phòng lớn, được nghe những lời yêu
thương dịu dàng, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba với những
chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống.
Bấy giờ
cô hiệu trưởng đem chậu cây thứ nhất trong bếp ra đặt bên cạnh chậu cây thứ hai
trong phòng lớn, để cả hai chung hưởng sự chăm sóc yêu thương của bọn trẻ. Ba
tuần sau, chậu cây thứ nhất đã lớn gần bằng chậu cây thứ hai. Bốn tuần sau, cả
hai lớn mạnh như nhau.
Tôi nhớ
mãi bài học này và rút ra quy luật: Không có tình thương thì chẳng sinh vật, thực
vật nào phát triển được.([5])
Trong một phạm vi rộng hơn với thế giới
nhân loại và cộng đồng xã hội thì tình thương cũng là yếu tố tiên quyết để bảo
vệ sự sống còn, tồn tại và phát triển.
- Nếu không có tình thương đồng bào thì
những nước nhỏ khi bị nước lớn xâm lược, đàn áp bóc lột, dân tình khổ sở, không
ai chịu hy sinh đứng lên để tìm đường cứu nước, cứu nguy dân tộc.
- Nếu không có tình thương nhân loại thì
nạn nhân chiến tranh không có ai đứng ra giúp đỡ, cứu sống.
- Nhờ có tình thương nhân loại mà khi thiên
tai, dịch bệnh khủng khiếp, sức lực một nước không đảm đương nổi thì luôn được
cộng đồng quốc tế giúp sức.
- Nhờ có tình thương nhân loại mà các
nhà đạo học, khoa học, triết học, chính trị, tôn giáo đã hy sinh suốt đời để
khám phá, để xây dựng những phát minh, những công trình cứu nguy nhân loại và
giúp cho nhân loại phát triển, thăng tiến cả thể xác và tinh thần, vật chất và
tâm linh.
- Không những tình thương nhân loại mà
còn mở rộng tình thương đến vạn loại chúng sinh. Ngày nay con người tiến bộ đã
biết sự sống là sáng tạo vô cùng kỳ diệu của Tạo Hóa đã trải qua qua hàng tỷ
năm mới có được, nên quốc tế đã có những luật pháp để bảo vệ những loài động
vật, thực vật quý hiếm, không để chúng tuyệt chủng.
- Nếu tình thương nhân loại không thắng
được tham vọng con người thì nhân loại sẽ đi vào cơ tự diệt gần kề. Cụ thể như
các nước giàu với nền công nghiệp lớn mà không chịu cắt giảm khí thải CO2
thì địa cầu sẽ nóng thêm lên, các biển băng tan ra, mực nước biển dâng
lên nhận chìm nhiều vùng lãnh thổ, dân không có đất sinh sống, ngoài ra còn gây
bão lụt hạn hán khủng khiếp. Đây là hiểm họa của nhân loại mà các nhà khoa học
đã dự báo chính xác. Gần đây diễn ra nhiều hội nghị về biến đổi khí hậu ([6]) rất quy mô, tập trung rất nhiều nguyên
thủ quốc gia, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi tìm kiếm sự đồng thuận cam kết
thực hiện những biện pháp cần thiết bảo vệ sự sống toàn cầu.
- Nếu tình thương nhân loại không thắng
được tham vọng con người thì nhân loại sẽ bị vĩ lò nguyên tử sắp hàng chờ
thiêu. Bởi vì một số cường quốc dự trữ hàng ngàn đầu đạn hạt nhân, sẵn sàng
trên bệ phóng mà nhắm sẵn mục tiêu, chiến tranh nguyên tử sẽ nổ ra bất cứ lúc
nào nếu lòng người không được lương tâm kềm chế.
2. Tình thương
là phép lạ, san bằng mọi lẽ chinh nghiêng, lấp bằng những hố tư riêng nơi lòng
Trong câu chuyện đạo hiếu thời xưa, Mẫn
Tử Khiên mồ côi mẹ, cha có vợ kế. Người mẹ kế bảo bọc hai con mình mà hất hủi
Mẫn Tử Khiên. Một hôm cha đi dạo, Mẫn Tử Khiên theo đẩy xe nhưng trời rét, áo
không đủ ấm và lạnh run nên sảy tay suýt té. Người cha nhìn thấy tình cảnh như
vậy mới hay biết vợ kế hất hủi Mẫn Tử Khiên, liền nổi giận quyết định bỏ vợ.
Mẫn Tử Khiên liền quỳ lạy khóc lóc xin cha xét lại nguồn cơn vì mẹ còn một mình
con chịu khổ, nếu mẹ đi cả ba anh em con phải chịu cơ cực. Từ sự hy sinh và
tình thương bao la như vậy làm cho cha phải xót xa nghĩ lại. Mẹ kế nghe vậy
cũng tỉnh ngộ và thay đổi tính tình, không còn ích kỷ riêng tư như từ lâu mà đổi
ra lòng thương đều cả con sinh và con ghẻ, đem lại hạnh phúc chan hòa cho cả nhà.
Đây là phép lạ của tình thương.
Sau đây là câu chuyện thương tâm của
thời nay: Đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá trong mấy năm liên tiếp đã cướp
đi mạng sống nhiều ngàn người. Dân chúng phải tìm đường lánh nạn, vượt biển,
vượt biên giới để đến các nước châu Âu. Nhưng các nước châu Âu đều đóng cửa biên
giới, không tiếp nhận làn sóng người di cư, vì sợ gánh nặng kinh tế và sợ hơn cả
là những kẻ khủng bố trà trộn vào làn sóng di cư sẽ phá hoại đất nước mình.
Những người tỵ nạn bị chìm tàu chết đuối
rất nhiều. Trong số ấy có một gia đình xuất phát từ thị trấn Kobani, phía bắc
Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình này chết cả bà mẹ và ba đứa con, chỉ
còn người cha là Abdullah Kurdi sống sót. Con trai út của người đàn ông đau khổ
này mới ba tuổi, tên là Aylan Kurdi. Xác bé bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển Bodrum,
khu nghỉ dưỡng nổi tiếng phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 02-9-2015, nhà báo Sakir
Khader chụp được ảnh bé Aylan nằm chết úp mặt trên cát và đưa ngay tấm ảnh lên
Twitter. Hình ảnh rất thảm thương này lập tức được chia sẻ rộng khắp trên mạng
xã hội với tốc độ chóng mặt và tạo thành hiệu ứng làm chấn động cả thế giới khiến
cho nhiều nước châu Âu phải thay đổi chính sách, chịu mở cửa biên giới để tiếp
nhận và tổ chức cứu trợ làn sóng những người tị nạn... Đây quả là phép lạ của
tình thương.
3. Tình thương
là phép lạ để tiến hóa tâm linh
Tình thương không chỉ là phép lạ để bảo
vệ sự sống, cảm hóa con người, cải tạo thế gian hầu tạo nên cảnh an vui hạnh
phúc đại đồng tại thế mà tình thương còn là phép lạ để giải thoát tâm linh,
thăng tiến trên con đường hội hiệp cùng Thầy, cùng chư Phật nơi Bạch Ngọc Kinh,
nơi cực lạc niết bàn.
Thầy dạy:
“Sự
thương yêu là chìa khóa mở tam thập lục thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc
Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.” ([7])
Thầy là sự thương yêu và lẽ hằng sống.
Đạo là sự sống, tình thương và lẽ thật. Nếu lòng người không có tình thương, sự
sống và lẽ thật thì không thể ở cùng Thầy.
Thầy dạy:
Con có
thánh tâm sẽ thấy Thầy
Thầy là Cha Cả của
Đông Tây
Tây Đông dầu
biết hay không biết
Nếu lòng người còn chứa sự ganh ghét thù
hận thì không được Thầy ở cùng.
Thầy dạy:
Người
nào còn thị còn phi
Không có Thầy thì ma quỷ sẽ xen vào xúi
chúng ta làm điều tội lỗi, sẽ phải chịu luật nhân quả luân hồi để đền tội.
Đức Ngô Cao Tiên dạy:
Không
Thầy ma quỷ xôn xao
Để minh chứng thêm cho vấn đề tiến hóa,
thoái hóa của tâm linh hay là siêu đọa trong giáo lý tôn giáo, dưới đây chúng
tôi xin trích dẫn tài liệu có tính cách khoa học:
Marcel Bohrer là tác giả quyển Thông Thiên Học Dẫn Giải. Ở Chương II (Các Cõi Của Vũ Trụ Và Các Thể Của Con Người), ông giảng giải về hào
quang (aura) như sau:
“Hào
quang là toàn thể các thể tinh vi của con người. Đôi khi, danh từ nầy chỉ cái
phần các thể ấy vượt ra khỏi xác thân.
Hình dáng, màu sắc của nó tùy sự
tiến hóa của mỗi người. Ai thấy nó được thì biết trình độ tiến hóa
của người ấy như thế nào.” ([11])
Nói về hào quang của con người, một tài
liệu cho biết:
“... sự
phối hợp của năng lượng vật chất nuôi dưỡng cơ thể và năng lượng của vũ trụ tạo
thành một năng lượng sinh học luân lưu trong cơ thể, biến đổi thành bức xạ hào
quang bao quanh cơ thể
người, bức xạ dao động với tần số khác nhau tùy thuộc vào cảm xúc, ý thức, vào
những thời điểm khác nhau. Bức xạ hào quang thuộc dạng phi vật chất, vô hình
đối với con người, bức xạ có bước sóng l < 400mm và l > 700mm, biểu trưng cho ý thức.” ([12])
Tài liệu dẫn trên có nói tới thuật ngữ khoa học bước sóng. Bước sóng (wavelength) là khoảng cách giữa hai đỉnh
sóng âm thanh hoặc sóng điện từ (điểm mà sóng đạt giá trị lớn nhất), hoặc tổng
quát là giữa hai cấu trúc lặp lại của sóng, tại một thời điểm nhất định. Bước sóng
thường được viết tắt bằng chữ Hy Lạp lambda,
ký hiệu là λ., như minh họa dưới đây:
Liên quan tới hào quang, một thuật ngữ
khoa học khác được tạo ra vào năm 1939 là kỹ
thuật chụp ảnh Kirlian (Kirlian
photography), sau khi vợ chồng nhà khoa học người Nga là ông Semyon
Davidovich Kirlian (1898-1978) và bà Valentina Khrisanovna Kirlian (qua đời năm
1972) tình cờ phát minh kỹ thuật chụp được ảnh hào quang.
Tài liệu đã dẫn cho biết:
“Nhà
khoa học Nga Kirlian đã thiết kế máy chụp ảnh gọi là Kirlian phóng
xạ ký 75 và phóng xạ ký 80, cho phép chụp
ảnh được mọi sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể qua năng lượng tâm lý,
thể hiện được sự tồn tại bức xạ hào quang, đồng thời màu sắc của phim chụp thể
hiện được sự khác nhau với tần số dao động. Chẳng hạn với cảm xúc tiêu cực
(như hận thù, ghen tỵ, sợ hãi...) tương thích với tần số thấp, năng lượng thấp,
ảnh chụp có màu xám, lốm đốm vết đen. Trái lại, khi
một người ở tâm trạng hân hoan, tốt bụng, bao
dung thì người đó đang vận hành dòng năng lượng cao, tần số cao thì bức xạ hào
quang cho ảnh chụp có sắc màu rực rỡ,
đẹp đẽ.” ([13])
Như vậy nếu con người luôn luôn có những
tư tưởng hướng thiện, tốt lành, lạc quan thì lớp hào quang có màu sắc rực rỡ
đẹp, tinh khiết, có tần số rung động cao để linh hồn nương đó siêu xuất thế
gian tiến lên những quả địa cầu cao hơn hoặc hưởng cảnh cực lạc niết bàn tại
thế.
Ngược lại, với tư tưởng hận thù, xấu xa,
bi quan cứ tiếp diễn thì lớp hào quang bẩn xỉn và có nhiều vệt đen sẽ cố kết
lại thành một vòng vô minh làm cho linh hồn con người phải chịu khổ đau sầu
não. Đây là cảnh địa ngục tại trần gian; khi chết linh hồn sẽ đầu thai xuống
những quả địa cầu thấp hơn, nếu trở lại làm người thì sẽ khổ hơn, có khi còn
xuống làm con vật tùy theo vòng vô minh nghiệp chướng.([14])
4. Tình thương do đâu mà có? Vì sao mất đi?
Muốn bảo tồn phải làm thế nào?
Nền khoa học hiện đại cực kỳ tiến bộ
trên nhiều lĩnh vực nhưng riêng về lĩnh vực tâm linh thì hình như khoa học chỉ
mới đặt nền tảng bước đầu hình thành các bộ môn như khám phá tiềm năng con
người, cận tâm lý học (parapsychology),
siêu hình học (metaphysics), v.v...
Nếu hỏi tình thương do đâu mà có thì có lẽ khoa học cũng chưa có câu trả lời
chính xác.
Các tôn giáo có nhiều cách lý giải, ngôn
từ mô tả khác nhau nhưng tựu trung cũng cùng một nguyên lý, đó là điểm tâm linh
của Tạo Hóa, của vũ trụ, của Thượng Đế, của Đấng tối cao phú bẩm nơi tâm của
mỗi con người và chúng sinh, thế nên con người có ý thức đạo đức, có tình
thương, sự sống và lẽ thật.
Điểm tâm linh đó gọi là Phật tính,
Thượng Đế tính, tiểu linh quang, linh hồn, atman, lương tâm, v.v...
Nhưng rồi lục dục thất tình, tham sân si
tạo nên màn vô minh che lấp làm cho mờ tối điểm tâm linh đó. Hễ lòng tham dục
càng cao độ thì màn vô mình càng dày đặc, điểm tâm linh càng mờ tối. Tình
thương, sự sống, lẽ thật sẽ mất dần, và khi lương tâm mất thì con người sẽ làm
nhiều điều độc ác, tội lỗi khôn lường.
Để phục hồi và bảo tồn điểm tâm linh,
Phật tính, Thượng Đế tính nơi con người chỉ có cách phải tu. Mỗi tôn giáo có
nhiều pháp môn nhưng muốn đạt kết quả thì hành giả phải đủ đức tin, kiên trì
thực hiện đúng pháp môn để phá màn vô minh cho mây tan trăng hiện, cho tâm linh
được tỏa sáng.
ĐỨC THUẦN
([4]) Cao Đài Từ Điển của Đức Nguyên Nguyễn Văn
Hồng giải thích: Bát hồn là tám đẳng
cấp tiến hóa của linh hồn, nên còn được gọi là bát phẩm chơn hồn. Tất cả chơn linh trong càn khôn vũ trụ (gọi là vạn linh) được chia làm tám bực tiến hóa
cao thấp khác nhau, kể từ thấp lên cao: Kim thạch hồn; Thảo mộc hồn; Thú cầm hồn; Nhơn hồn;
Thần hồn; Thánh hồn; Tiên hồn; Phật hồn.
([14]) Theo giáo
lý Cao Đài, trong số bảy mươi hai quả địa cầu (thất thập nhị địa), trái đất là quả địa cầu sáu mươi tám. Quả địa cầu
sáu mươi bảy tiến hóa cao hơn trái đất này rất nhiều lần. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, có lời Đức Chí Tôn dạy về các quả địa
cầu như sau:
- “Ðứng bực đế vương nơi trái địa cầu nầy chưa đặng vào
bực chót của địa cầu sáu mươi bảy. (...) Cái quý trọng của mỗi địa cầu càng tăng thêm
hoài cho tới đệ nhứt cầu...” (đàn ngày 19-12-1926)
- “... buổi chung cuộc, hồn lìa cõi trần đặng đến nơi
khởi hành mà phục hồi công cán; ai giữ trọn bực phẩm thì đặng Tòa Nghiệt Cảnh
tương công chiết tội, để vào địa vị cao hơn chốn địa cầu sáu mươi tám nầy.” (đàn ngày 10-01-1927)