Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN XƯA VÀ NAY 1/6


Nhan đề: BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN XƯA VÀ NAY
Tác giả: Nhiều người viết
Nhà xuất bản TÔN GIÁO, Hà Nội 2014
Sách dày 80 trang, khổ 14,5x20,5cm.
Đây là quyển 65-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo để kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo (15-10 Bính Dần, 1926 / 15-10 Quý Tỵ, 2013).

MỤC LỤC
Giao Cảm (BAN ẤN TỐNG)
Cảm Đề Bát Quái Đồ Thiên (Truyền Trạng THANH CĂN)
Bát Quái Đồ Thiên (CAO BẠCH LIÊN)
Bốc Cốt Các Tiền Bối: Linh Ứng Nhiệm Mầu (Giáo Hữu NGUYỄN KIM DUNG)
Bát Quái Đồ Thiên Ngày Nay (Khái Quát) – Trích Phúc Trình họ đạo Bát Quái Đồ Thiên
Phụ bản (ảnh): Bát Quái Đồ Thiên Xưa Và Nay (LÊ QUỐC VIỆT)
Ngoại tập: Ngô Tiền Bối Ở Hà Tiên (HUỆ KHẢI)

*
GIAO CẢM
Năm Nhâm Thìn (2012), qua “Bức Tâm Thư” ([1]) mời gọi các vị Mạnh Thường Quân gần xa trong nhà Đạo chung tâm và chung tay góp tài lực để hoàn tất công trình kiến tạo khu An Dưỡng Địa dưới chân núi Đại Tô Châu, Anh Lớn Đầu Sư Thượng Sáng Nhựt của Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo giúp chúng ta hiểu được khái quát về lai lịch ngôi Bát Quái Đồ Thiên trong dòng sử Đạo như sau:
Hà Tiên, một miền đất cực Tây của Nam Bộ, vừa mang đậm dấu ấn lịch sử của đất nước, vừa mang tính huyền linh cơ tạo của trời đất, vừa là vùng đất thánh thơ thần… nên được Ơn Trên chọn để khơi nguồn đạo mạch mở ra nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Năm 1921 tại Quan Âm Phật Đường trên núi Dương Đông, trong một lần lập đàn Ơn Trên chính thức xưng hồng danh Cao Đài Tiên Ông và thu nhận tiền bối Ngô Minh Chiêu (1878-1932) làm đệ tử đầu tiên của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
 Do ý nghĩa đặc biệt của Phú Quốc, Hà Tiên là nơi phát tích của đạo Cao Đài, nên Đức Chí Tôn ban ơn cho tạo lập ngôi Bát Quái Đồ Thiên để đàn con áo trắng của Thầy quy tụ về đây trong tình huynh đệ hiệp hòa thi công lập đức đưa cơ Đạo phát triển đi lên.
Thầy ban thánh thi chỉ rõ:
Hà Tiên – Tây Ninh…
Từ Giáp Tý Thầy đà vận chuyển
Chốn Hà Tiên linh hiển cơ quan
TRUNG, CHIÊU hội ngộ một đoàn
Bính Dần thời hội Thiên Hoàng lập ra
Dùng cơ bút gần xa thông cạn
Dựng Thiên Hoàng cho rạng Á Đông.
Bát Quái Đồ Thiên được chọn nơi đất thánh Hà Tiên lại định vị trên vùng đất mang hình tứ tượng.
Thánh thi Thầy giải rõ:
Hai bên hai dãy non thần ([2])
Trước hồ sau biển ([3]) bốn phần tiếp liên
Ấy là cảnh Đồ Thiên Bát Quái...([4])
Do nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng mà tất cả những người con áo trắng của Thầy trong Tam Giang không nệ cách trở, không phân biệt chi phái… hàng hàng lớp lớp trở về chung tay xây dựng ngôi Bát Quái Đồ Thiên.
Lễ trí thạch vào đầu tháng 9 năm Bính Tý. Phải vượt qua biết bao gian khổ, miệt mài trong suốt bốn năm thi công tạo tác. Tuy chưa hoàn thành đầy đủ theo chỉ dẫn của Ơn Trên nhưng đã tạo một hình thể thánh đường khá trang nghiêm hùng vĩ.
Tóm tắt tiến trình xây dựng, một vị đại diện của họ đạo Bát Quái Đồ Thiên viết:
Vào những năm 1934 đến 1936, Ơn Trên kêu gọi Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Giang cùng các phái đạo Cao Đài trong Tam Giang quy tụ về Hà Tiên san lấp mặt bằng nơi thung lũng giữa hai ngọn núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu để xây dựng ngôi Bát Quái Đồ Thiên theo kiến trúc do Đức Lý Giáo Tông vẽ.
Hàng ngày có trên dưới hai trăm người xuyên suốt làm công quả. Ngoài ra còn có hai ban chuyên vận động:  ban kiền thiềng vận động người người chở đá, cát, ô dước vượt biển từ Phú Quốc mang về xây dựng; ban vận động công quả thì kêu gọi tín đồ từ các nơi tập trung về Hà Tiên làm công quả.
Bát Quái Đồ Thiên tạo tác trong ba năm chưa hoàn thành. Đức Lý Giáo Tông xin Thầy thêm năm nữa, nhưng sau bốn năm xây dựng vẫn chưa thành.([5])
Nhắc tới những hy sinh vô cùng to tát của lớp tiền nhân xả thân vì Đạo trên công trường xây dựng Bát Quái Đồ Thiên năm xưa, Anh Lớn Đầu Sư Thượng Sáng Nhựt viết:
Vì công việc nặng nhọc, dãi nắng dầm mưa, ăn uống hẩm hút, thời tiết khắc nghiệt… nên nhiều vị tiền nhân đã kiệt sức qua đời, vĩnh viễn nằm lại dưới chân núi Đại Tô Châu, không bia mộ, không biết quê hương danh tánh... Nhìn vào ai cũng thấy thương xót đến chạnh lòng.(5b)
Cũng chung dòng cảm xúc ấy, vị đại diện của họ đạo Bát Quái Đồ Thiên bày tỏ:
Những tín đồ Cao Đài đã ra đi trong thời gian bốn năm nầy có trên hai trăm vị đã nằm xuống. Lúc bấy giờ đất nước lâm vào cảnh chiến tranh loạn lạc nên người thân của các vị không thể đến tìm; mãi cho đến 2012 là bảy mươi sáu năm chỉ có đồng đạo chăm sóc mộ phần.([6])
Ngày nay, quê hương Hồng Lạc đã dứt cảnh can qua. Cùng với đà xây dựng và phát triển của xã hội, các cộng đồng Cao Đài đã và đang từng bước hồi phục thánh sở của mình trong khả năng sở hữu với sự yểm trợ to tát của đồng đạo các nơi. Họ đạo Bát Quái Đồ Thiên cũng hòa chung nhịp bước phấn khởi ấy. Thật vậy:
Sau khi xây dựng và khánh thành Bát Quái Đồ Thiên năm 2005, Họ đạo lấy ngày tạo tác Bát Quái Đồ Thiên (01 tháng 9) làm ngày giỗ hàng năm các vị tiền bối Tam Giang.
Hàng năm lên An Dưỡng Địa dọn cỏ cho các ngôi mộ tiền bối, họ đạo Bát Quái Đồ Thiên rất đau xót khi nhìn các mộ chỉ có nhúm đất nhỏ, không bia đá, không tuổi tên. Vì thế họ đạo kiên quyết xây cho bằng được An Dưỡng Địa để tập trung hài cốt các vị tiền bối về nơi an nghỉ khang trang. Đây cũng là trách nhiệm của Họ Đạo đối với các vị tiền bối Tam Giang đã dày công với Đạo, luôn được Họ Đạo tri ân, dù trong hoàn cảnh khó khăn cũng không lãng quên gương sáng hy sinh vì Đạo của các vị, lấy đó làm đề tài học hỏi trong các buổi sinh hoạt định kỳ tại Họ Đạo.([7])
Anh Lớn Đầu Sư Thượng Sáng Nhựt giãi bày:
Được hộ trợ bước đầu của nhiều vị đạo tâm và từ nguồn vốn chắt chiu dành dụm nhiều năm của họ đạo Bát Quái Đồ Thiên, chúng tôi đã khởi công xây dựng khu An Dưỡng Địa dưới chân núi Đại Tô Châu với mong muốn sẽ hoàn thành trước tháng 9 năm Nhâm Thìn (2012), để tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm bảy mươi sáu năm khởi công tạo tác Bát Quái Đồ Thiên (01-9-1936 / 01-9-2012).
 … Đây là tâm nguyện của chúng tôi và có lẽ cũng là tâm nguyện của tất cả mọi người Cao Đài chúng ta cùng xây dựng khu An Dưỡng Địa, nơi an nghỉ vĩnh hằng cho các vị tiền bối của cả Tam Giang trong nền Đại Đạo nhằm tri ân những vị tiền nhân hết lòng hy sinh vì Đạo.(8)
Là lớp đàn em đi sau, qua website của họ đạo Bát Quái Đồ Thiên, chúng tôi được tiếp cận nguồn sử liệu phong phú về thánh sở này và không thể nén được lòng xúc cảm khi dõi theo dấu chân phía trước của hàng hàng lớp lớp tiền nhân kiêu hùng một thuở. Chúng tôi cũng hoan hỷ được biết đến những bước thành tựu khả quan của họ đạo Bát Quái Đồ Thiên. Thế rồi, với những tình cảm tự nhiên của con cái một Thầy, một Cha, một Đạo, chúng tôi mong muốn hình thành một ấn phẩm khiêm tốn, tuy chưa bao quát được hết những trang sử đạo của Bát Quái Đồ Thiên, nhưng ít ra cũng phần nào phác họa được những nét chánh yếu và khách quan, chơn thật để sẻ chia với đồng bào tín hữu, và cũng để góp phần tài liệu khả tín cho các sử gia Cao Đài mai hậu.
Ban Ấn Tống chân thành cảm tạ hiền tỷ Cao Bạch Liên (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo), Giáo Hữu Nguyễn Kim Dung (họ đạo Bát Quái Đồ Thiên, Hội Thánh Minh Chơn Đạo), Truyền Trạng Thanh Căn (Hội Thánh Tiên Thiên) đã cho phép sử dụng các bài viết; đặc biệt là hiền huynh Lê Quốc Việt (họ đạo Minh Xuân Quang, Hội Thánh Minh Chơn Đạo) đã cung cấp nhiều hình ảnh, tài liệu.
Tập sách nhỏ này sẽ không thể đến tay đông đảo đạo hữu, đạo tâm bốn phương nếu không có những tấm lòng son sắt nghĩa Đạo tình Thầy, suốt nhiều năm qua cứ âm thầm và liên tục công quả, góp nên nguồn kinh phí ấn tống dồi dào. Ban Ấn Tống trân trọng kính lời tri ân tất cả quý vị Mạnh Thường Quân và xin thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn ban hồng phúc đến tất cả mọi ân nhân của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Mùa Vu Lan năm Quý Tỵ
BAN ẤN TỐNG


([1]) http://www.caodaihatien.com; ngày 06-7-2012.
([2]) Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu.
([3]) Đông Hồ và biển Tây.
([4]) Đức Chí Tôn, Linh Thiên Quang, đêm 29 rạng 30-7 Bính Tý (14 rạng 15-9-1936).
([5]) (5b) http://www.caodaihatien.com
([6]) http://www.caodaihatien.com.
Rất may khi xưa chôn cất ngay hàng thẳng lối, phân biệt hai bên nam, nữ. Nhờ vậy sau này họ đạo Bát Quái Đồ Thiên có thể bốc cốt dễ dàng và thuận lợi.
([7]) (8) http://www.caodaihatien.com

*
   
PHƯƠNG THỨC NHẬN SÁCH BIẾU
Quý bạn đọc quan tâm sách này, có thể nhận sách biếu (miễn phí) qua bưu điện (nhưng quý bạn vui lòng trả cước phí cho bưu điện ngay khi nhận sách).
Liên lạc nhận sách biếu qua điện thư: daidaovanuyen@gmail.com
Quý bạn vui lòng cho biết đầy đủ họ và tên, địa chỉ rõ ràng (số nhà, đường ... + các chi tiết khác), số điện thoại.
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (hoạt động từ tháng 6-2008) rất hân hạnh tặng quý bạn sách này.

BAN ẤN TỐNG