Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

ĐƯỜNG VỀ THẦY 4/7


Học đạo - tu dưỡng - sống đạo
Vấn đề thiết yếu mà người tu xem như cơm ăn, nước uống, hơi thở – đó là học đạo - tu dưỡng - sống đạo hay có thể gọi là tu - học - hành. Bởi lẽ có tu dưỡng, học đạo, sống đạo mới có thể nuôi dưỡng được phần tâm linh, tăng trưởng được tinh thần đạo đức, mới tìm về được Đạo; cũng như có ăn, có uống, có hít thở thì mới có thể nuôi dưỡng được phần thể xác. Ba yếu tố này phải cùng có, cùng tương tác với nhau để đem lại hiệu quả trọn vẹn; nếu thiếu, sẽ chẳng có tác dụng, ý nghĩa gì.
Học đạo - tu dưỡng - sống đạo là sự nghiệp (cũng là đạo nghiệp) của mọi người tu hành chân chánh trong mọi tôn giáo, đặc biệt là của những người có trách nhiệm hướng dẫn, giáo hóa tín đồ; vì có nỗ lực học hỏi, trì hành, nâng cao tâm đức và khả năng, ứng dụng cả ngôn giáo và thân giáo mới mong cảm hóa được người nên đạo, tạo cảnh an vui, hạnh phúc, góp phần phụng sự xã hội, nhân sinh.
I. HỌC ĐẠO
1. Đạo là gì?
Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, đã có nhiều định nghĩa hay giảng nghĩa về Đạo. Trong đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn giảng dạy về Đạo như sau:
Đạo là ngôi nhứt nguyên chủ tể
Đạo cũng là đồng thể vạn linh
Từ trong vật chất hữu hình
Nhơn thân, xã hội, gia đình, nước non.
Đạo là lẽ các con đang sống
Đạo là quyền cao rộng chở che
Thu đông mãn đến xuân hè
Vận hành Thiên Đạo mọi bề dưỡng nuôi.
Đạo chẳng luận ở ngôi vương bá
Đạo không phân sằn dã lâm bô
Dấn thân trên nẻo thế đồ
Con mang cái Đạo từ giờ sơ sanh.([1])
Suy niệm thánh thi của Thầy, chúng ta hiểu:
- Về vũ trụ: Đạo là chủ tể sinh hóa và dưỡng nuôi tất cả vạn loại. Đạo là bản thể của vạn loại hữu hình lẫn vô hình. Đó là nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể.
- Về con người: Từ cá thể tới tập thể (gia đình, xã hội, nước non…) đều chung đồng một bản thể là Đạo (Thượng Đế vô ngã), cũng là Thiên (Thượng Đế hữu ngã). Con người không phân biệt thành phần, tầng lớp nào trong xã hội, ai ai cũng có Đạo từ khi chào đời và mang theo suốt kiếp sống mỗi người. Cái Đạo hàm tàng này chính là tính Trời (Thượng Đế tính) sẵn có nơi mỗi người vậy.
Hai suy niệm đó giúp ta lãnh hội nghĩa lý sâu xa hàm ngụ trong câu thánh ngôn của Đức Chí Tôn: “Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy.” ([2])
Đức Chí Tôn lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gọi tắt là đạo Cao Đài ([3]) ở vào thời đại năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà,([4]) nên tính chất của nền Đạo Kỳ Ba là đại đồng, kết tinh, tổng hợp, dung hòa Đông Tây kim cổ: “Bất nệ ư kim, bất thiên ư cổ. Phi cổ nhi cổ, phi kim nhi kim. Phi kim phi cổ, nhi kim nhi cổ, trung dung quán nhất thị Cao Đài.”
Tương tự, Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Chẳng phải xưa mà chẳng phải nay
Trung dung quán nhứt ấy Cao Đài.([5])
Từ cái nhìn toàn diện xuyên suốt, nhất quán rằng Đạo vẫn có một, đưa vào ứng dụng cho con người và xã hội, tạo cảnh an vui hạnh phúc đại đồng, đồng thời nâng cao và thánh hóa con người lên hàng Thánh Hiền, Tiên Phật cho đến khi hội hiệp cùng Thầy.
Thuở ban sơ mở đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy:
“… các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà hễ thương Ðạo thì thương hết chúng sanh.” ([6])
Một năm sau đó, Đức Chí Tôn nhắc nhở:
“Thầy thường nói với các con rằng Thầy là Cha của sự thương yêu, do bởi thương yêu mới tạo thành thế giới và sanh dưỡng các con. Vậy các con cũng sản xuất nơi sự thương yêu ấy. Vậy các con là cơ thể của sự thương yêu…([7])
Qua thánh giáo Cao Đài, chúng ta hiểu rằng Thầy là sự thương yêu và lẽ hằng sống; Đạo là sự sống, là tình thương, là lẽ thật. Vậy, Thầy là Đạo; Đạo là Thầy.
Ba yếu tố sự sống, tình thương, lẽ thật này có một tính chất diệu kỳ mà qua đó chúng ta có thể hiểu được phần nào cái bản thể vô cùng kỳ diệu của Đạo. Đồng thời ba yếu tố này là phẩm chất đặc biệt của con người, một sinh vật tối linh. Nhưng con người vì vật dục, vì tham sân si, vì vô minh đã làm cho lu mờ bản thể tối linh mà không hay biết. Các Đấng giác ngộ đã tìm mọi phương cách để hướng dẫn con người tìm lại các phẩm chất thiêng liêng cao quý của con người, và rồi tôn giáo ra đời.
2. Học đạo là học những gì?
Qua phần tìm hiểu “Đạo là gì?” như trên đây ta thấy rõ mục đích học đạo là tìm cầu chân lý để bảo tồn sự sống, phát triển tình thương, và giác ngộ lẽ thật.
Đối với cá nhân mỗi người thì bảo tồn sự sống là làm cho thể xác được khỏe mạnh, phát triển tình thương là làm cho tâm hồn được thánh thiện, và giác ngộ lẽ thật là làm cho trí tuệ được viên minh.
Đối với cộng đồng nhân loại là bảo tồn và phát triển trên ba phương diện nhân sinh, nhân đức,nhân trí.
3. Học đạo bằng cách nào?
Đạo là một lĩnh vực bao la, trùm khắp cả vũ trụ và nhân sinh, cho nên học đạo có cả muôn ngàn pháp môn. Nhưng có thể quy về hai chiều hướng là ngoại cầu và nội cầu.
- Ngoại cầu tức hướng ra bên ngoài để học hỏi, cầu tìm chân lý như học ở nhà trường, học trong kinh sách, học nơi những sự vật chung quanh ta, học nơi những người đi trước có kinh nghiệm, và học lẫn nhau...
- Nội cầu là quay vào bên trong để soi rọi thân tâm của chính mình và tham thiền nhập định để suy cứu tìm cầu chân lý.
Trên thế giới cũng có hai khuynh hướng học hỏi: phương Tây thì đi vào nghiên cứu tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ để tìm hiểu cái bản thể nguyên lai; còn các nhà đạo học phương Đông thì quay vào quán xét thân tâm để cảm nhận hình hài của Tạo Hóa.
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này Đông Tây đã gặp nhau, đạo học và khoa học đã hội ngộ. Đơn cử như cuốn sách Đạo Của Vật Lý - một khám phá mới về sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và Đạo học phương Đông, tác giả là Fritjof Capra, giáo sư ngành vật lý (sinh năm 1939) nói về Đạo như sau:
… “Đạo”, nguyên nghĩa của nó là “đường đi”. Đó là đường đi hay tiến trình của vũ trụ, là trật tự của tự nhiên. Về sau môn đệ của Khổng Tử cho nó một nghĩa khác. Họ nói về Đạo của con người hay Đạo của xã hội loài người và xem như cách để sống đúng đắn trong nghĩa đạo đức.
Trong nghĩa nguyên thủy nói về vũ trụ thì Đạo là thể cuối cùng, không thể định nghĩa và như thế nó ngang tầm Brahman của Ấn Độ Giáo và pháp thân của Phật Giáo. Thế nhưng nó khác với các khái niệm của Ấn Độ là Đạo mang tính năng động nội tại, mà theo quan điểm Trung Quốc thì đó là tính chất then chốt của vũ trụ. Đạo là tiến trình vũ trụ mà trong đó mọi sự vật đều tham dự và thế giới là một sự trôi chảy liên tục và biến đổi không bao giờ ngừng.([8])
Khoa học thời nay còn hội ngộ đạo học ở chỗ thừa nhận rằng sự sống trong thế giới này không phải do ngẫu nhiên.
Thật vậy, cơ mầu nhiệm của Tạo Hóa là huyền vi vô lượng, bất khả tư nghì, các nhà đạo học phương Đông từ ngàn xưa đã cảm nhận và phát biểu như vậy. Qua thời hiện đại khoa học đã có những bước tiến vô cùng ngoạn mục, tuy nhiên càng đi sâu vào khám phá vũ trụ, các nhà khoa học càng kinh ngạc trước sự nhiệm mầu của Tạo Hóa.
Trong cuộc trò chuyện giữa nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận với nhà báo Jacques Vauthier, quyển Trò Chuyện Với Trịnh Xuân Thuận ([9]) cho biết về sự kỳ diệu để có sự sống con người trong vũ trụ như sau:
“Độ chính xác của sự điều chỉnh một số con số để rốt cục chúng ta xuất hiện trên đời này có thể so được với độ chính xác của một cung thủ muốn găm mũi tên vào một tấm bia có diện tích 1cm2, đặt mãi tận đầu kia của vũ trụ, tức là ở khoảng cách 15 tỷ năm ánh sáng.
Thật là đáng kinh ngạc! (...) chúng ta đang sống cộng sinh hoàn toàn với vũ trụ, một vũ trụ không hề thờ ơ với chúng ta mà được hiệu chỉnh một cách cực kỳ chính xác để cho phép chúng ta hiện hữu ngày hôm nay trên cõi đời này.
Để con người xuất hiện, cần phải có những ngôi sao nặng chế tạo ra những nguyên tố nặng cần thiết cho sự sống (như nitơ và ôxy), cần phải để vào lúc kết thúc sự tồn tại của mình, trong cơn hấp hối bùng nổ, chúng phóng các nguyên tố này ra môi trường giữa các vì sao để cho ra đời các hành tinh mà từ đó sự sống xuất hiện. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải có thời gian, ít nhất là hàng tỷ năm. Chính điều này giải thích tại sao vũ trụ lại rộng lớn như vậy, với bán kính đạt tới 15 tỷ năm ánh sáng. Vũ trụ rộng lớn trong không gian và trong thời gian bởi vì cần phải đạt tới độ lớn như vậy để chuẩn bị cho ý thức xuất hiện.” ([10])
Do đó các nhà khoa học ngày nay thấy rằng sự sống không xuất hiện ngẫu nhiên, như tài liệu sau đây diễn tả:
“Để làm rõ hơn cơ sở này, chúng ta xét một trường hợp cụ thể: Một tế bào sống bao gồm khoảng hai chục axit amin tạo thành một chuỗi chật kín. Chức năng của các axit amin ấy, đến lượt nó, phụ thuộc vào khoảng 2000 enzym đặc thù. Theo sơ đồ ấy, các nhà sinh học đã tính ra rằng, để 1000 enzym khác nhau, xích lại gần nhau một cách có trật tự để tạo thành một tế bào sống, (trong một tiến trình nhiều tỷ năm), thì phải có xác suất là 101000 lấy một. Có thể nói cơ may ấy bằng không. Điều này đã thúc đẩy Francis Crick, giải Nobel sinh học, dựa vào phát hiện về ADN, đi tới kết luận, theo hướng đó, rằng một người trung thực, được trang bị mọi tri thức hiện có, sẽ phải khẳng định rằng, nguồn gốc sự sống hiện nay, có vẻ như ở một phép mầu . . .” ([11])
Từ trích dẫn trên suy ra, nếu chúng ta cùng hướng về tìm cầu chân lý thì Đạo vẫn có một. Vì vậy nội cầu hay ngoại cầu, nội giáo hay ngoại giáo đều có tác dụng bổ sung cho nhau.
Một số người tu theo nội giáo thường nghĩ rằng nội giáo cao siêu hơn ngoại giáo, do đó mà sinh lòng tự tôn, xem ngoại giáo hay phổ độ là thấp kém. Để điều chỉnh nhận thức đó trở về với trung đạo, Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu - là Đấng khai sáng con đường nội giáo mang tên Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, cũng là Đức Tôn Sư truyền ban bửu pháp luyện châu cho Hội Thánh Truyền Giáo - có lần dạy: Ngoại giáo tỉnh đời cũng đại công.([12])
Trên con đường ngoại giáo, với chủ trương Vạn giáo nhất lý, người đạo Cao Đài không kỳ thị cố chấp, trái lại luôn cởi mở để rộng đường học hỏi, nghiên cứu kinh sách các tôn giáo khác và các lĩnh vực khác để chọn lọc những tinh hoa, những gì thiết thực, lợi ích cho con người.
Hiện tại, Giáo Hội chúng ta, về phương diện tổ chức đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, phương tiện vật chất còn quá thiếu thốn, chưa có trường lớp giáo huấn tập trung, chưa có chương trình Hạnh Đường dài hạn, chỉ có những lớp tu học ngắn ngày. Học Viện Truyền Giáo Cao Đài tuy đã có quyết định chính thức thành lập vào ngày 22-9-2015, nhưng việc triển khai để đi vào hoạt động dường như còn đang phải cần thêm thời gian chuẩn bị.
Do đó, có thể nói, phần lớn là sự tự tìm tòi học hỏi, nghiên cứu (tự đào tạo) của nhũng người thiện tâm, thiện chí. Nhưng việc tự đào tạo này muốn có kết quả cần phải có phương pháp, phải xây dựng một nội dung, một chương trình, một thời gian biểu, và phải nhắm vào chỗ thiết thực, sao cho phát huy được nền tân pháp Cao Đài.
Cũng cần lưu ý là thánh ngôn, thánh giáo của nhà Đạo Kỳ Ba là một kho báu, là nguồn vốn phong phú dành cho đồ chúng tham cầu học đạo. Chúng ta cần có cách khai thác để học hỏi, vận dụng cho từng nội dung, từng chuyên đề học đạo.
Như vậy yếu tố học đạo rất cần thiết để chúng ta hiểu rõ: Đạo là gì? Đạo cần thiết với con người như thế nào? Vì sao Đạo mất? Tìm lại Đạo bằng cách nào?
Xác định rõ mục đích thì việc tu hành khỏi mông lung, lệch lạc. Nhưng đây mới là phần lý thuyết, là bản đồ để hướng dẫn đường đi và cách đi. Muốn đến đích thì phải cầm bản đồ mà đi, chứ không phải cầm bản đồ mà ngắm, tức là phải đi vào thực hành tu dưỡng và sống đạo.
II. TU DƯỠNG
1. Tu dưỡng là gì?
Tu là sửa. Sửa cái xấu nên tốt, cái sai nên đúng, cái hư trở nên cái tốt đẹp. Dưỡng là chăm sóc, bồi bổ cho phát triển thêm lên. Ở đây là tu dưỡng thân tâm, hay chăm sóc, bồi bổ cho phát triển sự sống, tình thương, và lẽ thật.
2. Có bao nhiêu pháp môn tu dưỡng?
Các tôn giáo từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây tùy theo trình độ nhân loại ở mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại đã bày ra rất nhiều pháp môn, phương tiện để tu dưỡng. Nhưng chung quy có lẽ gồm ba phần chính là: nghi lễ; tu luyện, tỉnh sát; quy giới, luật đạo.
a. Công dụng của nghi lễ trong tu dưỡng
Thứ nhất: Nghi thức thờ phượng với ngôi thánh đường tam đài, biểu tượng Thiên Nhãn, quả Càn Khôn, cách bài trí trên Thiên Bàn, cách lạy, cách chắp tay bắt ấn Tý, v.v… đã tạo thành một mô hình nhằm biểu thị cái nguyên lý trong vũ trụ, trong con người và quan hệ giữa con người với vũ trụ. Từ đó người tu hành suy nghiệm để tu luyện tiến hóa đạt đạo.
Thứ hai: Các nghi thức tế lễ, quan hôn tang tế, nhập môn, tắm thánh, và kinh kệ, v.v... nói lên đạo lý cao siêu và nhắc nhở con người một cách thiết thực trong từng trường hợp sinh hoạt trong cuộc sống của con người, để con người luôn gìn tâm sửa tánh, hầu sống cho hợp với lẽ đạo.
Thứ ba: Nghi lễ còn nhằm tạo ra một khung cảnh, một môi trường để từ đó kích thích cảm quan của con người, làm cho tâm hồn được an tịnh, phát xuất ra những luồng tư tưởng thanh cao, siêu thoát, giao cảm với Thiêng Liêng, hướng thiện, hướng thượng, và cũng để tiếp nguồn ân điển thiêng liêng gội rửa thân tâm trong sạch.
b. Công dụng của tu luyện trong tu dưỡng
Pháp môn tu luyện của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài gồm bốn tầng bậc tu châu và Tứ Bửu Pháp. Đây là những pháp môn điều khiển tinh thần, điều hợp sinh lý, điều tâm, điều tức, điều thân để cho thể xác được khỏe mạnh, tinh thần được sáng suốt và luyện đến chỗ tinh, khí, thần hiệp nhất để thanh lọc phàm ngã, hiển lộ chân ngã siêu phàm nhập thánh, trở về hội hiệp cùng Thầy. Ngoài ra tham thiền nhập định là để cho tâm tỏ ngộ; tham cứu những lý đạo sâu xa và tỉnh sát là để kiểm tra tâm mình.
Đức Tổng Lý Hưng Đạo dạy:
“Nếu không thời thường tu dưỡng, khổ hạnh công phu thì khi gặp phải cảnh ngộ biến thay, tự khắc chúng nó nhớm lên xô đổ ngay cái bồ đề còn non nớt.” ([13])
c. Công dụng của giới luật trong tu dưỡng
Về giới luật có Ngũ Giới, Tứ Đại Điều Quy, hai mươi bốn điều Thế Luật, v.v… là những khuôn vàng thước ngọc để chúng ta nương vào đó mà sửa mình, rèn tâm luyện tánh để đạt đạo. Bởi vì những loạn động của tình thức khi còn ở trong tâm, nhờ các pháp môn lễ bái, hồi hướng tu luyện, tỉnh sát trấn tĩnh dẹp trừ. Nhưng dẹp chưa yên thì nó phóng tán ra hành động. Bây giờ phải có cái khuôn phép, cái hàng rào ngăn ngừa bên ngoài là giới luật, không cho vượt qua để hành động sai quấy.
Lễ bái, tu luyện, tỉnh sát là tự giác để sửa trị. Còn giới luật là biện pháp để sửa trị. Giới luật là cái hàng rào, cái bờ ngăn không cho thoái hóa, nên cũng là nấc thang tiến hóa.
Đức Chí Tôn dạy :
“Thầy ước ao mỗi con cứ âm thầm tu học, lập công, giữ đúng quy giới đạo hạnh để xứng đáng vai môn đệ của Thầy.” ([14])
“Hằng ngày sửa mình cầu nguyện quy giới cho tròn, đừng ngóng đó trông đây mà trọn đời không nên việc.” ([15])
Trên đây là những pháp môn tu dưỡng. Nhưng muốn chứng minh cho việc học đạo và tu dưỡng có đạt kết quả hay không và đạt đến mức nào, phải xét đến yếu tố sống đạo, tức là bước thứ ba trên con đường tìm về với Đạo.
III. SỐNG ĐẠO
Nói sống đạo là như thế nào thì có không biết bao nhiêu việc cụ thể mà nói, nhưng tựu trung đó là cuộc sống hướng đến chân thiện mỹ. Cuộc sống như thế tất nhiên sẽ đem lại lợi lạc cho chính mình, cho người khác, và cho nhân loại. Đó là lẽ tất yếu của sống đạo.
Qua những phần trình bày từ học đạo, tu dưỡng đến sống đạo, chúng ta thấy rằng mọi người có ăn, có uống, có hít thở đầy đủ mới có thể nuôi dưỡng cơ thể sống, trừ một vài trường hợp đặc biệt nào đó, do cơ thể đặc biệt, hay do luyện tập, con người ăn rất ít mà vẫn khỏe mạnh, hoặc có khi không ăn, không uống mà vẫn sống được, như các nhà yogi ([16]) Ấn Độ chôn mình dưới đất hơn cả tháng không thở mà không chết. Đối với người tu, phải học đạo, tu dưỡng, sống đạo đầy đủ thì mới có thể nuôi dưỡng được phần tâm linh, tìm về được Đạo (như đã đề cập ở phần đầu).
*
Qua phần trình bày ba yếu tố tu dưỡng, học đạo, sống đạo đối với người tu hành, chúng ta có thể kết luận như sau:
1. Có học đạo thì mới hiểu Đạo, mới xác định rõ mục đích của người tu; mới bồi đắp cho mình kiến thức, năng lực để giữ đạo, truyền đạo, góp phần phụng sự Giáo Hội, nhân sinh.
2. Có tu dưỡng thì mới phá được màn vô minh, mới dẹp trừ được vọng động của tình thức, tâm mới sáng, mới thể hiện rõ sự sống, tình thương, lẽ thật, mới gần với Đạo.
3. Có sống đạo thì mới phát huy tác dụng của học đạo và tu dưỡng, mới minh chứng được kết quả tu - học, mới thể nhập được với Đạo và đặc biệt góp phần thực hiện tôn chỉ, mục đích của Đại Đạo.                        
ĐỨC THUẦN



([1]) Thiên Lý Đàn, 14-01 Bính Ngọ (Thứ Năm 03-02-1966).
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 20-02-1926.
([3]) Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy rằng“đạo Cao Đài nói tắt, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói nguyên văn”. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-01 Tân Hợi (Thứ Tư 10-02-1971).
([4]) Xem thêm Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 24-4-2016: “Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức, (...) nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt.”
([5]) Đàn tại miền Trung, 09-01 Giáp Dần (Thứ Năm 31-01-1974).
([6]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn 01-01 Đinh Mão (Thứ Tư 02-02-1927).
([7]) Ðạo Sử Xây Bàn, quyển II, đàn đầu năm Mậu Thìn (1928).
([8]) Nguyên tác: The Tao of Physics. Nguyễn Tường Bách biên dịch, Nxb Trẻ, 1999, trích Chương 7.
([9]) Phạm Văn Thiều dịch. Nhà xuất bản Trẻ và tạp chí Tia Sáng liên kết xuất bản năm 2001.
([10]) http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/tro-chuyen-voi-trinh-xuan-thuan-phan-26-2021446.html. Truy cập 25-11-2016.
([11]) http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=803&ID=688. Truy cập 25-11-2016.
([12]) Đời Tu Hành Của Đức Ngô Minh Chiêu. Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo tại Đức, 2007, tr. 45.
([13]) Thánh thất Từ Quang, 10-01 Bính Thân (Thứ Ba 21-02-1956).
([14]) Tỉnh đạo Phú Yên, 28-3 Mậu Tuất (Thứ Sáu 16-5-1958).
([15]) Thánh thất Minh An, 04-4 Mậu Tuất (Thứ Năm 22-5-1958).
([16]) Yogi là người thực hành yoga.