Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CÓ MỘT TÌNH THƯƠNG 8/8


Thoát xác tại nhà riêng, số 166 Tự Đức, Sài Gòn, với ấn chứng mở mắt trái của hành giả Cao Đài Chiếu Minh (31-7-1974)

Chánh quả viên thành

Căn biệt thự ở số 20 đường Testard (cũng là Liên Hoa Đàn) đã giao lại cho bà Tám Dung trước khi đi Pháp (khoảng tháng 3-1954). Lúc hồi hương (1957), tiền bối Cao Sĩ Tấn ngụ tại số 166 đường Tự Đức,([1]) Sài Gòn. Nơi đây cũng là Ngọc Ánh Liên Đàn. Địa chỉ này là nơi tiền bối Cao Sĩ Tấn (thánh danh Kiến Thành) quy thiên ngày 31-7-1974 (13-6 Giáp Dần) vào giờ Dậu, với ấn chứng mở mắt trái của các hành giả Cao Đài Chiếu Minh.

Hơn ba tháng sau có đàn cơ tại Ngọc Ánh Liên Đàn, Đức Cao Đài Thượng Đế giáng lâm ân phong cho tiền bối quả vị là Đạo Hạnh Kim Tiên. Đây cũng là lần giáng cơ đầu tiên của tiền bối.   

*
Ngọc Ánh Liên Đàn
Tý thời, 01-10 Giáp Dần (14-11-1974)
THI
CAO kiến, cao văn yếu lý truyền,
ĐÀI minh chơn đạo độ người duyên,
THƯỢNG thừa huyền tẫn tâm không rỗng,
ĐẾ giáng ban ân trẻ sĩ hiền.
Thầy miễn lễ các con.
(…)
Đàn nay Thầy rất vui có một nguyên nhân quy hồi cựu vị. Thầy chứng lòng thành cầu nguyện của các con. Thầy ban ân cho các con biết Kiến Thành được đắc vị. Vì buổi sanh tiền đã hết lòng vì Thầy vì Đạo, chẳng nệ hà khổ sở, thử thách. Cuộc hành trình lập công bồi đức, nhiệt tâm thi hành đúng lời Thầy dạy. Nay Thầy ân phong Tiên vị là ĐẠO HẠNH KIM TIÊN.
Thầy cho giáng đàn để đôi lời với các con. Thầy thượng ỷ.
TIẾP ĐIỂN
THI
ĐẠO mạch tầm tu rất nhiệt tình,
HẠNH người lập đức phải hy sinh,
KIM thân nhờ luyện tròn chánh pháp,
TIÊN giáng nhắn lời thức nhục vinh.
Bần Đạo thân chào đàn tiền hiện diện các đạo hữu vô vi cũng như hữu hình. Bần Đạo xin có đôi lời nhắn nhủ các bạn hữu, môn đồ, cùng các dưỡng tử.
Từ ngày thoát tục được về cõi thanh nhàn, bệ chầu Ngọc Đế, nơi cựu quê cùng Tiên Phật vui vầy hạnh phúc. Khi còn ở thế nhiệt lòng vì Thầy vì Đạo, chẳng màng chữ lợi danh, giữ vẹn câu tu học trọn lành, nay mới đặng phục hồi ngôi vị.
Bần Đạo bỏ xác phàm trọng trược về cõi thượng giới, rõ luật Thiên Đình. Nay để đôi lời cùng chư vị: Lưới Trời tuy thưa mà chẳng lọt một mảy may, phước tội không sai chẳng sót. Mong rằng các bạn khá tận tụy với phận sự của mình, để rồi ngày kia chúng ta sẽ họp mặt tại cảnh Bồng Lai thì vui lắm lắm…
THI BÀI
Nay Bần Đạo hồi quy cựu vị,
Nhắc chư hiền chung trí toan lo,
Đạo mầu tu học nên trò,
Tiên bang được hưởng khỏi lo sang hèn.
Phải biết lối trắng đen thế sự,
Xét phận mình rồi tự tầm tu,
Vén hết các đám mây mù,
Tham sân, lục dục ngục tù thế gian.
Khuyên đạo hữu cùng hàng con cháu,
Ráng lập công hoài bão đức lành,
Hiệp hòa, nhẫn nhục, tịnh thanh,
Mới mong thoát hóa ân lành thượng thiên.
Lập chí lớn phải siêng tu học,
Luyện đắc thành như ngọc đặng trau,
Luyện kim phân định vàng thau,
Thượng thanh hạ trược kết giao lẽ nào.
Hàng môn đệ khá mau ghi nhớ,
Dưỡng tử thảo trẻ chớ lựa lần,
Dẹp dần tất cả tham sân,
Trên hòa, dưới thuận phụ thân được cười.
Tạm đôi lời thô thiển mong được tất cả quyến thuộc lưu tâm tìm hiểu.
Bần Đạo giã từ chư hiền. Thăng.

*
Thay lời kết
Xin phép quý độc giả cho tôi ghi lại đây đôi dòng gọi là thổ lộ tấm lòng với dưỡng phụ của tôi là bác sĩ Cao Sĩ Tấn.

Dưỡng phụ kính yêu,
Hôm nay con ghi chép lại đôi điều mà lòng con luôn hoài niệm về lý tưởng và công trình của dưỡng phụ lúc sanh tiền.
Đối với con, dưỡng phụ mãi mãi là một tấm gương sáng vừa cao cả vừa thân thương, gần gũi để cho con chiêm ngưỡng, và nguyện suốt đời cố gắng noi theo.
Dưỡng phụ đã sống vào thời kỳ mà thế giới đang có những cuộc cách mạng lớn của nhiều dân tộc. Trong đất nước mình cũng đang có mấy cuộc cách mạng… Là người trí thức ưu thời mẫn thế, dưỡng phụ cũng làm cách mạng, nhưng dưỡng phụ đi theo con đường riêng. Con nghĩ, đó là cuộc cách mạng bản thân mà dưỡng phụ suốt đời đã trung kiên thực thi cho đến ngày kết quả viên thành.
Hơn ba mươi năm trôi qua kể từ ngày dưỡng phụ lìa bỏ cõi trần (1974) con vẫn tiếp tục bước theo con đường của dưỡng phụ: con đường tu học.
Tuy giờ đây dưỡng phụ và con mỗi người một thế giới, nhưng những điều cao quý và thiện lành của dưỡng phụ con vẫn ghi nhớ. Nhớ đến dưỡng phụ con lại thấy hiện hình một tấm lòng bác ái rộng mở. Thật vậy, ở người con luôn luôn thấy Có Một Tình Thương, thương người và thương mình.
Bởi thương người cho nên dưỡng phụ đã tự nguyện lìa bỏ cuộc sống giàu sang, để khiêm tốn hòa nhập với cuộc sống lầm than của những dân nghèo lao động trong thời kỳ nước nhà chiến tranh loạn lạc để tận tụy giúp đỡ họ chẳng quản ngại gian truân, nguy hiểm.
Bởi thương mình giữa chốn luân hồi sanh tử nên dưỡng phụ đã dũng mãnh cắt đứt mọi ham luyến phàm trần, nhứt tâm thẳng tiến trên đường tịnh luyện để đắc thành chánh quả là Đạo Hạnh Kim Tiên.
Dưỡng phụ kính yêu,
Nhớ tưởng người xưa thì phải biết làm theo chí hướng của người xưa. Thế nên hôm nay con ấn tống rộng rãi tập sách Có Một Tình Thương này với ước nguyện những ghi chép mộc mạc của con sẽ nương nhờ vào ơn lành cứu độ Kỳ Ba mà đến được với những tâm hồn đồng thanh khí để cùng nhau hòa điệu thương yêu và thực hành sống đạo giữa cơn sàng sảy buổi hạ nguơn mạt kiếp.
Nhìn theo dấu chân dưỡng phụ còn lưu lại, con xin kính nguyện rằng:
Khuyến thiện nhơn sanh tỉnh mộng hồn,
Cầu cho thế giới phước sinh tồn,
An cư lạc nghiệp đời Nghiêu Thuấn,
Đạo đức dựng xây hết nạn dồn.
Tiết Xuân phân Ất Hợi (1995)
Tiết Đông chí Kỷ Sửu (2009)
BẠCH LIÊN HOA

(Huỳnh Thị Tín)





([1]) Thời Pháp thuộc là đường Maréchal Richard. Đến năm 1955 đổi tên là đường Tự Đức. Kể từ ngày 04-4-1985 là đường Nguyễn Văn Thủ.