Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

ĐƯỜNG VỀ THẦY 2/7



Cảm nhận bài ca Đường Về Thầy

Đã nhiều năm rồi, cứ mỗi tối Chủ Nhật tại thành phố Tam Kỳ các em lớp giáo lý tín hữu trẻ (tức là tập thể Tu Tập Sinh hiện nay) lại tập trung về thánh đường Quảng Nam để sinh hoạt. Các em đảnh lễ Thầy, rồi học giáo lý khoảng một giờ, sau đó sinh hoạt vui chơi ngoài trời.
Tham gia Ban Hướng Dẫn, tôi có dịp gần gũi các em trong những giờ sinh hoạt, thầm mừng những mầm non của nhà Đạo đang vươn lên giữa cảnh đời đang bị làn sóng vật chất cuốn lôi con người xa dần bến bờ đạo đức.
Các em vui chơi thật hăng say với nhiều kỹ năng sinh hoạt bổ ích và những bài ca đầy tâm tình đạo vị, khích lệ tuổi trẻ trên con đường hướng thiện, hướng thượng. Trong số những bài ca ấy, tôi có duyên được nghe nhiều lần và cảm nhận nhiều hơn, là bài Đường Về Thầy (lời của Trần Xoài, nhạc của Lê Thanh Văn):
Đường về Thầy dù qua bao thử thách trần ai
Vững đức tin ta quyết nương chánh pháp Cao Đài
Đường tuy khó dắt dìu nhau
Dù gian khổ vẫn bền tâm
Ta đi vào quê hương sáng thế
Trời xanh đó nắng hồng tươi
Ngàn chim hót đón bình minh
Bên kia đường Cha đón chờ ta
Anh em vui lên. Ta đón chào từng con dốc đá
Cheo leo, cheo leo trăm hoa cười khiêu khích đầu non.
*
Trước hết, bài ca là một bức tranh minh họa cảnh trí thiên nhiên, nhạc điệu với những cung bậc hùng tráng dặt dìu và hấp dẫn, thôi thúc hành giả lên đường.
Hành giả sẽ khởi đi trên con đường về Thầy với cuộc hành trình chính nơi cõi trần ai đầy gian lao thử thách này.
Tôi xin nhập cuộc cùng với các bạn trẻ làm một hành giả lần theo ý tứ của ca từ và dò đường đi theo sơ đồ của bức tranh minh họa để rồi vững đức tin ta quyết nương chánh pháp Cao Đài, đường tuy khó dắt dìu nhau, dù gian khổ vẫn bền tâm, ta đi vào quê hương sáng thế.
Ý MỘT
Đường về Thầy dù qua bao thử thách trần ai.
Thầy là ai? Đường về Thầy như thế nào? Bằng phương tiện gì?
Thầy là danh xưng rất thân thương gần gũi của người đạo Cao Đài để gọi Đấng Thượng Đế Chí Tôn, Chúa Tể càn khôn vũ trụ, Giáo Chủ của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là đạo Cao Đài.
Như vậy về Thầy là về với Đấng Thượng Đế Chí Tôn, Chúa Tể càn khôn vũ trụ, chúng ta phải đi bằng con đường nào? và bằng phương tiện gì?
Không gian bao la vô tận của vũ trụ được các nhà khoa học ước đoán từ đầu này đến đầu kia khoảng 15 tỷ năm ánh sáng (cứ mỗi giây ánh sáng đi được khoảng 300.000 km), thế nên nếu tính bằng đơn vị kilomet thì khoảng cách cực kỳ xa, với con số cực kỳ lớn, không thể tưởng tượng nổi.
Nhưng trung tâm vũ trụ ở đâu? Thượng Đế ngự nơi nào?
Mặc dù trong giáo lý Cao Đài, phần vũ trụ luận có nói về Bạch Ngọc Kinh (nơi ngự của Thượng Đế), tam thập lục thiên, tam thiên thế giới, thất thập nhị địa (bảy mươi hai quả địa cầu và chúng ta đang ở địa cầu 68), nhưng con đường về Thầy chắc rằng không phải con đường vật lý, vì không có người nào sống hàng tỷ năm và không có phi thuyền nào di chuyển với vận tốc ánh sáng mà còn tồn tại. Như vậy con đường về Thầy ở đây là con đường tâm linh và về Thầy là về với Đạo, với chân lý, với chơn tâm tự tánh ở nơi mỗi người. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Tỉnh giấc chiêm bao ớ trẻ bầy
Đừng tìm non núi hoặc cung mây
Cao Đài vốn ở lòng con đó
Bỏ tánh tham si sẽ gặp Thầy. ([1])
Đức Chí Tôn dạy:
Con là một thiêng liêng tại thế
Cùng với Thầy đồng thể linh quang
Khóa chìa con đã sẵn sàng
Khi vào cõi tục khi sang Thiên Đình.([2])
Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
Ngoài trời Thượng Đế bao la
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.([3])
Như vậy chúng ta có con đường tắt để về Thầy, là con đường phản tỉnh nội cầu, con đường trở về với chơn tâm tự tánh, không chạy theo vọng tâm phiền não.
Nhưng con đường từ vọng tâm trở về chơn tâm xa hay gần? Có gian lao thử thách lắm không?
Thật ra không xa mà cũng chẳng gần.
Không xa, bởi vì chơn tâm và vọng tâm không phải là hai tâm mà là hai mặt hay là hai trạng thái của một bản tâm; đó là tĩnh - động, thanh - trược, chơn - vọng, chánh - tà, sáng - tối, thánh - phàm, phật - ma...
Nhưng cũng chẳng phải gần, bởi vì chúng sanh cứ đuổi bắt theo vọng tâm sinh phiền não rồi lăn trôi theo dòng đời luân hồi sinh tử; nếu không gặp đạo mà quyết tu cũng khó mong giác ngộ trở về với chỗ chơn tâm, khó gặp được Thầy trong tự tánh rồi khó mong về với Thầy nơi Bạch Ngọc Kinh, nơi cõi thiêng liêng hằng sống. Cho nên con đường về Thầy bằng đường tâm linh cũng đầy gian lao thử thách trần ai như lời ca đã nói.
Người tu ai cũng muốn thành Phật, chẳng ai muốn làm ma. Ai cũng muốn gần Thầy chứ không ai muốn xa Thầy, nhưng tại sao khó giác ngộ chơn tâm mà cứ say sưa theo vọng tưởng?
Bây giờ chúng ta tìm hiểu nó khó ra làm sao, cái khó nó bắt nguồn từ đâu, và bản chất nó như thế nào.
Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:
“Tình là chi? Tình là mối loạn của tâm, ý là giặc trong linh tánh. Xa cái tình, lìa cái ý, hẳn không được. Vì tình, ý là của thân. Còn mang cái thân, ắt còn tình còn ý, nhưng tình, ý là tay sai đắc lực của tâm. Trong lúc tâm ba thanh tịnh thì tình, ý cũng thanh tịnh mà làm đúng đạo, hợp pháp.” ([4])
Tấm thân huyết nhục của con người do tinh cha huyết mẹ cấu thành, mang mầm ý dục truyền nhập trong từng tế bào và với vật chất cõi phàm trần bồi đắp, trưởng dưỡng, tạo thành bản năng sinh tình ý làm loạn động chơn tâm. Nhất là thời hiện đại với nền khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão tạo ra nhiều tiện nghi vật dụng hấp dẫn làm cho con người say sưa đuổi bắt hưởng thụ, thất tình lục dục của con người càng loạn động mãnh liệt, tâm ba (sóng lòng) càng khó thanh tịnh, khó giác ngộ để trở về Thầy.
Nhưng làm sao tâm ba thanh tịnh để giác ngộ chơn tâm, dẹp trừ vọng tưởng ý tình, để con đường về Thầy được sáng tỏ?
Lần theo ý tứ của ca từ chúng ta qua ý hai.
Ý HAI
Vững đức tin ta quyết nương chánh pháp Cao Đài.
Chánh pháp Cao Đài là gì? Là nền trung đạo mà gốc của trung là Thầy, là Thượng Đế, là ngôi Thái Cực đại trung.
Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy:
“Đạo là cơ mầu nhiệm. Có mầu nhiệm mới có Thầy. Chí Tôn phân hóa lập hai nghi âm dương làm đàng thăng giáng. Âm dương là cơ động tịnh. Động để tiến vào hình, tịnh để tiến vào chất. Hình chất gây nên mâu thuẫn là chỗ bất đồng. Nhờ cái bất đồng mà biết chiết trung nên cấu thành vạn sự vạn vật. Và sự vật là con đẻ của Đấng thương yêu.” ([5])
Theo Dịch Lý thì Thái Cực phân Lưỡng Nghi, hóa Tứ Tượng, Ngũ Hành, Bát Quái mà tác thành càn khôn vũ trụ với muôn trùng hiện tượng. Nhưng mỗi hiện tượng đều chứa gốc trung tức là điểm Thái Cực.
Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
Ngoài trời Thượng Đế bao la
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.
Nên con đường về Thầy cũng chính là con đường về với chơn tâm tự tánh, với Thái Cực Đại Linh Quang là nguồn gốc của mỗi con người (tiểu linh quang).
Mô tả cụ thể hơn về chánh pháp Cao Đài hay là nền trung đạo, Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Cao Đài vốn nền chung các đạo
Hiệp Ngũ Chi, vạn giáo một nhà
Kết tinh, tổng hợp, dung hòa
Duy tâm, duy vật, bách khoa cộng đồng.([6])
Đức Bảo Pháp Thanh Long dạy:
Nhìn tâm vật, sắc không chẳng khác
Mới là người thấu đạt cơ vi
Hơn thua phải trái mà chi
Công truyền, tâm pháp đồng thì phải tu.([7])
Đường trung đạo với chánh pháp trung hưng là con đường tâm vật bình hành, thiên nhân hiệp nhất, vạn giáo nhất lý, thuần chân vô ngã. Công phu và công quả song hành, hành đạo và tịnh luyện đi đôi. Chúng ta vững đức tin đây là con đường chắc chắn sẽ về Thầy. Đức Trần Hưng Đạo dạy:
“Muốn được tâm linh tiếp xúc cùng Thầy thì tâm phải trong sạch, thân phải thanh khiết. Thân tâm đầy đủ rồi cũng chưa đủ, phải có một pháp môn tu tập các thiện khí để dương dương chánh khí mà tiếp đón mọi pháp lành. Có pháp thì có tâm. Tâm nương pháp mà vào, pháp nương tâm mà đắc.” ([8])
Như vậy muốn cho thân tâm thanh tịnh để về Thầy thì không có cách nào hơn là phải giữ giới và tu luyện. Về giới thì căn bản là Ngũ Giới, và về pháp môn tu luyện thì Hội Thánh Truyền Giáo có bốn tầng bậc tu châu từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu, từ giải ngộ đến giác ngộ (là Linh Châu, Tướng Châu, Tâm Châu, Tam Bảo Hoàn Châu) do Đức Ngô Cao Tiên và các Đấng thiêng liêng trao truyền.
Thầy dạy:
“Đạo ở tâm, tâm là Đạo. Tâm có chơn có vọng, Đạo có thực có hư. Bỏ vọng bỏ hư, lấy chơn lấy thực. Phải dụng công hàm dưỡng, ngưng thần tụ khí mà trụ định lấy tâm chơn như thanh tịnh, thì chơn giác khai minh. Con có chí, Thầy có công giúp con thành đạo.” ([9])
Ý BA
Đường tuy khó dắt dìu nhau
Dù gian khổ vẫn bền tâm
Ta đi vào quê hương sáng thế.
Tác giả bài ca dùng cụm từ quê hương sáng thế thật là hay. Đi vào quê hương của Đấng sáng thế tức là đi về Thầy. Thầy là Đấng sáng thế mà cũng là quê hương sáng thế. Thầy là Đấng Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng. Thầy cầm giềng mối tấm lưới vĩ đại, và tấm lưới vĩ đại bao trùm cả càn khôn vũ trụ cũng chính là Thầy. Mỗi mắt lưới là một hữu thể, là một hiện tượng được tạo thành giữa hai đường chỉ dọc ngang tượng trưng cho không gian và thời gian, cho hai luồng năng lượng âm dương giao nhau để tạo thành bởi sự điều hòa của ngôi Thái Cực.
Nếu đi ngược dòng về giềng mối của tấm lưới, về chỗ Thái Cực đại trung tức là đi về Thầy, vào quê hương sáng thế, là vạn thù quy nhứt bổn. Đó là nói về vũ trụ. Còn con người là tiểu vũ trụ, linh hồn con người là một điểm tiểu linh quang đồng thể với khối Đại Linh Quang là Thượng Đế, là chơn tâm tự tánh của con người. Nếu con người cứ đuổi bắt theo vọng tưởng sinh phiền não rồi lăn trôi theo dòng đời khổ đau luân hồi sinh tử tức là xa Thầy. Còn nương theo chánh pháp quyết tu để giác ngộ trở về với chỗ chơn tâm tự tánh tức là đi về Thầy.
Đức Chí Tôn dạy:
Nơi lòng Thầy ngự, động Thầy hay
Ngặt nỗi là xưa chẳng thế bày
Đạo hạnh khuyên con gìn tánh đức
Cửa cung Bạch Ngọc cũng gần khai.([10])
Ý BỐN
Trời xanh đó nắng hồng tươi
Ngàn chim hót, đón bình minh
Bên kia đường Cha đón chờ ta.
Khi hành giả đã quyết tâm nương theo chánh pháp vượt qua gian lao thử thách, nguyện dìu dắt anh em sau trước, nguyện cùng nhau dõi bước theo Thầy hay là dìu dắt nhau anh trước em sau đến nơi Bồng Đảo, thì con đường về Thầy sẽ lần hiện ra với khung trời mở rộng bao la, vạn vật cùng hòa vui đón chào bình minh tuyệt vời màu sắc thiên nhiên, đồng thời hành giả sẽ cảm nhận được Thầy đang đưa tay dìu dắt với ánh mắt dịu hiền đầy đủ cả sự sống, tình thương, và lẽ thật bố hóa chúng sinh.
Ý NĂM
Anh em vui lên
Ta đón chào từng con dốc đá
Cheo leo, cheo leo trăm hoa cười khiêu khích đầu non.
Khi hành giả đã vượt xa trên con đường về Thầy gần đến đích thì nguồn ân điển thiêng liêng dồi dào, đức tin vững chắc, nghị lực kiên trì, hành giả không còn ngại gian lao thử thách mặc dù gian lao thử thách vẫn còn đó.
Đức Thái Bạch Trường Canh dạy:
Đạo gần thành, quỷ không chừa khảo
Đạo gần nên, ma dạo coi đời
Ai hay, ai dở, ai người
Một lòng son sắt, một đời trung kiên.([11])
Hơn nữa hành giả đã tự nguyện lấy chướng ngại làm phương tiện và hăng say tiến bước vì càng lên đỉnh càng hiện ra bao nhiêu huyền nhiệm tạo hóa của Thầy và bao nhiêu tinh hoa đạo pháp hiện bày khích lệ lòng người giác ngộ, nên Đức Khổng Tử nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ.” (Sớm nghe được đạo, chiều chết được rồi.)
Đường tu hành về Thầy cũng giống như người leo núi. Khi sự chí thành chưa trọn, lòng giác ngộ còn non, trí huệ chưa khai mở, bản ngã còn to, sự cố chấp còn lớn, thì giống như người đang ở chân núi chỉ nhìn thấy chỗ mình, không nhìn thấy bên kia, nên cho cái thấy của người là sai, cái thấy của mình mới đúng, và quyết bảo thủ cho đến cùng, sinh ra kích bác, gièm pha người khác. Càng tiến lần lên đỉnh, núi càng nhỏ lại, tầm nhìn càng bao quát cao hơn, thấy được phía người phía mình, càng dễ thông cảm hơn. Khi tới đỉnh, bức tranh toàn cảnh đã hiện ra là lúc con người đã hoàn toàn giác ngộ.
Thượng Đế đã mượn hai chữ Cao Đài để làm danh xưng cho Ngài và cho một nền đạo mới với một ý nghĩa cũng tương tự như cuộc đăng sơn.
Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
Cao Đài là cái đài cao
Vượt trên tất cả đón rào ngăn che
Thấy tỏ rõ và nghe thấu suốt
Có gì đâu hạn cuộc được ta
Ngoài trời Thượng Đế bao la
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.([12])    
Hành giả theo từng nấc thang để tiến lên ngôi Cao Đài cũng chính là con đường về Thầy vậy.
*
Đức Bảo Pháp Thanh Long dạy:
Ai cũng được lòng Trời hé mở
Như xuân về đua nở trăm hoa
Ngàn hương muôn sắc đậm đà
Tăng phần rực rỡ Bửu Tòa thêm vui.([13])
Tác giả Trần Xoài (đã quy thiên) là một huynh trưởng Thanh Niên Hưng Đạo, với lòng chí thành vì Thầy vì Đạo đã được ân điển sáng soi mà viết nên những lời ca ý đạo nhằm chuyển tải cho lớp thanh niên làm phương tiện sinh hoạt trên con đường về Thầy. Có lẽ nhiều bạn trẻ cũng đã cảm nhận sự giúp ích cho việc tu hành. Tôi xin đóng góp thêm một chút hương hoa cho thêm vui tươi, cho các bạn trẻ thêm một chút nghị lực để tiến bước trên con đường về Thầy.
ĐỨC THUẦN



([1]) Hội Thánh Chơn Lý, Tòa Thánh Định Tường, Thiên Đạo Chơn Truyền, quyển 1, đàn ngày 18-7 Nhâm Thân (Thứ Sáu 19-8-1932).
([2]) Thiên Lý Đàn, 14-01 Bính Ngọ (Thứ Năm 03-02-1966).
([3]) Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu.
([4]) Thánh thất Thái Hòa, 23-8 Ất Mùi (Thứ Bảy 08-10-1955).
([5]) Trung Hưng Bửu Tòa, 19-4 Bính Thân (Thứ Hai 28-5-1956).
([6]) Trung Hưng Bửu Tòa, 15-7 Quý Sửu (Thứ Hai 13-8-1973).
([7]) Trung Hưng Bửu Tòa, 08-01 Nhâm Tuất.
([8]) Trung Hưng Bửu Tòa, 02-01 Bính Thân (Thứ Hai 13-02-1956).
([9]) Thánh thất Thái Hòa, 14-4 Ất Mùi (Thứ Bảy 04-6-1955).
([10]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Thi Văn Dạy Đạo.
([11]) Thánh thất Trung An, 04-8 Đinh Hợi (Thứ Năm 18-9-1947).
([12]) Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu.
([13]) Trung Hưng Bửu Tòa, 08-01 Nhâm Tuất.