Bài thi xưng danh của Đức Ngô
Thánh ngôn, thánh giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được Đức Chí Tôn, Đức
Phật Mẫu cùng các Đấng thiêng liêng giáng dạy từ buổi sơ khai của nền Đạo đến
nay là cả một kho tàng vô cùng quý giá để người có chí tu hành tìm hiểu, học
hỏi.
Mỗi khi giáng đàn, các Đấng thiêng liêng thường có bài thi xưng danh theo
cách khoán thủ (dùng từ ở đầu câu),
hoặc khoán tâm (dùng từ giữa câu),
hoặc theo lối chiết tự (cắt ráp chi
tiết của một từ để tạo thành một từ mới). Riêng về lối chiết tự, có bài này:
Ngộ đặng chơn tâm hết
nặng lòng
Mình tu thì tránh ảo huyền không
Chiếu minh từ thuở vô thinh sắc
Ba câu đầu bài thất ngôn tứ tuyệt này chiết tự như sau:
Ngộ + hết nặng
[bớt dấu nặng] ® Ngô.
Mình + huyền không [bớt dấu huyền] ® Minh.
Chiếu + vô thinh sắc [bớt dấu sắc] ® Chiêu.
Như vậy, Đấng giáng cơ là Đức NGÔ MINH CHIÊU.
Bài thi không đơn giản chỉ để xưng danh mà còn hàm ngụ nhiều ý đạo sâu
xa.
1. Tìm hiểu câu 1: Ngộ đặng chơn tâm hết nặng lòng.
Ngộ: Hiểu ra, vỡ lẽ; khai mở tâm thức, không mê muội nữa.
Chơn tâm: Cái tâm chơn
thật đã dứt hết mọi vọng tưởng, phiền não, do đó phục hồi được bản tính thanh
tịnh, sáng suốt.
Hết nặng lòng: Không còn vọng tâm, phàm tâm; lòng
cởi bỏ được mọi vọng tưởng, phiền não.
Ý nghĩa câu 1: Khi giác ngộ được cái tâm chân thật thì mọi vọng
tưởng, phiền não tiêu tan, thì phục hồi được bản tính thanh tịnh sáng suốt (tức
là Phật tính hay Thượng Đế tính) nơi mỗi con người.
Nhưng chơn tâm và vọng tâm không phải là hai cái tâm khác nhau, mà là hai
mặt hay là hai trạng thái của một bản tâm: tĩnh - động, thanh - trược, chơn -
vọng, chánh - tà, sáng - tối, thánh - phàm, phật - ma … Chúng sanh cứ duyên
theo vọng tâm mà sinh phiền não rồi lăn trôi theo vòng luân hồi sanh tử, nếu
không gặp đạo và quyết tu thì khó mong giác ngộ trở về với chơn tâm.
Đức Ngô Minh Chiêu dạy:
Tâm tức Phật, tâm chân
là Phật
Phật tức
tâm, tâm thất là ma
Phật tâm
giác chiếu chan hòa
Người tu ai cũng muốn làm Phật, chẳng ai
muốn làm ma, nhưng tại sao khó giác ngộ chơn tâm mà cứ say mê theo vọng tưởng?
Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:
“Tình là
chi? Tình là mối loạn
của tâm, ý là giặc trong linh tánh. Xa cái tình, lìa cái ý, hẳn không được. Vì tình, ý là của thân. Còn mang cái thân, ắt còn
tình còn ý. Nhưng tình ý là tay sai đắc lực của tâm. Trong lúc tâm ba thanh
tịnh thì ý cũng thanh tịnh mà làm đúng đạo hợp pháp.” ([3])
Tấm thân huyết nhục của con người do
tinh cha huyết mẹ cấu thành, mang mầm ý dục truyền nhập trong từng tế bào và
với vật chất cõi phàm trần bồi đắp, trưởng dưỡng tạo thành bản năng sinh tình ý
làm loạn động chơn tâm. Làm sao cho tâm ba thanh tịnh để giác ngộ chơn tâm, dẹp
trừ vọng tưởng ý tình?
Đức Trần Hưng Đạo dạy:
“Muốn
được tâm linh tiếp xúc cùng Thầy thì tâm phải trong sạch, thân phải thanh
khiết. Thân tâm đầy đủ rồi cũng chưa đủ, phải có một pháp môn tu tập các thiện
khí để dương dương chánh khí mà tiếp đón mọi pháp lành. Có pháp thì có tâm, tâm
nương pháp mà vào, pháp nương tâm mà đắc.” ([4])
Như vậy muốn cho thân tâm thanh tịnh thì
không có cách nào hơn là phải giữ giới và tu luyện. Về giới thì căn bản là Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Quy (đã ghi trong Tân
Luật). Về pháp môn tu luyện thì Hội Thánh Truyền Giáo có bốn tầng bậc tu
châu từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu, từ giải ngộ đến giác ngộ. Đó là Linh Châu, Tướng Châu, Tâm Châu, Tam Bảo
Hoàn Châu do Đức Ngô Cao Tiên và các Đấng thiêng liêng ban truyền.
2. Tìm hiểu câu 2: Mình tu thì tránh ảo huyền không.
Ảo huyền: Không
thật, mơ hồ.
Ý nghĩa câu 2: Dù là tâm pháp hay
tướng pháp, nội giáo tâm truyền hay ngoại giáo công truyền, người tu phải xác
định rõ mục đích đi tu là gì và thành đạo là thành chỗ nào.
Đức Cao Đài Ngọc Đế dạy:
Tu thì
tu mắt, tai, mũi, miệng
Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Thành
đạo do con trọn chí thành
Ngăn ngừa tư dục
ở tâm sanh.
(. . .)
Đạo lý
chỉ cần lẽ thiệt thôi
Đừng mơ ảo ảnh
chốn xa xôi
Trong con sẵn có
cơ phàm thánh
Lặng lẽ lòng con
rõ máy Trời.([6])
Đạo không ngoài sự sống, tình thương và
lẽ thật. Đối với cá nhân, bảo tồn sự sống là làm cho thể xác được khỏe mạnh;
phát triển tình thương là làm cho tâm hồn được thánh thiện; và giác ngộ lẽ thật
là làm cho trí tuệ được viên minh. Đối với cộng đồng nhân loại, đó là bảo tồn
và phát triển trên ba phương diện nhân sinh, nhân đức, và nhân trí.
Nhưng để đi đến
đích của người tu là đạt đạo, hay là từ vọng tưởng phiền não trở về với chân
tâm, Phật tánh, hội hiệp cùng Thầy phải vượt qua thiên ma bách chiết, không dễ
dàng, bằng phẳng chút nào. Vấn đề này đã được minh họa qua con đường của bốn
thầy trò Đường Tăng đi về Thiên Trúc thỉnh kinh và chứng quả. Con đường ấy có lúc gặp Phật, có lúc gặp ma, có lúc gặp
ma hóa Phật để gạt gẫm và dụ dỗ cái tâm tham cầu, cái ý dục tốc. Lại có lúc gặp
Phật hóa ma để thử thách cái chí tu, lòng kiên nhẫn, trình độ chứng đắc của tuệ
giác …
Cho nên hành giả phải cẩn trọng, phải
chí thành và phải có đức tin sáng suốt, có lập trường dứt khoát, rõ ràng, nhất
là con đường tâm pháp vô vi.
Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
“Đạo ở
tâm, tâm là Đạo. Tâm có chơn có vọng, Đạo có thực có hư. Bỏ vọng bỏ hư, lấy
chơn lấy thực, phải dụng công hàm dưỡng, ngưng thần, tụ khí mà trụ định lấy tâm
chơn như thanh tịnh, thì chơn giác khai minh. Con có chí, Thầy có công giúp con
thành đạo. Chưa được như thế đừng lấy lý trí đoán xét mà đưa con cái của Thầy
vào hư cảnh rồi phải tội tình không nhỏ.” ([7])
3. Tìm hiểu câu 3: Chiếu minh từ thuở vô thinh sắc.
Tức là soi sáng đến chỗ căn nguyên của
tâm, của thế giới sự vật chưa phát sinh hiện tượng, chưa có âm thanh sắc tướng.
Các tôn giáo có nhiều tên gọi chỗ căn nguyên này: Vô Cực, Thái Cực Đại Trung,
Không Trung Diệu Hữu, Chân Như Tự Thể, v.v... Đó là chỗ mà Thanh Tĩnh Kinh diễn tả như sau:
“Năng
khiển chi giả, nội quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm; ngoại quán kỳ hình, hình vô kỳ
hình; viễn quán kỳ vật, vật vô kỳ vật. Tam giả ký vô, duy kiến ư không.”
Dịch nghĩa:
“Để
khống chế được ham muốn của mình thì hãy nhìn vào bên trong, xét cái tâm của
mình, ắt thấy rằng tâm mình vốn không có tâm; hãy nhìn ra bên ngoài, xét hình
của mình, ắt thấy rằng hình mình vốn không có hình; hãy nhìn ra xa, xét các sự
vật, ắt thấy rằng vật vốn không có vật. Cả ba thứ ấy (tâm, hình, vật) đều là
không. [Thấu triệt được điều ấy thì sẽ] thấy vạn vật đều là không.” ([8])
Đức Cao Đài dạy:
* Tịnh,
tịnh, tịnh, tịnh, tịnh.
* Không
không mới thiệt diệu huyền
Chữ không làm
đặng thì tiên trong đời.
Để tâm
không Phật Trời bố hóa
Người tu hành
chẳng khá bỏ không
Chữ không mầu
nhiệm nơi lòng
* Thầy
truyền có một chữ không
Bài Hồng
Thệ có câu:
Diệt trừ
dục vọng đảo điên
Tình trong, ý
lặng, dạ thiền, tâm không
Cơ huyền đạt
pháp thông công
Cùng Thầy liên
kết tiếp thông nhiệm mầu.
Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
“... khi
nhơn dục tịnh tận, Thiên lý sẽ lưu hành. Đó là chơn lý của công trình, công
quả, và công phu vậy.” ([12])
Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
Cao Đài
là cái đài cao
Vượt trên tất cả
đón rào ngăn che.
Thấy tỏ
rõ mà nghe thấu suốt
Có gì đâu hạn
cuộc được ta
Ngoài trời
Thượng Đế bao la
Phàm nhân nhìn vạn tượng chỉ thấy có vạn
tượng, tức là còn trong giới hạn các lớp hình tướng ngăn che. Đấng Chơn Tiên
nhìn vạn tượng lại thấy có Thượng Đế thường hằng, tức là thấu suốt vào bản thể
tuyệt đối. Để hiểu vì sao có sự khác biệt này, chúng ta tạm minh họa như sau:
Nhìn bằng mắt thường ta thấy lưỡi lam
(lưỡi dao cạo) láng bóng, cạnh sắc bén. Qua kính lúp ta thấy nhám nhúa, cạnh
như giun bò, lồi lõm. Qua kính hiển vi điện tử cực mạnh thì hình dáng chiếc
lưỡi lam không còn nữa, chỉ thấy một đống hỗn hợp gồm những phân tử carbon và
phân tử sắt. Nếu có dụng cụ hay phương tiện cực kỳ tinh vi để nhìn sâu hơn nữa
thì bây giờ đống bột phân tử sắt và carbon không còn mà sẽ hiện ra một thế giới
của hạt nhân nguyên tử, điện tử vận động không ngừng.
Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh
dạy:
Kìa bé
nhỏ hạt nhân nguyên tử
Vẫn chuyển nhanh
trật tự rành rành
Muôn loài muôn
vật trong trần
Lớn như vũ trụ,
tinh vân cũng đồng.
Ai khéo
vẽ hạt nhân quỹ đạo
Ai đặt bày cơ
Tạo xoay vần
Thiên điều quy
luật công bằng
Thông linh kỳ
diệu quyền năng của Trời.([14])
Tóm lại, muốn thấy được chỗ thấy của
Đấng Chơn Tiên, thấy được chỗ “chiếu minh
từ thuở vô thinh sắc”, con người không thể cậy vào mắt thịt phàm phu, mà
phải dùng “mắt huệ” của bậc hành giả tu chứng tâm pháp, như lời Đức Giáo Tông
Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Hãy đem
mắt huệ mà trông”.([15])
4. Tìm hiểu câu 4: Ngoại giáo tỉnh đời cũng đại công.
Từ câu 1 đến câu 3 là dạy về đường tu
tâm pháp để đạt tới chỗ chứng ngộ. Nhưng chứng ngộ rồi cũng chưa gọi là thành
đạo mà phải lo phần “ngoại giáo tỉnh đời”,
tức là phải giác tha thì đường tu mới viên mãn.
Xưa kia, Thanh Tĩnh Kinh diễn tả lý lẽ này như sau:
“Như thử
thanh tĩnh, tiệm nhập chân đạo. Ký nhập Chân Đạo, danh vi đắc đạo. Tuy danh đắc
đạo, thực vô sở đắc. Vị hóa chúng sinh, danh vi đắc đạo. Năng ngộ chi giả, khả
truyền Thánh Đạo.”
Dịch nghĩa:
“Người
đã thanh tĩnh được như vậy, thì đang tiến dần vào Đạo chân chính. Hễ tiến vào
Đạo chân chính rồi thì gọi là đắc đạo. Tuy gọi là đắc đạo nhưng thực tế đã
không đắc [không đạt được] cái gì cả. Hễ cảm hóa được chúng sinh, thì gọi là
đắc đạo. Ai giác ngộ được điều đó thì có thể truyền dạy Đạo Thánh cho người
khác.” ([16])
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Vạn Hạnh Thiền
Sư dạy:
“Nói một
cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy tự giác, giác tha,
để rồi giác hành viên mãn.” ([17])
Tất cả các chánh pháp xưa nay đều dạy
rằng tu hành đắc đạo rồi thì phải hoằng pháp độ rỗi chúng sanh mới viên thành
đạo quả, mới gọi là “đại công” như
Đức Ngô dạy trong câu 4.
Đối với môn sanh Cao Đài trong Hội Thánh
Truyền Giáo, bửu pháp để tu hành đắc đạo là luyện
châu.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Tứ thời
cúng sám luyện châu
Về diệu dụng huyền vi của bửu pháp luyện
châu, Đức Ngô Đại Tiên dạy:
Châu
luyện được thì mới rõ thông pháp Đạo
Luyện để mình
tỉnh táo đừng say
Luyện để sống những ngày học tu không chướng ngại
Luyện để mở ngũ
quan trông xem ngoài thế giới
Đức Cái Thiên Cổ Phật dạy:
Tay
lần tay toàn thâu ngoại giới
Ý
tình thông, xá lợi viên minh
Luyện
châu có lợi cho mình
*
Trên đây chúng ta đã phân tích, tìm hiểu
từng câu bài thi xưng danh của Đức Ngô Minh Chiêu - người môn đệ
đầu tiên của Đức Cao Đài, Đấng làm chủ phần vô vi tâm pháp của nền Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ và chính là Đức Tôn Sư đã đến ban trao cho Hội Thánh Truyền Giáo bửu
pháp luyện châu gồm bốn tầng bậc (Linh
Châu, Tướng Châu, Tâm Châu và Tam Bảo Hoàn Châu). Tóm tắt nghĩa lý sâu xa
của bài thi thất ngôn tứ tuyệt này như sau:
- Đức Ngô dạy người tu (hành giả) hãy
quay vào trong, dẹp trừ vọng tưởng phiền não vô minh để tìm lại chơn tâm. Đây
là ý câu 1: Ngộ đặng chơn tâm hết nặng lòng.
- Đức Ngô cảnh tỉnh người tu chớ chấp
không khi chưa đạt đến chân không diệu hữu. Đây là ý câu 2: Mình tu thì tránh ảo huyền không.
- Khi người tu tránh được chỗ ảo huyền
không là phá chấp không, đồng thời cũng phải phá chấp tướng, để trực chỉ chơn
tâm, đi vào chỗ chân không diệu hữu. Đây là ý câu 3: Chiếu minh từ thuở vô thinh sắc.
- Sau cùng, Đức Ngô nhắc nhở rằng mục
đích tu hành đắc đạo không phải để độc thiện kỳ thân mà phải đem đạo cứu đời
mới gọi là thành đạo. Đây là ý nghĩa câu 4: Ngoại giáo tỉnh đời cũng đại công.
Chúng ta lãnh hội rằng bài thi chiết
tự xưng danh của Đức Ngô hàm ngụ thánh huấn về đường tu tâm pháp, mang tính
chất trung đạo và phá chấp, để đạt đến chỗ trung dung quán nhất hầu thực thi sứ
mạng trung hưng chánh pháp của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ -
một sứ mạng được Đức Chí Tôn ban trao cho Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, vì vậy
giáo sở trung ương của Hội Thánh Truyền Giáo được mang thánh hiệu Trung Hưng Bửu Tòa ngõ hầu nhắc nhở
chúng ta luôn luôn tâm niệm, gắn ghi sứ mạng thiêng liêng này nơi lòng, và tinh
tấn học tu, ra sức thi hành cho hoàn thành thánh ý.
Trên dặm dài chu toàn sứ mạng trung
hưng, môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo chúng ta vừa hành đạo vừa tịnh luyện, tức
là ngoại giáo công truyền đi đôi với nội giáo tâm truyền. Nói khác đi, đó là tự
giác song hành giác tha; nói gọn là đem đạo vào đời, giúp đời nên đạo.
Thực thi sứ mạng trung hưng nhằm đạt
đến mục đích của Đại Đạo, như lời Đức Chí Tôn dạy:
“MỤC
ĐÍCH ĐẠI ĐẠO: Đại Đạo là con đường chơn lý triệt để, mở rộng trong buổi hạ
nguơn này, chớ chẳng phải là một tôn giáo biệt phái. Đại Đạo là một cái nền
tảng đỡ nâng các tôn giáo, mục đích đưa vạn linh đến chỗ đại đồng, xuân đài an
lạc. Đó là cái lý của mục đích, còn sự là quy hiệp Tam Giáo Ngũ Chi, hệ thành
nhứt thống, chẳng còn phe phái chi chi, miễn mục đích tế chúng độ nhơn, yêu đời
cứu vật, một mực trang bằng đó thôi.” ([22])
ĐỨC THUẦN
Tự giác, giác tha, giác hành (hay giác hạnh) viên mãn là ba loại giác ngộ
của Phật (tam giác). Bồ Tát thì có
hai (tự giác, và giác tha). La Hán thì có một (tự giác).
Có câu: Phật sở cụ túc chi tam giác: Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.
(Phật có đầy đủ ba loại giác ngộ: Tự giác,
giác tha, giác hành viên mãn.)
Tự
giác: Giác ngộ cho mình.
Giác
tha: Giác ngộ cho người khác.
Giác hành viên mãn: Giác ngộ và hoàn thành đều trọn vẹn, nghĩa
là ở Phật thì mức độ cao nhất, hơn hẳn Bồ Tát.
Tham khảo: Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi (11) năm Giáp
Ngọ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 246-248.